Trang

Thứ Năm, 12 tháng 10, 2017

Câu truyện tình báo đọc trong Cựu Ước

Câu truyện tình báo đọc trong Cựu Ước




Câu truyện tình báo đọc trong Cựu Ước
§ Nguyễn Đức Cung

Nếu đối với dân tộc Trung Hoa các hoạt động về tình báo có tự thời nhà Thương (1766-1122 tr. CN) và phát triển dần mang tính hệ thống với sách Tôn Tử Binh Pháp (Dụng gián thiên) của Tôn Tử khoảng thế kỷ VI trước Công Nguyên, thì ở Palestine thuộc ảnh hưởng văn minh của vùng Lưỡng Hà Địa (hai sông Tigris và Euphrates), các hoạt động tình báo, do thám đã được Ngũ Thư (the Pentateuch) thuộc Cựu-Ước (The Old Testament) tường thuật lại, cụ thể là trong sách Dân Số (Numbers) và ở một tư liệu khác là sách Joshua với thời điểm xuất hiện khoảng 1440-1400 trước Công Nguyên. Cựu Ước là sách do Thiên Chúa mạc khải cho con người, sử dụng ngôn ngữ, văn tự của loài người để nói về lịch sử cứu độ cho nên “ngay cả các sách gọi là lịch sử cũng không phải là lịch sử theo quan niệm thực nghiệm (kể lại đúng như các sự kiện xảy ra) nhưng là lịch sử cứu độ, nghĩa là tìm đọc ra ý nghĩa cứu độ, sự hiện diện cứu độ của Thiên Chúa trong các diễn biến lịch sử.” [1] Những câu chuyện tình báo được kể lại trong Cựu Ước tuy nhiên lại đậm tính lịch sử và nhân bản, phản ảnh những tiêu chuẩn và phương thức hành sử đối chiếu với các tư liệu trong lãnh vực hoạt động của ngành tình báo tại nhiều quốc gia, qua các giai đoạn lịch sử trên thế giới nên đã rất có ích cho những ai lưu tâm đọc tới và sử dụng. Các hoạt động do thám, tình báo được nói tới nhiều trong Cựu Ước nhưng ở đây chúng tôi xin kể một số câu chuyện liên hệ tới hai nhân vật nổi tiếng đó là Mô-sê (Moses) và Giô-suê (Joshua).
1.- Mô-sê trong cuộc hành trình về Đất Hứa.
1.1. Người “được vớt ra ngoài” và chuyện về một vùng Đất Hứa.
Mô-sê sinh khoảng năm 1526 trước Công Nguyên, tiếng Hebrew có nghĩa là được vớt ra ngoài, liên hệ tới việc một bé trai con của ông Amram và bà Jochebed vốn là dân Do Thái ngụ cư ở Ai Cập, được vớt lên từ sông Nile. Khoảng năm 1876 trước Công Nguyên, tổ phụ Gia-cóp đưa gia đình sang Ai Cập để tránh nạn đói trên quê hương Palestine. Đến thời vua Pharaoh tên là Rameses II, triều đình Ai Cập không còn biết đến công ơn của Giuse, người Do Thái làm Tể tướng của Ai Cập đã giúp cho quốc gia này thoát qua nhiều nạn đói và có nhiều phát triển mở mang. Nạn đói do tình trạng hạn hán xảy ra tại một số nước vùng ven Địa Trung Hải, tuy nhiên ở Ai-Cập nhờ mưa khá nhiều ở các xứ ven bờ sông Nile nên các hoạt động canh tác ruộng đồng vẫn còn được duy trì. Trình thuật của Cựu Ước (Sáng Thế 42: 1-38) nhắc đến chuyện con cái ông Gia-cóp sang đất Ai-Cập mua lúa để cứu đói. Trong bốn thế kỷ sau đó dân Do Thái kiều cư trên đất Ai Cập sinh sôi nảy nở và trở thành một dân tộc lớn mạnh khiến cho người Ai Cập phải lo sợ. Để xây dựng các công trình kho tàng tại Pithom và Rameses, triều đình Ai Cập bắt dân Do Thái phải phục dịch công cuộc xây cất với thân phận của những người nô lệ. Vua Pharaoh Rameses II (1304-1237 BC) ra lệnh cho các bà đỡ Ai Cập hễ mỗi lần sản phụ Do Thái sinh con trai thì phải ném xuống sông Nile còn con gái để cho sống. [2] Ông bà Amram và Jochebed sinh hạ một trai kháu khỉnh dấu trong nhà được ba tháng, nhưng khi tình thế đã không kéo dài được nữa bèn đan một chiếc sọt trét dầu rái để cậu bé nằm trong đó và thả xuống sông Nile. Chiếc sọt trôi vào giữa đám sậy gần chỗ tắm của một công chúa con vua Pharaoh, cô này vớt đứa bé lên, và nhận ra đó là một đứa bé Do Thái. Một đứa chị gái của cậu bé giới thiệu cho công chúa Ai Cập một bà vú nuôi chính là mẹ của đứa bé. Người đàn bà mang ngay đứa trẻ về nuôi. Khi đứa bé lớn lên, bà đưa nó đến cho công chúa của Pha-ra-ô. Nàng coi nó như con và đặt tên là Mô-sê; nàng nói: “Đó là vì ta đã vớt nó lên khỏi nước.” [3]3
Lớn lên, theo sách Công Vụ Tông Đồ (7: 23) thì lúc đó chẵn bốn mươi tuổi, ông Mô-sê đi ra ngoài thăm đồng bào anh em của mình và chứng kiến những cực khổ người Do Thái phải chịu. Một hôm thấy một người Ai Cập đang đánh một người Do Thái. Ông lén giết tên Ai Cập đó nhưng sau đó cũng do sự ông can thiệp vào việc hai người Do Thái xô xát với nhau, việc giết tên Ai Cập hôm trước bị phát hiện nên Mô-sê bỏ trốn đến miền Ma-đi-an, năm 1315 trước CN căn cứ trên sách Xuất Hành; Ex. 2:15, Acts, Công Vụ Tông Đồ (7:23). Tại đây ông lấy con gái một vị tư tế tên là Xíp-pô-ra (Zipporah) và đi chăn chiên cho bố vợ là Gít-rô (Jethro). Một hôm Thiên Chúa hiện ra trong đám lửa từ giữa bụi cây và chọn ông làm thủ lãnh để đưa dân Do Thái ra khỏi Ai Cập mà về đất Canaan là đất được Chúa hứa cho tổ phụ Abraham [4] (Xuất Hành 6:4; Lê-Vi 25:38), đất được mô tả là tràn trề sữa và mật ong. Công tác trọng đại đó Mô-sê nhiều lần thoái thác cùng Thiên Chúa viện nhiều lý lẽ nhưng không được. Người phụ tá và là phát ngôn viên cho Mô-sê là ông A-ha-ron, anh của ông. Đối với người Do Thái Moses viết là Moshe Rabbbenu có nghĩa là “Moses Thầy của chúng ta” . Nhiều nhà nghiên cứu cho rằng vị Pharaoh chủ trương đàn áp bóc lột người Do Thái và tạo ra biến cố xuất hành (ra khỏi Ai-Cập) có thể là Rameses II (khoảng 1279-1213 trước CN), Thutmose III (khoảng 1479-1425 trước CN), hoặc Amenhotep II (khoảng 1427-1400 trước CN) nhưng theo sử gia Paul Johnson, biến cố xuất hành nói trên có thể chưa xảy ra dưới thời Rameses II nhưng dưới thời người kế vị ông là Merneptah [5] 5. Tuy nhiên, nếu dân Do Thái đi lang thang trong sa mạc từ năm 1440 đến 1400 trước Công Nguyên như một số nhà nghiên cứu về Kinh Thánh ước đoán thì biến cố xuất hành xảy ra thời Thutmose III. Việc đưa dân Do Thái khoảng 600.000 đàn ông, chưa kể đàn bà và trẻ con thoát ra khỏi cảnh nơ lệ ở Ai Cập dể về đất Canaan được tường thuật lại rõ ràng trong sách Xuất Hành (Exodus) với nhiều câu chuyện thi triển đầy phép lạ cùng những tai ương giáng xuống liên tục trên vua quan và dân chúng Ai-Cập nhưng có lẽ gây cấn và hấp dẫn nhất là việc ông Mô-sê đưa dân qua một đại dương mà truyền thống gọi là Biển Đỏ.
Trình thuật của sách Xuất Hành viết: “Có tin báo cho vua Ai-cập là dân đã chạy trốn rồi. Pha-ra-ô và bề tôi liền thay lòng đổi dạ với dân. Chúng nói: “Ta đã làm gì vậy? Ta đã thả cho Ít-ra-en đi, thành ra bọn chúng hết làm nô lệ cho ta!” Nhà vua cho thắng chiến xa và đem quân đi theo. Vua lấy sáu trăm chiến xa tốt nhất, và tất cả các chiến xa của Ai-cập, chiếc nào cũng có chiến binh. ĐỨC CHÚA làm cho lòng Pha-ra-ô vua Ai-cập ra chai đá, và vua ấy đuổi theo con cái Ít-ra-en, trong khi con cái Ít-ra-en đi ra, giơ tay đắc thắng. Quân Ai-cập, gồm toàn thể chiến mã, chiến xa của Pha-ra-ô, kỵ binh và quân lực của vua ấy, đuổi theo và bắt kịp họ, khi họ đóng trại ở bờ biển, gần Pi Ha-khi-rốt, đối diện với Ba-an Xơ-phôn. Khi Pha-ra-ô tới gần, con cái Ít-ra-en ngước mắt lên thì thấy người Ai-cập tiến đến sau lưng họ. Con cái Ít-ra-en kinh hãi, liền lớn tiếng kêu cầu ĐỨC CHÚA. Họ nói với ông Mô-sê: “Bên Ai-cập không có đủ mồ chôn hay sao, mà ông lại đưa chúng tôi vào chết trong sa mạc ? Ông làm gì chúng tôi vậy, khi ông đưa chúng tôi ra khỏi Ai-cập? Đó chẳng phải là điều chúng tôi từng nói với ông bên Ai-cập sao?
Chúng tôi đã bảo: Cứ để mặc chúng tôi làm nô lệ Ai-cập! Thà làm nô lệ Ai-cập còn hơn chết trong sa mạc!” Ông Mô-sê nói với dân: “Đừng sợ! Cứ đứng vững, rồi anh em sẽ thấy việc ĐỨC CHÚA làm hôm nay để cứu thoát anh em: những người Ai-cập anh em thấy hôm nay, không bao giờ anh em thấy lại nữa. ĐỨC CHÚA sẽ chiến đấu cho anh em. Anh em chỉ có việc ngồi yên.
Phép lạ tại Biển Đỏ
ĐỨC CHÚA phán với ông Mô-sê: “Có gì mà phải kêu cứu Ta? Hãy bảo con cái Ít-ra-en cứ nhổ trại. Phần ngươi, cầm gậy lên, giơ tay trên mặt biển, rẽ nước ra cho có lối đi khô ráo ngay giữa lòng biển, để con cái Ít-ra-en đi vào. Còn Ta, Ta sẽ làm cho lòng người Ai-cập ra chai đá. Chúng sẽ tiến vào theo sau các ngươi. Bấy giờ Ta sẽ được vẻ vang hiển hách khi đánh bại Pha-ra-ô cùng toàn thể quân lực, chiến xa và kỵ binh của vua ấy. Người Ai-cập sẽ biết rằng chính Ta là ĐỨC CHÚA, khi Ta được vẻ vang hiển hách vì đã đánh bại Pha-ra-ô cùng chiến xa và kỵ binh của vua ấy. Thiên sứ của Thiên Chúa đang đi trước hàng ngũ Ít-ra-en, lại rời chỗ mà xuống đi đàng sau họ. Cột mây bỏ phía trước mà đứng về phía sau, chen vào giữa hàng ngũ Ai-cập và hàng ngũ Ít-ra-en. Bên kia, mây tỏa mịt mù, bên này, mây lại sáng soi đêm tối, khiến cho hai bên suốt đêm không xáp lại gần nhau được. Ông Mô-sê giơ tay trên mặt biển, ĐỨC CHÚA cho một cơn gió đông thổi mạnh suốt đêm, dồn biển lại, khiến biển hóa thành đất khô cạn. Nước rẽ ra, và conn cái Ít-ra-en đi vào giữa lòng biển khô cạn, nước sừng sững như tường thành hai bên tả hữu. Quân Ai-cập đuổi theo; toàn thể chiến mã, chiến xa và kỵ binh của Pha-ra-ô tiến vào giữa lòng biển, đằng sau dân Ít-ra-en. Vào lúc gần sáng, từ cột lửa và mây, ĐỨC CHÚA nhìn xuống hàng ngũ Ai-cập, Người gây rối loạn trong hàng ngũ chúng. Người làm cho chiến xa kẹt bánh, khiến chúng phải vất vả mới di chuyển nổi. Quân Ai-cập bảo nhau: “Ta phải trốn bọn Ít-ra-en, vì ĐỨC CHÚA chiến đấu chống lại người Ai-cập để giúp họ. ĐỨC CHÚA phán với ông Mô-sê: “Hãy giơ tay trên mặt biển, nước sẽ ập xuống trên quân Ai-cập cùng với chiến xa và kỵ binh của chúng.” Ông Mô-sê giơ tay trên mặt biển, và biển ập lại như cũ, vào lúc tảng sáng. Quân Ai-cập đang chạy trốn thì gặp nước biển, ĐỨC CHÚA xô ngã quân Ai-cập giữa lòng biển. Nước ập xuống, vùi lấp chiến xa và kỵ binh, vùi lấp toàn thể quân lực của Pha-ra-ô đã theo dân Ít-ra-en đi vào lòng biển. Không một tên nào sống sót. Còn con cái Ít-ra-en đã đi giữa lòng biển khô cạn, nước sừng sững như tường thành hai bên tả hữu. Ngày đó, ĐỨC CHÚA đã cứu Ít-ra-en khỏi tay quân Ai-cập. Ít-ra-en thấy quân Ai-cập phơi thây trên bờ biển. Ít-ra-en thấy ĐỨC CHÚA đã ra tay hùng mạnh đánh quân Ai-cập. Toàn dân kính sợ ĐỨC CHÚA, tin vào ĐỨC CHÚA, tin vào ông Mô-sê, tôi trung của Người.” [6]
Cũng cần biết là khoảng 1720 trước CN. Ai- cập bị những nhóm người Semite ở phía tây tràn vào chiếm cứ lãnh thổ gọi là người Hyksos (từ 1637 đến 1529 BC.) vốn là những chiến binh tài năng với kỹ thuật chế tạo chiến xa do ngựa kéo rất tinh xảo. Khoảng hạ bán thế kỷ 16 trước Công Nguyên, người Ai cập do Amosis lãnh đạo khởi nghĩa chống lại chính quyền Hyksos và năm 1550 đuổi hết người Hyksos ra khỏi lãnh thổ. Người Ai-cập đã học được cách chế chiến xa từ người Hyksos [7] mà Cựu Ước có nhắc lại khi nói đến việc chiến xa Ai-Cập bị kẹt bánh lúc đuổi theo dân Ít-ra-en.

Đối với cái tên Biển Đỏ trong trình thuật vừa trích dẫn, một số các nhà nghiên cứu ngày nay cho rằng nhiều bản dịch của Cựu Ươc đã có thể dịch sai tiếng Do Thái yam suf chính xác là Biển Sậy (Sea of Reeds) mà theo John Bowker, địa điểm của nó không thể tìm biết được. [8] Tuy nhiên theo William C. Martin, trong thế kỷ thứ ba trước Công Nguyên, Thánh Kinh từ tiếng Do Thái được dịch qua tiếng Hy Lạp để thỏa mãn yêu cầu của người Do Thái (ở nước ngoài) chung quanh Địa Trung Hải và vùng Tiểu Á lúc bấy giờ không còn đọc được tiếng Do Thái cổ nữa. Trong thời Chúa Giêsu và các Tông đồ, bản dịch đó được sử dụng và Tân Ước khi trích dẫn Cựu Ước thì đã trích dẫn từ bản này. Bản này gọi là bản Bảy Mươi (Septuagint) rất có giá trị vào lúc bấy giờ và sau này còn được nhiều học giả Kinh Thánh sử dụng. Tuy nhiên, bản dịch cũng còn tồn đọng một vài khuyết điểm được biết tới. Dịch giả Hy Lạp khi làm việc trên bản văn cũ tiếng Do Thái hoặc đã đọc sai tiếng Do Thái hoặc cho rằng tác giả thật sự muốn nói đến Biển Đỏ (Red Sea). Bởi thế trong bản dịch, dịch giả viết Biển Đỏ thay vì viết là Biển Sậy mới đúng. Trong bản cũ Thánh Kinh tiếng Do Thái có chữ yam suph mà chữ yam có nghĩa là biển (sea) và chữ suph có nghĩa là sậy (reed). Trong Kinh Thánh có nói đến địa điểm Baal-zephon là nơi dân Do Thái đóng trại trước khi đi qua biển. (Exodus 14:1). Địa điểm này đã được các nhà khảo cổ học tìm ra. William C. Martin đã đối chiếu trên thực địa và thấy vùng này nằm về phía đông gần thị trấn Rameses và rất xa so với vị trí cực bắc của Biển Đỏ. Nếu vị trí dân Do Thái vượt qua là Biển Sậy chứ không phải là Biển Đỏ, vậy thì Biển Sậy nằm ở đâu? Ngày nay nhiều người đồng ý rằng Biển Sậy được định vị với một vùng đầm lầy nằm ở phía đông hồ Timsah, một miền nới rộng của vịnh Suez. Ở hồ Timsah có mọc rất nhiều cây sậy để làm giấy (papyrus reeds). Như vậy một cách hết sức ngẫu nhiên, chúng ta có thêm chứng liệu để thấy rằng Biển Đỏ không phải là nơi dân Do Thái vượt qua, vì ở đó không có loại sậy này mà chính là nơi được gọi là Biển Sậy. [9]
Trong tác phẩm Archaeological Study Bible, do Walter C. Kaiser, Jr. chủ biên cùng một tập thể gồm 32 tác giả có học vị tiến sĩ, đã có phần viết nhận định rằng: “Lý lịch của Biển Đỏ vẫn còn là việc được bàn thảo. Tên Do Thái để chỉ vùng nước này là yam suph. Chữ yam nghĩa là biển và suph là sậy. Bản Septuagint (bản dịch Cựu Ước bằng tiếng Hy Lạp cổ), tuy nhiên, đã dịch suph là “đỏ”. Vậy không rõ ràng là sự trích dẫn đó là Biển Đỏ hay Biển Sậy. Vả lại, không có bằng chứng nào cho thấy người dân đã gọi bất cứ vùng nước nào ở miền Suez là Biển Sậy. Có một lần chữ yam suph được dùng tới trong Cựu Ước một cách đặc thù tìm thấy ở sách 1King 9: 26 ở đó phần trích dẫn để nhắc tới Vịnh Aqaba (Gulf of Aqaba) nằm ở phía đông của Sinai. Một số sử gia biện luận rằng người Do Thái thường xem tất cả các vùng nước ấy kết hợp làm một với nhau (nghĩa là vùng Vịnh Aqaba; Hồng Hải ngày nay; vịnh Suez gồm cả Bitter Lakes và hồ Timsah) là yam suph (biển sậy). Nếu là như vậy thì một cái hồ ở giữa Suez và biển Địa Trung Hải cũng có thể được coi là một phần của vùng đại yam suph. Tuy nhiên điều khẳng định đó cũng không có gì là chắc chắn bởi vì không có bằng chứng nói rằng dân Do Thái đã coi các vùng nước cá biệt đó đã cấu thành yam suph.
Ngày nay, nhiều người tin rằng cái nơi gọi là Biển Đỏ (nói trong Cựu Ước) chính là hồ Timsah – mặc dù các hồ khác và mỏm cực bắc của Vịnh Suez cũng là những khả thể được nhắc tới. Tuy nhiên có một số vấn đề xem ra có ý nghĩa với sự giải thích này và một quan điểm khác đặt cái yam suph vào trong chính cái chỗ mà 1 Kings 9: 26 đã đặt: ở Vịnh Aqaba.” [10]
Đọc trong sách Chronological Study Bible, Explore God’s Word In Historical Order gồm sự cộng tác chung của 13 vị giáo sư, tiến sĩ triết học, thần học, do Thomas Nelson. Inc., ấn hành, chúng tôi thấy viết như sau:
“Biển Đỏ ở đâu? Những người nô lệ Do Thái trốn khỏi Ai-Cập bằng đường Biển Đỏ. Ngày xưa Biển Đỏ này bao gồm Vịnh Suez và Vịnh Aqaba, hai vịnh rẽ đôi biển ấy. Địa điểm chính xác cuộc Xuất Hành vượt qua vẫn còn là điều thảo luận giữa các nhà học giả vì từ xưa cũng không có một sự đồng ý nào về một vị trí khả dĩ chấp nhận được. Biển Đỏ được gọi là Yam Suph trong tiếng Do Thái thỉnh thoảng cũng được dịch là “biển sậy” (sea of reeds). Biển Sậy muốn nhắc tới những vùng đất trũng ở đó có nhiều cây cói hay sậy mọc chi chít. Trong một số đoạn văn của Cựu Ước, Yam Suph được dính kết với Vịnh Aqaba chỉ mũi đất phía nam của đế quốc vua Salomon (1King 9: 26; Ex. 23:31). Tuy nhiên trong những đoạn văn khác, Yam Suph lại có lẽ chỉ Vịnh Suez, vì trình thuật chỉ về một vùng nước tiếp giáp trên Ai-cập (Ex. 10:19; 13:18)
Mặc dầu truyền thống dịch là “Biển Đỏ” (Red Sea), tiếng Do Thái Yam Suph có lẽ có nghĩa là “Biển Sậy” (Sea of Reeds). Trong nhiều đoạn văn khác, Yam Suph được định vị là biển của cuộc Xuất Hành (Ex. 15: 4, 22) nơi đó dân Do Thái bước qua trên đất khô ráo, chạy thoát được người Ai-cập đang bị chết chìm. Tuy vậy, vị trí địa dư của biển này vẫn còn bí ẩn, bởi vì những sự mô tả về Yam Suph phản ánh địa lý của xứ Ai-cập dường như chỉ tác giả Thánh Kinh biết mà thôi. Phần đông các học giả chấp nhận một địa điểm ở đâu đó tại miền đông vùng Tam giác Ai-cập, nhưng vị trí đích xác vẫn còn chưa được quyết định.” [11]
Nếu một số đoạn văn trích dẫn ở trên, ngoại trừ luận cứ vững chắc của William C. Martin, nói lên quan điểm vẫn còn chút ít mơ hồ thì những cống hiến dưới đây dần dần tỏ ra xác quyết hơn.
Trong bản dịch sách Xuất Hành, Nhóm phiên dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ đã viết: “Vậy Thiên Chúa đưa dân đi vòng, qua ngả đường sa mạc Biển Sậy. Con cái Ít-ra-en võ trang đầy đủ từ đất Ai-cập đi lên.” [12]
Trong cuốn sách Archaeological Study Bible, các tác giả sách nầy viết: “So God led the people around by the desert road toward Red Sea. The Israelites went up out of Egypt armed for battle.” Nhưng trong phần chú thích hai chữ Red Sea họ có ghi: Hebrew Yam Suph, that is, Sea of Reeds [13] Cũng vậy, trong bản dịch sách Giô-suê, Nhóm phiên dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ đã viết Biển Sậy thay vì Biển Đỏ đặt vào miệng của kỹ nữ Ra-kháp: “Vì chúng tôi nghe đồn là ĐỨC CHÚA đã làm cạn Biển Sậy trước mặt các ông khi các ông ra khỏi Ai-cập.” [14] Trong Archaeological Study Bible, các tác giả đã viết là Red Sea nhưng ở phần chú thích có ghi là: “Hebrew Yam Suph, that is, Sea of Reeds”, nghĩa là tiếng Do Thái Yam Suph, đấy là Biển Sậy. [15]

Đáng chú ý hơn cả là trong cuốn LA BIBLE (cũng có tên TRADUCTION OECUMÉNIQUE DE LA BIBLE comprenant l’Ancien et le Nouveau Testament) ấn bản 2004, do Société Biblique Francaise – Le Cerf phát hành gồm các nhà nghiên cứu về Kinh Thánh của Công Giáo, Tin Lành và Chính Thống Giáo hợp tác chung để phiên dịch và chú giải Kinh Thánh dựa trên các bản văn nguyên thủy bằng tiếng Do Thái và Hy-Lạp, trình thuật dân Do Thái qua biển được ghi lại như sau: “Quand le Pharaon laissa partir le peuple, Dieu ne le conduisit pas par la route du pays des Philistines, bien qu’elle fut la plus directe. Dieu s’était dit: “Il ne faudrait pas que, à la vue des combats, le people renonce et qu’il revienne en Egypte!”Dieu détourna le people vers le désert de la mer des Joncs. C’est en ordre de bataille que les fils d’Israel étaient montés du pays d’Egypte.” [16] dịch là: “Khi Pha-ra-ô thả cho dân đi, Thiên Chúa không dẫn họ theo ngả đường xuyên qua xứ Phi-li-tinh, dù đường đó gần hơn, vì Thiên Chúa nói: “Khi thấy phải chiến đấu, dân từ chối và có thể quay về Ai-Cập!”Thiên Chúa đổi hướng và đưa dân qua đường sa mạc Biển Sậy. Con cái Ít-ra-en võ trang đầy đủ từ đất Ai-cập đi lên”.
Trong sách JOSUÉ, các tác giả của bản dịch chung này cũng có viết về chuyện nàng kỹ nữ Ra-kháp (Rahab) nói với hai người điệp viên Ít-ra-en như sau: “Je sais que le SEIGNEUR vous a donné le pays, que l’épouvante s’est abattue sur nous, et que tous les habitants du pays ont tremblé devant vous, car nous avons entendu dire que le SEIGNEUR a asséché devant vous les eaux de la mer des Joncs lors de votre sortie d’Egypte et ce que vous avez fait aux deux rois des Amorites, au-delà du Jourdain, Sihôn et Og, que vous avez voués à l’interdit.” [17] dịch là: “Tôi biết ĐỨC CHÚA đã ban cho các ông đất này, tôi biết vì các ông mà nỗi kinh hoàng ập xuống trên chúng tôi, và mọi dân cư trong xứ đều rụng rời hốt hoảng trước mặt các ông. Vì chúng tôi nghe đồn là ĐỨC CHÚA đã làm cạn Biển Sậy trước mặt các ông khi các ông ra khỏi xứ Ai Cập; chúng tôi cũng nghe đồn về những gì các ông đã làm cho hai vua E-mô-ri là Xi-khôn và Ốc, mà các ông đã tru hiến ở bên kia sông Gio-đan.” [18]
Như vậy những tiếng nói có thẩm quyền trong lĩnh vực nghiên cứu Thánh Kinh đã tiến dần đến sự thật trong các nỗ lực làm việc mang tính khoa học rất đáng cổ vũ.
1.2. Cuộc do thám đất Canaan dưới thời Môi-sê.
Nằm trên bờ biển phía đông Địa Trung Hải, phía tây sông Jordan và Biển Chết đất Canaan có một lịch sử tối cổ. Trước khi người Do Thái tiến đến, đất Canaan đã là những thị quốc tương đối độc lập và mỗi nơi có một vị vua. Sau cuộc chinh phục của vị pharaoh Ai-Cập Thutmose I (1504-1492 trước CN), những thị quốc này đã chính thức trở thành các tỉnh của Ai Cập. Nhưng theo các trình thư gửi đi từ Palestine cho Pharaoh Akhenaten, sự kiểm soát của Ai Cập trên các tỉnh này cũng tỏ ra khá lỏng lẻo. Người dân Canaan là hậu duệ của nhóm Amorite. Những thị quốc ở trung tâm đất Canaan tương đối mạnh vì đã được thành lập khá lâu trong khi các thị quốc ở phía đông sông Jordan mới được thành lập nên yếu hơn. Với tính cách là một danh từ địa lý, có khi Canaan được coi là một toàn cảnh gồm cả Syria và Palestine. Nền kinh tế của Canaan chú trọng đến nông nghiệp nhưng họ cũng nổi tiếng về thương mại.

Trong các nỗ lực tranh đấu để sinh tồn, tình báo cung cấp cho con người một số các dữ kiện về đối phương như tình trạng dân số, khả năng chiến đấu, tình hình thực phẩm dự trữ, vũ khí, sơ đồ đồn lũy, báo cáo thời tiết, hệ thống thủy văn, họa đồ chỗ cư trú và thành quách kể cả thói quen, tập quán của người chỉ huy hay của dân chúng, các lễ lạc hội hè của địa phương v.v... khi có khả năng xảy ra các cuộc chiến tranh giữa phe này với nhóm nọ. Đây là các dữ kiện cần thiết giúp cho các phe phái nắm vững để lên kế hoạch chiến đấu hay thương thuyết hòa bình. Tình báo là một ngành đi trước, chuẩn bị, dọn sẵn con đường để cho các hoạt động khác như tập kích, khai chiến, lủng đoạn hàng ngũ đối phương bằng lực lượng quân sự hay bằng các cuộc vận động tuyên truyền chính trị đánh vào các lực lượng của địch hay môi trường tâm lý của dân chúng bên đối phương. Tình báo là một mô thức hoạt động đa diện của chiến tranh mà chiến tranh lại là một biểu hiện của chính trị dưới một hình thức khác.
Trong số các tư liệu tôn giáo có lẽ Cựu Ước (the Old Testament) là sách nói về tình báo đầu tiên khi Mô-sê, một thủ lãnh của dân tộc Do Thái đã dẫn đưa dân tộc đang bị nô lệ này ra khỏi Ai Cập về miền Đất Hứa là đất Ca-na-an. Biến cố xảy ra vào khoảng năm 1440 trước CN. Sách Dân số của Cựu Ước có kể lại câu chuyện Thiên Chúa đã chỉ thị ông Mô-sê gởi một đoàn do thám vào đất Ca-na-an, bởi lẽ không một ai trong đám dân Do-Thái lúc đó biết đất Canaan như thế nào cả. Trình thuật của sách Dân Số ghi lại như sau: "Ngươi hãy sai người đi do thám đất Ca-na-an, đất mà Ta sẽ ban cho con cái Ít-ra-en. Các ngươi sẽ sai đi mỗi chi tộc một người và tất cả phải là kỳ mục trong dân. Vậy từ sa mạc Pa-ran, ông Mô-sê đã sai họ đi, theo lệnh ĐỨC CHÚA truyền. Tất cả họ đều là những người đứng đầu trong con cái Ít-ra-en. Đây là danh sách họ: Thuộc chi tộc Rưu-vên, có ông Sam-mu-a, con ông Dắc-cua. Thuộc chi tộc Si-mê-ôn, có ông Sa-phát, con ông Khô-ri. Thuộc chi tộc Giu-đa, có ông Ca-lếp, con ông Giơ-phun-ne. Thuộc chi tộc Ít-xa-kha, có ông Gích-an, con ông Giô-xép. Thuộc chi tộc Ép-ra-im, có ông Hô-sê-a, con ông Nun. Thuộc chi tộc Ben-gia-min, có ông Pan-ti, con ông Ra-phu. Thuộc chi tộc Dơ-vu-lun, có ông Gát-đi-en, con ông Xô-đi.Thuộc chi tộc Giu-se, ngành Mơ-na-se, có ông Gát-đi, con ông Xu-xi.Thuộc chi tộc Đan, có ông Am-mi-ên, con ông Gơ-ma-li. Thuộc chi tộc A-se, có ông Xơ-tua, con ông Mi-kha-ên. Thuộc chi tộc Náp-tali, có ông Nác-bi, con ông Vóp-xi. Thuộc chi tộc Gát, có ông Gơ-u-ên, con ông Ma-khi Đó là tên những người ông Mô-sê sai đi do tham đất. Rồi ông Mô-sê đặt tên cho Hô-sê-a, con ông Nun, là Giô-suê. Ông Mô-sê sai họ đi do thám đất Ca-na-an. Ông bảo họ: "Anh em hãy qua miền Ne-ghép mà lên, lên miền núi. Anh em sẽ xem đất, xem nó thế nào, dân ở đó mạnh hay yếu, ít hay nhiều, đất họ ở tốt hay xấu, thành thị của họ là lều trại hay đồn lũy, đất đai màu mỡ hay cằn cỗi, có cây cối hay không. Anh em hãy can đảm, và lấy ít hoa trái miền đó đem về." Bấy giờ là đầu mùa nho. Họ đi lên và do thám đất, từ sa mạc Xin đến Rơ-khốp, trên đường vào Cửa Ải Kha-mát. Họ qua miền Ne-ghép đi lên và tới tận Khép-rôn, ở đó có A-khi-man, Sê-sai và Tan-mai là con cháu của A-nác. Khép-rôn đã được xây bảy năm trước Xô-an bên Ai-cập. Họ vào đến thung lũng Ét-côn, ở đó họ chặt một nhành nho và một chùm nho, rồi hai người dùng sào mà khiêng, họ cũng lấy cả lựu và vả. Người ta gọi nơi ấy là thung lũng Ét-côn, vì chùm nho mà con cái Ít-ra-en đã hái ở đó." [19]
Một số họa phẩm từ đầu thế kỷ 14 tại Đức ghi lại hình ảnh đoàn do thám trở về với cảnh hai người khiêng một nhành nho chĩu nặng trái đã được in lại trong nhiều sách vở.[20] Sự kiện Mô-sê đưa dân Do-Thái thoát ách nô lệ của Ai-Cập xảy ra khoảng một nghìn ba trăm năm trước Công-Nguyên và nhóm tình báo do ông chỉ định gồm 12 người với danh tính còn lại đến ngày nay. Nhóm đó tiến hành công tác do thám khoảng bốn mươi ngày và sau đó trở về báo cáo mọi sự việc lại cho vị thủ lãnh của mình. Các chỉ thị của Mô-sê cho nhóm người do thám này khá cụ thể chứng tỏ Mô-sê là một nhà lãnh đạo tài ba. Mô-sê thường được xem là tác giả Ngũ Thư (The Pentateuch) và bộ Luật Mô-sê mặc dù trong các sách đó không hề có một hàng chữ nào chứng minh Mô-sê là tác giả.
Sau khi do thám đất Ca-na-an, những người được sai đi đã trở về báo cáo, và Cựu Ước đã ghi lại như sau: " Sau bốn mươi ngày do thám đất, họ trở về. Họ đến gặp ông Mô-sê, ông A-ha-ron và toàn thể cộng đồng con cái Ít-ra-en, tại Ca-đê trong sa mạc Pa-ran. Họ báo cáo với hai ông và toàn thể cộng đồng con cái Ít-ra-en, và cho những người đó xem hoa trái miền ấy. Họ thuật lại với ông Mô-sê rằng: 'Chúng tôi đã vào miền đất ông sai chúng tôi đến. Đúng là miền đất tràn trề sữa và mật, và đây là hoa trái miền ấy. Thế nhưng dân cư miền ấy thì mạnh, thành thị lại kiên cố và rộng lớn lắm; ở đó chúng tôi còn thấy cả con cháu A-nác. Có người A-ma-lếch ở miền Ne-ghép, người Khết, người Giơ-vút và người E-mô-ri ở miền núi, còn người Ca-na-an thì ở bờ biển và dọc sông Gio-đan." Bấy giờ ông Ca-lếp truyền cho dân đang phản đối ông Mô-sê phải im lặng, ông nói: "Ta cứ lên chiếm miền ấy, vì chắc chắn ta có thể thắng được". Những người đã lên cùng với ông đáp lại: " Ta không thể lên đánh dân ấy, vì họ mạnh hơn ta." Trước mặt con cái Ít-ra-en, họ bắt đầu chê bai miền đất họ đã do thám, họ nói: "Miền đất chúng ta đã đi qua để do thám là đất nuốt những người ở đó, và tất cả những người chúng tôi thấy ở đó đều là những người cao lớn. Ở đó chúng tôi trông thấy những người khổng lồ, con cháu của A-nác thuộc giống người khổng lồ. Chúng tôi thấy mình chỉ như châu chấu, và họ cũng coi chúng tôi như vậy." [21] Những người khổng lồ ở đây là giống Nephilim (được nói đến trong sách Dân Số bản tiếng Anh) đã được nhắc tới trong sách Sáng Thế (6:4) và sách Dân Số (13:33) là những người mạnh mẽ, cao lớn sống trước thời lụt Đại Hồng Thủy mà tác giả sách Sáng Thế gọi họ là những người con trai của Thiên Chúa (the sons of God). Một số sử gia Kinh Thánh lại cho rằng những người con trai của Thiên Chúa này là những người công chính (hậu duệ của Seth) lấy đàn bà con gái của Cain theo phương cách trần tục và trở thành nhơ bẩn. Các nhà chú giải Kinh Thánh cổ Do Thái nhất trí tin rằng những người con trai Thiên Chúa đó là các thiên thần. Nhưng nói chung có thể hiểu những người cao lớn này là những người khổng lồ (giants hay titans). [22]
Ở đây chúng ta không chú trọng đi sâu vào lãnh vực tín lý hay thần học để phân tích về những đánh giá của nhóm 12 người được sai đi do thám đất Ca-na-an mà trong đó chỉ có hai người là Giô-suê và Ca-lếp là có những nhận định và quyết tâm tiến vào đất mà Thiên Chúa đã hứa trong khi những người khác đã dùng những điều mắt thấy tai nghe để khích động dân Ít-ra-en nổi loạn chống lại Đức Chúa của họ. Dân này đã nổi loạn, cằn nhằn, kêu ca và Thánh Kinh Cựu Ước thuật lại, họ đã bị Thiên Chúa phạt phải đi vòng vo trong sa mạc bốn mươi năm, tất cả thế hệ nổi loạn chống báng đó đều bị chết trong sa mạc, trừ con cháu của họ. Ngay cả Mô-sê cũng không vào được Đất Hứa bởi vì ông đã phần nào không tin vào Thiên Chúa khi đánh vào khối đá để phun nước tại Mơ-ri-va (Meribah) (Dân Số 20: 12-13). Sau những năm dài thử thách trong sa mạc, ông và dân của ông đã tới một địa điểm nằm ngay ở phía đông Ca-na-an.
Trình thuật của sách Đệ Nhị Luật (Deuteronomy) viết về cuối cuộc đời của Mô-sê như sau: “Từ đồng bằng Mô-áp, ông Mô-sê lên núi Nơ-vô, tới Pít-ga, đối diện với Giê-ri-khô, và ĐỨC CHÚA cho ông xem thấy tất cả miền đất: miền Ga-la-át cho đến Đan, tất cả Náp-ta-li, miền đất Ép-ra-im và Mo-na-se, tất cả miền đất Giu-đa cho đến Biển Tây, miền Ne-ghép, vùng sông Gio-đan, thung lũng Giê-ri-khô là thành Chà Là, cho đến Xô-a. ĐỨC CHÚA phán với ông: “Đây là miền đất Ta đã thề hứa với Áp-ra-ham, I-xa-ác và Gia-cóp, khi nói: “Ta sẽ ban đất ấy cho dòng dõi ngươi.’Ta đã cho ngươi thấy tận mắt, nhưng ngươi sẽ không được qua đó.” Ông Mô-sê, tôi trung của ĐỨC CHÚA, qua đời tại đó, trong đất Mô-áp, theo lệnh ĐỨC CHÚA.” [23] Trong số các người đi do thám, có Giô-sua và Ca-lếp là được vào Đất Hứa. Tình báo là do thám, theo dõi để thu thập tin tức. Những người Mô-sê sai đi là những chứng nhân trực tiếp, thi hành các chỉ thị, những điều dặn bảo của thủ lãnh. Dĩ nhiên trình độ kiến thức, lý tưởng phục vụ, đức tin tôn giáo của những kẻ được sai đi này cũng có nhiều khác biệt cho nên khi trở về các báo cáo tường trình hay quan điểm của họ trong lời tường thuật lại cũng khác nhau.
2.- Giô-suê và thành Giê-ri-khô, đầu cầu chiến lược vào Đất Hứa.
2.1. Giô-suê, một tài năng quân sự có tư chất lãnh đạo.
Trong số 12 người được Mô-sê cử đi thám thính đất Canaan - 10 người đã tỏ ra kinh hãi trước những người khổng lồ họ đã gặp trong vùng Đất Hứa - chỉ có hai người là Giô-suê và Calếp là những kẻ nói những điều rất có lợi cho việc chinh phục đất Canaan, thúc đẩy dân Do-Thái tiến vào vùng đất này, nhất là họ đã tỏ ra tin tưởng tuyệt đối vào sự giúp đỡ và sắp đặt của Thiên Chúa. Giô-suê thuộc chi tộc Ép-ra-im, con ông Nun, trước vốn có tên Hô-sê-a đã được Mô-sê đổi tên là Giô-suê, và Ca-lếp thuộc chi tộc Giu-đa, con ông Giê-phun-ne. Các trình thuật trong sách Cựu Ước dường như tạo một thói quen đó là việc đổi tên một nhân vật để giới thiệu một biến cố đặc biệt do người đó thực hiện sau đó, thí dụ Áp-ram được ĐỨC CHÚA đổi tên là Áp-ra-ham (Sáng Thế 17: 5) với giao ước biến ông “thành cha của vô số dân tộc”, đổi tên vợ ông là Xa-rai (Sarai) thành Xa-ra (Sarah) để rồi bà sau đó mặc dù đã chín mươi tuổi vẫn sinh cho ông một người con trai đặt tên là I-xa-ác (Isaac) với lời chúc lành là bà sẽ trở thành “những dân tộc”. Trình thuật của sách Sáng Thế cũng kể tới chuyện Gia-cóp (Jacob), cháu nội của Áp-ra-ham, đã vật lộn với Thiên Chúa như sau: “Có một người vật lộn với ông cho đến lúc rạng đông. Thấy không thắng được ông, người đó bèn đánh vào khớp xương hông của ông, và khớp xương hông của ông Gia-cóp bị trật đang khi ông vật lộn với người đó. Người đó nói: “Buông ta ra, vì đã rạng đông rồi.”Nhưng ông đáp: “Tôi sẽ không buông ngài ra, nếu ngài không chúc phúc cho tôi. Người đó hỏi: “Tên ngươi là gì?” Ông đáp: “Tên tôi là Gia-cóp.” Người đó nói: “Người ta sẽ không gọi tên ngươi là Gia-cóp nữa, nhưng là Ít-ra-en, vì ngươi đã đấu với Thiên Chúa và với người ta, và ngươi đã thắng.” [24] Gia-cóp là cha của mười hai chi tộc Do-Thái, trong đó có Giuse, tể tướng nước Ai-cập mà chúng ta đã nhắc tới ở trên.

Được ông Mô-sê đổi tên từ Hô-sê-a sang tên Giô-suê chính ông Giô-sê đã trở thành thủ lãnh đưa dân Do Thái vào Đất Hứa, một biến cố trọng đại mà ông Mô-sê không thực hiện được.
Sau khi Mô-sê qua đời, khoảng năm 1406 trước Công Nguyên, quyền lãnh đạo dân Do-Thái trao vào tay Giô-suê, một người luôn trung thành với giao ước của Thiên Chúa và vai trò lãnh đạo của ông đã được Thiên Chúa làm cho nên sáng giá hơn bằng những lời cam kết như sau: “Mọi ngày đời ngươi, không ai sẽ đứng vững được trước mặt ngươi. Ta sẽ ở với ngươi như Ta đã ở với Mô-sê; Ta sẽ không bỏ rơi ngươi, Ta sẽ không ruồng bỏ ngươi.” [25] Giô-suê, tiếng Do-Thái có nghĩa “Thiên Chúa là sự cứu độ”. Nếu Mô-sê là người có công trong việc dẫn dân DoThái ra khỏi đất Ai-Cập qua việc đấu trí và thiết trí kế hoạch chống lại Pha-ra-ô, với sự trợ lực kỳ diệu của Thiên Chúa, đã lãnh đạo và tôi luyện dân này trong bốn mươi năm nơi sa mạc để biến họ trở thành một cộng đồng có tổ chức dựa trên giáo luật ông đã dạy, nhưng không được vào đất hứa thì Giô-suê với khả năng quân sự sáng chói đã chỉ huy cuộc xâm nhập và chinh phục đất Canaan qua một loạt các kỳ tích quân sự và phân chia đất đai cho các bộ tộc Ít-ra-en.

Cuộc đời của ông Giô-suê lúc thiếu thời cùng gia thế không được biết rõ. Người ta nhắc tới ông do việc khoảng vài tháng đầu cuộc xuất hành ra khỏi Ai Cập, dân Do Thái đi tới một địa điểm gọi là Rephidim thuộc phía nam bán đảo Sinai trên đường tiến về núi Sinai thì họ bị một bộ lạc thuộc nhóm Amalekites tấn công. Dân Do Thái không biết triển khai kế hoạch phòng ngự gì cả. Người thanh niên Giô-suê lúc đó đã chứng tỏ là một tài năng quân sự. Mô-sê đã cử ông cầm đầu một nhóm người và ông đã thành công trong cuộc tổ chức cuộc phòng vệ. Trong thời gian tạm trú tại núi Sinai, Giô-suê đã tạo được mối liên lạc thường xuyên với thủ lãnh Mô-sê. Khi Mô-sê lần đầu tiên đến núi thánh này, Giô-sua cũng được phép hiện diện bên cạnh A-ha-ron và 70 vị nguyên lão và ông được nhắc tới như là một “đầy tớ” của Mô-sê (Xuất Hành 24:13). Khi Mô-sê xuống núi với tấm bia Mười Điều Răn, đến gần chỗ hạ trại trong khi dân Ít-ra-en đang thờ lạy con bê vàng (Golden Calf), Giô-suê cũng có mặt bên cạnh Mô-sê và lưu ý ông về những tiếng lạ từ đàng xa. Một lần nữa, Giô-suê được dạy phải có mặt trong Lều Hội Ngộ (Tabernacle of meeting) mới dựng lúc Mô-sê lần đầu tiên giao tiếp với Thiên Chúa ở đó; và dù khi ông Mô-sê sau cuộc đàm đạo với Thiên Chúa, rời khỏi Lều về trại, nhưng phụ tá của ông là chàng thanh niên Giô-suê, con ông Nun, thì cứ ở trong Lều, không rời khỏi đó. Từ núi Sinai, dân Ít-ra-en di chuyển lên phía bắc và tới nghỉ chân tại ốc đảo Kadesh-barnea. Đây là mũi phía nam của lộ trình họ hướng về đất Canaan và cũng tại đây Mô-sê đã chọn 12 người thuộc 12 chi tộc Do Thái để lập thành một đoàn do thám mà Giô-suê là đại diện cho chi tộc Ép-ra-im (Ephraim).

Sau cuộc hành trình bốn mươi ngày vượt qua vùng đồi núi Canaan lên cho tới tận Syria và trở về, đoàn do thám tới được ốc đảo Kadesh-barnea an toàn. Họ mô tả khá bất lợi về một vùng đất đông dân và những thành thị kiên cố. Trong số 12 người được cử đi, chỉ có Ca-lếp (Caleb) thuộc chi tộc Giu-đa, được sự hỗ trợ của Giô-suê, là thúc dục dân Ít-ra-en phải tiến thẳng vào Canaan. Các ông này nói rằng: “Vùng đất mà chúng tôi đã đi qua và dọ thám, thật là một nơi quá tốt, một vùng đất tuôn trào sữa và mật ong” . (Dân Số 14:7-8). Nhưng dân chúng đã chán nản thất vọng với lời báo cáo của mười người kia nên đã phản đối và trách cứ ông Mô-sê nặng lời. Thiên Chúa cho rằng vì dân chúng đã đặt niềm tin quá ít vào Ngài nên Ngài giáng phạt dân Do Thái phải đi lang thang trong sa mạc bốn mươi năm và sẽ không ai được vào Đất Hứa trừ Giô-suê và Ca-lếp. Cả một thế hệ dân Do Thái lúc bấy giờ phải sống cuộc đời du mục với ốc đảo Kadesh-barnea như là một trung tâm của các chi tộc, họ di chuyển quanh vùng phía nam Biển Chết và chiếm giữ hầu hết vùng đất phía đông sông Gio-đan. Khi cảm thấy sứ mệnh của mình đã mãn và cái chết đã đến kề, Mô-sê trao quyền lãnh đạo lại cho Giô-suê, vốn đã được Thiên Chúa chọn như là một người “đầy trí tuệ khôn ngoan” (Đệ Nhị Luật 34: 9). Trong một buổi lễ tổ chức rất long trọng tại Lều Hội Ngộ, Mô-sê đã đặt tay trên Giô-suê và ủy thác cho ông trách nhiệm dẫn đưa dân Do Thái vào Đất Hứa. [26]
2.2. Cuộc do thám Giê-ri-khô.
Nhìn về mặt quân sự thành Giê-ri-khô là một trong những đầu cầu chiến lược nằm ở phía tây sông Gio-đan là một vị trí rất quan trọng trên con đường dân Do Thái tiến vào đất Thiên Chúa đã hứa. Chúng ta thử theo dõi cuộc do thám thành Giê-ri-khô theo trình thuật của sách Giô-suê như sau:
“Từ Sít-tim, ông Giô-suê, con ông Nun, bí mật sai hai người do thám và nói: “Hãy đi xem vùng đất và thành Giê-ri-khô”. Họ đã đi và vào một nhà một kỹ nữ tên là Ra-kháp; họ nằm lại đó. Người ta nói với vua Giê-ri-khô: “Đêm vừa rồi, có vài người trong số con cái Ít-ra-en đã vào đây để thăm dò vùng đất này.” Vua Giê-ri-khô sai người đến nói với cô Ra-kháp: “Hãy dẫn ra đây những người đã đến với ngươi, đã vào nhà ngươi, vì họ đã đến thăm dò toàn vùng đất này.”Nhưng người đàn bà đem hai người kia đi giấu, rồi nói: “Phải, những người ấy có đến với tôi, nhưng tôi không biết họ từ đâu đến. Lúc chập tối, khi cửa thành sắp đóng, thì những người ấy đi ra. Tôi không biết họ đi đâu. Các ông hãy mau mau đuổi theo họ thì sẽ bắt kịp.
Rồi cô ta đem họ lên sân thượng và giấu họ dưới đống cây gai cô đã xếp ở đó. Các người kia cứ đuổi theo họ trên con đường dẫn tới sông Gio-đan cho đến chỗ lội qua sông. Và người ta đóng cửa thành lại, sau khi những kẻ đuổi theo đã ra khỏi đó.

Giao kèo giữa các người do thám và cô Ra-kháp.
Họ chưa kịp nằm xuống, thì cô Ra-kháp lên gặp họ trên sân thượng. Cô nói với họ: “Tôi biết ĐỨC CHÚA đã ban cho các ông đất này, tôi biết vì các ông mà nổi kinh hoàng ập xuống trên chúng tôi, và mọi cư dân trong xứ đều rụng rời hốt hoảng trước mặt các ông. Vì chúng tôi nghe đồn là ĐỨC CHÚA đã làm cạn Biển Sậy trước mặt các ông khi các ông ra khỏi Ai-cập; chúng tôi cũng nghe đồn về những gì các ông đã làm cho hai vua E-mô-ri là Xi-khôn và Ốc, mà các ông đã tru hiến ở bên kia sông Gio-đan. Khi chúng tôi nghe đồn, thì tâm thần chúng tôi sợ hãi như muốn chảy tan ra, không ai còn nhuệ khí trước mặt các ông, vì ĐỨC CHÚA, Thiên Chúa của các ông, là Thiên Chúa ngự chốn trời cao cũng như nơi đất thấp. Vậy bây giờ, xin các ông hãy nhân danh ĐỨC CHÚA mà thề với tôi là: bởi tôi đã lấy tình mà đối xử với các ông, thì các ông, các ông cũng sẽ lấy tình mà đối xử với gia đình tôi. Các ông sẽ cho tôi một dấu chắc chắn, đó là các ông sẽ để cho cha mẹ tôi, các anh chị em tôi và mọi người thân thuộc của họ được sống, các ông sẽ cứu chúng tôi khỏi chết.”
Những người ấy nói với cô Ra-kháp: “Chúng tôi xin thề lấy mạng đền mạng, trừ phi các người tiết lộ chuyện này. Vậy khi nào ĐỨC CHÚA ban đất này cho chúng tôi, chúng tôi sẽ lấy chữ tình chữ tín mà đối xử với cô. Bấy giờ, từ cửa sổ cô thòng dây cho họ xuống, vì nhà cô sát vách tường thành và cô ở ngay trong tường thành. Cô nói với họ: “Các ông hãy đi về phía núi, kẻo những người đuổi theo bắt được các ông. Các ông cứ ẩn núp ở đấy ba ngày cho đến khi chúng trở về. Sau đó, các ông cứ đường mình mà đi. Họ nói với cô: “Đây là cách chúng tôi sẽ giữ lời mà cô đã yêu cầu chúng tôi thề: Khi nào chúng tôi vào xứ này, cô sẽ buộc dây chỉ điều này ở cửa sổ, nơi cô đã thả chúng tôi xuống, rồi cô sẽ tập họp trong nhà, bên cạnh cô: cha mẹ, các anh chị em và cả nhà cha cô. Bấy giờ, ai bước qua cửa nhà cô mà ra ngoài, thì máu người ấy sẽ đổ xuống đầu người ấy, chúng tôi vô can. Nhưng người nào ở trong nhà với cô, thì máu người ấy sẽ đổ xuống đầu chúng tôi, nếu có ai tra tay hại người ấy. Cô mà tiết lộ chuyện của chúng tôi, chúng tôi sẽ khỏi phải giữ lời mà cô đã yêu cầu chúng tôi thề.” Cô ấy nói: “Mong được như lời các ông đã nói!”Rồi cô để họ đi, và họ ra đi. Cô buộc dây chỉ điều ở cửa sổ.
Các người do thám trở về
Họ lên đường và tiến về phía núi. Họ ở lại đó ba ngày cho đến khi những kẻ đuổi theo trở về. Những người này đã đi lùng họ trên cả con đường ấy mà không tìm được. Hai người kia trở về: họ xuống núi, qua sông Gio-đan, rồi tới gặp ông Giô-suê, con ông Nun, và thuật lại cho ông mọi việc đã xảy ra cho họ. Họ nói với ông Giô-suê: “ĐỨC CHÚA đã nộp tất cả miền đất ấy vào tay chúng ta, và mọi dân cư ở đó đều rụng rời hốt hoảng trước mặt chúng ta.” [27]
Nhà điếm thường cũng là địa điểm lấy tin, chuyển tin của ngành tình báo. Đó cũng là nơi mua vui công cộng nhưng cũng là chỗ trao đổi riêng tư những câu chuyện thầm kín thuộc nhiều chủ đề. Khách tìm vui thường hay đến rồi lại đi cho nên chúng ta không lạ gì khi những người làm công tác dọ thám của Giô-suê sai đi đã vào nhà một kỹ nữ nhưng may mắn là kỹ nữ tốt bụng, cô Ra-kháp. Họ không đến tìm vui nhưng dò la tin tức, thu thập các dữ kiện cần thiết mà nghiệp vụ của họ đòi hỏi. Ngành tình báo ngày nay cũng vậy, có lẽ người thực hiện nghiệp vụ bắt chước kinh nghiệm của cổ nhân hay chăng?
Theo trình thuật của sách Giô-suê, thành Giê-ri-khô lúc đó đóng kín cổng, nội bất xuất ngoại bất nhập. Đức Chúa ra lệnh cho Giô-suê cùng dân Do Thái khiêng Hòm Bia Giao Ước và bảy vị tư tế cầm bảy tù và bằng sừng cừu đi trước Hòm Bia, mỗi ngày đi quanh thành một vòng và ngày thứ bảy họ dậy sớm khi hừng đông ló dạng và đi vòng quanh thành bảy lần. Đến lần thứ bảy, khi các tư tế thổi tù và, ông Giô-suê nói với dân: ”Hãy hò reo xung trận, vì ĐỨC CHÚA đã nộp thành cho anh em. Thành và mọi sự trong thành sẽ bị án tru hiến để kính ĐỨC CHÚA, chỉ có cô kỹ nữ Ra-kháp và mọi người ở với cô trong nhà là sẽ được sống, vì cô đã giấu các sứ giả chúng ta sai đi.” Bấy giờ, dân hò reo xung trận, và người ta rúc tù và. Vừa nghe tiếng tù và, dân lớn tiếng hò reo xung trận, và tường thành sụp đổ tại chỗ.
“Ông Giô-suê nói với hai người đã đi do thám trong xứ: “Hãy vào nhà người kỹ nữ, và đem người đàn bà ấy cũng như mọi người thân thuộc của cô ra khỏi đó, theo như anh em đã thề hứa với cô. Vậy các người thanh niên do thám vào nhà cô Ra-kháp, và đem cô ra khỏi đó cùng với cha mẹ, anh em cô và mọi người thân thuộc của cô; họ đem tất cả thị tộc của cô ra khỏi đó, và cho họ ở bên ngoài trại Ít-ra-en. Rồi họ phóng hỏa đốt thành cũng như tất cả những gì trong đó; ngoại trừ vàng bạc và những đồ đồng, đồ sắt, thì người ta nộp vào kho tàng nhà ĐỨC CHÚA. Nhưng cô kỹ nữ Ra-kháp cùng với gia đình cha cô và mọi người thân thuộc của cô, thì ông Giô-suê để cho sống. Cô ở giữa dân Ít-ra-en cho đến ngày nay, vì cô đã giấu sứ giả ông Giô-suê sai đi do thám Giê-ri-khô.” [28]
Trên phương diện địa lý và thổ nhưỡng, Giê-ri-khô được xem là một ốc đảo (oasis) mà cảnh trí thiên nhiên rất thích hợp để lập cư vì có rất nhiều con suối nước ngọt. Vị trí ở dưới mực nước biển khoảng 213 mét, ốc đảo này được coi là nơi thấp nhất của thế giới.
Ngày nay, Giê-ri-khô là một địa điểm khảo cổ học thu hút sự chú ý của thế giới vì là nơi cung cấp nhiều thông tin hữu ích về đời sống con người lúc đầu tiên tại Palestine. Theo những di chỉ khảo cổ khai quật được ở Giê-ri-khô, nơi đây đã có những kiến trúc xây dựng đầu tiên vào khoảng năm 8000 trước Công Nguyên thuộc vào thời kỳ đồ đá mới. Nhà cửa lúc bấy giờ xây bằng gạch bùn, tường thành bằng đá. Dân chúng sống bằng nghề săn bắn, chăn nuôi và nghề nông còn rất sơ khai. Dân ở đây đã tỏ ra chu đáo trong việc bảo lưu sọ người chết hầu hết được chôn ở dưới nền nhà. Từ thiên niên kỷ thứ ba và thứ tư trước Công Nguyên thành phố được bảo vệ bằng nhửng bức tường thành xây bằng đất bùn. Theo dòng chảy của thời gian, thành phố có khi bị phá hủy rồi tái lập nhiều lần. Trong thời kỳ các Tổ phụ thuộc thời đại đồ đồng trung kỳ (the Patriarchal Period Middle Bronze Age, 1900-1600 trước Công Nguyên), Giê-ri-khô là một thành phố quan trọng. Sau khi bị phá hủy tan tành trong năm 1550 trước Công Nguyên, nơi này bỏ hoang cho đến mấy trăm năm sau. Giê-ri-khô được mô tả trong sách Cựu Ước là thành phố đầu tiên bị quốc gia Ít -ra-en dưới quyền lãnh đạo của Giô-suê chiếm đóng. Sự sụp đổ của tường thành Giê-ri-khô do tiếng hò reo của dân chúng Do Thái cũng là có tính cách tượng trưng để nói lên rằng Thiên Chúa ở về phía Ít-ra-en.
Ngày nay giới sử học, nhất là khảo cổ học cũng quan tâm đến căn nhà của cô Ra-kháp, bởi vì theo trình thuật của sách Giô-suê, tất cả tường thành Giê-ri-khô đều bị sụp đổ trong ngày thứ bảy khi dân Do Thái, dưới sự trợ lực của Thiên Chúa, hò reo xung trận trong khí thế rất dũng mãnh. Thử hỏi căn nhà của cô Ra-kháp có đứng vững được chăng?
Tác phẩm Archaeological Study Bible có viết về một số chuyện liên quan tới ngôi nhà của cô Ra-kháp như sau: “Các điệp viên Do Thái đã dặn cô Ra-kháp tập họp thân nhân mình lại trong nhà cô để tránh được tai họa sắp tới (Jos 2: 18-19). Về sau, Ra-kháp và các thành viên trong gia đình đã được cứu như lời hứa (6:17, 22-23). Sách Giô-suê 2:15 nói rằng nhà cô Ra-kháp ở ngay trong tường thành Giê-ri-khô. Dịch theo nghĩa đen, câu văn Do Thái viết rằng: “Nhà nàng dựa vào mặt phẳng của tường thành và nàng sống ở trong bức tường thành. Vậy thì ngôi nhà đó làm sao giữ nguyên được khi bức tường sụp đổ? Khảo cổ học đã đặc biệt cung cấp câu trả lời.
Các cuộc khai quật của giới khảo cổ Đức từ năm 1907-1909 tại khu vực phía bắc của địa điểm khảo cổ cho biết một phần dưới của bức tường thành không bị sụp như các nơi khác. Phần còn đứng vững đó cao 8 feet (gần 2.5m) nên những căn nhà xây dựa vào đó vẫn còn nguyên vẹn. Một bức tường thứ hai ở trên chóp của một khúc thành tựa như con đê cho thấy những căn nhà đặc biệt như thế nằm giữa phần trên và phần dưới của những bức tường thành và như vậy là “ở ngay trong tường thành”. Vì phần dưới bức tường cũng làm tường lưng của nhiều căn nhà cho nên một lỗ trổ ra (cửa sổ) ở bức tường là lối thoát thuận lợi cho các điệp viên. Từ địa điểm phía bắc này có một khúc đường ngắn dẫn đến các ngọn đồi vùng sa mạc Giu-đê, nơi các người do thám ẩn núp trong ba ngày (2:16, 22). [29]
Theo dõi hai câu chuyện về tình báo trong Cựu Ước, nếu chuyện trước do việc báo cáo không chính xác khiến dân Do Thái sinh ra bất mãn, trách cứ Mô-sê và đánh mất niềm tin vào Thiên Chúa để khiến họ phải bị lưu đày trong sa mạc bốn mươi năm, cả một thế hệ không một ai được vào đất hứa chỉ trừ Giô-suê và Ca-lếp thì chuyện sau lại là một câu chuyện với kết cấu hết sức nhân bản xuyên qua cách ứng xử khôn ngoan của cô kỹ nữ Ra-kháp và sự trung tín của Giô-suê, vị lãnh đạo dân tộc Ít-ra-en lúc bấy giờ. Ảnh hưởng của những câu chuyện này cũng như toàn bộ Kinh Thánh cả Cựu Ước lẫn Tân Ước đã truyền lại những kinh nghiệm vô giá cho nhân loại cho nên Kinh Thánh xứng đáng với danh hiệu “sách của mọi cuốn sách” (book of books) vậy.
New Jersey May 14, 2009
Chú Thích:
1.- Nhóm phiên dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ, Kinh Thánh trọn bộ Cựu Ước và Tân Ước, Nhà xuất bản Thành Phố Hồ Chí Minh, 1999, trang 17. Khoảng tháng 4, 1993, Ủy ban Kinh thánh Giáo hoàng đã cho ra một văn kiện mang tên “Việc giải thích Kinh Thánh trong Hội Thánh” đưa ra tất cả 12 lối đọc Kinh Thánh trong Giáo Hội Công Giáo và loại hẳn lối giải thích bảo thủ (fondamentaliste). Một phương pháp được dùng nhiều nhất hiện nay là Phương pháp phê bình lịch sử xuất hiện từ thế kỷ XVIII với các nhà chú giải là Johann David Michaelis (1717-1791) và Johann Salomo Semler (1725-1791). Sang thế kỷ XIX dựa trên những thuyết về nguồn gốc văn chương để giải thích các bản văn là các ông Karl Heinrich Graf (1815-1869) và Julius Wellhausen 1844-1918) rồi tiếp đến có Abraham Kuenen (1828-1891), Otto Pfleiderer (1839-1908) và Emile Schơrer (1844-1910). Sau đó có Hermann Gunkel (1862-1932) với lối nghiên cứu “lịch sử các hình thức” (Formgeschichte). Tiến trình của phương pháp phê bình lịch sử được khái quát như sau: 1) Phê bình bản văn; 2) Phân tích bản văn; 3) Phê bình nguồn gốc; 4) Phê bình văn chương; 5) Lịch sử Truyền thống; 6) Lịch sử biên soạn; 7) Tóm lại những khám phá trong tiến trình chú giải và đề nghị ý thần học và hiện tại hóa bản văn. (Theo Lê Phú Hải, OMI, Strasbourg, Pháp.
http://ttntt.free.fr/archive/chugiaithanhkinh.html).
Nhà nghiên cứu Kinh Thánh nổi tiếng, linh mục Nguyễn Thế Thuấn (DCCT) cho biết “ các tiên tri giải thích lịch sử không phải do hoạt động của trí khôn họ mà họ căn cứ vào lời chính Thiên Chúa phán với họ. Đó là ý nghĩa họ thấy chính trong biến cố, khi lòng trí họ mở ra cho Thiên Chúa, cũng như giác quan họ mở ra cho sự kiện bên ngoài.” (Nguyễn Thế Thuấn, Kinh Thánh Trọn Bộ, Tiểu Dẫn Vào Cựu Ước, Nhà xuất bản Tôn Giáo, 2007, trang XXXII).
2.- Xuất Hành 1: 22. Nhóm phiên dịch, Sách đã dẫn, trang 79. Xuất Hành thuộc Ngũ Thư tức là 5 cuốn sách của Cựu Ước gồm sách Sáng Thế (Genesis), Xuất Hành (Exodus), Lê-Vi (Leviticus), Dân Số (Numbers), Đệ Nhị Luật (Deuteronomy), theo truyền thống được coi là do Mô-sê viết nhưng nhiều nhà nghiên cứu về Thánh Kinh sau này không đồng ý vì trong Cựu Ước và Tân Ước chỉ có một vài câu ngắn ngụ ý lời dạy của Mô-sê. Sách Xuất Hành kể lại cuộc ra khỏi Ai-cập như một kinh nghiệm về quyền năng giải phóng của Thiên Chúa. Sách này ghi Mười Điều Răn và một số luật về phụng tự. Có thể Mô-sê đã viết hay đã thu thập tư liệu sách này trong khoảng thời gian từ 1440 đến 1400 trước Công Nguyên. Đối tượng của sách này là những người dân Do Thái đang trong cuộc xuất hành cùng con cháu của họ. Thiên Chúa đã uốn nắn những con người trước kia vốn là nô lệ trở thành một quốc gia thống nhất với 12 bộ tộc, chiếu cố đến nhu cầu vật chất của họ bánh (man-na), nước uống, chim cút, chiến thắng kẻ thù v.v... cho họ các điều luật và lập giao ước với họ. Sách này được coi là một thiên anh hùng ca của lịch sử Do Thái.
3.- Xuất Hành 2: 10. Nhóm phiên dịch, Sđd, tr. 80.
4.- Walter C. Kaiser, Jr. Archaeological Study Bible, Zondervan, 2005, trang 98.
5.- Paul Johnson, A History of the Jews, HarperPerennial, 1988, trang 25.
6.- Xuất Hành 14: 5-31; Nhóm phiên dịch, Sđd, trang 92.
7.- William C. Martin, These were God’s people, A Bible History, The Southwestern Company, Nashville Tenneseee, 1966, trang 49-51.
8.- John Bowker, The complete Bible handbook, an illustrated companion, Dk Publishing, Inc. 1998, trang 52.
9.- William C. Martin, Sách đã dẫn, trang 61.
10.- Walter C. Kaiser, Sđd, trang 110.
11.- Thomas Nelson, Inc., Chronological Study Bible, Explore God’s Word In Historical Order, Nashville, TN, 2008, trang 81
12.- Xuất Hành 13: 18; Nhóm phiên dịch, Sđd, trang 92.
13.- Walter C. Kaiser, Sđd, trang 113.
14.- Giô-suê 2: 10; Nhóm phiên dịch, Sđd, trang 246. Không ai biết chắc chắn sách Giô-suê do người nào viết và viết khi nào, ở đâu. Các học giả đề nghị một thời điểm sách được viết sau khi Giô-suê chết cho đến thời tiên tri Samuel và thời khởi đầu nền quân chủ ngay cả sau thời lưu đày. Theo truyền thống Do Thái, ông Giô-suê đã viết toàn bộ cuốn sách, dĩ nhiên, chỉ trừ phần nói về cái chết của ông. Đây cũng là một thiên anh hùng ca nối tiếp thiên anh hùng ca của cuộc xuất hành. Tất cả các bộ tộc dưới sự chỉ huy của ông vượt sông Gio-đan, chinh phục hết dân này đến dân khác, chiếm lĩnh toàn bộ đất đai Thiên Chúa đã hứa cho. Ông phân chia đất đai cho các bộ tộc và tổ chức đại hội ở Si-khem (Sechem), công bố lại Giao Ước và lập bia chứng ước, đưa hài cốt ông Giu-se, cựu tể tướng Ai-cập về chôn ở Si-khem, tại phần đất ông Gia-cóp (Jacob) đã mua.
15.- Walter C. Kaiser, Sđd, trang 306.
16.- La Bible, TOB, Cerf, 2004, trang 92.
17.- La Bible, Sđd, trang 257.
18.- Giô-suê 2: 10; Nhóm phiên dịch, Sđd, trang 246.
19.- Dân Số 13: 1-24; Đệ Nhị Luật 1: 19-24; Nhóm phiên dịch, Sđd, trang 173. Dân Số là sách tiếp tục viết về cuộc hành trình của dân Do Thái trong sa mạc, nói đến cuộc kiểm tra, tổ chức dân chúng và nghi lễ thánh hiến hàng tư tế ở Si-nai. Truyền thống cho rằng Mô-sê là tác giả sách này. Cũng giống như sách Xuất Hành và sách Lê-Vi, sách Dân Số liên tục lặp lại rằng Thiên Chúa đã ban các điều luật đặc biệt và chỉ thị cho Mô-sê. Có lẽ Mô-sê đã viết và sưu tập lại sách này trong thời gian từ 1440 đến 1400 trước Công Nguyên. Đám dân Do Thái trải qua được thời kỳ đi lang thang trong sa mạc cùng con cháu của họ đã đọc sách này để thúc đẩy ký ức họ nhớ về các tội lỗi và sai lầm của dân Do-Thái, những bất trung của họ đối với Thiên Chúa.
Sách Deuteronomy dịch là Đệ Nhị Luật mà linh mục Nguyễn Thế Thuấn dịch là sách Thứ luật,
Và Mô-sê được coi là tác giả sách này. Đó là những lời ông Mô-sê nói với dân khi đóng trại ở đồng bằng Mô-áp, bên kia sông Gio-đan, đối diện với Giê-ri-khô, nơi sông này chảy vào Biển Chết (Dead Sea). Các trích dẫn của Tân Ước đều coi những đoạn trong Đệ Nhị Luật là của Mô-sê. Ông Mô-sê ôn lại hành trình 40 năm trong sa mạc dưới sự dìu dắt, che chở của Thiên Chúa, tuyên lại Giao Ước, chúc phúc cho toàn dân và qua đời trên đỉnh Pít-ga. Các nhà nghiên cứu Thánh Kinh phái truyền thống cho là sách được viết trước cuộc tiến công vào đất Canaan, khoảng 1440 đến 1400 trước Công Nguyên.
20.- Joan Comay & Ronald Brownriggs, Who’s Who In The Bible, Wings Books, 1998, trang 276.
21.- Dân Số 13: 25-33; Đệ Nhị Luật 1: 25-28; Nhóm phiên dịch, Sđđ, trang 173.
22.- Walter C. Kaiser, Sđd, trang 215.
23.- Đệ Nhị Luật 34: 1-5; Nhóm phiên dịch, Sđd, trang 244.
24.- Sáng Thế 32:25-29, Nhóm phiên dịch, Sđd, trang 58. Sách Sáng Thế, linh mục Nguyễn Thế Thuấn dịch là Khởi Nguyên, thật sự mà nói, do tác giả vô danh viết. Truyền thống lịch sử cho rằng sách đó do Mô-sê viết, nhưng có lẽ không phải toàn bộ cuốn sách. Chúng ta có thể thấy rằng chính Mô-sê trong cương vị là người biên tập hay một sử gia đã thu thập những lời dạy và chỉ thị của Thiên Chúa trong các cuộc thị kiến siêu nhiên với Người. Sách được viết trong khoảng 1440 đến 1400 trước Công Nguyên, tức thời gian dân Do Thái lưu hành trong sa mạc. Cũng có thể sách được viết trong thời dân Do Thái còn ở trong đất Ai-Cập, bảo lưu một số câu chuyện về các tổ phụ hoặc chuyện cá nhân như lời hứa của Thiên Chúa với Abraham, chuyện ông Giu-se, nuôi sống niềm hy vọng cho dân Do Thái một ngày kia sẽ được cứu thoát ách nô lệ Ai-cập. Sách gồm hai phần: Từ chương 1 đến chương 11 là một nỗ lực suy tư khởi đi từ kinh nghiệm tôn giáo của Ít-ra-en nhằm lý giải nguồn gốc vũ trụ và con người, nguồn gốc sự ác và ơn cứu độ; từ chương 12 đến hết (chương 50) trình bày các truyền thống về thủy tổ dân Ít-ra-en và giải thích sự có mặt của họ trên đất Ai-cập.
25.- Giô-suê 1:5, Nhóm phiên dịch, Sđd, trang 245.
26.- Joan Comay và Ronald Brownrigg, Sđd, trang 227.
27.- Giô-suê, 2: 1-22, Nhóm phiên dịch… Sđd, trang 246.
28.- Giô-suê, 6: 22-25, Nhóm phiên dịch… Sđd, trang 250.
29.- Walter C. Kaiser, Sđd, trang 305.
Nguyễn Đức Cung
Nguồn : danchua 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét