Trang

Thứ Bảy, 11 tháng 3, 2017

1 Niềm vui, 60 lời hứa cho cuộc sống.

Đức Phanxicô, nhà linh hướng

24
Trích sách: Niềm vui, 60 lời hứa cho cuộc sống. Michel Cool, Nxb. Salvator
 Căn tính của tín hữu kitô là niềm vui Tin Mừng.
Phanxicô, 23 tháng 5-2016
 Đức Phanxicô, nhà linh hướng
Thế nào là người linh hướng? Ai là người đã được rửa tội đều có thể xin Giáo hội để nhận sự giúp đỡ về mặt thiêng liêng.
Người linh hướng có thể là một linh mục, một nữ tu, một giáo dân đã được đào tạo trong tiến trình này. Các nhà linh hướng không phải là những người hoàn hảo. Điểm đặc biệt của họ là khả năng lắng nghe, là đời sống đức tin, là lòng khiêm nhường của họ trước tác động của Thần Khí.
Để làm gì?
Để lớn lên trong đức tin và trong cuộc sống. Để trở nên chính mình dưới mắt Chúa và dưới mắt người khác thì ở một mình là không tốt. Chính trong sự khác biệt mà ‘cái tôi sâu xa’ và ý nghĩa thật sự của đời sống mới được phân định. Chúng ta tự nguyện chọn người linh hướng hợp với mình và cùng họ, chúng ta có thể xem xét Chúa đã thật sự hướng dẫn đời sống chúng ta như thế nào. Với tấm lòng cởi mở, chúng ta có thể tự chất vấn mình về các chọn lựa thiết yếu.
Vì sao Đức Phanxicô là nhà linh hướng?
Đức Phanxicô luôn lấy cảm hứng từ người cha thiêng liêng là Thánh I-Nhã. Đối với nhà sáng lập Dòng Tên thì mọi dự án cho cuộc sống đều nảy sinh từ phân định, mang lại một niềm vui lâu dài và sinh động. Qua lời rao giảng và qua cách áp dụng lời rao giảng này cho chính mình, ngài muốn khuyến khích các linh mục, các giáo dân phân định trong đời sống của họ, trong thực tế của thế giới để nhận ra lời kêu gọi của Thần Khí, để hoán cải và để tha thứ. Ngài là nhà linh hướng kiên định và lắng nghe, đã làm cho nhiều người muốn được ngài cùng đi trên tiến trình thiêng liêng của mình.
Nên đọc tập sách nhỏ này như thế nào?
Tập sách nhỏ này gồm 60 lời khuyên hay lời đề nghị trích từ các bài nói chuyện của Đức Phanxicô. Các lời này mang đến niềm vui Tin Mừng trong mọi hoàn cảnh. 60 lời khuyên được trình bày dưới 6 chủ đề, mỗi chủ đề là một thánh tiêu biểu cho chủ đề đó. Quyển sách này được một nữ tu Dòng Clara minh họa. Quyển sách này mang tinh thần của Đức Phanxicô, tinh thần mời gọi phân định, cầu nguyện và có lòng thương xót. Trong niềm vui của một tấm lòng đơn sơ.

Chương 1 – Niềm vui được mình chính là mình

41
Trích sách: Niềm vui, 60 lời hứa cho cuộc sống. Michel Cool, Nxb. Salvator
Đi ra khỏi chính mình để kết hiệp với người khác làm cho mình vui khỏe. Phanxicô, Niềm vui Tin Mừng
Niềm vui được mình chính là mình
15 lời khuyên để tìm hài hòa với chính mình và với người khác. Các lời khuyên này được cảm hứng từ bài diễn văn của Đức Phanxicô đọc trước Giáo triều La Mã ngày 22 tháng 12-2014.
  1. Tự xét mình
Kiêu ngạo thúc đẩy tự xem mình là “bất tử”, là “miễn nhiễm”, là “cần thiết”. Vậy, nếu một người, một cộng đoàn, một thể chế từ chối không cải thiện thì giống như một thân thể bị bệnh: nó không thể nào lớn lên, tiến bộ, cũng không thể có hạnh phúc được.
  1. Biết dừng lại
Stress là căn bệnh của thế kỷ. Người ta cũng nói, nó cũng là nguồn của sáng tạo, của những chuyện bổ ích. Nhưng nó cũng tạo ra các vấn đề cho sức khỏe. Hoạt động quá độ chỉ là lối thoát hão. Chỉ có một đời sống nội tâm được trau dồi mới là thuốc giải độc cho sự phân tán của bản thân.
  1. Có tấm lòng
Nơi một số người, kiêu ngạo là do thiếu tấm lòng. Đối với họ, luật và quản lý luật là trên hết, trên cả đồng loại. Vậy mà Chúa muốn biến đổi tâm hồn chai đá của chúng ta thành tâm hồn bằng da bằng thịt. Chúng ta hãy để cho ngài biến đổi tâm hồn mình.
  1. Sẵn sàng với chuyện bất ngờ
Tất cả mọi sự được chuẩn bị kỹ là điều cần thiết. Nhưng đi đến thái cực thì sự cẩn thận này có thể trệch qua ám ảnh phải dự trù, việc phải chạy trơn tru một cách quá độ. Bỗng nhiên, chúng ta bị kẹt lại, bị đóng khép thay vì để cho tự do của Thần Khí hướng dẫn chúng ta.
  1. Tạo các liên hệ hài hòa
Khi cái chân nói với cánh tay: “Tôi không cần bạn”, hay cái tay nói với cái đầu: “Chính tôi mới là người điều khiển” thì khi đó mọi chuyện sẽ thành rối bời, thành lắm chuyện. Tinh thần đồng đội, hiệp thông là các điều kiện tiên quyết cho công việc của tất cả mọi thể chế.
  1. Nhớ mình là ai
Sự cố ý quên làm cho người thì xây lên các hệ thống, các phản xạ để bảo vệ và họ trở thành nô lệ; người thì quên mình từ đâu đến, mình là ai, ngay cả quên lần đầu mình gặp Chúa như thế nào.
  1. Phân định đâu là điều thiết yếu đâu là chuyện phụ
Khi bề ngoài, khi màu sắc quần áo, khi các dấu chỉ tỏ ra mình danh dự trở nên các mục đích đầu tiên của cuộc sống thì người ta không còn biết phân biệt đâu là đúng đâu là sai. Người ta để cho vinh quang hão thắng thế. Người ta sống xa người khác và xa… chính mình!
  1. Đích thực và nhất quán
Chứng tâm thần phân liệt hiện sinh tác động trên những người sống hai mặt; nó là dấu chỉ cho thấy đàng sau các chức vị, bằng cấp là một sự tầm thường và trống rỗng về mặt thiêng liêng. Sự đạo đức giả này hại cho tâm hồn và cho uy tín cá nhân.
  1. Có can đảm để nói lên cái thực
Khi người ta sợ, người ta ngồi lê đôi mách và nói xấu sau lưng người khác. Ban đầu là chỉ có hai người nói tầm phào với nhau, từ đó là tin đồn lan ra ngoài công chúng. Gieo lung tung không bao giờ gieo được niềm vui. Nói sự thật là giải phóng và mang lại niềm vui đích thực.
  1. Cẩn thận không thờ ngẫu tượng
Thần thánh hóa cấp trên là sự yếu đuối của những người xu nịnh, những kẻ kiếm chác, những người cơ hội. Nó cũng tác động trên các cấp trên khi họ xu nịnh các cộng sự của mình để có được sự tuân phục. Thói thờ ngẫu tượng ngăn không cho chúng ta thờ Chúa với một tâm hồn trong trắng.
  1. Lo cho người khác
Chúa không dửng dưng với chúng ta, nhưng chúng ta lại dửng dưng với người khác, nhất là khi những người này là người khách lạ, người mong manh, người khác chúng ta. Sự toàn cầu hóa dửng dưng bắt đầu khi chúng ta mất đi tính đơn sơ và tình nồng ấm của quan hệ giữa con người với nhau.
  1. Vun trồng tính vui vẻ và hài hước
Bao nhiêu là người có khuôn mặt đưa đám giữa chúng ta! Ở trong xe điện ngầm cũng như ở nhà thờ. Nét nghiêm trang của đức tin không vì thế mà ngăn không cho chúng ta có một tinh thần hài hước lành mạnh. Một tâm hồn tràn ngập Chúa tỏa lan niềm vui và hiệp thông với tất cả những ai ở chung quanh mình.
  1. Chuộng tinh thần hơn là vật chất
Sự tích trử của cải vật chất một cách rối loạn thường là dấu hiệu cho thấy một sự trống rỗng cần lấp đầy, một sự đi tìm an toàn. Để tìm được nội tâm sâu thẳm của mình, thì cần phải giải thoát các xiềng xích hão này và lấp đầy tâm hồn mình bằng của cải thiêng liêng và lòng bác ái.
  1. Tránh tạo phe nhóm
Thuộc về một câu lạc bộ, một phe nhóm, một hội tuyển riêng lúc nào cũng là một chuyện hấp dẫn cả ở ngoài xã hội cũng như ở trong Giáo hội. Nhưng cách thành lập băng nhóm riêng này làm hại cho mọi người khi nó vượt lên lợi ích chung.
  1. Cự với sự mê hoặc của quyền lực
Để đạt tới quyền lực mà chúng ta không thể làm gì sao? Vênh vang, vu khống, hạ uy tín, âm mưu, vv. Làm thế nào để cự lại được sự mê hoặc này? Thì đừng cự lại với năng lực hoán cải của Thần Khí.
Thánh Pierre Favre
Lễ kính ngày 1 tháng 8
Tiểu sử Thánh Pierre Favre
Thánh Pierre Favre sinh tại Savoie năm 1506. Ngài chăn các đàn súc vật của cha mẹ. Năm 1525, ngài lên Paris học, bạn cùng phòng của ngài là Phanxicô Xaviê và Ignaxiô Lôyôla; Ignxiô chọn ngài là người đầu tiên trong các bạn đồng môn của mình. Thụ phong linh mục năm 1534, ngài là linh mục đầu tiên của Dòng Tên. Vâng lời Đức Giáo hoàng, ngài đi hành hương các nước chính của Âu châu để rao giảng và làm linh hướng, ngài rất được mến chuộng. Ngài qua đời ở Rôma ngày 1 tháng 8 năm 1546. Được Đức Piô IX phong chân phước năm 1872, và được Đức Phanxicô phong thánh tháng 12 năm 2013.
Linh đạo của ngài
Tính dịu dàng, cách ngài yêu thương và nhìn khía cạnh tích cực của từng người đã giúp cho Thánh Pierre Favre đưa những người được ngài hoán cải về với Chúa. Ngài trau dồi tính dịu dàng này trong đời sống cầu nguyện liên lỉ, một đời sống trở thành bạn với Chúa trong hành động: trong tất cả những gì ngài sống, ngài quan tâm đến các chuyển động nội tâm và như thế, cuộc đời ngài là một sự hoán cải liên tục với Chúa. Người ta nói, ngoài các điểm giống nhau về cá tính, Đức Phanxicô có những mối quan hệ chặt chẽ với Thánh Favre: Thánh Favre là gương mẫu cho đời sống mục vụ và tu sĩ Dòng Tên của ngài.
Tấm gương của ngài
“Ngài khiêm tốn và mẫn cảm, có đời sống nội tâm sâu đậm, được phú có khả năng kết tình bạn với nhiều người rất khác biệt nhau. Tuy vậy ngài cũng là người lo lắng, do dự và không hài lòng. Dưới sự hướng dẫn của Thánh I-Nhã, ngài đã học để phối hợp tính mẫn cảm của mình với khả năng lấy quyết định. Ngài lên chương trình hoạt động sau khi nhận biết các nhiệt tình của mình, ngài đã thể hiện rõ tinh thần hoạt động của mình qua các khó khăn…” Đức Phanxicô, Thánh lễ Tạ ơn ở Rôma ngày 3 tháng 1 năm 2014

Chương 2 – Niềm vui được là kitô hữu

18
Trích sách: Niềm vui, 60 lời hứa cho cuộc sống. Michel Cool, Nxb. Salvator
Niềm vui của chúng ta không phải là chiếm giữ một cái gì, nhưng là gặp Một Ai; gặp Chúa Giêsu, Đấng ở giữa chúng ta. Phanxicô, 24 tháng 3-2013
Niềm vui được là kitô hữu
Đây là 12 lời khuyên để nhận biết niềm vui của đức tin và tỏa rạng Phúc Âm được Đức Giáo hoàng trình bày trong lời chúc Giáng Sinh Giáo triều ngày 21 tháng 12-2015.
  1. Truyền giáo và Mục tử
Tất cả những ai đã được rửa tội đều là người truyền giáo qua đời sống, qua việc làm, qua chứng tá vui vẻ và qua sự thuyết phục của họ. Linh mục cũng vậy, nếu họ muốn đạt đến phúc thật của người phục vụ trung thành, thì họ phải cam kết đi theo Đấng Mục tử Nhân hậu để săn sóc và bảo vệ đàn chiên mình mỗi ngày.
  1. Năng khiếu và Sáng suốt
Cùng với trực giác và trí thông minh, năng khiếu đòi hỏi cố gắng để có được các đức tính cần nhằm thực hiện tốt hơn các nhiệm vụ và công việc của mình. Sáng suốt là tinh thần nhanh nhẹn để hiểu và đối diện với các tình huống, trong khôn ngoan và sáng tạo.
  1. Thiêng liêng và Nhân bản
Thiêng liêng là cột sống của trọn cuộc sống kitô hữu: nó nuôi dưỡng cách cư xử, che chở sự mong manh và các cám dỗ của chúng ta. Tính nhân bản là thể hiện tính xác thực của đức tin chúng ta. Nó không làm cho mình thành người máy, nhưng là chứng nhân của tình dịu dàng và sự gần gũi.
  1. Làm gương và Trung thành
Làm gương là tránh các chuyện bê bối. Trung thành là nghệ thuật sống theo Lời Chúa: “Ai trung tín trong việc rất nhỏ, thì cũng trung tín trong việc lớn; ai bất lương trong việc rất nhỏ, thì cũng bất lương trong việc lớn” (Lc 16, 10).
  1. Hợp lý và Tử tế
Hợp lý là tránh các xúc cảm thái quá, tử tế là trạnh lạm dụng của cửa quyền, của các chương trình, các dự án. Các khả năng này cần thiết để quân bình nhân cách. Mọi thái quá là dấu chỉ của mất quân bình nào đó.
  1. Kiên nhẫn và Quyết tâm
Kiên nhẫn là cẩn thận trong phán xét, không hành động vội vã, bốc đồng. Quyết tâm là giúp chúng ta hành động với một ý chí vững mạnh, với tầm nhìn rõ ràng và trong tuân phục Chúa, trong mục đích duy nhất là cứu rỗi các tâm hồn.
  1. Bác ái và Sự thật
Đó là hai đức tính không tách nhau trong đời sống kitô hữu, đến mức bác ái mà không có sự thật, thì trở nên ý thức hệ của một sự thái quá về mặt tình cảm dù tốt nhưng lại mang tính hủy hoại và sự thật mà không có bác ái thì trở thành một loại công chính mù quáng.
  1. Trung thực và Trưởng thành
Trung thực là ngay thẳng, là nhất quán, là hành động với sự chân thành tuyệt đối với chính mình và với Chúa. Trưởng thành là nhằm đạt hài hòa giữa các khả năng thể lý, tâm lý và thiêng liêng. Nó là tiêu đích của một tiến trình không hề chấm dứt.
  1. Tôn kính và khiêm tốn
Tôn kính là khả năng của những người luôn có lòng tôn trọng chân thành với người khác. Khiêm tốn là đức tính của các thánh và của những người đầy ắp Chúa trong lòng, hai đức tính này tăng trưởng trong ý thức chúng ta không thể làm gì mà không có ơn Chúa.
  1. Tin tưởng và quảng đại
Chúng ta càng tin tưởng ở Chúa thì chúng ta càng sẵn lòng cho, biết rằng càng cho thì càng nhận. Mở tất cả các Cửa Thánh trên thế giới thì ích gì nếu tâm hồn mình khép lại với tình yêu.
  1. Không nao núng và tính nhanh nhẹn
Không nao núng có nghĩa là không hãi sợ trước các khó khăn, nhưng là hành động với lòng quyết tâm và dám làm. Nhanh nhẹn có nghĩa là luôn ở trên đường đi, không bám dính vào của cải vật chất tạm thời và không để cho tham vọng khống trị mình.
  1. Đáng tin và Tiết độ
Người đáng tin là người nghiêm túc giữ các cam kết của mình, họ có uy tín khi được quan sát và nhất là khi ở một mình. Người tiết độ là người biết sống chừng mực: đặt người khác lên hàng đầu là nguyên tắc của thứ trật trong đời sống của họ.
Thánh Philippe Neri
Lễ kính 26 tháng 5
Tiểu sử của ngài
Thánh Philippe Néri sinh tại Florence năm 1515. Ngài có tính vui vẻ bẩm sinh, năm 17 tuổi ngài đến Rôma ở. Sau cuộc sống du mục, ngài vào một hội từ thiện để săn sóc người nghèo khổ và người bệnh. Ngài thành lập Nhà nguyện (Oratoire), một cộng đoàn tu sĩ và giáo dân sống chung nhưng không có lời khấn đặc biệt. Lối sống thiêng liêng này là sống đơn sơ, tự do và vui vẻ, một lối sống khác với với lối sống áp đặt uy quyền của Giáo hội thời đó. Thánh Philippe Neri qua đời năm 1595 tại Rôma, ngài là quan thầy Rôma sau Thánh Phêrô.
Linh đạo của ngài
Thánh Philippe Neri từng nói: “Ước gì niềm vui của Chúa luôn tăng mãi. Ước gì niềm vui thế gian luôn giảm cho đến khi nó biến mất. Tôi không nói như vậy, vì khi sống ở thế gian này, chúng ta không nên bao giờ vui. Nhưng tôi nói như vậy vì, dù sống ở thế gian này, chúng ta vui trong Chúa.” Cùng với một kho tàng văn hóa tinh tế, một sự thánh thiện mang tinh thần Phúc Âm và tình tính vui vẻ lây lan, Thánh Neri rất năng động với giới trẻ làm cho người đồng thời với ngài rất phấn chấn. Ngay cả văn hào Goethe cũng rất xúc động nhưng không vì vậy mà ông tin.
Tấm gương của ngài
“Người cha và người thầy đích thực cho tâm hồn, Thánh Philippe Neri là tấm gương sáng chói cho Giáo hội và cho sứ vụ thường xuyên của Giáo hội trong thế giới: tầm nhìn của ngài với người anh em, cách ngài làm chứng cho tình yêu và lòng thương xót của Chúa là tấm gương tốt; đặc biệt trong sứ vụ tông đồ của ngài trong liên hệ cá nhân và trong tình bạn, theo ngài đó là con đường nỗi trội để mở lòng ra gặp Chúa Giêsu và Phúc Âm.” Đức Phanxicô nói với Bề trên tổng quyền Liên hội Oratoire trong ngày kỷ niệm 500 năm ngày sinh Thánh Philippe Neri, 26 tháng 5-2015.

Chương 3 – Niềm vui phục vụ

21
Chương 3 – Niềm vui phục vụ
Trích sách: Niềm vui, 60 lời hứa cho cuộc sống. Michel Cool, Nxb. Salvator
Phục vụ, đó là niềm vui của Giáo hội. Phanxicô, 6 tháng 11-2015
Qua cách quản trị của mình, Đức Phanxicô là mẫu người “điều khiển-phục vụ”. Một nhà quản trị người Mỹ đã tóm 12 bài học quản lý có thể áp dụng cho các công ty.
  1. Điều khiển với lòng khiêm tốn
Khiêm tốn là thái độ nền tảng của tinh thần kitô, thái độ này cần phải áp dụng cho mọi chỉ đạo. Đó là con đường duy nhất có thể “thay đổi thế giới”. Nguyên tắc này không được có tinh thần chinh phục, buộc phải có tinh thần tôn trọng và phải truyền tải niềm vui đích thực: niềm vui của những người phục vụ.
  1. Hòa mình với đồng nghiệp
Khi còn ở Tòa Giám mục Buenos Aires, hàng tuần Đức Jorge Mario Bergoglio đi thăm các thành phố ổ chuột, để “cảm nhận mùi của đàn chiên”, ngài gặp họ, lắng nghe họ. Mọi lãnh đạo có tinh thần phục vụ đều phải hỏi ý kiến và phải ở gần các cộng sự viên của mình.
  1. Điều hành công ty như điều hành một bệnh viện làng quê
Phản ứng theo tình trạng khẩn cấp là điều hành công ty như điều hành một bệnh viện làng quê, một cách tự lập và nhẹ nhàng. Các phương tiện can thiệp và các tiến trình đi đến việc lấy quyết định cần giải khỏi trung tâm để giữ sự tiếp xúc trực tiếp tại chỗ.
  1. Nói với một số lượng lớn người
Với quan điểm và đặc sủng truyền thông của mình, Đức Phanxicô đã tiếp xúc với rất nhiều người trên thế giới, cả ngoài lãnh vực công giáo. Có các tín hữu cảm thấy như họ không còn “lãnh đạo”  của mình. Đó là nghệ thuật của nhà quản trị giỏi, vừa với Rôma, vừa với thế giới.
  1. Loại bỏ hành động đơn độc của quyền lực
Để tránh tình trạng “thiển cận” cho hoạt động của mình và của Giáo triều, Đức Giáo hoàng đã đặt ưu tiên hàng đầu vào việc đối thoại với bên ngoài. Đó là chìa khóa của một thành công ở thời buổi hiện đại, vì trong nội bộ phát sinh các tiềm năng sáng tạo và phản ảnh.
  1. Đặt hội nhập lên hàng ưu tiên
Không để một ai qua một bên, dù đối lập hoặc người bên lề. Đối với Đức Giáo hoàng, nguyên tắc này là để áp dụng tốt hơn giáo điều xã hội của Giáo hội, để phát triển văn hóa của tôn trọng, chứ không phải loại văn hóa khinh khi. Rốt cùng là phải luôn dùng thì giờ để thuyết phục và hội nhập.
  1. Không thay đổi nhưng tái tạo
Mọi cơ sở của con người đều cần xem lại để cải thiện cách điều hành và các chỉ tiêu của mình. Từ đó, vấn đề là tái tạo, chứ không phải “thay đổi”. Điều này đòi hỏi phải dựa trên các chẩn đoán sáng suốt và can đảm.
  1. Chuộng chủ nghĩa thực dụng hơn là ý thức hệ
Đức Phanxicô kêu gọi các tín hữu đừng bịt mắt khi dấn thân làm việc xã hội, phải sáng tạo các hình thức mới để làm việc tông đồ. Với chủ công ty cũng vậy, họ phải ủng hộ nhân viên nào chuộng cái mới hơn là thích những người sống mà chỉ ưa ôn lại chuyện quá khứ.
  1. Hướng về biên giới
Một khái niệm chủ yếu trong tư tưởng của Đức Giáo hoàng: biên giới còn được gọi là vùng ngoại vi, một vùng không phải chỉ có tính cách địa lý nhưng là một thái độ can đảm và dám làm. Trong lãnh vực quản lý, đây là một loại đi ra khỏi nếp cũ, ưu tiên cho sự đổi mới và sáng tạo.
  1. Không phán xét nhưng lượng định
Có một phân biệt quan trọng trong việc đánh giá và phán xét một người. Người lãnh đạo là có uy tín và được tôn trọng khi họ chú ý đến điểm mạnh hơn là điểm yếu của các cộng sự viên. Lòng nhân từ của họ là một phương tiện để tiến bộ.
  1. Nhấn mạnh đến việc lấy quyết định
Đối với Đức Giáo hoàng, khiêm tốn và lòng nhân là động cơ của các quyết định. Các công việc đầu tiên của triều giáo hoàng của ngài là ngài chú trọng đến con người hơn là đến cơ cấu: một nhà lãnh đạo phải đặt ưu tiên vấn đề con người trong chiến lược của họ.
  1. Đối diện với nghịch cảnh một cách có phẩm cách
Đứng trước các vụ bê bối tài chánh hay các vụ ấu dâm trong hàng giáo sĩ, Đức Giáo hoàng cho thấy thái độ rõ ràng và quyết định của mình. Như trong tiến trình cải cách tế nhị của Giáo triều, nghịch cảnh cũng là điều thuận lợi để xem xét các người đối thoại với mình.
Thánh Têrêxa Calcutta
Lễ kính ngày 5 tháng 9
Tiểu sử Mẹ Têrêxa
Tên thật của Mẹ Têrêxa là Agnès Gonxha Bqjaxhiu, Mẹ người gốc Albania, sinh năm 1910 ở Skopje, thủ đô Kosovo. Năm 12 tuổi, Mẹ cảm nhận mình có ơn gọi đi tu, đến năm 18 tuổi, Mẹ vào Dòng các nữ tu Lorette ở Ai Len. Năm 1929, Mẹ dạy học ở Calcutta, Ấn Độ. Năm 1948, Mẹ dọn về ở thành phố ổ chuột để lo cho người cùng khốn và thành lập Dòng Truyền giáo Bác ái. Năm 1979, Mẹ nhận giải Nobel Hòa bình. Ngày 4 tháng 9 năm 1997, Mẹ qua đời tại Calcutta. Ngày 1 tháng 10 năm 2002, Đức Gioan-Phaolô II phong chân phước cho Mẹ, ngày 3 tháng 9 năm 2016, Đức Phanxicô phong thánh cho Mẹ.
Linh đạo của Mẹ
“Không phải chúng ta làm được bao nhiêu, nhưng chúng ta để bao nhiêu tình yêu vào công việc mình làm.” Đặc sủng của Mẹ Têrêxa là cho Chúa và người nghèo không điều kiện. Phục vụ người cùng khốn hàng ngày, trong các thành phố nghèo, trong các căn nhà của những người chờ chết, Mẹ dạy Lòng thương xót cho các nữ tu bằng những hành vi rất đơn sơ. Sau khi Mẹ qua đời, chúng ta được biết Mẹ đã trải qua đêm tối đức tin trong nhiều năm dù công việc Mẹ làm là nên một với tình yêu Chúa Kitô.
Tấm gương của Mẹ
“Tinh thần thế gian không chấp nhận chứng từ kitô. Tinh thần này không bao giờ nghĩ rằng Mẹ Têrêxa thờ phượng Chúa mỗi ngày và trong một thời gian rất lâu. Tinh thần này cho các việc làm trong tinh thần kitô này chỉ là việc làm xã hội đáng khen, xem cuộc hiện sinh như một lớp sơn bóng, một con rối của kitô giáo! Sự loan báo của Chúa Giêsu không phải là con rối, sự loan báo này thấm tận xương, tận tim và nó làm thay đổi con người.” Đức Phanxicô, bài giảng ngày 28 tháng 5-2013 tại Nhà nguyện Thánh Mácta, Rôma.
 
Sách: Suy niệm với Mẹ Têrêxa, mỗi suy niệm một ngày, Nxb. Salvator, 2016 (Méditer avec Mère Teresa, une pensée par jour, Emmanuel Leclercq, Éditions Salvator, 2016)

Chương 4 – Niềm vui bảo vệ môi trường

17
Trích sách: Niềm vui, 60 lời hứa cho cuộc sống. Michel Cool, Nxb. Salvator
Một thử thách lớn: Ngưng làm hại ngôi vườn mà Chúa đã giao phó cho chúng ta để tất cả cùng có thể hưởng. Phanxicô, 2 tháng 7-2015
Niềm vui bảo vệ môi trường
Mười điều răn bảo vệ hành tinh theo tinh thần Thông điệp Chúc tụng Chúa (Laudato Si’), thông điệp đầu tiên về các vấn đề môi sinh của thế giới hiện nay do một Giáo hoàng viết.
  1. Con đưa thế giới ra khỏi tình trạng dửng dưng
Sự gia tăng con số người di dân đi trốn cảnh khốn cùng là một thảm cảnh. Cuộc khủng hoảng di dân này là kết quả của tình trạng dửng dưng chung. Đứng trước tình trạng không còn ý thức trách nhiệm với đồng loại, chúng ta phải hành động vì nó có hại cho đời sống của chúng ta trong xã hội.
  1. Con chiến đấu chống tình trạng khí hậu nóng lên
Đứng trước hiểm họa đe dọa hệ thống môi sinh, chúng ta ý thức để có một lối sống, một lối sản xuất và tiêu thụ mới để khí hậu bớt nóng lên và các nguyên do từ con người gây ra.
  1. Con cung cấp nước cho toàn trái đất
Thế giới có một món nợ xã hội rất nặng với các dân tộc bất hạnh nhất hoàn cầu, những người dân sống thiếu nước. Về ngắn hạn, sự khan hiếm nước và chiến đấu để có quyền kiểm soát nước sẽ có nguy cơ đưa thế giới vào trong vòng xoắy của các cuộc xung đột.
  1. Con đặt người nghèo vào trọng tâm
Một sự tiếp cận đích thực với môi sinh không thể tách rời với sự tiếp cận xã hội. Sự toàn cầu hóa các hiện tượng của tình trạng sống bấp bênh và loại trừ không được xử lý như một sự thiệt hại bên lề, nhưng là ưu tiên hàng đầu mà mọi sự tùy thuộc vào đó.
  1. Con chiến đấu chống huyền thoại của sự tiến bộ vô tận
Sự tin tưởng ngây ngô vào sự tăng trưởng và tiến bộ không giới hạn nghiến nát tất cả suy tư kinh tế và chính trị. Sự phát triển toàn diện phải có chiều kích đúng của sản xuất, của phân bố công minh, của bảo vệ môi sinh có trách nhiệm, của tôn trọng quyền các thế hệ tương lai.
  1. Con kháng cự lại sức mạnh tối thượng
Sự tuần phục của các chính trị gia vào kỹ thuật và vào hệ thống tài chánh có trách nhiệm trong việc làm chậm trễ, đã không chận đứng được sự hủy hoại môi trường và chận không cho người nghèo có phương tiện để có được nguồn nhu yếu phẩm cần thiết.
  1. Con theo sự hợp lý của tinh thần cho không điều kiện
Người ta không thể cho rằng mình bảo vệ thiên nhiên mà không làm lành mạnh tất cả mọi quan hệ nền tảng của con người.
Giải pháp cho khoa học môi sinh cũng tùy thuộc vào khả năng suy nghĩ về khủng hoảng của con người. Cả hai loại khủng hoảng này liên hệ với nhau.
  1. Con làm thuận lợi cho việc truyền tải năng lượng
Con người ở trong thời buổi hậu-kỹ nghệ sẽ có thể bị cho là một trong những người vô trách nhiệm nhất của lịch sử, chúng ta hy vọng con người của thế kỷ 21 sẽ ở trong ký ức lịch sử là những con người có tinh thần trách nhiệm cao.
  1. Con sẽ chấp nhận một sự giảm tăng trưởng nào đó
Đã đến lúc các xã hội có trình độ kỹ thuật cao phải chấp nhận một số biện pháp điều độ hơn, thích ứng với lối sống mới, giảm nhu cầu năng lượng và cải thiện các điều kiện tiêu dùng.
  1. Con tìm cách để cổ động cho một “hạnh phúc trong thanh đạm”
“Thống trị trái đất” không có nghĩa là khai khác một cách hoang dã, cũng không phải là hủy hoại thiên nhiên. Ngược lại, sứ mệnh của con người là “vun trồng và giữ gìn trái đất”, tôn trọng quan hệ hỗ tương một cách có trách nhiệm giữa con người và thiên nhiên.
Thánh Phanxicô Axixi
Lễ kính ngày 4 tháng 10
Tiểu sử của ngài
Thánh Phanxicô sinh tại Axixi năm 1182 trong một gia đình khá giả. Sau thời tuổi trẻ sống vô tư, năm 1204 Thánh Phanxicô bị liệt giường vì một căn bệnh làm tiên tan giấc mơ làm kỵ sĩ của ngài. Từ chối của cải, Phanxicô sống một cuộc sống cầu nguyện và khổ hạnh. Cách Thánh Phanxicô sống tận căn với Phúc Âm đã làm cho ngài có nhiều đồ đệ. Họ thành lập một cộng đoàn huynh đệ sống khó nghèo và khiêm nhường. Năm 1210, Đức Giáo hoàng chấp nhận luật Dòng Phan Sinh. Sau khi nhận nhiều dấu thánh của sự Thương Khó và bị bệnh, Thánh Phanxicô Axixi qua đời ngày 3 tháng 10 năm 1226.
Linh đạo của ngài
Thánh Phanxicô Axixi khổ nhiều vì sức khỏe của mình yếu: để chữa mắt đau, người ta dùng sắt nung đỏ đặt hai bên màng tang… Niềm vui của ngài sâu đậm hơn là sự đau khổ vì ngài phân định được sự hiện diện của Chúa ngay cả khi tâm hồn hay thể xác của ngài bị đau đớn. Thánh Phanxicô hay nói đến “niềm vui trọn vẹn” này với các đồ đệ. Đó là niềm vui của người ăn xin. Niềm vui trọn hảo không phải là thỏa mãn khi bị loại trừ hay thích thú khi ở trong tuyết giá hay bị lạnh, nhưng là một tình yêu khá lớn để đủ mạnh hơn sự đau đớn khi bị người thân cận của mình bỏ rơi, khi không được những người mình yêu thương chấp nhận.
Gương mẫu của ngài
“Thánh Phanxicô yêu và được yêu vì niềm vui, vì sự dấn thân quảng đại, vì quả tim rộng mở của ngài. Đó là nhà thần nghiệm và lữ khách hành hương, ngài sống đơn sơ, hài hòa với Chúa, với người khác, với thiên nhiên và với chính mình. Nơi ngài, chúng ta thấy được đến độ nào mức độ quan tâm đến thiên nhiên, công chính cho người nghèo, dấn thân cho xã hội và bình an nội tâm là những chuyện không thể tách rời nhau.” Thông điệp Chúc tụng Chúa, Đức Phanxicô, 24 tháng 5-2015
Sách: Phanxicô Axixi, người đục tường: di sản để suy tư về vấn đề liên văn hóa của thế kỷ 21, Michel Sauquet (Le passe-murailles, François d’Assise: un héritage pour penser l’interculturel au XXIè siècle), Éditions franciscaines, 2015

Chương 5 – Niềm vui gặp gỡ

17
Trích sách: Niềm vui, 60 lời hứa cho cuộc sống. Michel Cool, Nxb. Salvator
Chúng ta được mời gọi để vui vẻ cổ động cho nền văn hóa gặp gỡ. Phanxicô, 27 tháng 7-2013
Niềm vui gặp gỡ
6 lời khuyên của Đức Phanxicô
Sáu lời khuyên để chính mình là đối tác của “văn hóa gặp gỡ”, sau đây là các câu trích trong cuộc phỏng vấn của Đức Giáo hoàng với một tạp chí Argentina ngày 27 tháng 7-2014.
  1. Sống và để cho người khác sống
“Người La Mã có câu ngạn ngữ mà chúng ta có thể dùng như kim chỉ nam cho mình: ‘Nào, để cho người khác đi tới đàng trước.’ Sống và để cho người khác sống là bước đầu tiên đi đến hòa bình và hạnh phúc.”
  1. Hy sinh cho người khác
“Ai sống cô lập sẽ có khả năng trở thành người ích kỷ. Nước tù đọng thì bắt đầu thối.” Noi gương Chúa Kitô, Đấng đã bẽ bánh trong buổi Tiệc Ly, chúng ta phải “bẽ ra để nâng đỡ người khác”, trước hết là cho những người mong manh nhất.
  1. Chơi với trẻ con
“Bây giờ cha ít ngồi tòa, nhưng ở Buenos Aires cha ngồi tòa rất nhiều và cha hay hỏi các bà mẹ trẻ: ‘Con có bao nhiêu con? Con có chơi với chúng không?’ Đó là câu hỏi giáo dân ít mong chờ, nhưng đó là cách để nói trẻ con là chìa khóa cho một nền văn hóa lành mạnh.”
  1. Ngày chúa nhật là ngày nghỉ
“Nghỉ ngơi là mở rộng cái nhìn của mình, để mình có thể nhận biết lại quyền của người khác. Vì thế Ngày Nghỉ là ngày mà Thánh Thể ở trọng tâm sẽ lan tỏa ánh sáng của mầu nhiệm Thánh Thể trên cả tuần và thúc đẩy chúng ta hướng nội trong việc bảo vệ thiên nhiên và người nghèo.”
  1. Giúp người trẻ tìm việc làm
“Chúng ta phải có nhiều sáng tạo với tầng lớp này của xã hội. Vì không có cơ hội, người trẻ rơi vào nghiện ngập. Và tỷ số tự tử rất cao nơi các thanh niên trẻ không có việc làm.”
  1. Không vu khống, quên chuyện tiêu cực
“Nhu cầu nói xấu người khác là dấu hiệu của sự tự tin yếu kém: tôi cảm thấy thật khổ, thay vì tôi đứng dậy thì tôi lại đi hạ người khác. Quên nhanh chóng chuyện tiêu cực là một thái độ lành mạnh.”
Thánh Gioan Bosco
Lễ kính 31 tháng 1
Tiểu sử của ngài
Cha sinh năm 1815. Mồ côi cha khi mới lên hai, tuổi thơ ấu, Thánh Gioan Bosco sống nghèo ở vùng Piémont, nước Ý. Sau khi chịu chức, cha để hết năng lực của mình để giáo dục các em bé xuất thân từ môi trường nghèo ở Turin. Ngài thành lập các “tổ chức bảo trợ”, rồi Hiệp Hội Thánh Phanxicô Salê với sự hỗ trợ của bà Marie-Dominique Mazzarello, thuộc Dòng các nữ tu Maria Phù Trợ, để dạy đạo và dạy nghề cho các thanh niên trẻ. Là nhà giáo, nhà sư phạm có tầm nhìn xa. Ngài vừa là nhà văn, nhà giáo, nhà sư phạm. Ngài qua đời năm 1888 ở Turin vì kiệt sức, ngài bị giám mục của mình chống đối.
Linh đạo của ngài
Thánh Gioan Bosco là người sáng tạo cách giáo dục bằng sự nhẹ nhàng, lòng tin tưởng và tình yêu. Ngài không bao giờ từ chối đón tiếp một thanh niên trẻ nào dù căn nhà của ngài chật, dù ngài thiếu tiền. Linh đạo của ngài theo đường hướng của Thánh Phanxicô Salê, một linh đạo được phát triển trong sự gặp gỡ. Niềm vui và tính lạc quan của ngài là kết quả của việc đặt hy vọng và tin tưởng lên hàng đầu. Niềm vui là dấu hiệu của sự triển nở bản thân và từ đó là kết hiệp với Chúa, nếu chúng ta biết cám ơn Chúa về hạnh phúc Chúa cho chúng ta qua người khác khi chúng ta gặp họ.
Gương mẫu của ngài
“Chúng ta có thể nói rất nhiều về Thánh Gioan Bosco. Nhưng tôi muốn nhấn mạnh đến ba nét: sự tin tưởng vào Chúa Quan Phòng, ơn gọi chức thánh của các thanh niên trẻ, đặc biệt các em nghèo nhất, phục vụ đắc lực và trung tín cho Giáo hội nhất là người kế vị ngôi Thánh Phêrô… Đặc sủng của Thánh Gioan Bosco hướng dẫn chúng ta phải là các nhà giáo của người trẻ, đặt lên hàng đầu đường hướng giáo dục đức tin này, một đường hướng được tóm tắt như sau, rao giảng Tin Mừng khi giáo dục và giáo dục khi rao giảng Tin Mừng.” Đức Phanxicô, bài diễn văn đọc trước các tu sĩ Dòng Salê và các nữ tu Dòng Tên Đức Mẹ Phù Trợ ở Turin ngày 21 tháng 6-2015.
Sách: Khoa sư phạm của Thánh Gioan Bosco trong 12 chỉ dẫn. La pédagogie de Don Bosco en 12 mots-clés. Jean-Marie Petitclerc, Éditions Salvator, 2016

Chương 6 – Niềm vui cầu nguyện

42
Trích sách: Niềm vui, 60 lời hứa cho cuộc sống. Michel Cool, Nxb. Salvator
Chúng ta đừng bao giờ mất lòng can đảm để cầu nguyện! Phanxicô, 25 tháng 12-2013
Khi ngài còn là Giám mục ở Buenos Aires, Đức Phanxicô có làm bài cầu nguyện với các ngón tay, bài cầu nguyện này rất phổ biến ở Argentina. Nó cho thấy cầu nguyện ở trong tầm tay: một lời cầu nguyện đơn sơ nhưng đầy đủ và phổ quát.
  1. Cầu nguyện với ngón cái
Ngón cái là ngón gần chúng ta nhất. Vì thế chúng ta bắt đầu cầu nguyện cho những người gần mình nhất: cho cha mẹ, cho con cái, cho gia đình, cho bạn bè. Cầu nguyện cho người thân thiết của mình là một “nhiệm vụ ngọt ngào”.
  1. Cầu nguyện với ngón trỏ
Ngón trỏ là ngón dẫn đường. Chúng ta cầu nguyện cho những người làm trong ngành giáo: các cô thầy, các giáo sư, các bác sĩ, các linh mục, các giáo lý viên, các ký giả và tất cả những ai đưa thông tin. Họ cần được nâng đỡ và có đức khôn ngoan để chỉ dẫn người khác một cách đúng đắn. Chúng ta đừng quên họ trong lời cầu nguyện của mình.
  1. Cầu nguyện với ngón giữa
Ngón giữa là ngón dài nhất, “cao” nhất. Nó nhắc chúng ta nhớ đến các nhà lãnh đạo, những người điều khiển trong mọi lãnh vực. Chúng ta cầu nguyện cho các vị lãnh đạo quốc gia, các dân biểu, các giám đốc công ty, các người quản trị. Đó là những người điều khiển vận mệnh đất nước và hướng dẫn dư luận quần chúng. Họ cần được Chúa giúp đỡ.
  1. Cầu nguyện với ngón đeo nhẫn
Nhiều người sẽ ngạc nhiên khi biết đó là ngón yếu nhất, các giáo sư dương cầm sẽ chứng tỏ điều này. Ngón này nhắc chúng ta nhớ cầu nguyện cho những người yếu đuối, những người bệnh tật, những người khuyết tật, những người có nhiều vấn đề phải giải quyết. Họ cần lời cầu nguyện của chúng ta ngày đêm. Cầu nguyện cho họ sẽ không bao giờ đủ. Vì ngón áp út cũng là ngón đeo nhẫn, chúng ta cầu nguyện cho các người sắp lập gia đình.
  1. Cầu nguyện với ngón út
Và bây giờ là ngón út, ngón nhỏ nhất, nhỏ bé là thái độ mình phải có khi đứng trước Chúa và đứng trước người khác. Như Kinh Thánh dạy: “Kẻ nhỏ nhất sẽ trở nên lớn nhất trong anh em”. Ngón nhỏ nhất nhắc mình phải cầu nguyện cho chính mình. Vì sau khi cầu nguyện cho bốn nhóm kia, mình mới thấy nhu cầu của mình và cầu nguyện cho chính mình.
Thánh Têrêxa Hài Đồng Giêsu
Lễ kính 1 tháng 10
Tiểu sử Thánh Têrêxa
Têrêxa Martin sinh năm 1873 ở Alençon. Sau khi vượt qua nhiều trở ngại, năm 15 tuổi, Thánh Têrêxa vào Dòng Kín ở Lisieux. Năm 1896, Thánh Têrêxa cảm nhận ơn gọi của mình: “Trong lòng Mẹ Giáo hội, tôi sẽ là tình yêu”. Thánh Têrêxa có tên là Têrêxa Hài Đồng Giêsu. Thánh nữ hỗ trợ  công việc truyền giáo qua lời cầu nguyện và qua các cố gắng để chống lại căn bệnh ho lao. Thánh nhân qua đời năm 1897, hưởng dương 24 tuổi. Các bài viết thiêng liêng của Thánh Têrêxa có tên là Câu chuyện của một Tâm hồn đã thành công vang dội trên thế giới. Năm 1925 Thánh Têrêxa được phong thánh, năm 1927, Thánh Têrêxa là bổn mạng cho các nhà truyền giáo. Năm 1997, Thánh Têrêxa được phong tiến sĩ Giáo hội.
Linh đạo của Thánh Têrêxa
“Tôi vui mừng được là người bé mọn vì chỉ có trẻ con và những người giống trẻ con mới được nhận vào bàn tiệc trên trời.” Trong cuộc đời ngắn ngũi của mình, Têrêxa đã để lại một tầm mức lan tỏa mênh mông, bây giờ vẫn còn làm cho tâm hồn những người thời nay xúc động, ngay cả trên tầm mức thế giới. Người nữ tu Dòng Kín nhỏ bé cho chúng ta thấy “con đường nhỏ”, con đường quên mình cho Tình yêu, một Tình yêu nóng bỏng chờ tất cả mọi sự nơi Chúa. Sự tin tưởng này, thánh nữ dựa vào hương nguyện, lời cầu nguyện liên lỉ thánh nhân khuyến khích những người chung quanh mình: “Chúng ta đừng lơ là cầu nguyện, lòng tin tưởng làm nên phép lạ.”
Gương mẫu của Thánh Têrêxa
Gương mẫu của thánh Têrêxa mời gọi chúng ta thực hành con đường nhỏ bé của tình yêu, không để mất một dịp nào mà không nói lời dễ thương, nở một nụ cười hay làm bất cứ một hành vi nhỏ nào để gieo bình an và tình bằng hữu. Một môi sinh toàn diện được xây dựng trên các cử chỉ đơn sơ hàng ngày, qua đó chúng ta bẻ gãy xiềng xích của tính hung bạo, nạn khai thác người và tính ích kỷ.” Trích từ Thông điệp Chúc tụng Chúa, ngày 24 tháng 5-2015
Sách: Chiêm niệm với Thánh Têrêxa Hài Đồng, một tư tưởng mỗi ngày, Hợp tuyển của Linh mục Pierre Descouvemont (Méditer avec Thérèse de Lisieux, une pensée par jour Anthologie du père Pierre Descouvemont Éditions Salvator, 2014)

Marta An Nguyễn chuyển dịch

http://phanxico.vn/2017/03/09/chuong-6-niem-vui-cau-nguyen/
Sách: Thánh Philippe Neri, diễn viên thần nghiệm (Saint Philippe Néri, un ludion mystique), Philippe Le Guillou, Nxb. Đối thoại (Dialogues), 2014.
Sách: Thánh Pierre Favre, Angelo Amato, Nxb. Lời và Thinh Lặng (Parole et Silence), 2016

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét