Trang

Thứ Bảy, 8 tháng 4, 2017

Đức Phanxicô và Thiên Chúa của những điều ngạc nhiên: Phỏng vấn linh mục Lombardi

Đức Phanxicô và Thiên Chúa của những điều ngạc nhiên: Phỏng vấn linh mục Lombardi

benoit-et-moi.fr, Popoli, 3-12-2014
Linh mục Lombardi, 72 tuổi, từ 2006 đã là cộng sự viên thân cận nhất với các Giáo hoàng, trước đây với Đức Bênêđictô XVI và bây giờ là Đức Phanxicô. Người ta không biết do tính tình dè dặt hay do tính cách tế nhị địa vị của cha, cha không thích trả lời phỏng vấn. Vì thế chúng tôi hết lòng biết ơn cha đã bỏ thì giờ cho chúng tôi trong thời gian cha đến văn phòng Popoli của chúng tôi ở Milan, Ý.
Kính cha Lombardi, chúng ta bắt đầu bằng chiều 13-3-2013: Xin cha cho chúng tôi biết cảm tưởng đầu tiên khi lần đầu cha cha nghe tên tân giáo hoàng, biết ra đó là tu sĩ Dòng Tên duy nhất ở mật viện.
Tôi thú nhận là sự việc làm cho tôi ngỡ ngàng vì tôi không chuẩn bị tinh thần để nghe một tin như thế này, tôi chưa bao giờ hình dung một tu sĩ Dòng Tên lại có thể được bầu làm giáo hoàng. Tôi biết hồng y Bergoglio là người rất được kính trọng và có thế giá, tôi cũng được biết trong lần Mật nghị trước, ngài đã có nhiều phiếu. Tôi cũng biết ngài có những bài diễn văn quan trọng trong khuôn khổ các buổi họp chuẩn bị, nhưng để được bầu giáo hoàng thì tôi chưa bao giờ nghĩ tới.
Một tu sĩ Dòng Tên trở thành điểm quy chiếu mới của Giáo hội. Phải luôn luôn nhớ các tu sĩ Dòng Tên có một quan hệ đối với với Giáo hoàng. Đối với họ, trong nhãn quan của thánh Y-Nhã, Giáo hoàng thật sự là Bề trên của Dòng Tên. Sự kiện Giáo hoàng cũng là tu sĩ Dòng Tên lại làm cho quan hệ này mạnh thêm.
Ngoài ra còn hai yếu tố khác làm cho tôi bị đánh động thật sâu đậm: Danh hiệu Phanxicô và đến từ Châu Mỹ La Tinh. Danh hiệu Phanxicô là danh hiệu đầu tiên trong lịch sử các giáo hoàng, đó là dấu hiệu của người có tấm lòng dũng cảm lớn lao và đối với tôi, danh hiệu này đưa ra một dấu chỉ: nó chứng tỏ ngay lập tức cá tính mạnh mẽ của Đức Bergoglio, khi chọn tên này, ngài không cảm thấy mình bị ràng buộc gì với những gì đã xảy ra trước mình và nhắc lại một trong những hình ảnh có tính cách biểu trưng nhất của truyền thống Kitô. Kế đó, nguồn gốc Châu Mỹ La Tinh cho thấy, Giáo hội quyết định thừa nhận một nhãn quan khác về chính mình và về thế giới.
Nhưng cha, cha có biết Jorge Mario Bergoglio trước không?
Tôi nhớ có gặp ngài một lần vào năm 1983 trong lần Hội nghị khoáng đại các tu sĩ Dòng Tên lần thứ 33: vào thời đó, linh mục Bergoglio có một vài bài diễn văn quan trọng nhưng tôi không có dịp gặp riêng ngài lần đó. Sau này khi ngài làm giám mục cũng không, và bên ngoài Dòng cũng không. Tôi chỉ gặp riêng ngài một lần trong các buổi họp chuẩn bị cho Mật nghị.
Sau khi ngài được bầu chọn, cha gặp ngài lần đầu là lúc nào?
Sáng hôm sau, chúng tôi gặp nhau ở Đền thờ Đức Bà Cả, nơi Đức Phanxicô đến cầu nguyện riêng. Ngài đi theo một nhóm, trong đó có tôi: tôi là giám đốc phòng báo chí, tôi phải đi sát nhất có thể các sự kiện sau Mật nghị. Ngài thấy tôi và chào tôi với một tấm chân tình thật dễ thương. Chỉ là một cuộc nói chuyện thật ngắn ngũi nhưng thật đáng kể.
Trong công việc hàng ngày của cha, cha có thường xuyên gặp Đức giáo hoàng không?
Rất nhiều người nghĩ, phát ngôn viên Tòa Thánh thì ở trong vòng thân tình với Đức giáo hoàng, nhưng thật sự thì không phải vậy. Với Đức Bênêđictô XVI hồi đó cũng không, thì bây giờ với Đức Phanxicô cũng không. Một vài người còn nghĩ, nếu không theo sát ngài thường xuyên thì đó là dấu hiệu của sự thiếu hiệu quả hay công việc của tôi làm chỉ bên lề. Thực tế, tôi rất kính trọng toàn bộ cơ chế làm việc với Đức Thánh Cha. Trên nguyên tắc, văn phòng báo chí mà tôi là giám đốc trực thuộc Phủ Quốc Vụ Khanh. Tôi nghĩ các cố vấn đầu tiên của giáo hoàng là Quốc Vụ Khanh, Phụ tá Quốc Vụ Khanh, Bộ trưởng phụ trách Quan hệ với các quốc gia khác. Rồi còn các chủ sự, ban phòng của các vấn đề chuyên biệt. Nếu tôi có việc cần hỏi thì tôi gởi văn thư đến thư ký riêng của ngài, sau đó thư ký sẽ chuyển cho Giáo hoàng và tôi nhận câu trả lời của ngài rất nhanh. Tôi không bao giờ điện thoại riêng cho ngài hoặc xin phỏng vấn.
Dĩ nhiên mỗi Giáo hoàng đều có các cộng sự thân tín của mình. Đức Gioan-Phaolô II thường nói cho Navarro-Valls những gì cần làm mà không qua hệ thống văn phòng. Đức Bênêđictô XVI thích theo con đường của thể chế. Đức Phanxicô thì lại là một cách khác: ngài xem tất cả mọi quy trình và hành động một cách tự do. Một chút vì ngài xuất thân từ khuôn khổ rất mục vụ mà khi là giáo hoàng ngài vẫn muốn duy trì, một chút vì ngài muốn tỏ ra mình không quá ràng buộc vào các thể chế gò bó.
Vì thế đôi khi có những sáng kiến của Giáo hoàng không thông qua các kênh của các thể chế nhưng do chính ngài quyết định trong trọn tự do của ngài. Tôi biết điều này vì tôi được ngài hoặc các thư ký của ngài gọi trực tiếp không qua các kênh truyền thống.
Các nét đặc biệt của mỗi triều Giáo hoàng được thấy qua cách giáo hoàng điều hành các buổi tiếp kiến với các nguyên thủ Quốc gia chẳng hạn. Khi tôi phải chuẩn bị tài liệu, Đức Bênêđictô XVI thì chú trọng đến nội dung của buổi gặp gỡ với một ý thích duy nhất là chú trọng đến chi tiết và tổng hợp, trong khi Đức Phanxicô thì chú trọng đến khía cạnh nhân bản và thiêng liêng của buổi gặp gỡ.
Trong thái độ này của giáo hoàng, đâu là tầm quan trọng của cá tính của ngài, và ngược lại, trong tầm mức nào chúng ta phải đối diện với một chọn lựa “chính trị” mang đến một cái gì đó cho thể chế?
Tôi sẽ không nói là ngài có ý phá vỡ các thể chế. Đức Phanxicô thường hay nói là ngài làm việc theo các chỉ dẫn mà các Hồng y đã cho ngài khi chuẩn bị mật nghị: từ một Giáo hội được xem như là trung tâm điểm, trong đó có một vài tác động nào đó của Giáo triều trong nhiều lãnh vực (kỷ luật, giáo điều…) đến một Giáo hội trong đó các phần tử khác nhau được lắng nghe và có một vai trò lớn hơn trong sự ấn định các đường hướng theo đó triều giáo hoàng đi tới. Trong bối cảnh này, đặc biệt là việc  thành lập “Hội đồng các hồng y” (gọi là G8) để cho Giáo hội phổ quát có nhiều chỗ hơn trong guồng máy Giáo hội.
Một vài người thấy trong cách quản trị này một hình thức quản trị Giáo hội phổ quát theo cách quản trị của Dòng Tên. Cha có đồng ý với lập luận này không?
Cách mà các bề trên Tổng quản Dòng Tên dùng là nghe các cố vấn của mình, sau đó họ tự lấy quyết định một mình thì chắc chắn là giống nhau. Nhưng tôi không nghĩ cách này chỉ có Dòng Tên dùng. Ngược lại tôi thấy thích thú và quan trọng khi dùng cách này trong Thượng Hội Đồng, biến nơi này thành nơi suy tư và định hướng mục vụ cho Giáo hội, và như thế cũng là đề xuất các vấn đề rất quan trọng theo cách cùng tham dự. Chắc chắn Đức Phanxicô không là người phát minh ra Thượng Hội Đồng, nhưng ngài nỗ lực khôi phục cho nó có một vai trò quan trọng hơn.
Tuy nhiên tôi cần nhấn mạnh ở đây, Đức Phanxicô không có một chương trình tổ chức luân phiên nào, đúng hơn là ngài chuyển động một thực thể phức tạp là Giáo hội. Chính Giáo hội đang trên đường đi. Ngài không áp đặt nhãn quan và cách hành động của ngài. Ngài xin và lắng nghe các ý kiến khác nhau. Ngài không biết sẽ đi về đâu: ngài dựa trên Thần Khí. Theo nhãn quan này mà ngài cai quản Giáo hội, tôi đánh giá rất quan trọng tầm mức “đi” trong đức tin, và phó thác tin tưởng vào sự giúp đỡ của Thần Khí. Đó là điều rất quan trọng vì nếu không sẽ trở thành đi trong bóng tối và chúng ta sẽ cảm thấy mất định hướng.
Ở nơi đâu người ta thấy bản sắc Dòng Tên rõ ràng nhất của Đức Bergoglio?
Tôi nghĩ đặc biệt này sẽ thấy nơi linh đạo của ngài, cách ngài diễn tả và cách ngài giáo huấn. Tôi thấy linh đạo này rõ nhất trong các bài giảng của ngài ở Nhà nguyện Thánh Mácta.
Ngài vào trong quan hệ với Lời Chúa, với thái độ lắng nghe để hiểu Chúa nói riêng với mình cái gì, Chúa hỏi mình cái gì và điều đó có thể ảnh hưởng trên cách sống, cách suy nghĩ của mình như thế nào. Đức Phanxicô là mẫu người lắng nghe và ngài lấy bản sắc ở đức tính này rất nhiều, nó là thách thức riêng của ngài và đó là quan hệ cụ thể với đời sống hàng ngày. Tôi thấy điều này tuyệt đối phù hợp với các bài dạy của Linh thao. Tất cả ăn khớp với các bài tập Linh thao, ngài luôn luôn nhắc giáo dân phải có một quan hệ mật thiết với Chúa Giêsu và nhìn thấy Chúa trong mọi sự.
Một khía cạnh rất đặc biệt khác của cách đào tạo các tu sĩ Dòng Tên là bài diễn văn về sứ mạng, Giáo hội nhìn về phía các biên giới, nhìn và mang Phúc Âm hơn là nhìn về chính mình. Nếu muốn biết thêm các đặc tính tiêu biểu khác của Dòng Tên thì đó là lối sống đơn giản, gạt ra ngoài mọi hình thức huyênh hoang chiến thắng. Đương nhiên trước hết vẫn là các khía cạnh có cùng đường hướng với sứ điệp Tin Mừng, nhưng rõ ràng trong truyền thống Dòng Tên, chúng rất rõ nét và vì thế tôi không ngạc nhiên khi nhìn thấy những nét này nơi đường hướng của Đức Phanxicô.
Có lúc nào trong quá khứ lịch sử Dòng Tên hoặc có một nhân vật nào mà Đức Phanxicô cảm thấy gần ngài nhất?
Ngay từ đầu giáo triều, trong đầu Đức Phanxicô đã có hình ảnh của thánh Phêrô Favre. Và cũng ngay từ đầu, ngài đã lên chương trình để phong thánh cho thánh Phêrô Favre và đó là ngày 17-12-2013.
Là người cùng thời với thánh I-Nhã Loyola, ngay cả trong Dòng Tên, Favre cũng là một nhân vật ít được biết đến. Sự việc Đức Phanxicô nâng thánh Favre lên hàng vinh dự trên bàn thờ, đề xuất thánh Favre là gương mẫu cho Giáo hội phổ quát đã đánh động chúng tôi rất nhiều, đó là cách ngài diễn tả trải nghiệm sống của Dòng Tên. Đúng vậy, thánh Favre đã biết phối hợp một cách gương mẫu và sâu đậm hành động tông đồ của mình với chiêm nghiệm. Đây thật sự đúng là “chiêm nghiệm trong hành động”, theo đặc sủng của các tu sĩ Dòng Tên.
Chúng ta cũng đừng quên Đức Phanxicô đã phong thánh cho tu sĩ Dòng Tên José de Anchieta, một trong những khuôn mặt truyền giáo lớn của Dòng Tên.
Nói về sứ vụ truyền giáo của Dòng Tên, cha có thể cho chúng tôi biết thêm tin tức về việc phong chân phước cho linh mục Matteo Ricci mà chúng tôi đã nghe tin từ lâu không?
Tôi biết thỉnh cầu viên là linh mục Anton Witwer Dòng Tên đang bắt đầu làm việc này, trước đây tôi có cảm tưởng như bị dậm chân tại chỗ. Cá nhân tôi, tôi nghĩ sẽ rất tốt khi phối hợp linh mục Matteo Ricci với Xu Guangqi (người Trung quốc cùng đồng hành và cộng tác với linh mục Ricci, đã trở lại đạo). Theo tôi, thỉnh cầu viên làm việc trong chiều hướng này. Tôi nghĩ điều này có một ý nghĩa rất sâu đậm trong quan hệ với Trung quốc, đó là một thông điệp rất lớn cho việc hội nhập văn hóa.
Hội nhập văn hóa, đối thoại với các nền văn hóa, đối thoại với các tôn giáo khác và với những người không tin: đó là những “chữ chủ chốt” của các tu sĩ Dòng Tên mà Đức Phanxicô rất quen thuộc …
Đúng, đó cũng là một cách làm của các tu sĩ Dòng Tên: đơn giản, trực tiếp, không quá dính với các chú trọng của các thể chế. Tôi cũng bị đánh động khi nghe Đức Phanxicô nói dí dỏm hai lần câu nói được cho là của Đức Phaolô VI và Thượng phụ Athénagoras: “Chúng ta gởi các nhà thần học lên trên một hòn đảo rồi chúng ta bàn chuyện đại kết với nhau”. Đức Phanxicô quan tâm trước hết là đối thoại gặp gỡ, một cuộc gặp gỡ giữa con người với nhau. Và ngài đưa ra chủ đề: làm sao diễn giải công việc giám mục địa phận Rôma của mình để người khác có thể hiểu và chấp nhận?
Một khía cạnh khác phản ảnh rất nhiều “chất Dòng Tên” của giáo hoàng mà tôi gọi là Thiên Chúa của những chuyện ngạc nhiên: Thiên Chúa luôn luôn lớn hơn những gì chúng ta dự trù và tính toán, Ngài luôn làm chúng ta ngạc nhiên, Ngài mở cho chúng ta những con đường mói, Ngài đặt chúng ta đứng trước các hoàn cảnh mới, cho chúng ta cảm nhận được con đường. Vậy, ý tưởng Giáo hội đang trên đường đi, tính đoàn kết trong hội đồng, không có các dự trù viết sẵn nhưng cố gắng đi theo thần hứng và ý Chúa, tìm ý Chúa mỗi ngày. Đó là ý tưởng của người hành hương I-Nhã. Dòng Tên luôn cảm thấy mình đang trên đường đi và lắng nghe Lời Chúa.
Giáo hoàng Phaolô VI định nghĩa các tu sĩ Dòng Tên là những “người của các biên giới”: cha có thấy tư tưởng này song song với việc Đức Bergoglio luôn nhấn mạnh đến chủ đề các vùng ngoại biên?
Chắc chắn, theo tinh thần của Đức Phanxicô, khi ngài nói đến các vùng ngoại biên là một cách ngài nói Giáo hội đang trên đường đi truyền giáo, Giáo hội không tự quy về mình. Cũng có thêm một khía cạnh, hơi có tính cách Châu Mỹ La Tinh, là các tu sĩ Dòng Tên đã sống kinh nghiệm này trong thời linh mục Arrupe: đâu là điểm khởi đầu để đọc và để chú giải thực tế trong quan hệ giữa đức tin và công chính? Đó là điểm đoàn kết với người nghèo. Nếu bạn là người có quyền lực, là trọng tâm của nền kinh tế và của hệ thống, thì bạn sẽ không bao giờ hiểu cái gì đang hành động trong thế giới. Nếu bạn tương trợ và gần với những người đau khổ, những người mang trong mình các hậu quả tiêu cực của sự dữ trong thế giới, thì lúc đó bạn sẽ biết hơn là cần phải thay đổi. Điều quan trọng là quan điểm, từ quan điểm đó bạn nhìn thế giới. Có thể khái niệm “ngoại biên” diễn tả đúng hơn là khái niệm “biên giới”.
Đi về các vùng ngoại biên là như vậy và Đức giáo hoàng đã khẳng định qua chọn lựa cho các chuyến đi của mình: từ Lampedusa đến Albania. Điều thú vị là nước Albania là nước được Đức Phanxicô chọn để đi thăm một nước Âu châu đầu tiên. Đức Phanxicô không bắt đầu bằng Bá Linh, thủ đô nước Đức nhưng bắt đầu bằng Tirana, thủ đô nước Albania.
Một vấn đề không phải chỉ riêng cho Dòng Tên nhưng còn cho các dòng khác, đó là ơn gọi ngày càng giảm, nhất là ở Phương Tây. Có thể nào nghĩ việc có một Đức giáo hoàng Dòng Tên sẽ làm cho Dòng Tên có nhiều ơn gọi không?
Tôi không nghĩ đó là chuyện đương nhiên. Đức giáo hoàng phục vụ cho Giáo hội phổ quát chứ không riêng gì cho Dòng Tên. Sự giảm số lượng là một sự kiện, ít nhất là ở Phương Tây, nhưng tôi nghĩ khó mà đưa ra lời giải thích. Đương nhiên đây là vấn đề liên hệ chung đến đời tu, tất cả các dòng đều bị ảnh hưởng. Điều này dính với hình thức cụ thể của bậc sống trong đó thể hiện chứng tá Kitô. Trong một vài thế kỷ, đời sống tu trì theo nghĩa cổ điển là hình thức tự nhiên của một một bậc sống sâu đậm theo tinh thần Kitô, nhưng ngày nay, nó có thể diễn tả dưới một hình thức khác. Chắc chắn chúng ta phải đối diện với bầu khí thế tục hóa, một tinh thần thiếu vắng ý nghĩa về Chúa, quan hệ cá nhân với Chúa. Con số các tu sĩ Dòng Tên giảm vì  con số tín hữu Kitô và người có lòng tin giảm. Đức giáo hoàng nói đến một Âu châu “mệt mỏi”, một Âu châu không muốn sinh con. Tôi nghĩ suy nghĩ của Giáo hoàng là: khôi phục lại sức sống và đà vươn lên cho Giáo hội ở Âu châu, phục vụ một dân tộc mệt mỏi, ít hăng say mong muốn hướng về tương lai.
Ngoài một vài điểm cha đã nói, đâu là những điểm giống nhau và khác nhau mà cha thấy giữa Đức Bênêđictô XVI và Đức Phanxicô?
Bắt đầu bằng những điểm giống nhau, nơi Đức Bênêđictô XVI, điểm luôn đánh động tôi là tương quan cá nhân của ngài với Đức Giêsu, thể hiện qua các sách ngài viết. Theo tôi, điều này là một chứng cớ tuyệt đẹp: một Giáo hoàng cho thấy trọng tâm đời của mình là Chúa Giêsu Kitô, học hỏi, tìm tòi một quan hệ cá nhân của mình với Chúa Kitô. Dù theo một cách khác, khía cạnh này chúng ta cũng thấy nơi Đức Phanxicô qua các bài giảng của ngài ở Nhà nguyện Thánh Mácta, trong cách ngài diễn tả, ngài dạy chúng ta cầu nguyện, xin chúng ta cầu nguyện. Vậy, tôi thấy ở đây là một sự liên tục giữa các triều giáo hoàng, nhưng diễn tả theo một cách khác nhau.
Tôi cũng sẽ nói giống như vậy về cách quản trị Giáo hội, nhằm giữ cộng đoàn trong tổng thể chung. Đức Phanxicô thử canh tân lại cách làm việc của Hội đồng, Đức Bênêđictô XVI cũng đã thử nhưng rụt rè hơn. Ngài cũng đã thử đưa vào các can thiệp riêng của mình, thêm vào những cái đã dự trù trong các dự án thảo luận, ngài cũng đã thuận để chú ý đến công nghị, là những dịp để các hồng y gặp gỡ và nói chuyện với nhau. Như vậy một sự quan tâm đến tình đồng đội để phục vụ Giáo hội đã có nơi Đức Phanxicô và cũng đã có nơi Đức Bênêđictô XVI.
Các khác biệt thường là do khác biệt cá tính. Nó cũng tùy thuộc vào cuộc đời và cá tính của mỗi người. Đức Bênêđictô XVI là một nhà thần học lớn, con người của văn hóa và căn bản ngài là một nhà trí thức, thể hiện qua sở thích và lối sống của ngài. Ngài là tổng giám mục Munich chỉ một thời gian ngắn, trong khi Đức Phanxicô làm tổng giám mục Buenos Aires trong một thời gian dài với công việc mục vụ rất sâu đậm. Một giáo hoàng thần học gia, một giáo hoàng mục vụ gia. Người ta thấy điều này rất rõ trong cách họ diễn tả, trong cấu trúc các bài diễn văn và trong cách giáo huấn. Đức Bênêđictô XVI là một giáo hoàng phải được nghe, đọc và đọc đi đọc lại nhiều lần để thấm hiểu chiều sâu. Đức Phanxicô tuyệt đối không phải là người của bề mặt bên ngoài nhưng ngài có một khả năng đi đến cái ngay tức thì. Ngài biết chạm đến lòng người với những câu nói có hiệu năng, khả năng này đối với Đức Bênêđictô XVI khó hơn.
Do đó điều này ảnh hưởng trực tiếp đến công việc của tôi, nói theo nghĩa đen, Đức Phanxicô làm “tràn ngập” truyền thông, bắt đầu bằng các mạng xã hội. Chắc chắn, ngài là giáo hoàng lý tưởng của thế giới truyền thông. Chúng tôi, những người làm việc ở truyền thông Vatican, chúng tôi biết không thể nghĩ rằng giảng phúc âm cho thế giới và truyền thông Vatican chỉ làm duy nhất với các công cụ này. Chúng tôi dùng truyền thông rất nhiều nhưng chúng tôi không nghĩ đó là cách duy nhất.
Sau giai đoạn khó khăn của vụ rò rỉ Vatileaks, đã có gì thay đổi trong quan điểm của cách truyền thông đưa hình ảnh và tin tức của giáo hoàng không?
Đã có một hiệu ứng lớn của Đức Phanxicô, sự lôi cuốn phi thường này đã có một tác động tích cực, đã giúp rất nhiều giáo dân hiểu trọng tâm phục vụ của Giáo hội là sứ điệp Kitô về tình yêu của Chúa, lòng thương xót, sự tha thứ và ơn cứu rỗi cho tất cả mỗi người. Trước đây, những người có một cái nhìn hạn hẹp hay tiêu cực về Giáo hội, cho rằng Kitô giáo luôn hoành hành, luôn nghĩ việc duy nhất mà giáo hoàng quan tâm là nói không với tình dục, cấm phá thai, giống như không có gì khác để nói. Đương nhiên đó là điều không đúng, là lệch lạc nhưng tinh thần Kitô giáo bị thu gọn như thế. Đức Phanxicô đã lật ngược chuyện này một cách tài tình, không thể tưởng tượng được, và Giáo hội trở nên điểm quy chiếu tích cực cho rất nhiều người.
Ngay cả quan hệ với báo chí cũng được tốt đẹp: chúng tôi thấy quý vị thoải mái hơn trong mấy tháng vừa qua …
Điều này tùy sự thay đổi bầu khí. Bắt đầu là Đức Phanxicô lên lịch truyền thông của mình. Các người khác sẽ đi theo, họ có đủ tài liệu, họ hạnh phúc vì có khả năng thông tin. Trong khi đó, vào những lúc bị trì trệ, hoặc gặp khó khăn, hoặc bị vấp vào các thành kiến tiêu cực, các ký giả quay qua khai thác các chuyện bê bối. Điều tốt trong quan hệ với báo chí là khi bạn có những câu nói tích cực thì bạn cũng có thể tìm lại được thiên chức của một truyền thông viên chuyên nghiệp. Bởi vì khi truyền thông viên nói lời hay ý đẹp thì thường thường họ hạnh phúc và khi họ hạnh phúc thì họ không cần phải nói những chuyện xấu, bịa chuyện hoặc gây ra những tranh cãi trái chiều.
Cha không nói như một người sắp từ biệt, như một vài tin đồn loan ra …
Tôi không biết … tôi đã khá lớn tuổi, tôi đã 72, nên tôi không nghĩ tôi sẽ có thể tiếp tục làm việc lâu dài vì công việc của tôi rất đòi hỏi. Nhưng tôi lúc nào cũng sẵn sàng phục vụ các cấp trên của tôi. Tất cả những việc tôi đã làm, tôi đều làm lâu nhất khi người ta yêu cầu tôi.
Thành thật mà nói, tôi nghĩ không phải đơn giản tìm một người thay thế là có ngay. Không phải tôi đánh giá tôi là người đặc biệt có khả năng nhưng vì cần có một số kinh nghiệm tích tụ và có quan hệ với các nhân vật khác trong các nơi .. Tóm lại, tôi luôn đang đi trên con đường phục vụ giáo hoàng và Tin Mừng.
Vậy để kết luận, chúng tôi xin hỏi cha một câu: trên cương vị linh mục, một tu sĩ Dòng Tên, một người làm việc trong ngành truyền thông, đâu là ý nghĩa của những điều này khi phục vụ Giáo hoàng?
Tôi luôn luôn xem sứ vụ truyền thông như một sứ vụ được giao phó chứ không phải mình đi xin, ngay cả thời gian tôi làm việc ở báo Civiltà Cattolica. Không phải vì tôi là ký giả do thiên chức riêng của tôi. Tôi đã làm việc rất nhiều để học hỏi cách phục vụ truyền thông trong đường hướng loan báo Tin Mừng, có nghĩa là sứ mạng của Giáo hội như một sự truyền thông Lời Chúa. Giáo hội không thể được xem như truyền thông từ bản chất, các tông đồ là những người loan báo Tin Mừng, các nhà truyền giáo không phải là các ký giả nhưng chắc chắn họ là những nhà thông tin. Sự kiện đào sâu và cảm nhận càng ngày càng tự phát hơn sự kế tục giữa sứ mệnh loan báo Tin Mừng và truyền thông theo nghĩa nghề nghiệp nhất, đó là một trong những sợi chỉ dẫn đường cuộc sống của tôi.
Và đương nhiên có khía cạnh đặc biệt hơn khi làm việc ở Vatican: đó là khía cạnh phục vụ hiệp thông của cộng đoàn tu sĩ và của nhân loại. Đức giáo hoàng làm gì? Đức giáo hoàng là người phục vụ cho sự hiệp nhất Giáo hội và của cộng đoàn Kitô. Kế đó là tôi, trong vai trò người thông tín viên gần Giáo hoàng, đến lượt tôi, tôi cũng là người phục vụ – với truyền thông – từ đơn vị của Giáo hội. Ý tưởng truyền thông để hiệp thông, để đối thoại, để hợp nhất là tuyệt đối căn bản. Tôi tự xem mình là người không đội trời chung với loại truyền thông gây chia rẽ, dựng lên để người này chống người kia, để luận chiến. Truyền thông dùng để hiệp nhất hoặc như Đức Phanxicô hay nói, là để gặp gỡ.
Nguyễn Tùng Lâm dịch

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét