Maria có phải là Maria Mai Đệ Liên hay chăng?
Bài Phúc Âm Thứ Hai Tuần Thánh có đề cập đến vai nữ Maria, chị em với Matta và Lazarô, một vai nữ hoàn toàn có những việc làm trái ngược với tinh thần của người tông đồ Giuđa Íchca, như bài phúc âm hôm nay cho thấy. Vậy, trước khi chúng ta suy diễn về "số phận của người môn đệ phản bội" (ngày mai), hôm nay chúng ta thử đặt vấn đề về nhân vật nữ này ở bài tìm hiểu dưới đây:
Mai Đệ Liên là ai?
Có phải là Maria chị em với Matta và Lazarô?
Có phải là người nữ tội lỗi trong thành đã khóc lóc, xức thơm chân Chúa và vì yêu nhiều nên được tha nhiều?
Có phải Maria và Maria Mai Đệ Liên chỉ là một?
Riêng về nhân vật nữ giới được diễm phúc thấy Chúa Kitô Phục Sinh hiện ra trước nhất, trước cả thành phần tông đồ môn đệ chính thức của Người, bởi thế, chị mới được tặng danh hiệu là "tông đồ của các tông đồ", vì nhân vật nữ giới này đã được lệnh của Chúa loan truyền Tin Mừng Phục Sinh của Người cho chính các tông đồ, không phải như một nhân viên đưa thư, chẳng biết nội dung của bức thư như thế nào, mà là như một tông đồ, vì đã thực sự thấy Chúa Kitô Phục Sinh và loan truyền Người sống lại.
Tuy nhiên, dầu sao, thẩm quyền vẫn thuộc về các tông đồ nói chung và Tông Đồ Phêrô nói riêng. Bởi thế, nhân vật nữ giới này vẫn phải trình báo với các vị về Tin Mừng Phục Sinh để chính các vị kiểm chứng, vì chỉ các vị mới có sứ mệnh chính thức trong sứ vụ "tuyển mộ môn đồ nơi tất cả mọi dân nước. Rửa tội cho họ... Rồi chỉ dạy cho họ những điều Thày đã tuyền cho các con" (Mathêu 28:19).
Một số người thắc mắc là Maria, chị em với Matta và Lazarô (Phúc Âm Thánh Gioan 11:1 và 12:3) và Maria Magdalene (cũng Phúc Âm Thánh Gioan 19:25 ở dưới chân thập giá Chúa và 20:18 được Chúa hiện ra đầu tiên sau khi Phục Sinh) có phải là 2 nhân vật khác nhau hay chăng? Xin thưa, theo tôi, chỉ là một nhân vật duy nhất, căn cứ vào các đoạn Phúc Âm trùng hợp sau đây.
Thánh Ký Gioan đã chú thích ở trong ngoặc đơn về Maria là chị em của Matta và Lazarô như sau: “(Maria có Lazarô bị bệnh này là người đã xức dầu cho Chúa bằng dầu thơm và lau khô chân Người bằng tóc của mình)” (11:2).
Thánh Ký Gioan, qua chú thích của mình, đã ám chỉ đến “người đàn bà có tiếng tội lỗi trong thành” (Lk 7:37), một nữ nhân vật cũng đã được Thánh Luca thuật lại nhưng không nêu danh tánh lúc bấy giờ, người đàn bà tội lỗi được Chúa khẳng định “vì yêu nhiều nên được tha nhiều” (Lk 7:47), qua cử chỉ chị “đã xức dầu cho Chúa bằng dầu thơm và lau khô chân Người bằng tóc của mình”.
Vậy, Maria là chị em với Matta và Lazarô đã sống một đời sống bê tha tội lỗi trước khi trở thành một trong những người bạn thân của Chúa. Cũng Maria này đã xức dầu thơm cho Chúa và bị Giuđa trách cứ là phung phí nhưng được Chúa bênh vực rằng: “Mặc kệ cô ta. Cứ để cho cô ta giữ dầu thơm này cho ngày họ sửa soạn an táng Thày” (Jn 12:7). Ở đoạn 19:40, Thánh Ký Gioan có nói đến “dầu thơm” an táng thân xác của Chúa, tuy không cho biết ai mang đến, nhưng không ai ngoài Maria, cũng là Maria Magdalene đứng dưới chân thập giá Chúa với Mẹ Maria và Thánh Gioan trước đó, vì Ông Nicôđêmô được Thánh Ký cho biết chỉ mang “mộc dược trộn với trầm hương” (19:39).
Còn Maria Magdalene, được Thánh Ký Marcô, trong đoạn liệt kê thứ tự các lần Chúa Kitô phục sinh hiện ra, mà người đầu tiên là “Maria Magdalene”, một nhân vật nữ đã được thánh ký ghi chú thêm một cách kỹ lưỡng như sau: “Người trước hết đã hiện ra với Maria Magdalene là người được Người trừ cho khỏi 7 quỉ” (16:9).
Nếu Maria Magdalene này là người được Chúa Giêsu trừ cho khỏi 7 quỉ thì Maria Magdalene này đã được Thánh Ký Luca liệt kê trong danh sách của những người nữ theo hộ tống Chúa Giêsu, ngay sau đoạn trình thuật về “người đàn bà có tiếng là tội lỗi trong thành” (Lk 7:36-50), một danh sách nữ nhân Thánh Ký Luca cho biết trong số đó có: “Maria được gọi là Magdalene là người được trừ cho khỏi 7 quỉ” (Lk 8:2).
Tóm lại, căn cứ vào các đoạn Phúc Âm được trích dẫn liên quan đến nhân vật mang tên Maria và Maria Magdalene, có thể kết luận rằng cả hai danh xưng này chỉ là một nữ nhân vật duy nhất, đó là Chị Thánh Maria Mai Đệ Liên được Giáo Hội mừng kính hằng năm vào ngày 22/7:
Theo Thánh Ký Luca thì “Maria được gọi là Magdalene là người được trừ cho khỏi 7 quỉ” (Lk 8:2). Mà Thánh Ký Marcô cho biết nhân vật Maria Magdalene được trừ cho 7 quỉ này là người đầu tiên được Chúa Kitô phục sinh hiện ra (x Mk 16:9). Và Maria Magdalene được Chúa Kitô phục sinh hiện ra đầu tiên này cũng là Maria đã xức dầu thơm cho Chúa để hướng về biến cố an táng của Người (x Jn 12:7), cũng là Maria (chị em của Matta và Lazarô) được biệt chú là người đã xức dầu thơm cho Chúa (x Jn 11:2; Lk 7:38).
Về vấn đề nơi chốn khác nhau giữa Maria ở Bêtania với Matta và Lazarô, và Maria ở Magdalene hay Magdala, có thể hiểu Magdalene hay Magdala, nơi Chúa Giêsu đã có lần đến (xem Mathêu 15:39), có thể là địa điểm sinh quán của Maria nên mới thêm tên nơi sinh vào sau tên gọi của chị: Maria Mai Đệ Liên, hay cũng có thể là nơi Maria quê ở Bêtania đã bỏ nhà đi hoang sống như “một người đàn bà có tiếng tội lỗi trong thành” (Magdala = Mai Đệ Liên)?
Cho dù danh xưng Mai Đệ Liên hay địa điểm Mai Đệ Liên này chưa hoàn toàn sáng tỏ, thế nhưng, căn cứ vào các đoạn Phúc Âm then chốt được trích dẫn trên đây, theo tôi, chúng ta có thể đi đến kết luận rằng:
Maria Magdalene cũng là Maria chị em của Matta và Lazarô ở Bêtania, một con người đã bỏ nhà đi hoang sống đời tội lỗi (x Lk 7:37) ở Magdala (?), nhưng đã thống hối bằng tất cả tấm lòng tan nát khiêm cung của mình (x Lk 7:47), “đã chọn phần tốt hơn” là lắng nghe lời Chúa (x Lk 10:42), đã khóc thương Lazarô khiến Chúa cũng cảm thấy mủi lòng trước nước mắt của chị (x Jn 11:33), và đã trung kiên theo Chúa (còn hơn cả đa số các vị tông đồ) cho tới khi đứng dưới chân thập giá Chúa với Mẹ Maria và Thánh Tông Đồ Gioan (x Jn 19:25), nhờ đó chị thậm chí còn diễm phúc trở thành con người đầu tiên được Chúa Kitô phục sinh ưu tuyển hiện ra (x Mk 16:9), trước cả các thánh tông đồ, và Người đã sai chị đi loan báo tin mừng phục sinh về Người cho chính các tông đồ nữa (x Jn 20:17)!
Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét