Thứ Tư tuần Thánh
Mt 26, 14-25
DUNG MẠO KẺ PHẢN BỘI !
Trong hai ngày qua, thứ Hai và thứ Ba Tuần Thánh, và hôm nay nữa, thứ Tư Tuần Thánh, chúng ta được nghe nhắc đến dung mạo của một người đồ đệ phản bội Chúa là Giuđa Iscariốt. Sự phản bội này không phải là một điều bất ngờ, và lại càng không phải là điều bất ngờ đối với Chúa Giêsu, Ðấng đã biết trước mọi sự sẽ xảy ra cho Ngài như thế nào. Giuđa đã đi đến việc phản bội Chúa, có lẽ vì ông ta đã để cho sự quan tâm về lợi lộc vật chất dần dần chiếm hết chỗ trong tâm hồn và đã để cho sự hăng say theo Chúa lúc ban đầu bị phai lạt đi. Chúa Giêsu không còn là Thầy, là Chúa và là tất cả của cuộc đời ông nữa, nhưng là một món hàng mà Giuđa đem bán cho những kẻ muốn giết Ngài với giá tiền ba mươi đồng, mức giá trị của một người nô lệ đáng khinh.
Tin Mừng hôm nay mô tả bữa tiệc sau cùng của Chúa Giêsu và các môn đệ. Một không khí u buồn khi Chúa Giêsu tiên báo rằng một người trong các ông sẽ nộp Ngài. Chúa vô cùng đau đớn khi nói: “kẻ giơ tay chấm chung một dĩa với Thầy đó là kẻ nộp Thầy”. “Cùng chấm dĩa” là hình ảnh của một người rất thân trong nhà, và việc bị bán đứng bởi người thân là một điều vô cùng đau xót. Chúa đã nhiều lần tế nhị đánh thức lương tâm của Giuđa nhưng ông vẫn không hồi tâm. Cuối cùng ông đã ra đi lao mình vào bóng đêm tội lỗi và bán linh hồn cho quỷ dữ.
Qua trang Tin Mừng này, chúng ta thường chê trách Giuđa sao mà bội bạc và nhẫn tâm với Chúa đến vậy. Chúa yêu thương ông như thế mà ông lại đành lòng bán Chúa. Nhưng xét lại bản thân thì chúng ta cũng đã nhiều lần phản bội Chúa. Hành động phản bội của chúng ta không rõ ràng như của Giuđa. Chúng ta “phản bội Chúa” khi chúng ta phạm tội; chúng ta “bán Chúa” khi không dám sống đúng với Tin Mừng mà bán rẻ lương tâm để chạy theo những lợi lộc của thế trần.
Tin Mừng một lần nữa nói về sự phản bội của Giuđa. Trong bài mô tả Cuộc Khổ Nạn của Chúa Giêsu trong Tin Mừng của Mátthêu, sự thất bại của các môn đệ được nhấn mạnh cách mạnh mẽ. Mặc dù đã sống chung ba năm cùng với Chúa Giêsu, vậy mà không có một ai đứng lên bênh vực Chúa. Giuđa phản bội Người, Phêrô chối Thầy, và những người khác thì chạy trốn.
Thánh Mátthêu trình thuật lại mọi việc, không chỉ trích hay lên án, cũng không làm nản lòng độc giả, mà là để nhấn mạnh đến sự chấp nhận và tình yêu của Chúa Giêsu thì vượt hẳn những vấp ngã và thất bại của các môn đệ! Cách mô tả này về thái độ của Chúa Giêsu là sự trợ giúp cho các Cộng Đoàn vào thời của thánh Mátthêu. Bởi vì các cuộc bách hại thường xuyên, nhiều người đã nản lòng, đã lìa bỏ cộng đoàn và tự hỏi: “Liệu có thể nào còn trở lại được không? Thiên Chúa có sẽ chấp nhận và tha thứ cho chúng ta không?” Mátthêu trả lời bằng cách gợi ý rằng chúng ta có thể phá vỡ mối quan hệ với Chúa Giêsu, nhưng Chúa Giêsu không bao giờ phá bỏ mối quan hệ với chúng ta. Tình yêu của Người thì vĩ đại hơn lòng bất trung của chúng ta. Đây là một sứ điệp rất quan trọng mà chúng ta nhận được từ Tin Mừng trong Tuần Thánh.
Giuđa, người được gọi, được chọn, được tuyển lựa, sau một đêm thức trắng cầu nguyện của Thầy Giêsu (Lc 6, 12). Và anh đã đáp lại, đã bỏ gia đình, nghề nghiệp, để đi theo.Giuđa đã rong ruổi theo Thầy ngay từ đầu, chia sẻ đói no, thành công thất bại… Không yêu thì làm sao đi theo được lâu như thế.Giuđa, người được tin cậy và giao giữ quỹ cho cả nhóm (Ga 12, 6).Vì là người trong nhóm Mười Hai, thuộc nhóm môn đệ thân cận,Giuđa đã được nghe hầu hết các bài giảng hay nhất, được chứng kiến các phép lạ lớn lao nhất của Thầy Giêsu. Giữa anh và Thầy Giêsu hẳn đã có một sự thân thiết nào đó.
Điều gì đã diễn ra nơi trái tim của Giuđa? Điều gì đã khiến tất cả phút chốc bị đổ vỡ không sao hàn gắn? Chắc không phải chỉ vì ba mươi đồng bạc, một số tiền.Phải chăng vì Giuđa thất vọng và nóng ruột khi thấy Thầy Giêsu quá hiền từ, cả trong lối sống lẫn lời giảng, chẳng có vẻ gì là một Đấng Mêsia sắp giải phóng dân tộc khỏi quân Rôma? Phải chăng khi Giuđa nộp Thầy cho các thượng tế, anh định cài Thầy vào thế phải hành động quyết liệt hơn, phải tự giải thoát mình? Dù gì đi nữa thì chuyện Giuđa làm là không thể biện minh được. Anh đã can dự vào cái chết của Thầy Giêsu. Không thể phong tặng anh hùng cho Giuđa vì bảo rằng nhờ anh mà chúng ta có được ơn cứu độ. Giuđa đã phạm tội nghiêm trọng đến nỗi Thầy Giêsu phải đau đớn nói: “Khốn cho kẻ nào nộp Con Người: thà kẻ đó đừng sinh ra thì hơn” (c.24). Dầu vậy tội của Giuđa đã được Thiên Chúa dùng cho chương trình cứu độ. Thiên Chúa là Đấng có thể biến điều dữ thành điều lành.
“Kẻ đã chấm chung một đĩa với Thầy là kẻ sẽ nộp Thầy” (c. 23). Kẻ đồng bàn thân thiết với Thầy lại là người phản bội. Ngay cả những môn đệ khác cũng hỏi Thầy Giêsu: “Có phải con không?” Có phải con là người đang phản bội Thầy không? Lúc nào chúng ta cũng có thể hỏi Chúa Giêsu cùng câu hỏi đó.Dù mỗi ngày chúng ta cùng chia sẻ một bàn tiệc với Chúa trong Thánh Lễ, chúng ta vẫn có thể rơi vào tội của Giuđa.
Giuđa đã âm mưu nộp Chúa cho các thượng tế và đã thành công giấu ý định này không cho các môn đệ khác biết, nhưng Giuđa đã không thể nào giấu điều đó với Chúa Giêsu được. Chúa biết hết nhưng Ngài vẫn đối xử tốt với Giuđa cho đến cùng. Chúa không bỏ qua những dịp may để giúp Giuđa hồi tâm. Trước hết là bữa tiệc vượt qua giữa Chúa Giêsu và các môn đệ. Dĩ nhiên, là người thủ quĩ, Giuđa thản nhiên tham dự vào bữa tiệc, mặc dù đoạn Phúc Âm không nói ra. Tinh thần hiệp thông của bữa tiệc không thức tỉnh Giuđa nổi. Rồi những lời của Chúa: "Một người trong các con sẽ nộp Thầy", và Giuđa chắc chắn được nghe rõ nhưng không làm cho Giuđa giật mình tỉnh ngộ. Rồi sự buồn phiền của các môn đệ khác trong bữa tiệc cũng không có tác dụng gì trên ý định của Giuđa muốn nộp Chúa Giêsu.
Thấy các môn đệ lần lượt hỏi Chúa xem có phải là họ hay không, thì Giuđa cũng làm theo như vậy. Tệ hơn nữa, Giuđa dùng từ ngữ không còn ý nghĩa kính trọng đối với Chúa Giêsu trong câu hỏi đặt ra cho Chúa, vì trong khi các môn đệ khác gọi Thầy là Chúa với lòng kính trọng, thì Giuđa dùng một từ ngữ chỉ dành riêng cho một người tầm thường là Rabbi (thưa thầy). Kể từ khi chấp nhận mức giá trị đặt Chúa ngang hàng như một người tôi tớ chỉ đáng giá ba mươi đồng bạc, Giuđa xem như đã mất đi niềm tin vào Chúa như là Ðấng Cứu Rỗi. Giuđa không còn muốn trở lui, không còn muốn rút lại âm mưu nộp Chúa cho đến khi quá trễ. Khi Chúa bị kết án tử hình, thì Giuđa hối hận đi tự tử, như được kể lại nơi đầu chương 27 Phúc Âm thánh Mátthêu.
Sống giả tạo là điều Thiên Chúa ghét nhất và đó là điều ma quỷ luôn muốn những ai theo chúng làm điều đó. Giuđa là kẻ giả tạo khi hỏi Chúa: "Thưa Thầy, có phải con chăng?"
Trong cuộc sống mỗi ngày, chúng ta cũng thường hay bị sự giả dối cám dỗ và chúng ta đã chiều theo chúng. Cụ thể như đi lễ với một tâm hồn trống vắng, khô khan. Bên ngoài thì vui vẻ tươi cười, thánh thiện nhưng trong lòng lại chứa đầy mưu toan ích kỷ.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét