Trang

Thứ Bảy, 8 tháng 4, 2017

Một trái tim mới

Một trái tim mới
Thiên Chúa ban cho con người trái tim để yêu thương. Giữa cuộc sống bon chen tính toán, có nhiều khi trái tim lỡ nhịp: thay vì yêu thương lại giận hờn, thay vì gắn kết lại phân ly, thay vì khôn ngoan lại dại khờ. Bởi thế, trái tim luôn phải được canh tân để quy hướng về sự thiện. Trái tim cũng là “tấm lòng” của con người, tức là nơi sâu thẳm của mỗi cá nhân. Lòng người chính là thái độ sống có nhân có nghĩa, là cách đối nhân xử thế với đồng loại. Lòng người sâu thẳm khôn dò, nên người ta nói: “Hoạ hổ hoạ bì nan hoạ cốt, tri nhân tri diện bất tri tâm”, tức là vẽ hổ thì chỉ có thể vẽ được bộ da bề ngoài, không thể vẽ được bộ xương; biết người chỉ biết được khuôn mặt, không thể biết được lòng. Những trái tim lỗi nhịp và vương vấn bụi trần, cần phải được tinh luyện. Thiên Chúa là Đấng có thể canh tân đổi mới con tim và ban cho con người một trái tim mới.

Ai cũng có một trái tim. Những trái tim đều giống nhau, dù là người da trắng, da đen hay da vàng. Trái tim hay tấm lòng chỉ là tượng trưng cho cách sống của một con người. Một người sống tốt với tha nhân, người ta gọi người đó có trái tim nhân hậu. Một người biết cảm thông tha thứ cho người khác, người ta gọi người đó có tấm lòng vị tha. Trái tim không có lỗi về hạnh kiểm của một con người, nhưng cách sống của mỗi người gán cho trái tim tính cách tốt hay xấu. Mỗi cá nhân đều được Chúa dựng nên có tự do. Nhờ tự do, họ quyết định về lối sống của mình, và họ phải chịu trách nhiệm về quyết định đó.

Nếu lòng người sâu thẳm khôn dò, thì Thiên Chúa quyền năng lại biết rõ tâm tư của họ. Tác giả Thánh vịnh đã thốt lên: “Lạy Chúa, Ngài dò xét con và Ngài biết rõ, biết cả khi con đứng con ngồi. Con nghĩ tưởng gì, Ngài thấu suốt từ xa, đi lại hay nghỉ ngơi, Chúa đều xem xét, mọi nẻo đường con đi, Ngài quen thuộc cả. Miệng lưỡi con chưa thốt nên lời, thì lạy Chúa, Ngài đã am tường hết” (Tv 139,1-4). Thiên Chúa là trọng tài tối cao, luôn quan sát những suy nghĩ và hành động của con người. Ngài cũng là vị thẩm phán công minh, xét xử con người về lối sống của họ. Thập điều hay Mười Điều Răn của Luật Giao ước, được Chúa ban cho ông Môisen, để làm tiêu chuẩn cho cách đối nhân xử thế của con người thuộc mọi dân tộc và mọi nền văn hóa. Những ai sống theo Mười điều răn, sẽ được hạnh phúc và được Chúa chúc lành. Chúa Giêsu đã đến trần gian để hoàn thiện Luật Cựu ước, đồng thời Người mặc cho Luật ấy một ý nghĩa mới. Đức yêu thương là điều cốt lõi căn bản trong giáo huấn của Chúa Giêsu, đến nỗi Người gọi đó là điều răn mới, là điều răn của Người. Yêu thương là sống với nhau có tấm lòng, là quan tâm đến nhau và mong cho nhau được hạnh phúc.

Chúng ta cần có trái tim mới để yêu mến Chúa và nhận ra sự hiện diện của Ngài trong cuộc đời. Một trái tim đầy ắp tham vọng không còn chỗ để đón Chúa ngự đến. Một trái tim chai lì chẳng đáng được Chúa đoái thương. Trong cảnh lưu đày, dân Do Thái đã bi quan chán nản. Xa quê cha đất tổ, không còn phụng vụ Đền thờ và những lễ nghi cầu nguyện. Họ cảm thấy bị Thiên Chúa quên lãng. Nhiều người đã bỏ Chúa và tôn thờ các thần linh của địa phương xứ Babilon. Trong bối cảnh đó, Chúa sai Ngôn sứ Êdêkien đến để quả quyết với họ: “Từ muôn dân, Ta sẽ tập hợp các ngươi lại; từ muôn nước, nơi các ngươi bị phân tán, Ta sẽ quy tụ các ngươi về và Ta sẽ ban cho các ngươi đất Ítraen. Chúng sẽ trở về đó và loại đi mọi thứ gớm ghiếc và ghê tởm. Ta sẽ ban cho chúng một trái tim và đặt thần khí mới vào lòng chúng. Ta sẽ lấy khỏi mình chúng trái tim chai đá và ban cho chúng một trái tim bằng thịt, để chúng đi theo các thánh chỉ của Ta và tuân giữ cùng thi hành các quyết định của Ta.” (Ed 11,17-20). Những lời này được coi như giao ước mới mà Thiên Chúa ký kết với dân lưu đày. Ngài hé mở cho họ niềm hy vọng. Ngài cũng cho họ thấy lòng nhân hậu của Ngài. Thiên Chúa quyền năng sẽ lấy khỏi họ trái tim chai đá, cằn cỗi và không còn khả năng yêu thương, và Ngài thay thế vào đó một trái tim bằng thịt. Dân Israel không còn bị bỏ rơi và quên lãng. Họ luôn được Chúa dạy bảo để không bị lạc đường. Êdêkien đã làm cho con tim người Do Thái vui trở lại, với hy vọng thời gian lưu đày sẽ chấm dứt và họ lại được trở về chốn cũ quê xưa.

Chúng ta cần có trái tim mới để đón nhận ơn tha thứ và lòng thương xót của Chúa. Mang thân phận con người còn đầy yếu đuối, trái tim mỗi chúng ta dễ nhuốm màu tội lỗi và rất cần được canh tân thanh tẩy. Canh tân trái tim, nghĩa là canh tân cuộc đời. Lý tưởng của con người nói chung là đạt tới sự tốt lành trong nhân cách để có một cuộc sống bình yên hài hòa và hạnh phúc. Lý tưởng của người Kitô hữu là đạt tới sự hoàn thiện, là nên thánh “như Cha trên trời là Đấng Thánh”. Hành trình nên thánh là một hành trình lâu dài, liên lỉ, cần có sự hy sinh, kiên trì và dứt khoát. Trong hành trình đầy khó khăn và thử thách ấy, chúng ta tin vào quyền năng của Thiên Chúa, Đấng sẽ cất khỏi chúng ta quả tim chai đá, để thay vào đó một quả tim biết yêu thương. Mang một trái tim mới, chúng ta sẽ thoát khỏi mọi ràng buộc của tội lỗi và ghen ghét hận thù. Vua Đavít đã cầu nguyện tha thiết với Chúa để xin Ngài ban cho ông một trái tim mới. Trước đó ông đã phạm tội cướp vợ của một sĩ quan trung thành là ông Uria, sau đó lập mưu ra lệnh giết người sĩ quan này. Tội lỗi làm ông áy náy khôn nguôi. Ông chạy trốn chính mình, nhưng không thoát khỏi, vì tội lỗi cứ bày ra trước mắt. Ông đã sám hối và xin Chúa ban cho một trái tim mới. Ông muốn đoạn tuyệt với quá khứ tội lỗi, khởi đầu ngã rẽ mới để làm lại cuộc đời. Cùng với lời van xin một trái tim mới, Đavít xin Chúa ban cho ông niềm vui của ơn cứu độ. Một trái tim được canh tân đổi mới cũng đồng nghĩa với trọn vẹn con người và hạnh kiểm cũng được thay đổi. Do lòng chân thành sám hối, Đavít đã được Chúa tha tội. Qua các thánh vịnh, ông đã ca ngợi lòng nhân từ của Chúa và tôn vinh những kỳ công của Ngài.

Chúng ta cần có trái tim mới để nhận ra mọi người là anh chị em của cùng một Cha trên trời. Một trái tim khép kín không thể nhận ra hình ảnh của Chúa nơi những người xung quanh. Một trái tim đầy những thành kiến sẵn sàng gạt bỏ và loại trừ người khác. Một trái tim ghen ghét nhìn đâu cũng thấy kẻ thù. Một trái tim vô cảm dửng dưng tới mức tàn nhẫn trước nỗi đau của người đáng thương. Trong Sứ điệp Mùa Chay năm nay, Đức Thánh Cha Phanxicô đã mời gọi mọi tín hữu hãy nhận ra nơi tha nhân là một hồng ân, là một quà tặng của Chúa. Ngài nhắc lại nhân vật người phú hộ trong Tin Mừng thánh Luca. Ông này giàu có xa hoa, gấm vóc lụa là, yến tiệc linh đình, nhưng lại làm ngơ trước sự thống khổ của người nghèo tên là Lazarô. Trong xã hội hôm nay, vẫn còn đó biết bao người như người phú hộ. Họ phung phí của cải - nhiều khi là của cải kiếm được do gian lận và tham nhũng - trong khi nhiều người nghèo đói khát thiếu thốn. Chính trong con người của mỗi chúng ta cũng có những lúc giống người phú hộ, lãng quên người nghèo. Trái tim chúng ta cần được canh tân đổi mới để chung nhịp đập với tha nhân. Con mắt tâm hồn chúng ta cần được khai sáng để biết quan tâm đến những người xung quanh mình. Trái tim được đổi mới sẽ nên giống như trái tim Chúa Giêsu, rung cảm trước nỗi đau nhân thế. Con mắt được canh tân sẽ giống như con mắt Chúa Giêsu, nhận ra mọi người đều được Chúa xót thương. Một khi trái tim được canh tân đổi mới, chúng ta sẽ thân thiện hơn với mọi người, thận trọng hơn khi nhận định về người khác. Ý thức mỗi người đều là tội nhân sẽ giúp chúng ta tránh lên án người khác, nhưng giúp đỡ khích lệ nhau trỗi dậy, sửa những sai lỗi, làm lại cuộc đời, vươn tới tương lai.

“Lạy Chúa, xin ban cho con một trái tim trong sạch!” (Tv 50,12). Đó là lời nguyện cầu của vua Đavít. Đó cũng là tâm tình của mỗi chúng ta mỗi khi Mùa Chay về. Trái tim sạch là trái tim được canh tân. Nếu không đổi mới từ tâm can, Mùa Chay sẽ trở thành vô nghĩa. Thiên Chúa đang chờ đợi và sẵn sàng ban cho chúng ta một trái tim mới, thay thế trái tim đã già cỗi và chai đá. Khi mang một trái tim được canh tân, chúng ta sẽ thấy cuộc đời này đẹp đẽ và đáng yêu hơn.
Hải Phòng, ngày 24-3-2017
 
Gm. Giuse Vũ Văn Thiên
Nguồn: WHĐ

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét