Trang

Thứ Tư, 11 tháng 10, 2017

Thần học và văn chương

Thần học và văn chương


Olivier-Thomas Venard Linh mục Olivier-Thomas Venard, tu sĩ Đa Minh, tỉnh dòng Toulouse (Pháp), giảng dạy tại Trường Thánh Kinh Giêrusalem. Linh mục vừa cho xuất bản tập đầu tiên của một công trình đồ sộ gồm ba tập “Tôma Aquinô thi sĩ thần học”. Đây là cơ hội cho một cuộc gặp gỡ với một nhà thần học và Thánh Kinh học trẻ tuổi vốn không đợi tuổi tác để bộc lộ các tài năng của mình. 
 
Christophe Geffroy, ủy viên Ban biên tập tạp chí La Nef, đã thực hiện cuộc phỏng vấn linh mục Venard.
La Nef – Với Pagina Sacra, cha hoàn tất tác phẩm đồ sộ gồm ba tập của mình. Xin cho biết ý định của cha khi thực hiện công trình này? 

 

Lm Vénard - Từ lâu, người ta tiếp cận thánh Tôma trước tiên với tư cách một nhà xây dựng tư tưởng.

 

Người ta có khuynh hướng đọc thần học của ngài như đọc một hệ thống triết học, trong đó “tất cả đều ăn khớp với nhau”, và trong đó mọi sự đều được rút ra từ những nguyên lý tiên khởi. Nhưng Tôma lại cũng là một nhà văn, với những cuộc vật lộn cùng từ ngữ. Một số bản thảo của ngài chúng tôi còn giữ được cho thấy rõ nhà thần học đã phải vật lộn như thế nào với câu, từ để xây dựng Tổng luận của mình. Thật chẳng khác gì các kiến trúc sư thời đó đã phải vật lộn với đá, với các định luật của trọng lực để thực hiện những mái vòm ngày càng bay bổng trên không của các nhà thờ chính tòa!
 
Như đầu đề của bài này cho thấy: Tôma Aquinô là một thi sĩ thần học, công trình gồm ba tập của tôi là một nỗ lực làm nổi bật cái kỳ tích văn chương chứa đựng trong công trình của vị thánh cả: Thần vụ Thánh Thể của ngài quả là một kho tàng phong phú đầy âm thanh và ngữ nghĩa trác tuyệt.

Làm sao ngài lại có thể quên mình là thi sĩ khi viết thần học! Cũng như các nhà tư tưởng hiện đại, ngài hiểu rõ ngôn ngữ quả là mong manh và tương đối làm sao để tiếp cận chân lý và thực tại, tuy nhiên ngài đã dám viết hàng ngàn câu về Thiên Chúa với sự vững tin thanh thản. Đâu là bí quyết của ngài? Ngày nay liệu có thể tìm thấy lại sự táo bạo này của nhà thần học? Đó là những câu hỏi tôi cố gắng tìm cách trả lời, tuy vẫn ý thức về điều gì đã xảy ra trong lịch sử nền văn hóa của chúng ta từ thế kỷ XIII.
 

Cha thấy giữa thần học và văn chương có quan hệ gì với nhau?


Thứ văn chương vĩ đại, thứ văn chương đi tìm chìa khóa của thực tại và tâm hồn con người không thể lẩn tránh cái bí ẩn của hiện hữu và, thâm sâu hơn nữa, mầu nhiệm Thiên Chúa. Khi được viết lên bằng từ ngữ, thần học nhất thiết phải mang chiều kích văn chương, bởi vì từ ngữ vốn ‘cưỡng lại’ tư tưởng như đá trước cái đục, cái chàng của nhà điêu khắc.

Từ thời Platon, thế giới ‘ngoại đạo’ duy trì cái ý tưởng cho rằng giữa thi sĩ và nhà tư tưởng có một sự kình địch. Nhưng sự khôn ngoan của Thánh Kinh lại tôn sùng các ngôn sứ và ký lục, như những trung gian giữa tư tưởng của Thiên Chúa và từ ngữ! Chính Chúa, qua các dụ ngôn của Ngài, là một thi sĩ vĩ đại và qua các diễn từ của Ngài, là nhà tu từ hoàn hảo, như thánh Tôma nói. Lòng tin của chúng ta nơi việc nhập thể của Lời Thiên Chúa bắt buộc chúng ta phải nhìn ngôn ngữ với con mắt nghiêm túc: nơi Đức Kitô, đó chính là sự thông hiệp được tái lập giữa vật chất và tinh thần, hình thức và ý nghĩa, thế giới và ngôn từ! Ngài đến để tái lập sự phối hợp của hiện hữu và ngôn ngữ đã bị tội lỗi phá hủy khi dùng ngôn ngữ phục vụ cho lời dối trá…
 
Tập sách đầu tiên của tôi có tựa đề là Văn chương và thần học: một thời nơi hỏa ngục. Đây là một món nợ ơn nghĩa đối với Rimbaud, con người đã có cái thiên tài để hiểu được rằng công trình của các nhà văn hiện đại là tranh tài với việc nhập thể của Lời và rằng, trừ phi phải nhượng bộ cái siêu nhiên, lời con người là vô nghĩa. Nhiều khi người ta không biết rằng Thời nơi hỏa ngục của ông, đầy tiếng kêu chống lại Kitô giáo theo khuynh hướng jansênit mà ông hiểu rõ, đã được viết ở trang sau của các chú giải về Tin Mừng theo thánh Gioan bày tỏ lòng kính phục sâu sắc của ông đối với Đức Kitô.

 

Các tác giả nào đã tác động Cha hơn cả? 
 

Về phía các nhà thần học, chắc chắn là thánh Tôma rồi, nhưng còn có cả Jean de Saint Thomas, Louis Chardon, nhà huyền bí theo khuynh hướng Thomas của Đại Thế kỷ, Étienne Gilson, Jacques Maritain, Serge-Thomas Bonino, John Milbank, Catherine Pickstock. Về phía văn chương, tôi sẵn sàng nêu các tên tuổi Mallarmé, Rimbaud và Claudel (cầu nối giữa họ và thánh Tôma), và cả Philippe Jaccottet, Yves Bonnefoy hay Jean-Pierre Lemaire nữa. Thời đại chúng ta là một trong những thời đại tốt đẹp nhất của thi ca Pháp: cần phải đọc các thi sĩ! Giữa văn chương và thần học, tôi rất ấn tượng bởi một E. R. Curtius, một Jacques Vier hay bởi một Gadamer. Và nhất là bởi Alain Michel qua mọi thời đại: chính qua tác giả này mà tôi được hưởng sự tỏa sáng gián tiếp của Balthasar.
 

Trong Pagina sacra, Cha trích dẫn chủ yếu các tác giả anglo-saxon. Phải chăng, tại Pháp, chẳng còn thần học gia nào nữa sao?


Việc loại bỏ thần học khỏi đại học tại đất nước chúng ta đã có những hậu quả làm môn thần học teo lại. Trên bình diện kinh tế và dân số: sự nghèo túng của các Viện Công giáo đã giảm bớt sự tài trợ cho các hoạt động nghiên cứu căn bản; và bởi vì chẳng còn có thể kiếm ra “nghề”, con số các sinh viên trở nên rất hạn chế. Với một công chúng hạn chế như vậy, thị trường sách thần học cũng trở nên èo uột và chẳng mấy khuyến khích người ta bỏ tiền tài trợ việc nghiên cứu. Việc đầy ải nền thần học cũng có những tác động về mặt học thuyết: các thần học gia có khuynh hướng bám vào thể chế giáo hội, vào một thời thể chế này phải trải qua một cuộc khủng hoảng trầm trọng về chuyển giao. Do đó, các vấn đề được đặt ra và các sách xuất bản nhiều khi phản ánh “cái đúng về mặt tôn giáo”, theo đuôi các khoa học nhân văn.

Các khoa thần học tại các đại học anglo-saxon có may mắn hơn và lôi kéo được sự chú ý của một thị trường rộng hơn gấp mười lần. Và bởi vì trong cái thế giới ở đó người ta không nghĩ tới việc thần thánh hóa tính trần thế, các thần học gia còn có thể tiếp tục vai trò cảm hứng đối với các ngành khác: chẳng hạn Tôma Aquinô tiếp tục là một điểm quy chiếu sống động trong các ngành khoa học chính trị hay luật pháp. Tôi có thể nói thêm là truyền thống tu từ học của anglo-saxon, với sở thích của nó về dụng học, đã khiến các nhà thần học nhạy cảm hơn đối với vấn đề ngôn ngữ.

Cũng may, tại đất nước chúng ta, cũng còn một vài điểm mạnh, trong thần học luân lý hay trong khoa học Thánh Kinh, hay trường này, trường nọ (chẳng hạn studium của chúng tôi ở Toulouse). Nhưng sự lu mờ của ngành siêu hình học, vốn đi kèm tình trạng ngôn ngữ bị lãng quên, vẫn chưa kết thúc. Nhiều nhà thần học trẻ hay triết gia công giáo gặp gỡ tại Paris trong những năm gần đây đang khao khát có được cảm xúc và hưng phấn: cầu mong các giám mục của chúng ta vốn phải là những tiến sĩ của lòng tin nhận ra họ và thôi thúc họ!


John Milbank, người gợi cảm hứng cho Radical Orthodoxy, đã viết Lời bạt cho tập sách của Cha: theo Cha, sự đóng góp chính của phong trào này là gì?


Chỉ là những nền tảng của một nền thần học văn hóa theo đúng nghĩa của từ này! Các tác giả của Radical Orthodoxy chú trọng tới điều kiện ngôn ngữ - thực sự “văn chương”, - của tư tưởng con người, như một sự kiện thần học. Theo trường phái của các nhà tư tưởng chống trào lưu Ánh sáng của thế kỷ XVIII, họ nhận thấy là các ý tưởng chỉ nổi lên qua trung gian ngôn ngữ học giữa con người và thực tại. Vấn đề ngôn ngữ thực sự là vấn đề hàng đầu: nó bao gồm trong mọi cách đặt vấn đề khác, kể cả vấn đề về sự thật, khi nó được bộc lộ. Chính vì thế, người ta không thể đồng hóa văn hóa và các thể loại nghệ thuật, vốn là một sự mở rộng của ngôn ngữ, với một thứ “trang trí” đơn thuần được khoác thêm vào một mạc khải hay một học thuyết có thể tồn tại mà không cần đến nó! Milbank đề nghị sự tham gia của lý trí con người vào sự hiểu biết Thiên Chúa có sự tham gia của ngôn ngữ con người, với tính cách dấu chỉ có thể cảm nhận được, vào Lời Thiên Chúa. Điều này tự động diễn ra trong nhiều thế kỷ mà Kitô giáo không phải vất vả nói ra, nhưng ngày nay, đối diện với sự bùng nổ của chủ nghĩa phi lý trí, xem ra khẩn thiết phải ý thức về điều này. Xem ra giáo huấn của Đức Giáo hoàng Bênêđictô XVI về “tôn giáo logic” đi theo chiều hướng này.
Suy nghĩ về sự tham gia của ngôn ngữ con người vào Lời Thiên Chúa kéo theo những hậu quả siêu hình học quan trọng: có lẽ phải kể ngôn từ vào số những tiên nghiệm. Nhưng điều đó cũng có những hậu quả trên việc làm thần học: người ta tìm thấy lại được sự cảm hứng! Một khi lòng tin tưởng vào lời được khôi phục trong sự tiếp xúc với mạc khải, thần học có thể lại trở thành việc tìm kiếm Thiên Chúa với các ngôn từ như thánh Tôma Aquinô đã làm. Thần học cũng có thể trở lại vị trí tiên phong của phong trào văn hóa, chứ không còn phải theo đuôi những biến chuyển của thế gian…


Tại Thánh Địa, nơi cha đang sống, cha đã tham dự vào các cuộc gặp gỡ liên tôn giáo, đặc biệt, Do thái - Kitô giáo. Cha cũng đã dấn thân trong phong trào “Công lý và Hòa bình”. Giữa các việc dấn thân có tính cách thời cuộc và các công trình thần học “căn bản” có quan hệ gì với nhau không? 
 

Giêrusalem dưới đất buộc nhà thần học không được rời chân khỏi mặt đất. Ở đây mọi phạm trù đẹp đẽ của thần học truyền thống đều trải qua lò thử thách của nhân loại vốn phạm tội… nhân danh Thiên Chúa! “Dân được chọn” tìm lại “Đất Hứa”: người ta hy vọng những điều kỳ diệu! Trong thực tế, người ta bị kẹt giữa mối thiện cảm “có tính cách tín lý” đối với Do Thái giáo và trạng thái mệt mỏi trước việc Israel xâm chiếm các Lãnh thổ; giữa sự cảm thông “mang tính bác ái” đối với dân Palestin và nỗi khó chịu trước chủ nghĩa Hồi giáo… Ở đây, chẳng có điều gì người ta nghĩ hay nói về Thiên Chúa còn nằm trong sách vở. Điều này có những hậu quả nhanh chóng trên đời sống người dân. Trong bối cảnh này, sự bác ái cụ thể đối với người đồng loại là sự khẩn thiết hàng đầu và nó có thể biểu lộ đối với nhà thần học công giáo trong cuộc gặp gỡ liên tôn giáo.

Nó ngăn cản chúng ta chiếm làm của riêng mầu nhiệm Thiên Chúa, trong khi chúng ta chìm vào sự chiêm ngưỡng sâu sắc hơn bao giờ hết trước sự nhập thể của mầu nhiệm này nơi Chúa Giêsu Kitô. Tại Thánh Địa, đến cả không khí chúng ta hít thở cũng mang tính thần học!


Và việc chú giải Thánh Kinh, trong tất cả các thứ đó?
 

Học Thánh Kinh tại đất nước của Thánh Kinh, như chúng tôi đang làm tại Trường, điều này thay đổi tất cả. Đặc biệt, tìm hiểu Tân Ước trong bối cảnh Do Thái của Tân Ước trước thời Do Thái giáo của các rabbi, chung với các bạn đồng nghiệp của chúng tôi tại Đại học Hipri, giúp chúng tôi có được những bước tiến bộ lớn trong việc tiếp cận bản tính nhân loại của Đức Giêsu trong nền văn hóa của bản tính này. Điều làm cá nhân tôi say mê, đó là càng ngày càng khám phá ra rằng lòng tin vào sự nhập thể của Thiên Chúa, dù không cái nhiên đến đâu đi nữa, thì vẫn có thể xảy ra về mặt văn hóa trong nền văn hóa Do Thái của xứ Palestin vào thế kỷ I... Nhưng cần phải trở lại với các vấn đề này vào lần khác!

Christophe Geffroy thực hiện 
 
Nguồn : La Nef , số 211, tháng Giêng 2010

NN dịch

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét