CHÂU Á và CHÂU PHI Những lục địa thần học mới.
Phải nói rằng quả là điều gần như nghịch lý nếu coi Châu Phi và nhất là Châu Á như là những lục địa thần học mới. Những thế giới nầy từ rất lâu rồi đã suy tư về niềm tin truyền thống của mình chứ không phải đợi đến khi nhờ có phép lành của Giáo hội Kitô-giáo người ta mới bắt đầu tư tưởng vấn đề đó. Và đôi khi còn với phẩm chất có trình độ rất cao nữa là đàng khác.
Nhưng, ở đây, chúng tôi tự ý giới hạn trong phạm vi địa lý thần học Kitô-giáo mà thôi. Đã có một thời gian bước đi của nó vào các xã hội quả là chậm chạp, bây giờ thì thần học Kitô-giáo đã sải những bước chân đến khắp vùng thế giới. Trước đây, thần học Kitô-giáo chỉ loanh quanh luẩn quẩn trong giới hạn vành đai là thế giới phương Tây mà thôi. Ngày nay, thần học Kitô-giáo đang nới rộng căn lều của mình về phía phương Đông và phương Nam. Thần học Châu Á và thần học Châu Phi đã qua rồi cái thời kỳ chỉ mới còn là dự phóng.
Dù vẫn cảnh giác, không muốn lạm dụng những khái quát hoá, chúng ta hẳn thừa nhận rằng Châu Á và Châu Phi có hơn một nét chung. Đó là những lục địa đang nhanh chóng đổi thay, mặc dù cũng đã phải khó khăn lắm mới thoát ra được cái vòng luẩn quẩn của tình trạng khốn khổ và chiếc ủng của những chế độ độc tài của quân phiệt. Trong tương quan với những thái độ mà chúng ta (những người phương Tây, ctnd) một cách quá đáng thường vẫn coi là có tính phổ quát, những người Châu Á và Châu Phi chứng tỏ họ có một cung cách ứng xử khác trong cuộc sống, trong tương quan với con người và sự vật.
Về mặt tôn giáo, Châu Á và Châu Phi có một di sản quả là đáng kể, nhưng di sản đó hiện đang bị làm lung lay chao đảo, nghiêng bên nầy ngã bên kia gây ra bởi cơn gió giật là phong trào tục hoá ngày càng lớn dần, là tình trạng đô thị hoá ngày càng gia tăng nhanh, là triều sóng đang dâng cao là những thế hệ trẻ. Liệu cái xã hội sản xuất và kỹ thuật đó có chấp nhận một lối nhìn có tính bí tích về thế giới hay không? Vấn đề cuối cùng cần lưu ý, cái thứ Kitô-giáo đã được chuyên chở sang những xứ sở nầy “đóng kín trong những chiếc bình” đang tìm cách bám rễ vào trong chính vùng đất mùn mầu mỡ là những dân tộc đó, phong phú về văn hoá nhưng lại nghèo nàn về tiền bạc. Thứ Kitô-giáo đó đang tự biến mình thành người dân quê cho những người dân Philippine và đang tìm ra những cách thức truyền miệng cho nước Tchad, hầu có thể được in ấn sâu sa hơn trong kinh nghiệm của quần chúng bình dân.
Nỗi đau của Thiên Chúa.
Biểu lộ đầu tiên của nền “thần học da vàng” chắc chắn là tác phẩm của một nhà thần học Nhật Bản, Kazoh KITAMORI, tựa đề Théologie de la douleur de Dieu (Thần học về nỗi đau của Thiên Chúa). Chúng ta đang ở năm 1946, ngay hôm sau của một cuộc chiến tranh thế giới mà đã để lại một nước Nhật bại trận và bị tàn phá hoang tàn. Đọc lại sứ ngôn YÊRÊMYA 31, 20, KITAMORI nghĩ rằng hình phạt của Thiên Chúa đối với dân tộc ông thông phần hội nhập với Tin mừng. Nếu Thiên Chúa quả yêu thương nhân loại, Ngài chỉ có thể khổ đau vì nỗi thất vọng của con người. Đó chẳng phải là cái vẫn đem lại ý nghĩa cho chúng ta trong Thập giá của Đức KITÔ đấy sao? Một vị Thiên Chúa không có khả năng đau khổ sẽ là một vị Thiên Chúa không có khả năng yêu thương. Trái lại, “vị Thiên chúa biết khổ đau là vị Thiên chúa biết làm tiêu tan đi nỗi đau khổ của nhân loại chúng ta bằng chính nỗi khổ đau của Ngài. Đức YÊSU KITÔ là vị Chúa chữa lành những vết bầm tím nhân loại của chúng ta bằng những vết thương bầm tím của Ngài”.
Tiến trình suy tư thần học nầy không phải chỉ được ghi dấu bởi bối cảnh lịch sử thôi: nó đồng thời cũng muốn đi vào đối thoại với quan niệm của Phật giáo về đau khổ. Thật vậy, không thể nào tiến hành công tác suy tư thần học ở Châu Á mà lại không ghi nhận sự kiện những tôn giáo lớn tập trung ở đấy. Thiên Chúa đã đi trước một bước so với sứ mạng của các Giáo hội Kitô-giáo, và những người Kitô-hữu Châu Á, rất thiểu số, tuyên xưng có hành động của Thần Khí Thánh Thiện trong những kinh nghiệm tôn giáo bản địa của mình. Họ tìm thấy trong những kinh sách của các tôn giáo khác “một nhãn giới nhân loại học”, thần học và vũ trụ luận rộng rãi hơn và huyền nhiệm được loan báo nơi Đức YÊSU”. Những bản văn đó lại chẳng có thể tạo thành một thứ kinh Cựu Ước hướng thẳng đến một thứ Tin mừng mà chẳng cần phải vòng vèo rẽ theo ngã phương Tây hay sao? “Lời phải mang xác phàm Châu Á”.
Chẳng mấy chốc, người của Giáo hội sẽ giương cao cái nguy cơ một thứ hỗn hợp tôn giáo lên để đe doạ nhằm tránh mọi thứ gặp gỡ thực sự. Thế mà, ngày nay, đối thoại là điều không thể nào tránh khỏi. Nhờ dấn thân vào nỗ lực cật vấn lẫn nhau, đối thoại là một cơ may cho tất cả. Người Kitô-hữu sẽ khám phá ra ở đấy những chiều kích không thể nghi ngờ gì được về cử chỉ của Thiên Chúa. Người Kitô-hữu sẽ học cách nối kết lại với nhau giữa đặc tính tình yêu phổ quát mà Thiên Chúa ban phát dư tràn cho toàn thể nhân loại và tính chất mạc khải đặc thù của Ngài trong Đức YÊSU KITÔ.
Bởi vì, Đức YÊSU KITÔ trở nên là gì trong vấn đề liên quan nầy? Ngài xuất hiện ra như là điểm tột cùng của quá trình mạc khải ngã vị của Thiên Chúa. “Từ trong các chiều sâu của các sự vật và của lịch sử (nơi Ngài luôn luôn hiện diện và hoạt động nhằm mục đích cứu độ), Thiên Chúa vẫn không ngừng chỗi dậy. Nơi Đức YÊSU, đấy chính là sự loé sáng đến tột cùng của thực thể thần linh biểu lộ ra như là ý muốn cứu độ nhân loại từ bên trong, khi Ngài thông phần vào thân phận hiện sinh của con người”. Đức KITÔ của Tin mừng hoàn tất nỗ lực kiếm tìm Thiên Chúa, cuộc kiếm tìm bao gồm luôn tất cả mọi thứ tôn giáo ở vùng Viễn Đông.
Đặc tính của con người đích thực.
Để xác định thời điểm xuất hiện của nền thần học Châu Phi, chúng tôi sẵn sàng lấy thời điểm năm 1956. Đấy là lúc một tác phẩm tập thể được cho xuất bản, Des prêtres noirs s’inter- rogent (Các linh mục da đen tự cật vấn mình), nhằm tố cáo sự xâm nhập của khuynh hướng Kitô-giáo Châu Âu và bày tỏ thái độ ưu tiên cho việc ra đời một Giáo hội bản xứ. Sự oái oăm của lịch sử đã muốn rằng cuốn sách nầy phải được viết lời giới thiệu, và với những ngôn từ nồng nhiệt, bởi Đức giám mục Marcel LEFEBVRE, lúc bấy giờ là Tổng giám mục ở Dakar, Khâm sứ Toà thánh cho phần Châu Phi da đen thuộc Pháp. Cũng chính lúc đó, kiểu nói “thần học Châu Phi” được phát minh ra trong những xứ nói tiếng Anh.
Trọng tâm của nền thần học nầy đã hẳn là khẳng định về đặc tính Châu Phi đích thực. Đặc tính da đen ở trong văn học tiến lên một bước biến thành khẳng định về mặt chính trị: tính chất đích thực là “ý muốn muốn mình là mình và hành động theo tư chất riêng biệt của nền văn hoá của mình”, bằng cách nỗ lực làm cho những giá trị tinh thần của tổ tiên tiếp tục “vận hành’ (retournant) chứ không phải là quay trở về với chúng. Vì thế, chúng ta sẽ có một thứ Kitô-giáo phủ nhận tình trạng tha hoá gây ra do chủ nghĩa thực dân để lại, đề cao những tín ngưỡng truyền thống.
Người ta sẽ tìm gặp được những bảo đảm ở đâu cho một thứ thần học thực sự có đặc tính Châu Phi như vậy? Không mấy hy vọng đến từ Giáo hội phương Tây cho bằng là phải tìm kiếm ngay trong những Giáo hội Châu Phi độc lập đã lấy lại được tự do không còn quá lệ thuộc vào những Giáo hội mẹ nữa. Chính ở trong những Giáo hội nầy, thường là nghèo nàn và bé nhỏ, nhiều ít có tính chất cục bộ, mà chúng ta mới khám phá được một nỗ lực Châu Phi hoá Kitô-giáo thực sự. Thần học không phải bao giờ cũng theo được đâu, nhưng vật liệu thì quả là phong phú. Chúng ta hãy đan cử thí dụ về Đức KITÔ. Có 3 nhãn giới sẽ hấp dẫn người tín hữu Châu Phi: Đức YÊSU là người chữa bệnh như vào thời Tin mừng, Đức YÊSU là Đấng khai sáng vĩ đại vừa là ông chủ của sự sống, vừa là ông chủ của sự chết, Đức YÊSU là Đấng trung gian giữa vị Thiên Chúa đang ở xa cách và những con người đã trở thành thân bằng quyến thuộc của Ngài. Ở đấy, chúng ta lại chẳng phải là đang có một dung mạo gần gũi với dung mạo Đức KITÔ đáng quan tâm đấy sao?
Một khi họ đã tinh luyện được cho mình những phương pháp và những dụng cụ tư tưởng, một khi họ đã kiên cố được những chiếc cầu nhỏ nối liền giữa thế giới nói tiếng Anh nhất là Tin lành và thế giới nói tiếng Pháp nhất là Công giáo, những nhà thần học Châu Phi sẽ mang lại một đóng góp độc đáo và mang màu sắc vui tươi hội hè cho Kitô-giáo toàn thế giới. Ở đây, người ta có thể lặp lại những từ ngữ đầy hình ảnh của Đức Hồng Y MALULA: “Chuyển mình sinh con thì gian khổ đấy, nhưng chú bé sinh ra nhất định sẽ là chú bé da đen”.
Bruno CHENU
X X
X
CHÂU Á:
Một tín đồ Ấn độ giáo nói về sứ mạng
của người Kitô-giáo.
Như vậy, là các ông muốn đối thoại với chúng tôi. Các ông nói với chúng tôi một cách rất lịch sự rằng các ông vẫn có một cái gì đó để dạy bảo cho chúng tôi. Các ông bắt đầu bằng cách dài dòng nói về những Kinh sách của chúng tôi, về những truyền thống của chúnh tôi, về kinh nghiệm tôn giáo của các thần bí. Trong các tư liệu của các ông, các ông còn dám lao mình vào những cuộc tranh luận dữ dội khiến chúng tôi rất thích thú. Tuy nhiên, có một số người vẫn tự hỏi chủ ý của các ông là gì. Điều nầy chẳng phải là không đúng hay sao là đối với các ông thì tất cả mọi thứ tôn giáo gốc Sêmít cho dù đó là Do Thái giáo, đạo Hồi hoặc Kitô-giáo, đều đặt nền móng trên khái niệm nầy là có một dân tộc đã được chọn lựa đã nhận trực tiếp từ Thiên Chúa sứ mạng là phải làm cho toàn thế giới quay trở về với những tín điều đặc thù của mình? Các ông lại không nhận ra rằng một lối nhìn về lãnh vực tôn giáo như thế dĩ nhiên là phải có những hiệu quả tức thời trên mọi nỗ lực tìm kiếm một cuộc đối thoại thực sự? Vì vậy, các ông không nên lấy làm ngạc nhiên khi có một số người trong chúng tôi đã không mấy tin tưởng khi các ông đưa tay ra hoặc một cách lịch sự mời chúng tôi đối thoại. (... )
Điều cản trở trước tiên đối với một cuộc đối thoại đích thực, một mặt đó chính là thái độ tự tôn, và mặt khác chính là nỗi e sợ đánh mất căn tính riêng biệt của mình. Ngay như người ta cũng có thể nói rằng nói chung cái nầy xuất phát từ cái nọ. Khi một người cảm thấy mình thực sự an toàn, anh ta chẳng cần gì phải nhấn mạnh về điểm đó, cũng chẳng cần gì phải phô bày nó ra. Chỉ có những người sợ hãi mới hay nói rằng: “Tôi chẳng sợ gì.” Con người không cảm thấy nỗi sợ hãi, ngay như ý thức về sự sợ hãi, cũng không. (... )
Tôi cần phải mạnh dạn nói lên tất cả những gì mình suy nghĩ. Tôi vẫn e rằng các ông đã thu hẹp chiều kích Đức YÊSU của các ông lại khi nhấn mạnh trên đặc tính độc nhất vô nhị của những khẳng định về Đức YÊSU. Sự tuyệt đối hoá những điều kiện Ngài tự biểu lộ mình ra đó, kèm theo tình trạng thiếu chiều sâu thực sự nơi đời sống của một số đông Kitô-hữu, đối với chúng tôi, tạo nên hòn đá cản đường chính yếu. Khi nào các ông đã khám phá ra được Đức KITÔ nội ẩn nơi ánh sáng của Thần Khí vẫn ở trong Ngài, chính lúc đó chúng tôi sẽ vui mừng đến thông phần chia sẻ với các ông kinh nghiệm của chúng tôi về sự nội ẩn sâu sa của Thiên Chúa.
(Thư của Sivendra PRAKASH gửi mục sư Murray ROGERS, được S.J. SAMARTHA trích lại trong Living Faiths and the Ecumenical Movement, Genève, COE, 1971.)
CHÂU PHI:
Khi Thiên Chúa xa cách
Ngày xửa ngày xưa, Trời gần với Đất, BUMBULVUN sống chung cùng với con người. Gần gũi đến nỗi con người chỉ có thể xê dịch cái lưng còng mà thôi.
Bù lại, con người chẳng phải lo lắng gì về chuyện phải làm gì để tồn tại: con người chỉ có việc đưa tay ra cấu những mảnh trời và ăn chúng.
Nhưng rồi một ngày kia, có một cô gái trẻ, con gái của tù trưởng, vẫn là một mukuwan (một người phụ nữ “dữ dằn” chuyên môn cái gì cũng làm ngược lại, làm chuyện ngược đời khác với những người khác), thay vì lấy những mảnh vụn cấu ở nơi vòm trời để nuôi sống mình thì cô ta lại bắt đầu nhìn xuống đất và chọn lấy những hạt giống mà cô ta tìm thấy ở đấy. Cô gái tự làm cho mình một cái cối giã và một cái chày để giã những hạt giống mà cô ta đã chọn lấy từ trên đất.
Quỳ gối trên đất, cứ mỗi lần cô gái nâng chày lên thì cái chày lại đụng đến trời và Thiên Chúa. Bực mình vì công việc bị gây cản trở, cô gái nói với trời: “Hỡi Thiên Chúa, chẳng lẽ Ngài lại không xích ra xa được một chút hay sao?”
Trời xích ra xa một chút, và cô gái trẻ đã có thể đứng thẳng lên được. Cô gái lại tiếp tục công việc và càng lúc cứ mỗi lần giã những hạt giống, cô gái lại nâng cái chày của mình lên cao thêm một chút. Cô gái lại than thở với trời lần thứ hai: Trời lại xích ra xa thêm một chút. Lúc bấy giờ, cô gái bắt đầu tung cái chày của mình lên cao trong không khí. Sau khi nghe cô gái than vãn lần thứ ba, Trời tức giận, lùi ra thật xa, như nơi ở của Trời bây giờ đang ở.
Kể từ đó, con người đi lại được và đứng thẳng. Họ không còn nuôi sống mình bằng những mảnh xé rách từ trời nữa: Họ trở thành những người ăn hạt kê. Hơn nữa, Thiên Chúa không còn tỏ mình ra cho con người như ngày xưa cứ mỗi buổi chiều Ngài lại đến dàn xếp những cuộc cãi cọ dẳng dai của họ; bây giờ thì con người chỉ lủi thủi có một mình với những cuộc cãi cọ dẳng dai của mình: đó là chiến tranh.
(R. JAOUEN, “le mythe de la retraite de Bumbulvun chez les Giziga du Nord-Cameroun” trong Afrique et Parole, số 33-34, tt. 56 – 57.)
Tài liệu tham khảo:
Những nghiên cứu chung về hai luồng thần học nầy:
· Collectif, La théologie européenne mise en question par la communauté oecuménique mondiale, Conférence des Églises européennes, Genève, 1976.
· John S. MBITI, éd., African and Asian contributions to contemporary theology, Report of a consul- tation held at the Ecumenical Institute, Bossey, 8-14 June 1976, Bossey, 1977.
* THẦN HỌC CHÂU Á:
Cần phải biết đọc tiếng Anh mới có thể khám phá được nền thần học Kitô-giáo mới khai sinh nầy. Trước nhất, chúng tôi lưu ý hai sưu tập các bản văn:
· Gerald H. ANDERSON, Asian voices in Christian theology, New York, Orbis books, 1976.
· Douglas J. ELWOOD, What Asian Christians Are Thinking, Quezon City, New Day Publishers, 1976.
Những tác phẩm quan trọng:
· Kazoh KITAMORI, Theology of the Pain of God, Richmond, John Knox Press, 1958.
· Kosuke KOYAMA, Waterbuffalo Theology, London, SCM Press, 1974.
· Stanley J. SAMARTHA, The Hindu Response to the Un- bound Christ, Madras, CISRS-CLS, 1974.
* THẦN HỌC CHÂU PHI:
Nỗ lực tìm kiếm thần học nầy thường được xuất hiện dưới hình thức những luận án. Chúng tôi kê ra đây 3 trong số những thủ bản đáng lưu ý nhất:
· Oscar BIMWENYI KWESHI, Le discours théologique négro-africain. Vấn đề những nền tảng, Faculté de théologie de Louvain, 1977.
· Anselme T. SANON, Tierce Église ma mère, Paris, Beauchesne, 1972.
· Sotigi P. –M. SIDIBE, La rencontre de Jésus Christ en milieu bambara, Paris, Beauchesne, 1978.
Những tác phẩm tổng hợp:
· John S. MBITI, Religions et philosophie africaines, Yaoundé, Clé, 1972.
· Louis-Vincent THOMAS et René LUNEAU, La terre africaine et ses religions, Paris, Larousse, 1975.
· // , Les sages dépossédés, Paris, Robert Laffont, 1977.
· Tharcisse TSHIBANGU, Le propos d’une théologie africaine, Kinshasa, Presses universitaires du Zaire, 1974.
· Concilium, Paris, n0 126 (1977), “Les Églises d’Afrique: quel avenir?”
Người ta cũng có thể đọc, không phải là vô ích, tuyên ngôn của buổi gặp gỡ liên-Phi giữa những nhà thần học của thế giới thứ ba tại Accra (Chana), tháng 12 năm 1977: “L’engage- ment actuel du christianisme en Afrique”, đã được Centre Lebret, Paris xuất bản.
Có một tiểu luận có thư tịch (không may là không được đầy đủ):
· Raymond FACELINA et Damien RWEGERA, Théologie africaine, RIC Supplément, n0 30, Strasbourg, 1977.
Nguồn: Sưu tầm
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét