Trang

Thứ Bảy, 26 tháng 8, 2017

Edith Stein: Từ Dòng Kín Echt, Hà Lan, đến phòng hơi ngạt Birkenau, Ba Lan

Edith Stein: Từ Dòng Kín Echt, Hà Lan, đến phòng hơi ngạt Birkenau, Ba Lan

“Chúng tôi đã sống một ngày thật sự kỳ lạ”
fr.zenit.org, Constance Roques. 2017-08-08
Nhân dịp kỷ niệm 75 năm ngày Thánh Edith Stein qua đời, báo Osservatore Romano ấn bản tiếng Ý ngày thứ ba 8 tháng 8 – 2017 vinh danh Thánh Nữ và tất cả những người cùng chịu chung số phận giống Thánh Edith ở Hà Lan.
Đi viếng thăm những nơi cuối cùng Thánh Edith đã đi qua (tu viện Dòng Kín Cát Minh Echt, Hà Lan, trại tập trung Westerbork, Ba Lan), tác giả Ferdinando Cancelli nhường lời cho bà Etty Hillesum, người có mặt ở Westerbork cùng thời gian với Thánh Edith, bà viết: “Chúng tôi sống một ngày thật kỳ lạ. Một chuyến xe chở đến cho chúng tôi những người công giáo do thái hay người do thái công giáo, các nam nữ tu sĩ mang ngôi sao vàng trên áo dòng của họ”.
Echt, Maastricht, Amersfoort, Westerbork, Birkenau. Giữa vụ bắt chiều 2 tháng 8 và cái chết trong phòng hơi ngạt vô danh ở Birkenau, chỉ bảy ngày trôi qua: trong vòng một tuần, cách đây 75 năm, chấm dứt số mệnh của các nữ tu Rosa và Edith Stein.
”Đi, Chúng ta đi vì dân tộc chúng ta”, Edith an ủi chị Rosa của mình khi chị khóc vì phải rời tu viện Echt, Hà Lan. Các nhân chứng nói có một đám đông nhỏ, của một vài người chống đối dù chiếc xe của Mật vụ Đức (Gestapo) cẩn thận không chờ hai nữ tu trước cửa tu viện nhưng ở góc đường Peijerstraat, cách đó khoảng một trăm mét. Chỉ một lát sau, cánh cửa khép lại trên đời sống của hai phụ nữ vô tội.
Tu viện Cát Minh Echt vẫn vậy: mặt tiền ảm đạm bằng gạch đỏ, một cổng nhỏ, lối vào nhà thờ ở đường Bovensestraat, nhiều cửa hàng hiện đại chỉ che phần tường nhỏ của cảnh cũ. Trại chuyển tiếp Amersfoort và trại Westerbork thì xa Maastricht và Echt, về phía đông-bắc Hà Lan, mất hút trong vùng kênh và nước của một ngày mùa hè Hà Lan.
Ngày 4 tháng 8 – 1942, Edith và Rosa, cùng nhiều người do thái khác đến Westerbork. Ngày nay vẫn còn di tích của trại bên trái cổng vào, người ta còn thấy căn nhà của bộ chỉ huy: một biệt thự nhỏ, bây giờ khép kín trong một khung kiếng khổng lồ. Các màn của tầng một được kéo xuống, bất động, sầu thảm, đàng sau các khung kính là nơi các sĩ quan chỉ huy đã liếc một cái nhìn lạnh lùng trên tấn thảm kịch không tả được của bao nhiêu cuộc đời bị đổ nhào.
Chúng tôi nghĩ, khung kiếng có che chở được căn nhà hay che người nhìn nó không? Thực tế, có thể nào người ta chịu được cái nhìn trực tiếp, đàng sau các bức màn, bao nhiêu là chuẫn mực trước một hố thẳm đau khổ như vậy không?
Và rồi còn cây cối: chúng tôi bồi hồi xúc động nhìn các cây sồi, cây ti-dơn, cây bu-lô vươn cao khắp nơi trong vùng lân cận. Chúng mới thật là các nhân chứng trực tiếp cuối cùng: trong những ngày này, cách đây 75 năm, rất nhiều người có mặt khi Rosa và Edith chờ để lên chuyến xe lửa đưa họ đến một cõi chết ở xa.
Chúng tôi đi bộ rất gần trại và nghĩ đến giây phút khủng khiếp đó: sự đen tối hé đàng sau cửa sổ căn nhà của bộ chỉ huy, chút bã nhợt nhạt của bóng tối bao phủ thời thạch thảo của vùng Drenthe này.
“Chúng tôi sống một ngày thật kỳ lạ. Etty Hillesum viết, bà ở Westerbork vào tháng 8 này để giúp những người chuyển tiếp đến đây. Một chuyến xe chở đến cho chúng tôi những người công giáo do thái hay người do thái công giáo, nam nữ tu sĩ mang ngôi sao vàng trên áo dòng của họ. Tôi còn nhớ hai anh em trẻ sinh đôi, khuôn mặt đẹp nâu nâu gợi nhớ các khu gettô của người do thái, ánh mắt nhìn mang nét thanh thản trẻ thơ dưới mũ choàng của họ, họ kể một cách đáng yêu, hơi ngạc nhiên một chút, là người ta vừa bắt họ lúc bốn giờ rưỡi sáng và ở Amersfoort, người ta cho họ ăn bắp cải tím (…). Hillesum viết tiếp, và trên tất cả là tiếng gõ lách cách không ngừng của một loạt máy chữ: một hệ thống làm việc quan liêu (…). Sau đó có người kể cho tôi nghe, cũng chiều hôm đó, họ thấy một nhóm nữ tu đi chầm chậm trong bóng đêm giữa hai lán đen tối, họ vừa đi vừa lần chuỗi, không lo ra, như thử họ ở trong nhà tu kín của họ. Etty Hillesum kết thúc, tôi cũng gặp hai nữ tu thuộc một gia đình do thái rất chính thống, giàu, có học ở Breslau, họ mang ngôi sao vàng thêu trên áo dòng của mình”.
Ngày 9 tháng 8 – 1942, sau hai ngày đi đường kinh khủng, Rosa và Edith Stein biến mất cùng với hàng ngàn người khác trong vực thẳm Birkenau.
Marta An Nguyễn dịch
Tu viện Cát Minh Echt

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét