Trang

Thứ Ba, 15 tháng 8, 2017

NHỮNG NỀN THẦN HỌC GIẢI PHÓNG

NHỮNG NỀN THẦN HỌC GIẢI PHÓNG



Khởi từ những con người bị gạt ra bên lề lịch sử.

Ở phương Tây, đã có một thời, đề tài giải phóng đã có thể xuất hiện ra như là khẩu hiệu thời trang mới nhất, như là phương thuốc thần diệu cho những chiến sĩ đã bị đào thải, như là mũi thuốc bổ máu công hiệu cho nhưng Kitô-hữu vẫn mắc phải bệnh thiếu máu. Dưới những phương trời khác, thì sự giải phóng đó không phải là một thứ đồ xa xỉ: nó vạch ra chương trình cho một cuộc đấu tranh mệt lử và hàng ngày chống lại một tình trạng áp bức thiên hình vạn trạng. Sự bóc lột con người, thật vậy, là một con quái vật có nhiều đầu: nó có thể được gọi là chủ nghĩa tư bản, chủ nghĩa thực dân, chính sách khủng bố, chính sách phân biệt chủng tộc hay phân biệt nam-nữ.
Trong khi chờ đợi giờ khắc mà những người phụ nữ có thể chiếm lĩnh được toàn bộ chỗ đứng của mình trong xã hội cũng như bên trong Giáo hội, ở đây chúng ta tạm thời ghi nhận hai địa điểm lớn nơi ngày nay đang định hình một nền thần học giải phóng đích thực: đó là những cộng đồng Kitô-hữu ở Châu Mỹ Latinh, những dân da đen ở Bắc Mỹ và ở Nam Phi. Ở đấy, chúng ta có hai trào lưu cách xa nhau, cùng sinh ra trong cùng một lúc (1966 - 1968) nhưng lại độc lập với nhau, mỗi bên đều mang lại cho công việc suy tư thần học hiện đại một đóng góp tích cực khá quan trọng. Nếu như những tiến trình suy tư thần học của họ có khác nhau, thì điểm khởi hành của họ lại chung nhất: một cách sống niềm tin và một quan niệm thần học mới mẻ.

Giải phóng thần học.
Thật vậy, tất cả mọi nền thần học giải phóng đều có ghi dấu một sự đoạn tuyệt dứt khoát với lập trường truyền thống ở trong thần học. Trong lịch sử Châu Âu cận đại, chúng ta có một nền thần học, thệ phản cũng như công giáo, cấu kết khá sâu với những thế lực hiện hành. Khi mà Giáo hội vẫn cứ thường xuyên đi lại trên những lối ra vào của quyền lực, thì nhà thần học khó lòng khỏi bị lôi cuốn bởi thứ ý thức hệ đang thống trị. Hữu ý hoặc vô tình, nhà thần học lặp lại, dưới chiêu bài tôn giáo, những lợi ích của giai cấp thống trị.
Thử ưu tiên thắc mắc một chút về vấn đề giải phóng sẽ làm nứt nẻ ra ngay cái thứ diễn từ đồng lõa đó và sẽ phải trả lại tiếng nói cho những con người đã bao lâu nay vẫn bị gạt ra bên lề lịch sử. Niềm tin bị lung lay ngay từ lúc nó được sống như là mối phương hại thực sự cho phía những người bị bóc lột. Thần học khó lòng đứng vững kể từ lúc nó nghe được Lời của Thiên Chúa nói qua trung gian những giai cấp và những chủng tộc đang bị chà đạp dày xéo. Lẽ dĩ nhiên, áp lực không còn có thể chịu nổi của tình trạng áp bức sẽ làm vọt ra một niềm tin khác và một thứ thần học khác. Từ nay, chính thực tiễn đấu tranh ở bên trong lịch sử sẽ là khuôn mẫu cho suy tư thần học. Giải thích nhiều như thế cũng là đã quá đủ rồi. Vấn đề ngay bây giờ đây là cần phải thay đổi những điều kiện xã hội.

Cuộc đấu tranh quyết dành  lại  tự  do ở  Châu  Mỹ Latinh.

Một điều chắc chắn là không phải nhờ đến thần học mà người ta mới khai trương một thứ phong trào giải phóng. Ở Nam Mỹ, tất cả đều phát xuất từ nỗ lực phân tích về hiện tượng kém phát triển, về tình trạng trái ngược quá rõ ràng giữa thiểu số áp bức và đại đa số bị áp bức. Phân tích marxít cung cấp cho người ta chiếc chìa khóa giải mã tốt nhất để làm chường ra tình trạng mâu thuẫn thống trị lệ thuộc nầy. Và chúng ta đừng ngây thơ vội vã tin rằng “tình trạng áp bức đã được định chế hoá” đó đang trên đà tiêu tan. Suốt trong những năm vừa qua, tình trạng sai biệt trong xã hội ngày càng gia tăng và những người dân ở thôn quê ngày càng trở nên vô sản vì kế hoạch trùng tu thành những lãnh địa lớn ở nơi nhiều nước. Những khu ổ chuột phô bày lộ liễu ra, không ngừng ngày càng gia tăng.
Đối diện với cái tội lỗi tập thể đó, thần học có thể là một thứ động năng loại biệt tạo ra một lối ứng xử thực tế có tính cách tổng bộ trong nỗ lực giải phóng khỏi tình trạng đó trên bình diện kinh tế, chính trị và văn hoá. Như là lý thuyết xã hội, thần học sẽ phải đứng về phía những người nghèo mà, theo Kinh Thánh, phán xét của thiên Chúa đã nhập thân vào đó. Trong khi hành động đấu tranh để giành lại tự do cho Lời đã được viết lên trong thân xác bầm tím những vết thương của một dân tộc, thần học sẽ thực hành một vai trò quan trọng của mình là biện biệt và phê phán.
Trong thời điểm hiện nay, nền thần học ngoại biên nầy nhận thức được 3 mô hình đặc thù:
-    Thần học về tình trạng bị cướp mất tự do (la théologie de la captivité): sau một thời gian có nhiều lạc quan, bầu trời của lục địa-thấp lại giăng đầy mây mù u ám. Gần như khắp nơi, những chế độ quân phiệt ngày càng như rắn đanh lại. Sự đàn áp đã quét sạch đi những niềm hy vọng chỉ vừa nhen nhúm lên một cách không thương tiếc. Cũng như đối với Israel, thời gian lưu đày mất hết tự do phải tạo được điều kiện hoạch định ra một sách lược giải phóng tốt hơn, biết lo toan đi vào chiều sâu và củng cố cho được tình trạng đoàn kết.
   Thần học về những quyền con người (la théologie des droits de l’homme): Trào lưu nầy đặc biệt đánh vào ý thức hệ và mô thức phát triển do nhà nước áp đặt vì lý do an ninh quốc gia. Trong nhà nước nầy, quân đội chiếm lĩnh toàn bộ guồng máy quốc gia. Nhà nước trở thành quân đội. Từ đó, cuộc đấu tranh cho những quyền con người cho phép Giáo hội, mặc dù không dính vào chính trị, biểu lộ sứ mạng riêng tư của mình.
-   Thần học về vấn đề mục vụ trong giới bình dân (la théologie de la pastorale populaire): thần học nầy chủ trương đề cao giá trị của văn hoá và tín ngưỡng bình dân vẫn là một hiện tượng đặc trưng ở Châu Mỹ Latinh. Nó không đề cập về giai cấp vô sản mà là về dân tộc, nó mong ước tình trạng hiệp nhất hơn là đấu tranh.
   Sặc sỡ với vô vàn vô số những mầu sắc khác biệt nhau, nền thần học giải phóng ở Châu Mỹ Latinh, đặc biệt chủ yếu được gợi hứng từ phía công giáo, băn khoăn lo lắng về tình trạng phi-nhân (non-homme), về con người bị phủ nhận không được phép tồn tại ngay cả trong thực tại hiện sinh sơ đẳng nhất của mình. Nền thần học giải phóng đó biết rằng chính trong khi làm nẩy sinh công bằng và tình huynh đệ mà ơn cứu độ được thực hiện.

Thách thức hiện sinh của các dân tộc da đen.
Từ phía Hợp chủng quốc Hoa Kỳ và Nam Phi, thần học loan báo vấn đề da màu: thần học hoặc là da đen hoặc không là gì cả. Tiếng kèn đồng vang lên lanh lảnh với giọng điệu thách thức nầy không phải là không khiến người ta ngạc nhiên. Làm thế nào chấp nhận được yêu sách đó khi xem ra đó là một thứ chủ nghĩa phân biệt chủng tộc phi lý? Chúng ta hãy thư thả thử nhìn lại lịch sử của vấn đề nô lệ và vấn đề thực dân xâm lược: chúng ta sẽ hiểu với mức độ nào Tin mừng đã được giới thiệu cho những người Da đen đã là một thứ Tin mừng của người Da trắng và mang tính chất phân biệt chủng tộc. Mãi đến năm 1870, trong Công đồng Vatican I, 68 giám mục thừa sai vẫn còn yêu cầu giải vạ cho dân tộc Da đen khỏi lời chúc dữ đã giáng xuống KHAM (vẫn được coi như là ông tổ của các dân tộc Da đen, ctnd)! Điều đó có nghĩa là chính bản thân các ngài cũng đã tin chuyện đó là có thật.
Sau khi, tình nguyện hoặc bị bắt buộc, trở lại với Tin mừng đã bị giải thích không đúng nầy, những người Da đen dầu vậy đã nhận ra rằng Thiên Chúa  của Đức YÊSU KITÔ có một thứ ngôn ngữ khác. Ngài nói công bằng, giải phóng, bình đẳng. Ngài tự đồng hoá với những kẻ bị loại trừ và những người bị áp bức. Trong hoàn cảnh cụ thể như ở Bắc Mỹ và Nam Phi hiện nay, vị Thiên Chúa đó chỉ có thể là người da đen.
Thần học Da đen khá mới mẻ, vì thế, vấn đề chủng tộc được đặt ra một cách hết sức nghiêm túc, đó là vấn đề bị bắt buộc phải đặt ra vì áp lực từ phía chính quyền nằm trong tay những bọn khốn kiếp. Thần học đó là lời khẳng định đầy tự hào về căn cước tính Da đen trước Thiên Chúa. “Da đen, quả là xinh đẹp”. Thần học giải phóng, đó là cuộc đấu tranh không khoan nhượng của tất cả những con người “đã bị trái đất kết án”, bất kể họ thuộc màu da nào. Nhưng, tình trạng áp bức đè nén của những bọn phân biệt chủng tộc phần đời không thể nào qua đi trong yên lặng.
Những thần học giải phóng không thể được xếp hạng vào trong danh sách lại một vấn đề mới được đặt ra để rồi cuối cùng âm thầm đứng xếp hàng vào trong viện bảo tàng của những tiểu luận tuy gây được nhiều thiện cảm đấy, nhưng rồi sẽ nhanh chóng đi vào lãng quên. Những nền thần học nầy vẫn tiếp tục được nâng đỡ bởi đà động lực thúc đẩy của hàng giáo sĩ vẫn bám rễ sâu trong vùng đất là những dân tộc xưa nay không có tiếng nói. Một Dom Helder CAMARA, một giám mục PROANO, một Martin Luther KING Jr. chỉ là những phát ngôn viên của những nhóm nhân loại bao năm vẫn bị bịt mồm bịt miệng. Tình trạng bất công vẫn ở trong tư thế chiến thắng đã biết bao năm rồi.
Bruno CHENU

THẦN HỌC CHÂU MỸ LA TINH

Bị thực thể phi-ngã vị cật vấn.
Vấn đề của chúng tôi không phải là: làm thế nào nói về Thiên Chúa trong một thế giới đã trưởng thành?, như đối với trường hợp của nền thần học đã tiến bộ. Nhân vật đối thoại của nền thần học giải phóng, đó là thực thể phi-ngã vị (la non-personne), nghĩa là những kẻ vẫn bị cái trật tự xã hội hiện hành coi như không phải là những con người: đó là những giai cấp bị bóc lột, những chủng tộc bị gạt ra ngoài lề, những nền văn hoá bị coi khinh rẻ rúng. Vấn đề của chúng tôi đúng hơn là thế nầy: làm thế nào nói cho thực thể phi-ngã vị, cho thực thể phi-nhân rằng Thiên Chúa là tình yêu và rằng tình yêu đó khiến tất cả chúng ta đều là anh chị em với nhau? Kinh nghiệm và suy tư về niềm tin, khởi động từ điểm khởi hành đó, không chỉ được định vị trên một mặt bằng là tôn giáo, như tuồng chúng xuất phát từ phê phán của một người không tin. Trong bối cảnh nầy, nỗ lực phân thớ được tiến hành không phải đứng hàng đầu là giữa những tín hữu và những người không tin, mà là giữa những kẻ áp bức và những người bị áp bức. Và trong số những kẻ áp bức, có những người “vẫn tự xưng mình là Kitô-hữu”, như lối nói của Bartolomé de Las CASAS. Ngược lại với tình hình xẩy ra trong trường hợp có sự phê phán tôn giáo bởi tinh thần có đầu óc tân tiến – nơi mà yếu tố tôn giáo tạo ra một tình trạng phân cách giữa những người cùng chia sẻ một mức độ sống và một khung cảnh xã hội -, ở đây, những kẻ bị áp bức và những người bị áp bức lại cùng “chia sẻ” một niềm tin. Nhưng, họ lại xa cách nhau trên bình diện kinh tế, xã hội và chính trị; còn tệ hơn, trong lĩnh vực nầy, người nầy bóc lột người kia. Tình trạng mâu thuẫn hiện ra sờ sờ ngay trước mắt.
(Gustavo GUTTIEREZ, trong Théologies du Tiers MondeParis, L’Harmattan, 1977, trg. 165.)


THẦN HỌC DA ĐEN

Những nô lệ da đen đang nỗ lực tự mình sở đắc Tin mừng.
Những người Da đen khẳng định rằng mình vẫn đang có mặt trong thực tại hiện sinh. Khẳng định đó, họ đang sống từng giây từng phút qua kinh nghiệm mà họ kinh qua là những người da đen ngay giữa lòng một xã hội Châu Mỹ vẫn thù địch với họ. Thần học da đen không phải là thứ ân huệ của Tin mừng mà những Kitô-hữu đã chuyển thông cho người nô lệ; đúng hơn, đó là nỗ lực những nô lệ da đen tìm cách tự mình sở đắc (appropriation) Tin mừng mà họ đã nhận được từ nơi những kẻ áp bức da trắng của họ. Thần học da đen vẫn được nuôi dưỡng, vẫn được gìn giữ và vẫn được lưu truyền trong những Giáo hội da đen theo những cung cách biểu đạt khác nhau của họ. Nền thần học đó quan tâm tới những vấn đề sinh tử vẫn được đặt ra một cách dữ dội và thiết căn đối với một dân tộc vẫn bị miệt thị và bị làm cho mất giá trị. Giáo hội da đen không chỉ tự hài lòng với một việc giáo dục người da đen thôi; Giáo hội đó còn tạo điều kiện để cho những người da đen được sống còn để đấu tranh chấm dứt những đối xử tàn bạo mà có lẽ người ta không được phép đối xử như thế đối với bất kỳ cộng đồng nhân loại nào. Thần học da đen là kết quả của kinh nghiệm và suy tư của chính những Kitô-hữu da đen. Thần học nầy cắm rễ sâu của mình ở trong quá khứ. Thần học nầy, trong hiện tại, vẫn đang tràn trề sức sống. Và chúng tôi tin rằng thần học đó tạo nên được một thứ men cứu chuộc cho tương lai.
Kinh nghiệm thần học bản xứ về niềm tin nầy phát xuất từ nhu cầu tuyệt đối cần thiết mà cộng đoàn da đen đã kinh qua để tự khẳng định mình như là thành phần của Vương quốc của Thiên Chúa. Thần học da trắng, về phía đó, vẫn đang duy trì thể chế nô lệ của người Châu Mỹ và từ chối không cho những người Da đen phẩm tính là người. Nền thần học của những người Da đen bản xứ, về phần mình, được đặt cơ sở trên kinh nghiệm và óc tưởng tượng, đã là điều có giá trị nhất cho phép hy vọng rằng nền thần học đó vẫn có thể sống còn và tồn tại. Có thể nói rằng nền thần học Da đen đã hiện hữu ngay trong những bài Spirituals, những bài ca của những người nô lệ, những lời khuyến dụ của những người rao giảng bị áp bức và của con cháu của họ. Tất cả mọi nền thần học đều xuất phát từ một kinh nghiệm sống hiệp thông với Thiên Chúa. Hiện nay cộng đoàn da đen đang tìm cách để biểu đạt thần học của mình trong một thứ ngôn ngữ có thể phù hợp với tình trạng tinh thần của những người Da đen hôm nay.
(Tuyên ngôn của Tiểu ban quốc gia các Giáo sĩ Da đen, được trình bày ngày 13 tháng 6 năm 1969. Bản Pháp văn trong Lumière et VieLyon, số 120 (1974), tt. 7-9. Trích ở trg. 7.)


Tài liệu tham khảo:

Về tình hình chung của thần học giải phóng, xem:
·           Georges CASALIS, Les idées justes ne tombent pas du ciel, Paris, Cerf, 1977.
·         Collectif, Théologies du Tiers Monde, Paris, L’Harmattan, 1977.
·          André DUMAS, Théologies politiques et Vie de l’Église, Lyon,
Về thần học Châu Mỹ Latinh:
·           Leonardo BOFF, Jésus Christ libérateur, Paris, Cerf, 1974.
·           Collectif, Théologies de La libération en Amérique latine, Paris, Beauchesne, 1974, “Le Point théologique”, số 10.
·           Enrique DUSSEL, Histoire et théologie de la libération, Paris, Éditions ouvrières, 1974.
·           Gustavo GUTTIEREZ, Théologie de la libération, Bruxelles, Lumen Vitae, 1975.
·             Pablo RICHARD, Le christianisme à l’épreuve des théo- logies de la libération, Lyon, Profac, 1978.
·           Concilium, Tours, số 96 (1974), “Praxis de libération et foi chrétienne”.
·               Thư tịch đầu đủ cho đến năm 1974, xem trong Francois MALLEY, Libération. Mouvements analyses, recherches, théologies. Essai bibliographique, Paris, Centre Lebret, sansdate.


*   Về thần học da đen:
Bằng Pháp ngữ:
·           Bruno CHENU, Dieu est noir, Paris, Centurion, 1977.
·           Lumière et Vie, Lyon, số 120 (1974).

Bằng Anh ngữ:
·           James H. CONE, Black Theology and Black Power, New York, Seabury Press, 1969.
·               //               , A Black Theology of Liberation, New York, Lippincott, 1970.
·             //            , God of the oppressed, New York, Seabury Press, 1975.
·           Albert J. RABOTEAU, The Invisible Institution, Disser- tation de doctorat à Yale University, 1974.
·           Gayraud S. WILMORE, Black religion and Black radicalism, Garden City, Doubleday, 1972.

*  Phát xuất từ NAM PHI:
·           Basil MOORE, éd., Black Theology: The South African Voice, London, 1973.
Tuyển tập tốt nhất những bản văn của Nam Phi có trong:
Anne-Marie GOGUEL et Pierre BUIS, Chrétiens d’Afrique du Sud face à l’apartheid, Paris, L’Harmattan, 1978.
Tác giả: Bruno CHENU - Lm Phêrô Nguyễn Thiên Cung chuyển ngữ
Nguồn: giaolyductin.org

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét