Trang

Thứ Bảy, 19 tháng 8, 2017

34 Giáo Hội Công Giáo Dưới Cái Nhìn của Một Ký Giả Hoa Kỳ (bài 34)

Giáo Hội Công Giáo Dưới Cái Nhìn của Một Ký Giả Hoa Kỳ (bài 34)
Vũ Văn An 


Giáo Hội Công Giáo đương đầu ra sao với cuộc khủng hoảng về phụ nữ?

Ít có lời phàn nàn nào về Giáo Hội Công Giáo dai dẳng hơn lời tố cáo cho rằng Giáo Hội này có vấn đề về phụ nữ. Hình ảnh có sẵn dễ được trưng dẫn là: Đạo Công Giáo là thành trì cuối cùng của chế độ gia trưởng (patriarchy), đây là “câu lạc bộ nam giới” và việc Giáo Hội này ca ngợi các vai trò truyền thống của phụ nữ như vợ như mẹ, việc nó tôn kính Nữ Trinh Diễm Phúc Maria theo phong cách hiệp sĩ, chỉ là để tạo màn khói đạo đức che lấp việc bác bỏ quyền của phụ nữ được bước vào các đại sảnh quyền lực. Các ấn tượng này do đâu mà có là điều không khó khăn gì; khởi đầu là sự kiện hiển nhiên này: Giáo Hội Công Giáo bác bỏ khả thể phụ nữ có thể làm phó tế, linh mục, hay giám mục.

Về mặt chính thức, lập trường trên được cho là căn cứ trên điển hình trực tiếp của Chúa Giêsu Kitô, Đấng đã chỉ kêu gọi đàn ông trở thành 12 tông đồ của Người; và trong Bữa Ăn Tối Sau Cùng, Người đã ủy nhiệm cho các người đàn ông này trách vụ “hãy làm điều này mà nhớ đến Thầy”. Năm 1994, Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II ban hành một văn kiện tựa là Ordinatio Sacerdotalis (“Về Việc Tấn Phong Vào Chức Linh Mục”) trong đó, ngài tuyên bố rằng “Giáo Hội không có bất cứ thẩm quyền nào để phong chức linh mục cho các phụ nữ”, dựa vào điển hình của Chúa Kitô và của các tông đồ tiên khởi. Đức Gioan Phaolô II viết rằng Chúa Kitô cầu nguyện trước khi chọn Nhóm Mười Hai, và các tông đồ tiên khởi rất thận trọng khi chọn các người kế nhiệm, cho thấy khuôn mẫu toàn nam của chức linh mục không phải là một việc tùy tiện. Vì vị linh mục đại diện cho con người của Chúa Kitô (in persona Christi) và vì Chúa Kitô là người nam, nên linh mục phải là một người nam là điều thích đáng. Cơ quan tín lý nhiều quyền lực của Vatican thực sự đã tuyên bố rằng giáo huấn này là không thể sai lầm.

Tuy nhiên, các người phê bình nhấn mạnh rằng việc loại phụ nữ khỏi chức linh mục không hẳn là vì Chúa Giêsu cho bằng vì xu hướng chống phụ nữ rất mạnh của các xã hội cổ thời và trong luật Rôma, những điều đã được thẩm thấu vào Kitô Giáo tiên khởi. Trong Đế Quốc Rôma, phụ nữ không được giữ các chức vụ công cộng, không được làm chứng trước tòa, hay ký khế ước. Các người phê bình cho rằng quả là một gương mù gương xấu theo nghĩa cổ điển tức dẫn người khác tới chỗ phạm tội, khi Giáo Hội Công Giáo ban cho thứ thiên kiến cổ xưa này chân tay để đi đứng trong thời đại ta.

Những người bênh vực lệnh cấm thì thường nêu thêm điểm thứ hai. Họ cho rằng chức linh mục không hẳn là về quyền hành mà là về phục vụ. Sự kiện phụ nữ không thể trở thành giáo sĩ không có nghĩa Giáo Hội coi họ như công dân bậc nhì. Họ nói rằng đạo Công Giáo sẵn sàng dành quyền lãnh đạo cho phụ nữ trong mọi hình thức không tuyệt đối đòi phải mang cổ cồn Rôma. Thế nhưng, chủ trương này vẫn rất khó nhá đối với một số người, vì các vai trò lãnh đạo hữu hình hơn cả trong Giáo Hội, trong thực tế, quả có đòi chiếc cổ cồn Rôma. Bất cứ ai từng tham dự một thánh lễ của Đức Giáo Hoàng, hay theo dõi nó trên truyền hình, thì hiểu rõ điều này: Đức Giáo Hoàng ngồi một mình, với các Hồng Y mặc áo đỏ ở hàng đầu, các Tổng Giám Mục và Giám Mục mặc áo tím ở đàng sau các Hồng Y, rồi các giáo sĩ mặc áo đen ở hàng tiếp sau. Đến lúc thấy các phụ nữ, thì rõ ràng bạn đang thấy các khán giả chứ không phải các vị vọng.

Có phải vấn đề của Giáo Hội với phụ nữ chỉ là vấn đề họ được làm linh mục?

Không phải vậy, vấn đề này lớn hơn thế nhiều. Hiện nay, sự náo động về việc phụ nữ làm linh mục, từng lên cao điểm ở các thập niên 1970 và 1980, phần lớn đã lắng dịu, không hẳn vì người ta đã thay đổi tâm ý mà chỉ vì hàng giáo phẩm đã nói rất rõ: việc ấy sẽ không xẩy ra. Thất vọng, một số người cổ vũ việc cho phép phụ nữ làm linh mục đã tổ chức các cuộc phong chức linh mục cho phụ nữ, trong đó có cuộc phong chức năm 2002 với sự tham dự của cựu đệ nhất phu nhân của Tiểu Bang Ohio, Dagmar Celeste. Tuy nhiên, phần lớn các người Công Giáo ủng hộ phụ nữ làm linh mục, không muốn cạn tầu ráo máng với Giáo Hội định chế, nên sẵn sàng chờ một dịp khác.

Thực ra, việc làm linh mục chỉ là một điển hình có tính tượng trưng hơn cả cho nhiều căng thẳng rộng lớn hơn bên trong Đạo Công Giáo đối với vai trò và vị trí của phụ nữ. Các tiêu điểm cho các căng thẳng này bao gồm đạo đức học tính dục (giáo huấn của Giáo Hội về ngừa thai và phá thai, chẳng hạn, có “phản phụ nữ” hay không?), phụng vụ (nhất là việc sử dụng ngôn ngữ bao gồm, như nói “people” thay vì “man” để nói về con người, và tránh việc dùng các từ ngữ giống đực để chỉ về Thiên Chúa), và cả cuộc khủng hoảng tình dục nữa. Nhiều người phê bình cách Đạo Công Giáo che đậy việc lạm dụng tình dục vị thành niên cho rằng nếu các bà mẹ có con được ngồi vào bàn thảo luận để đưa ra các quyết định, thì cách đáp ứng của Giáo Hội hẳn đã ra khác.

Khảo sát khung cảnh văn hóa ở đầu thế kỷ 21, các hạn từ như “duy nữ” và “Công Giáo chính thống”, ít nhất theo nghĩa chính trị đường phố, đã trở thành gần như phản nghĩa. Các vị giáo hoàng và các nhà lãnh đạo Giáo Hội khác vốn lên án “chủ nghĩa duy nữ cực đoan” cách thường xuyên đến nỗi nó đã trở thành gần một kiểu nói rập khuôn tiêu chuẩn, trong khi ấy, các thần tượng duy nữ ra sức tấn Công Giáo Hội bất cứ khi nào họ có thể. Như người chủ mục Maureen Dowd của tờ New York Times, chẳng hạn, đã dùng các trang báo của cô để tấn Công Giáo Hội Công Giáo, so sánh Giáo Hội này với Saudi Arabia trong việc dành cho phụ nữ “địa vị đẳng cấp thấp”. Sau đây là một mẩu Dowd dùng để tấn công năm 2012: “Các giám mục và Vatican say mê lưu ý tới việc đặt phụ nữ vào dây cột thanh tịnh. Thế nhưng họ lại để các linh mục không thanh tịnh mặc sức tung hoành hằng bao thập niên qua, không hề quan tâm tới nhiều thế hệ trẻ em bị vi phạm và hãm hiếp và truyền tay giống như rượu rước lễ”. Dù nhiều người Công Giáo thấy thứ ngôn ngữ này có tính xúc phạm, nhưng Dowd nói lên những tâm tư được nhiều người bên trong lẫn bên ngoài Giáo Hội chia sẻ.

Các nhà lãnh đạo Giáo Hội bênh vực thành tích của các ngài đối với phụ nữ ra sao?

Trước nhất, các ngài cho rằng vấn đề của Giáo Hội không phải là việc giải phóng phụ nữ, nghĩa là quyền bình đẳng hoàn toàn trong các lãnh vực xã hội, nghề nghiệp, văn hóa, và chính trị. Thực vậy, giáo huấn xã hội của Công Giáo hoàn toàn ủng hộ các mục tiêu này. Đúng hơn, các ngài cho rằng điều Giáo Hội chống đối là chủ nghĩa duy nữ có tính ý thức hệ, một chủ nghĩa chủ trương đấu tranh giai cấp giữa đàn ông và đàn bà hay cổ vũ ý niệm cho rằng có một thứ mâu thuẫn nào đó giữa việc làm một người phụ nữ được giải phóng hoàn toàn và việc đóng các vai trò làm vợ và làm mẹ theo nghĩa cổ truyền. Đức Cố Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã thực sự cố gắng đề xuất một thứ “chủ nghĩa duy nữ mới” đặt tiền đề trên ý niệm “bổ túc”, tức ý niệm cho rằng đàn ông và đàn bà bình đẳng với nhau, nhưng được cả Thiên Chúa lẫn sinh học nhân bản sắp xếp để đảm nhiệm các vai trò khác biệt nhau nhưng bổ túc lẫn nhau. Những người bênh vực nó cho rằng lối duy nữ kiểu Công Giáo này quả có “duy nữ” hơn lối duy nữ cũ vì nó bác bỏ ý niệm tranh giành quyền lực giữa các giới tính, một ý niệm được các nhà tân duy nữ coi như một sản phẩm nam giới cổ điển mà những nhà duy nữ thuộc đợt đầu đã hội nhập mà không hề phê phán chi cả.

Thứ hai, ở bình diện hiểu biết thông thường, người Công Giáo hay lý luận rằng coi Giáo Hội như một “câu lạc bộ dành cho phái nam” là nhìn sự việc một cách lệch lạc, vì đã chỉ nhìn vào đời sống bên trong của Giáo Hội mà thôi. Các ngài cho rằng ở những nơi khác, như trong gia đình, khu xóm, trường học, và gần như mọi nơi khác trong đó sự sống khai diễn, thì phụ nữ hiện là, và luôn luôn là những người chuyên chở nền văn hóa Công Giáo đích thực. Chính phụ nữ giáo dục con cái trong đức tin, chính phụ nữ nâng đỡ mạng lưới chăm sóc nhằm lên khuôn đời sống giáo xứ, và chính phụ nữ trở thành phe đa số hơn nam giới nhiều trong phần lớn các sinh hoạt của Giáo Hội. Theo nghĩa này, những người bênh vực Giáo Hội cho rằng không gì vô nghĩa hơn khi cho rằng Đạo Công Giáo cần phải “tạo quyền lực” cho phụ nữ, vì ai cũng biết quyền lực thực sự trong Giáo Hội, nghĩa là quyền lực lưu truyền đức tin cho thế hệ kế tiếp, dưỡng nuôi và nâng đỡ nó suốt một đời người luôn luôn vẫn chủ yếu thuộc về người đàn bà.

Thứ ba, các nhà lãnh đạo Công Giáo nhấn mạnh rằng chỉ lưu tâm duy nhất đến vấn đề phong chức là bỏ lỡ bức tranh lớn lao hơn, tức là: trong mọi loại việc làm, khác hơn việc làm linh mục, Đạo Công Giáo vượt xa mọi định chế xã hội khác trong việc cổ vũ việc lãnh đạo của phụ nữ. Ở bình diện quản trị cấp giáo phận ở Hoa Kỳ, 48.4 phần trăm mọi chức vụ hiện nay do phụ nữ nắm giữ. Ở bình diện cao cấp nhất, phụ nữ chiếm 26.8 phần trăm các chức vụ chấp hành quản trị (executive). Để so sánh, ta hãy xem bài nghiên cứu 500 công ty năm 2005 của tờ Fortune; bài nghiên cứu này thấy phụ nữ chiếm 16.4 phần trăm các chức vụ chỉ huy công ty và chỉ có 6.4 phần trăm phụ nữ ở các chức vụ có số lương cao nhất mà thôi. Cũng thế, một cuộc nghiên cứu năm 2007 của Hội Luật Sư Hoa Kỳ cho biết chỉ có 16 phần trăm thành viên các ủy ban quản trị các công ty luật hàng đầu là phụ nữ, và chỉ có 5 phần trăm các hùn hạp viên giữ vai trò quản trị là phụ nữ. Theo một phúc trình năm 2004 của Bộ Quốc Phòng, phụ nữ nắm giữ 12.7 phần trăm các chức vụ ở cấp thiếu tá hay cao hơn. Những dữ kiện này, theo một số người Công Giáo, dẫn ta tới câu hỏi: Ai mới là người có vấn đề đối với phụ nữ?

Các nữ tu Công Giáo có liên hệ tới các cuộc tranh luận trên không?

Khá có liên hệ. Năm 2008, chẳng hạn, Vatican công bố một cuộc “thăm viếng tông tòa” gần 400 cộng đoàn nữ tu ở Hoa Kỳ bao gồm khoảng 57,000 thành viên. Về mặt chính thức, việc này được coi như một cố gắng nhằm giúp các dòng nữ đương đầu với các thách đố của họ, mà nổi hơn cả là các thành viên mỗi ngày một cao tuổi hơn trong khi khó lôi cuốn được các thành viên mới. Hiển nhiên, sự giảm sút hết sức đáng lưu ý; năm 1965, có gần 180,000 nữ tu tại Hoa Kỳ, nghĩa là số nữ tu giảm gần 70 phần trăm trong nửa thế kỷ vừa qua. Tuy nhiên, nhiều nữ tu coi sự can thiệp của Vatican có tính trừng phạt hơn là xây dựng; họ hồ nghi việc này thực sự nhằm đem các nữ tu “cấp tiến” và “duy nữ” trở lại hàng ngũ.

Những ấn tượng trên đã được củng cố hồi tháng Tư năm 2012, khi Vatican ban hành một bản lượng định tín lý nghiêm khắc về Hội Đồng Lãnh Đạo Các Nữ Tu, là nhóm bảo trợ chính gồm các vị lãnh đạo các dòng nữ tại Hoa Kỳ. Bản lượng định dài 8 trang trưng dẫn “nhiều vấn đề tín lý nghiêm trọng” và “sự mơ hồ về tín lý”, trong đó, có việc bị coi là “im lặng” đối với vấn đề phá thai và các quan tâm phò sự sống khác, chính sách “bất đồng tập thể” về các vấn đề như phụ nữ làm linh mục và đồng tính luyến ái, và việc xâm nhập “một số thể tài duy nữ cực đoan”. Vatican yêu cầu cải tổ toàn bộ nhóm này; cho tới lúc cuốn sách này lên khuôn, chưa rõ liệu nhóm này có sẵn sàng tuân thủ lời yêu cầu hay không? Trong cuộc tranh luận này, quyền lợi thiết thân khá to lớn, xét vì các cộng đoàn nữ tu vẫn còn là những dòng bảo trợ chính cho giáo dục, y tế và dịch vụ xã hội thực hiện nhân danh Giáo Hội Công Giáo.

“Cuộc khủng hoảng” về phụ nữ lớn lao ra sao? 

Khó có thể ước lượng tác động của nó một cách chính xác, dù có lẽ có lý khi tin rằng một phần trong số 22 triệu người cựu Công Giáo ở Hoa Kỳ bỏ đạo là vì các tri cảm cho rằng Giáo Hội “bài phụ nữ”. Theo giai thoại, một số bà mẹ Công Giáo cho biết bị khủng hoảng lương tâm trong việc có nên dưỡng dục con gái họ trong đức tin hay không; họ thắc mắc có nên khuyến khích chúng chấp nhận làm mái nhà thiêng liêng một Giáo Hội trong đó phụ nữ không hoàn toàn được giải phóng. Lẽ dĩ nhiên, tri cảm về nan đề phụ nữ cũng làm hại tới thế giá luân lý và đòn bẩy chính trị của Giáo Hội Công Giáo, khiến cho không thể tránh được việc một số lực lượng mạnh mẽ trong xã hội khó lòng có thể hợp tác với Giáo Hội trong bất cứ vấn đề nào.

Cuộc khủng hoảng này còn có chiều kích tài chánh nữa: đó là việc một số cộng đoàn nữ tu có thể cắt đứt liên hệ với hàng giáo phẩm và mang theo họ phần lớn hệ thống chăm sóc y tế và giáo dục. Một số người Công Giáo tin rằng tất cả các điều này dẫn ta tới nhu cầu phải cải tổ nghiêm túc nhằm hướng tới một sự công bằng lớn lao hơn về phái tính. Tuy nhiên, nhiều người khác coi chúng là điều đáng tiếc nhưng có lẽ là cái giá Giáo Hội phải trả để mua lấy lòng trung thành đối với sự thật. Dù sao, ít có lý do khiến người ta tin rằng các căng thẳng trong Giáo Hội về phụ nữ sắp sửa sẽ biến mất.

Còn tiếp

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét