Trang

Thứ Bảy, 26 tháng 8, 2017

Vì sao bức thư của Đức Giáo hoàng về người di dân gây tranh luận

Vì sao bức thư của Đức Giáo hoàng về người di dân gây tranh luận

lavie.fr, Henrik Lindell, 2017-08-22
Trong bức thư nhân Ngày Thế Giới người Di dân, Đức Giáo hoàng viết an ninh cá nhân phải trước an ninh quốc gia. Một đoạn gây khó hiểu cho người công giáo.
Hẳn nhiên mục đích bức thư không phải để gây tranh luận nhưng kết quả lại gây tranh luận. Trong bức thư công bố ngày 21 tháng 8 để phổ biến nhân Ngày Thế Giới người Di dân, Đức Phanxicô tái khẳng định quan điểm của mình về việc đón tiếp người di dân và tị nạn khi họ đi trốn “chiến tranh, bách hại, các tai ương thiên nhiên và nạn đói nghèo”. Khi tuyên bố về việc rộng cấp chiếu khán nhân đạo và tiếp đón đầu tiên một cách xứng đáng, ngài cho rằng phải luôn đặt trọng “an ninh cá nhân” của người di dân trước “an ninh quốc gia”. Một câu nếu đọc tách biệt sẽ gây khó hiểu trong bối cảnh an ninh bị căng thẳng, nhất là khi nhiều nước phương Tây tiếp nhận người di dân và những người này đã làm các tội ác hoặc tổ chức các vụ tấn công. Đọc phớt qua sẽ nghĩ Đức Giáo hoàng nói, an ninh của người di dân quan trọng hơn an ninh của người dân ở nước họ đến. 
Trên các trang mạng xã hội, nhiều người công giáo lên tiếng chỉ trích ồn ào, họ nói lên sự bất bình của mình, trong khi những người bình thường bênh vực giáo hoàng thì lại im lặng. Từ tổ chức Giá trị hiện nay ở Pháp (Valeurs actuelles en France) đến Breitbart ở  nước Mỹ, các cơ quan truyền thông phái hữu quốc gia thường lên án thái độ phò-di dân của giáo hoàng đã dựt các hàng tít lớn, xem đây như một sự kiện quan trọng đáng lo ngại. Trong lãnh vực chính trị, nhiều đại diện của phe hũu và cực hữu đã phản ứng rất tiêu cực. Ở Paris, nữ nghị viên Âu châu Sophie Montel cho rằng “giáo hoàng phải tập trung vào lãnh vực của mình, đừng xen vào chính trị”. 
Một sứ điệp nguyên nghĩa
Sứ điệp của giáo hoàng có mang tính chính trị không? Trong một nghĩa nào đó, có. Trong bối cảnh của mình, ngài xin người công giáo “cứ có dịp là chia sẻ sứ điệp này với tất cả các tác nhân chính trị và xã hội”, bao gồm trong một tiến trình được bắt đầu trong cuộc Họp Thượng đỉnh của Liên Hiệp Quốc tháng 9 năm ngoái, đưa đến việc các Quốc gia sẽ chuẩn chi các thỏa ước toàn cầu từ đây đến cuối năm 2018 cho người di dân và tị nạn, gọi là Global Compacts. Hẳn nhiên đây là một tài liệu “dấn thân”, như người ta nói, nhằm để dùng như một lập luận.
Bức thư rất chi tiết, một quan điểm dứt khoát về nhiều chủ đề chính trị tế nhị trong bối cảnh tranh luận hiện nay. Ngoài việc cấp chiếu khán nhân đạo, Đức Giáo hoàng giải thích phải nới rộng đoàn tụ gia đình đến ông bà và anh chị em. Phải bảo vệ quyền tự do di chuyển và làm việc, cũng như việc hội nhập về mặt xã hội-nghề nghiệp. Ngài cũng chống đối việc “đồng hóa, dẫn đến việc loại bỏ hay quên đi căn tính riêng của mình”, ngài chủ trương một “văn hóa gặp gỡ”, một sự hội nhập chú trọng đến văn hóa gốc.
Nguyên tắc tập trung vào con người nhân bản, một nguyên tắc mà vị tiền nhiệm yêu quý Bênêđictô XVI đã cương quyết khẳng định, buộc chúng ta luôn phải đặt nặng an ninh cá nhân trên an ninh quốc gia. – Đức Phanxicô
Tuy nhiên người ta ghi nhận, Đức Phanxicô không nhắc đến các lời nói khác uyển chuyển hơn mà ngài đã nói về vấn đề di dân. Ngài cũng không đề cập đến việc, mà nhiều lần ngài đã nói, các nước phải giới hạn việc đón tiếp theo khả năng hội nhập của mình và các người di dân cũng phải có bổn phận thích ứng. 
Đâu là nội dung đoạn bị lên án? Đức Giáo hoàng có thật sự muốn nói an ninh của người di dân phải quan trọng hơn an ninh của quốc gia không? Nếu không, thì sứ điệp là như thế nào? Để hiểu hơn, chúng ta phải xem lại câu nói trong bối cảnh của nó: “Nguyên tắc tập trung vào con người nhân bản, một nguyên tắc mà vị tiền nhiệm yêu quý Bênêđictô XVI (Thông điệp Caritas in veritate, Bác ái trong Chân lý) buộc chúng ta phải đặt an ninh cá nhân trên an ninh quốc gia. Đương nhiên điều cần thiết là phải đào tạo thích ứng cho các nhân viên kiểm soát ở biên giới. Các điều kiện của người di dân, các người xin quy chế tị nạn và những người tị nạn phải được bảo đảm an ninh cá nhân cho họ và họ được hưởng các dịch vụ cơ bản. Nhân danh cho phẩm cách nền tảng của mỗi con người, phải nỗ lực có các giải pháp xen kẻ cho việc giam giữ những người nào vào lãnh thổ của một quốc gia mà không có phép”. 
“An ninh quốc gia” ở đây là như thế nào?
Khi chúng tôi đặt câu hỏi này với một vài nhà thần học thì họ không muốn trả lời, một vài người cho rằng đây là khía cạnh chính trị nóng bỏng của vấn đề. Về phần các phòng truyền thông của Vatican thì cho rằng, đoạn này nói rất rõ. Họ cho chúng tôi câu trả lời rất mạnh: “Khi đọc toàn câu trích thì sẽ thấy ý nghĩa của nó rất rõ: các quyền của cộng đồng không thể vượt lên các quyền của cá nhân, họ là ưu tiên”. Chúng tôi phải quay về với một giáo sư triết trẻ, chuyên về triết chính trị và luân lý, giáo sư Andéol Chartier, người dùng thì giờ để giải thích cho chúng tôi.
Theo giáo sư, cuộc tranh luận cho thấy có một sự hiểu sai: “Đương nhiên Đức Giáo hoàng không muốn so sánh an ninh của một người với an ninh của nhiều người! Còn an ninh ‘quốc gia’, chắc chắn ngài hiểu đây là một cái gì khác hơn là an ninh của toàn thể người dân Pháp.” Tuy nhiên, giáo sư triết công nhận, “cái gì khác” chỉ được hiểu qua ánh sáng của toàn bộ tư tưởng công giáo về quan hệ giữa con người và cộng đoàn – trong trường hợp này là quốc gia Pháp -, là một chuyện rất khó.
Con người nhân bản là tạo tác của Thiên Chúa (cùng với sự hợp tác của cha mẹ), trong khi chính trị, kinh tế, vv, là tạo tác của loài người.  
Vì thế, theo Đức Giáo hoàng, “an ninh quốc gia” là an ninh không phải chỉ của những người Pháp – trên thực tế an ninh này ít bị đe dọa so với an ninh của những người xin tị nạn -, nhưng là an ninh của các cơ cấu xã hội và con người mà “các luật, văn hóa, kinh tế, chính trị của một nước và tất cả những chuyện dính đến con người với nhau, nhưng không phải chính bản thân con người.” Và quả vậy, trong thần học luân lý công giáo, an ninh của một người thì cao hơn các cấu trúc xã hội, “con người nhân bản là tạo tác của Thiên Chúa (cùng với sự hợp tác của cha mẹ), trong khi chính trị, kinh tế, vv, là tạo tác của loài người.”
Giáo sư Andéol Chartier cho biết, đoạn này cần được giải thích một cách rõ ràng và giáo sư đã thất vọng khi thấy có cuộc tranh cãi về việc này. Giáo sư nói: “Giáo hoàng không bao giờ viết gì để cho vui. Khi ngài có một sứ điệp cần quảng bá thì ngài nói, dù có gặp phản ứng như thế nào. Như thế trong bức thư này, có một đoạn khác còn đáng gây tranh cãi hơn đoạn chúng ta vừa nói. Trong nhiều đoạn, Đức Giáo hoàng đã ám chỉ đến ưu tiên cho người nghèo. Ngài đề nghị quan tâm đến an ninh cá nhân của người di dân có thể còn quan trọng hơn quan tâm đến an ninh của một công dân Pháp đang sống yên lành trong nhà họ. Nguyên tắc này có thể làm sốc, nhưng nó nằm trong giáo điều công giáo. Những người chỉ trích có thể họ không có thì giờ để đọc toàn bộ bức thư…”
Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét