Trang

Chủ Nhật, 16 tháng 11, 2014

BẢN GHI NHỚNHỮNG TIÊU CHÍ THỰC HIỆN VÀ LƯỢNG GIÁ Điều 6




BẢN GHI NHỚ

NHỮNG TIÊU CHÍ THỰC HIỆN VÀ LƯỢNG GIÁ 

Điều 6


Khi dạy giáo lý phải tập cho các học viên giáo lý tham gia phụng vụ và có được những thói quen đạo đức trong đời sống hằng ngày; quan tâm đến các vấn đề xã hội và tham gia các hoạt động xã hội nhằm xây dựng thiện ích chung theo Tin Mừng.

YÊU CẦU I

Nhìn lại nhiệm vụ giáo dục phụng vụ và huấn luyện luân lý của việc dạy giáo lý.

GIÁO HUẤN GIÁO HỘI
HDTQ 85

Hội Thánh tha thiết ước mong toàn thể tín hữu được dẫn vào việc tham dự trọn vẹn, ý thức và linh động mà chính bản chất phụng vụ cũng như phẩm cách của chức tư tế cộng đồng đòi hỏi. Vì vậy, việc dạy giáo lý không những phải giúp hiểu biết ý nghĩa của phụng vụ và các bí tích, mà còn phải dạy các môn đệ của CGS “cầu nguyện, tạ ơn, sám hối, biết cầu nguyện với niềm tín thác, tinh thần cộng đoàn, ngôn ngữ của các biểu tượng …” Tất cả những điều đó cần thiết cho đời sống phụng vụ… Việc dạy giáo lý phải truyền đạt cho các môn đệ thái độ sống của CGS… được thâu tóm trong Bài giảng trên núi trong đó Ngài nhắc lại Thập Giới và ghi dấu tinh thần Bát Phúc, một tham chiếu không thể bỏ qua trong việc giáo dục luân lý.

NVTM 24

Hân hoan loan báo Tin Mừng trở thành cái đẹp của phụng vụ, như một phần mối quan tâm hằng ngày của chúng ta trong việc làm lan tỏa lòng nhân hậu của Thiên Chúa. Hội Thánh vừa giảng Tin Mừng vừa được nghe giảng Tin Mừng qua vẻ đẹp của phụng vụ, vì phụng vụ vừa là cử hành công việc rao giảng Tin Mừng, vừa là nguồn mạch canh tân hành vi trao hiến của Hội Thánh.

TIÊU CHÍ
  1. chương trình giáo lý gắn liền với Năm Phụng Vụ,
  2. giúp học viên yêu mến và gắn bó với Chúa qua cử hành phụng vụ,
  3. giúp học viên tham dự phụng vụ một cách ý thức, sống động và tích cực,
  4. giúp học viên sống mầu nhiệm Vượt Qua nhờ hiểu và giữ Mười Điều Răn, hiểu và sống tinh thần Bát Phúc,
  5. giúp học viên tập luyện các nhân đức và sống theo sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần.

YÊU CẦU II

Nhìn lại chiều kích xã hội của việc dạy giáo lý: sự quan tâm và dấn thân xã hội.

GIÁO HUẤN GIÁO HỘI
HDTQ 147

Một đàng giảng viên giáo lý giúp con người mở ra với chiều kích tôn giáo của đời sống, đàng khác, một cách nào đó họ giới thiệu Tin Mừng, để rồi Tin Mừng thấm nhiễm và biến đổi những thái độ của trí tuệ, lương tâm, tự do, hành động của con người, làm cho cuộc đời trở thành một hiến thân, theo gương CGS.Kitô.

TH. NVTM 176-185

Loan báo Tin Mừng là làm cho Vương Quốc Thiên Chúa hiện diện trong thế giới hôm nay. Từ tâm điểm của Tin Mừng chúng ta thấy mối liên kết sâu xa giữa loan báo Tin Mừng và thăng tiến con người. Chúng ta đã có một công cụ thích hợp nhất để suy tư về các vấn đề xã hội, đó là cuốn Toát yếu Học thuyết Xã hội của HTCG. Vì thế, ĐTC Phanxicô muốn tập trung vào hai vấn đề lớn: vấn đề thứ nhất là sự bao gồm người nghèo trong xã hội và vấn đề thứ hai là hòa bình và đối thoại xã hội.

Vấn đề người nghèo đòi hỏi chúng ta phải mở lòng và chăm chú lắng nghe tiếng kêu của người nghèo (vô gia cư, nghiện ngập, tỵ nạn, dân tộc, người già, di dân, phụ nữ, trẻ em, thai nhi…) và đến cứu giúp họ, hoàn trả lại cho họ những gì thuộc về họ như giúp họ được hưởng một nền giáo dục, chăm sóc ý tế và trên hết là việc làm… Sự dấn thân của chúng ta không chỉ duy nhất hệ tại các hoạt động hay chương trình thăng tiến và cứu giúp, mà còn là trân trọng người nghèo trong lòng tốt của họ, kinh nghiệm cuộc đời, văn hóa và cách sống đức tin của họ.

Vấn đề hòa bình không được hiểu là sự bình định hay vắng bóng bạo lực, không có chiến tranh, nhưng là sự phát triển nền văn hóa của sự gặp gỡ trong hòa bình và đa dạng. Nó đòi hỏi chúng ta kiên trì , hiệp nhất, thực tiễn và mở ra chân trời mới cho đối thoại với chính quyền, xã hội và các tôn giáo.

TIÊU CHÍ
  1. giúp học viên biết sống công bằng, hoàn trả cho người khác những gì thuộc về họ,
  2. giúp học viên biết quan tâm và giúp đỡ người khác, nhất là những người nghèo khổ, bệnh hoạn và tật nguyền,
  3. giúp học viên biết tôn trọng người khác với lối suy nghĩ và cách sống của họ, gặp gỡ và đối thoại, lắng nghe, cảm thông và hòa giải,
  4. giúp học viên biết đọc các dấu chỉ của thời đại; tham gia và hợp tác vào việc xây dựng thiện ích chung, kiên trì theo đuổi mục tiêu xây dựng con người, bảo vệ và thăng tiến các quyền của con người;
  5. giúp học viên biết kiến tạo sự hiệp nhất và bình an bằng lời nói, thái độ và việc làm, đồng thời chấp nhận cái giá phải trả của nó. (còn tiếp).
Tác giả: Ban Giáo Lý VN
Nguồn: giaolyductin.net

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét