Trang

Thứ Năm, 6 tháng 11, 2014

Câu hỏi của Đức Maria-phải chăng là một lời khấn hứa?

Câu hỏi của Đức Maria-phải chăng là một lời khấn hứa?


Trình thuật Truyền tin cho Đức Maria (Lc 1,26-38) là một bản văn rất quen thuộc đối với người tín hữu. Bản văn này được dùng nhiều lần trong năm phụng vụ, đặc biệt  trong các lễ: Truyền Tin (25/3), Mân Côi (7/10), Đức Maria Nữ Vương (22/8), và Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội (8/12). Trong tháng mười, nhân dịp lễ Mân Côi, đọc lại bản văn này với suy tư của giáo sư Edward P. Sri, cũng là một cách để học hỏi, tìm hiểu thêm trình thuật nổi tiếng này.
"Làm sao điều này có thể  được vì tôi không biết  đến người nam" (Lc 1,34)
Trong trình thuật Truyền tin, Đức Maria chỉ có một câu hỏi duy nhất dành cho sứ thần Gabrien. Và đó lại là câu hỏi cung cấp một khung cửa xinh đẹp để đi vào đời sống thiêng liêng độc đáo của Đức Trinh nữ Maria, nhưng có một điều là chúng ta có thể không nhận ra nếu chúng ta không đọc trình thuật Truyền tin một cách kỹ lưỡng.
Đức Maria nói với sứ thần, "Làm sao điều này có thể được vì tôi không biết đến người nam" (Lc 1,34).[1]
Hai khía cạnh quan trọng sẽ giúp chúng ta đánh giá tốt hơn ý nghĩa câu hỏi của Đức Maria. Trước hết, vào lúc này trong câu chuyện,  chúng ta biết rằng Đức Maria là một trinh nữ đã đính hôn -betrothed- với ông Giuse, nghĩa là bà đang ở giai đoạn đầu của cuộc hôn nhân. Bà thực sự đã cưới Giuse nhưng chưa chung sống với ông, vì bà chưa đi vào giai đoạn hai của cuộc hôn nhân được biết như là "sống chung với nhau," điển hình là khi người chồng và người vợ sẽ bắt đầu sống trong cùng một nhà và có sự hoàn hợp (consummate) trong hôn nhân.
Kế  đến, Đức Maria đã được sứ thần Gabrien bảo rằng trong tương lai, vào một lúc nào đó, bà sẽ sinh hạ một người con, người con ấy sẽ là Con Vua Đavít, là Đấng Mêsia-Đức Vua. Xin lưu ý thì tương lai được dùng ở đây: "Bà sẽ thụ thai và sinh hạ một người con" (Lc 1,31). Cho tới bây giờ, sứ thần Gabrien vẫn chưa đưa ra một chỉ dẫn nào về việc thụ thai sẽ xảy ra ngay bây giờ hay trong một tương lai gần. Thật ra, thời gian biểu hoàn toàn mở ngỏ. Không cung cấp bất cứ một thời gian đặc biệt nào, sứ thần chỉ đơn giản báo tin cho Maria rằng bà sẽ thụ thai con trẻ vào một lúc nào đó trong tương lai.
Bây giờ có thể xem xét điều này: nếu Đức Maria chỉ là một người Do-thái bình thường đã đính hôn- đang lên chương trình ăn ở với nhau trong cuộc hôn nhân một khi bà đạt tới giai đoạn chung-sống-với nhau- vậy bà chờ đợi một sự mang thai như thế sẽ xảy ra khi nào? Trong những lời khác, nếu một phụ nữ đã đính hôn vào thế kỷ đầu được một ngôn sứ báo tin cho biết bà sẽ có con vào một lúc nào đó trong tương lai, thì người phụ nữ ấy sẽ chờ đợi một sự mang thai như vậy bắt đầu vào lúc nào? Có thể đoán là vào một lúc nào đó sau khi đính hôn - sau khi đến với nhau, khi mà quan hệ phái tính được phép. Người ta đã nói đến trường hợp một phụ nữ bình thường đã đính hôn, thì việc công bố mang thai như thế sẽ là điều bình thường đối với đời sống hôn nhân tương lai của bà ấy, sau khi hoàn hợp.
Phải chăng là Lời khấn đồng trinh?
Dưới ánh sáng này, câu hỏi của Đức Maria có vẻ như khá đặc biệt: "Làm sao điều này có thể được vì tôi không biết đến người nam?" Nếu Đức Maria đang lên chương trình cho sự hoàn hợp trong cuộc hôn nhân của bà với Giuse trong một tương lai gần, thì câu trả lời cho câu hỏi của bà sẽ là hiển nhiên. Trong khi ngay lúc này bà không có quyền mang thai (vì bà chưa "biết" đến chuyện vợ chồng), nếu Đức Maria có ý định biết Giuse sau khi chung sống với nhau, thì rõ ràng là bà sẽ có thể có một hài nhi vào lúc ấy. Vì thế, nếu Đức Maria lên chương trình hoàn hợp trong cuộc hôn nhân của mình với Giuse, câu hỏi của bà - "Làm thế nào điều này có thể được vì tôi không biết đến người nam?"- không làm cho ý nghĩa nên đơn giản.
Đây là lý do tại sao một số Giáo phụ và Tiến sĩ Hội thánh đã thấy trong câu hỏi của Đức Maria một chỉ dẫn cho thấy rằng bà không có ý định đi vào sự hoàn hợp trong cuộc hôn nhân của mình. Theo viễn tượng này, Đức Maria nêu câu hỏi của mình vì bà đã lấy quyết định giữ đồng trinh suốt đời. Quan điểm này, đã được đẩy tới bởi các nhà thần học như thánh Âu-tinh, Tôma Aquinô, và thánh Bônaventura (và thậm chí cả Martin Luther), giải thích câu hỏi của Đức Maria không như một sự ngờ vực, nhưng là một cách tìm kiếm làm sáng tỏ chuyện bà có thể mang thai thế nào được nếu bà đã dâng mình cho Chúa trong bậc đồng trinh.
Một trong những đề xuất sớm nhất về điểm này là của thánh Gregoriô thành Nyssa, ngài chỉ ra là làm thế nào câu hỏi của Đức Maria khiến mất ý nghĩa trên môi miệng của một phụ nữ đã đính hôn - trừ phi bà đã thực hiện một số ưu tiên cho bậc sống đồng trinh lâu dài. Sau hết, là tại sao bà lại nêu câu hỏi này nếu bà đang có ý định có hành vi phái tính với Giuse?
Vì nếu Giuse lấy bà làm vợ mình, với mục đích có con cái thì tại sao bà lại tự nêu vấn nạn ở lời công bố về mẫu tính, vì không phải chính bà đã chấp nhận trở thành mẹ theoLuật tự nhiên hay sao?
Nhưng dường như đó là điều cần thiết  để bảo vệ thân xác được hiến thánh cho Thiên Chúa như  một sự hiến dâng nguyên vẹn và thánh thiện, vì lý do này, bà khẳng định, mặc dù ngài là sứ thần đến từ trời và mặc dù hiện tượng này là ngoài khả năng của người nam, tuy nhiên đó là điều không thể đối với tôi để biết người nam. Làm thế nào tôi có thể trở thành một người mẹ mà không [biết] đến người nam? Vì cho dù tôi xem Giuse là chồng tôi thì tôi vẫn không biết đến người nam cơ mà.[2]
Đức giáo hoàng Gioan Phaolô II đã đưa ra một kết luận tương tự, ngài dạy rằng trước lâu biến cố Truyền Tin, trái tim của Đức Maria đã ý hướng về đời trinh khiết như Thánh Thần đã gợi lên trong bà một ước muốn hiệp thông trọn vẹn với Thiên Chúa như tân nương Trung Tín của Người.
Không có Tin Mừng hay không có bất cứ một bản văn Tân Ước nào khác nói  cho chúng ta biết khi nào Đức Maria quyết định giữ mình đồng trinh. Tuy nhiên, điều hiển nhiên là từ câu hỏi của Đức Maria với sứ thần vào thời điểm truyền tin rằng bà đã đi đến một quyết định rất vững chắc. Đức Maria không do dự bày tỏ ước muốn của mình giữ gìn sự trinh khiết ngay cả khi lý do chức năng làm mẹ đã được đề nghị cho bà, điều ấy đang tỏ cho thấy rằng ý định của bà đã chín muồi trong một thời gian lâu dài.[3]
Tôi không hút thuốc
Theo ĐGH Gioan Phaolô II, khi câu hỏi của Đức Maria được nhìn trong ánh sáng này, lời khẳng định của bà về chuyện không biết đến người nam chỉ ra thêm nữa ý định của bà là giữ mình đồng trinh. Ngài lưu ý cách thức diễn tả của Đức Maria về việc không "biết" người nam ở trong thì hiện tại, điều ấy "mạc khải sự vĩnh viễn và liên tục" về tình trạng trinh khiết của bà. Đức Maria nói rằng bà không biết đến người nam theo nghĩa là bà không có ý định biết đến người nam.
Hãy sử dụng phương pháp loại suy: Nếu một ai đó nói với tôi, "trong tương lai anh sẽ chết vì bệnh ung thư phổi," và tôi trả lời, "Làm thế nào điều này có thể được vì tôi không hút thuốc?" câu trả lời của tôi không chỉ là mô tả một trường hợp hiện nay ("ngay lúc này tôi không để xảy ra việc hút thuốc"). Đúng ra, điều này chỉ cho thấy một ý định lâu dài nơi bản thân tôi để tránh hút thuốc ("hút thuốc không phải là điều gì đó mà tôi từng có ý định thực hiện"). Một cách loại suy, lối diễn tả của Đức Maria "tôi không biết đến người nam"- khi được nhìn trong bối cảnh rộng lớn hơn của trình thuật Truyền Tin- đưa ra thêm nữa những đề nghị về sự cam kết của bà giữ sự đồng trinh cho phần đời còn lại của bà.
Vậy thì  tại sao Đức Maria lại lập gia đình?
Trong khi sự cam kết của Đức Maria giữ sự trinh khiết  làm cho phần lớn ý nghĩa vượt ra ngoài câu hỏi của bà, thông thường có hai phản đối nổi lên. Phản ứng thứ nhất, một số bác bỏ rằng người Do thái vào thế kỷ đầu đã không giữ sự trinh khiết như một lý tưởng tôn giáo. Cựu Ước nhấn mạnh việc có nhiều con cái là một phúc lành và lưu ý chết mà không có con được biết như một điều gì đó cần khóc than.
Tuy nhiên, người ta có thể trả lời bằng cách giải thích rằng trong khi cam kết giữ trinh khiết không phải là chuyện phổ thông vào thời đại Giuđa cổ, điều đó chưa từng nghe thấy. Ngôn sứ Giêrêmia được Thiên Chúa kêu gọi sống độc thân (x. Gr 16,1). Gioan Tẩy Giả, thánh Phaolô và chính Đức Giêsu vẫn sống độc thân. Nhiều thành viên của một giáo phái Do thái được biết đến như Essenien đã thực hành sống độc thân. Ngay ởcả rõ ràng có ít nhất một số phụ nữ Do thái vẫn giữ mình đồng trinh bởi quyết định của riêng họ. Vì thế, trong khi sự trinh khiết chẳng phải là vì lý tưởng tôn giáo lan rộng, họ vẫn đang giữ sự trinh khiết để phục vụ Thiên Chúa không phải là hoàn toàn chưa từng có trong thế kỷ đầu của thế giới Do thái mà Đức Maria đã sống trong đó. Nếu những người này đã tự nguyện sống sự trinh khiết lâu dài, thì không có lý do nào mà loại trừ khả năng Đức Maria cũng đang sống như thế.
Một vấn nạn thứ hai thường được khơi lên là, "Tại sao Đức Maria chấp nhận cuộc đính hôn với Giuse nếu ngài đã có ý định giữ mình đồng trinh?" Nhiều giải thích khác nhau được đưa ra cho cuộc hôn nhân độc đáo này. Có lẽ vì một phụ nữ giữ mình độc thân không phải là một điều thuận lợi trong thế giới Giuđa cổ như ngày hôm nay, hôn nhân sẽ cung cấp sự vững chắc về kinh tế và an toàn xã hội cho Maria. Có lẽ cuộc hôn nhân đã được sắp xếp. Có lẽ sẽ giải phóng Maria khỏi những người nam khác đang tìm kiếm sự khéo léo của ngài trong hôn nhân và như vậy bảo vệ được lời thề hứa của mình. Có lẽ Thiên Chúa dẫn đưa Maria đi vào cuộc hôn nhân bởi vì sự quan phòng của Người, Người đã muốn bảo vệ thanh danh của bà cho tương lai, vào lúc bà sẽ mang thai bởi Thánh Thần. ĐGH gioan Phaolô II cũng đã suy nghĩ về vấn nạn này và đã đưa ra đề nghị của riêng ngài:
Chúng ta có thể suy nghĩ là tại sao bà lại chấp nhận cuộc đính hôn, vì bà có ý định giữ mình đồng trinh mãi mãi... Có thể giả thiết rằng vào lúc cuộc đính hôn của họ đã có một sự hiểu biết giữa Giuse và Maria về chương trình sống như một trinh nữ. Hơn bao giờ hết, Chúa Thánh Thần, Đấng đã linh hứng cho Maria chọn sự trinh khiết vì mầu nhiệm Nhập thể và Đấng ấy đã muốn sau này chuyện ấy diễn ra trong một gia đình được sắp đặt thích hợp cho sự tăng trưởng của hài nhi, thì hoàn toàn có thể cũng thông truyền cho Giuse lý tưởng về sự trinh khiết.[4]
Quyền năng của Đấng Tối Cao
Khi Gabrien trả lời câu hỏi của Maria, sứ thần cung cấp một bức tranh vẹn toàn hơn về sự thụ thai lạ thường này và con trẻ bà sẽ cưu mang. Sứ thần Gabrien nói, "Thánh Thần sẽ ngự xuống trên bà, và quyền năng của Đấng Tối Cao sẽ rợp bóng trên bà, vì thế, Đấng Thánh sắp sinh ra sẽ được gọi là Con Thiên Chúa" (Lc 1,35).
Những lời này mạc khải nguồn gốc thần linh của hài nhi. Đức Maria biết rằng bà sẽ không mang thai trẻ này qua những tương quan phái tính tự nhiên, nhưng bởi Chúa Thánh Thần. Và đây là lý do tại sao hài nhi sẽ được gọi là "Con Thiên Chúa"- Đây không phải chỉ là một quy chiếu nhắm đến chức năng của Người trong tư cách là Đấng Mêsia (như các vị vua thuộc dòng dõi Đavít được mô tả như là các con Thiên Chúa), nhưng về cơ bản còn hơn thế nữa, trong sự liên kết với sự thụ thai do Thánh Thần Thiên Chúa.
Một phần thú vị khác trong sứ điệp của sứ thần Gabrien là cách thức sứ thần nói với Maria, "quyền năng của Đấng Tối Cao sẽ rợp bóng trên bà" (Lc 1,35). Động từ "rợp bóng" trong tiếng Hy-lạp (episkiazein) là cùng một từ được dùng trong bản dịch Hy-lạp cổ của Cựu Ước để mô tả đám mây về sự hiện diện của Thiên Chúa rợp bóng trên Nhà tạm tại Núi Sinai (Ex 40,35; Ds 9,18. 22), và cho cùng một đám mây của vinh quang Thiên Chúa rợp bóng trên Israen khi dân rời Sinai (Ds 10,34, 36) và đám mây rợp bóng Núi Sion cho những lễ tế của dân Do-thái (Is 4,5). Vì thế, khi sứ thần nói, "Quyền năng của Đấng Tối Cao sẽ rợp bóng [episkiasei] trên bà" sứ thần đang chỉ cho thấy rằng cùng một quyền năng này của Thiên Chúa giờ đây rợp bóng trên nhà tạm mới, chiếc bình đựng mới mẻ về sự hiện diện thánh của Thiên Chúa- là Đức Trinh Nữ Maria, đấng sẽ cưu mang trong lòng vị Thiên Chúa làm người.
Tiếng Xin Vâng của Đức Maria: một lời khấn của người yêu
Chúng ta không biết gì nhiều về việc Đức Maria đang nghĩ gì khi ngài nghe thấy tất cả điều này từ sứ thần Gabrien. Nhưng bạn hãy tự đặt mình vào vị trí của ngài. Vào giữa một ngày bình thường, đột nhiên một sứ thần hiện ra. Chỉ có một mình sẽ là điều hoàn toàn bất ngờ. Sau đó, sứ thần chào bà và nói, "Đức Chúa ở cùng bà" và "bà đẹp lòng Thiên Chúa"- hai cách diễn tả theo kiểu Cựu Ước cho thấy rằng Đức Maria đang được kêu gọi đi vào một sứ vụ quan trọng và khó khăn nhân danh Dân Thiên Chúa. Rồi, sứ thần nói rằng bà sẽ hạ sinh một hài nhi và hài nhi này sẽ là Đấng Mêsia- Đức Vua được chờ đợi từ lâu, Đấng sẽ hoàn tất mọi lời ngôn sứ về Triều đại Đavít. Và nếu điều ấy chưa đủ, thì sứ thần cũng báo cho Maria biết rằng bà sẽ mang thai hài nhi này theo cách thế mà trước đây chưa bao giờ xảy ra- không bởi các tương quan phái tính, nhưng do quyền năng Thánh Thần. Sau cùng, trên tất cả mọi chuyện này, sứ thần Gabrien loan báo rằng hài nhi, con của bà chính Ngài sẽ là Con Thiên Chúa.
Đó quả là số phận đáng sợ để đón nhận được khởi đi từ một cuộc đối thoại ngắn ngủi với sứ thần!
Chỉ  có một tí dấu vết chúng ta nhận được về những gì Đức Maria đang trải nghiệm trong những khoảnh khắc mấu chốt này trước khi cuộc Nhập Thể là lời đáp trả của ngài: "Tôi là nữ tì của Chúa; xin hãy thực hiện cho tôi theo lời của ngài" (Lc 1,38). ĐGH Gioan Phaolô II và các vị khác đã chỉ ra cho thấy là làm thế nào câu nói "hãy làm cho tôi" của Đức Maria không phải là một sự chấp nhận thụ động ý định của Thiên Chúa, nhưng là một sự chấp nhận tích cực, yêu thương đón lấy ý Chúa trọn vẹn. Đức Maria không chỉ quy phục chương trình của Thiên Chúa; mà ngài nóng lòng thực hiện chương trình ấy, "xin thực hiện theo ý của ngài."[5] Đức Maria đáp trả như một người yêu, một khi ngài nhận ra điều ấy trong trái tim đầy yêu thương của ngài, thì hăng hái tìm cách lấp đầy khát vọng của người mình yêu. Chớ gì chúng ta trở nên giống Đức Maria hơn nữa trong khi tiếp cận ý định của Thiên Chúa không chỉ như một người tôi tớ, nhưng như một người yêu tìm cách thoả mãn khát vọng của trái tim Thiên Chúa.
Edward P. Sri
Antôn Vũ Hữu Lệ (dịch) trong Lay Witness Magazine tháng 5/6-2007
-------------
[1] Author's translation from the Greek.
[2] St. Gregory of Nyssa, On the Holy Generation of Christ, PG 46, 1140 C-1141 A, as cited in L. Gambero, Mary and the Fathers of the Church (San Francisco: Ignatius Press, 1999), p. 157.
[3] John Paul II, General Audience, August 7, 1996, as cited in John Paul II, Theotokos (Boston: Pauline Books and Media, 2000), p. 124.
[4] John Paul II, General Audience, August 21, 1996, as cited in John Paul II, Theotokos (Boston: Pauline Books and Media, 2000), pp. 127-28.
[5] John Paul II, General Audience, September 4, 1996, as cited in John Paul II, Theotokos (Boston: Pauline Books and Media, 2000), p. 135.
http://www.ofmvn.org/tac-pham/hinh-anh/626-cau-hoi-cua-duc-maria-phai-chang-la-mot-loi-khan-hua

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét