Trang

Thứ Bảy, 5 tháng 8, 2017

Ơn linh hứng Kinh Thánh

Ơn linh hứng Kinh Thánh

Giuse Nguyễn Tất Trung, OP
Lời Thiên Chúa đã thành xác phàm. Lời Thiên Chúa cũng đã thành chữ viết. Nhập Thể là sự kết hợp của tính Thiên Chúa với tính loài người. Kinh Thánh là tác phẩm của Thiên Chúa và cũng là của con người. Nhập Thể và Kinh Thánh, cả hai đều thuộc về kế hoạch của Thiên Chúa nhằm cứu độ thế gian, “nhiều lần, nhiều cách” như thư Hr 1,1 đã nói.
Ở đây ta tìm hiểu khía cạnh thiên linh của Kinh Thánh, tức là yếu tố làm cho một tác phẩm của con người cũng thực sự là tác phẩm của Thiên Chúa. Yếu tố ấy quen được gọi là ơn đoàn sủng linh hứng.
Phần một
SỰ KIỆN LINH HỨNG
Trước khi dẫn lời Kinh Thánh để chứng minh Kinh Thánh được linh hứng, cần chú ý : ta không dẫn Kinh Thánh với tính cách đó là Lời Thiên Chúa, nhưng với tính cách là tài liệu lịch sử. Vì nếu dẫn Kinh Thánh với tính cách là Lời Thiên Chúa thì hóa ra ta đi vào vòng luẩn quẩn : giả thiết Kinh Thánh là Lời Thiên Chúa rồi lại dựa vào đó để chứng minh Kinh Thánh là Lời Thiên Chúa. Vì thế, ta chỉ coi Kinh Thánh là tài liệu đáng tin cậy nhờ đó mà biết Đức Giêsu và các Tông Đồ, tức là những vị dạy điều phải tin phải sống, đã xác quyết Kinh Thánh là Lời Thiên Chúa, do Chúa Thánh Thần linh hứng.
I. TRONG KINH THÁNH
1. Cựu Ước
Trong Cựu Ước, không có chỗ nào nói rõ toàn bộ hay một cuốn sách nào trong Cựu Ước được Thiên Chúa linh hứng. Chỉ thấy có những xác quyết đơn giản như : “Sách của Đức Chúa”, “Sách Thánh”, “Kinh Thánh”. Tuy nhiên, cũng có nhiều đoạn văn ám chỉ sự kiện linh hứng như :
- Khi ông Môsê được lệnh Chúa truyền ghi lại cuộc chiến thắng quân Amaléc (Xh 17, 14) và tập sách Giao ước (Xh 24, 4 tt ; 34,27).
- Đặc biệt là trường hợp các ngôn sứ. Các ông được lệnh Chúa truyền chép lại hay đọc cho người khác chép những thị kiến... vd. ông Isaia được lệnh Đức Chúa truyền ghi lại tên tượng trưng của người con thứ hai của ông là Maher shalal khash baz (Is 8,1) và viết một lời sấm (30,8). Ngoài ra, trong Is 34,16 còn nói đến một cuốn sách được gọi là ”Sách của Đức Chúa”. Không rõ là sách nào, có lẽ là một tập lời sấm.
- Khi ông Giêrêmia được Đức Chúa truyền viết những Lời Đức Chúa phán với ông vào một cuốn sách (Gr 30,2 ; x. 25,13 ; 45,1 ; 51,60). Nhưng điển hình nhất là trường hợp ch. 36. Ở đây, tác giả mô tả cụ thể việc soạn cuốn sách được linh hứng. Đức Chúa truyền cho ngôn sứ Giêrêmia chép vào một cuốn sách những Lời Đức Chúa đã phán với ông (c.2). Ông đọc cho thư ký (ông Barúc) viết những Lời của Đức Chúa (cc. 4.6). Ông Barúc đem tập đó đọc cho dân chúng trong Đền Thờ như là “Lời của Chúa” (c.8). Tập đó đến tay vua Xítkigia và bị vua đốt đi, nhưng Chúa truyền cho ngôn sứ Giêrêmia viết lại (c. 28) cùng với nhiều lời khác nữa (c.32).
- Khi ngôn sứ Khabacúc được lệnh viết các thị kiến của ông lên những tấm bảng đá (Kb 2,2).
- Ông Edras từ Babylone lưu đày trở về mang theo một cuốn Luật, ông đã đọc cho dân nghe (Er 7,1-26). Sau thời lưu đày, người Israel dần dà có thái độ kính tôn đặc biệt đối với một số sách. Đến thời anh em Macabê, những sách ấy đã được thu thập lại (2 Mcb 2, 13-15) và, lần đầu tiên trong văn chương Kinh Thánh, được gọi là ”các Sách Thánh”, là nguồn an ủi cho dân trong lúc ngặt nghèo, quí giá hơn cả sự liên minh với dân Sparthes (1 Mcb 12,9), là nơi thỉnh ý Thiên Chúa trước khi đưa ra những quyết định quan trọng (1 Mcb 3,48), trước khi giao chiến (2 Mcb 8,23).
- Bài tựa sách Huấn ca trong bản dịch Hy lạp (quãng 130 trước CCT) chia các sách ấy thành ba nhóm : Luật, các Ngôn sứ và các tác phẩm. Đây là một lối chia cổ điển trong truyền thống Israel, vẫn còn cho đến nay. Người ta coi lời các ngôn sứ được ghi lại cũng có giá trị ngang hàng với lời các ngài giảng.
- Những từ ngữ, những kiểu nói cũng có sự tiến triển dần dần : ”Sách” (Xh 17,24), “các Sách” (Đn 9,2), “Sách Giao ước” (Xh 24,7 ; 2 V 23,2-21...), “Sách Luật” (Đnl 28,61 ; 30,10 ; 31,26), “Sách của Đức Chúa” (Is 34,15), ”Sách Luật của Thiên Chúa” (Gs 24,26), ta biblia (2 Mcb 2,13) ta biblia ta hagia (1 Mcb 12,9), hê hiera biblos (2 Mcb 8,23).
2. Truyền thống Israel
Theo hướng đi từ lời Đức Chúa phán đến Sách Thánh : trước khi có Sách Thánh, Thiên Chúa đã ban lời dạy dỗ dân Người rồi, vì đó việc ”Thiên Chúa nói với ông Ápraham, với ông Ixaác, với ông Giacóp” là một sự kiện măïc khải trước khi được ghi chép thành sách.
Người Israel coi việc những sự kiện măïc khải được ghi chép lại là một trong nhiều hoạt động của Thiên Chúa để giáo dục đức tin cho dân (pôlumêros kai pôlutropos Hr 1,1). Muốn hiểu thái độ của người Israel đối với Sách Thánh, cần phải đặt niềm tin của họ vào trong toàn bộ măïc khải : ban đầu là Lời Thiên Chúa nói với các Tổ phụ, sau đó với các ngôn sứ, cuối cùng những lời đó được ghi chép thành sách gọi là Sách Thánh.
Một số tác phẩm đã nói lên thái độ của người Israel đối với Sách Thánh, như :
- Mishna (Yadayim III 5c) : “Mọi sách thánh làm tay dơ bẩn” kiểu nói không có ý bảo Sách Thánh làm cho tay ra dơ bẩn, nhưng có ý nói đừng động đến vì nó có tính cách linh thánh (kôl kitbê haqqôdesh metammêim et-hayyadaim). Ngày Sabbat phải nghỉ việc nhưng nếu “các Sách Thánh” bị hỏa hoạn thì phải lo cứu chữa (Mishna, Sabbat XVI, 1).
- Thư của Pseudo-Aristée : làm chứng sự kiện : cộng đoàn Do-thái kiều ước ao có một bộ Ngũ Thư và các sách khác vẫn đọc ở Giêrusalem, nhưng bằng ngôn ngữ của mình (x. 2 Mcb 2,15 ; tựa sách Hc) ; làm chứng niềm tin : Thiên Chúa can thiệp trong việc ban tặng các Sách Thánh ; vua Ptolémée II nhìn nhận Ngũ Thư là theou logia (x 177).
- 4 Esdras (14, 23-27) cho biết Thiên Chúa đọc cho Esdras viết 40 ngày đêm 204 cuốn sách, nhưng chỉ có 60 cuốn được xuất bản.
- Fl. Josèphe khi nói về Ngũ Thư hay các sách Kinh Thánh nói chung, vẫn dùng kiểu nói hai hierai bibloi, ta hiera grammata.
- Philon dùng những kiểu nói : hiera grammata, hierai graphai, theoi chresmoi, theocresta logia, hieros logos, logos theios.
3. Tân Ước
Giáo Hội của Đức Giêsu và các Tông Đồ cũng đã chia sẻ quan niệm của người Israel về Sách Thánh.
- Người Israel coi Sách Thánh là nguồn mạch và là qui luật của chân lý. Vì thế thánh Phaolô phải dựa vào Kinh Thánh để giải thích cho người Israel ở Thêxalônica biết Đức Giêsu chịu đau khổ, rồi phục sinh và làm Đấng Kitô (Cv 17, 2-3). Những người Israel ở Bêrêa dùng Kinh Thánh để chứng thực lời giảng của thánh Phaolô là thực hay hư (Cv 17,11). Mọi tranh luận giữa người Israel phải dựa trên nền tảng là Sách Thánh (Cv 18,28). Tóm lại, có thể nói giữa hai thời Cựu Ước và Tân Ước không có dấu vết gì cho thấy có sự đánh giá Kinh Thánh khác nhau.
- Đức Giêsu chia sẻ suy nghĩ của đồng bào Israel của Người về Sách Thánh. Người sử dụng Kinh Thánh trong sinh hoạt phượng tự của dân tộc, không loại trừ một phần nào : Luật : Mc 7,10 (x. Lv 20,9) các Ngôn sứ : Mc 4,12 (x. Is 6,9 tt) ; Mc 7,6 (x. Is 29,13) ; Mt 11,4-5 (x. Is 42,18) ; Mt 21,44 (x. Đn 2,34.44.45) ; Mt 9,13 (x. Hs 6,6) Mc 13,12 (x. Mk 7,6). Các tác phẩm, đặc biệt là các Thánh vịnh Mt 21,16 (Tv 8,2) ; Mc 151,34 (Tv 23,2) ; Mt 5,8 (Tv 24,4) ; Mc 14,26 (Tv 115-118). Người coi lời Sách Thánh có một thế giá đặc biệt (x. Mt 21,13) có giá trị cao nhất chấm dứt mọi tranh luận (x. Mt 4, 4-10), là nguồn mạch chân lý (Mt 22,29 // Mc 12, 24-27). Hơn thế nữa, Người còn coi Sách Thánh là những lời ngôn sứ nói về Người (Ga 5,39) ; Người có sứ mạng hoàn tất lời Sách Thánh (Mt 1,22 ; 13,48) ; và nếu Người không bộc lộ thì người ta không thể hiểu biết ý nghĩa sâu sắc nhiệm mầu của Sách Thánh (Lc 24, 27.32.45 ; Ga 2,22 ; x. Ga 10,35).
- Các Tông Đồ kế thừa quan niệm chung đó theo gương Đức Giêsu, các ngài đồng hóa Sách Thánh Cựu Ước với Lời Thiên Chúa (Mt 29,31 ; x. Mc 12,26). Thánh Phaolô coi các sách Cựu Ước là Lời Chúa Nhập Thể, Thiên Chúa ủi an ta nhờ các sách đó (Rm 15,4-5) ; nhân cách hóa Sách Thánh ; “Sách Thánh nói” cũng có nghĩa là ”Thiên Chúa nói”... Các ngài gọi bộ sách là ”Sách” (hê graphê, dịch sát là ”tài liệu viết” : Gl 3,8-22 ; 1 Pr 2,6 ; 2 Pr 1,20), ”các Sách”, ”các Sách Thánh” (hai graphai, Mt 21,42 ; 22,29 ; Rm 15,4 ; hagiai graphai, Rm 1,2).
Nhưng có hai đoạn văn đặc biệt nói lên nguồn gốc thiên linh của Sách Thánh, đó là : 2 Tm 3,15-16 và 2 Pr 1,20-21.
- Trong 2 Tm 3,15-16, thánh Phaolô nói với ông Timôthê : ”Từ bé anh đã biết các Sách Thánh (hiera grammata), là những sách có phương dạy khôn anh để được ơn cứu độ nhờ bởi tin vào Đức Giêsu Kitô. Kinh Thánh tất cả đã được thần hứng (pasa grâphê theopneustos) và có ích cho việc giảng dạy, biện bác, cải thiện và đào tạo trong đường công chính”.
“Kinh Thánh tất cả” (hoặc ”mỗi sách Kinh Thánh” là các Sách Cựu Ước đã nói tới ở c.15.
“Theopneustos” (trong cả Kinh Thánh chỉ gặp ở chỗ này) là một động tính từ ghép bởi danh từ theos : “Thiên Chúa, thần minh” và động từ pneuoâ : “thở, thổi (gió thổi, thổi kèn), gợi hứng cho” cũng như những động tính từ khác có -tos ở cuối, theopneustos có thể có nghĩa :
- chủ động : (“thở ra Thiên Chúa”) nghĩa là tiết phát ra các thiên linh gợi ra những ý nghĩ về Thiên Chúa.
- thụ động (“do Thiên Chúa thổi”), trong các bản văn Hy lạp có trước Kitô giáo, từ này luôn có nghĩa thụ động. Ngoài ra theo văn mạch chỗ này và văn mạch các quan niệm Tân Ước nói trên, theo các bản dịch cổ, các Giáo phụ Hy lạp và hầu hết các nhà chú giải hiện nay, thì từ theopneustos hiểu theo nghĩa thụ động, nghĩa là “được Thiên Chúa thổi, gợi hứng cho, được thần hứng”.
- 2 Pr 1,20-21 cũng nói đến nguồn gốc thiên linh của Kinh Thánh, nhưng còn nhắc thêm về vai trò của con người nữa. Trong đoạn này, tác giả nói rằng giáo huấn về ngày Quang lâm của Chúa Kitô không phải là chuyện hoang đường. Vì uy linh của Thiên Chúa đã xuất hiện khi Chúa biến hình (c.16) ; hơn nữa giáo huấn này còn dựa trên những lời sấm Cựu Ước (c.19) ; tác giả viết tiếp, “Trước tiên, anh em hãy biết rằng : không lời ngôn sứ nào trong Kinh Thánh, người ta lại được quyền giải thích theo ý kiến riêng. Vì không bao giờ lời ngôn sứ đã do ý muốn người phàm đem ra ; nhưng là có những người được Thánh Thần dun dủi, phêrômênoi, đã dựa quyền Thiên Chúa mà nói lên”.
“Lời ngôn sứ” theo văn mạch, là toàn thể Cựu Ước hoặc các Sách ngôn sứ trong Cựu Ước, nhất là những lời nói về Chúa Kitô.
“phêrôâmênoi” là ”được đưa đi” (trong Cv 27,15-17, động từ này được dùng để chỉ con tàu được/bị gió hay dòng nước đưa đi). Như vậy ở đây có ý nói đến yếu tố nhân loại, nhưng yếu tố này hoàn toàn tùy thuộc quyền năng Thiên Chúa.
Ngay từ thời các Tông Đồ, Giáo Hội đã nhìn nhận Cựu Ước là những tài liệu có uy tín của Thiên Chúa, được Thiên Chúa linh hứng cho các tác giả viết ra. Tất cả các đoạn văn vừa kể trên đều nói về ơn linh hứng của các sách Cựu Ước ; còn về ơn linh hứng của các sách Tân Ước thì không thấy bản văn nào nói rõ, trực tiếp. Chỉ có một số chỗ nói cách gián tiếp.
- Trong 1 Tm 5,18, tác giả dùng công thức “Kinh Thánh nói”, để trưng dẫn một câu trong Đnl 25,4 và một lời của Đức Giêsu trong Lc 10,7 : “Làm thợ thì đáng lãnh công”. Như vậy khi đó có lẽ Tin Mừng Lc (hay một tác phẩm tiền Luca) đã được coi như Sách Thánh ? Hay cũng có thể hiểu là ở Lc 10,7, Đức Giêsu dẫn một câu tục ngữ quen thuộc và tác giả 1 Tm cũng dẫn câu ấy sau Đnl 25,4 vì có nghĩa giống nhau chứ không hẳn ông coi đó là Kinh Thánh.
- 2 Pr 3,15-16 đặt các thư thánh Phaolô ngang hàng với các sách Kinh Thánh. Rất có thể lúc đó các thư thánh Phaolô đã được kể vào thư mục Sách Thánh ? Và như vậy, ngoài Cựu Ước ra, Giáo Hội đã có một số các tác phẩm riêng, cũng mang tính cách linh thiêng như các sách Cựu Ước.
- Khải Huyền (1,1-3 ; 22,7.10.18-19) cho mình có nguồn gốc từ Thiên Chúa nên có thế giá như lời Thiên Chúa. Những lời đe dọa ai thêm bớt vào sách ấy có ý cho thấy sách này cũng có thế giá ngang với các tác phẩm của các ngôn sứ trong Cựu Ước.
- Theo Ga 20,30-31 tác giả sách Tin Mừng Ga (hoặc đồ đệ của ông) ý thức rằng lời mình viết ra có giá trị đem lại đức tin và ơn cứu độ.
 
II. TRONG TRUYỀN THỐNG GIÁO PHỤ
Giáo hội tin Cựu Ước và Tân Ước là các sách được Thiên Chúa linh hứng, nên có tính cách linh thánh. Niềm tin ấy đã khởi đi từ đầu truyền thống các Giáo phụ. Ởû đây ta chỉ nêu tóm tắt một vài vị làm điển hình :
- Các Giáo phụ cổ kính nhất (thế kỷ II) dùng những kiểu nói : “Sách Thánh”, “Kinh Thánh”... và gọi Kinh Thánh là “oracula Dei”. Các ngài bảo Kinh Thánh đã được Chúa Thánh Thần “đọc chính tả” ; Chúa Thánh Thần sử dụng các soạn giả thánh như là “những dụng cụ” (cây bút, cây đàn) trong tay Người (x. Didakhê 14,3 ; th. Clêmentê Roma, Justinô, Théophilô Antiôkhia, Irênê...).
- Các Giáo phụ thế kỷ III và IV coi Chúa Thánh Thần là “tác giả” Kinh Thánh và quả quyết rằng cả Cựu Ước lẫn Tân Ước đều đã được Người linh hứng. Thánh Augustinô coi đó là một tín thư từ trời. Thánh Giêrônimô cho rằng mọi văn sĩ thánh là dụng cụ của Thiên Chúa. Thánh Grêgôriô Cả đi xa hơn, quả quyết tác giả Sách Thánh là Chúa Thánh Thần, nhưng lại ít lưu ý đến tác giả loài người.
Tuy nhiên không phải các ngài hoàn toàn bỏ qua vai trò của soạn giả thánh. Truyền thống vẫn coi các soạn giả thánh cũng là tác giả của Sách Thánh : Thiên Chúa là tác giả chính, con người cũng chịu trách nhiệm về tư tưởng, thể văn, cách sắp đặt... Thánh Cyrillô Giêrusalem khen thánh Phaolô đặt câu hay, thánh Gioan viết diễn từ giỏi...
- Người ta còn nhiều lần gặp – dưới nhiều hình thức – những quả quyết của Giáo phụ về tính tuyệt đối không sai lầm của Kinh Thánh. Nhưng có hai điểm chính cần ghi nhớ trong cái nhìn của các Giáo phụ về Sách Thánh
1. Soạn giả thánh là dụng cụ của Thiên Chúa
Kinh Tin Kính công đồng Constantinople (381) nhấn mạnh đến vai trò của Chúa Thánh Thần : “Người đã dùng các ngôn sứ mà phán dạy”. Các Giáo phụ nói : chính Thiên Chúa nói ra và gợi lên, đã đọc cho các soạn giả viết những điều cần phải truyền lại cho ta. Các vị cũng ví các soạn giả như cây bút của Thiên Chúa, như cây đàn mà Chúa Thánh Thần là miếng phím gảy đàn. Những hình ảnh ấy đề cao vai trò chính yếu của Chúa Thánh Thần trong việc soạn Kinh Thánh, nhưng cũng có thể đưa đến quan niệm quá máy móc về ơn linh hứng và hạ giá vai trò của con người (gần như một dụng cụ vô tri vô giác). Ta sẽ nói về vấn đề này khi nói về bản chất của ơn linh hứng.
2. Thiên Chúa là tác giả Kinh Thánh
Kiểu nói “Thiên Chúa là tác giả của Sách Thánh” được dùng trước tiên trong cuộc tranh luận chống thuyết nhị nguyên của Manikê (thế kỷ III, cho rằng vũ trụ bị hai nguyên lý, một tốt, một xấu chi phối), để nhấn mạnh rằng Cựu Ước cũng như Tân Ước đều được Thiên Chúa linh hứng.
 
III. TRONG HUẤN QUYỀN CỦA GIÁO HỘI
Tiếp nối truyền thống Giáo phụ là một chuỗi những tuyên bố chính thức của Giáo Hội nhằm xác định, triển khai nội dung của truyền thống.
- Cho tới thế kỷ V, Giáo Hội vẫn dành nhiều nỗ lực để làm sao xác định nội dung và ý nghĩa của Lời Thiên Chúa trước những khó khăn do các lạc giáo nêu lên, đồng thời trả lời những lạc thuyết của Manikê và Marcion (thế kỷ II, phân biệt Tạo Hóa trong Cựu Ước với Thiên Chúa tốt lành trong Tân Ước). Giáo Hội nhấn mạnh duy mình Thiên Chúa là tác giả cả Cựu lẫn Tân Ước đồng thời thiết lập danh mục các tác phẩm được coi là Sách Thánh.
- Từ thế kỷ VI đến thế kỷ XIII, Giáo Hội không ngừng nhắc đi nhắc lại rằng sở dĩ các sách đó được gọi là Sách Thánh là vì có Thiên Chúa là tác giả.
- Công đồng Florence (1441) viết : “Giáo Hội tuyên xưng rằng, cũng một Thiên Chúa duy nhất là tác giả của Cựu ước và Tân Ước... vì các thánh của Cựu Ước và Tân Ước đã nói ra do ơn của cũng một Thánh Thần linh hứng” (EB 47 ; Dz 1334).
- Công đồng Trentô (1546) và Vaticanô I đã nhắc lại giáo huấn trên. Nhưng Vaticanô I chỉ xác định cách tiêu cực về ơn linh hứng, nghĩa là chỉ tuyên bố linh hứng không phải là thế này, không phải là thế kia...chứ không nói là thế nào.
- Đến thông điệp Providentissimus Deus của Đức giáo hoàng Lêô XIII (18.11.1893) mới có một định nghĩa tích cực về ơn linh hứng. Sau đó các thông điệp Spiritus Paraclitus của Đức giáo hoàng Bênêđictô XV và Divino afflante Spiritu của Đức giáo hoàng Piô XII triển khai thêm một số khía cạnh.
- Sau cùng là Hiến chế Dei Verbum của Công đồng Vaticanô II. Trong chương III, số 11 có nói đến sự kiện Kinh Thánh được Chúa Thánh Thần linh hứng và, do đó, có thế giá của Thiên Chúa. Hiến chế cũng nhắc rằng Kinh Thánh chứa đựng “thực tại được Thiên Chúa linh hứng” (Divinitus revelata, quae in Sacra Scriptura litteris continentur et prostant, Spirito Sancto afflante consignata sunt) và đề cao tự do của con người được Thiên Chúa chọn làm dụng cụ soạn thảo Sách Thánh (In sacris vero libris conficiendis Deus homines elegit, quos facultatibus ac viribus suis utentes adhibuit).
 
IV. TRONG TỔ CHỨC PHỤNG VỤ CỦA GIÁO HỘI
Giữa việc tôn kính Sách Thánh và mầu nhiệm Thánh Thể xem chừng không có khác biệt. Cần có tư tưởng về “hai cuộc Nhập Thể” để thấy rằng Kinh Thánh và Thánh Thể là hai dạng thức biểu lộ sự hiện diện của Chúa Kitô. Người Kitô hữu lo tìm Thánh Thể làm lương thực nuôi dưỡng linh hồn thế nào, thì cũng ân cần tìm lương thực cho tâm hồn nơi Sách Thánh thế ấy.
Lời Thiên Chúa và Bí Tích là hai hình thức cử hành việc phụng tự. Vì đó có thể đọc Kinh Thánh thay vì cử hành Thánh Thể khi, vì một vài lý do nào đó, không thể cử hành Thánh Thể được.
Thái độ cung kính đối với Sách Thánh khi cử hành phụng vụ nói lên niềm xác tín Sách Thánh là Lời Thiên Chúa (lex orandi lex credendi). Người ta long trọng rước cuốn sách lên bàn thờ, tung hô trước và sau khi đọc Tin Mừng, xông hương sách Tin Mừng, hôn kính sách Tin Mừng…. Tất cả cho thấy thái độ cung kính trước sự hiện diện của Thiên Chúa làm người, hiện diện qua Lời của Người.
Trong các Công đồng, sách Tin Mừng luôn được dành cho một địa vị danh dự. Truyền thống đó bắt đầu từ Công đồng Êphêxô (431) và vẫn còn được duy trì cho tới Công đồng Vaticanô II.
(Còn nữa)
Giuse Nguyễn Tất Trung, OP
 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét