Trang

Thứ Sáu, 6 tháng 10, 2017

ĐỨC MARIA LÀ AI TRONG TÂN ƯỚC ?

ĐỨC MARIA LÀ AI TRONG TÂN ƯỚC ?


 
Có một điều thú vị là nếu ai đã từng đọc Kinh Koran của Hồi Giáo thì sẽ thấy Đức Maria được trình bày và nói đến ở đó nhiều hơn trong cuốn Tân Ước của Kitô Giáo. Càng nghiền ngẫm Thánh Kinh ta càng thấy rằng dù cuộc sống của Đức Maria gần như ẩn dật và ra như tầm thường, nhưng Mẹ lại có một vai trò vô cùng quan trọng –có thể nói không thể thay thế- trong kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa. Mẹ đã có mặt trong những thời điểm mang tính quyết định nhất. Chúng ta cũng từng bước thấy rõ sự hoạt động diệu kỳ của Chúa Thánh Linh : sự thật về giá trị và vị thế vô song của Mẹ Maria càng lúc càng được vén mở.
Sở dĩ Mẹ Maria có vai trò quan trọng không ai bì được trong hoạch định của Thiên Chúa, vì từ thuở đời đời, Thiên Chúa đã tiền định ngài làm Mẹ của Ðức Giêsu và như thế, có liên hệ mật thiết với Người trong sự tạo dựng và cứu chuộc nhân loại. Chúng ta có thể nói như thế bởi vì quyết định tạo dựng và cứu chuộc của Thiên Chúa được tiếp nối trong quyết định Nhập Thể. Mà Ðức Maria là một công cụ của Thiên Chúa trong biến cố Nhập Thể, nên cùng với Ðức Giêsu, Mẹ có một vai trò trong sự tạo dựng và cứu chuộc. Ðó là vai trò mà Thiên Chúa đã trao phó, là ân sủng Thiên Chúa mà từ khởi thủy cho đến tận cùng chưa hề có ai có được diễm phúc đó. Chính nhờ ơn Thiên Chúa mà Mẹ Maria trở nên nhân vật ưu tuyển, cao trọng nhất trong nhân loại.
Ngài là người mẹ-đồng-trinh đã hoàn tất lời tiên tri Isaiah 7:14 trong một phương cách mà tiên tri Isaiah không thể ngờ. Ngài được kết hợp với Con của ngài để thể hiện thánh ý Thiên Chúa (Tv 40:8-9; Dt 10:7-9; Lc 1:38).
Mẹ Maria bước vào Tin Mừng thật sớm, thật nhẹ nhàng, và giản dị đến nỗi nếu không chú ý thì không thể nhận ra. Thánh Phaolô trong thư gởi tín hữu ở Ga-lát (vào khoảng năm 57), khi trình bày về nhân tính của Chúa Giêsu, chỉ viết một câu đơn giản và cũng không nêu danh tính của Mẹ :”Nhưng khi thời gian tới hồi viên mãn, Thiên Chúa đã sai Con mình tới, sinh làm con một người đàn bà, và sống dưới Lề Luật” (Gl 4:4). Rõ ràng đây là nguồn sớm nhất trong Tin Mừng nói về Mẹ Maria, có giá trị lịch sử chắc chắn nhất, dù rằng sau đó thánh Phaolô không bao giờ nhắc đến Mẹ Chúa Giêsu thêm một lần nào nữa trong các thư của ngài.
Mấy năm sau, khoảng năm 65, Máccô thánh sử viết sách Tin Mừng - có lẽ là cuốn đầu tiên, trong đó, ngài chỉ trình bày thoáng qua về Mẹ. Đức Maria chỉ xuất hiện một lần duy nhất : “Mẹ và anh em Đức Giê-su đến, đứng ở ngoài, cho gọi Người ra” (Mc 3:31), và được nhắc đến tên ở một chỗ khác “Ông ta không phải là bác thợ, con bà Ma-ri-a…” (Mc 6:3). Nếu đọc thoáng qua cuốn Tin Mừng này, ta có cảm tưởng là Mẹ Maria - cũng giống như các thân nhân khác của Chúa Giêsu – đã không hiểu được Chúa hay sứ vụ của Ngài. Điều này không có gì đáng ngạc nhiên, vì theo Tin Mừng thánh Máccô, thì không  ai thực sự  hiểu được Chúa Giêsu hay sứ vụ của Ngài, kể cả các tông đồ thân tín nhất, mãi cho đến khi Ngài bị đóng đinh.
  Quả là sai lầm nếu chỉ căn cứ vào những bản văn sớm nhất của Tin Mừng mà đi đến kết luận rằng vai trò của Mẹ Maria không quan trọng trong chương trình cứu độ của Thiên Chúa ; bởi vì, khi đọc Thánh Kinh ta phải có cái nhìn tổng thể, chứ không chỉ dừng lại một câu, hoặc một đoạn để quyết đoán. Cứ lần lượt đọc hết các sách Tin Mừng, ta thấy các tác giả Tin Mừng sau thánh Maccô, như thánh Luca hay Gioan, đều cho thấy Chúa Thánh Thần càng về sau càng linh hứng rõ nét vai trò độc nhất vô nhị của Mẹ Maria. Riêng với thánh sử Máccô, ta có thể hiểu được chọn lựa của ngài khi biết rõ bối cảnh Tin Mừng được viết : ngài  viết cho người Do Thái và cho các Kitô hữu gốc dân ngoại đang sinh sống ở Rôma . Các học giả cho rằng cuốn Tin mừng này được sáng tác trước năm 70 nhưng sau cái chết của thánh tông đồ Phêrô (giữa năm 64 và 67, suốt thời ký cấm bắt bớ của Nerô) .
Tưởng cũng nên nhắc đến nguyên nhân dẫn đến sự bắt bớ, trả thù người Kitô hữu vào thập niên 70. Số là vào năm 64, trong khi Nerô Hoàng Đế đang đi kinh lý bên ngoài, thì thành phố Rôma bốc cháy dữ dội. Những đám cháy kéo dài đến năm ngày mới tắt, thiêu hủy hoàn toàn ba quận hạt và làm thiệt hại nặng nề bảy quận hạt khác (Rôma có mười bốn quận hạt tất cả). Nguyên nhân và ai là thủ phạm gây nên những đám cháy cho đến bây giờ vẫn chưa có bằng chứng rõ ràng. Vào thời điểm đó, dân chúng ở Rôma thì cho rằng Nerô cố tình đốt để xây dựng thêm cung điện của mình. Còn Nerô thì cho rằng đám “Kitô hữu” đã đốt Rôma ; do đó, ông đã ra lệnh bắt bớ người Kitô hữu để trả thù. Đây cũng là lý do hai vị đại tông đồ của Giáo Hội đã chịu tử đạo trong thời kỳ này. Các Kitô hữu thời này sống trong môi trường mà mối đe dọa bị bắt bớ và có thể bị tống ngục bất cứ ở đâu lúc nào, đồng thời vừa bị dân chúng và các vị có thẩm quyền của đế quốc Rôma coi thường, nghi kỵ.
Mặt khác, cũng tồn tại những lủng củng trong những cộng đoàn Kitô hữu ở Rôma (gồm phần lớn các Kitô hữu gốc Do Thái trở lại tại chỗ do các thừa sai từ cộng đoàn Giêrusalem) , bởi vì những cộng đoàn này bao gồm nhiều Kitô hữu Do Thái thuộc về những Hội Thánh địa phương khác nhau tại quê nhà. Tất nhiên, mỗi cộng đoàn có thể bày tỏ những quan điểm riêng của mình đối với mối tương quan với di sản Do Thái giáo. Cộng với những bất hòa giữa các cộng đoàn Kitô hữu và những căng thẳng giữa các Hội Thánh Kitô giáo gốc Do Thái, và những người Do Thái không phải là Kitô hữu, tất cả có thể trở nên nguy hiểm về mặt chính trị, nghĩa là tạo nên sự bất ổn toàn diện.  Bởi vậy, cộng đoàn Kitô hữu ở Rôma luôn sống trong tình trạng lo âu, bất ổn, nguy hiểm  chực chờ, luôn phải đề phòng, đối phó (người Kitô hữu có thể bị chỉ điểm hoặc bị nộp cho chính quyền Rôma bất cứ lúc nào). Và trong bối cảnh đặc biệt đó, Máccô đã sáng tác Tin Mừng này nhằm củng cố các cộng đoàn Kitô hữu, để họ sống trong sự trung thành với Đức Kitô và hòa hợp với nhau.
Thiết tưởng cũng nên nói thêm về Máccô thánh sử, ngài đã trình bày Chúa Giêsu khác với các thánh sử còn lại. Ngài trình bày ngắn nhất trong bốn Tin Mừng, thuật lại cuộc sống và thừa tác vụ của Chúa Giêsu, đã tạo nên nét độc đáo, chiều kích đặc biệt, phong cách riêng cho Tin Mừng của ngài. Thí dụ : chúng ta thấy Chúa Giêsu của Máccô là Con Thiên Chúa được nhấn mạnh và giới thiệu ngay câu đầu tiên : “Khởi đầu Tin Mừng Đức Giê-su Ki-tô, Con Thiên Chúa” (Mc 1:1). Đối với độc giả, việc phác họa chân dung Chúa Giêsu của Máccô chỉ đưa đến một kết luận duy nhất: con đường đến với ơn cứu độ là cùng đi với Chúa Giêsu, chấp nhận bị từ chối, ruồng bỏ, bắt bớ và thập giá. Mặc dù khó khăn để khẳng định với sự kiên trì, Chúa Giêsu là Người Con trung thành của Thiên Chúa vì Người là Người Đầy Tớ Thống Khổ thật sự của Giavê. Chính việc hình dung Đức Kitô cách độc đáo này, một cái nhìn mà các môn đệ khó chấp nhận, thì Máccô thánh sử lại khẳng định cách vô điều kiện trong lời nói của một người không phải môn đệ của Chúa, một người dân ngoại, có quyền uy, kiến thức, hiện diện khi Chúa chết : đó là viên đại đội trưởng quân đội Rôma “Quả thật, người này là Con Thiên Chúa” (Mc 15:39). Với những lời nói này, thánh Máccô đã đưa ta trở về lại nơi ngài đã khởi sự (Mc 1:1). Khi bắt đầu kể cho ta Tin Mừng về Chúa Giêsu, Con Thiên Chúa, ngài đã khai mở một câu chuyện càng lúc càng đau đớn, và kết luận bằng cách cho ta thấy trung thành với Thiên Chúa, và “Con Thiên Chúa” đích thực là gì.
Bởi vậy, tuy là một người chữa lành và trừ quỉ đầy quyền năng, nhưng lại còn là vị tôi tớ trung thành và đau khổ của Thiên Chúa. Qua việc nhấn mạnh Chúa Giêsu như Đấng Mêsia đau khổ, Thánh sử Maccô đã cố gắng tìm cách cũng cố lòng tin và lòng trung thành của các Kitô hữu đang bị bách hại với vị Thầy của mình. Các Kitô hữu đang phải đương đầu với thực tại khắc nghiệt như là đặc tính chủ yếu của việc làm môn đệ. Cho dù khổ đau và bắt bớ, cũng không phải là một trở ngại đối với ơn cứu độ và sự sống, mà còn tạo nên chính con đường đưa tới sự sống và ơn cứu độ, không chỉ đối với Chúa Giêsu mà thôi mà còn đối với các môn đệ nữa. Đối với thánh sử Máccô và cộng đoàn của ngài thì Chúa Giêsu được và phải được hiểu như vị Mêsia thống khổ, khi diễn tả sự trung thành của Người đối với Cha trong cương vị là Con Thiên Chúa đích thật. Ai muốn theo Người phải “từ bỏ mình và vác thập giá mà theo Người” (Mc 8:34)
Do đó, ta không ngạc nhiên với cách trình bày về Mẹ Maria của Thánh Máccô ! Chưa kể chính lối trình thuật quá ngắn lại tối nghĩa của thánh nhân đã khiến một số người vội vã cho rằng Đức Giêsu xem thường hoặc làm giảm giá trị vai trò của Mẹ Maria. Thí dụ : “Mẹ và anh em Đức Giê-su đến, đứng ở ngoài, cho gọi Người ra. Lúc ấy, đám đông đang ngồi chung quanh Người. Có kẻ nói với Người rằng: "Thưa Thầy, có mẹ và anh em chị em Thầy ở ngoài kia đang tìm Thầy! " Nhưng Người đáp lại: "Ai là mẹ tôi? Ai là anh em tôi? " Rồi Người rảo mắt nhìn những kẻ ngồi chung quanh và nói: "Đây là mẹ tôi, đây là anh em tôi. Ai thi hành ý muốn của Thiên Chúa, người ấy là anh em chị em tôi, là mẹ tôi." (Mc 3: 31-35). 
Để giải thích điều này, Chân Phước John Henry Newman  nêu lên hai lý do:
Thứ nhất, qua nhiều thế kỷ, các thiếu nữ Israel luôn ao ước, trông chờ mình sẽ sinh Đấng Cứu Thế cho dân tộc, và hoàn toàn không biết gì về ý nghĩa thánh thiêng, cao cả của biến cố trọng đại có một không hai này. Bởi vậy, họ chỉ ao ước lập gia đình; và như thế, đám cưới được xem như  một vinh dự đặc biệt đối với họ. Dĩ nhiên, lúc này, người Do Thái chưa hiểu được rằng hôn nhân là một lệnh truyền của Thiên Chúa, và Đức Kitô đã nâng sự kết hợp vợ chồng lên hàng bí tích (một sự kết hợp thánh thiện, bền chặt, biểu tượng cho sự kết hợp giữa Đức Kitô và Hội Thánh). Những gì họ có thể nghĩ ra được, đó là liên kết tôn giáo với niềm vui của thế giới này, chứ chưa biết là phải từ bỏ thế giới này để có được thế giới đích thực mai sau.
Họ không hiểu rằng sự khó nghèo tốt hơn sự giàu có, không tiếng tăm hơn là nổi danh, chay tịnh và tiết chế hơn hẳn tiệc tùng, và trinh khiết thì tốt hơn lập gia đình. Bởi vậy cho nên khi người phụ nữ trong đám đông lên tiếng thưa với Người: "Phúc thay người mẹ đã cưu mang và cho Thầy bú mớm! " Nhưng Người đáp lại: "Đúng hơn phải nói rằng: Phúc thay kẻ lắng nghe và tuân giữ lời Thiên Chúa." (Lc 11:27-28). Ngài dạy cho người phụ nữ này, và cho tất cả những kẻ nghe Ngài rằng linh hồn thì quý hơn thân xác, và việc kết hiệp với Ngài trong tinh thần thì tốt hơn là kết hiệp với Ngài trong xác thịt. Khi tuyên bố như vậy, Chúa Cứu Thế không hề dễ duôi, nhưng trái lại đang đề cao chính Mẹ của mình ; bởi vì, trên thế gian này, từ trước đến nay, có ai vâng lời Thiên Chúa và thi hành thánh ý của Ngài cách triệt để bằng Mẹ Maria chí thánh đâu ?!
Thứ hai, trong ba mươi năm đầu tiên, Đấng Cứu Thế sống dưới cùng một mái nhà với Mẹ. Sau khi trở về Na da rét từ Giêrusalem, lúc mười hai tuổi, cùng với Mẹ Maria và thánh Giuse, Ngài luôn vâng phục các ngài. Tuy nhiên, sự phục tùng đó, sự phục tùng thường thấy trong cuộc sống gia đình, đã không kéo dài mãi. Ngài đã từng nói và hành động khác thường, như có lần nhấn mạnh với ông bà rằng Ngài còn  những nhiệm vụ khác nữa phải chu toàn. Khi tìm gặp Ngài trong đền thờ, ông bà ngạc nhiên khi thấy Ngài đang ngồi ở giữa các tiến sĩ, Ngài đã trả lời: "Sao cha mẹ lại tìm con? Cha mẹ không biết là con có bổn phận ở nhà của Cha con sao? "(Lc 2:49). Đây là sự dự đoán, báo trước cho thời gian Ngài sẽ thi hành sứ vụ của mình, Ngài sẽ rời khỏi nhà mình. Trong ba mươi năm thực hiện bổn phận của mình đối với gia đình, cha mẹ, Ngài vẫn luôn liên tưởng đến công việc của Cha Ngài, Ngài nôn nóng mong chờ thời điểm ấy (theo đức cố Tổng Giám Mục Fulton Sheen, vào thời ấy một người muốn giảng dạy hay truyền bá một ý tưởng hay giáo thuyết riêng biệt nào đó, phải đủ ba mươi tuổi). Rồi khi thời điểm để thi hành sứ vụ đến, Ngài đã rời bỏ gia đình, rời bỏ cả người Mẹ rất mực thương yêu mình.
Trong Cựu Ước, các thầy tư tế Lê-vi được dân Do Thái ca ngợi vì họ lìa bỏ gia đình cha mẹ khi thi hành nhiệm vụ của mình, đến nỗi họ tuyên bố không biết cha mẹ, anh em, và cả con cái mình . Nếu như các “linh mục” bình thường mà còn thi hành những điều lề luật qui định như thế, huống chi vị Linh Mục Tối Cao của Tân Ước, Đấng đã vẽ ra mô hình của những nhân đức để các thầy tư tế Lê-vi noi theo mà được tưởng thưởng. Chính Ngài đã phán :”Ai yêu cha yêu mẹ hơn Thầy, thì không xứng với Thầy. Ai yêu con trai con gái hơn Thầy, thì không xứng với Thầy” (Mt 10:37), và Ngài cũng bảo chúng ta rằng :” Phàm ai bỏ nhà cửa, anh em, chị em, cha mẹ, con cái hay ruộng đất, vì danh Thầy, thì sẽ được gấp bội và còn được sự sống vĩnh cửu làm gia nghiệp” (Mt 19:29). Những lời dạy này đã trở thành hiện thực, và Đấng ban giáo huấn đã làm gương cho chúng ta. Khi bảo các môn đệ hãy từ bỏ tất cả những gì mình có vì lợi ích Nước Trời, thì chính bản thân, Ngài cũng làm tất cả những gì có thể (từ bỏ mái ấm gia đình và cả Mẹ) để ra đi thi hành sứ vụ rao giảng Tin Mừng.
Do đó, ngay từ lúc bắt đầu sứ vụ của mình, Ngài chối bỏ mẹ mình, trở thành xa lạ với Bà. Khi thực hiện phép lạ đầu tiên tại tiệc cưới Cana, Ngài đã tỏ lộ điều đó. Ngài làm phép lạ đầu tiên do sự gợi ý mang ý nghĩa nài xin của Mẹ Ngài, nhưng Ngài cũng đồng thời tuyên bố là Ngài đang bắt đầu tách rời khỏi Bà :”Thưa bà, chuyện đó can gì đến bà và tôi?  Và một lần nữa “Giờ của tôi chưa đến.” (Ga 2:4). Hẳn là lúc đó, trong tâm tư, Đấng Cứu Thế thưa với Mẹ : “ Khi giờ đó đến, Con sẽ lại thừa nhận Mẹ. Mẹ ơi ! Lúc bấy giờ Mẹ sẽ được đầy quyền uy, với Con, Mẹ muốn gì, cầu bầu cho ai cũng được, con sẽ làm bất cứ điều gì Mẹ yêu cầu, nhưng bây giờ Con phải tách rời Mẹ, phải xa lạ với Mẹ, phải như quên Mẹ”.
Từ dạo đó, chúng ta không hề nghe nhắc đến lần gặp gỡ nào nữa giữa hai mẹ con, mãi cho đến khi Ngài gặp lại Bà đứng dưới chân thập giá. Trong Tin Mừng còn có câu chuyện thuật lại việc các bạn bè Ngài đi tìm để đem Ngài về. Hồi đó, Mẹ Maria đã không chịu ở nhà, nhưng cùng đi với họ. Khi nhận được tin có mẹ và anh em đang tìm cách nói chuyện với mình, thay vì bước ra gặp và nói chuyện, Ngài trả lời một cách nghiêm nghị rằng :”Ai là mẹ tôi ? Ai là anh em tôi ?... “ (Mt 12:46-50) nghĩa là, như đã xảy ra, Ngài đã từ bỏ tất cả để thi hành sứ vụ mà Chúa Cha trao phó, và như thế, vì lợi ích của chúng ta Ngài đã được sinh ra bởi Đức Trinh Nữ, và cũng vì lợi ích của chúng ta Ngài đã lìa bỏ Đức Trinh Nữ Mẹ Ngài, để có thể làm công việc của Cha và tôn vinh và Cha.
Chúa Giêsu đã lìa bỏ Mẹ Maria chí thánh, nhưng lúc hấp hối trên thập giá, khi Ngài nói: “Thế là đã hoàn tất” (Ga 19:30) thì đó cũng là lúc chấm dứt sự chia lìa giữa hai mẹ con. Ngay khoảnh khắc trước đó, Mẹ Maria có mặt ở đó, như để cùng bước vào biến cố Vuợt Qua của Con mình. Khi thấy Mẹ đứng duới chân thập giá, Chúa Giêsu đón nhận lại Mẹ mình. Và giờ của Ngài đã đến, Ngài nói :”Thưa Bà, đây là con của Bà.”,  và Ngài nói với Gioan : “Đây là mẹ của anh.” (Ga 19:26-27).
Qua diễn tiến trên đây, ta có thể nói chính xác một điều : muốn hiểu được sự đau khổ của Chúa Giêsu, đó là, ta phải trước hết cảm nghiệm  được sự đau khổ của Mẹ Ngài, hay nói cách khác muốn biết đầy đủ về Chúa Giêsu, ta phải bắt đầu từ Mẹ Ngài. Muốn hiểu được Mẹ Maria, ta phải đặt mình dưới chân thập giá, nhìn thấy Mẹ đang đứng đó, Mẹ nhìn lên mà lòng như bị mũi đòng đâm thấu tâm can. Hãy tưởng tượng ra cảm xúc của Mẹ lúc bấy giờ, và đặt mình trong tâm trạng ấy. Hãy xem Mẹ như mẫu thức tuyệt vời của chúng ta. Cảm nhận những gì Mẹ cảm nhận, ta sẽ nhận thức được giá trị của sự thương tiếc trước cái chết và cuộc khổ nạn của Đấng Cứu Tinh của Mẹ và của cả chúng ta.
Bên cạnh đó, chính sự kiện Chúa Giêsu lìa bỏ gia đình và thân nhân để thi hành sứ vụ của mình đã chứng tỏ Ngài luôn trung thành với những điều Ngài dạy các môn đệ hoặc hứa hẹn. Chúng ta có thể tự hỏi ai đặt ra Mười điều răn ! Nếu Thiên Chúa là tác giả thì chắc chắn ta không lạ lùng gì khi thấy Ngài sẽ thực hiện cách nghiêm chỉnh, triệt để, những điều răn đó hơn cả chúng ta. Đây là lý do tại sao mọi lời bầu cử của Mẹ Maria đều được Thiên Chúa nhậm lời, đến nỗi ta có thể tin rằng Mẹ là Đấng giữ kho báu của Thiên Chúa. Mẹ đựợc toàn quyền ban phát cho những ai kêu cầu, dĩ nhiên Mẹ không cần phải trình báo hay hỏi ý kiến Con Mẹ, vì Con Mẹ đã biết trước tất cả mọi sự, trước khi nó xảy ra.
Phaolô Ngô Suốt

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét