NGHIÊN CỨU VỀ TẢNG ĐÁ PHONG BẾ MỘ PHẦN ĐỨC GIÊSU
Nghiên cứu về tảng đá phong bế mộ phần Ðức Giêsu
Các học giả đã tìm được manh mối về hình thù của tảng đá chặn cửa mộ phần của Chúa Giêsu ở Jerusalem, phần nào hóa giải được nghi vấn lâu nay khi đọc Kinh Thánh và các Phúc âm.
“Sáng sớm ngày thứ nhất trong tuần, lúc trời còn tối, bà Maria Mácđalêna đi đến mộ, thì thấy tảng đá đã bị lăn khỏi mộ”, theo Phúc âm Gioan 20:1. Từ đoạn viết này, người đời sau bắt đầu mường tượng và đặt câu hỏi tảng đá nào đã được dùng để chặn bên ngoài nấm mồ của Chúa Giêsu ? Ắt hẳn ai nấy đều cho rằng phải là một tảng đá hình tròn để dễ lăn vào buổi sáng của ngày Phục Sinh. Tuy nhiên, kết quả nghiên cứu và phân tích khoa học gần đây đã đưa ra một thông tin hoàn toàn khác, theo trang tin Aleteia.
Ngôi mộ vay mượn
Trên thực tế, nhà khảo cổ học, giáo sư danh dự Amos Kloner của Đại học Bar Ilan (Israel) đã tiến hành khảo sát tận nơi hơn 900 hang đá chứa mộ phần vào giai đoạn Đền thờ thứ hai được tìm thấy xung quanh Jerusalem. Trong số này, chỉ có 4 ngôi mộ đẹp đẽ và thuộc về các gia đình giàu có nhất, thậm chí có dòng dõi vua chúa, mới được che đậy bằng hòn đá hình tròn, chẳng hạn như mộ phần của Nữ hoàng Helena xứ Adiabene. Vậy thì liệu hầm mộ của Chúa Giêsu có nằm trong nhóm 4 ngôi mộ này ?
Do các phiến đá chắn mộ có hình tròn quá hiếm vào thời đó, trong khi mộ của Giêsu được mượn dùng từ một mộ phần ban đầu được xây sẵn cho dân thường, cụ thể là cho ông Joseph xứ Arimathea (Mátthêu 27:60), và lúc đó vẫn chưa cần sử dụng đến, xác suất đặc biệt cao là phần mộ không thể nào có sẵn phiến đá tròn trịa đẹp đẽ. Từ đó, giới khảo cổ học cho rằng mộ của Ngài chỉ dùng một khối đá gồ ghề để chặn lại, theo trang Bible History Daily. Manh mối liên quan đến vấn đề này cũng được phản ánh trong ngôn ngữ của các Phúc âm Mátthêu, Luca và Máccô, tất cả đều sử dụng động từ Hy Lạp là kulio, có nghĩa là lăn, để mô tả cách thức di chuyển hòn đá, theo Bible History Daily tóm tắt công trình nghiên cứu của giáo sư Urban C. von Wahlde thuộc Đại học Loyola ở Chicago.
Trong bài viết có tên “A Rolling Stone That Was Hard to Roll” (lược dịch: Một tảng đá khó lăn) được đăng trên số báo tháng ba/tháng tư 2015 của tạp chí Biblical Archeology Society, giáo sư von Wahlde đã dò tìm hết sức kỹ lưỡng các dấu vết để lại trong Phúc âm để xác định được hình dạng có thể của tảng đá niêm phong mộ Giêsu. Ông đã cẩn thận phân tích ngữ pháp Hy Lạp cổ có thể mang hàm ý để rút tỉa được một chi tiết từ Phúc âm Gioan, ủng hộ ý tưởng cho rằng mộ phần của Thầy trên thực tế được chắn bằng một hòn đá góc cạnh. Trong khi đó, các Phúc âm còn lại thì thể hiện rõ ràng hơn.
Máccô 15:46 có đoạn : “Rồi Joseph mua một tấm vải lanh, lấy xác, bọc trong vải liệm, và để trong một ngôi mộ đã được đục ra khỏi hòn đá. Sau đó, ông lăn một hòn đá vào cửa mộ”. Động từ Hy Lạp được dùng trong câu cuối của đoạn này là proskulisas. Giáo sư von Wahlde phân tích: “Cụm từ này là sự kết hợp giữa pros (nghĩa là “hướng đến”) và động từ quá khứ của kulio (nghĩa là “lăn hoặc lăn dọc theo”). Còn Máccô 16:3 mô tả cảnh tượng vào ngày Phục Sinh, khi bà Maria Mácđalêna, bà Maria mẹ ông Giacôbê, và bà Salome đến thăm mộ Giêsu : “Họ nói với nhau rằng “Ai sẽ lăn giùm tảng đá ra cho chúng ta?””. Từ Hy Lạp có nghĩa “lăn đi” là apekulisen, mà theo phân tích của giáo sư von Wahlde, đây là sự kết hợp giữa “ap” (đi khỏi) và kulio (có nghĩa là lăn).
Các Phúc âm Mátthêu và Luca đều sử dụng tổ hợp tương tự dựa trên động từ gốc là kulio. Điều này một lần nữa chứng minh hòn đá chặn trước mộ của Chúa Giêsu đã được lăn, có nghĩa là nó phải có góc cạnh.
Vậy thì hòn đá như thế nào mới lăn được ?
Nếu ai đã từng thử hoặc quan sát cảnh tượng lăn gốc cây vừa mới đốn, chuyện lăn dễ hơn vẫn tưởng. Nguyên lý tương tự được áp dụng cho hòn đá ở mộ phần Chúa Giêsu hoặc bất cứ mộ phần dân thường ở Jerusalem vào thời Đền thờ thứ hai. Kích thước của nó không quá lớn, và dù không đủ tròn, hòn đá này vẫn cho phép một hoặc hai người xoay xở để lăn nó vào vị trí.
Như học giả von Wahlde đã viết : “Một khi thấy được kích thước của hòn đá chặn cửa, bạn có thể thấy được chuyện lăn đá ra khỏi vị trí cũng chẳng quá khó thực hiện”. Trên thực tế, Phúc âm Gioan đã dùng một động từ Hy Lạp khác là hairo, mà theo giáo sư có nghĩa là “mang đi”. Gioan 20:1 có đoạn : “Sáng sớm ngày thứ nhất trong tuần, lúc trời còn tối, bà Maria Mácđalêna đi đến thì thấy tảng đá đã lăn khỏi mộ”.
Thời kỳ sau đó, vào giai đoạn cuối thời La Mã và Byzantine, các phiến đá hình tròn bớt hiếm hơn. Hàng chục ngôi mộ ở Jerusalem vào thời này bắt đầu dùng đá tròn để chặn mộ, nhưng với kích thước nhỏ hơn. Trong khi 4 tảng đá của các ngôi mộ xa hoa vào thời Đền thờ thứ hai có đường kính ít nhất 1,22m, thời sau chỉ sử dụng những tảng đá đường kính chưa đến 1m. Tuy nhiên, niên đại và kiểu dáng của những ngôi mộ sau này không thể nào của Đức Giêsu, do ngôi mộ “vay” đã được xây nhiều năm trước đó, trước thời điểm Đền thờ thứ hai kết thúc vào năm 70, khi đế quốc La Mã tàn phá Jerusalem.
LING LANG
Nguồn tin: Báo Công Giáo & Dân Tộc
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét