Lễ Ðức Mẹ Mân Côi
Phúc Âm: Lc 1, 26-38
"Này Trinh nữ sẽ thụ thai và sinh một Con trai".
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.
Khi ấy, Thiên Thần Gabriel được Chúa sai đến một thành xứ Galilêa, tên là Nadarét, đến với một trinh nữ đã đính hôn với một người tên là Giuse, thuộc chi họ Ðavít, trinh nữ ấy tên là Maria. Thiên thần vào nhà trinh nữ và chào rằng: "Kính chào Trinh Nữ đầy ơn phước, Thiên Chúa ở cùng Trinh Nữ". Nghe lời đó, Trinh Nữ bối rối và tự hỏi lời chào đó có ý nghĩa gì. Thiên thần liền thưa: "Maria đừng sợ, vì đã được ơn nghĩa với Chúa. Này Trinh Nữ sẽ thụ thai, hạ sinh một con trai và đặt tên là Giêsu. Người sẽ nên cao trọng và được gọi là Con Ðấng Tối Cao. Thiên Chúa sẽ ban cho Người ngôi báu Ðavít tổ phụ Người. Người sẽ cai trị đời đời trong nhà Giacóp, và triều đại Người sẽ vô tận.
Nhưng Maria thưa với thiên thần: "Việc đó xảy đến thế nào được, vì tôi không biết đến người nam?"
Thiên thần thưa: "Chúa Thánh Thần sẽ đến với trinh nữ và uy quyền Ðấng Tối Cao sẽ bao trùm trinh nữ. Vì thế, Ðấng trinh nữ sinh ra sẽ là Ðấng Thánh và được gọi là Con Thiên Chúa. Và này, Isave chị họ trinh nữ cũng đã thụ thai con trai trong lúc tuổi già và nay đã mang thai được sáu tháng, người mà thiên hạ gọi là son sẻ; vì không có việc gì mà Chúa không làm được".
Maria liền thưa: "Này tôi là tôi tớ Chúa, tôi xin vâng như lời Thiên thần truyền". Và thiên thần cáo biệt trinh nữ.
Ðó là lời Chúa.
Suy Niệm:
Mẹ Ðầy Ơn Phước
Thời gian viên mãn đã đến, người trinh nữ, dấu chỉ của lời hứa được loan báo trước kia giỡ đây được chỉ định rõ ràng cho chúng ta biết và chúng ta biết rõ đó là Ðức Maria, Ðấng làm cho tâm hồn ta tràn đầy tin tưởng và niềm vui khi nghe đến tên Ngài. Cùng với thiên thần Gabriel, chúng ta cất lên lời chào: "Kính mừng Maria, hãy vui lên, Maria". Qua lời chào của thiên thần, Thiên Chúa mời gọi Maria hãy vui lên vì thời giờ thực hiện lời hứa đã đến và làm sao Mẹ Maria không vui lên được, khi biết chính mình đã được chọn để thực hiện lời hứa, để làm dấu chỉ loan báo hoàng tử hòa bình sắp đến. Mỗi lần chúng ta chào chúa Mẹ Maria qua kinh Kính Mừng "Kính Mừng Maria đầy ơn phước" chúng ta tham dự vào niềm vui và niềm tri ân của Mẹ đối với Thiên Chúa.
Mẹ là Ðấng đầy ơn phước, Ðấng được Thiên Chúa chúc phúc. Mẹ thuộc hoàn toàn về người tôi tớ của Ðức Giavê như được loan báo nơi sách tiên tri Isaia chương 42 câu 1: "Ðây là tôi tớ Ta, Ðấng Ta chọn và đẹp lòng Ta mọi đàng. Mẹ được đầy ơn phước vì Ðấng sắp đến ngự nơi Mẹ là Con yêu dấu của Thiên Chúa". Mẹ Maria được đầy tràn niềm vui. Mẹ là người đầu tiên được Thiên Chúa cho nếm trước niềm vui vì Thiên Chúa nhập thể. Nhờ Thiên Chúa mạc khải, Mẹ Maria hiểu được sứ mệnh của Mẹ như là dấu chỉ niềm hy vọng, dấu chỉ Thiên Chúa chu toàn lời hứa của Ngài cho Israel, và suốt đời Mẹ sẽ là bài ca chúc tụng lòng trung thành của Thiên Chúa, như Mẹ đã thốt lên nơi nhà ông Dacaria:
"Linh hồn tôi ngợi khen Chúa,
Ngài là Ðấng trung tín như lời đã hứa
Abraham và con cháu ông".
"Thiên Chúa ở cùng Bà", Mẹ Maria đã từng suy niệm lời tiên tri loan báo trước về biến cố cứu rỗi sắp đến, nên giờ đây từng lời thiên thần nói ra cho Mẹ đều mang một ý nghĩa sâu xa. "Thiên Chúa ở cùng Bà", giây phút quan trọng nhất của lịch sử đã đến, đó là lúc trinh nữ Maria hay tin và hiểu rõ thực tại Thiên Chúa ở cùng chúng ta, Emmanuel, một cách thật độc nhất vô nhị. Mẹ vui mừng gọi Thiên Chúa là Emmanuel, là Ðấng ở cùng chúng ta. Mẹ vui mừng trước sự hiện diện của Thiên Chúa và chúng ta hiệp với Mẹ trong niềm vui và hết lòng cảm tạ Thiên Chúa.
"Hỡi Maria, đừng sợ", kinh nghiệm sự hiện diện của Thiên Chúa nơi chính mình, không khỏi làm cho con người run sợ. Không phải Mẹ Maria cảm nghiệm Thiên Chúa hiện diện, nhưng Mẹ còn được mạc khải cho biết giờ đây, đến lúc lời hứa thành sự thật nơi Mẹ. Không bao giờ Mẹ Maria đã nghĩ đến việc cả thể này, Thiên Chúa mạc khải chính Ngài và ý định của Ngài cho Mẹ. Mẹ vui mừng lên như một niềm vui mừng đi kèm với sự run sợ, một sự run sợ thánh. Kinh nghiệm sống đời Kitô, chúng ta cũng thấy hai tâm tình này như Mẹ Maria, vừa vui và vừa sợ. Mẹ Maria nhờ ơn Chúa giúp đã thắng vượt cái sợ và phó thác tin tưởng hoàn toàn vào Chúa.
Xin Mẹ Maria giúp chúng ta được tham dự vào niềm vui của Mẹ, được trở thành dấu chỉ để Thiên Chúa thực hiện ơn cứu rỗi của Ngài nơi anh chị em chung quanh. Ðặc biệt, trong ngày lễ của Mẹ hôm nay, chúng ta hãy dâng lời cầu nguyện lên Thiên Chúa Cha:
"Lạy Cha là Chúa tể trời đất,
Chúng con chúc tụng Cha
Vì Cha đã không mạc khải cho những kẻ khôn ngoan kiêu ngạo
Nhưng cho những kẻ bé nhỏ khiêm tốn
Cha đã chọn Mẹ Mari để thực hiện lời hứa cứu rỗi chúng con,
Nhờ lời cầu khẩn của Mẹ Maria
Ðặc biệt trong ngày lễ của Mẹ hôm nay
Và nhân danh Chúa Giêsu Kitô,
Ðấng Emmanuel, Thiên Chúa ở cùng chúng con".
Xin cho chúng con nhận ra sự hiện diện của Người và vui mừng tiếp rước Người đến ở với chúng con. Và lạy Mẹ Maria, chúng con kính mừng Mẹ, Ðấng đầy ơn phước. Mẹ đã lãnh nhận mọi phúc lành của Thiên Chúa để giúp chúng con. Thiên Chúa ở cùng Mẹ; Ngài cũng đến ở với chúng con. Chúng con cũng sẽ cảm nghiệm được điều này như Mẹ, nếu chúng con biết sống trung thành với ơn gọi như Mẹ. Xin Mẹ cầu bầu cho chúng con được luôn sống trong niềm vui vì được Chúa hiện diện bên cạnh, và đặc biệt trong chính chúng con.
(Veritas Assia)
Suy Niệm:
Ngày 7 tháng 10
Lễ Ðức Maria Trinh Nữ Mân Côi
(Kn 3,9-15.20; Cv 1,12-14; Lc 1,26-38)
Cử hành lễ Ðức Maria Trinh Nữ Mân Côi hôm nay, Giáo hội Mẹ chúng ta muốn nhắc nhở con cái mình quý chuộng tràng hạt Mân Côi nhiều hơn và sốt sắng cầu nguyện với chuỗi hạt quý hóa này không những trong tháng Mân côi, nhưng suốt cả đời sống. Và cho được như vậy Giáo hội khuyên chúng ta hãy suy nghĩ về những bài học hôm nay để thấy rõ vai trò của Ðức Trinh Nữ Maria trong lịch sử cứu độ hầu thích kết hiệp với Người hơn trong đời sống đạo đức.
A. Chúa Dùng Ðức Maria Trong Mầu Nhiệm Cứu Thế
Mọi người đều biết bài sách Khởi nguyên, nhưng không ai nghĩ đã hiểu được hết các ý mầu nhiệm. Nguyên tổ loài người bấy giờ vừa phạm tội vì bị Satan lấy hình con rắn quỷ quyệt lừa gạt. Tác giả sách Thánh có nhiều dụng ý khi viết như vậy. Ðối với ông, Satan là kẻ dối trá phỉnh phờ. Ông nhìn thấy nó nơi hình thù các con rắn mà dân ngoại thời ông tôn thờ. Người ta thờ rắn vì tưởng nó tinh khôn hơn hết thảy, và nghĩ nó có sự sống rất phong phú. Người làm chính trị thờ nó; thường dân lại còn kính nó hơn nữa vì thời ấy người ta muốn được trường thọ và con đàn cháu đống. Tác giả Thánh Kinh ghét thứ ngẫu tượng ấy, ông phải dạy Dân Chúa tránh né hết sức quyến rũ của tà giáo đang thịnh hành nơi các lân quốc. Ông khẳng định nguồn gốc mọi sự dữ ở đời là do Satan, do tà giáo mà tượng trưng là thần rắn. Bản chất của nó là quỷ quyệt. Và ai mắc mưu nó sẽ thấy mình trơ trẽn (hay trần truồng) bởi vì trong tiếng Dothái quỷ quyệt và trần truồng cũng cùng một vần và một gốc. Cái này đẻ ra cái kia. Kẻ ăn phải cái quỷ quyệt của con rắn sẽ thấy mình trần truồng, tức là bẽ bàng vì bị lừa gạt và thấy rõ sức yếu đuối của mình.
Vậy nguyên tổ loài người đã ăn phải đũa của Satan, và thấy trớ trêu, không dám chường mặt ra nữa. Nhưng Thiên Chúa không bao giờ bỏ rơi công trình do tay Người làm ra. Người đã đến gọi loài người sa ngã và quả quyết: Người sẽ đặt hiềm thù giữa con rắn, tức là tà thần và người nữ; giữa dòng dõi bà với dòng dõi nó. Dòng dõi bà sẽ nghiền nát đầu rắn; mà rắn thì chỉ cắn được đến gót chân dòng dõi người đàn bà.
Thật ra Lời Chúa phán trên chỉ báo trước sẽ ban Ðấng Cứu thế sinh ra bởi người trinh nữ. Chính Người sẽ nghiền nát đầu Satan và giải cứu chúng ta... Nhưng truyền thống đã dựa vào Lời hứa trên để chờ mong người Nữ diễm phúc nào sẽ sinh ra Ðấng Cứu thế. Và vì vậy Ðấng là Mẹ Chúa Cứu thế đã được Dân Chúa mường tượng ngay từ buổi đầu. Ðức Maria, Mẹ của Chúa Yêsu, đã hiện diện thật sự trong Lời hứa ban ơn cứu thế. Tất cả Lịch sử cứu độ từ nay diễn ra trên nền trời mang hình ảnh Mẹ và Con. Cho đến ngày mà sứ thần Gabriel được Chúa sai đến cùng người trinh nữ thành Nazarét, như chúng ta đọc thấy trong bài Tin Mừng. Từ nay, khỏi nói, vai trò của Ðức Maria trong mầu nhiệm cứu thế thật là quan trọng.
Chúng ta không cần phải nói thêm về vấn đề này; nhưng để chúng ta đừng quên địa vị chủ yếu của Ðức Mẹ trong lịch sử Giáo Hội hiện nay, Phụng vụ đã dùng bài đọc Công vụ các Tông đồ để gợi lên hình ảnh Ðức Mẹ ở giữa Hội Thánh.
Bỏ núi Cây Dầu mà trở về Yêrusalem, sau khi đã chứng kiến mầu nhiệm Chúa Yêsu lên trời, các Tông đồ khởi sự cuộc đời vắng sự hiện diện hữu hình của Chúa Cứu thế. Nhưng họ được an ủi tràn trề khi thấy Mẹ Chúa đang ở giữa mình. Và lập tức họ đã sinh hoạt vây quanh Người, với công việc đầu tiên là cầu nguyện chờ đợi Thánh Linh đến để cùng hoạt động với mình.
Bức họa trên rất tiêu biểu. Nó phác họa lại buổi đầu của Hội Thánh. Lịch sử sau này luôn luôn muốn trở về nguồn, đặc biệt sau Công Ðồng Vatican II vừa qua. Luôn luôn Hội Thánh nhìn thấy sự sống và sức mạnh của mình khi được ở chung quanh Ðức Mẹ để được thêm Thánh Thần đến sinh hoạt. Và đó là điều Hội Thánh khuyên nhủ con cái mình một cách đặc biệt trong tháng này với chuỗi hạt Mân Côi.
B. Nhưng, Tại Sao Dùng Chuỗi Hạt Này?
Chúng ta có thể để ý và thấy rằng anh em lương dân cũng có một chuỗi hạt tương tự. Chắc chắn có nhiều điểm khác nhau: nhưng yếu tố tương tự cũng không nên khinh thường.
Bất cứ tôn giáo nào cũng cần cầu nguyện, mà mục đích tiên khởi không phải là để xin ơn nọ ơn kia, nhất là những ơn phần xác; nhưng là để mon men tới gần Thượng đế để kết hiệp với Người và múc lấy sự sống tốt đẹp, thánh thiện, cao siêu, bình an và mạnh mẽ ở nơi Người. Cầu nguyện đích thực là gặp gỡ trao đổi với nguồn mạch sự sống chân thật, mà sự sống trần gian chỉ là một hình ảnh non yếu và mong manh. Người cầu nguyện cần có phương thế và cách thức để làm công việc tinh tế và khó khăn này. Nhờ điêu luyện, một số ít người và trong một số thời gian ngắn ngủi nào đó, có thể như không còn cần đến bất cứ một phương tiện hữu hình nào cũng có thể đi sâu vào thế giới mầu nhiệm của thần linh. Nhưng với đại đa số quần chúng và trong hầu hết mọi lúc khác cần phải có phương tiện giúp đỡ việc cầu nguyện của con người. Các kinh đọc và các cử chỉ quỳ gối, bái lạy... là những phương tiện như thế. Và chuỗi hạt Mân Côi cũng vậy; nhưng với những tác động rất đặc biệt.
Ðây là những hạt đều đặn y hệt như nhau; ngón tay chúng ta có thể trườn lên một cách dễ chịu và êm ái. Sau 10 hạt lại có một khúc rộng hơn để ý thức của chúng ta nhận thêm đà cho giòng kết hiệp đi sâu thêm vào biển mầu nhiệm mênh mông. Trong khi ấy, một kinh Lạy Cha được tiếp nối bằng 10 kinh Kính Mừng và một kinh Sáng Danh, là những kinh cũng trơn tru êm ái như những hạt mân côi. Ðọc những kinh ấy không đòi hỏi một cố gắng nào. Hơn nữa tiết điệu âm thanh còn làm phẳng lặng tâm hồn và duy trì sự sống tâm linh dào dạt trong mầu nhiệm. Ðàng khác đó lại là những kinh đẹp nhất trong Ðạo, phát xuất từ miệng Chúa hay từ Lời Chúa, bao hàm những chân lý sâu xa và êm đềm. Nếu biết đọc những kinh ấy cách khoan thai nhẹ nhàng, chắc chắn con người sẽ tìm thấy bình an để đi vào mầu nhiệm và kết hiệp với Ðấng Linh thiêng.
Nói như vậy đã là phủ nhận cách đọc cào cấu; đọc lấy được, lấy nhiều; đọc trong bối cảnh thiếu thư thái và bình an. Tốt hơn nữa có thể không nên dùng động từ "đọc" ở đây. Lần chuỗi Mân Côi là nghiền ngẫm, là suy niệm, là thả hồn vào mầu nhiệm kết hiệp với Thiên Chúa, Ðấng yêu thương và cứu độ trần gian. Các hạt, các kinh là những phương tiện tối thiểu cần cho con người tựa vào để lên với Ðấng Tạo Hóa và ở lại với Người. Vì bao lầu còn sống trong xác thịt, con người vẫn cần những phương thế hữu hình để kết hiệp với Ðấng Vô Hình.
Như vậy có thể nói các mầu nhiệm nhắc lên ở đầu mỗi chuỗi kinh còn cần thiết hơn. Và tràng hạt Mân côi rất quý hóa ở điểm này. 20 mầu nhiệm vui, sáng, thương, mừng bao quát một cách tốt đẹp tất cả Lịch sử cứu độ. Suy niệm những điều ấy là gieo mình vào giòng thác ân sủng đã phát xuất từ lòng Thiên Chúa tình yêu và đang trở về nguồn suối phong phú ấy. Con người tìm thấy mình ở giữa giòng lịch sử. Họ ý thức hơn về địa vị và vai trò của mình ở trong tất cả trời đất và thế giới loài người. Họ biết mình đang sống bám vào đâu và đang đi về phương hướng nào. Lần chuỗi Mân côi như vậy là đi vào lịch sử, lịch sử đang tiếp diễn, lịch sử có mình ở trong và phải đóng vai trò của mình. Ðó là lúc người ta sống chân thực mãnh liệt và là dịp để người ta dấn thân trọn vẹn và tốt đẹp hơn.
Hội Thánh khuyến khích chuỗi Mân côi vì những lý do đó. Các Ðức Giáo Hoàng kêu gọi tín hữu yêu chuộng chuỗi này vì các hiệu quả tốt lành đã được lịch sử làm chứng. Một phương thức thật đơn sơ nhưng lại thật phong phú! Ðó là hiện tượng thông thường ở trong tôn giáo, vì ở đây sự nhỏ bé, yếu đuối và tầm thường lại dễ để cho quyền năng của Chúa thi hành những việc kỳ diệu. Và như vậy tất cả chúng ta đều muốn quý chuộng tràng hạt và việc lần hạt Mân côi nhiều hơn:
C. Lần Hạt Thế Nào?
Dĩ nhiên như đã nói, không phải vấn đề đọc nhiều đọc to là đáng kể. Trái lại trước hết phải có bầu khí cầu nguyện và chiêm niệm. Phải ở trong một môi sinh thư thái, cần "nghỉ ngơi" bồi dưỡng như Lời Chúa nói. Vì thế không được coi việc lần chuỗi như là một việc phải làm cho xong và nếu không làm thì áy náy sợ tội.
Không! Chúng ta cầm lấy chuỗi hạt là như muốn diễn lại cho mình câu truyện của bài sách Công vụ hôm nay. Chúng ta cùng với Giáo Hội đến bên Ðức Mẹ để được thấy tỏa sang mình những mầu nhiệm của Chúa Cứu thế, là những mầu nhiệm tình yêu của Thiên Chúa muốn cứu độ và giúp chúng ta hoàn thành tốt đẹp cuộc sống ở trần gian. Các Tông đồ ngày trước ngồi bên Ðức Mẹ để rồi lãnh nhận được Thánh Thần dồi dào mạnh mẽ như thế nào, thì khi lần hạt Mân côi với Ðức Mẹ và bên Ðức Mẹ, chúng ta cũng muốn được thêm thần lực và sự sống thần linh chảy sang như thế để đổi mới, bồi dưỡng cuộc sống trần gian của mình.
Thế nên trọng tâm của việc lần chuỗi không phải là đọc các kinh. Cũng không phải là việc suy tư các mầu nhiệm vui, sáng, thương, mừng. Các mầu nhiệm gợi lên ở đầu mỗi chục hạt không phải để chúng ta chúi mũi nhọn tư tưởng vào các biến cố của Lịch sử cứu độ. Làm như vậy sẽ là suy tư. Mà suy tư thì khác với suy niệm. Các mầu nhiệm tốt đẹp kia cũng chỉ là phương tiện giúp chúng ta nhảy vào việc yêu mến kết hiệp với Thiên Chúa, Ðấng đang muốn cứu độ chúng ta. Ðể cho tư tưởng dừng lại nơi các mầu nhiệm gợi lên hầu khám phá ra những chi tiết mới mà xưa nay chưa biết, sẽ là nghiên cứu và suy nghĩ về phương tiện chứ chưa phải là dùng phương tiện để bay lên với Chúa. Loài người chúng ta yếu đuối, không ý tứ và không có phương tiện nào giúp đỡ thì cầu nguyện sẽ dễ trở thành mơ mộng làm mệt sức. Trái lại được các mầu nhiệm nói lên và nhắc lại các hành vi cứu độ của Thiên Chúa, chúng ta như được khuyến khích và được đẩy đi để bay vào lòng Thiên Chúa đang yêu thương và muốn bồi dưỡng chúng ta. Chúng ta sẽ ra khỏi giờ suy niệm và lần chuỗi khoan khoái khỏe khoắn hơn để dấn thân tích cực và hân hoan hơn. Giống như các Tông đồ khi cầu nguyện vây quanh Ðức Mẹ đã nhận được Thánh Thần tràn trề để ra đi xây dựng thế giới mới.
Chúng ta có thể được bổ dưỡng như thế mỗi khi lần chuỗi Mân côi. Nhưng chắc chắn đó không phải là việc dễ. Chúng ta luôn luôn phải tập. Và cứ làm, cứ làm tốt hơn sẽ có công hiệu. Cũng như đối với thánh lễ. Ðó là cả một mầu nhiệm phong phú. Nhưng phải cố gắng tham dự và biết tham dự mới được ơn ích. Và chính mỗi lần cố gắng là một bước tiến và hứa hẹn dào dạt. Hôm nay chúng ta cố gắng tham dự thánh lễ. Chúng ta cũng sẽ cố gắng lần chuỗi Mân côi hôm nay, trong tháng này và trong suốt đời. Nếu có chán, nếu có thấy không đi đến đâu, chúng ta vẫn không nản nhưng vẫn tin tưởng, cầu xin và cố gắng làm đi làm lại cho tốt. Chúa và Ðức Mẹ sẽ không bỏ rơi những người con thiện chí như vậy. Tương lai của họ nhất định sẽ đẹp đẽ vì như trên đã nói, lần chuỗi Mân côi là tìm thấy chỗ đứng của mình trong Lịch sử cứu độ và tìm thấy sức mạnh mới để thi hành vai trò của mình ở trong lịch sử ấy. Hiểu như vậy thì lần chuỗi cũng là một thứ dâng lễ và dâng lễ tốt sẽ giúp lần chuỗi thành công.
(Trích dẫn từ tập sách Giải Nghĩa Lời Chúa
của Ðức cố Giám Mục Bartôlômêô Nguyễn Sơn Lâm)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét