Trang

Thứ Sáu, 6 tháng 10, 2017

Thần học giáo dân: Mô hình đại học Công Giáo Paris



 
Thần học giáo dân: Mô hình đại học Công Giáo Paris

Thần học giáo dân (Théologie Laïque; Lay Theology) vừa chỉ định một bộ môn khoa học nghiên cứu những vấn đề tôn giáo dựa trên sách thánh, tín lý và mạc khải về giáo dân; mặt khác liên hệ đến việc đào thần học dành cho giáo dân. Thuật từ ‘‘giáo dân’’ tiếng Việt chuyển dịch từ Latinh laicus; tiếng Hy lạp laikos (chung, cộng đoàn) hoặc laos: người dân, để phân biệt với klerikos (giáo sĩ). Trong bài này, chúng tôi lần lượt trình bầy tóm lược về cả hai khía cạnh thần học giáo dân và việc đào tạo thần học cho giáo dân.

Thần học giáo dân

Theo nghĩa từ nguyên Hy lạp, thần học giáo dân là thần học phát xuất từ quảng đại quần chúng (laos: nhân dân). Tuy việc nghiên cứu là công trình cá nhân nhưng những suy nghĩ này có thể đối chiếu với những công trình của người khác. Mỗi người có một cách học hỏi thần học khác nhau: giáo xứ, phong trào (như Cursillo). Một số khác theo học tại Đại học Công giáo trong các học trình từ cử nhân đến cao học và tiền sĩ.
Thần học, chuyển dịch từ tiếng Hy Lạp theologia là một thuật từ được Platon sử dụng lần đàu tiên, sau này Aristote nói đến ‘‘triết lý thần học’’ và sự hiếu biết về thần học. Thánh Augustinô dùng thuật từ doctrina sacra (Giáo thuyết thánh) thay cho Thần học. Theo giáo thuyết của Hội thánh, thần học bao gồm các bài giảng hướng về cộng đoàn. Thần học còn nhằm bảo vệ (apologia) đức tin công giáo trước các trào lưu thế tục. Khuynh hướng thần học công giáo xuất hiện sớm nhất đặt nặng vần đề luân lý (moralité) hơn là thuần lý (rationalité), điển hình là chủ trương của Justin. Trong tác phẩm Contre Celse của Origène (185-253), tác giả chú trọng đến duy lý và chân lý. Thần học có nhiệm vụ bảo vệ sự nhất quán (cohérence) và khả tín (crédibilité) của Kitô giáo trước triết học ngoại giáo (paganisme).

Ngoài khuynh hướng minh giáo (apologétique) nói trên, thần học giáo phụ (patristique) nhằm đối tượng đức tin, phân biệt giữa đức tin (pistis) và tri thức (gnosis). Clément (150-220) là khuôn vàng thước ngọc cho thần học giáo dân. Xuất thân là người ngoại giáo, ngài đã chịu phép rửa tội, có dịp viếng thăm Hy Lạp, Ý, sau cùng nghiên cứu tại Alexandrie, khu vực ảnh hưởng của khuynh hướng chiết trung. Khuynh hướng này trở thành trường phái thần học Alexandrie do Pantène lãnh đạo. Đức Thánh Cha Démétrius đệ I cử Pantène sang Đông Ấn (Indes orientales). Thuật từ địa lý ‘‘Đông Ấn’’ bao gồm Đông Nam Á và Nam Á, ngoài Ấn Độ còn có Pakistan, Bangladesh, Miến Điện, Tích Lan, Thái Lan, Việt Nam và các nước láng giềng. Clément kế vị trường phái thần học sơ khởi này. Clément là nhà thần học công giáo tiên phong trong việc nghiên cứu Kitô giáo dưới lăng kính triết học, bằng cách dung hòa giữa các ngôn sứ trong Cựu ước với các triết gia Hy lạp. Thần học trở thành công trình trí tuệ có khả năng suy luận (intelligence spéculative)
Linh mục Vincent Holzer dòng Lazariste, giám đốc cấp học tiến sĩ (cycle des études du doctorat) Đại học Công giáo Paris đã cho rằng công việc của nhà thần học nhằm khai triển mối quan hệ giữa lý trí và mạc khải. Các nhà thần học công giáo bao gồm các giáo sĩ và giáo dân là kho tàng đức tin (dépôt de la foi), gìn giữ di sản đức tin lưu truyền trong nội dung Tin mừng (kérygme), như thánh Phaolô: ‘‘Trước hết, tôi đã truyền cho anh em điều mà chính tôi đã lãnh, đó là: Đức Kitô đã chết vì tội lỗi chúng ta, đúng như lời Kinh Thánh.’’ (1 Cr, 15,3).

Từ năm 1889, gần 800 luận án tiến sĩ thần học đã được bảo vệ thành công tại Đại học Công giáo Paris. Hiện nay trong số 180 sinh viên tiến sĩ có khoảng 90 người nước ngoài. Khoảng 45 sinh viên là giáo dân, gồm cả nam và nữ. Đó là các nhà thần học giáo dân trong tương lai. Họ là thành trì bảo vệ đức tin trước các trào lưu thế tục hiện nay.

Thần học giáo dân: so sánh giữa Việt Nam và Nhật Bản

*Việt Nam : Theo Zenith, cơ quan thông tấn của Tòa Thánh, ngày 3/4/2009:

- Năm 1960, dân số Việt Nam là 30 172 000, trong số có 2 094 640 người công giáo, tỷ lệ 6,93%.

- Năm 2000, dân số Việt Nam là 77 635 400, trong số có 5 234 303 người công giáo, tỷ lệ 6,7%.

- Từ 2000 đến 2007, mỗi năm có khoảng 35 000 người lớn rửa tội.

Theo bản tin Zenith vừa trích dẫn, trong lịch sử Giáo hội Việt Nam, mức gia tăng số giáo dân thay đổi theo từng thời kỳ.

- Năm 1802 (187 năm sau khi các cha dòng Tên đến truyến giáo ở Việt Nam và 150 năm sau khi có vị đại diện tông tòa đầu tiên), có 320 000 người công giáo, 3% dân số. Chính trong thời kỳ bách hai đẫm máu là thời kỳ tăng gia đáng kể số giáo dân.

- Từ 1802 đến 1886 có hàng chục ngàn anh hùng tử đạo. Số giáo dân từ 3% tăng lên 7 %. Trong thời kỳ Văn Thân giết hại người công giáo, số giáo dân tăng gấp đôi với 648 435 tín hữu.
Theo số liệu thống kê của Hội đồng Giám mục Việt Nam:

- Dân số Việt Nam hiện nay là 82 032 000. Số người công giao rửa tội là 5 777 000. Số tín hữu chiếm 9,8% trong số công giáo: 7,04%, tin lành: 0,8%.

- Hiện nay, Việt Nam có 25 giáo phận, 32 giám mục, 1 888 linh mục triều, 2 100 linh mục dòng.

- 1 linh mục cho 2 676 tín hữu.

- 17 phó tế, 624 thầy trợ sĩ (không phải là linh mục), 12 344 nữ tu.

* Nhật Bản : Theo Văn phòng Phân tích và Dự báo của Hội đồng Giám mục Nhật Bản, số giáo dân tại Nhật chỉ chiếm 1% dân số. Theo tuần báo Katorikku Shimbun, Giáo hội Nhật có 34,1 linh mục cho 10 000 giáo dân, chiếm tỷ lệ cao nhất hiện nay ở Á Châu, so với 23,5 linh mục/10 000 giáo dân ở Thái Lan. 22,6 ở Đài Loan. 3,74 linh mục ở Việt Nam. 1,2 linh mục ở Phi Luật Tân. Các linh mục trẻ phần nhiều là các tân tòng. Tuổi trung bình của các linh mục ở Nhật Bản là 60. Hiện nay, Nhật Bản bị khủng hoảng ơn gọi như nhiều nước khác.

- Theo thống kê năm 2001, 55% trên tổng số 895 000 người công giáo tại Nhật là người Nhật. Số còn lại là nưới nước ngoài định cư ở Nhật.

- Nhật Bản hiện có 1732 linh mục triều, trong số có 961 linh mục là người Nhật, 771 linh mục người nước ngoài.

- Từ 1972 đến 2000, số linh mục dưới 60 tuổi là 998.

- Năm 2002, Nhật có 156 chủng sinh, 31 phó tế chuẩn bị thụ phong linh mục.

Theo Koichi Arimura thuộc Văn phòng Phân tích và Dự báo, khoảng 15 năm sắp tới, số linh mục sẽ giảm từ một nửa đến một phần ba. Để giải quyết tình trạng này, Giáo hội Nhật cần quan tâm hơn nữa đến vai trò của giáo dân.

*Thần học giáo dân tại Nhật bản: Thần học giáo dân tại xứ Phù Tang là kết quả của tiến trình hội nhập văn hóa (inculturation). Trong số các nhà thần học Nhật bản, phải kể đến:

- Tin lành: Kitamori Kazo, Yagi Katsumi, Takizawa Katsumi, Arai Sasagu.

- Công giáo: Inoue Yoji, Endo Shusaku.

Việc giới thiệu thần học Nhật Bản là một gợi ý để suy nghĩ về việc hình thành khoa thần học tại Việt Nam, bao gồm cả thần học giáo dân.

Vấn đề đào tạo thần học cho giáo dân

Việc đào tạo thần học cho giáo dân (formation théologique du laïc) là cần thiết trong thời điểm hiện nay. Năm 2010, Giáo hội Việt Nam sẽ cử hành Năm Thánh kỷ niệm 350 năm thiết lập hai phủ đại diện tông tòa tại Đàng Ngoài và Đàng Trong, hai giáo tỉnh chúa Trịnh ờ miền Bắc và chúa Nguyễn ở miền Nam (tông sắc Super Cathedram do Đức Thánh Cha Alexandre VII công bố ngày 9-9-1659; đúng 350 năm tính đến ngày viết bài báo này), 50 năm thiết lập hàng Giáo phẩm Việt Nam (tông sắc Venerabilium Nostrorum do Đức Thánh Cha Gioan XXIII ban hành ngày 24-11-1960). Vị Giáo hoàng Nhân hậu (Il Papa Buono) Gioan XXIII được phong Chân phước vào Năm Thánh 2000, lễ kính ngày 11 tháng 10. Ngài thiết lập ba giáo tỉnh Hà Nội, Huế, Saigon. Các biến cố trọng đại này cho chứng tỏ Giáo hội Việt Nam đã trưởng thành. Vấn đề đạo tạo thần học giáo dân trong khuôn khổ Năm Thánh 2010 thiết tưởng là đúng lúc..

Chúng tôi sẽ lược trình cấp học C được mở tại Đại học Công giáo Paris từ 40 năm nay như một mô hình tham khảo cho hình thức đào tạo tương tự tại Việt Nam sau này.

* Cấp học C Đại học Công giáo Paris: Đại học Công giáo Paris là cơ sở duy nhất giảng dạy Cử nhân Thần học trong 8 năm vào buổi tối và các ngày cuối tuần dành cho giáo dân. Hiện có hai phụ nữ Việt Nam theo học năm thứ 2 và năm thứ 3 cấp C đào tạo các nhà thần học giáo dân. Cấp học này do một giáo dân làm giám đốc: Giáo sư Brigitte Cholvy. Bà có bằng Cử nhân Thần học và Kỹ sư Trường Cao đẳng Trắc địa và Đo vẽ địa hình (École Supérieure des Géomètres et Topographes), thuộc Học viện Quốc gia Công nghệ (CNAM).

Các sinh viên học cấp C đều đã tốt nghiệp nhiều chuyên khoa khác nhau (kiểm toán, audit; chuyên viên điện toán, informaticien v.v.). Quá trình đào tạo từ nhiều nguồn khác nhau đem lại một chiều kích phong phú cho việc nghiên cứu thần học sau này. Mặt khác, ngoài việc phục vụ Giáo hội trong lãnh vực thần học, các nhà thần học tương lai còn là các giáo lý viên hướng dẫn con em về tín lý.
Cấp C chia thành hai giai đoạn. Mỗi giai đoạn gồm 4 năm học:

Giai đoạn 1:

- Năm 1 đào tạo khả năng thần học (année d’habilitation) và gồm các môn: Lịch sử Giáo hội, Kinh thánh, Thần học, Triết học, Phương pháp luận.

- Hai năm Triết học và Kinh thánh (Année philosophique et Bible 1 et 2): APB1: Vấn đề Thượng đế. Triết học Hy lạp và Trung đại. APB 2: Cựu ước: Ngũ thư và các Ngôn sứ

- Quy trình hội nhập Kitô học (parcours intégré de Christologie): Triết học. Kinh Thánh. Giáo phụ học. Tín lý học.

Sau Giai đoạn 1, các sinh viên tốt nghiệp được cấp Văn bằng Đại học Thần học (Diplôme Universitaire d’Etudes Théologiques: DUET).

Giai đoạn 2:

- Quy trình hội nhập Giáo hội học (parcours intégré d’Ecclésiologie): Xã hội học. Kinh thánh. Tín lý học. Lịch sử Giáo hội. Giáo luật.

- Quy trình hội nhập Nhân loại học (parcours intégré d’Anthropologie): Ngôn từ (Logos), Minh triét (Sagesse).Thượng đế. Vấn đề Thượng đế trong Triết học Trung đại. Nhân loại học Triết học Kinh thánh, Tín lý học

- Quy trình hội nhập Hành giáo (parcours intégré d’Agir Chrétien): Các vấn đề triết học chính trong Đạo đức học hiện đại. Thần học luân lý căn bản. Đạo đức học Tính dục. Đạo đức học đời sống. Đạo đức xã hội. Khai tâm Thần học bí tích và Phụng vụ. Khai tâm Kitô giáo: phụng vụ và thần học. Phép Thánh thể. Hôn nhân. Xức dầu bệnh nhân và hòa giải. Các phép bí tích trong viễn tượng đại kết.

Năm 1 (nhập môn) sinh viên chọn cổ ngữ: Hy Lạp, Latinh va Do thái.

Hai giáo trình thả nổi (cours flottants): Chú giải Cựu ước (Exégèse de l’Ancien Testament) và Thần học các tôn giáo (Théologie des religions)

Mỗi năm học gồm:

- hai giờ lớp tối hàng tuần (từ 62 đến 70 tiết học một năm), từ 20 giờ 30 đến 22 giờ 30.
- Ba giờ làm việc nhóm (mỗi 3 tuần, vào thứ bẩy hoặc chủ nhật)
- Mỗi ba tháng: hội thảo cả ngày chủ nhật.
- Kiểm tra năm 1: 1 kiểm tra vấn đáp và 2 luận văn: luận văn 1: 5 trang; luận văn 2: 15 trang
- Kiểm tra năm Triết học và Kinh thánh 1: 2 kiểm tra vấn đáp và 1 luận văn 15 trang
Văn bằng Thần học có các thứ hạng: Summa cum lauda (Ưu hạng). Magna cum laude (Giỏi). Cum laude (Khá giỏi). Bene probatus (Giỏi). Probatus (Trung bình).

Cấp học C có hơn 2000 giáo dân theo học Tuổi trung bình
ngày nay là 34/40 tuổi và 40/50 tuổi, số nam và nữ bằng nhau. Các sinh viện thường tốt nghiệp một chuyên khoa (Tú tài + 5 năm hoặc cao hơn). Chính sự đa dạng về nghề nghiệp, gia cảnh v.v. đem lại một chiều kích mới mẻ trong việc đào tạo thần học giáo dân.

Mô hình đào tạo thần học giáo dân của Đại học Công giáo Paris nếu đưọc triển khai trong nước trong thời gian sắp tới chắc chắn sẽ đem lại hướng phát triển mới đầy hứa hẹn cho Giáo hội Việt Nam.

Kết luận:

Trong tác phẩm ‘‘Jalons pour une théologie du laïcat’’, linh mục Yves Congar cho rằng giáo dân là những người được ủy quyền (mandatés), thay vì chỉ giữ vai trò thứ yếu trong Giáo hội. Đức Thánh Cha Bênêdictô XVI đề cao vai trò của giáo dân trong Giáo hội ngày nay, trong số có lãnh vực thần học.Trong diễn văn đọc trước Đại hội đồng Hội đồng Tòa thánh về Giáo dân ngày 15-11-2008, ngài đánh giá tông huấn Christifideles laic như đại hiến chương của giáo dân trong thời đại hiện nay. Ngày nay, giáo dân tham gia vào việc xây dựng cộng đồng công giáo và chia sẻ nhiệm vụ chung của Giáo hội. Họ là chứng nhân trong các môi trường xã hội khác nhau. Chủ đề này được nói đến trong Hiến chế Lumen gentium và Gaudium et spes; cũng như Tông sắc Apostolicam actuositatem.

Để có thể nhận lãnh vai trò đúng đắn trong Giáo hội trước nhiều thay đổi trong xã hội, người giáo dân cần được đào tạo về thần học. Việc mở ra các hình thức đào tạo tương tự như cấp học C của Đại học Công giáo Paris trong bối cảnh hiện nay thiết tường là điều cần thiết vậy.

Paris, ngày 8 tháng 9 năm 2009 (Lễ Sinh nhật Đức Mẹ)

Lê Đình Thông

Nguồn: danchuausa.net
 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét