Trang

Thứ Bảy, 28 tháng 10, 2017

DIỄN TỪ CỦA ĐỨC THÁNH CHA PHANXICÔ DÀNH CHO CÁC THAM DỰ VIÊN TRONG CUỘC GẶP GỠ ĐƯỢC TỔ CHỨC BỞI HỘI ĐỒNG GIÁO HOÀNG CỔ VŨ VIỆC TÂN PHÚC ÂM HÓA


BanGiaoLy Vietnam

DIỄN TỪ CỦA ĐỨC THÁNH CHA PHANXICÔ
DÀNH CHO CÁC THAM DỰ VIÊN TRONG CUỘC GẶP GỠ
ĐƯỢC TỔ CHỨC BỞI HỘI ĐỒNG GIÁO HOÀNG  
CỔ VŨ VIỆC TÂN PHÚC ÂM HÓA
Tại Phòng họp Thượng Hội Đồng
Thứ Tư, ngày 11 tháng 10 năm 2017.

Kính thưa quí Đức Hồng Y,
Những người anh em quý mến trong chức vụ Giám mục và trong chức vụ linh mục,
Kính thưa quí ngài Đại sứ,
Kính thưa quí vị Giáo sư,
Quí anh chị em,

Tôi xin thân ái chào mừng quí vị và xin cảm ơn Đức Tổng Fisichella về những lời nồng nhiệt dành cho tôi.

Dịp kỷ niệm 25 năm ngày ban hành Tông hiến Fidei Depositum, qua đó Đức Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II cho phổ biến Sách Giáo lý của Hội thánh Công giáo, 30 năm kể từ ngày khai mạc Công đồng Đại kết Vaticanô II, là một cơ may để nhìn lại hành trình đã qua. Nếu như Thánh Giáo hoàng Gioan XXIII đã ước ao và mong muốn có Công đồng, thì tiên vàn không phải để lên án các lầm lạc, nhưng nhất là để tạo cơ hội cho Hội Thánh trình bày vẻ đẹp đức tin của mình nơi Đức Giêsu Kitô bằng một ngôn ngữ được đổi mới. Trong Diễn văn khai mạc Công đồng, Đức Thánh Cha đã khẳng định: “Điều cần thiết trước nhất là Hội Thánh không bao giờ được ngoảnh mặt với di sản sự thật thánh thiêng mà Hội Thánh đã lãnh nhận từ các bậc tiền nhân. Nhưng, Hội Thánh cũng phải hướng nhìn về thời hiện tại, vốn đang nảy sinh những hoàn cảnh mới, những hình thức sống mới và đang mở ra những con đường mới cho sứ vụ loan truyền đức tin công giáo” (ngày 11 tháng 10 năm 1962). Đức Thánh Cha phát biểu tiếp: “Chúng ta không thể chỉ bảo tồn kho tàng quí báu này như thể chúng ta chỉ biết quan tâm đến quá khứ, nhưng chúng ta còn phải vui sướng và không sợ hãi, tiến hành công việc mà thời đại chúng ta đang đòi hỏi, bằng cách tiếp nối con đường mà Hội Thánh đã đi suốt gần 20 thế kỷ qua” (Ibid.).

“Bảo tồn” và “tiếp nối” đó là mục đích mà Hội Thánh nhắm tới do tự bản chất của mình, để làm cho sự thật về Tin Mừng Đức Giêsu loan báo đạt đến tình trạng viên mãn cho tới ngày tận thế. Đó chính là ân sủng đã được trao ban cho Dân Chúa, nhưng đó cũng chính là bổn phận và là sứ vụ mà chúng ta có trách nhiệm, để loan báo Tin Mừng muôn thuở cho những người đang sống cùng thời với chúng ta, với một cách thức mới mẻ và ngày càng triệt để hơn. Chính trong niềm vui phát xuất từ niềm hy vọng kitô giáo, và được thêm sức mạnh “nhờ phương dược lòng thương xót” (Ibid.), chúng ta đến với những người nam và những người nữ trong thời đại chúng ta, để giúp họ khám phá ra sự giàu có vô tận của con người Đức Giêsu Kitô.

Khi giới thiệu Sách Giáo lý của Hội thánh Công giáo, Thánh Gioan Phaolô II đã khẳng định rằng “Sách Giáo lý phải lưu ý đến những giải thích giáo huấn mà Chúa Thánh Thần đã gợi hứng cho Hội Thánh trong giòng thời gian. Sách Giáo lý cũng giúp soi sáng những hoàn cảnh mới mẻ và những vấn đề còn chưa được đặt ra trong quá khứ, nhờ ánh sáng đức tin” (Tông hiến Fidei Depositum, số 3). Vì thế, Sách Giáo lý này là một công cụ quan trọng, không chỉ nhằm trình bày cho các tín hữu giáo huấn muôn thuở hầu giúp họ lớn lên trong sự hiểu biết đức tin, nhưng còn là và nhất là vì Sách Giáo lý nhắm đến những người đương thời, với những vấn nạn vừa khác biệt vừa mới mẻ của họ. Chính vì thế mà Hội Thánh nỗ lực trình bày đức tin như một giải đáp đầy ý nghĩa cho đời sống con người, trong thời khắc đặc thù của lịch sử mà chúng ta đang sống. Vì thế, sẽ là không đủ nếu chỉ muốn tìm ra một thứ ngôn ngữ mới mẻ để diễn tả đức tin của muôn thuở. Đối diện với những thách thức mới và những nhãn quan mới đang mở ra trước mặt nhân loại, việc cần thiết và khẩn trương là Hội Thánh phải trình bày tính mới mẻ của Tin Mừng Đức Kitô, vốn ẩn chứa trong Lời Chúa, nhưng vẫn chưa được đưa ra ánh sáng. Đó chính là kho tàng, vốn “chứa cả cái mới và cái cũ” mà Đức Giêsu đã nói tới, khi Người tập cho các môn đệ của Người biết dạy cái mới vốn phát sinh từ Người, nhưng không được bỏ đi cái cũ (x. Mt 13, 52).

Thánh sử Gioan giới thiệu với chúng ta một trong những trang Tin Mừng đẹp nhất của ngài, khi tường thuật lại điều mà người ta vẫn gọi là “lời nguyện linh mục” của Đức Giêsu. Trước khi phải đối diện với Cuộc Thương Khó và cái chết, Người đã ngỏ lời với Chúa Cha, tỏ bày niềm vâng phục trong việc hoàn tất sứ vụ đã lãnh nhận. Những lời của Người là một bài ngợi ca tình yêu và cũng hàm chứa ước nguyện cho các môn đệ của Người sẽ được gìn giữ và bảo vệ (x. Ga 17, 12-15). Đồng thời, Đức Giêsu cũng cầu nguyện cho những ai sẽ tin vào Người, trong tương lai, nhờ lời rao giảng của các môn đệ của Người, để những người này cũng được qui tụ lại và được gìn giữ trong sự hiệp nhất (x. Ga 17, 20-23). Thành ngữ “Sự sống đời đó là họ nhận biết Cha, Thiên Chúa duy nhất và chân thật, và nhận biết Đấng Cha đã sai đến, là Đức Giêsu Kitô” (Ga 17, 3) diễn tả tuyệt đỉnh sứ vụ của Đức Giêsu.

Như chúng ta biết, hiểu biết Thiên Chúa trước tiên không phải là việc luyện tập thuần lý thuyết của lý trí nhân loại, nhưng là một nỗi khao khát vô tận vẫn hằng hiện diện nơi tâm khảm của mỗi con người. Đó chính là sự hiểu biết đến từ tình yêu, bởi vì chúng ta đã gặp gỡ Con Thiên Chúa trên đường đời của chúng ta (x. Thông điệp Lumen Fidei, số 28). Đức Giêsu Nadaret vẫn đang đồng hành bên cạnh chúng ta, để dẫn đưa chúng ta vào mầu nhiệm tình yêu thẳm sâu của Chúa Cha, nhờ lời của Người và những dấu chỉ được thể hiện. Ngày lại ngày, sự hiểu biết này được củng cố qua niềm xác tín của đức tin, rằng chúng ta vẫn đang được yêu thương, và như vậy, đang được tháp nhập vào trong một kế hoạch tràn đầy ý nghĩa. Kẻ đang yêu luôn muốn biết nhiều hơn nữa về người mình yêu, hầu khám phá ra sự phong phú ẩn tàng nơi người mình yêu, người mà mỗi ngày vẫn tự tỏ hiện như một thực tại luôn luôn mới mẻ.

Chính vì thế, cần phải nhìn Sách Giáo lý của chúng ta dưới ánh sáng của tình yêu, tức là như một kinh nghiệm hiểu biết, tin tưởng và phó thác cho mầu nhiệm. Để xác định cấu trúc riêng biệt, Sách Giáo lý của Hội thánh Công giáo đã trích lại nguyên văn của Sách Giáo lý Rôma và đề nghị xem bản văn này như chìa khóa để đọc và thực hành: “Mọi cùng đích của đạo lý và giáo huấn đều phải được định vị trong tình yêu vốn không có tận cùng. Vì thế, chúng ta có thể trình bày điều phải tin, phải hy vọng hay phải làm; nhưng nhất là phải luôn làm nổi bật tình yêu của Chúa chúng ta, ngõ hầu mỗi người đều hiểu được rằng mọi hành vi nhân đức trọn hảo Kitô giáo không có một nguồn gốc nào khác ngoài tình yêu và không có mục đích nào khác ngoài tình yêu” (Giáo lý của Hội thánh Công giáo, số 25).

Khởi đi từ đó, tôi muốn gợi ra đây một đề tài cần được tìm thấy trong Sách Giáo lý của Hội thánh Công giáo một vị trí thích đáng hơn và tương hợp hơn với mục đích này. Tôi nghĩ đến án tử hình. Vấn đề này không thể được giải quyết chỉ nhờ vào việc nhắc lại giáo huấn đã có trong lịch sử, mà không làm nổi bật lên cả sự tiến triển trong giáo huấn của các vị Giáo Hoàng gần đây, lẫn sự tiến triển nơi lương tâm của dân Kitô giáo, vốn không đồng tình với một hình phạt xúc phạm nặng nề phẩm giá của con người. Chúng ta cần phải mạnh mẽ khẳng định rằng việc kết án tử hình là một biện pháp phi nhân tính làm tổn hại phẩm giá của con người, dù dưới bất cứ hình thức thực thi nào. Khi quyết định cách chủ ý tước đoạt mạng sống của một con người, vốn thánh thiêng trong mắt Đấng Tạo Hóa, và suy cho cùng chỉ Thiên Chúa mới là vị Thẩm phán đích thật và là Đấng bảo trợ cho mạng sống này, thì án tử hình tự nó nghịch lại với Tin Mừng. Không bao giờ, không một người nào “kể cả kẻ giết người lại mất đi phẩm giá nhân vị của mình” (Thư gửi Ông Chủ tịch Ủy ban quốc tế chống lại án tử hình, ngày 20 tháng 3 năm 2015), bởi vì Thiên Chúa vốn là một người Cha luôn luôn trông đợi người con trở về, một khi người con này ý thức được những lỗi lầm của bản thân, xin được tha thứ và bắt đầu một cuộc đời mới. Chính vì thế, không ai có thể bị tước đoạt mạng sống, lẫn khả năng hối cải về mặt luân lý và hiện sinh giúp họ tái hội nhập với cộng đoàn.

Trong những thế kỷ trước đây, vì thiếu những khả năng phòng vệ, và ý thức xã hội chưa được trưởng thành đầy đủ, việc cậy dựa vào án tử hình được xem như hệ quả hợp lý trong việc bảo vệ công lý. Quả là đáng tiếc, ngay trong các Nhà Nước thuộc quyền Giáo hoàng, người ta cũng đã từng sử dụng phương thế quá đáng và phi nhân tính này, và như vậy làm tiêu tan đi tính ưu việt của lòng thương xót so với lẽ công bình. Chúng ta chịu trách nhiệm đối với quá khứ, và chúng ta thừa nhận rằng những phương thế đó vốn bị áp đặt bởi một não trạng vụ luật hơn là mang tính kitô giáo. Lòng khát khao bảo toàn cho bằng được tất cả quyền lực và những khối tài sản vật chất đã dẫn đưa người ta đến chỗ đề cao quá đáng giá trị của lề luật, và như vậy ngăn cản người ta tiến sâu hơn trong việc hiểu thấu được Tin Mừng. Tuy nhiên, ngày nay, chúng ta sẽ càng có lỗi, nếu cứ giữ mãi thái độ dửng dưng khi phải đối diện với những đòi hỏi mới mẻ gắn liền với việc khẳng định lại phẩm giá của con người.

Ở đây, chẳng có gì là mâu thuẫn với giáo huấn của quá khứ: việc bảo vệ phẩm giá của sự sống con người từ lúc mới thụ thai cho đến khi chết cách tự nhiên đã luôn được bàn thảo trong giáo huấn của Hội Thánh, bằng một cung giọng nhất quán và có thẩm quyền. Tuy nhiên, sự phát triển hài hoà của giáo huấn đòi phải dám bỏ đi những lập trường bám chặt vào những luận chứng từ nay xem ra thật sự đi ngược với sự hiểu biết mới về chân lý Kitô giáo. Vả lại, đây cũng chính là điều mà thánh Vincent de Lérins đã nhắc nhở: “Nhưng, có lẽ người ta sẽ nói: Trong Hội Thánh của Chúa Kitô, phải chăng lại chẳng có một sự tiến bộ nào về mặt tôn giáo? – Có chứ, cần phải có sự tiến bộ, và quả là đáng kể! Ai đủ thù hằn đối với nhân loại và đủ thù nghịch đối với Thiên Chúa, để dám chống lại điều này?” (Commonitorium, 23.1: PL 50). Vì thế, cần phải lặp lại rằng dù lỗi phạm của người ta có nặng nề đến cỡ nào đi nữa, án tử hình vẫn là điều không thể chấp nhận, bởi vì hình phạt này xâm phạm vào tính không thể xâm phạm cũng như phẩm giá của con người.

“Qua giáo lý, đời sống và việc phụng tự, Hội Thánh gìn giữ và lưu truyền cho mọi thế hệ tất cả thực chất của mình và tất cả những gì mình tin” (Dei Verbum, số 8). Các Nghị phụ của Công đồng đã không thể tìm thấy một diễn trình có tính hệ thống nào hay hơn thế để trình bày bản tính và sứ mạng của Hội Thánh. Không chỉ trong “giáo lý”, mà còn cả trong “đời sống” và trong “phụng tự”, các tín hữu có thể trở thành Dân Thiên Chúa. Khởi đi từ đó, Hiến chế tín lý về Mặc Khải của Thiên Chúa đã diễn đạt tính năng động nội tại của tiến trình này: “Truyền Thống này tiến triển (…)tăng trưởng, (…) không ngừng hướng tới sự viên mãn của chân lý thần linh, cho đến khi các lời của Thiên Chúa được hoàn tất nơi chính Giáo hội” (Ibid.).

Truyền Thống là một thực tại sống động, và chỉ có cái nhìn cục bộ mới có thể nghĩ “kho tàng đức tin” như một cái gì đó tĩnh tại. Lời của Thiên Chúa không thể được bảo quản trong băng phiến, như kiểu người ta bảo quản một cái chăn mền cũ nhằm chống lại những vật ký sinh! Không. Lời Thiên Chúa là một thực tại năng động, luôn sống động, luôn tiến triển, luôn tăng trưởng hướng đến một tình trạng viên mãn mà con người không thể nào ngăn cản được. Qui luật tiến triển này, nói theo ngôn ngữ của Thánh Vincent de Lérins: “được củng cố với tháng năm, được triển nở với thời gian, được thăng hoa với tuổi tác” (Commonitorium, 23.9 : PL 50), là điều kiện đặc thù của chân lý mặc khải, như chân lý này vẫn được Hội Thánh truyền lại, và tuyệt đối không có nghĩa là thay đổi giáo huấn.

Chúng ta không thể gìn giữ giáo huấn mà lại không làm cho giáo huấn tiến triển. Chúng ta càng không thể đóng khung giáo huấn trong một lối đọc cứng nhắc và bất di bất dịch, trừ khi chúng ta xem thường hành động của Chúa Thánh Thần. “Thuở xưa, nhiều lần nhiều cách, Thiên Chúa đã phán dạy cha ông chúng ta qua các ngôn sứ” (Dt 1,1), Ngài “vẫn không ngừng ngỏ lời với Hiền Thê của Con yêu dấu mình” (Dei Verbum, số 8). Đó chính là lời mà chúng ta cần phải lấy làm của mình, trong tâm thái “lắng nghe với tâm tình tôn giáo” (Ibid., số 1), để Hội Thánh của chúng ta tiến về những chân trời mới, nơi Chúa đang mời gọi chúng ta, với niềm cảm hứng từ những cội nguồn quá khứ của mình.

Tôi xin cảm ơn quí vị vì cuộc gặp gỡ này và vì công việc của quí vị; tôi cũng xin quí vị cầu nguyện cho tôi, và tận đáy lòng tôi chúc phúc cho quí vị. Xin cảm ơn.

Lm. Phêrô Nguyễn Thiên Cung chuyển ngữ.
Lm. Phaolô Nguyễn Thành Sang hiệu đính.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét