Trang

Thứ Sáu, 6 tháng 10, 2017

THẦN HỌC MỤC VỤ SỨ NGÔN GIÁO LÝ

THẦN HỌC MỤC VỤ SỨ NGÔN GIÁO LÝ


THẦN HỌC MỤC VỤ SỨ NGÔN GIÁO LÝ


(THÉOLOGIE PASTORALE PROPHÉTIQUE CATÉCHÉTIQUE)
 
WGD trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc giáo trình THẦN HỌC MỤC VỤ GIÁO LÝ của linh mục Antôn Trần Văn Trường (giáo sư Đại Chủng Viện Huế). Từ hôm nay, trang web sẽ lần lượt gửi tới bạn đọc giáo trình này. Kính mời bạn đọc cùng theo dõi.
THẦN  HỌC MỤC VỤ SỨ NGÔN GIÁO LÝ  (Théologie pastorale prophétique catéchétique)
Định nghĩa: Chúng ta định nghĩa từng chữ cho rõ hơn: “Thần học mục vụ”, “Sứ ngôn Giáo Lý”.
Thần học mục vụ”: là một khoa học về hành động của Giáo Hội để xây dựng nhiệm thể Chúa Kitô nơi trần thế.
Công việc xây dựng đó gồm có 3 việc:
Rao Giảng cho biết chương trình ý định của Thiên Chúa trong Con Một Ngài là Đức Giêsu Kitô. Vì con người có tự do, nên con người cần phải biết để quyết định. (“Muốn cứu con, Chúa cần đến con !”).
Thiên Chúa thực hiện, về phần Ngài, chương trình ý định của Ngài: Vì đó là một chương trình vượt quá khả năng tạo vật (siêu nhiên).
Con người có tự do nên sẽ tự do chấp nhận và cộng tác (sống theo) chương trình ý định của Thiên Chúa.
Đó cũng là 3 phần của Thần Học Mục Vụ:
-          Mục vụ Sứ Ngôn
-          Mục vụ Phụng Tự
-          Mục vụ Lãnh Đạo
Sứ Ngôn Giáo Lý”: “Mục Vụ sứ ngôn” là công việc mục vụ đầu tiên Giáo Hội phải làm để thực hiện ý định Thiên Chúa là xây dựng nhiệm thể Chúa Kitô ở trần thế.
Giáo Hội thi hành công việc đầu tiên (Priorité) này theo hai cách do hai nhu cầu:
-   Sứ ngôn rao giảng Tin Mừng (Prophétique Kérygma-tique) cho người chưa biết (Truyền Giáo)
-   Sứ ngôn Giáo Lý (Prophétique catéchétique) cho người đã biết và tin Tin Mừng.
N.B.Có người còn chia cách thứ hai này làm 2 kiểu:
- Giáo Lý bình thường
- Tiến đức: Giảng cho người muốn sống hoàn hảo hơn (tu trì)
Tuy nhiên bản chất 2 kiểu vẫn là một, đó là tìm hiểu ngày một sâu xa Tin Mừng Kitô giáo.
Cách phân chia 2 loại giảng dạy trên dựa vào 2 mục tiêu nhắm tới: trở lại đạo và sống đạo sau khi trở lại. Nhưng cũng còn dựa vào bản chất Tin Mừng Kitô giáo là “sức mạnh cứu độ của Thiên Chúa” (Rm 1,16) và “ánh sáng cứu độ cho tâm linh của con người” (Ep 3,18-19).
                                                                                                                 
Nhận định về chữ “Giáo Lý”: Nếu hiểu “Giáo Lý” theo “Lý thuyết tôn giáo” (doctrine religieuse), thì người ta sẽ nghĩ ngay tới hệ thống suy tư, lý luận triết học…, là điều mà phong trào canh tân Giáo Lý than phiền là quá rời xa Thánh Kinh, xa đời sống ! Và người ta không khỏi liên tưởng tới lời Chúa trách các tiến sĩ luật Do Thái: ‘Các người đã tìm thay thế lời Chúa bằng các truyền thống loài người !”.
Tuy nhiên trong tiếng Việt rất khó kiếm một chữ thay thế chữ “Giáo Lý” !
Vì thế, chúng ta sẽ dùng chữ đó, nhưng với một ý nghĩa hợp với truyền thống gần cội nguồn hơn, nói cách khác: gần với Tin Mừng – nói đúng hơn, phát xuất từ Tin Mừng ! Giáo Lý là quảng diễn Tin Mừng ! Nếu dùng hình ảnh Phúc Âm, chúng ta sẽ nói: “Tin Mừng” là “hạt cải nhỏ bé”, và “Giáo Lý” là “cây cải lớn, chim trời có thể nương náu nơi cành nó” (Mt 13,31-32).
(Còn tiếp)
Lm Antôn Trần Văn Trường
Nguồn : uybangiaolyductin

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét