Trang

Thứ Bảy, 26 tháng 8, 2017

Về Nhân Đức và Tội Lỗi

Về Nhân Đức và Tội Lỗi



Linh mục Ron Rolheiser, OMI

Có một câu châm ngôn nói rằng: Không gì cho ta cảm giác tốt đẹp hơn nhân đức. Đây là chân lý sâu sắc, nhưng còn một khía cạnh ẩn giấu nữa. Khi làm việc tốt, chúng ta thấy bản thân mình tốt đẹp. Nhân đức thực sự là phần thưởng cho chính nó rồi, và như thế là tốt. Nhưng cảm giác mình công chính có thể sớm biến thành cảm giác tự đại. Không gì cho ta cảm giác tốt đẹp hơn nhân đức, nhưng sự tự đại có vẻ cũng cho ta cảm giác tốt đẹp nữa.
Chúng ta thấy điều này được biểu lộ rõ trong dụ ngôn của Chúa Giêsu về người thu thuế và người Pharisiêu. Người Pharisiêu thực hành nhân đức, ông hành động đúng theo những điều được dạy, nhưng trong ông không có khiêm nhượng, cũng không thấy cần Thiên Chúa và lòng thương xót, mà chỉ có thái độ tự đại và xét đoán người khác. Tất cả chúng ta cũng thế, cũng dễ trở thành người Pharisiêu này. Mỗi khi thấy người khác đang phải đấu tranh để sống đẹp, chúng ta nói: Nhờ ơn Chúa tôi mới được thế này. Thái độ có vẻ khiêm nhượng đó có thể mang hai ý nghĩa rất khác nhau. Nó có thể là một lời tạ ơn chân thành vì đã được những ơn mình không xứng đáng, hoặc có thể dễ dàng là một thái độ tự đại về sự vượt trội của mình so với người khác.
Những ngòi bút thiêng liêng kinh điển như Gioan Thánh Giá, khi nói về những thử thách chúng ta gặp phải trên con đường môn đệ, đã nói về một thứ gọi là: Lỗi của những người nằm ngoài hoán cải ban đầu. Ý nghĩa của câu này là: Chúng ta không bao giờ thoát được cuộc đấu tranh với tội lỗi. Khi chúng ta trưởng thành, thì tội lỗi càng tinh vi hơn. Ví dụ như, trước khi trưởng thành, chúng ta xác định được bảy mối tội đầu, và chúng thể hiện nơi chúng ta một cách nguyên sơ và rõ ràng. Chúng ta thấy điều này nơi trẻ con, thanh thiếu niên. Với họ, kiêu ngạo rõ ràng là kiêu ngạo, ghen tỵ rõ ràng là ghen tỵ, ích kỷ rõ ràng là ích kỷ, tham lam rõ ràng là tham lam, và nóng giận rõ ràng là nóng giận. Chẳng có gì tinh vi hay ẩn giấu cả, cái lỗi nằm rành rành ra đó.
Nhưng khi chúng ta vượt qua được dạng nguyên sơ của những tội này, thì chúng lại đội những lốt khác tinh vi hơn trong cuộc đời chúng ta. Vì thế, chẳng hạn như, khi chúng ta khiêm nhượng, thì chúng ta lại trở nên kiêu ngạo và tự đại vì sự khiêm nhượng của mình. Và tôi thấy từ chính kinh nghiệm của mình rằng: Không một ai thiển cận và xét đoán hơn một người mới trở lại đạo hay một người mang ngọn lửa nhiệt thành ban đầu.
Tội có những phức tạp của nó.  Một số khái niệm ngây thơ của chúng ta về tội và sự khiêm nhượng cũng cần được xem xét lại. Ví dụ như, chúng ta thường nuôi một khái niệm lãng mạn hóa rằng, người có tội thì khiêm nhượng, nhận thức mình cần được tha thứ, và mở lòng ra với Chúa. Và chúng ta có thể thấy điều này trong Phúc âm. Khi Chúa Giêsu rao giảng, những người Pharisiêu đương cự với Chúa và thông điệp của Chúa, còn những người thu thuế và gái điếm lại mở lòng hơn với Ngài. Vậy từ đó chúng ta có thể đặt một câu hỏi: Có phải tội lỗi còn khiến chúng ta nhận ra mình cần Chúa hơn cả nhân đức nữa?
Đúng, khi tội đó thành thật, khiêm nhượng, biết thú nhận và sám hối, hoặc là khi hành động sai trái của chúng ta bắt nguồn từ việc bị tổn thương, bị lợi dụng.  Không phải mọi tội lỗi đều như nhau. Có tội ngay thẳng và tội bất lương.
Là con người, chúng ta yếu đuối và thiếu sức mạnh để luôn luôn làm theo những gì tốt đẹp nhất trong con người mình. Đôi khi chúng ta chịu thua cám dỗ và yếu đuối. Để giải thích về việc chúng ta phạm tội, chỉ cần nói điều này thôi. Chúng ta là con người! Và đôi khi, người ta rơi vào tình trạng tội lỗi vốn không thật sự do tay họ gây ra. Họ bị lợi dụng, bị bắt sống trong hoàn cảnh tội lỗi không do họ chọn lựa, họ là nạn nhân của nạn buôn người, là nạn nhân của hoàn cảnh bất công trong xã hội hay gia đình, hoặc họ bị tổn thương quá nặng. Trong những hoàn cảnh đó, một hành động sai lầm, là vấn đề sống còn chứ không phải vấn đề chọn lựa tự do. Một bà đã giải thích cho tôi rằng: “Tôi đơn giản là một con chó, cắn để khỏi bị cắn thôi.” Trong những trường hợp này, thường thì dưới lớp vỏ chai đá có một tâm hồn vẫn ngây thơ vô tội biết mình cần lòng thương xót Chúa. Có tội ngay thẳng.
Và có tội không ngay thẳng, là thứ tội biện luận, luôn chìm trong kiêu ngạo nên không thể thú nhận mình tội lỗi. Kết quả là, nó trở thành một tâm hồn đầy xét đoán, cay đắng, và chai đá. Khi tội biện luận, thì sự cay đắng tiếp vào, kéo theo sự ghét bỏ với nhân đức mà nó đã không giữ được.  Khi chúng ta biện luận, thì bản năng luân lý của chúng ta không bị lừa phỉnh đâu. Nó phản ứng lại và trừng phạt bằng cách khiến chúng ta ghét bỏ mình. Và khi ai đó ghét bỏ mình, thì sự căm ghét đó sẽ lớn lên và trở thành ghét bỏ người khác, và nhất là ghét bỏ nhân đức mà mình đã không giữ được. Ví dụ như, không phải ngẫu nhiên mà rất nhiều người ngoại tình thường cay độc vô cùng khi nói đến đức khiết tịnh.
Thấy mình yếu đuối và tội lỗi, có thể khiến chúng ta cúi mình khiêm nhượng, và mở lòng chúng ta đón nhận lòng thương xót Chúa. Nhưng nó cũng có thể biến tâm hồn chúng ta chai đá, cay đắng và xét đoán. Không phải mọi người có tội đều cầu nguyện như người thu thuế trong Phúc âm.
Nhân đức khiến chúng ta biết ơn. Tội lỗi khiến chúng ta khiêm nhượng.
Đúng là thế. Nhưng không phải lúc nào cũng thế.
J.B. Thái Hòa chuyển dịch

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét