THẦN HỌC RỒI SẼ ĐI VỀ ĐÂU?
Chúng ta như vậy là đã đang ở cuối chặng đường của cuộc hành trình tham quan lướt qua những con người và những trào lưu của nền thần học hiện đại. Vào lúc kết thúc cuộc hành trình nầy, chúng ta cũng muốn hướng tầm nhìn về phía tương lai. Kéo dài thêm ra một chút cái đường cong đồ thị biểu thị cái vẫn đang được phác hoạ ra dưới tầm mắt của chúng ta đấy. Chẳng ai là tiên tri trong xứ sở của mình, đã hẳn, nhưng chúng ta cũng có thể dự đoán trước được một tương lai mà không hẳn sẽ là điều hoàn toàn khiến người ta ngạc nhiên vì đột xuất so với cái đã nẩy mầm hôm nay. Vẫn có những giòng liên tục ở bên dưới độ sâu ngầm đối với người nào biết phóng tầm mắt nhìn vượt qua những đợt sóng cuộn ở trên bề mặt của cái tình hình đang diễn ra trước mắt.
Chúng ta sẽ lựa ra đây 5 nét chính có thể cho phép chúng ta hình dung ra được dung mạo của nền thần học ngày mai. Những cung cách diễn đạt được sử dụng đủ gợi hình tạo điều kiện để cho trí tưởng tượng có thể vận hành đúng hướng, kể cả giúp cho hành động. Thật hạnh phúc cho chúng ta biết bao nếu như bức phác hoạ tương lai nầy đóng góp được vào nỗ lực biến thành hiện thực điều mà chúng ta dự đoán hôm nay. Bởi vì chỉ mới thoáng thấy mập mờ từ xa một tương lai khả dĩ, nên ở đây, chúng ta chỉ có thể đưa ra những nỗ lực có tính yêu sách thôi.
- Một thái độ chấp nhận phê phán: Chẳng phải chờ đến những năm 70 thần học mới phải trải qua dưới cái thớt của cái cối xay phê phán đã khiến nó bao lần phải trầy da sứt vỏ. Những ông thầy đa nghi đã bào bóc ở đấy lâu rồi và thần học ngày mai, vì thế ắt hẳn phải chứng tỏ một thái độ khiêm tốn hơn, phải lột trần vất đi tất cả những gì có dáng dấp của thái độ đế quốc, sẽ dấn thân đi vào con đường cùng suy tư với MARX, NIETZSCHE và FREUD, sau khi khoa học thực sự đã lên ngôi, sau khi thế giới Kitô-giáo đóng khung, hẹp hòi tạ thế.
Công việc của thần học ngày mai thường là phải thay đổi cách đặt vấn đề luôn, là phải biết đập bể ra những thứ tư tưởng đã bám quá chắc vào một chỗ đến độ gần như dính kết vào đó, là phải biết mở ra khoảng không gian dành cho những biểu tượng. Thần học ngày mai sẽ phải biết chống lại việc thần thánh hoá những ngẫu tượng thời trang chóng qua, dù chúng ẩn náu ở bên trong Giáo hội. Đó là điều mà Jurgen MOLTMANN đã diễn đạt cách hoàn hảo: “Thần học Kitô-giáo không có vai trò là cứ phải chạy theo sau tinh thần thời đại, bám lấy cái đuôi dây xích tôn giáo của nó, nhưng là phải tiến lên phía trước, tiên phong đi đầu với ngọn đuốc hy vọng giương cao và để đốt lên ngọn lửa phê phán sưởi nóng cái khối xác thịt ù lì nguội lạnh là thời đại chúng ta”.
- Một niềm say mê gặp gỡ: Nếu Giáo hội, trong lịch sử, đã từng dám công bố mình đã rớ tới được chân lý, thì thần học, nói chung, vẫn tỏ ra có thái độ dè dặt hơn. Vẫn không ngừng, trong suốt giòng lịch sử, thần học đã từng đối đầu với những thứ triết học đã một thời xưng bá đồ vương, không ngần ngại chứng tỏ mình sẵn sàng nhanh chóng chế định lại một tổng hợp mới.
Thần học ngày mai sẽ được gây phấn khích bởi niềm say mê gặp gỡ. Với công việc sẽ ngày có tính chất tập thể hơn, thần học ngày mai sẽ đủ khiêm tốn thú nhận rằng chân lý được nói ra chỉ là lời bập bẹ ở trên môi của mỗi người, còn cần phải lắng nghe tất cả mọi thứ tiếng nói của loài người, trong một tinh thần khoan dung và đối thoại. Từ đó, thần học ngày mai sẽ thử thăm dò tất cả mọi nỗ lực mời khách chiêu đãi có thể có được: giữa các Giáo hội Kitô-giáo, với những người của các tôn giáo và ý thức hệ khác, sẵn sàng giáp mặt với những nền văn hoá mới. Làm sao phục vụ được nhân loại một cách thực sự, đó sẽ là nỗi ưu tư hàng đầu của nó. Sẽ vì một lối nhìn rộng rãi về Vương quốc của Thiên Chúa nhìn cho ra khuôn mặt giấu ẩn đàng sau công lao vất vả của biết bao con người đàn ông và phụ nữ vẫn âm thầm góp sức xây dựng Vương quốc đó. Dám mạo hiểm hy sinh vào đấy một vài tiện ích.
- Chấp nhận một tình trạng giới hạn của Lời: Dù vẫn không muốn rơi vào chỗ bóp méo sự thật, chúng ta cũng phải thừa nhận rằng một trong những nguyên nhân lớn của thái độ khinh miệt đối với thần học chính là ở chỗ người ta coi thần học như là lời tuyệt đối, như là tiếng nói cuối cùng về toàn bộ thực tại con người. Như vậy, chẳng phải là tất cả mọi thứ diễn từ khác đều phải khom lưng cúi đầu trước cái làn chớp vĩnh cửu đó, trước cái nháy mắt của Thiên Chúa tối cao đó hay sao? Sau lòng khoan dung, người của Giáo hội còn thấy mình cần phải có thái độ khiêm tốn.
Chính vì thế, thần học ngày mai sẽ phải công khai thừa nhận tính chất đặc thù của tiến trình suy tư của mình. Thần học ngày mai sẽ phải dám nói ở ngôi thứ nhất, xuất phát từ một khoảng không gian văn hoá nhất định nào đó, có nét giáo dân hơn, ít dáng dấp giáo sĩ đi. Thần học ngày mai sẽ chơi trên nhiều loại phím đàn khác nhau chứ không phải chỉ nguyên trên một loại phím đàn là tính thuận lý (rationalité) mà thôi. Lối chơi đàn tài tử chẳng bao giờ làm ai thất kinh, ngoại trừ những hạng người mặt khó đăm đăm, lạnh lùng như băng tảng! Nền thần học ngày mai sẽ thường xuyên tự khám phá ra mình, ngay tại chỗ, ngay giữa lòng những hoàn cảnh mà cộng đồng dân tín hữu đang sống. Thần học ngày mai sẽ không cứ phải bao biện nhoài mình ra bốn phía. Nền thần học đó sẽ được khắc ghi ngay trong những ngôn từ nhân loại, như đặc tính rộng mở của Đấng Hoàn Toàn Khác (Tout-Autre).
- Cần phải có một lập trường dứt khoát: Đã là điều rất hay khi thần học công khai thừa nhận mảnh đất bám rễ của mình. Nhưng đó là đâu? Phải chăng tất cả mọi hoàn cảnh đều ngang bằng nhau dưới đôi mắt của Tin mừng? Hình như không phải bao giờ Lời của thiên Chúa cũng cung cấp ngay một bảo đảm an toàn xã hội cho tất cả mọi người. Lời của Thiên Chúa có những đối tượng ưu tiên của mình, theo lối nói của Đức YÊSU.
Thần học ngày mai sẽ phải chọn cho mình một chỗ đứng. Hoặc đó sẽ là trật tự đã được thiết lập, hoặc đó sẽ là môi trường nổi loạn. Thái độ lấp lửng nước đôi đứng ở giữa sẽ không thể nào còn có thể có được. Tiến trình suy tư thần học sẽ phải cấu kết với những phong trào xã hội nhất định. Chúng ta còn dự đoán khả năng có thể xẩy ra một vài cuộc đụng độ giữa những nền thần học xuất phát từ những vị trí đối nghịch nhau. Tuy nhiên, tất cả mọi thần học đều mời gọi tham dự cuộc hành hương tiến về Thập giá của Đức KITÔ, ở đấy cả những nhà thông thái đã tạo được thế quân bình giữa khuynh hướng duy nhiên (verticalisme) và khuynh hướng duy thế (horizontalisme), giữa nỗ lực hoán cải con tim và sự thay đổi những cấu trúc, giữa tình yêu Thiên Chúa và tình yêu con người, đều gục chết. Thập giá trước tiên đấy chính là một Đấng bị đóng đinh ở trên Thập tự.
- Luôn luôn được tái kích thích bởi một nỗi đợi chờ: Kỷ niệm về Đấng chịu đóng đinh trên Thập tự không đóng sập cánh cửa lịch sử lại. Kỷ niệm đó khiến cho lịch sử có từ tính ở trong mình. Là nữ tỳ của niềm tin Kitô-giáo, thần học, cũng như niềm tin, được phân cực bởi nỗi đợi chờ Chúa đang đến. Có một thứ nhựa sống vẫn đang luân lưu bên trong nâng đỡ sức sống của cái vỏ cây già cỗi bên ngoài là thế giới của chúng ta và sức đẩy không có gì cưỡng lại được đó, tuy vẫn còn ẩn kín, mang tên là Vương quốc của Thiên Chúa.
Thần học ngày mai sẽ không tự cho mình là có quyền làm chủ được biến cố Nước Thiên Chúa đến. Dễ thẩm thấu và tương đối, thần học ngày mai sẽ tự để cho tiếng gọi tương lai thẩm thấu vào mình. Thần học đó sẽ tự nuôi dưỡng mình nhờ những lời hứa của Thiên Chúa đã được khắc ghi trong cuốn sách có sức phá đổ là sách Tin mừng. Như người ngư phủ, thần học ngày mai sẽ ngày đêm không lúc nào ngơi, trong lúc hành động cũng như trong lúc ngắm nguyện, vẫn dõi mắt trông theo bề mặt biển cả mênh mông là thực tại nhân loại để đợi chờ phát hiện ra lúc vị Chúa tể của mình chỗi dậy từ thực tại thâm sâu của Ngài. Theo như truyền thống vĩ đại của phương Đông, thần học sinh ra từ kinh nguyện và bung nổ thành lời chúc tụng. Tiếng nói cuối cùng vẫn là dành cho Thần Khí.
Bruno CHENU.
“Một nơi nào đó trong thực tại chưa được hoàn tất” (RILKE).
Nếu tôn giáo, trước tiên, là một bàn tay giơ ra phía trước để đón nhận ân lộc, thì bàn tay nầy trước tiên phải là bàn tay trống rỗng, và những người Kitô-hữu cần phải sẵn sàng từ bỏ tất cả mọi thứ kiến thức về Thiên Chúa mà họ vẫn cứ ngỡ là đã chiếm hữu được và phải ở trong tư thế sẵn sàng đợi chờ Thiên Chúa. Thế mà, quả thật không có gì khó khăn hơn đối với con người là phải đợi chờ Thiên Chúa. Con người bao giờ cũng vậy cứ mải mê bận rộn tạo ra cho mình một hình ảnh về Thiên Chúa thay vì là phải chờ đợi cái mà bản thân Ngài thực sự là và thay vì đợi chờ Ngài đến: “Không có gì xác định được đặc điểm tình hình đời sống tôn giáo của chúng ta cho bằng những hình ảnh Thiên Chúa mà chúng ta vẫn tạo ra đó. Tôi nghĩ tới nhà thần học không còn đợi chờ gì Thiên Chúa nữa vì cho rằng mình đã chiếm hữu được Ngài và đang nhốt kín Ngài trong căn hầm kiến trúc giáo thuyết của mình. Tôi nghĩ tới người sinh viên thần học không còn đợi chờ gì Thiên Chúa nữa vì nghĩ rằng mình đã chiếm đoạt được Ngài và đang nhốt kín Ngài trong một cuốn sách giáo khoa. Tôi nghĩ tới con người của Giáo hội không còn đợi chờ gì Thiên Chúa nữa vì cho rằng mình đã nắm bắt được Ngài và đang nhốt kín Ngài trong đại thánh đường cơ cấu. Tôi nghĩ tới người tín hữu không còn đợi chờ gì Thiên Chúa nữa và đang giữ rịt Ngài trong căn nhà nguyện là kinh nghiệm riêng tư của chính mình. Phải ở trong tình trạng không chiếm hữu được Thiên Chúa và cứ phải đợi chờ Ngài, chịu đựng được điều đó không phải là chuyện dễ dàng gì. Mỗi ngày Chúa nhật cứ phải rao giảng mà lại phải thừa nhận rằng mình chưa sở đắc được Thiên Chúa và chẳng có quyền muốn sử dụng Ngài ra sao tuỳ ý, đâu phải là chuyện dễ dàng. Trong khi cứ phải rao giảng Thiên Chúa cho các trẻ em và những người ngoại giáo, cho những kẻ hoài nghi và những người vô thần mà đồng thời lại phải giải thích rằng chính mình cũng không sở hữu được Thiên Chúa nhưng vẫn đang chờ đợi Ngài, đấy đâu phải là chuyện dễ dàng. Tôi vẫn xác tín rằng sự phản kháng chống lại Kitô-giáo phần lớn phát xuất từ sự kiện nầy là những người Kitô-hữu chúng ta, công khai hoặc không công khai đương đương tự đắc cho mình là những người đã sở hữu được Thiên Chúa và như thế là chúng ta đã đánh mất đi yếu tố đợi chờ... Chúng ta mạnh khi chúng ta đang còn chờ đợi hơn là khi chúng ta đang sở hữu.”
(TILLICH)
Tất cả mọi thứ diễn từ mới của thời đại của chúng ta về Thiên Chúa vẫn chỉ là những bước đi mò mẫm ở trong bóng đêm. Nhưng, ngay như nếu thần học có đạt được đến chỗ đưa ra được một câu trả lời nào đó cho những vấn đề thời đại chúng ta về Thiên Chúa, cái đó cũng vẫn chỉ là một câu trả lời tạm bợ. Chỉ có Tin mừng là vĩnh cửu, còn thần học vẫn chỉ là cái chóng qua; thần học luôn luôn phải diễn dịch lại theo một cách thức mới mẻ khác Tin mừng vĩnh cửu cho thời gian vẫn đổi thay. Vì thế, ngôi đại thánh đường mà các nhà thần học vẫn đang xây cất đó chẳng bao giờ hoàn tất được cả, và nó cũng không bao giờ có thể hoàn thành, nếu như nó muốn thực sự là một ngôi đại thánh đường ở đấy Thiên Chúa sẽ được rao giảng và được tôn thờ. Ở đây, vì thế, lời nầy được áp dụng: “Thiên Chúa không ở trong những ngôi đền do bàn tay con người tạo dựng”. Và lời nầy nữa: “Ngươi không đưọc tạo ra cho mình hình ảnh hoặc cái gì tương tự như là Thiên Chúa.” Cái khung tò vò của toà nhà không thể nào đặt được nếu như người ta cứ còn phải nhìn bầu trời từ phía bên trong (W.v. LOEWENICH). Thế mà, nếu như cái khung tò vò mang và chống đỡ toà nhà, không thể đặt được, thì cái vòm mái tất nhiên phải sụp đổ, và chính vì thế mà tất cả mọi thứ thần học đều luôn luôn ở trong tình trạng bị kết án là phải thất bại. Chính tầm mức to lớn vĩ đại của nó là nguyên nhân của thất bại nầy. Tuy nhiên, chúng ta không thể và cũng không có quyền từ chối nỗ lực xây cất công trình đó. Chúng ta vẫn không ngừng cứ phải bắt đầu đi bắt đầu lại công trình xây cất nầy, vẫn cứ không ngừng lại phải liều mạng làm cái công chuyện tầy đình nầy là những con người, những con người tội lỗi, hữu hạn, bất toàn và phải chết, lại dám cả gan nói về Thiên Chúa với những thứ ngôn từ nhân loại của mình. Ở đây, vì thế, chỉ có ân sủng của Thiên Chúa mới có thể sửa chữa lại được cái mà trong tất cả mọi trường hợp đều là do con người làm hỏng. Thiên Chúa phải tha thứ cho chúng ta cũng như thần học của chúng ta, có lẽ là chính thần học của chúng ta hơn bất cứ cái gì còn lại.
(Heinz ZAHRNT, Aux Prises avec Dieu, Paris, Cerf, 1969, pp. 490 – 491.)
Tài liệu tham khảo:
· Institut catholique de Paris, Le déplacement de la théologie, Paris, Beauchesne, 1977, “Le Point théologique”, n0 21.
· Louis BOISSET, “Demain la théologie...”, dans Le Supplément, Paris, n0 124 (1978), pp. 121-153.
· Concilium, Paris, n0 135 (1978), “Les déplacements actuels de la théologie”.
Tác giả: Bruno CHENU - Lm Phêrô Nguyễn Thiên Cung chuyển ngữ
Nguồn: giaolyductin.org
Nguồn: giaolyductin.org
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét