Trang

Thứ Năm, 20 tháng 11, 2014

Có cần thiết chăng, một nền thần học Công giáo Việt Nam?

Có cần thiết chăng, một nền thần học Công giáo Việt Nam?

Share
theology
Một số đông giáo dân (và có lẽ một số không ít các linh mục), tuy không nói ra, nhưng vẫn nghĩ rằng chúng ta chỉ cần giữ các giới răn của Thiên Chúa, thì cũng đủ để rỗi linh hồn rồi, cần gì nói đến thần học cho thêm phức tạp và nhất là trừu tượng và xa xôi với cuộc sống thực tế. Có người còn đồng hoá thần học công giáo với thần học kinh viện, thậm chí với thần học giải phóng sau này (đặc biệt của Nam Mỹ), nên đã tỏ ra rất ác cảm với thần học và quy trách nhiệm cho thần học là đã làm cho Đạo Chúa xa lìa với quần chúng, nhất là với giới trí thức, và “làm cho Giáo hội bị thiệt thòi; trách nhiệm ấy thuộc về thần học. Chính cái gọi là khoa học về Thiên Chúa này đã làm cho người ta chán nản, không thiết tha gì đến Đạo, ào ạt rời bỏ Đạo, nhất là trong trong tầng lớp trí thức ưu tú nhất của phương Tây… Với việc khai tử thần học kinh viện để thay vào đó là thần học giải phóng hay còn gọi là Quy-Kitô người ta hy vọng rằng đây sẽ là một đóng góp lớn cho việc hội nhập. Thế nhưng thật là lầm…” (Xem bài “Góp ý về hội nhập văn hoá” trong Nguyệt san Công giáo và Dân tộc, số 77, tháng 5,2001, tr.87. 88).
Trong bài này chúng tôi không nhắm tranh luận với ai, mà chỉ muốn trình bày, cho dẫu là một cách ngắn gọn thôi, vai trò rất cần thiết của của thần học trong đời sống Giáo hội. Sau đó chúng ta thử tìm hiểu xem Tông huấn “Giáo hội tại Á châu” (GHAC) của Đức Thánh Cha Gioan-Phaolô II nêu ra những nguyên tắc nào khả dĩ hướng dẫn chúng ta trong việc xây dựng một nền thần học công giáo Việt Nam.

I.THẦN HỌC TRONG ĐỜI SỐNG CỦA GIÁO HỘI

A. Thần học và việc đào sâu đức tin

Người ta ở đời không thể chỉ bằng lòng với cơm bánh vật chất, mà còn có nhu cầu tâm linh, muốn hiểu biết một cách thấu đáo những gì xảy ra chung quanh mình: con người muốn hiểu biết lý lẽ của những hiện tượng quan sát được, từ đó phát sinh khoa học; hơn nữa con người còn muốn thấu hiểu cả những điều vượt ra ngoài lãnh vực thực nghiệm, không quan sát được nhưng vẫn có liên hệ tới cuộc sống con người, ví dụ như ý nghĩa của cuộc sống và của vũ trụ này: con người bởi đâu mà đến và sẽ đi về đâu? Từ đó phát sinh ra triết học và tôn giáo … Nhìn một cách tổng quát thần học cũng phát sinh từ một đòi hỏi của lý trí tương tự như triết học. Nhưng thần học không giống như triết học.
Khởi điểm của thần học và nói rõ hơn của thần học kitô giáo không phải là một nghi vấn về nguồn gốc của vũ trụ hay của con người, nhưng là niềm tin vào tình yêu của Thiên Chúa được mạc khải ra một cách rạng rỡ nơi cái chết và cuộc phục sinh của Đức Giêsu Kitô. Người kitô hữu tin rằng Thiên Chúa hiện hữu và Người đã mặc khải cho con người biết Người là ai và Người có chương trình hành động như thế nào đối với vũ trụ này và nhất là đối với cuộc sống của con người. Mặc khải ấy đã được thể hiện trong lịch sử loài người, đặc biệt trong lịch sử dân It-ra-en, và đã đạt tới đỉnh cao nơi Đức Giêsu thành Nadaret, đấng mà chính người Do Thái đã giết đi, nhưng Thiên Chúa đã cho sống lại. Toàn bộ mặc khải ấy đã được ghi chép lại trong một tác phẩm lừng danh của văn chương loài người, được gọi một cách đơn giản trong tiếng hy lạp là” biblion” (= quyển sách) và được dịch sang tiếng Việt là Sách thánh hay Thánh Kinh.
Khi Thiên Chúa phán dạy, Người đòi hỏi con người phải tin. Nhưng Thiên Chúa cũng ban cho con người có lý trí. Vì thế Thiên Chúa vui lòng để cho con người vận dụng lý trí của mình để suy nghĩ về những gì mình đã tin. Từ đó mà có thần học kitô giáo.
Thần học kitô giáo phát xuất không phải từ thời kinh viện (thế kỷ XIII), cũng không phải từ thời thánh Âu-tinh (thế kỷ IV-V). Mặc dầu từ “theologia” (thần học) mới thực sự trở thành ngôn ngữ kitô giáo từ thế kỷ IV, nhưng thần học kitô giáo đã xuất hiện ngay trong thời Giáo hội tiên khởi. Các thánh Tông đồ không chỉ chuyển đạt lại cho các kitô hữu tiên khởi kinh nghiệm của các ngài đã được chứng kiến Đức Giêsu phục sinh (đó là nòng cốt của Tin Mừng), mà cả những suy tư thần học của các ngài nữa. Thực vậy, khi nhóm Mười Hai Tông đồ dùng Kinh thánh để chứng minh cho những người Do Thái thấy rằng Đức Giêsu đáp ứng lòng mong đợi và những nguyện vọng của dân It-ra-en, là các ngài đã làm công tác thần học rồi. Và khi các ngài họp nhau lại tại Giêrusalem vào năm 49 để cùng nhau giải quyết vấn đề có phải bắt các kitô hữu gốc dân ngoại giữ Luật Môsê hay không, đó là các ngài đã làm công tác thần học và hội nhập văn hoá rồi (Cv 15).
Trong Giáo hội tiên khởi, công tác thần học chủ yếu nằm ở chỗ giải thích Kinh thánh vàgiảng dạy giáo lý.
Về sau phần lớn các tác phẩm thần học của các thánh Giáo phụ cũng là những bài chú giải Kinh thánh thường được viết ra để giảng cho giáo dân. Như vậy thần học, tuy không phải là đức tin, nhưng có nhiệm vụ đào sâu và chuyển đạt đức tin. Nói tóm tắt, thần học là một dịch vụ nhắm phục vụ Lời Chúa.

B. Thần học và việc truyền giáo

Ngoài mục đích mục vụ (củng cố đức tin cho các tín hữu qua việc giảng dạy và trình bày đức tin cho các tân tòng), thần học còn nhắm mục đích truyền giáo: đó là giới thiệu đức tin cho những người ngoài kitô giáo. Vào thời đầu công việc đến với lương dân không phải đã là đương nhiên. Thánh Phêrô phải được ơn soi sáng đặc biệt của Chúa mới dám đến nhà một đại đội trưởng La mã để rao giảng Tin Mừng (Cv 10,1 - 11,18). Nhưng ơn soi sáng ấy không miễn cho ông cũng như các kitô hữu tiên khởi phải suy nghĩ về tác động lạ lùng của Chúa Thánh Thần là ngự xuống trên những người không phải là Do Thái, lại chưa được chịu phép Thánh tẩy: từ đó Giáo hội tiên khởi nhận ra bổn phận mới là phải đưa Tin Mừng cả cho những lương dân không phải là Do Thái (Cv 11,15-18).
 Ngày nay khi nói đến “truyền giáo” , một số người nghĩ (một cách sai lạc) tới một hình thức tuyên truyền với những thủ đoạn kín đáo, mục đích là chiêu mộ những thành viên mới vào đoàn thể của mình. Một cách hành động như thế sẽ tạo áp lực trên người nghe và nhiều khi làm cho họ mất tự do. Tinh thần truyền giáo mà thánh Phêrô nêu ra cho các tín hữu tiên khởi khác hẳn với một loại tuyên truyền như thế: “Anh em hãy luôn luônsẵn sàng trả lời cho bất cứ ai chất vấn về niềm hy vọng của anh em. Nhưng phải trả lờicách hiền hoà và với sự kính trọng” (1 Pr 3,15-16).
Sang thế kỷ II và III, để bảo vệ đức tin trước những lời phi bác của những người Do Thái hoặc những người ngoại đạo mà những tác phẩm thần học có tính cách hộ giáo ra đời, và như thế tạo dịp cho đức tin được phổ biến trong giới trí thức chưa hiểu biết gì về kitô giáo. Các nhà thần học lớn trong lãnh vực hộ giáo này là thánh Giustinô và linh mục Origen.
Từ Công đồng Vaticanô II, thần học công giáo ít có tính cách hộ giáo, nghĩa là không nhắm phi bác các sai lạc, nhưng chỉ nhắm trình bày chân lý đức tin một cách khách quan trong tinh thần tôn trọng tự do của người nghe. Điều này đã được Đức thánh cha Gioan-Phaolô II trìng bày rất rõ ràng trong thông điệp Sứ vụ Đấng Cứu độ năm 1990: “Giáo hội ngỏ lời với con người trong thái độ hoàn toàn tôn trọng sự tự do của họ: việc truyền giáo không hạn chế sự tự do, nhưng cổ võ sự tự do. Giáo hội đề nghị chứ không áp đặt: Giáo hội tôn trọng con người và các nền văn hoá, đồng thời Giáo hội dừng lại trước bàn thờ của lương tâm”  (Sứ vụ Đấng Cứu độ, số 39).
C. Thần học và việc xác nhận đức tin
Với thời gian Giáo hội không những phải đối phó với những lời phi bác từ phía ngoài (Do Thái giáo, Ngộ đạo, triết học Hy lạp), mà còn với cả những lầm lạc phát xuất từ trong lòng Giáo hội. Qua các công đồng, nhất là công đồng Ni-xê-a (325) và công đồng Can-xê-đô-ni-a (451) người ta thấy thần học là một suy tư nhằm làm làm sáng tỏ đức tin và nhất là tìm cho nó một ngôn ngữ chính xác, phù hợp với nền văn hoá của từng thời đại. Khi đưa một từ không thuộc ngôn ngữ Kinh thánh ( “đồng bản thể” ) vào trong lời tuyên xưng đức tin của mình, công đồng Ni-xê-a nhìn nhận một cách long trọng thần học là một công việc của Giáo hội hơn là công việc của một nhóm người trong Giáo hội. Công việc ấy phải chịu sự chi phối của hoàn cảnh lịch sử trong đó Giáo hội luôn luôn nhắm diễn tả niềm tin của mình với thứ ngôn ngữ rõ ràng nhất cho con người của thời đại mình. Tại công đồng Can-xê-đô-ni-a cũng thế (451), các nghị phụ đã trải qua bao nhiêu là vất vả để diễn tả một cách chính xác nhất mầu nhiệm Đức Giêsu là Thiên Chúa thật và là người thật: đó là một ngôi vị trong hai bản tính. Cần phải có một thứ ngôn ngữ mới mẻ và rõ ràng như thế để phi bác “nhất tính thuyết” , một lạc thuyết có khả năng gây tổn hại trầm trọng cho đức tin của các kitô hữu.
Vào thế kỷ XIII thần học kinh viện khoác một bộ áo triết học khô khan. Với sự biến chuyển của văn hoá và xã-hội, thần học của thế kỷ XIII trở nên xa lạ và khó chấp nhận đối với con người ngày nay. Nhưng chúng ta đừng quên rằng thần học kinh viện là một nỗ lực diễn tả Đạo Chúa cho những con người của thế kỷ XIII: giới trí thức lúc bấy giờ háo hức khám phá triết học của Aristote, nên chúng ta chẳng lấy làm lạ gì khi những người con ưu tú của Giáo hội như Tôma Aquinô và Bonaventura vận dụng triết học của Aristote để trình bày đạo lý của Chúa. Các nhà thần học ấy đã làm điều mà ngày nay chúng ta gọi là hội nhập văn hoá!

D. Thần học và đời sống chiêm ngưỡng 

Ngay từ thế kỷ XIII, cùng với thánh Bonaventura, thần học tự trình diện không chỉ như một ngành khoa học (scientia) dạy chúng ta sự hiểu biết cao siêu về Thiên Chúa mà còn như con đường khôn ngoan (sapientia). Thần học được thành hình không chỉ bằng nỗ lực của lý trí, mà còn bằng kinh nghiệm sống với Thiên Chúa. Nhà thần học không chỉ mang khuôn mặt của một giáo sĩ hay một giáo sư, nhưng còn là một nhà thần bí, một con người chìm đắm trong chiêm ngưỡng. Khi Đức thánh cha Phaolô VI tôn phong các thánh nữ Têrêxa Avila và Catarina thành Xiêna (1970) lên hàng các tiến sĩ, và mới đây (1997) Đức thánh cha Gioan-Phaolô II cũng làm như thế đối với thánh nữ Têrêxa Hài đồng Giêsu, các ngài không chỉ muốn lưu ý về vai trò của phụ nữ trong Giáo hội, mà còn muốn làm sống động lại một truyền thống đã có từ lâu đời trong Giáo hội: thần học không chỉ phát xuất từ lý trí, mà còn từ đời sống cầu nguyện và kinh nghiệm thần bí nữa. Hiến chế về Mặc khải đã dạy rằng sự chiêm ngưỡng cũng là một yếu tố làm cho sự hiểu biết đức tin tiến triển: “Các sự việc và lời nói truyền lại được hiểu biết thấu đáo hơn nhờ sự chiêm ngắm và học hỏi của các tín hữu, những người đã ghi nhận các điều đó trong lòng” (x. MK số 8).
 Vài hàng trên đây cũng đủ cho thấy thần học rất cần cho đời sống của Giáo hội. Thần học phát xuất từ những nhu cầu nội tại của đức tin: Giáo hội cần có thần học để đào sâu và làm sáng tỏ đức tin của mình, để bảo vệ và để giới thiệu đức tin ấy cho con người qua các thời đại. Thần học là một chức năng của Giáo hội nhằm phục vụ Lời Chúa: Lời Chúa trong Phụng vụ, Lời Chúa trong Huấn giáo và Lời Chúa trong sứ vụ rao giảng cho lương dân.

II. MỘT NỀN THẦN HỌC CÔNG GIÁO VIỆT NAM

   Vì thần học cần cho đời sống của Giáo hội như thế, cho nên ở đâu Giáo hội hiện diện, ở đấy nhất thiết phải có một nền thần học thích hợp. Tông huấn Giáo hội tại Á châu (GHAC), khi nêu ra những lãnh vực then chốt cần hội nhập văn hoá thì trước hết đã nhắc tới thần học, và đặc biệt là Kitô học: “Thượng hội đồng đã khuyến khích các nhà thần học trong công việc tế nhị là phát triển một nền thần học được hội nhập văn hoá, nhất là trong lãnh vực kitô học” (GHAC số 22). Công việc xây dựng một nền thần học được hội nhập đã được Công đồng Vaticanô II nhắc tới trong hiến chế Mục vụ “Vui mừng và Hy vọng”  năm 1965: “Chính Giáo hội ngay từ buổi đầu của lịch sử mình đã ra sức diễn tả sứ điệp của Chúa Kitô bằng những ý niệm và ngôn ngữ của nhiều dân tộc. Hơn nữa Giáo hội còn cố gắng dùng sự khôn ngoan của các triết gia để làm sáng tỏ sứ điệp ấy. Làm như thế nhằm thích nghi Tin Mừng, trong mức độ có thể, với tầm hiểu biết của mọi người cũng như với những đòi hỏi của các nhà hiền triết” (MV 44).
Như vậy công việc hội nhập thần học vào các nền văn hoá địa phương đã được thực hiện ngay từ thời đầu của lịch sử Giáo hội, nhưng bây giờ trở nên thúc bách hơn, khi Giáo hội muốn đẩy mạnh công cuộc loan báo Tin Mừng cho thế giới nói chung và cho châu Á nói riêng: “Sự liên kết với các nền văn hoá luôn luôn là một phần trong cuộc hành trình của Giáo hội qua lịch sử. Thế nhưng ngày nay vấn đề này trở nên đặc biệt cấp thiết khi đứng trước tình trạng đa chủng tộc, đa tôn giáo và đa văn hoá của châu Á, nơi mà kitô giáo vẫn thường bị xem như một cái gì xa lạ”  (GHAC 21). Giờ đây tại Việt Nam, Giáo hội đang nghĩ tới công việc thúc bách này, đó cũng là chuyện bình thường, vì người dân Việt Nam cần được nghe Tin Mừng của Đức Giêsu trong ngôn ngữ của mình, cũng như các dân tộc ngày xưa, vào ngày lễ Ngũ tuần, được nghe các Tông đồ loan báo các kỳ công của Thiên Chúa trong tiếng mẹ đẻ của họ (Cv 2,5-11).
Vấn đề quan trọng được đặt ra là làm thế nào để xây dựng một nền thần học công giáo Việt Nam được hội nhập văn hoá? Những nguyên tắc cơ bản hướng dẫn việc hội nhập văn hoá trong công cuộc loan báo Tin Mừng đã được Hiến chế Mục vụ nêu ra (MV 44), nay được Tông huấn GHAC nhắc lại một cách tổng quát trong số 21: “Trong tiến trình gặp gỡ các nền văn hoá khác nhau của thế giới, Giáo hội không những truyền đạt các chân lý và và giá trị của mình, cũng như đổi mới các nền văn hoá ấy từ bên trong, màcòn thu dụng những yếu tố tích cực có sẵn trong các nền văn hoá ấy… Các nền văn hoá khác nhau ấy, một khi đã được tinh lọc và đổi mới nhờ ánh sáng Tin Mừng, sẽ trở thành những cách diễn tả chính xác đức tin duy nhất của kitô giáo”. Riêng về việc suy tư thần học Tông huấn viết như sau: “Việc suy tư thần học cần phải được xúc tiến cách can đảm, trung thành với Kinh thánh và Truyền thống của Giáo hội, chân thành gắn bó vớiHuấn quyền, đồng thời không quên các thực tế mục vụ” (GHAC số 22). Sau đây chúng tôi xin nêu thêm một số suy nghĩ về những điều kiện mà Tông huấn đã đặt ra.
Người làm công tác hội nhập văn hoá trong lãnh vực thần học cũng giống như một thông dịch viên phải làm trung gian và dịch một bản văn gốc sang một ngôn ngữ khác. Muốn làm được công việc đó, người thông dịch phải thông hiểu hai ngôn ngữ: ngôn ngữ bản văn gốc của tác giả viết sách và ngôn ngữ của các độc giả.

A. Thông hiểu "bản văn gốc"

Đối với nhà thần học, bản văn gốc ở đây là Tin Mừng của Đức Giêsu như được trình bày trong Kinh thánh và như được Huấn quyền của Giáo hội giải thích. Vì thế thật là hợp lý khi Tông huấn nói là “việc suy tư thần học cần phải được xúc tiến trong sự trung thành với Kinh thánh và Truyền thống Giáo hội, chân thành gắn bó với Huấn quyền” . Điều kiện này hợp lý, nhưng thật ra không đương nhiên như ta nghĩ. Một số nhà thần học châu Á, vì muốn xây dựng một nền thần học hoàn toàn mang tính cách châu Á, nên đã loại bỏ chẳng những là Truyền thống (phải hiểu ở đây là Truyền thống thần học) và Huấn quyền của Giáo hội, mà còn cả Kinh thánh nữa! Trong bài viết “Đức Giêsu trong dung mạo châu Á” (x. Hợp tuyển Thần học số 23, 1999, tr.3-74) linh mục Peter C.Phan đã nghiên cứu bốn mẫu kitô học của bốn nhà thần học châu Á. Theo nhận định của linh mục P.C.Phan thì có nhà thần học “chủ trương phủ nhận tính chất linh ứng cũng như danh sách chính lục của Kinh thánh, và quy tắc thần học lấy Kinh thánh làm chuẩn mực” (Sđd, tr.68), có nhà thần học khác thì “đã không nhằm mục đích giới thiệu một hình ảnh đầy đủ về Đức Giêsu theo Tân ước” (Sđd, tr.69). Cuối cùng linh mục P.C. Phan viết: “Nói chung các thần học gia châu Á đều dùng đến lối chú giải dựa theo nhãn quan giải phóng để cắt nghĩa Tân ước. Lối chú giải này không tự nhận là khách quan theo nghĩa là vô tư hay trung lập hoặc là toàn diện theo nghĩa là bao gồm mọi khía cạnh của vấn đề mà chỉ giúp cho có điều kiện để đọc Kinh thánh trong nhãn quan của người nghèo và người bị áp bức…” Sđd, tr.70). Vài câu trích dẫn ấy cũng đủ cho ta thấy là người ta dễ sa chước cám dỗ xây dựng một nền thần học của châu Á, nhưng đó lại không phải là một nền thần học đặt cơ sở trên Kinh thánh, và lại càng không phải là một nền thần học công giáo.
Ngoài việc phải trung thành với Kinh thánh, với Truyền thống thần học và Huấn quyền của Giáo hội, chúng tôi nghĩ phải nói thêm là Giáo hội công giáo tại Viêt Nam đang cần một đội ngũ những người có hiểu biết sâu rộng về thần học của Giáo hội và những trào lưu thần học hiện đại. Họ sẽ giúp cho những người rao giảng và những cán bộ giáo lý nắm bắt được cái tinh hoa của Tin Mừng: lúc ấy Giáo hội mới mong “thích nghi Tin Mừng, trong mức độ có thể, với tầm hiểu biết của mọi người cũng như với những đòi hỏi của các nhà hiền triết.” (MV số 44). Muốn có một nền thần học công giáo Việt Nam, thì công việc đầu tư đào tạo những người làm công tác thần học cũng rất thúc bách.

B. Thông hiểu ngôn ngữ các độc giả

Người thông dịch chẳng những phải thành thạo ngôn ngữ của tác giả viết sách, mà còn phải thông hiểu ngôn ngữ của các độc giả. Đối với người làm công tác thần học Việt Nam, thì “các độc giả” ở đây là người dân Việt Nam. Tông huấn GHAC nói là thần học gia “không được quên các thực tế mục vụ” . Nói cách khác người làm công tác thần học ở đây nhắm mục đích chuyển đạt Tin Mừng của Đức Giêsu Kitô cho người dân Việt Nam, những con người của châu Á có một môi trường văn hoá riêng biệt: đó là công việc “thích nghi Tin Mừng” cho người dân Việt Nam, nghĩa là diễn tả sứ điệp của Chúa Kitô bằng những ý niệm và ngôn ngữ của dân tộc Việt Nam, theo đường hướng của Hiến chế Mục vụ. Muốn đạt được mục đích này, nhà thần học Việt Nam phải thực hiện một số công tác quan trọng.

1)   Một khoa “thần học từ bối cảnh”

Người rao giảng Tin Mừng cũng như nhà thần học không thể chỉ rao giảng chân lý từ trên bục cao mà không quan tâm đến hoàn cảnh sống của người nghe. Nhà thần học phải khởi đi từ cuộc sống cụ thể của họ: ngày nay người ta gọi đó là “thần học từ bối cảnh” (théologie contextuelle). Nhà thần học Việt Nam phải tự đặt cho mình những câu hỏi: hoàn cảnh sống của người dân Việt Nam như thế nào? Họ đang mong ước điều gì nhất? Quan niệm của họ về hạnh phúc như thế nào? Từ đó nhà thần học mới thấy sứ điệp Tin Mừng đáp ứng như thế nào cho người dân Việt. Tông huấn GHAC đã nêu gương giảng dạy của Đức Giêsu và đề nghị cách rao giảng Tin Mừng và cách làm thần học như thế. Tông huấn viết: “Chính Đức Giêsu trong khi thi hành sứ vụ, cũng cho thấy rõ giá trị của việc tiếp xúc cá nhân. Việc này đòi hỏi người rao giảng Tin Mừng phải quan tâm tới hoàn cảnh của người nghe…” (số 20). Khi giúp Đức thánh cha soạn tông huấn GHAC, các nghị phụ cũng đã đi theo đường lối đó: vì thế trước khi trình bày Đức Giêsu Cứu tinh và tác động của Chúa Thánh Thần (chương II và III), các ngài đã dành chương I để bàn về bối cảnh của châu Á.

2)    Thu dụng những “hạt giống của Ngôi Lời”

Tại Công đồng Vaticanô II các nghị phụ đã tuyên bố: “Giáo hội xem tất cả những gì là chân thiện nơi họ (những người chưa biết Thiên Chúa) như để chuẩn bị họ đón nhận Tin Mừng và như một ân huệ mà Đấng soi sáng mọi người ban cho hầu cuối cùng họ được sống” (GH 16). Theo gương các thánh Giáo phụ các ngài xem những điều chân thiện ấy là “những hạt giống của Ngôi Lời” , và mời gọi các kitô hữu “phải làm quen với những truyền thống dân tộc và tôn giáo của những người ấy (những người chưa biết Thiên Chúa) và phải lấy làm sung sướng và kính cẩn mà khám phá ra những hạt giống của Ngôi Lời đang tiềm ẩn trong các truyền thống ấy” (Sắc lệnh Truyền giáo 11).
Tông huấn GHAC lấy lại ý tưởng trên của Công đồng khi trình bày Chúa Thánh Thần là “Đấng vẫn tiếp tục gieo các hạt giống chân lý vào các dân tộc, tôn giáo, văn hoá và tư tưởng của họ” (số 15).Vì thế tông huấn mời gọi các nhà truyền giáo phải biết “thu dụng những yếu tố tích cực có sẵn trong các nền văn hoá” (số 21).
Trong hoàn cảnh Việt Nam, nhà thần học phải biết nhận diện những điểm tích cực, những “hạt giống chân lý” trong các tôn giáo tại Việt Nam, trong các truyền thống dân gian và xem đó như những cách thức mà Thiên Chúa dùng để chuẩn bị tâm hồn người Việt Nam đón nhận Tin Mừng của Đức Giêsu Kitô. Ví dụ người Việt Nam chấp nhận dễ dàng sự sáng suốt của Ông Trời có khả năng giải oan cho những kẻ đã phải chịu sự bất công ( “Ông Trời có mắt” ), sự tồn tại của những người đã quá cố, lòng hiếu thảo với ông bà, tổ tiên. Nhà thần học có thể dựa vào đó mà trình bày Thiên Chúa quan phòng, cuộc sống mai hậu, mầu nhiệm hiệp thông của các thánh... Như vậy “các nền văn hoá khác nhau âý, một khi đã được tinh lọc và đổi mới nhờ ánh sánh Tin Mừng, sẽ trở thành những cách diễn tả chính xác đức tin duy nhất của Giáo hội” (số 21).

3)   Đức tin vượt trên tất cả

Để diễn tả sứ điệp của Tin Mừng nhà thần học phải dùng ngôn ngữ của một dân tộc, những ý niệm rút ra từ nền văn hoá của dân tộc đó. Nhưng nhà thần học phải ý thức rằng những điều tích cực trong bất cứ nền văn hoá nào cũng không đủ để diễn tả chân lý của Tin Mừng. Tông huấn GHAC viết: “Đức tin mà Giáo hội trao tặng cho con cái châu Á không thể bị giới hạn trong sự hiểu biết và diễn tả của bất cứ nền văn hoá nào vì đức tin vượt trên tất cả những giới hạn đó...” (số 20).
Vì thế, với ưu tư “loan báo Tin Mừng một cách trọn vẹn” (số 20), nhà thần học phải biết vận dụng kho tàng văn hoá chung của Giáo hội và của thế giới. Thật là một thiệt thòi lớn lao về phương diện hiểu biết đức tin nói riêng và về phương diện văn hoá nói chung, khi một nhà thần học châu Á đề cao nền văn hoá nước mình đến độ loại trừ các nền văn hoá khác, nhất là truyền thống thần học Tây phương. Trong công việc hội nhập văn hoá này nhà thần học cũng phải “giống như ông chủ nhà kia lấy ra cả cái cũ lẫn cái mới” (Mt 13,52) trong kho tàng văn hoá chung của nhân loại. Có như vậy họ “thúc đẩy mọi nền văn hoá vươn lên tới những tầm cao mới của sự hiểu biết và diễn đạt” (số 20). Với cách làm đó các nhà thần học Việt Nam sẽ làm cho nền văn hoá nước mình được nên phong phú hơn.

4)   Kitô-học: lãnh vực khó khăn nhất

Công việc xây dựng một nền thần học có hội nhập văn hoá không phải là dễ dàng. Khó khăn lớn nhất nằm trong lãnh vực kitô học. Các nghị phụ tại Thượng hội đồng đã đưa ra nhận định: “Nỗ lực chia sẻ ơn đức tin vào Đức Giêsu như Vị Cứu tinh duy nhất đã gặp phải rất nhiều khó khăn về triết học, văn hoá và thần học, nhất là khi căn cứ vào niềm tin của các tôn giáo lớn Á châu vốn quyện chặt với những giá trị văn hoá và với những thế giới quan riêng biệt” (số 20). Các dân tộc Á châu - trong đó có Việt Nam chúng ta - sẵn sàng nhìn nhận Đức Giêsu như một vĩ nhân “đã giác ngộ” hay như một hiện thân của Thần minh, nhưng khó chấp nhận Người như là hiện thân duy nhất của Thần minh.
Khó khăn này liên hệ đến các bình diện triết lý, văn hoá và thần học (số 20). Tuy nhiên các nghị phụ chỉ muốn đề nghị một đường lối mục vụ: “Muốn giới thiệu Đức Giêsu Kitô là Vị Cứu tinh duy nhất, chúng ta cần phải theo một phương pháp sư phạm, đưa người ta dần dần tới chỗ thủ đắc trọn vẹn mầu nhiệm ấy.” Theo phương pháp tiệm tiến ta phải phân biệt hai giai đoạn: trước hết là giai đoạn rao giảng Đức Giêsu cho những người chưa phải là kitô hữu, sau là giai đoạn bổ túc sự hiểu biết cho những người đã tin. Giai đoạn đầu khó khăn hơn. Ở giai đoạn này, nên giới thiệu Đức Giêsu Kitô như là Đấng có thể thoả mãn những khát vọng sâu xa của con người được diễn tả trong các thần thoại và văn chương truyền thống của các dân tộc châu Á. Tại Việt Nam chúng ta có cả một kho tàng các chuyện cổ tích. Chúng có thể giúp ta khám phá được “những khát vọng sâu xa” của người Việt Nam, những khát vọng mà chỉ có Đức Giêsu mới lấp đầy được.
Các nghị phụ tại Thượng Hội đồng cũng ý thức rằng khoa kitô học cổ điển của Giáo hội phát xuất từ Công đồng Can-xê-đô-ni-a (năm 451) nặng tính cách siêu hình và trừu tượng, nên đã thêm một lời nhắn nhủ: “Những khái niệm hữu thể học liên hệ - mà khi giới thiệu Đức Giêsu chúng ta phải sử dụng để diễn tả - có thể được bổ sung bằngnhững viễn tượng có tính tương quan, tính lịch sử và cả tính vũ trụ.” Nói rõ hơn, nhà thần học phải trình bày Đức Giêsu không chỉ như “một ngôi vị trong hai bản tính” (công thức nổi tiếng của công đồng Can-xê-đô-ni-a với hai phạm trù siêu hình học là ngôi vịvà bản tính), mà còn phải đặt Đức Giêsu vào trong lịch sử cứu độ với những tương quan cụ thể: tương quan với mầu nhiệm Ba Ngôi, với loài người và với cả vũ trụ này.
Công việc xây dựng “một nền thần học được hội nhập văn hoá” trên châu Á nói chung và trên đất nước Việt Nam nói riêng thật là khó khăn. Đó là một phần trong công cuộc loan báo Tin Mừng trên lục địa mênh mông này. Nhưng Giáo hội không nản chí vì biết mình được Chúa Thánh Thần luôn luôn nâng đỡ: “Giáo hội biết rõ mình chỉ có thể hoàn thành sứ mạng khi vâng theo những sự thúc đẩy của Chúa Thánh Thần. Được trao cho nhiệm vụ trở thành dấu chỉ và dụng cụ chân thực để Chúa Thánh Thần hoạt động trong những thực tế phức tạp của châu Á, Giáo hội phải biết nhận ra đâu là tiếng Chúa Thánh Thần muốn mình làm chứng cho Đức Giêsu Cứu thế một cách mới mẻ và hiệu quả trong tất cả các hoàn cảnh khác nhau của lục địa” (GHAC số 18). Trong niềm tin Thánh Khí của Đức Giêsu phục sinh đang hoạt động mạnh mẽ trong thế giới và trong Giáo hội, những người làm công tác thần học sẽ biết cộng tác với nhau để trở thành những dụng cụ đắc lực của Người trong cánh đồng truyền giáo Viêt-Nam này.  
Norbertô NGUYỄN-VĂN-KHANH, o.f.m.
29-05-2001
http://www.ofmvn.org/linh-dao/khao-cuu/1853

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét