Hai vị hồng y đáng đọc
Vũ Văn An4/23/2017
Trong thời bị nhiều người coi là hỗn độn mơ hồ và gần như tự mâu thuẫn này, điều rất may là chúng ta vẫn còn hai vị Hồng Y xuất sắc cầm đầu hai thánh bộ quan trọng. Đó là Đức Hồng Y người Guinea, Robert Sarah, cầm đầu Thánh Bộ Thờ Phượng Thiên Chúa và Kỷ Luật Bí Tích, và Đức Hồng Y người Đức, Gerhard Müller, cầm đầu Thánh Bộ Giáo Lý Đức Tin. Cũng rất may là Nhà Xuất Bản Ignatius của Hoa Kỳ, gần đây, liên tiếp cho xuất bản hai cuốn sách của hai vị Hồng Y này.
Đức Hồng Y Sarah, sẽ 72 tuổi vào trung tuần tháng Sáu này, đã trở thành tiếng nói dẫn đầu việc canh tân phụng vụ, một cuộc canh tân ngài hy vọng sẽ nhấn mạnh tới việc bị làm quá, để ta có thể trở nên ý thức hơn và mở lòng ra đón nhận sự hiện diện của Chúa. Một nhà báo Pháp, Nicolas Diat, đã cộng tác với Đức Hồng Y Sarah trong việc lên khuôn cho bản văn của hai cuốn sách nhằm biểu lộ các tầm nhìn thấu suốt của Đức Hồng Y về nhiều vấn đề chủ chốt trong đời sống thiêng liêng. Cuốn đầu tựa là Thiên Chúa hay Hư Vô: Cuộc Đàm Đạo về Đức Tin (God or Nothing: A Conversation on Faith), xuất bản vào Mùa Thu năm 2015. Cuốn thứ hai, vừa được phát hành bằng tiếng Anh, tựa là The Power of Silence: Against the Dictatorship of Noise (Sức Mạnh của Im Lặng: Chống Lại Nền Độc Tài của Ồn Ào).
Trong 5 chương sách, cuốn The Power of Silence suy niệm về sự im lặng của Thiên Chúa, một sự im lặng nói với mỗi người chúng ta trong thẳm sâu linh hồn mình, và cũng về sự im lặng mà chúng ta phải vun sới trong chính chúng ta ngõ hầu trở thành người tiếp nhận. Cuốn sách kết cấu rộng rãi quanh sự tương phản giữa im lặng và thế giới, mầu nhiệm im lặng trong điều thánh thiêng, và cả sự im lặng của Thiên Chúa trước sự ác nữa. Điều quá thông thường là chúng ta hay để Thiên Chúa ở bên ngoài để tự dìm mình vào sự ồn ào của thế giới. Điều có thể nguy hiểm ở đây là việc phát triển một đời sống nội tâm đầy ơn thánh.
“Tương lai của chúng ta ở trong tay Thiên Chúa chứ không ở trong cảnh giao động ồn ào của các cuộc thương thảo của con người, cho dù các cuộc thương thảo này xem ra hữu dụng đến đâu. Cả ngày nay nữa, các chiến lược mục vụ của ta mà không có đòi hỏi, không kêu gọi hồi tâm, không triệt để quay về với Thiên Chúa, chỉ là những nẻo đường không dẫn tới đâu. Chúng là các trò chơi chính xác về chính trị không thể dẫn ta tới Thiên Chúa bị đóng đinh, Đấng Giải Phóng đích thực của chúng ta” (#34).
Hay, như Đức Hồng Y Sarah đã nhắc tới trong cuốn sách đầu tiên của ngài: “Con người phải chọn lựa: Thiên Chúa hay hư vô, im lặng hay ồn ào” (#111).
Cuốn sách đầy những viên ngọc qúy, không phải chỉ của Đức Hồng Y Sarah mà còn của Dom Dysmas de Lassus, Bề Trên Cả Dòng Xitô, người tham gia cuộc thảo luận ở chương cuối, và thỉnh thoảng của cả Nicolas Diat nữa; vai trò ông này phần lớn là đưa ra các nhận xét và câu hỏi để hướng dẫn cuộc thảo luận. Xét về mặt chủ yếu, Đức Hồng Y Sarah hiểu rằng “những người sống trong ồn ào giống như bụi bặm bị gió cuốn đi” (#110), trong khi “im lặng chắc chắn dẫn tới Thiên Chúa, đem đến cho con người những lúc dừng lại để nhìn vào chính mình” (#115).
Ngoài cuộc sống hàng ngày của chúng ta ra, Đức Hồng Y áp dụng cái hiểu im lặng trên vào phụng vụ, và thậm chí vào sứ mệnh của Giáo Hội như một toàn thể, nhất là chống lại cơn cám dỗ hiện chúng ta đang đối diện nhằm giản lược mầu nhiệm Chúa Kitô vào việc chỉ giải quyết các vấn đề xã hội. Ta hãy đọc:
“Trong một thế giới duy tục, suy đồi, nếu Giáo Hội tự để mình bị quyến rũ bởi những mỹ nhân ngư duy vật, ưa truyền thông và duy tương đối, thì Giáo Hội có nguy cơ biến cái chết của Chúa Kitô trên Thập Giá để cứu chuộc các linh hồn trở thành vô ích. Sứ mệnh của Giáo Hội không phải là giải quyết mọi vấn đề xã hội của thế giới; Giáo Hội phải không mệt mỏi nhắc đi nhắc lại những lời đầu tiên của Chúa Giêsu ở buổi đầu thừa tác vụ công khai của Người ở Galilê: ‘thời đã đến và Nước Thiên Chúa đang gần kề; hãy ăn năn, và tin vào tin mừng’ (Mc 1:15)” [#305].
The Power of Silence không chỉ có ý hướng tốt mà còn là một sách đọc thiêng liêng nữa.
Phúc Trình Müller
Để nhắc nhớ ấn phẩm nổi tiếng của mình trước đây tựa là Phúc Trình Ratzinger (The Ratzinger Report), Nhà Xuất Bản Ignatius Press của Hoa Kỳ đặt tựa cho cuộc phỏng vấn vị cầm đầu hiện nay của Thánh Bộ Giáo Lý Đức Tin là The Cardinal Müller Report: An Exclusive interview on the State of the Church (Phúc Trình Đức Hồng Y Müller: Cuộc Phỏng Vấn Độc Quyền về Tình Trạng Giáo Hội), xuất bản đầu năm nay. Quả thực, Đức Hồng Y Gerhard Müller, 69 tuổi, nhắc người ta nhớ tới Đức Hồng Y Ratzinger (tức Đức Giáo Hoàng Hưu Trí Bênêđíctô XVI). Ngài đề cập tới các vấn đề phức tạp với cùng một cách cũng uyên bác, đầy suy tư, có tính tâm linh sâu sắc và hoàn toàn chính xác như vậy.
Không như The Power of Silence, là cuốn trình bầy các suy niệm dài phân thành các đoạn có đánh số, nhằm trả lời các câu hỏi khá khái quát, các câu hỏi do Cha Carlos Granados nêu ra với Đức Hồng Müller thì nhiều hơn và nhận được các câu trả lời ngắn hơn nhưng vẫn sắc sảo. Tuy nhiên, các câu hỏi chuyên biệt được tổ chức thành các đầu đề bao quát. Chủ đề của mỗi chương là “chúng ta có thể hy vọng điều gì”, từ Chúa Kitô, từ Giáo Hội, từ gia đình và từ xã hội. Kết luận trình bầy các suy nghĩ của Đức Hồng Y Müller về “chìa khóa để hiểu lòng thương xót”.
Cha Granados là Tổng Giám Đốc của Biblioteca de Autores Cristianos [Tủ Sách Các Tác Giả Kitô Giáo] ở Madrid, có bằng tiến sĩ về Thánh Kinh. Vì Đức Hồng Y Müller rất thông thạo tiếng Tây Ban Nha, nên việc hợp tác giữa hai vị tiến triển rất thuận lợi. Đức Hồng Y Müller cũng cho thấy một sự quân bình về thần học rất hiếm trong Giáo Hội ngày nay, không bao giờ ngài quá đơn giản hóa các chủ trương của những người ngài bất đồng, và luôn có khả năng giải thích sự thật bằng những giải đáp hữu hiệu cho các câu hỏi và các nghi vấn được thời nay nêu ra.
Chúng tôi thiết tưởng nên chứng minh nhận định trên qua một số câu hỏi của Cha Granados và các câu trả lời của Đức Hồng Y:
Hỏi: Đâu là mối tương quan giữa tín lý và đời sống? Có hay chăng điều này: một tín lý mà lại không liên hệ gì tới một cuộc gặp gỡ bản thân, tới một đời sống? Và, đàng khác, có hay chăng điều này là một cuộc gặp gỡ bản thân hay một đời sống mà lại không can dự hay không bao hàm một tín lý?
Đức Hồng Y Müller: nhị phân này [giữa tín lý và cuộc sống Kitô hữu] vô giá trị, và nó tạo ra nhiều mơ hồ. Tín lý Kitô Giáo không phải là một lý thuyết, một thứ hệ thống nào đó do thuyết duy tâm hay cả ý thức hệ đưa ra… Qua điều này, tôi muốn nói rằng không hề có yếu tố tín lý nào nằm ngoài cuộc gặp gỡ bản thân [với Chúa Kitô], và ngược lại…
Ơn cứu chuộc tùy thuộc tính chính thống, hiểu như quan niệm chính xác về sự sống đời đời: tính chính thống không phải là một học thuyết về Thiên Chúa, mà là vấn đề liên hệ có tính bản vị của Thiên Chúa với tôi. Vì lý do này, lạc giáo luôn ánh hưởng tới mối tương quan bản thân này, vì nó tách biệt Thiên Chúa, Đấng là sự thật, ra khỏi việc mạc khải cùng một sự thật ấy (các trang 97-98).
Hỏi: Há chúng ta không có “quyền” được tôn trọng ý muốn và được hành động theo ý muốn đó sao?
Đức Hồng Y Müller: Các nhân quyền đặt căn bản trên bản tính nhân loại, chứ không đặt căn bản trên ý muốn của các cá nhân. Chỉ nơi nào phẩm giá chân chính của con người nhân bản được duy trì mới có các quyền lợi và nghĩa vụ, vì đây là cách duy nhất để phẩm giá này thể hiện tính viên mãn của nó. Đây không phải là vấn đề bác bỏ các ý muốn, vì các ý muốn là điều chủ yếu đối với kinh nghiệm của ta rằng ta có nhu cầu bẩm sinh đối với thể vô cùng; đúng hơn, đây là vấn đề đánh giá tính hợp lý mà các ý muốn này đem theo. Thí dụ, ý muốn sống mà không làm việc, có lẽ nhờ sử dụng tiền bạc của người khác, không bao giờ nên là một quyền lợi… Đó không phải là ý muốn hợp lý, chỉ vì đối tượng của nó không phải là một điều tốt làm trọn vẹn cuộc sống…
Các công dân có trách nhiệm… không bao giờ nên nhượng bộ áp lực không thể chịu đựng nổi của ý thức hệ… vốn lẫn lộn ý muốn với quyền chủ quan và do đó, nên chống lại bất cứ luận điểm nào như thế, trước khi quá trễ… [các trang 139-140].
Hỏi: Ta hãy trở lại với gia đình. Có thể nói gia đình là một lý tưởng chăng?
Đức Hồng Y Müller: Các phạm trù lý tưởng và hiện thực đã có từ rất lâu… Tuy nhiên, trong hình thức hiện nay, chúng phát xuất từ chủ nghĩa nhị nguyên của triết học Descartes và từ chủ nghĩa nhị nguyên duy tâm và duy vật…
Đối với chúng ta, các thứ thuyết nhị nguyên này không có giá trị gì cả. Thiên Chúa luôn hiện thực hơn sáng thế của Người, và các tạo vật của Người nhận được mức độ hiện thực của họ như một ơn phúc của Người, vì Người thể hiện ý tưởng của Người trong sáng thế này. Mọi sáng thế đều phản ảnh Ngôi Lời Thiên Chúa, nên hôn nhân không phải là một “lý tưởng” mà con người tưởng tượng ra. Lý tưởng là phản ảnh các ý muốn của tôi, như đứa trẻ muốn làm phi hành gia hay ngôi sao túc cầu… Quả tình, ý niệm thường là một điều khó đạt tới…
Tuy nhiên, hôn nhân không phải là một lý tưởng hay một ý niệm của con người, nhưng là một thực tại do Thiên Chúa ban bố… Cách Thiên Chúa yêu thương là thước đo tình yêu của con người, vì Thiên Chúa không đòi hỏi sự bất khả…
Thiên Chúa có thể buộc ta phải yêu thương, vì Người yêu thương ta trước và, thêm vào đó, Người còn hứa với ta rằng ơn thánh của Người sẽ nâng đỡ ta. Bất cứ ai hiểu hôn nhân không hơn một hành vi xã hội của cưới xin và các hậu quả luật pháp từ đó phát sinh chắc chắn sẽ thấy tình yêu của họ héo khô. Nhưng không phải vì thiếu ơn thánh: mà là thiếu lòng khiêm nhường cần thiết để xin Thiên Chúa ban ơn thánh này [các trang 151-2].
Hỏi: Chúng ta đồng hóa lòng thương xót với tha thứ nhiều hơn, và chúng ta hiểu tha thứ là vượt quá sự trừng phạt mà công lý đáng phải đưa ra đối với người tội lỗi.
Đức Hồng Y Müller: Ngày nay, sự hiểu lầm cuối cùng hệ ở việc giản lược lòng thương xót vào việc tha thứ tội lỗi. Giống như một cuộc bán rẻ cuối mùa, miễn chước khỏi lề luật Thiên Chúa: đương đầu với thực tại kinh niên của khốn cùng và tội lỗi, lòng thương xót trở thành chỉ còn là việc hạ thấp tấm chắn đường mà Mười Giới Răn vốn đặt ra.
Tôi tin rằng Thiên Chúa… luôn nghiêm túc đối với chúng ta. Trong tình yêu tận đáy lòng đối với sáng thế của Người, và đặc biệt đối với chúng ta, các con cái của Người, Người đã giúp chúng ta có khả năng sống phù hợp với các bí tích và đời sống luân lý xây dựng trên chúng. Bằng cách ban lòng thương xót cho ta, Người đã nâng ta dậy, và nhờ nâng ta dậy, Người đã hoàn toàn biến đổi hiện sinh ta: một con người biết Chúa Kitô, thực sự ôm lấy Người, thay đổi các thói quen của mình, các mối tương quan của mình, trọn cách xử lý với thực tại của mình. Và khi người này bước qua trải nghiệm thanh tẩy và tha thứ, họ sẽ cảm thấy được gợi hứng để sống cách nào đó trên bình diện của Thiên Chúa…
Trong nền thần học Công Giáo có cơ sở, việc tha thứ tội lỗi chân chính dựa vào việc người có tội từ trạng thái tội lỗi và chống đối Thiên Chúa, từ cuộc sống tối tăm không có Thiên Chúa, bước vào trạng thái sáng láng của ơn thánh hóa, bước vào sự hiệp thông trọn vẹn với Người… Tuy nhiên, một hành vi như thế không tự động được thực hiện mà không dựa vào tự do của con người. Đạo Công Giáo không thừa nhận một đời sống ơn thánh mà lại không có sự tham dự của người có tội, mà lại không có ý chí canh tân cuộc sống của họ [các trang 209-10].
Hai cuốn sách trên quả nói lên đức tin, trí thông minh và lòng sung kính của hai nhà lãnh đạo Công Giáo vĩ đại hiện sống và hoạt động ngày nay.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét