Trang

Thứ Hai, 23 tháng 10, 2017

Thánh kinh Do thái

Thánh kinh Do thái




Daniel L. Smith-Christopher
Bằng cách nào chúng ta có thể mô tả tính thống nhất được ghi nhận giữa 39 quyển sách khác nhau được viết qua một giai đoạn xấp xỉ 850 năm? Có lẽ câu trả lời nằm trong sự kiện rằng bộ sách này mô tả một mối quan hệ kéo dài trong thời gian. Thật vậy, có thể nói rằng Thánh Kinh Do Thái mô tả một chuyện tình đầy sóng gió giữa những người bạn tình “lì lợm”.D
Mặc dù việc ví von với một chuyện tình xem ra có vẻ lạ lùng, song đây quả thật là một chuyện tình. Ngôn sứ Hôsê vào thế kỷ 8 trước công nguyên đã sử dụng ẩn dụ này một cách tuyệt vời, đặt tương phản giữa một bên là tình yêu đích thực của Giavê đối với dân Do Thái và bên kia là “sự thèm khát rẻ tiền” của chính đám dân ấy khi họ thờ phượng những vị thần nông nghiệp của địa phương – bởi họ tin rằng những vị thần ấy có thể bảo đảm cho họ được mùa màng phong phú. (Hs 2).
Mô tả về mối quan hệ giữa It-ra-en và Thiên Chúa, đó là một chủ đề lớn nối kết những quyển sách có nhiều nét khác nhau thành một tổng thể mạch lạc chặt chẽ. Tất cả các chủ đề thần học quan trọng xuyên suốt Thánh Kinh Do Thái như “lịch sử cứu độ”, “giao ước”, “Vương Quốc của Thiên Chúa”… đều có thể coi như là thứ yếu so với chủ đề số một là mối quan hệ căn bản giữa Thiên Chúa và dân của Ngài.
Mối quan hệ này được mô tả bởi các văn sĩ Do Thái khác nhau bằng chính những kiểu nói của con người (thường được ví vớimối quan hệ giữa hai người yêu nhau, song cũng có khi được ví với cha và con – x. Hs 11), qua đó họ cố gắng diễn tả cảm nhận của họ về Thiên Chúa, Đức “Giavê”. Giống như mọi mối quan hệ khác, mối quan hệ này giữa Thiên Chúa và con người được mô tả trong Thánh Kinh Do Thái cũng có những tình tiết kịch tính như giận, ghen, thất vọng… nhưng có lẽ ấn tượng nhất trong đức tin của người Do Thái vẫn là một tình yêu, một lòng trắc ẩn và sự tha thứ đầy cảm kích. Sức thu hút của Thánh Kinh Do Thái đối với những ai tìm hiểu bộ sách này vì thế có thể sánh với sự quyến luyến đối với một người yêu – những nét kỳ diệu mới mẻ nơi người ta yêu sẽ đem lại cho ta những ngạc nhiên thích thú, những thất vọng, và xuyên qua tất cả là niềm vui chất ngất. Vì thế, không lạ gì khi việc tìm hiểu Thánh Kinh có thể được so sánh với tình yêu sự Khôn Ngoan (Cn 3,13-18). Để phục vụ cho công cuộc nghiên cứu thần học hiện đại, và để phục vụ cho mối quan hệ của chính chúng ta hôm nay với Thiên Chúa, việc chúng ta đọc lại những ngôn từ xưa cũng cần thiết không kém chi việc cố gắng tìm ra những ngôn từ mới để lên lời và những kỹ năng mới để lắng nghe Thiên Chúa nói hôm nay. Nói tóm, rất cần thiết phải trở về nguồn.
NGUỒN DO THÁI
Đầu tiên, chúng ta cần ghi nhận rằng, ở đây, nói “Thánh Kinh Do Thái” thì đúng hơn là nói “Cựu Ước”. “Thánh Kinh Do Thái” nhắc cho chúng ta về ngôn ngữ và văn hóa gốc của nó (ngôn ngữ sêmít, văn hóa cận đông thời xưa) và nhắc ta nhớ rằng những bản văn này là “thánh” đối với cả các tín đồ Do Thái giáo lẫn Kitô giáo – một điều mà chúng ta không nên coi thường. Tiếng Do Thái là một ngôn ngữ sêmít, có quan hệ với những ngôn ngữ sêmít cổ cũng như hiện đại khác, chẳng hạn tiếng Ả rập.
Thánh Kinh Do Thái là một bộ sách được viết qua gần một ngàn năm, xấp xỉ giữa năm 1000 và năm 150 trước công nguyên. Các sách Samuen, Các Vua và Sử Biên Niên được tính là hai quyển cho mỗi tiêu đề, thì tổng cộng có 39 quyển – được viết chủ yếu bằng tiếng Do Thái. Tuy nhiên, Giáo Hội Kitô giáo sơ khai không đồng ý với Do Thái giáo thời sơ khai trong việc ấn định qui điển (tức bộ sách có thẩm quyền làm nên Thánh Kinh của chúng ta), và đã quyết định bao gồm cả một số sách phần lớn được viết vào thời sau này (sau năm 250 trước công nguyên) và bằng tiếng Hi Lạp. Bộ tuyển này được gọi là “Apocrypha” (ngụy thư, tên gọi được sử dụng bởi những người Tin Lành – là những người không nhìn nhận chúng như thành phần của qui điển Thánh Kinh), hay được gọi là “Qui Điển đệ nhị” (tên gọi được sử dụng bởi Công Giáo Rôma – là những người chấp nhận chúng). Thêm vào đó, có nhiều sách đã sống còn được tới ngày nay, phần lớn từ thời Văn Hóa Hi Lạp (từ năm 330 trước công nguyên cho đến khoảng năm 250 sau công nguyên), gọi là “Pseudepigrapha” (mạo thư). Những sách này có tính lịch sử, văn chương và tôn giáo giúp cho việc nghiên cứu về dân Do Thái, nhưng chúng không trực tiếp giúp cho việc nghiên cứu lịch sử Do Thái trước thời hoàng kim của văn hóa Hi Lạp.
Theo truyền thống, các sách của qui điển Do Thái được phân làm 3 phần phân biệt nhau: các sách Torah (“Lề Luật” hay “Chỉ Dẫn”), các sách Tiên Tri và Các Sách Khác:
Torah: Sáng Thế, Xuất Hành, Lêvi, Dân Số, Đệ Nhị Luật.
Tiên Tri: Giosuê, Thẩm Phán, 1&2 Samuen, 1&2 các Vua, Isaia, Giêrêmia, Eâdêkien, Nahum, Habacuc, Amốt, Hôsê, Giôen, Mika, Malaki, Khácgai, Dacaria, Sôphônia, Obadia, và Giôna.
Các Sách Khác: Thánh Vịnh, Châm Ngôn, Diễm Ca, Ai Ca, Gióp, Eùt-te, Giảng Viên, Et-ra-Nêhêmia, Sử Biên Niên, Rút, và Đanien.
Các sách “Deutero-Canonical” (Qui điển đệ nhị): Huấn Ca, Khôn Ngoan, Tôbia, Giuđít, 1&2 Macabê, và Barúc.
Để hiểu những quyển sách này, rất cần phải nắm vững một số kiến thức căn bản về lịch sử Do Thái cổ thời, như chúng ta sẽ phác họa sau đây, trước khi có một tìm hiểu ngắn về các văn liệu, và cuối cùng sẽ có một giới thiệu về các phương pháp phân tích Thánh Kinh.
LỊCH SỬ DO THÁI THỜI CỔ ĐẠI
Muời hai niên biểu sau đây đánh dấu những cột mốc quan trọng trong lịch sử dân Do Thái và cung cấp một định hướng căn bản cho phép chúng ta liên hệ mỗi cuốn sách với những biến cố chuyên biệt và với các thời kỳ nhất định. Nên nhớ rằng những niên biểu này thường chỉ có tính ước lượng, nhất là đối với các niên biểu xa xưa.
1280 trước CN: Cuộc Xuất Hành của đám người Do Thái nô lệ
ra khỏi Ai Cập dưới sự lãnh đạo của Môsê.
1020 trước CN: Bắt đầu thời quân chủ sau giai đoạn các thẩm
phán: Saolê, Đavít và Salômôn.
922 trước CN: Salômôn qua đời và đất nước bị chia đôi:
Giuđa miền nam và It-ra-en miền bắc.
722 trước CN: Sự sụp đổ của vương quốc phía bắc do sự chiếm
đóng của người Assiri đến từ Mêsôpôtamia phía
tây bắc.
640 trước CN: Vua Giôsia. “Những Cải cách Đệ Nhị Luật” và
các văn phẩm lịch sử, từ Giôsuê đến 2 Các Vua.
587 trước CN: Giuđa hoàn toàn bị đánh bại bởi dân Babylon và
nhiều người Giuđa bị trục xuất. Đền thờ Giê-ru-
sa-lem bị tàn phá.
539 trước CN: Cyprô của Batư đánh bại Babylon và cho phép
những người lưu đày trở về quê hương.
520 trước CN: Có lẽ là thời điểm tái thiết Đền Thờ bị tàn phá ở
Giê-ru-sa-lem.
450 trước CN: Sứ mạng của Nêhêmia và Eùt-ra
333 trước CN: Alexandre Đại Đế thôn tính Palestine và Cận
Đông; bắt đầu ảnh hưởng của văn hóa Hi Lạp.
167 trước CN: Antiôkhô IV (Eâpiphane) cố gắng thống nhất lãnh
thổ của mình bằng cách áp đặt văn hóa Hi Lạp.
Đàn áp Do Thái. Macabê bắt đầu kháng chiến.
64 trước CN: Palestine bị Rôma kiểm soát.
*** (Đức Giêsu sinh ra) ***
70 sau CN: Người Rôma tàn phá ngôi Đền Thờ thứ hai.
Thật không khôn ngoan nếu tách biệt Thánh Kinh Do Thái khỏi dân tộc đã sản xuất ra nó và mảnh đất mà dân tộc này đã sống. Giới nghiên cứu gần đây đã bắt đầu nhấn mạnh đến tầm quan trọng của bối cảnh chính trị, kinh tế và xã hội của sự xuất hiện liên bang It-ra-en vào các thế kỷ 13 và 12 trước công nguyên. Đất Canaan vào lúc đó vốn đã là một vùng đất tranh chấp lâu dài, đóng vai trò như một cầu nối giữa người Ai Cập ở phía nam , người Hít-ti chủ yếu tập trung ở Tiểu Á, và các cường quốc đang nổi lên ở Mêsôpôtamia phía đông (x. bản đồ số 1 ở cuối sách). Như vậy, lịch sử Thánh Kinh diễn ra trong một “Khu Vực Trung Tâm” của cổ thời.
Các tư liệu của người Ai Cập cho biết rằng dường như đất Canaan được cư trú bởi “những người dân của một lãnh địa độc lập”, được điều khiển bởi một bậc vị vọng địa phương; họ sống nhờ vào lương thực được cung cấp bởi các nông dân trồng ngũ cốc trên miền bình nguyên và canh tác những vườn cây trái trên các đồi dốc (ôliu, vả và nho). Ý thức hệ nâng đỡ hệ thống này là một tôn giáo đặt nền trên sự bảo đảm mùa màng phong phú và con người sinh sôi nảy nở, đồng thời tôn trọng trật tự hay quyền bính đã được thiết lập dựa trên sự cúng tế hy lễ cho chư thần. Các vị thần chính yếu là: thần giông tố Baal, nữ thần Asherah, và thần El. Tôn giáo Canaan được hậu thuẫn bởi một giới tư tế phụ trách các đền thờ và các trung tâm thờ cúng khác nhau. Đây chính là tình hình ở Canaan khi đám dân Do Thái nô lệ từ Ai Cập kéo đến.
Căn cứ vào các truyền thống Thánh Kinh thì thật khó xác định những dữ kiện chính xác của cuộc “Xuất Hành”. Chẳng hạn, Xh 10,28-29 kết thúc truyền thống cho đó là một “cuộc trốn thoát” khỏi Ai Cập, trong khi Xh 11-12 thì trình bày biến cố đó như “một sự trục xuất” người Do Thái sau nạn dịch thứ 10, và cũng là cuối cùng, giết chết tất cả con đầu lòng của người Ai Cập. Sách Xuất Hành pha trộn hai truyền thống này bằng cách nêu sự kiện Pharaô đổi ý và đuổi theo người Do Thái, tạo ra những truyền thống về sự giải thoát dân Do Thái tại Biển Đỏ. Nhưng, một lần nữa, ở đây lại có hai truyền thống, một truyền thống mô tả người Do Thái trốn thoát ngang qua những vùng trũng hơi lầy lội (làm cho xa mã của người Ai Cập trở thành vô dụng), còn truyền thống kia, muộn hơn, chuyển tình tiết ấy thành hiện tượng nước biển rẽ ra một cách kỳ diệu, rõ ràng nhằm nêu bật tầm quan trọng thần học của việc Thiên Chúa cứu giúp dân Do Thái trong những khi họ lâm vào cảnh khốn cùng.
Dù trường hợp nào, thì chúng ta cũng ghi nhận một nhóm người vốn là nô lệ ở Ai Cập đã đến Canaan vào khoảng năm 1250 trước công nguyên, với một tôn giáo hướng về một Thiên Chúa đã giải thoát họ khỏi ách nô lệ Ai Cập. Tôn giáo này, trong hình thức sơ khai của nó, gắn bó chặt chẽ với Môsê. Đức tin thuở phôi thai của It-ra-en được đặt nền trên những kỳ vọng luân lý căn bản (“Lề Luật”), trên việc thực hành phụng tự trong một cái miếu thờ hay chiếc lều di động, và trên việc tôn thờ một Thiên Chúa được gọi là “Giavê”. Tuy nhiên, yếu tố chính của tôn giáo này, dưới cái nhìn của giới nông dân Canaan đương thời, là sự kiện rằng vị Thiên Chúa Giavê này là một vị thần giải phóng những người nô lệ, và do đó Ngài là một vị thần có liên can tới hoàn cảnh sống của họ. Tôn giáo này, khi đến Canaan, đã gây một ảnh hưởng “bùng nổ”, và đại đa số những người làm nên “mười hai chi tộc It-ra-en” chính là những người Canaan đã cải giáo để theo tôn giáo mới này.
Nhưng việc cải giáo để theo tôn giáo của Giavê này không trơn tru, và đã không ngừng xảy ra tình trạng các ý niệm của tôn giáo Canaan và tôn giáo Giavê pha trộn lẫn nhau tạo thành một vấn đề kéo dài suốt thời đại các Vua của It-ra-en và Giuđa, từ khoảng năm 1000 trước công nguyên cho đến thời của Những Cuộc Cải Cách Đệ Nhị Luật khoảng năm 640-609 trước công nguyên. Đã có nhiều khám phá mới đây của khoa khảo cổ cho thấy mức độ của tình trạng hổ lốn này (nghĩa là, sự pha trộn của hai hay nhiều truyền thống tôn giáo). Chẳng hạn, các kinh nguyện được ghi trên những miếng đất sét được tìm thấy trong một điện thờ nhỏ gần sa mạc Sinai có nói đến “Giavê” và “vợ là Asherah”. Một kinh nguyện như thế là chứng cứ cho thấy rằng người ta đã pha trộn các yếu tố của tôn giáo It-ra-en và tôn giáo Canaan. Lời tố cáo của Thánh Kinh dành cho nhiều vị vua của It-ra-en và Giuđa bỏ việc phụng thờ chân chính đối với Giavê cho thấy rằng các vua ấy thường nghiêng chiều về tính thủ cựu của tôn giáo Canaan hơn là tính cách tân của lòng nhiệt thành phụng thờ Giavê. Các vị vua ấy bị phê phán kịch liệt bởi những người triệt để ủng hộ sự phụng thờ Giavê – tức là các ngôn sứ.
Như vậy, dường như sự phụng thờ Giavê đã bắt đầu trong tư cách là một tôn giáo của “thiểu số” nơi những người trước kia là nô lệ ở Ai Cập và những người Canaan cải giáo, và rồi về sau có được uy thế lớn hơn trong thời quân chủ (nhất là dưới triều vua Giôsia). Tuy nhiên, lúc bấy giờ, số phận của các quốc gia It-ra-en độc lập bị định đoạt bởi sự nổi lên của các đế quốc ở Mêsôpôtamia, và việc phụng thờ Giavê sẽ dần phát triển thành Do Thái giáo nơi một dân tộc lụy thuộc các đế quốc ấy về chính trị và kinh tế. Nói cách khác, căn tính “con cái It-ra-en” đang nổi lên đã đi vào một bước quặt quan trọng, rứt ra khỏi một căn tính chính trị khi những đế quốc to lớn này (đầu tiên là Assiri, rồi đến Babylon, sau đó là Ba tư) bắt đầu bành trướng ảnh hưởng về phía tây, tiến vào vùng duyên hải Palestine.
Thời đại quân chủ It-ra-en bắt đầu khoảng năm 1000 trước công nguyên. Đavít là vị lãnh đạo nổi bật nhất; ông đã thành công trong việc thống nhất các dân Do Thái và Canaan thành một mối để chống lại sự đe dọa đang ập đến từ những kẻ xâm lăng ở vùng duyên hải gọi là Philitinh. Đavít cũng thiết lập một thủ đô là Giê-ru-sa-lem, và mở rộng ảnh hưởng chính trị của It-ra-en qua bên kia sông Giođan, đi vào các vùng đất Ammon, Moab, Êđom và tràn lên Syria phía bắc (x. bản đồ số 2 ở cuối sách).
Con trai của Đavít là Salômôn nối nghiệp cha, tiến hành thêm những hoạt động củng cố mối thống nhất, bao gồm việc xây dựng một Đền Thờ cho cả quốc gia, thiết kế theo mẫu đền thờ của người Canaan. Nhưng dù Salômôn rất nổi tiếng về hoạt động ngọai giao và sự “khôn ngoan”, những công việc xây dựng của ông – huy động nhiều sức người sức của – đã bị xem là bóc lột, nhất là tại vùng lãnh thổ phía bắc (1V 9,22, nhưng nên xem thêm 1V 5,27; 11,28 và 1V 12).
Palestine/Canaan vốn không phải là một môi trường thuần nhất, và những sắc thái nông nghiệp khác nhau dẫn đến những sắc thái xã hội khác nhau, tình hình càng phức tạp hơn nữa do bởi các đòi hỏi đóng góp vào công cuộc xây dựng của Salômôn bằng lao động và thuế má. Khi Salômôn qua đời, các dân phía bắc (gồm 10 trong 12 chi tộc) ly khai ra khỏi triều đình Giê-ru-sa-lem, và thiết lập một nước It-ra-en mới vào năm 922 trước công nguyên. Vì thế, Thánh Kinh Do Thái gọi quốc gia phía bắc là “It-ra-en”, và quốc gia phía nam là “Giuđa”. Nước Giuđa duy trì triều đại của dòng tộc Đavít, trong khi It-ra-en được cai trị bởi một loạt nối tiếp các vua, không vị nào trong đó rốt cục có thể thiết lập một vương triều khả dĩ vững chãi. Vì thế quốc gia phía bắc xem ra bất ổn hơn. Ở phía bắc, các ngôn sứ thỉnh thoảng dấy lên những cuộc cách mạng bằng cách công bố rằng Thiên Chúa đã chọn một vị vua mới trong khi ông vua tại vị vẫn còn đang ngồi trên ngai!
Trong nửa sau thế kỷ 8 trước công nguyên, quốc gia phía bắc tham gia vào một khối liên minh các quốc gia nhằm cố gắng chống lại áp lực ngày càng tăng của đế quốc Assiri. Khi vị vua của quốc gia phía nam, vua Ahaz, từ chối tham gia vào liên minh này, các thành viên của liên minh quyết định gây áp lực đối với Ahaz, và phát động một cuộc chiến tranh. Để ứng phó, vua Ahaz kêu gọi sự hỗ trợ của người Assiri – thế là người Assiri bắt đầu xâm lăng về phía tây. Năm 722 trước công nguyên, liên minh nói trên bị tiêu diệt bởi những người Assiri xâm lăng, trong đó có cả quốc gia It-ra-en phía bắc.
Đế quốc Assiri sử dụng một đường lối quân sự, nhằm bảo đảm sao cho các vùng bị chinh phục không thể có khả năng tập hợp sức đề kháng. Điều này liên quan đến việc trục xuất những bộ phận lớn dân chúng tại các vùng mới chinh phục, và thay vào đó bằng một nhóm người được đưa đến từ một vùng khác của đế quốc. Nhưng đế quốc Assiri cuối cùng bị lật đổ bởi một thế lực hùng mạnh mới nổi lên của người Mêsôpôtamia ở phía nam vùng lòng chảo hai con sông Tigre và Euphrate – đó là những người Babylon.
Giữa những năm 640 và 609, nghĩa là, giữa cuộc suy tàn của đế quốc Assiri và sự bành trướng thanh thế của người Babylon, vua Giôsia cai trị ở Giê-ru-sa-lem. Vua Giôsia được nhìn nhận là có công phát động một cuộc cải cách quan trọng, tập trung mọi việc phụng tự về Giê-ru-sa-lem (nghĩa là chấm dứt việc phụng tự trong các đền thờ địa phương, tránh hiện tượng pha tạp với các thực hành tôn giáo của người Canaan), đồng thời phục hồi một hình thức phụng tự Giavê cách tinh ròng hơn, có lẽ để hưởng ứng lời kêu gọi của một số ngôn sứ. Công cuộc của vua Giôsia đặt cơ sở trên Lề Luật được chứa đựng trong Sách Đệ Nhị Luật, và vì thế được gọi là “Cuộc Cải Cách Đệ Nhị Luật”. Phong trào này cũng gợi cảm hứng thêm cho việc trước tác văn chương. Sau cái chết bi thảm của Giôsia trong một chiến dịch chốâng lại người Ai Cập (609 trước công nguyên), “Lịch Sử Đệ Nhị Luật” được biên soạn, bắt đầu với Giôsuê và tiếp tục tới cuộc xâm chiếm của người Babylon như được mô tả ở cuối sách 2 Các Vua.
Người Babylon, cuối cùng, đã có thể đánh bại các đạo binh Assiri vào năm 609 trước công nguyên. Sau khi lên ngôi, vua Nabucôđônôso đã đưa người Babylon đi xa hơn về phía nam trên vùng duyên hải Canaan, củng cố quyền kiểm soát của mình đối với khu vực như một trái độn với người Ai Cập. Năm 597, vua trẻ Jehoiachin thần phục Nabucôdônôso, và Nabucôdônôso nhận Giuđa làm một nước chư hầu, đặt một nhà cai trị do chính ông chọn để làm một “tay sai” ở Giê-ru-sa-lem. Nabucôdônôso đặt tên cho vị vua mới này là “Zedekiah” (sự thay đổi tên thường tượng trưng cho quyền kiểm soát chính trị), đặt vua ấy lên ngai, rồi trở về Babylon với một nhóm người đi đày – trong đó có cả vị vua trẻ Jehoiachin. Đây là khởi đầu của cuộc Lưu Đày, và rõ ràng chỉ liên quan đến giới “thượng lưu của xã hội Giuđa” tức những kẻ có thể trực tiếp đe dọa đến sự cai trị của Babylon.
Zedekiah làm vua chư hầu trong 10 năm, nhưng suốt trong thời gian này ông đã nuôi tham vọng cai trị Giuđa như một quốc gia độc lập. Có lẽ hành động mạo hiểm ấy của ông đã được khích lệ do bởi những hứa hẹn giúp đỡ từ phía người Ai Cập, (như chúng ta có thể ghi nhận các ngôn sứ như Giêrêmia đã gay gắt tố cáo ý tưởng cho rằng Ai Cập sẽ cung cấp sự trợ giúp đáng tin cậy để vãn hồi nền độc lập). Khi Zedekiah ngừng triều cống người Babyon, thì hành động này của ông có ý nghĩa như một tuyên bố độc lập, và rồi chẳng bao lâu sau đó Nabucôdônôso một lần nữa kéo binh mã làm cuộc tây tiến để lập lại quyền kiểm soát. Giê-ru-sa-lem bị tàn phá vào năm 587-576, sau một cuộc vây hãm kéo dài, và các con của Zedekiah bị hạ sát. Chính Zedekiah cũng bị tra tấn và bị đưa đi Babylon. Đền thờ bị tàn phá, các đồ đạc trong Đền Thờ bị “tịch thu và đem đi” cùng với phần lớn dân chúng. Cuộc lưu đày này có tầm vóc lớn hơn nhiều so với mười năm trước đó, và liên quan tới một con số rất đông đảo dân chúng. Con số người bị đi đày được ước lượng từ 20 ngàn tới 70 ngàn – rõ ràng đây là một tỉ lệ rất cao.
Cuộc “Lưu Đày Babylon” này là một trong những biến cố rất hệ trọng trong vận mệnh của dân Do Thái; nhưng nhóm người lưu đày đã sống còn và đã tái lập đức tin của họ. Khi rốt cục người Ba tư đánh bại Babylon vào năm 539, hoàng đế Kyrô đã cho phép người Do Thái trở về Palestine. Dù một nhóm khá đông những người Do Thái vẫn còn ở lại Babylon, song “những cuộc hồi hương” khác nhau của người Do Thái (như được mô tả trong Et-ra) đã cho phép tái lập lại đức tin, cộng đoàn, và ngay cả việc phụng tự Đền Thờ.
Chúng ta không biết nhiều về xã hội Giuđa thời hậu lưu đày. Chỉ có một vài cuốn sách được gán cho thời này, chẳng hạn sách Hacgai, Dacaria, Malaki, và Etra-Nêhêmia. Tình trạng thiếu thông tin này tiếp tục cho tới giai đoạn Hi Lạp (sau năm 333 trước công nguyên) là giai đoạn mà chúng ta lại bắt đầu có những nguồn văn chương/lịch sử như các sách ngụy thư (Apocryphal) và nhiều tác phẩm mạo thư (Pseudepigraphic) khác nhau. Điều mà chúng ta có thể giả đoán, đó là cộng đoàn Do Thái đã hình thành một căn tính và đức tin cộng đoàn mạnh mẽ duới sự lãnh đạo của các tư tế, là những người xuất hiện như những vị lãnh đạo chủ yếu thay cho vương triều Đavít. Niềm hy vọng về việc khôi phục một quân vương thuộc dòng tộc Đavít đã trở thành căn bản cho một thời đại trong tương lai; niềm hy vọng này đôi khi dấy lên những hoạt động có tính dân tộc chủ nghĩa nơi những người Do Thái ở Palestine. Nhưng vào thời này, nhiều người Do Thái vẫn đang sống trong một “Diaspora” (nghĩa là, tại những nơi không phải là Palestine/It-ra-en) trải rộng từ Ai Cập tới xa bên phía đông qua khỏi lãnh thổ Babylon và Ba tư . Đối với họ, đức tin không còn có nghĩa là sự tồn vong của đất nước, nhưng là căn tính thuộc chiều kích tinh thần cũng như sự đề kháng lại tình trạng đồng hóa về mặt văn hóa. Từ những cộng đoàn này chúng ta có những câu chuyện về những người Do Thái trung kiên sống ở nước ngoài, chẳng hạn Đanien và Esther.
Từ thời lưu đày cho đến thế kỷ 20, với chỉ một thời gian tương đối ngắn trước cuộc chiếm đóng của người Rôma vào năm 64 trước công nguyên, dân Do Thái vẫn phải lụy thuộc về chính trị và kinh tế vào những người không phải là Do Thái. Vì thế, Do Thái giáo và Kitô giáo là những tôn giáo có gốc rễ được tìm thấy nơi những con người “bị xâm lăng” về chính trị. Đức Giavê, một vị Thiên Chúa của những người nô lệ được giải phóng, vì thế trở thành vị Thiên Chúa của những người bất lực và là vị Thiên Chúa của sự phán xử đối với những kẻ áp bức, những người giàu có và những người nắm quyền lực.
Nếu chúng ta không quên rằng hầu như tất cả Thánh Kinh Do Thái đều được biên tập và sắp xếp (nếu như không phải được viết trọn vẹn) bởi một dân tộc bất lực về chính trị, thì các bài thánh ca của Thánh Kinh nói với một “Thiên Chúa của chinh chiến” sẽ – một cách nào đó – mang những âm hưởng khác. Những ý niệm như thế sẽ có một ý nghĩa hoàn toàn khác (và không có tính Thánh Kinh) khi được những người nắm quyền lực trích dẫn nhằm phục vụ cho ích lợi của họ, hay khi được sử dụng để trang trí cho các đại sảnh của Ngũ Giác Đài – biểu tượng của quyền lực thế giới hiện đại. Còn ở đây, tất cả những nhận thức ấy lại đến với chúng ta từ các loại văn khác nhau trong Thánh Kinh Do Thái, mỗi loại đóng góp những nhãn giới riêng. Chúng ta hãy tìm hiểu vắn tắt một số trong các loại ấy và đồng thời tìm hiểu một số vấn đề bật lên từ việc nghiên cứu những cuốn sách này ngày nay.
CÁC SÁCH CỦA THÁNH KINH DO THÁI
Ngũ Thư Và Lịch Sử Đệ Nhị Luật:
Lịch Sử Và Luật
Lịch sử It-ra-en được tiêu biểu bởi nền luân lý rõ ràng của nó. Nếu quả thật rằng việc viết sử không bao giờ chỉ có nghĩa là mô tả các biến cố, thì thuật chép sử của Do Thái đúng là một minh họa tuyệt vời cho thấy lịch sử được viết ra với một động cơ và mục tiêu được xác định rõ ràng trong tâm trí.
Công việc chính của các nhà viết sử của It-ra-en cổ thời là minh họa sự nhận hiểu của họ về Thiên Chúa, và cách thế mà Thiên Chúa dính líu vào đời sống của họ. Nói tóm, nó là văn chương có tính tôn giáo chứ không phải là văn thư lưu trữ của triều đình hay những tập ghi chép biên niên về lịch sử. Nắm vững nhãn quan này, chúng ta sẽ tránh được rất nhiều những hiểu lầm không cần thiết. Chẳng hạn, việc nghiên cứu lịch sử ban sơ trong Sách Sáng Thế (chương 1-11) sẽ rất bổ ích nếu các sinh viên nhận ra rằng những câu chuyện này phải được đọc chủ yếu như là sự chỉ dẫn căn bản về triết học và tôn giáo, chứ không phải như là những chỉ nam “khoa học” về nguồn gốc của các loài. Như vậy, xem ra thái độ đúng đắn đối với các trình thuật về sáng tạo hay lụt hồng thủy trong Sách Sáng Thế phải là một sự trân trọng các bài học tôn giáo về trách nhiệm luân lý, về việc Thiên Chúa bênh vực người chính trực, về việc Thiên Chúa can dự vào và quan tâm đối với con người, và về sự cố chấp chống cưỡng của con người. Tham gia một đoàn thám hiểm để tìm kiếm “các mảnh còn lại của con tàu Nôe” trên ngọn núi Ararat ở Thổ Nhĩ Kỳ, đó không phải là thái độ thích đáng nhất để hưởng ứng các bản văn Thánh Kinh, bởi vì làm như vậy là chúng ta bỏ qua sứ điệp cốt lõi của các bản văn ấy và làm cho chúng trở thành một cái gì đó không còn là chúng nữa. Các sinh viên hiện đại cần phải biết cách để đọc, để hiểu và để trân trọng Thánh Kinh Do Thái. Lịch sử thuở ban sơ cho chúng ta biết nhận thức của người Do Thái cổ thời về bản tính ngông cuồng của con người, về tình yêu và sự quan tâm bền bỉ của Thiên Chúa.
Lịch sử thuở ban sơ được nối tiếp bởi các câu chuyện về “các Tổ Phụ”của It-ra-en cổ: Abraham và Sara, Isaac và Rêbecca, Giacóp và các con trai, Giuse bên Ai Cập. Mới cách đây khoảng 30 – 50 năm, các học giả đã bắt đầu tin tưởng hơn vào sử tính của các câu chuyện các tổ phụ, nhưng những công trình gần đây trong lãnh vực khảo cổ và phân tích nguyên bản đã khơi lên mối băn khoăn rằng phải chăng bất cứ tư liệu nào trong Sách Sáng Thế cũng có thể được dùng để tái lập lại lịch sử cổ thời một cách khả dĩ có ý nghĩa. Dường như tốt nhất là nên coi Sách Sáng Thế như một câu chuyện với động cơ tôn giáo kể về nguồn gốc của dân Do Thái và về việc dân này phân bổ thành thành các “chi tộc” được đặt tên theo những nhân vật được nhắc đến trong các câu chuyện của Sách Sáng Thế (ví dụ, “mười hai chi tộc” ứng với mười hai người con trai của Giacóp). Sự việc này đã cung ứng một lịch sử thống nhất cho các dân tộc của Canaan trong khoảng thế kỷ 12 đến thế kỷ 10 trước công nguyên – đây là những người đã cải giáo để phụng thờ Giavê. Các câu chuyện tổ phụ cũng nói lên mối quan tâm trung thành của Thiên Chúa, bất chấp những gãy đổ thường xuyên của con người như được ghi nhận trong các câu chuyện này.
Tuy nhiên, nét nổi bật của năm quyển đầu tiên trong bộ Thánh Kinh không phải ở chỗ đó là những bản văn viết sử mà là những bản văn ghi luật. Hầu như tất cả các luật tôn giáo, luật dân sự, và các nguyên tắc luân lý của It-ra-en cổ thời đều được hệ thống hóa nơi ba bộ sưu tập chứa đựng trong năm quyển sách đầu tiên. Bộ sưu tập xa xưa nhất được gọi là “Bộ Luật Giao Ước”, được tìm thấy trong Sách Xuât Hành (x. chương 19-24). Bộ sưu tập này được bổ sung ít nhất hai lần, bởi một bộ sưu tập chính thức về luật từ cuối thế kỷ 7 trong Sách Đệ Nhị Luật (Deuteronomy – tên gọi này vốn có nghĩa là “bộ luật thứ hai”) và có tên là “Bộ Luật Đệ Nhị Luật”. Bộ sưu tập cuối cùng về luật bao gồm chủ yếu là các luật tư tế hay tôn giáo (mặc dù không phải là không pha phôi các luật khác). Bộ sưu tập này được thêm vào bởi các tư tế trong thời hậu lưu đày. Những luật này có thể được tìm thấy trong Xuất Hành 25 -31, nhưng cũng xuất hiện suốt trong Sách Lêvi nữa. Lớp cổ nhất của luật tư tế có lẽ là Lêvi 17-26 (được gọi là “Luật Thánh”, do bởi câu nói lặp đi lặp lại: “các ngươi hãy nên thánh…”), nhưng được chen vào bởi những luật có tính chú giải và bổ sung sau này trong sách Lêvi và Dân Số.
Sự nhắc lại thường xuyên các luật và các chủ đề về luật (ví dụ, sự kiện “Thập Giới” được gặp thấy hai lần) được giải thích bởi việc bổ sung sau này, trong đó các tư liệu luật của các giai đoạn khác nhau được thêm vào cho các bộ luật. Thật thú vị, việc bổ sung các bản văn như vậy cho phép các sinh viên hiện đại làm công việc đối chiếu, chẳng hạn như đối chiếu về tình trạng của phụ nữ và nô lệ trong luật của It-ra-en qua các thời khác nhau. Từ lâu, khi đối chiếu giữa Bộ Luật Giao Ước (Xh 21) với Bộ Luật Đệ Nhị Luật (Đnl 15,12-18), các học giả đã ghi nhận “tính nhân đạo” ngày càng tăng đối với tình trạng của các nô lệ. Chẳng hạn, bộ luật sau qui định rõ những thứ phải cung ứng khi phóng thích nô lệ, và hơn nữa cấm việc giao trả các nô lệ đã trốn thoát về cho chủ (Đnl 23,16), vv… Có lẽ ấn tượng nhất là mối kỳ vọng có vẻ không tưởng về công bằng xã hội được đưa ra bởi các tư tế trong Lêvi 25, qui định rằng “Năm Toàn Xá” phải được cử hành để hoàn trả tất cả những thửa đất đã mua về cho các chủ nhân ban đầu, như vậy có thể phòng tránh sự gia tăng khoảng cách giữa người giàu và người nghèo bằng cách phân phối lại đất đai sau mỗi 50 năm! Ở It-ra-en cổ, rõ ràng luật vừa có tính chuẩn mực vừa có tính ứng dụng.
Các Ngôn Sứ
Thật rất tiếc rằng khi nói đến các ngôn sứ, người ta thường có khuynh hướng tập chú vào ý niệm rằng đó là những người “nói trước về tương lai”. Quả thật, hoạt động chính yếu của các ngôn sứ là (1) làm một sứ giả của Thiên Chúa, trao sứ điệp của Thiên Chúa cho người ta – giống như công việc của một sứ giả triều đình hay một giao liên, và (2) làm một “công tố viên” của Thiên Chúa, nhân danh Thiên Chúa và nhân danh luật của Ngài để đưa ra những phán xử về các hành vi tội lỗi, và (3) làm cho người ta biết ý của Thiên Chúa, hoặc khi được thăm hỏi ý kiến về một điều gì đó cụ thể, hoặc khi tự ý phát biểu tại những diễn đàn công khai, chẳng hạn tại các cổng thành. Bất cứ ý tưởng nào về các biến cố tương lai cũng luôn luôn nằm trong bối cảnh ưu tiên là các hoạt động chính yếu kể trên. Lời của các ngôn sứ được nhắm đến cho chính thời của các ngài, và cho thấy rằng Thiên Chúa không ngừng can dự vào lịch sử. Nếu cho rằng các lời của các ngôn sứ nhắm đến một tương lai xa xăm nào đó, thì đó là chúng ta không chỉ tách các ngôn sứ ra khỏi lịch sử (qua đó ta đánh mất điểm chính yếu là Thiên Chúa can dự vào lịch sử của dân Ngài), mà còn tự đặt mình trước cái bẫy cố gắng “giải thích” lời ngôn sứ “cho thời hiện đại” như thể đó là các lời tiên tri bí ẩn. Thật vậy, nói theo ngôn ngữ của Mark Twain, người ta sợ lời của các ngôn sứ không phải vì chúng là những thông điệp bí ẩn khó hiểu về tương lai, nhưng bởi vì chúng được hiểu quá rõ và chúng nói về những biến cố thực tế trong đời sống của các vua chúa và dân chúng là những thính giả trực tiếp nghe các lời ấy.
Các ngôn sứ của It-ra-en cổ thời là những con người kỳ lạ và đầy lôi cuốn; người ta vừa sợ vừa kính nể các ngài. Rải rác trong 1 & 2 Samuen, dường như lời ngôn sứ có các nguồn gốc của chúng nơi những nhóm đặc sủng đi đây đi đó, phát biểu trong một tình trạng ám thị, giống như xuất thần (1Sm 10,9tt). Song, dần dần các ngôn sứ lớn đã được ghi nhận một cách cá nhân, các vị này sẽ tập hợp các truyền thống và những truyền thuyết – cũng như những nhóm môn đệ – xung quanh mình. Tiêu biểu nhất của sự phát triển này là các câu chuyện về Eâlia và Eâlisha trong Lịch Sử Đệ Nhị Luật (1V 17-21; 2V 2-13), và cả các Sách Isaia và Giêrêmia nữa.
Mỗi trong các vị ngôn sứ kể trên đều là một khuôn mặt độc đáo với một sự khác biệt thú vị trong nhãn quan, mặc dù đối với một số sách quá ngắn người ta không dễ xác định một nhãn quan dựa trên tư liệu quá ít ỏi (sách Obadiah chỉ dài có 21 câu; sách Nahum và Malaki chỉ có 3 chương). Có lẽ chúng ta có được các bản văn ngôn sứ là nhờ ở các môn đệ (hay trong trường hợp của sách Giêrêmia thì đó là nhờ một bạn đồng hành làm công việc của một ký lục) – các môn đệ này lặp đi lặp lại, tìm hiểu và chú giải các truyền thống của thầy mình.
Vị ngôn sứ đầu tiên mà chúng ta có các bản văn là Amốt. Ông là một con người có vẻ kỳ lạ; các lời tiên tri của ông chứa đựng phán quyết hết sức gay gắt nhắm đến nhiều quốc gia, chứ không chỉ nhắm đến It-ra-en và Giuđa mà thôi. Một số học giả tin rằng dăm câu cuối cùng – nêu lên một niềm hy vọng nào đó – chắc hẳn không phải là của Amốt!
Nguợc lại với Amốt, Hôsê sử dụng những hình ảnh thân mật và lãng mạn để nói về Thiên Chúa như người tình hay người cha của dân It-ra-en, qua đó diễn tả nỗi buồn của ông trước sự cứng đầu của It-ra-en (mà ông so sánh với hành vi ngoại tình hay hành vi hất hủi cha mẹ). Hôsê thậm chí đẩy sứ điệp của mình tới chỗ đặt cho các con của ông những cái tên có tính biểu tượng cho cơn giận của Thiên Chúa đối với dân Ngài (ví dụ, Lo-Ammi có nghĩa rằng “ngươi không phải là dân của Ta”).
Không lâu sau khi Hôsê và Amốt hoạt động ở phía bắc, các truyền thống vây quanh ngôn sứ Isaia đã xuất hiện ở phía nam. Sách Isaia là một điển hình về truyền thống có thể được khai mở bởi các ngôn sứ lớn và sau đó được tiếp tục. Vị ngôn sứ này hoạt động từ khoảng năm 740 trước công nguyên, và các lời của ông chủ yếu được ghi lại trong các chương 1-39 của Sách Isaia hiện nay. Trong khi đó, các chương 40-55 đến từ một vị ngôn sứ khuyết danh hoạt động vào khoảng cuối thời lưu đày ở Babylon (ước đoán như vậy bởi vì có những qui chiếu đến vua Kyrô của Ba tư , x. Is 45,1). Những nét tương đồng với các chương Isaia 1-39 đã làm cho các học giả nghĩ đến sự tồn tại của một “truyền thống” Isaia trong đó có vị ngôn sứ khuyết danh này.
Yếu tố thú vị nhất của vị ngôn sứ này – mà các học giả gọi là “Isaia Đệ Nhị” – là việc sử dụng hình ảnh “người tôi tớ đau khổ”. Hình ảnh này hầu chắc là một qui chiếu tập thể đến đám dân It-ra-en lưu đày, nhưng có ảnh hưởng sâu sắc đến các Kitôhữu đầu tiên khi họ cố gắng tìm cách giải thích các biến cố và ý nghĩa của cuộc sống, cái chết và sự phục sinh của Đức Giêsu (x. Is 42,1-4; 49,1-6; 50,4-9 và 52,13-53,12). Như vậy, hình ảnh đau khổ vì sự công chính và về ân phúc nhận được do sự đau khổ ấy là một ý niệm tiên tri của Do Thái giáo chứ không chỉ là của Kitô giáo. Những chương cuối cùng, chương 56-66, thường được gọi là “Isaia Đệ Tam”, là những sưu tập các lời nói có lẽ bởi các môn đệ của Ngôn sứ Isaia Đệ Nhị. Đồng thời, dường như những niềm hy vọng hòa bình của sưu tập thứ ba này đã ảnh hưởng đến việc biên tập các bản văn của phần thứ nhất, như có thể nhận thấy ở các chương Isaia 2,4,9,11 và có lẽ ảnh hưởng đến nhãn quan hòa bình ấn tượng nhất trong toàn bộ Thánh Kinh: phần sau của Isaia 19.
Giêrêmia có liên quan trực tiếp đến bầu khí chính trị xung quanh cuộc cải cách Đệ Nhị Luật và cuộc sụp đổ của quốc gia phía nam rơi vào tay người Babylon. Ông có lẽ được biết đến nhiều nhất ở sự kiện ông xác tín cách lạ lùng rằng cuộc chinh phục của người Babylon là do ý Thiên Chúa muốn, và rằng vì thế dân Giuđa phải “gập cổ” vác lấy cái ách Babylon trong một thời gian. Rõ ràng Giêrêmia chia sẻ nhãn quan chung của trường phái Đệ Nhị Luật rằng các biến cố lưu đày là hình phạt do giai đoạn khước từ lề luật của Thiên Chúa trước đó. Sách Giêrêmia được biên soạn thành hai phần chính, phần những lời nói theo thể thi ca của chính Giêrêmia và những đoạn văn xuôi kể lại cuộc đời và thân thế của ông. Cả hai phần đều được thực hiện do Barúc, là ký lục và bạn đồng hành của Giêrêmia.
Êdêkien, đàng khác, hoạt động giữa đám dân lưu đày tại Babylon. Ông thường có những màn diễn đôi khi rất kỳ lạ trước công chúng để minh họa các sứ điệp tiên tri của ông. Mối quan tâm chính yếu của ông là sự lành mạnh tâm linh của những người dân lưu đày, nhưng ông cũng quan tâm đến việc duy trì mối quan hệ của họ với đời sống tôn giáo mà họ đã bỏ lại sau lưng ở Palestine khi đi lưu đày.
Các sách ngôn sứ còn tiếp tục được viết ra trong cộng đoàn sau thời lưu đày. Chẳng hạn, Hácgai chủ yếu quan tâm đến việc phục hồi đời sống tôn giáo trong cộng đoàn hậu lưu đày, nhất là nhấn mạnh đến việc xây dựng lại Đền Thờ. Cũng vậy, Dacaria tập chú đến các vấn đề đức tin và thực hành trong cộng đoàn sau thời lưu đày.
Như vậy, các Sách ngôn sứ là một nhân tố quan trọng giúp chúng ta hiểu biết tôn giáo Do Thái cổ thời, nhưng chúng ta không nên quên rằng các ngôn sứ cũng là những kẻ gây chống đối và bị loại bỏ. Các ngôn sứ, vì thế, được trân trọng bởi các thế hệ sau này nhiều hơn là bởi chính những người đương thời của các vị. Các ngôn sứ trở thành yếu tố quan trọng để nhận thức đức tin Do Thái, và đó là lý do vì sao người ta gìn giữ và tiếp tục tìm hiểu các sứ điệp của các ngôn sứ.
Văn Chương Khải Huyền
Và Mối Quan Hệ Của Nó Với Các Lời Ngôn Sứ
Một vấn đề lôi cuốn sự chú ý cả của các sinh viên lẫn học giả, đó là cuối cùng hoạt động ngôn sứ đi về đâu. Phải chăng các sấm ngôn cuối cùng cũng lụi tàn? Hay là nó tiến hóa thành một cái gì đó khác? Gần đây các học giả đã nghiên cứu những lý thuyết khác nhau nối kết những thay đổi trong hoạt động cuối thời ngôn sứ với sự xuất hiện của các thị kiến khải huyền.
Một cách đặc trưng, văn chương khải huyền chứa đựng sự mô tả về một (hay những) thị kiến có tính biểu tượng cao và có tầm vóc rộng. Các thị kiến thường được mô tả một cách đầy hình ảnh, thường với những chi tiết kỳ dị và được kèm theo bởi sự tường thuật của một thiên thần hay một nhân vật đáng kính nào đó. Văn chương khải huyền trở thành rất phổ biến vào giai đoạn của người Hi Lạp, và tiếp tục có ảnh hưởng cả nơi người Do Thái giáo lẫn các Kitôhữu sơ khai vào thời lệ thuộc Rôma. Mặc dù chúng ta chỉ có hai minh họa chính về nền văn chương khải huyền trong Thánh Kinh (Đn 7-12 trong Thánh Kinh Do Thái và Sách Khải Huyền trong Thánh Kinh Tân Ước), song nhiều ví dụ khác về các bản văn khải huyền phi Thánh Kinh của giai đoạn nói trên vẫn còn được lưu giữ tới ngày nay. Dường như hoạt động ngôn sứ được thay thế bởi các nhà thị kiến khải huyền, đó là những người – bằng các thị kiến đầy tính biểu tượng – mô tả những điều liên quan đến cuộc phán xử đang xảy đến đối với các nhà cầm quyền áp bức và mô tả các biến cố của thời đại mình.
Văn chương khải huyền vẫn còn liên quan sâu sắc với các biến cố hiện nay. Qua việc mường tượng sự can thiệp của Thiên Chúa nhằm ủng hộ những người bị áp bức, các văn sĩ khải huyền Do Thái kêu gọi một hoạt động phản kháng lại nền văn hóa và sự cai trị của Hi Lạp và Rôma. Đặc biệt, các thị kiến của Đanien được gắn chặt với những câu chuyện về các nhân vật Do Thái tại các tòa án ngoại quốc. Những nhân vật này được làm chứng là đúng đắn trong sự kiên trung – hay nói cách khác: trong sự phản kháng – của mình. Thật vậy, sau ba tháng đọc Thánh Kinh trong một nhà tù ở Nam Phi, Mahatma Gandhi đã tuyên bố rằng Đanien là “một trong những người phản kháng vĩ đại nhất lịch sử bằng con đường phi bạo lực”. Vì thế, văn chương khải huyền minh họa một mối quan tâm chủ yếu của đức tin Do Thái thời hậu lưu đày, khẳng định đức tin và căn tính trong những tình cảnh bất lực hay thậm chí bị đàn áp.
Các Sách Khác
Phần chủ yếu cuối cùng của Thánh Kinh Do Thái là một phạm trù rộng bao hàm rất nhiều bản văn được xếp thành các nhóm. Thường được gọi là “Các Sách Khác”, phần này có các bản văn thi ca tôn giáo, các câu chuyện, và các bản văn thuộc nền văn chương khôn ngoan.
Thi ca
Phần thi ca tôn giáo lớn nhất trong Thánh Kinh là các Thánh Vịnh. Trong tư cách là văn chương đạo đức, các Thánh Vịnh đã được viết qua một giai đoạn dài trong lịch sử Do Thái. Thi ca Do Thái là một vấn đề gây nhiều tranh cãi. Chẳng hạn, người ta tranh cãi về vấn đề thi ca Do Thái có hay không có qui cách rõ ràng, và nếu không có một qui cách như vậy thì đâu là những yếu tố đặc trưng cho thể loại và cơ cấu của nó. Dù sao, cũng có thể khái quát được vài điều về thi ca Do Thái ngay cả qua bản văn Anh ngữ. Thi ca Do Thái, giống như thi ca Canaan, được đặc trưng bởi yếu tố song đối. Sự song đối chỉ có nghĩa rằng dòng thứ nhất của bài thơ (“A”) một cách nào đó được vọng lại nơi dòng thứ hai (“B”) và, đôi khi, cả nơi dòng thứ ba nữa (“C”). Người ta đã cố gắng phân biệt các loại song đối khác nhau, khi các phạm trù mô tả được tăng thêm. Nhưng giá trị của việc giải thích phức tạp như thế là điều còn bị đặt vấn đề. Đối với sinh viên ở giai đoạn nhập môn, chỉ cần chú ý đến mối liên hệ giữa dòng thứ hai (hay đôi khi dòng thứ ba) với dòng thứ nhất – để có một khái niệm về song đối.
Đối với nội dung của các Thánh Vịnh, cần ghi nhận rằng có nhiều loại Thánh Vịnh khác nhau liên quan với những chủ đề khác nhau. Thánh Vịnh 29 và các Thánh Vịnh khác cho thấy rất nhiều những nét tương đồng về văn chương và ngôn ngữ so với văn chương Canaan đến nỗi các học giả tin rằng có vẻ như đó là một bài thánh thi Canaan dâng lên thần Baal được vận dụng và thay đổi chút ít để trở thành một bài thánh thi dâng Đức Giavê. Các Thánh Vịnh khác có nguồn gốc nơi các nghi lễ phong vương và những cử hành mừng năm mới (Tv 72, 89, 2, 100). Các Thánh Vịnh khác nữa rõ ràng qui chiếu đến các biến cố lưu đày, cho thấy một gốc tích muộn hơn nhiều (Tv 126, 137).
Đa số các học giả tin rằng các Thánh Vịnh vốn là 5 bộ sưu tập khác nhau, được biên tập lại với nhau. Điều này sẽ không chỉ giải thích hiện tượng một Thánh Vịnh đôi khi được lặp lại, nhưng cũng giúp giải thích cả sự kiện rằng ở cuối mỗi trong năm quyển vốn được cho là rời nhau ấy đều có một vinh tụng ca được cách điệu hóa: “Amen, Amen” (x. phần kết của Tv 41, 72, 89, 106, 150).
Việc tìm hiểu các Thánh Vịnh – xét như một phần của việc tìm hiểu tôn giáo It-ra-en – có một khía cạnh dễ gây chán nản, đó là chúng ta chỉ có được một ý niệm mù mờ về cách thức mà việc phụng tự đã thực tế diễn ra tại It-ra-en cổ. Chẳng hạn, các học giả giả đoán rằng những sự thay đổi giữa ngôi thứ nhất số ít và số nhiều trong các Thánh Vịnh có thể cho thấy thể xướng đối trong phụng tự, hoặc giả các Thánh Vịnh ấy là những lời cầu nguyện cá nhân và chủ yếu được dùng bởi cá nhân; nhưng đây chỉ là giả đoán mà thôi. Rất tiếc, không có “sách nghi thức” mô tả phụng tự trong Đền Thờ cổ thời, và chúng ta chỉ có một chút ý niệm sơ sài về việc phụng tự trong Đền Thờ thứ hai. Tuy nhiên, có một điều thật rõ: việc áp dụng các Thánh Vịnh cho cả phụng tự tập thể lẫn cá nhân là đặc điểm nổi bật nhất của quyển sách này.
Văn Chương Khôn Ngoan
Văn chương khôn ngoan – gồm những sách như Châm Ngôn, Gióp, Giảng Viên, Khôn Ngoan không phải là nét độc đáo riêng của It-ra-en. Tại nhiều nơi ở Cận Đông cổ thời, chúng ta có thể tìm thấy các ví dụ về những bộ sưu tập các câu nói khôn ngoan thường được viết như thể một vị cha già đang khuyên nhủ đứa con mình hay một vị thầy đang chỉ dạy học trò mình. Thật vậy, một phần của Sách Châm Ngôn, quyển chính yếu của chúng ta về nền văn chương khôn ngoan, được lấy trực tiếp từ văn chương khôn ngoan Ai Cập (Cn 22,17-24,12). Đây chắc hẳn do bởi các chủ đề chính của văn chương khôn ngoan: các mối quan hệ, khiếu giao tiếp, sự cẩn trọng trong lời ăn tiếng nói, tiền bạc và sự cần kiệm, những mối nguy hiểm của việc ngoại tình hay việc ăn uống say sưa, sự cần thiết của việc thu thập thêm kiến thức,… là những vấn đề căn bản của con người. Thật vậy, người ta đã lập luận rằng văn chương khôn ngoan, vốn đặt cơ sở trên cái nhìn của con người, quả là một nền văn chương thế tục. Hầu chắc đó là văn chương phát xuất từ giới thượng lưu trong xã hội. Điều này càng được thấy rõ nơi cái nhìn của văn chương khôn ngoan về của cải như một dấu hiệu cho thấy sự chúc phúc của Thiên Chúa – trong khi đó văn chương ngôn sứ lại lên án giới giàu có như là những người không được Thiên Chúa chúc phúc.
Nhưng nền văn chương khôn ngoan, vốn đặt cơ sở trên cái nhìn của con người, cũng là căn bản cho tư tưởng duy lý và nhất là cho cách suy nghĩ của khoa học.Văn chương khôn ngoan, chẳng hạn Sách Giảng Viên, cực lực chốâng lại niềm hy vọng trống rỗng hay chủ nghĩa duy tâm sai lầm, và nghiêng về cái thực tế vốn thường đáng buồn của thế giới khả giác này và của con người trong đó. Vì thế, thật đáng ghi nhận rằng văn chương khôn ngoan trong Thánh Kinh Do Thái có lẽ cho thấy rằng tất cả suy tưởng của con người đều nằm trong thực tại đức tin. Nhưng văn chương khôn ngoan vẫn có lực kình chống nó ngay trong Thánh Kinh. Quyển sách Gióp thường được mô tả như là văn chương “phản khôn ngoan” bởi vì sự khôn ngoan không thể cung cấp các câu trả lời cho những vấn nạn nhức nhối của Gióp về lý do tại sao người công chính phải chịu đau khổ (cũng như sự khôn ngoan nhân loại của chúng ta vẫn tiếp tục bế tắc trước vấn nạn này!).
Cuối cùng, có những câu chuyện nhỏ có ý nghĩa quan trọng trong Thánh Kinh, như Sách Eùt-te và Sách Giona. Mỗi trong những sách này thể hiện một loại văn chương Do Thái vốn cũng được nhận thấy trong các sách khác (Giuse trong Sách Sáng Thế, Đn 1-6), ngày nay chúng ta gọi là “những câu chuyện Diaspora”. Đây là những câu chuyện quan trọng phản ảnh hoàn cảnh của người Do Thái trong các cộng đoàn sau thời lưu đày ở Palestine và bên ngoài Palestine. Mục đích chính của chúng là dạy người ta trung thành với đức tin trong những giai đoạn khó khăn và lệ thuộc về chính trị.
Dĩ nhiên, còn có thể nói nhiều điều nữa về các sắc thái đa dạng của văn chương Thánh Kinh Do Thái. Chúng ta đã lược qua một số loại văn chương và các sách có tính tiêu biểu, và đã ghi nhận một số vấn đề nổi bật nhất liên quan tới mỗi loại. Nhưng việc nghiên cứu Thánh Kinh chỉ thật sự thú vị khi các sinh viên bắt đầu học các công cụ, các phương pháp và các kỹ năng phân tích để có thể tự mình đi vào khám phá bản văn. Chúng ta hãy xem xét một số hình thức căn bản phân tích Thánh Kinh Do Thái, đồng thời cũng ghi nhận các loại vấn đề cần phải được đặt ra.
NGHIÊN CỨU THÁNH KINH
Sau khi đã tìm hiểu ba phần chính của Thánh Kinh, chúng ta cần khảo sát một số vấn đề liên quan đến việc phân tích Thánh Kinh. Một ví dụ tốt về việc phân tích Thánh Kinh là việc tìm hiểu năm quyển sách đầu tiên của Thánh Kinh, và lý thuyết được hình thành trong công cuộc nghiên cứu này gọi là “Giả Thuyết Theo Chứng Liệu”.
Giả Thuyết Theo Chứng Liệu
Đọc sách Sáng Thế, ngay cả những độc giả vô tình nhất cũng cảm thấy lúng túng bởi một loạt những hiện tượng văn chương thú vị. Chẳng hạn, có hai câu chuyện khác nhau về sáng tạo, đáng kể là sự khác biệt trong mô tả về thứ tự của tiến trình sáng tạo (cây cối, thú vật, rồi đến con người trong 1,1 – 2,4a; con người, cây cỏ, rồi đến thú vật trong 2,4b – 3, 24). Có những câu chuyện khác, chẳng hạn câu chuyện “Mối Đe Dọa Đối Với Vợ Của Tổ Phụ” được lặp lại không dưới ba lần trong bản văn (12,10-20; 20; 26,1-11), và những câu chuyện khác được kể hai lần (sự xua đuổi nàng Hagar trong chương 16 và một lần nữa ở chương 21). Hồi thế kỷ 18, các học giả đã chú ý đến tính không nhất quán giữa những cặp chuyện khác nhau này. Chẳng hạn, một trong hai bản của các câu chuyện được lặp lại sử dụng từ “Elohim” cho Thiên Chúa, trong khi bản kia cứ dùng từ “Yahweh”. Một trong hai bản sẽ trình bày Thiên Chúa có tính nhân cách hóa hơn (nghĩa là Thiên Chúa trong dạng một con người, Ngài đi lại và nói với con người), trong khi bản kia vẫn giữ một cái nhìn về Thiên Chúa uy linh, tách biệt khỏi con người và nói với con người từ trời hay từ trong những giấc mơ.
Những ghi nhận ấy đã dẫn tới “Giả Thuyết Theo Chứng Liệu”. Những đặc điểm căn bản của giả thuyết này thì khá đơn giản, và cho dù giả thuyết này thường xuyên bị chất vấn, nó vẫn là một cơ sở nền tảng để phân tích năm quyển sách đầu tiên của Thánh Kinh.
Theo Giả Thuyết Theo Chứng Liệu, một sưu tập thuở ban đầu về luật và những truyền thống truyền khẩu được tập hợp lại vào thời Salômôn để cung cấp một căn bản lịch sử cho đường lối cai trị. Những hệ thống này, vốn nhất quán sử dụng tên “Yahweh”, đã hình thành một sưu tập mạch lạc các tư liệu từ khởi đầu sáng tạo cho tới thời quân chủ. Sưu tập ban đầu này được gọi là truyền thống “J”. Các học giả chuyên về “phê bình văn loại” cố gắng nhận ra và tách riêng những bản văn hay những mẩu chuyện nhỏ vốn có khả năng phát xuất từ truyền thống truyền khẩu. Có lẽ một ít dòng thơ ca, hay hình thức tiền văn tự của câu chuyện, có thể được nhận ra, và từ đây, chúng ta có thể xác định bằng cách nào truyền thống hay bản văn đó đã được sử dụng và trau chuốt qua thời gian. Chẳng hạn, khi chú ý kỹ đến các hình thức của truyền thống văn học dân gian, người ta có thể nhận thấy bằng cách nào một số câu chuyện về các tổ phụ, vốn nguyên thủy là những câu chuyện truyền khẩu, mãi sau này mới được các ký lục của Salômôn tập hợp lại trong sưu tập của họ. Hơn nữa, một ý niệm nào đó về hình thức nguyên thủy của chúng có thể cho chúng ta thấy cách mà các ký lục đã thay đổi những câu chuyện, hoặc cách mà họ sử dụng những truyền thống truyền khẩu thời trước cho các mục đích của họ.
Sau khi quốc gia quân chủ thống nhất bị phân chia (922 trước công nguyên), vương quốc phía bắc có lẽ lập lịch sử riêng cho mình, sử dụng từ “Eâlohim“ cho Thiên Chúa, và những tư liệu này vì thế được gọi tên là “E”. Một lần nữa, khoa phê bình văn loại có thể chỉ ra cho chúng ta “văn loại” của những tư liệu mà các văn sĩ “E” đưa vào bản văn, và họ nhắm mục đích gì qua bản văn của họ.
Rồi các văn liệu J và E được bổ sung thêm trong thời của Những Cuộc Cải Cách Đệ Nhị Luật (sau 640 trước công nguyên) bởi việc tăng cường quyển Đệ Nhị Luật (gọi là “D”). Hơn nữa, các nhà biên tập này đã viết một phần chú giải rộng rãi về lịch sử It-ra-en từ nhãn quan của các luật thuộc Đệ Nhị Luật. Lịch sử này được viết từ thời chinh phục (Giôsuê) cho đến thời lưu đày Babylon (cuối quyển 2 Các Vua), và quan tâm chủ yếu đến các bài học luân lý của Đệ Nhị Luật bằng cách minh họa các vua quái gở của It-ra-en và Giuđa – là những vị vua bướng bỉnh phớt lơ Lề Luật của Môsê.
Cuối cùng, trong và sau thời lưu đày, quyền lãnh đạo dân Do Thái chuyển từ độc quyền của hoàng gia thành một thể chế cai trị kết hợp giữa hoàng tộc và giới tư tế, để rồi rốt cục quyền cai trị chỉ thuộc về tư tế mà thôi. Trong thời này, giới lãnh đạo tư tế đã thực hiện một cuộc tập hợp và biên tập lần cuối cùng các tư liệu Thánh Kinh. Những tư liệu mà họ thêm vào năm quyển đầu tiên của Thánh Kinh vì thế được đặt tên là “P”. Tư liệu P có thể được tìm thấy rải rác trong suốt năm quyển sách đầu tiên ấy, bắt đầu với câu chuyện sáng tạo thứ nhất (là câu chuyện mang đặc điểm của truyền thống tư tế, nêu bật tầm quan trọng của ngày Sabát, đến độ nói rằng Thiên Chúa “nghỉ ngơi”). Các biên tập viên “P” dường như muốn cố gắng làm sáng tỏ những vấn đề và những chi tiết tôn giáo trong nhiều điểm khác nhau, và đưa thêm vào rất nhiều tư liệu cho Sách Lêvi và Sách Dân Số. Tuy nhiên, cuối cùng, chúng ta cũng cần phải nhận ra rằng hiện nay chúng ta đọc năm quyển đầu tiên của Thánh Kinh trong tư cách là một đơn vị là do bởi công việc của các tư tế. Chẳng hạn, bằng cách tách Đệ Nhị Luật ra khỏi Giôsuê, các biên tập viên tư tế đã đặt Môsê (ở chỗ ngưỡng cửa bước vào Đất Hứa) vào cuối bộ sách sưu tập thánh thiêng nhất, tức bộ Torah này. Phải chăng những điều này là do ảnh hưởng của hoàn cảnh lưu đày, hoàn cảnh mà trong đó chính họ cũng sống niềm hy vọng được nhìn thấy Đất Hứa một lần nữa?
Ghi nhận một phác họa tổng quát như thế về Giả Thuyết Theo Chứng Liệu [(J + E + D) + P], chúng ta thấy rõ rằng bất cứ sự phân tích nghiêm chỉnh nào đối với bất cứ đoạn văn nào của Ngũ Thư , và thật ra là của sử gia Đệ Nhị Luật, thì cũng đều phải bắt đầu với một sự định vị xem đoạn văn ấy thuộc “nguồn” nào. Quá trình này gọi là “phê bình nguồn văn”.
Một khi chúng ta đã nhận ra “nguồn” của một bản văn, thật là thú vị việc xem thử bằng cách nào các biên tập viên đã kết hợp các nguồn lại với nhau. Hình thức phê bình này được gọi là phê bình “biên soạn” (redaction trong tiếng Đức). Hãy xem việc bổ sung câu chuyện sáng tạo thứ nhất (bởi các văn sĩ P) ảnh hưởng như thế nào đến cách chúng ta đọc bản thứ hai bắt đầu từ 2,4b. Ta có thể nhận ra rằng bấy giờ câu chuyện thứ hai đóng vai trò như thể một chú giải cho câu chuyện thứ nhất, đến nỗi nhiều sinh viên – khi chưa xem xét kỹ lưỡng – thậm chí không hề nhận ra rằng đó là hai câu chuyện khác nhau!
Nghiên cứu Thánh Kinh là một công việc thích thú ở chỗ nó luôn luôn có tính mới mẻ, do bởi các câu hỏi mới không ngừng được nêu ra. Mới đây, các sinh viên và các học giả đã bắt đầu mượn các câu hỏi và các phương pháp từ các môn khác để áp dụng vào việc nghiên cứu Thánh Kinh. Chẳng hạn, phương pháp phân tích của khoa nhân học có thể giúp chúng ta hiểu cấu trúc tương tự hàm chứa trong các câu chuyện về các tổ phụ hay không? Nếu có, có lẽ chúng ta sẽ học biết thêm nhiều điều về những người đã viết ra các câu chuyện đó. Phương pháp phân tích của khoa xã hội học có thể giúp chúng ta hiểu về hệ thống kinh tế xã hội được giả định cho các câu chuyện tổ phụ hay không? (Đời sống du cư? Đổi chác hàng hóa hay mua bán bằng tiền tệ? Tài sản được tích lũy và được chuyển giao như thế nào?) Nếu có, chúng ta có thể thậm chí có được nhiều manh mối hơn để xác định thời gian mà những câu chuyện này được viết ra. Cuối cùng, những hình thức phê bình văn chương mới có thể giúp chúng ta hiểu hơn về kết cấu của những câu chuyện ấy hay không? Và trong tư cách là độc giả chúng ta sẽ cảm nhận gì về cách mà những câu chuyện ấy đã được viết? Nếu câu trả lời là có, thì chúng ta sẽ càng có thêm lý do để trân trọng các văn sĩ ấy và các sứ điệp của họ.
Để bắt đầu việc nghiên cứu, các sinh viên cần có một bản dịch Thánh Kinh bằng tiếng Anh (12) tương đối mới và chính xác. Không nên dùng bất cứ bản dịch nào trước năm 1950 (ít nhất bởi vì sự kiện rằng các Cuộn Biển Chết được khám phá vào năm 1948). Tốt nhất là nên dùng một bản New American Bible (NAB) hay một bản New Revised Standard Version (NRSV) hoặc New Jerusalem Bible Study Edition. Bản New International Version cũng được, nhưng các sinh viên mới nhập môn nên tránh bất cứ bản quảng diễn Thánh Kinh nào, chẳng hạn bản Phillips, bản Living Bible, hay bản Good News Bible, vv…
Khi đọc qua một bản văn, các sinh viên nên chú ý sử dụng các từ điển Thánh Kinh để nắm chắc rằng một thuật ngữ Thánh Kinh có đúng ý nghĩa mà một độc giả hiện đại giả định. Sau khi mọi thuật ngữ đã được nhận hiểu, mọi nơi chốn đã được định vị trên bản đồ, thì điều quan trọng là bắt đầu phân tích bản văn. Công việc này sẽ đòi phải liên hệ đến nhiều sự chú giải hiện đại cho các sách khác nhau của Thánh Kinh. Các sinh viên sẽ tìm thấy rằng trong những chú giải này có nhiều phương pháp mà các học giả đã phát triển cho công việc phân tích một bản văn, mỗi phương pháp sẽ nêu những câu hỏi hơi khác nhau về bản văn. Với lòng kiên trì bền bỉ, những câu hỏi và những hình thức phân tích này sẽ trở nên vừa thích thú vừa đem lại nhiều ích lợi. Ở đây bật lên điểm cuối cùng trong công việc dẫn nhập của chúng ta vào Thánh Kinh Do Thái, đó là mối quan hệ của Thánh Kinh Do Thái với đời sống tôn giáo hiện đại.
Đức Tin
Và Thánh Kinh Do Thái
Câu hỏi cuối cùng cần xem xét: đâu là mối quan hệ giữa một bên là các vấn đề chú giải có tính lịch sử và phê bình đối với các sách khác nhau, và bên kia là ý nghĩa của Thánh Kinh Do Thái đối với đức tin thời hiện đại? Đây không hề là một câu hỏi dễ dàng, vì chỉ cần nghĩ thêm một chút, chúng ta có thể nhận ra rằng việc nghiên cứu bản văn có thể không dính líu gì đến một thái độ dấn thân hay một định hướng đặc biệt nào về tôn giáo cả. Tuy nhiên, từ một quan điểm đức tin, ta sẽ thấy chính những phương pháp này có thể hữu ích cho việc xây dựng thần học hiện đại. Khả năng giải quyết những câu hỏi gay go được nêu lên bởi khoa phân tích phê bình là một dấu cho thấy một niềm tin trưởng thành vào Thiên Chúa, ngay cả dù nó có nghĩa rằng mình phải sống với những câu hỏi còn bỏ ngỏ hay những vấn đề phức tạp. Chẳng hạn, không nhất thiết phải tin vào một con người lịch sử có tên là Abraham để có được một đức tin sâu xa và vững vàng rằng Thiên Chúa không ngừng truyền đạt cho chúng ta qua các câu chuyện về Abraham. Đó là lý do tại sao việc nghiên cứu bản văn vẫn là việc rất quan trọng.
Một thần học đích thực Kitô giáo không thể được xây dựng tách rời khỏi việc lắng nghe kỹ lưỡng những bản văn này. Thánh Kinh Do Thái vẫn là nguồn chủ yếu cho đức tin của con người hiện đại, và các Kitôhữu hiện đại có thể bắt đầu xây dựng thần học của riêng mình bằng cách nghiêm túc tham chiếu đến vị Thiên Chúa đã giải phóng các nô lệ, lật đổ các vua chúa, ngỏ lời qua các ngôn sứ, và hành động trong lịch sử.
Cuối cùng, vì quả thật việc phân tích Thánh Kinh cách nghiêm túc sẽ thay đổi bản chất đức tin của bất cứ sinh viên nào, nên có lẽ đây là lý do thuyết phục nhất mời gọi tất cả chúng ta bắt đầu tìm hiểu Thánh Kinh một cách nghiêm chỉnh. Sự cố gắng của chúng ta có thể giúp chúng ta nhận ra rằng những lời ấy không bỏ mặc một mình chúng ta loay hoay, và cùng với ngôn sứ Giêrêmia, chúng ta sẽ thú nhận:
Có lần con tự nhủ: “Tôi sẽ không nghĩ đến Người,
cũng chẳng nhân danh Người mà nói nữa.””
Nhưng lời Ngài cứ như ngọn lửa bừng cháy trong tim,
âm ỉ trong xương cốt.
Con nén chịu đến phải hao mòn… (Gr 20).

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét