Trang

Thứ Tư, 2 tháng 8, 2017

CHÂN DUNG ĐÍCH THỰC CỦA CHÚA GIÊ-SU KI-TÔ

CHÂN DUNG ĐÍCH THỰC CỦA CHÚA GIÊ-SU KI-TÔ

 "Đây là Con yêu dấu của Ta, Ta hài lòng về Người.
Các ngươi hãy vâng nghe lời Người !"

CHÚA NHẬT XVIII THƯỜNG NIÊN NĂM A (06/08/2017)
[LỄ CHÚA HIỂN DUNG]

I. LẮNG NGHE LỜI CHÚA TRONG TIN MỪNG MÁT-THÊU (Mt 17,1-9)

1 Sáu ngày sau, Đức Giê-su đem các ông Phê-rô, Gia-cô-bê và Gio-an là em ông Gia-cô-bê đi theo mình. Người đưa các ông đi riêng ra một chỗ, tới một ngọn núi cao. 2 Rồi Người biến đổi hình dạng trước mặt các ông. Dung nhan Người chói lọi như mặt trời, và y phục Người trở nên trắng tinh như ánh sáng. 3 Và bỗng các ông thấy ông Mô-sê và ông Ê-li-a hiện ra đàm đạo với Người. 4 Bấy giờ ông Phê-rô thưa với Đức Giê-su rằng: "Lạy Ngài, chúng con ở đây, thật là hay ! Nếu Ngài muốn, con xin dựng tại đây ba cái lều, một cho Ngài, một cho ông Mô-sê, và một cho ông Ê-li-a." 5 Ông còn đang nói, chợt có đám mây sáng ngời bao phủ các ông, và có tiếng từ đám mây phán rằng: "Đây là Con yêu dấu của Ta, Ta hài lòng về Người. Các ngươi hãy vâng nghe lời Người !" 6 Nghe vậy, các môn đệ kinh hoàng, ngã sấp mặt xuống đất. 7 Bấy giờ Đức Giê-su lại gần, chạm vào các ông và bảo: "Chỗi dậy đi, đừng sợ!" 8 Các ông ngước mắt lên, không thấy ai nữa, chỉ còn một mình Đức Giê-su mà thôi.

 9 Đang khi thầy trò từ trên núi xuống, Đức Giê-su truyền cho các ông rằng: "Đừng nói cho ai hay thị kiến ấy, cho đến khi Con Người từ cõi chết trỗi dậy."

II. TÌM HIỂU VÀ SUY NIỆM LỜI CHÚA

2.1 Đức Giê-su là Thiên Chúa làm người. Một trong những nhiệm vụ lớn của Người trong cuộc sống trần gian là tỏ mình ra cho các môn đệ và dân Ít-ra-en. Đọc các Sách Tin Mừng, chúng ta thấy Đức Giê-su đã nhiều lần tỏ mình ra cho những người xung quanh. Ví dụ khi Người đàm đạo với các vị chức sắc đền thờ Giê-ru-sa-lem dù mới 12 tuổi (Lc 2,46-50) và khi Người chữa bệnh và trừ quỷ (Lc 5,40-41). Nhưng nổi bật nhất là khi Người chịu phép rửa bởi tay Gio-an (Mt 3,21-22) và khi Người hiển dung (Mt 17,1-9). Hôm nay chúng ta tìm hiểu và suy niệm về  biến cố hiển dung trong Tin Mừng Màt-thêu.

2.2 Biến cố Đức Giê-su hiển dung có ý nghĩa sâu sắc với chính Thiên Chúa (Cha) và bản thân Đức Giê-su cũng như với các môn đệ và dân chúng.

a) Đức Giê-su là Con Thiên Chúa được sai đến trần gian với hai sứ mạng cao trọng là mặc khải về Cha và cứu độ nhân loại. Mặc khải về Cha là Đức Giê-su nói về Cha của Ngài. Nhưng Đức Giê-su còn mặc khải về Cha khi Người để cho Cha Ngài tự tỏ mình cho mọi người. “Đây là Con yêu dấu của Ta, Ta hài lòng về Người” là lời mạc khải tuyệt vời nhất của Chúa Cha.

b) Đức Giê-su là Thiên Chúa nhưng cũng là người. Là Thiên Chúa thì Đức Giê-su không cần sự công bố công khai của Chúa Cha. Nhưng là con người thì Đức Giê-su cần sự công nhận của Chúa Cha và của các tiền nhân cũng như cần sự tự tỏa sáng của chính mình. Vì thế trong sự kiện hiển dung của Đức Giê-su chúng ta thấy hội tụ cả 3 yếu tố quan trọng:

một là chân dung chói lòa, hai là sự hiện diện của ông Mô-sê (tượng trưng cho Lề Luật) và của ông Ê-li-a (tượng trưng cho Ngôn Sứ) và ba là lời công bố long trọng của Chúa Cha:

“Đây là Con yêu dấu của Ta, Ta hài lòng về Người.”

c) Từ ngày xuất hiện công khai để rao giảng Nước Trời, Đức Giê-su Na-da-rét đã làm cho các môn đệ và dân chúng đi theo Người háo hức muốn biết rõ hơn nữa về Người. Chắc chắn là thế. Người đã rao giảng một cách lôi cuốn hấp dẫn và sâu sắc. Người đã chữa lành nhiều người tật nguyền bệnh hoạn. Người đã trừ quỷ và thậm chí Người đã làm cho kẻ chết sống lại. “Ông Giê-su này là ai?” mọi người đều nêu thắc mắc tự hỏi. Như để đáp lại sự chờ đợi ấy của các môn đệ và dân chúng Chúa Cha đã long trọng công bố: "Đây là Con yêu dấu của Ta, Ta hài lòng về Người. Các ngươi hãy vâng nghe lời Người !"

III. THỰC THI LỜI CHÚA

3.1 Đúng như Thánh Giê-rô-ni-mô đã nói: “Không biết Thánh Kinh là không biết Đức Ki-tô”  Càng sống lâu và càng học hỏi và suy gẫm nhiều về Thánh Kinh, nhất là Tân Ước, thì tôi càng hiểu biết, yêu mến và ngưỡng mộ Đức Giê-su Na-da-rét nhiều hơn. Chịu ảnh hưởng của Chân Phước Charles de Foucauld tôi luôn bị cuốn hút bởi lối sống ẩn dật, khiêm nhường, tự hạ và tự hiến của Đức Giê-su Ki-tô.

3.2 Nhưng điếu quan trọng nhất đối với tôi cũng như đối với các Ki-tô hữu khác không phải là hiểu biềt, yêu mến và ngưỡng mộ Đức Giê-su Ki-tô mà là vâng nghe lời Người như chính Thiên Chúa (Cha) đã ra lệnh: “Các ngươi hãy vâng nghe lời Người.”Vâng nghe lời Đức Giê-su là thi hành giới răn riêng của Người, là noi gương bắt chước cách sống của Người, là nên “đồng hình đồng dạng” với Người như Thánh Phao-lô đã khuyên nhủ.

3.3 Tôi phải đấm ngực ăn năn mỗi khi nhìn lại mình. Trong cuộc sống không biết bao nhiêu lần tôi đã không thực thi mệnh lệnh hay giới răn yêu thương, tôi đã không từ bỏ những thứ tôi quyến luyến, tôi đã không hy sinh thời gian, công sức, tiền của cho anh chị em cần đến tôi.   

IV CẦU NGUYỆN VỚI LỜI CHÚA

Lạy Thiên Chúa là Cha của Đức Giê-su Ki-tô, con xin dâng lời ngợi khen, cảm tạ và biết ơn Chúa, vì qua biến cố hiển dung, Chúa đã cho con nhận ra chân dung đích thực của Con Một Chúa và đã cho con biết con phải vâng nghe Lời Người.

Lạy Chúa Giê-su Ki-tô là Lời của Thiên Chúa, con xin Chúa tha thứ cho con vì con đã nhiều lần không vâng nghe Lời Người.

Lạy Chúa Thánh Thần là Thần Khí của Chúa Ki-tô, con xin Chúa ban cho con sức mạnh để con dũng cảm và ngoan ngoãn vâng nghe Lời Người. Amen.

Sài-gòn ngày 01 tháng 08 năm 2017

Giêrônimô Nguyễn Văn Nội

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét