Suy Niệm: Chúng Ta Ðang Ði Trong Sự Sống Mới
Chúng ta không thể ghi nhớ mọi lời Kinh Thánh đã nghe trong Phụng vụ đêm nay. Càng không thể đúc kết được quá nhiều giáo lý sâu xa như vậy. Nhưng chúng ta phải thấy rõ mình đang đứng ở chỗ nào và trong trạng thái nào để cử hành mầu nhiệm Chúa Phục sinh.
A. Chúng Ta Ðang Ði Trong Sự Sống Mới
Bài thư Phaolô xác định vị trí và hoàn cảnh của chúng ta hiện nay. Chúng ta đã chịu phép Rửa trong Ðức Kitô, đã cùng chịu mai táng với Người trong sự chết cho tội lỗi, thì bây giờ chúng ta đang đi trong sự sống mới.
Quả thật, Phụng vụ đêm nay đã cho chúng ta thấy rõ điều đó. Lúc đầu khi vào nhà thờ, chúng ta như bị dìm trong bóng tối sự chết. Nhưng rồi ánh sáng Ðức Kitô đã bừng lên, dẫn chúng ta vào Nước ánh sáng huyền diệu của Người để tất cả chúng ta trở nên con cái sự sáng, chan hòa ánh sáng mới mẻ của mầu nhiệm Phục sinh.
Rồi chúng ta cũng đã dần dần được soi sáng trong tâm trí. Các bài Cựu Ước từ từ mạc khải cho chúng ta con đường lịch sử cứu độ, để chúng ta thấy nhân loại đã được Chúa dẫn dắt đi vào con đường mỗi ngày một sáng.
Nhất là qua nghi lễ Rửa tội và tuyên lại lời hứa của Bí tích Thánh tẩy, chính chúng ta đã quyết tâm nhờ ơn Chúa từ bỏ nếp sống cũ kỹ tối tăm đi vào sự sống ân sủng và chân lý của Con Thiên Chúa.
Bài thư Rôma đúc kết mọi tư tưởng trên và cho chúng ta thấy rõ nền tảng của tình trạng hiện nay của chúng ta. Chúng ta được như vậy là vì đã đồng hóa với sự chết của Ðức Kitô, đã đóng đinh xác thịt vào Thập giá của Người, đã chết cho tội lỗi trong sự mai táng của Người: chính việc kết hợp với Ðức Kitô nhờ lòng tin cậy mến biến chúng ta nên những con người khác thường. Bề ngoài chúng ta như tất cả mọi người; nhưng giờ đây tin Ðức Kitô và liên kết với Người, chúng ta đã cùng Người ra khỏi quyền lực sự chết và hưởng ánh sáng mới của sự sống phục sinh. Tất cả thân phận chúng ta tùy thuộc vào niềm tin và ý chí kết hợp đó. Ra khỏi bầu khí đức tin hiện tại và rời khỏi tình liên kết mật thiết với Ðức Kitô, chúng ta lại trở thành phàm nhân trần tục. Mà bầu khí đức tin và tình liên kết này không giả tạo. Nó căn cứ trên ý chí dứt khoát của chúng ta đã từ bỏ tối tăm tội lỗi và lựa chọn đi vào Nước ánh sáng thánh thiện của Con Thiên Chúa. Nó tồn tại mãi mãi trong đời sống của chúng ta, bao lâu trong thực hành chúng ta vẫn từ khước tội lỗi và chạy theo sự thánh thiện. Và chúng ta chỉ sẵn lòng và phấn khởi làm như vậy khi chúng ta tin mãnh liệt vào việc Chúa sống lại. Thế nên chúng ta luôn cần suy nghĩ về sự kiện này.
B. Mầu Nhiệm Chúa Phục Sinh
Bài Tin Mừng Matthêô bề ngoài như muốn thuật lại việc Chúa sống lại. Nhưng đọc kỹ, chúng ta chỉ thấy những sự việc trước và sau khi Chúa sống lại. Còn chính sự kiện Chúa Phục sinh là một mầu nhiệm, vượt ra ngoài sự hiểu biết khả giác vì chẳng ai đã thấy Chúa sống lại lúc nào và như thế nào. Matthêô chỉ thuật truyện "như" đã xem thấy mà thôi. Ông kể: sáng sớm Ngày thứ nhất trong tuần hai bà đã thấy mộ trống. Nhưng ông đã lợi dụng lúc hai bà đang đi trên đường đi để hình dung việc Chúa sống lại theo các hình ảnh quen thuộc trong Cựu Ước. Nói đúng hơn, ông dùng lối văn hiển linh để diễn tả việc Thiên Chúa Phục sinh Ðức Kitô. Trước hết phải có động đất để báo hiệu có hiển linh, tức là có việc Thiên Chúa can thiệp mạnh mẽ vào đời sống nơi dương gian. Rồi đến chính sự hiển linh, tức là hành động của Thiên Chúa: Thần sứ Người từ trời xuống, vần tảng đá ra, ngồi lên trên nó trong trạng thái bá chủ hoàn toàn. Rồi những nét tả về Khuôn mặt và Y phục cũng chỉ lấy lại mọi hình ảnh quen thuộc của các cuộc hiển linh.
Thành ra, Matthêô đã không mô tả việc Ðức Kitô sống lại. Ông chỉ diễn tả niềm niềm tin Thiên Chúa đã phục sinh Người bằng những hình ảnh quen thuộc của các cuộc hiển linh. Ông cũng không quên nói đến tác động của những cảnh tượng như thế nơi con người, ông viết: bọn lính canh mộ khiếp sợ và ra như chết. Nhưng có thể nói đó chỉ là những điều mà Matthêô đã suy diễn từ niềm tin vào mầu nhiệm Phục sinh và diễn tả theo lối văn hiển linh. Thật sự ông đã thấy gì?
Ông đã thấy hai bà ra viếng mộ. Và tới nơi họ thấy mồ trống. Họ chẳng hiểu gì và muốn được giải thích. Lúc đó thần sứ Chúa đã bảo họ hãy nhớ lại Lời Người đã nói, đã hứa sẽ sống lại và đi đón họ ở Galilê. Matthêô đã tâm lý khi mô tả họ vội vã bỏ mồ, vừa sợ vừa vui, chạy về báo tin cho môn đệ. Họ sợ vì gặp chuyện quá sức không ngờ; nhưng lại vui vì niềm tin vào Lời Chúa đã nhóm lên ở trong lòng. Và để khẳng định niềm tin chắc chắn của mình vào việc Chúa sống lại, Matthêô kể thêm chuyện Chúa hiện ra với hai bà và việc hai bà thờ lạy Người.
Như vậy, Matthêô đã cố gắng truyền đạt niềm tin của mình vào việc Chúa sống lại. Ông căn cứ vào sự kiện mồ trống và vào việc Chúa hiện ra với các phụ nữ. Ðó không phải là chính việc Chúa phục sinh, nhưng chỉ là những sự kiện làm chứng cho Lời Người đã nói sẽ sống lại và sẽ đi đón môn đệ ở Galilê. Chính Lời Thánh Kinh giúp các môn đệ hiểu sự kiện mồ trống và việc Chúa hiện ra. Niềm tin vào việc Chúa phục sinh cuối cùng vẫn tựa vào lời tiên tri vậy.
Ðến lượt chúng ta phải tin và truyền đạt niềm tin vào việc Chúa phục sinh. Chúng ta đã tin rồi. Và niềm tin ấy căn cứ vào chứng từ của các Tông đồ khiến chúng ta tin vào Lời Chúa. Thì đến lượt chúng ta cũng chỉ truyền đạt được niềm tin nếu chứng từ của chúng ta khiến người ta tin vào Sách Thánh. Ở nhà thờ này, tham dự thánh lễ này, chúng ta là những người tin. Và hôm nay đặc biệt tin Chúa đã phục sinh . Ra khỏi buổi lễ phụng vụ ở đây, chúng ta phải truyền đạt niềm tin ấy bằng chứng từ của đời sống. Thế mà theo thư Phaolô, muốn làm chứng Ðức Kitô đã phục sinh, chúng ta phải nhận thức mình đã chết cho tội lỗi và đang sống cho Thiên Chúa trong Ðức Yêsu Kitô. Thánh lễ này đang mang chúng ta vào trong Ðức Yêsu Kitô để chúng ta nên một với Người hầu chúng ta sẽ luôn sống cho Thiên Chúa. Cầu chúc anh chị em dự lễ sốt sắng để thật sự từ nay sống mới mẻ trong Ðức Yêsu Kitô phục sinh.
(Trích dẫn từ tập sách Giải Nghĩa Lời Chúa
của Ðức cố Giám Mục Bartôlômêô Nguyễn Sơn Lâm)
LỜI CHÚA MỖI NGÀY
Thứ Bảy Tuần Thánh, Vọng Phục Sinh
Bài đọc: Gen 1:1-2:2; Exo 14:15-15:1; Isa 54:5-14; Isa 55:1-11; Eze 36:16-28; Rom 6:3-11; Mk 16:1-8.
GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Lịch sử Cứu Độ của Thiên Chúa
Thiên Chúa chúng ta thờ là Thiên Chúa duy nhất trong vũ trụ này. Sự kiện Ngài cho Con của Ngài, Đức Giêsu Kitô, từ cõi chết sống lại một lần nữa chứng tỏ điều này. Nhìn lại lịch sử cứu độ, chúng ta thấy Ngài là Đấng dựng nên vũ trụ và điều khiển muôn loài. Ngài đã chọn Israel như dân riêng để chuẩn bị cho Đấng Cứu Thế ra đời. Ngài trung thành trong những gì Ngài đã hứa với con người cho dù con người đã phản bội Ngài. Ngài luôn tìm cách để cứu độ con người qua biến cố Xuất Hành, qua việc giải phóng và cho dân hồi hương từ các nơi lưu đày. Nhưng sự kiện nổi bật nhất trong lịch sử cứu độ là gởi Đấng Thiên Sai tới mang lấy thân xác con người để chuộc tội cho mọi người. Đấng Thiên Sai đã trải qua cuộc khổ nạn và sống lại vinh quang là trọng tâm của Mầu Nhiệm Phục Sinh chúng ta cử hành đêm nay.
Trong phần phụng vụ Lời Chúa hôm nay, Giáo Hội muốn các tín hữu nhìn lại lịch sử Cứu Độ của Thiên Chúa, bắt đầu với việc tạo dựng vũ trụ và con người, và kết thúc bằng biến cố Phục Sinh của Đức Kitô. Nơi nào hòan cảnh cho phép, Giáo Hội khuyến khích đọc cả 7 bài; nơi nào hòan cảnh không cho phép, phải đọc đọc 3 bài: Biến cố Xuất Hành, ý nghĩa của Bí-tích Rửa Tội trong Thư Rôma, và Biến cố Phục Sinh theo Marcô. Thông thường, các giáo xứ đọc 5 bài: trình thuật tạo dựng trong Sáng Thế Ký, trình thuật tái tạo một quả tim mới và thần khí mới của tiên tri Ezekiel, và 3 bài phải đọc. Hai bài từ Sách Isaiah về sự trung thành yêu thương của Thiên Chúa, và những gì sẽ xảy ra khi triều đại của Đấng Thiên Sai tới, cho những nơi có hòan cảnh đọc cả 7 bài.
KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/ Bài đọc I: Thiên Chúa sáng tạo trời đất và mọi lòai trong đó.
Trình thuật tạo dựng này rất quan trọng cho những ai đang muốn tước quyền sống của thai nhi, người già cả, và các bệnh nhân phải chịu bệnh lâu ngày. Con người không có quyền trên sự sống, họ được trao quyền để bảo vệ sự sống mà thôi. Lương thực Thiên Chúa dựng nên không bao giờ cạn, vì các hạt giống đều có tiềm năng sinh nhiều hạt giống khác, chim trời không ngừng đẻ trứng, cá biển mang những buồng trứng khổng lồ, súc vật cũng có khả năng sinh sôi nẩy nở vô số. Vì thế, Thiên Chúa cũng truyền cho con người phải sinh sản cho đầy mặt đất. Con người không được nhân danh thiếu đồ ăn để tước đi quyền sống của bất cứ ai.
(1) Ngày thứ nhất, Thiên Chúa dựng nên ánh sáng và bóng tối: “Lúc khởi đầu, Thiên Chúa sáng tạo trời đất. Đất còn trống rỗng, chưa có hình dạng, bóng tối bao trùm vực thẳm, và thần khí Thiên Chúa bay lượn trên mặt nước. Thiên Chúa phán: "Phải có ánh sáng." Liền có ánh sáng. Thiên Chúa thấy rằng ánh sáng tốt đẹp. Thiên Chúa phân rẽ ánh sáng và bóng tối. Thiên Chúa gọi ánh sáng là "ngày," bóng tối là "đêm." Qua một buổi chiều và một buổi sáng: đó là ngày thứ nhất.
(2) Ngày thứ hai, Thiên Chúa dựng nên trời: “Thiên Chúa phán: "Phải có một cái vòm ở giữa khối nước, để phân rẽ nước với nước." Thiên Chúa làm ra cái vòm đó và phân rẽ nước phía dưới vòm với nước phía trên. Liền có như vậy. Thiên Chúa gọi vòm đó là "trời." Qua một buổi chiều và một buổi sáng: đó là ngày thứ hai.”
(3) Ngày thứ ba, Thiên Chúa dựng nên đất và các lòai thảo mộc: “Thiên Chúa phán: "Nước phía dưới trời phải tụ lại một nơi, để chỗ cạn lộ ra." Liền có như vậy. Thiên Chúa gọi chỗ cạn là "đất," khối nước tụ lại là "biển." Thiên Chúa thấy thế là tốt đẹp. Thiên Chúa phán: "Đất phải sinh thảo mộc xanh tươi, cỏ mang hạt giống, và cây trên mặt đất có trái, ra trái tuỳ theo loại, trong có hạt giống." Liền có như vậy. Đất trổ sinh thảo mộc, cỏ mang hạt giống tuỳ theo loại, và cây ra trái, trong trái có hạt giống tuỳ theo loại. Thiên Chúa thấy thế là tốt đẹp. Qua một buổi chiều và một buổi sáng: đó là ngày thứ ba.”
(4) Ngày thứ tư, Thiên Chúa dựng nên mặt trời, mặt trăng, và các tinh thể trên vòm trời: “Thiên Chúa phán: "Phải có những vầng sáng trên vòm trời, để phân rẽ ngày với đêm, để làm dấu chỉ xác định các đại lễ, ngày và năm. Đó sẽ là những vầng sáng trên vòm trời để chiếu soi mặt đất." Liền có như vậy. Thiên Chúa làm ra hai vầng sáng lớn: vầng sáng lớn hơn để điều khiển ngày, vầng sáng nhỏ hơn để điều khiển đêm; Người cũng làm ra các ngôi sao. Thiên Chúa đặt các vầng sáng trên vòm trời để chiếu soi mặt đất, để điều khiển ngày và đêm, và để phân rẽ ánh sáng với bóng tối. Thiên Chúa thấy thế là tốt đẹp. Qua một buổi chiều và một buổi sáng: đó là ngày thứ tư.”
(5) Ngày thứ năm, Thiên Chúa dựng nên chim trời, cá biển: “Thiên Chúa phán: "Nước phải sinh ra đầy dẫy những sinh vật lúc nhúc, và loài chim phải bay lượn trên mặt đất, dưới vòm trời." Thiên Chúa sáng tạo các thủy quái khổng lồ, cùng mọi sinh vật vẫy vùng lúc nhúc dưới nước tuỳ theo loại, và mọi giống chim bay tuỳ theo loại. Thiên Chúa thấy thế là tốt đẹp. Thiên Chúa chúc phúc cho chúng rằng: "Hãy sinh sôi nảy nở thật nhiều, cho đầy biển; và chim phải sinh sản cho nhiều trên mặt đất." Qua một buổi chiều và một buổi sáng: đó là ngày thứ năm.”
(6) Ngày thứ sáu, Thiên Chúa dựng nên thú vật và con người.
- Tạo dựng thú vật: “Thiên Chúa phán: "Đất phải sinh ra các sinh vật tuỳ theo loại: gia súc, loài bò sát và dã thú tuỳ theo loại." Liền có như vậy. Thiên Chúa làm ra dã thú tuỳ theo loại, gia súc tuỳ theo loại và loài bò sát dưới đất tuỳ theo loại. Thiên Chúa thấy thế là tốt đẹp.
- Tạo dựng con người: Thiên Chúa phán: "Chúng ta hãy làm ra con người theo hình ảnh chúng ta, giống như chúng ta, để con người làm bá chủ cá biển, chim trời, gia súc, dã thú, tất cả mặt đất và mọi giống vật bò dưới đất." Thiên Chúa sáng tạo con người theo hình ảnh mình, Thiên Chúa sáng tạo con người theo hình ảnh Thiên Chúa, Thiên Chúa sáng tạo con người có nam có nữ. Thiên Chúa ban phúc lành cho họ, và Thiên Chúa phán với họ: "Hãy sinh sôi nảy nở thật nhiều, cho đầy mặt đất, và thống trị mặt đất. Hãy làm bá chủ cá biển, chim trời, và mọi giống vật bò trên mặt đất." Thiên Chúa phán: "Đây Ta ban cho các ngươi mọi thứ cỏ mang hạt giống trên khắp mặt đất, và mọi thứ cây có trái mang hạt giống, để làm lương thực cho các ngươi. Còn đối với mọi dã thú, chim trời và mọi vật bò dưới đất mà có sinh khí, thì Ta ban cho chúng mọi thứ cỏ xanh tươi để làm lương thực. Liền có như vậy." Thiên Chúa thấy mọi sự Người đã làm ra quả là rất tốt đẹp! Qua một buổi chiều và một buổi sáng: đó là ngày thứ sáu.
(7) Ngày thứ bảy, Thiên Chúa nghỉ ngơi: “Thế là trời đất cùng với mọi thành phần đã hoàn tất. Ngày thứ bảy, Thiên Chúa đã hoàn thành công việc Người làm. Khi làm xong mọi công việc của Người, ngày thứ bảy, Thiên Chúa nghỉ ngơi.”
2/ Bài đọc II: Israel thấy Đức Chúa đã ra tay hùng mạnh đánh quân Ai-cập.
Cuộc xuất hành của Israel ra khỏi Ai-cập: Sau khi ông Giuse qua đời, vị vua mới, Pharaoh, lên ngôi. Ông không còn nhớ gì tới công ơn của Giuse; nhưng hành hạ người Do-thái sống trên đất Ai-cập, bắt họ sống kiếp nô lệ cho người Ai-cập. Dân chúng kêu cầu lên Thiên Chúa, và Ngài đã chọn ông Moses và Aaron để cứu dân thóat khỏi tay người Ai-cập.
(1) Kế họach cứu độ dân được mặc khải cho ông Moses: “Đức Chúa phán với ông Moses: "Có gì mà phải kêu cứu Ta? Hãy bảo con cái Israel cứ nhổ trại. Phần ngươi, cầm gậy lên, giơ tay trên mặt biển, rẽ nước ra cho có lối đi khô ráo ngay giữa lòng biển, để con cái Israel đi vào. Còn Ta, Ta sẽ làm cho lòng người Ai-cập ra chai đá. Chúng sẽ tiến vào sau các ngươi. Bấy giờ Ta sẽ được vẻ vang hiển hách khi đánh bại Pharaoh cùng toàn thể quân lực, chiến xa và kỵ binh của vua ấy. Người Ai-cập sẽ biết rằng chính Ta là Đức Chúa, khi Ta được vẻ vang hiển hách vì đã đánh bại Pharaoh cùng chiến xa và kỵ binh của vua ấy."
(2) Dân Israel đi qua Biển Đỏ ráo chân: Để thóat khỏi đất Ai-cập, dân chúng phải vượt Biển Đỏ. Làm sao dân chúng có thể vượt biển mà không có thuyền bè, nhất là cho một đám đông dân Do-thái như vậy? Thiên Chúa làm rẽ nước biển làm hai, dựng đứng như hai bức tường thành để dân Ngài đi qua: “Thiên sứ của Thiên Chúa đang đi trước hàng ngũ Israel, lại rời chỗ mà xuống đi đàng sau họ. Cột mây bỏ phía trước mà đứng về phía sau, chen vào giữa hàng ngũ Ai-cập và hàng ngũ Israel. Bên kia, mây toả mịt mù, bên này, mây lại sáng soi đêm tối, khiến cho hai bên suốt đêm không xáp lại gần nhau được. Ông Moses giơ tay trên mặt biển, Đức Chúa cho một cơn gió đông thổi mạnh suốt đêm, dồn biển lại, khiến biển hoá thành đất khô cạn. Nước rẽ ra, và con cái Israel đi vào giữa lòng biển khô cạn, nước sừng sững như tường thành hai bên tả hữu.”
(3) Chúa tiêu hủy toàn bộ quân đội của Pharaoh trong Biển Đỏ: Thấy dân Do-thái đi qua Biển Đỏ. “Quân Ai-cập đuổi theo; toàn thể chiến mã, chiến xa và kỵ binh của Pharao tiến vào giữa lòng biển, đằng sau dân Israel. Vào lúc gần sáng, từ cột lửa và mây, Đức Chúa nhìn xuống hàng ngũ Ai-cập, Người gây rối loạn trong hàng ngũ chúng. Người làm cho chiến xa kẹt bánh khiến chúng phải vất vả mới di chuyển nổi. Quân Ai-cập bảo nhau: "Ta phải trốn bọn Israel, vì Đức Chúa chiến đấu chống lại người Ai-cập để giúp họ."”
Đức Chúa phán với ông Moses: "Hãy giơ tay trên mặt biển, nước sẽ ập xuống trên quân Ai-cập cùng với chiến xa và kỵ binh của chúng." Ông Moses giơ tay trên mặt biển, và biển ập lại như cũ, vào lúc tảng sáng. Quân Ai-cập đang chạy trốn thì gặp nước biển, Đức Chúa xô ngã quân Ai-cập giữa lòng biển. Nước ập xuống, vùi lấp chiến xa và kỵ binh, vùi lấp toàn thể quân lực của Pharaoh đã theo dân Israel đi vào lòng biển. Không một tên nào sống sót.”
(4) Dân Israel nhận ra quyền lực của Thiên Chúa và tin vào Ngài: “Con cái Israel đã đi giữa lòng biển khô cạn, nước sừng sững như tường thành hai bên tả hữu. Ngày đó, Đức Chúa đã cứu Israel khỏi tay quân Ai-cập. Israel thấy quân Ai-cập phơi thây trên bờ biển. Israel thấy Đức Chúa đã ra tay hùng mạnh đánh quân Ai-cập. Toàn dân kính sợ Đức Chúa, tin vào Đức Chúa, tin vào ông Moses, tôi trung của Người. Bấy giờ ông Moses cùng với con cái Israel hát mừng Đức Chúa bài ca sau đây. Họ ca rằng: "Tôi xin hát mừng Chúa, Đấng cao cả uy hùng: Kỵ binh cùng chiến mã, Người xô xuống đại dương.””
3/ Bài đọc III: Thiên Chúa trung thành yêu thương dân Ngài đến muôn đời.
3.1/ Tình nghĩa chồng vợ giữa Thiên Chúa và Israel:
- Thiên Chúa được ví như người chồng: “Quả thế, Đấng cùng ngươi sánh duyên cầm sắt chính là Đấng đã tác thành ngươi, tôn danh Người là Đức Chúa các đạo binh; Đấng chuộc ngươi về, chính là Đức Thánh của Israel, tước hiệu Người là Thiên Chúa toàn cõi đất.”
- Israel được ví như người vợ bất trung: “Phải, Đức Chúa đã gọi ngươi về, như người đàn bà bị ruồng bỏ, tâm thần sầu muộn. "Người vợ cưới lúc thanh xuân, ai mà rẫy cho đành?" Thiên Chúa ngươi phán như vậy. Trong một thời gian ngắn, Ta đã ruồng bỏ ngươi, nhưng vì lòng thương xót vô bờ, Ta sẽ đón ngươi về tái hợp. Lúc lửa giận bừng bừng, Ta đã một thời ngoảnh mặt chẳng nhìn ngươi, nhưng vì tình nghĩa ngàn đời, Ta lại chạnh lòng thương xót, Đức Chúa, Đấng cứu chuộc ngươi, phán như vậy.”
3.2/ Tình yêu Thiên Chúa với Israel sẽ bền vững muôn đời.
- Chúa đánh phạt rồi Ngài lại xót thương: “Ta cũng sẽ làm như thời Noah: lúc đó, Ta đã thề rằng hồng thủy sẽ không tràn ngập mặt đất nữa, cũng vậy, nay Ta thề sẽ không còn nổi giận và hăm doạ ngươi đâu. Núi có dời có đổi, đồi có chuyển có lay, tình nghĩa của Ta đối với ngươi vẫn không thay đổi, giao ước hoà bình của Ta cũng chẳng chuyển lay, Đức Chúa là Đấng thương xót ngươi phán như vậy.”
- Ngài sẽ cho dân về để tái thiết thành Jerusalem: “Hỡi thành đô khốn đốn, ba chìm bảy nổi, không người ủi an! Này, đá của ngươi, Ta lấy phẩm màu tô điểm, nền móng ngươi, Ta đặt trên lam ngọc, lỗ châu mai tường thành, Ta xây bằng hồng ngọc, các cửa thành ngươi, bằng pha lê, tường trong luỹ ngoài, toàn đá quý.”
- Ngài sẽ bảo vệ con cái của Israel: “Con cái ngươi, Đức Chúa đều dạy dỗ, chúng sẽ được vui hưởng thái bình. Nền tảng vững bền của ngươi sẽ là đức công chính; ngươi sẽ thoát khỏi áp bức, không còn phải sợ chi, sẽ thoát khỏi kinh hoàng, vì kinh hoàng sẽ không đến gần ngươi nữa.”
4/ Bài đọc IV: Những gì sẽ xảy ra khi triều đại của Đấng Thiên Sai tới.
4.1/ Lời tiên đóan về Bí-tích Thánh Thể: “Đến cả đi, hỡi những người đang khát, nước đã sẵn đây! Dầu không có tiền bạc, cứ đến mua mà dùng; đến mua rượu mua sữa, không phải trả đồng nào. Sao lại phí tiền bạc vào của không nuôi sống, tốn công vất vả vào thứ chẳng làm cho chắc dạ no lòng? Hãy chăm chú nghe Ta, thì các ngươi sẽ được ăn ngon, được thưởng thức cao lương mỹ vị. Hãy lắng tai và đến với Ta, hãy nghe thì các ngươi sẽ được sống.”
4.2/ Lời tiên đóan về giao ước mới: Giòng dõi David sẽ làm vua cai trị dân Người.
(1) Giao ước mới và vĩnh cửu: “Ta sẽ lập với các ngươi một giao ước vĩnh cửu, để trọn bề nhân nghĩa với David. Này, Ta đã đặt David làm nhân chứng cho các dân, làm thủ lãnh chỉ huy các nước. Này, ngươi sẽ chiêu tập một dân tộc ngươi không quen biết; một dân tộc không quen biết ngươi sẽ chạy đến với ngươi, vì Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, vì Đức Thánh của Israel đã làm cho ngươi được vinh hiển.”
- Người sẽ là Vua của các dân tộc, chứ không phải chỉ là Vua của Israel mà thôi.
(2) Kêu gọi dân trở về với Thiên Chúa: “Hãy tìm Đức Chúa khi Người còn cho gặp, kêu cầu Người lúc Người ở kề bên. Kẻ gian ác, hãy bỏ đường lối mình đang theo, người bất lương, hãy bỏ tư tưởng mình đang có mà trở về với Đức Chúa - và Người sẽ xót thương - về với Thiên Chúa chúng ta, vì Người sẽ rộng lòng tha thứ.”
4.3/ Sự khác biệt giữa Thiên Chúa và con người:
(1) Về tư tưởng và đường lối họat động: “Thật vậy, tư tưởng của Ta không phải là tư tưởng của các ngươi, và đường lối các ngươi không phải là đường lối của Ta - sấm ngôn của Đức Chúa. Trời cao hơn đất chừng nào thì đường lối của Ta cũng cao hơn đường lối các ngươi, và tư tưởng của Ta cũng cao hơn tư tưởng các ngươi chừng ấy.”
(2) Hiệu quả của Lời Chúa: “Cũng như mưa với tuyết sa xuống từ trời không trở về trời nếu chưa thấm xuống đất, chưa làm cho đất phì nhiêu và đâm chồi nẩy lộc, cho kẻ gieo có hạt giống, cho người đói có bánh ăn, thì lời Ta cũng vậy, một khi xuất phát từ miệng Ta, sẽ không trở về với Ta nếu chưa đạt kết quả, chưa thực hiện ý muốn của Ta, chưa chu toàn sứ mạng Ta giao phó.”
5/ Bài đọc V: Ta sẽ ban tặng các ngươi một quả tim mới, sẽ đặt thần khí mới vào lòng các ngươi.
5.1/ Israel đã làm cho đất ấy ra ô uế vì lối sống và các hành vi của chúng: Tiên tri Ezekiel và dân tộc Israel phải sống trong các nơi lưu đày vì tội lỗi của họ đã xúc phạm đến Thiên Chúa. Sống trong nơi lưu đày, Thiên Chúa kêu gọi họ hãy bỏ đàng tội lỗi và quay về với Lề Luật của Thiên Chúa; nhưng họ đã không nghe: cuộc sống của họ nơi đất khách quê người càng làm ô danh Thiên Chúa và làm cho đất đai, nơi họ đang sinh sống, ra ô uế.
Tiên tri Ezekiel tường thuật những gì Thiên Chúa phán với ngài: “Có lời Đức Chúa phán với tôi rằng: Hỡi con người, con cái nhà Israel đang cư ngụ trên đất của chúng, đã làm cho đất ấy ra ô uế vì lối sống và các hành vi của chúng; lối sống của chúng trước mặt Ta cũng ô uế như người đàn bà trong thời kinh nguyệt. Ta đã trút xuống trên chúng cơn thịnh nộ của Ta vì máu chúng đã đổ ra trên đất ấy và làm cho đất ấy ra ô uế vì các việc ô uế của chúng. Ta đã tung chúng đi các dân và gieo chúng vào các nước. Ta đã căn cứ vào lối sống và các hành vi của chúng mà xét xử. Chúng đã làm cho Danh Ta bị xúc phạm giữa các dân mà chúng đi đến, khiến người ta nói về chúng rằng: "Đó là dân của Đức Chúa, chúng đã phải ra khỏi xứ của Người." Nhưng Ta ái ngại cho thánh danh Ta đã bị nhà Israel xúc phạm giữa các dân mà chúng đi đến.”
5.2/ Vì Danh Thánh, Thiên Chúa sẽ thanh tẩy dân Ngài: “Vì thế, ngươi hãy nói với nhà Israel: Đức Chúa là Chúa Thượng phán thế này: Hỡi nhà Israel, không phải vì các ngươi mà Ta hành động, mà vì danh thánh của Ta đã bị các ngươi xúc phạm giữa các dân các ngươi đã đi đến.
Ta sẽ biểu dương Danh thánh thiện vĩ đại của Ta đã bị xúc phạm giữa chư dân, danh mà các ngươi đã xúc phạm ở giữa chúng. Bấy giờ chư dân sẽ nhận biết chính Ta là Đức Chúa - sấm ngôn của Đức Chúa là Chúa Thượng - khi Ta biểu dương sự thánh thiện của Ta nơi các ngươi ngay trước mắt chúng.” Ba điều Thiên Chúa sẽ làm cho Israel:
(1) Cho dân Israel hồi hương: “Bấy giờ, Ta sẽ đem các ngươi ra khỏi các dân tộc, sẽ quy tụ các ngươi lại từ khắp các nước, và sẽ dẫn các ngươi về đất của các ngươi.”
(2) Thanh tẩy dân chúng: “Rồi Ta sẽ rảy nước thanh sạch trên các ngươi và các ngươi sẽ được thanh sạch, các ngươi sẽ được sạch mọi ô uế và mọi tà thần. Ta sẽ ban tặng các ngươi một quả tim mới, sẽ đặt thần khí mới vào lòng các ngươi. Ta sẽ bỏ đi quả tim bằng đá khỏi thân mình các ngươi và sẽ ban tặng các ngươi một quả tim bằng thịt. Chính thần trí của Ta, Ta sẽ đặt vào lòng các ngươi, Ta sẽ làm cho các ngươi đi theo thánh chỉ, tuân giữ các phán quyết của Ta và đem ra thi hành.”
(3) Ngài sẽ nối lại mối liên hệ với Israel: “Các ngươi sẽ cư ngụ trong đất Ta đã ban cho tổ tiên các ngươi. Các ngươi sẽ là dân của Ta. Còn Ta, Ta sẽ là Thiên Chúa các ngươi.”
6/ Bài đọc VI: Nếu chúng ta cùng chết với Đức Kitô, chúng ta sẽ cùng được sống lại với Người.
6.1/ Ý nghĩa của Bí tích Rửa Tội: Thánh Phaolô nhấn mạnh đến hai chiều kích của Bí-tích:
(1) Chiều đi xuống là dìm mình trong cái chết của Đức Kitô: “Anh em không biết rằng: khi chúng ta được dìm vào nước thanh tẩy, để thuộc về Đức Kitô Giêsu, là chúng ta được dìm vào trong cái chết của Người sao? Vì được dìm vào trong cái chết của Người, chúng ta đã cùng được mai táng với Người.”
(2) Chiều đi lên là cùng được sống lại vinh hiển với Người: “Bởi thế, cũng như Người đã được sống lại từ cõi chết nhờ quyền năng vinh hiển của Chúa Cha, thì chúng ta cũng được sống một đời sống mới. Thật vậy, vì chúng ta đã nên một với Đức Kitô nhờ được chết như Người đã chết, thì chúng ta cũng sẽ nên một với Người, nhờ được sống lại như Người đã sống lại.”
6.2/ Làm thế nào để sống đức tin của Bí tích Rửa Tội?
(1) Phải từ bỏ con người cũ và nếp sống tội lỗi: “Chúng ta biết rằng: con người cũ nơi chúng ta đã bị đóng đinh vào thập giá với Đức Kitô, như vậy, con người do tội lỗi thống trị đã bị huỷ diệt, để chúng ta không còn làm nô lệ cho tội lỗi nữa. Quả thế, ai đã chết, thì thoát khỏi quyền của tội lỗi.”
(2) Phải mặc lấy Đức Kitô và sống đời sống mới cho Thiên Chúa (nhân đức và ân sủng): “Nếu chúng ta đã cùng chết với Đức Kitô, chúng ta cũng sẽ cùng sống với Người: đó là niềm tin của chúng ta. Thật vậy, chúng ta biết rằng: một khi Đức Kitô đã sống lại từ cõi chết, thì không bao giờ Người chết nữa, cái chết chẳng còn quyền chi đối với Người. Người đã chết, là chết đối với tội lỗi, và một lần là đủ. Nay Người sống, là sống cho Thiên Chúa. Anh em cũng vậy, hãy coi mình như đã chết đối với tội lỗi, nhưng nay lại sống cho Thiên Chúa, trong Đức Kitô Giêsu.”
7/ Phúc Âm: Người đã trỗi dậy rồi, không còn ở đây nữa.
7.1/ Lối suy nghĩ của con người: Các bà này là những người đã chứng kiến cuộc tử nạn, tháo đanh, và táng xác Chúa Giêsu trong hang đá. Khi táng xác, các bà không kịp ướp xác Chúa, vì là ngày Sabbath; nên các bà nóng lòng chờ đến ngày hôm sau để ra mộ ướp xác Ngài. Truyền thống Do-thái tin: người chết mà không được ướp xác là điều xỉ nhục.
(1) Chuẩn bị ướp xác Chúa: “Vừa hết ngày Sabbath, bà Maria Magdala với bà Maria mẹ ông Giacôbê, và bà Salômê, mua dầu thơm để đi ướp xác Đức Giêsu. Sáng tinh sương ngày thứ nhất trong tuần, lúc mặt trời hé mọc, các bà ra mộ.”
(2) Nỗi lo sợ không đủ sức để lăn tảng đá khỏi cửa mộ: Các tông đồ đã bỏ trốn cả vì sợ người Do-thái. Các bà có thể đi lại dễ dàng, nhưng không thể tìm một người đàn ông để giúp mình lăn tảng đá ra khỏi mộ, vì là một tảng đá nặng. Đang khi đi đường, các bà bảo nhau: "Ai sẽ lăn tảng đá ra khỏi cửa mộ giùm ta đây?" Nhưng vừa ngước mắt lên, các bà đã thấy tảng đá lăn ra một bên rồi, mà tảng đá ấy lớn lắm.
7.2/ Tin Mừng Phục Sinh: Các bà không thể hiểu “từ cõi chết sống lại có nghĩa gì;” vì truyền thống Do-thái tin chết là hết. Các bà không thể tin Chúa Giêsu đã sống lại từ cõi chết.
(1) Thiên thần cắt nghĩa cho các bà: “Vào trong mộ, các bà thấy một người thanh niên ngồi bên phải, mặc áo trắng; các bà hoảng sợ. Nhưng người thanh niên liền nói: "Đừng hoảng sợ! Các bà tìm Đức Giêsu Nazareth, Đấng bị đóng đinh chứ gì! Người đã trỗi dậy rồi, không còn đây nữa. Chỗ đã đặt Người đây này!” Đã không thấy xác Chúa, lại còn gặp một thanh niên lạ mặt, các bà còn hỏang sợ hơn nữa. Làm sao có thể tin những lời thanh niên này nói? Nhưng vì quá sợ, nên các bà không dám hỏi. Có lẽ các bà nghĩ như Maria trong trình thuật Gioan: chắc ông này đã lấy xác Chúa!
(2) Các tông đồ sẽ được nhìn thấy Chúa tại Galilee: Người thanh niên nói tiếp: “Xin các bà về nói với môn đệ Người và ông Phêrô rằng Người sẽ đến Galilee trước các ông. Ở đó, các ông sẽ được thấy Người như Người đã nói với các ông."
- Phản ứng của các bà: “Vừa ra khỏi mộ, các bà liền chạy trốn, run lẩy bẩy, hết hồn hết vía. Các bà chẳng nói gì với ai, vì sợ hãi.”
ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
- Thiên Chúa chúng ta thờ là Thiên Chúa thật; Ngài có uy quyền dựng nên tất cả, giải thoát dân khỏi mọi nguy hiểm, và trung thành yêu thương chúng ta đến cùng.
- Thiên Chúa dựng nên con người với một mục đích là cho con người được chung hưởng vinh quang với Ngài sau cuộc đời trên dương thế này.
- Vì Đức Kitô đã chịu chết và sống lại vinh hiển, cho nên, nếu chúng ta đã cùng chết với Đức Kitô, chúng ta cũng sẽ cùng được sống lại vinh hiển với Người.
- Chúng ta phải cố gắng để đạt tới đích điểm là chung hưởng cuộc sống vinh quang với Thiên Chúa trên thiên đàng.
Lm. Anthony ĐINH MINH TIÊN, OP.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét