Trang

Thứ Hai, 6 tháng 10, 2014

MÂN CÔI – KINH SUY NIỆM PHÚC ÂM

Tác giả: 
 Lm Vinh Sơn
Lễ Mân Côi
MÂN CÔI – KINH SUY NIỆM PHÚC ÂM
Lc 1, 26-56
“Mân Côi” có nghĩa là “hoa hồng”. Xuất phát từ chữ La tinh Rosarium có nghĩa là vườn hoa hồng. Với ý nghĩa mỗi câu kinh Kính Mừng như những đóa hoa hồng dâng lên Đức Mẹ Maria. Cho nên Kinh Mân Côi nghĩa là Kinh Hoa Hồng, do có tích truyện một vị tu sĩ khi đọc kinh Kính Mừng, Đức Mẹ đã lấy những nụ hoa hồng trên môi của thầy tu ấy kết thành vòng hoa đội lên đầu mình...

Mỗi lần hiện ra với con cái loài người khắp nơi trên thế giới, như ở Lộ Ðức (Pháp) năm 1858, ở Fatima (Bồ Ðào Nha) năm 1917, ở Banneux (Bỉ) năm 1933… Ðức Mẹ đều mang trên tay Chuỗi Tràng Hạt Mân Côi. Ðiều đó muốn nói lên tầm quan trọng của việc tôn thờ Thiên Chúa qua việc lần hạt Mân Côi. Ðặc biệt tại Fatima, một trong ba mệnh lệnh tối hậu mà Mẹ muốn nhắn nhủ con cái loài người là: « Chúng con hãy siêng năng lần hạt Mân Côi !»

Kinh Mân Côi tuy mang danh là để tôn kính Mẹ Maria, nhưng nguồn gốc và nội dung thâm sâu là tôn thờ Chúa Giêsu. Các mầu nhiệm về cuộc đời, sự chết và sự phục sinh của Chúa Giêsu được nhắc đi nhắc lại trong Kinh Mân Côi. « Những gì Chúa đã làm cho loài người chúng ta và cho phần rỗi chúng ta » là chính trọng tâm của Kinh Mân Côi. Ðức Giêsu «đầy phúc lạ », vì « Người đã yêu thương những kẻ thuộc về mình và Người yêu thương họ đến cùng » (Ga 13,1). Kinh Mân Côi bao gồm những kinh được trích dẫn từ trong Phúc Âm : Kinh Lạy Cha là kinh chính Chúa Giêsu đã dạy các môn đệ Người phải đọc khi cầu nguyện, hay nói đúng hơn, đó là cách thức Chúa Giêsu dạy các môn đệ cầu nguyện (Mt 7,7-14). Trong tông thư Marialis cultus, Ðức Phaolô VI viết: «Là kinh nguyện dựa trên Phúc Âm mà trọng tâm là mầu nhiệm Nhập Thể Cứu Chuộc, Tràng Hạt Mân Côi vì vậy có chiều hướng rõ rệt quy hướng về Ðức Kitô. Ðặc điểm quan trọng nhất của Kinh Mân Côi là việc lặp đi lặp lại Kinh Kính Mừng, và như thế là lặp đi lặp lại lời ca ngợi Ðức Kitô, đối tượng tối hậu của lời chào Thiên Sứ khi truyền tin và lời chào của thánh nữ Elisabeth dành cho Ðức Mẹ: ‘Con lòng Bà đây ơn phúc.' Kinh Kính Mừng là bối cảnh cho việc suy ngắm các mầu nhiệm: Trong mỗi Kinh Kính Mừng, Chúa Giêsu là chính Ðấng mà các mầu nhiệm tuần tự nhau đưa ra cho ta chiêm ngắm, như: Con Thiên Chúa, Con Ðức Trinh Nữ, được sinh ra trong hang đá Bêlem, được dâng vào đền thờ, trong tuổi niên thiếu đã hăng hái lo việc của Cha, sầu khổ trong vườn cây dầu, bị đánh đòn và bị đội mão gai, bị vác thập giá và chịu chết trên núi sọ, phục sinh và lên Trời ngự bên cạnh Chúa Cha trong vinh quang hầu tuôn đổ ơn Thánh Linh xuống tràn trề… Qua Ðức Kitô, Thiên Chúa Cha được ca ngợi, vì chính Người « đã quá yêu thương thế gian đến nỗi đã ban Con Một mình làm hy lễ đền tội cho thế gian » (Ga 3,16). Cho nên, sau cùng, Kinh Sáng Danh là kinh cô đọng những lời chúc tụng Thiên Chúa Ba Ngôi của các Thiên Sứ và của các ngôn sứ, như trong đêm Giáng sinh: «Vinh danh Thiên Chúa trên các Tầng Trời…»

Thật thế, Kinh Mân côi cùng với mẹ Maria, chúng ta suy gẫm về các mầu nhiệm của cuộc đời Đấng Cứu Thế. Ban đầu suy niệm qua ba chuỗi :

  • Năm sự Vui : Mẹ đón nhận truyền tin mang thai Đấng Cứu Thế, thăm viếng và giúp đỡ chị họ Elisabeth, đến sinh con, vui dâng con nơi đền thánh, lạc con và vui tìm thấy.
  • Năm sự Thương: cùng Mẹ suy niệm Cuộc thương khó của con Mẹ, bắt đầu từ biến cố hấp hối trong vườn cây dầu, vác thập giá và chết tang thương trên Thập Tự.
  • Năm sự Mừng : Đức Kitô con Mẹ Phục sinh lên Trời, hồng ân Thánh linh Hiện xuống và chính Mẹ được hưởng vinh quang Thiên Quốc.

Đức Giáo Hoàng Pio XII (triều đại Giáo Hoàng 1939 – 1958) đã khẳng định: chuỗi Mân Côi “là một bản tóm lược của toàn bộ Phúc Âm” (AAS 38 [1946] trang 419). Tất cả các mầu nhiệm của Kinh Mân Côi được rút ra từ Tân Ước và đặt trọng tâm vào các sự kiện chính của Mầu Nhiệm Nhập Thể và Cứu Chuộc Phuc sinh.

Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II đã nói: “Thật vậy, trước bức phông có những lời ‘Kính Mừng Maria’ linh hồn thấy hiện lên trước mắt những cảnh đời chính của Chúa Giêsu Kitô. Những cảnh đời này hợp lại thành những mầu nhiệm vui, thương và mừng, và chúng giúp chúng ta sống hiệp thông với Chúa Giêsu, có thể nói, nhờ trái tim của Mẹ Người” (ĐTC GPII: Huấn Từ Truyền Tin Chúa Nhật 29/10/1978).Và đến cuối thế kỷ XX, Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II thêm Năm sự Sáng: Những mầu nhiệm ánh sáng ấy bao gồm đời sống công khai của Đấng Cứu Thế, từ biến cố phép rửa ở sông Giocđan cho đến khi bắt đầu cuộc Khổ Nạn.

Kinh Mân Côi là phương thế giúp cho người tín hữu thêm đức tin, sự can đảm và đến chiến thắng :

Trước trận chiến Lepanto giành lại hải cảng quan trọng tại Hy Lạp ăn thông ra vịnh Côritô mà người Hồi giáo xâm chiếm từ năm 1498, Đức Giáo Hoàng Pio V đã kêu gọi toàn thể các tín hữu Công Giáo đọc kinh Mân Côi để khẩn nài Đức Trinh Nữ Maria cầu bầu cho sự toàn an của Giáo Hội. Ngài cũng truyền cho các binh sĩ mang theo chuỗi hạt Mân côi luôn cầu nguyện khi chiến đấu. Ngày Chúa Nhật thứ nhất trong tháng 10 năm 1571 ngày 7 tại Rôma, Hội Huynh Đệ Mân Côi tổ chức cuộc rước kiệu trọng thể tôn vinh Đức Mẹ Maria.

Cũng sáng Chúa Nhật tại Hải cảng Lepanto, ngày 7 tháng 10  hạm đội Kitô Giáo ít ỏi nhưng giao chiến đội quân Thổ Nhĩ Kỳ hung hãn. Bị bất lợi cả về quân số lẫn thời tiết, vì gió đang thổi tạt vào quân liên minh Kitô, nên mọi hỏa lực của liên minh Kitô tấn công đều phản tác dụng và hỏa lực của địch tấn công lại gấp đôi công dụng, gây cho hàng ngũ liên minh Kitô giáo bị rối loạn ban đầu. Bỗng nhiên lạ kỳ cơn gió đổi chiều, làm hỏa lực của quân Kitô giáo tăng tác dụng và hỏa lực của Hồi giáo quay sang “gậy ông đập lưng ông“

Trận kịch chiến kéo dài 5 giờ đồng hồ hạm đội Kitô Giáo đã chiến thắng lẫy lừng, phá tan năm mươi chiến thuyền Thổ nhĩ kỹ và bắt được trên một trăm chiếc khác và giải thoát cả chục ngàn tù binh Kitô giáo, trong khi lực lượng Kitô Giáo chỉ tổn thiệt có mười hai chiếc. Chiến thắng này mang lại quyền kiểm soát biển Địa Trung Hải cho Liên minh, bảo vệ Roma khỏi nguy cơ xâm lược, đồng thời ngăn cản bước tiến của Đế chế Ottoman cũng có nghĩa là ngăn chặn được họa Hồi giáo vào sâu nội địa châu Âu. Vào thời điểm đó ở Rôma, Đức Piô V đang họp với Giáo triều, Ngài lo lắng về tình hình chiến sự, Ngài đứng lên và đến bên cửa sổ nhìn về hướng đang xảy ra chiến sự, và bất thần trở lại vào Hội nghị với vẻ mặt hân hoan và loan báo với các đức Hồng Y Giám mục: chúng ta tạ ơn Chúa vì quân ta đã chiến thắng…

Đức Giáo Hoàng Piô V đã xác tin rằng chiến thắng là nhờ sức mạnh đến từ “vũ khí” của chuỗi Mân côi hơn là do đại bác và sự dũng cảm của quân đội chiến đấu. Để tạ ơn Thiên Chúa qua lời bầu cử của Đức Maria và ghi nhớ chiến thắng diệu kỳ trong trận chiến Lepanto, Đức Piô V thiết lập lễ Đức Mẹ chiến thắng vào chính ngày 07/10. Chiến thắng diệu kỳ nhờ Mẹ Maria cầu bầu trong kinh Mân côi, vì thế sau này lễ Đức Mẹ Chiến thắng đổi thành lễ Đức Mẹ Mân Côi.

Đức Trinh nữ Maria, người Mẹ được Thiên Chúa ban cho nhân loại khi Đức Giêsu trối lại cho Thánh Gioan, mà Tin Mừng ghi nhận lại: « Đức Giê-su nói với thân mẫu rằng: "Thưa Mẹ, đây là con của Mẹ." Rồi Người nói với môn đệ: "Đây là mẹ của anh." Kể từ giờ đó, người môn đệ rước bà về nhà mình” (Ga 19,26b-27). Mẹ Maria là mẹ của nhân loại, mẹ của những người tin vào Chúa. Tấm lòng của Mẹ luôn trải rộng để đón các con cái mình, dù ở phương trời nào, khắp mọi chủng tộc, Mẹ đều đón nhận đưa về với Chúa. Hãy chạy đến bên Mẹ nhờ Mẹ chỉ cho con đường đến với Con của Mẹ đấng là Đường là sự thật và là sự sống (x.Ga 14,6).

Chúng ta qua kinh Mân Côi trong mọi ngày, đặc biệt là tháng 10 – tháng Mân côi suy gẫm với Mẹ Maria những mầu nhiệm cuộc đời Đấng Cứu Thế, mà Mẹ như một người mẹ đã luôn suy gẫm trong lòng mình (x. Lc 2,19) (Osservatore Romano, 44; 30 tháng 10 năm 1979):

Mân Côi con tiếp nguyện luôn
Vui, Thương, Mừng, Sáng gẫm đường Chúa đi
Hai mươi mầu nhiệm tạc ghi
Từ khi Chúa đến tới khi Mẹ về…
                      (theo Hoài Việt)

                                                                                                Lm. Vinh Sơn.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét