Trang

Thứ Năm, 9 tháng 1, 2020

3 Đời sống thiêng liêng là gì (2-3)



Trích sách: Khát Khao Nên Thánh, Đi tìm một Linh đạo Kitô, Ronald Rolheiser 
Thế nào là đời sống thiêng liêng?
Hiện nay, ít từ ngữ nào bị hiểu lầm nhiều trong ngôn ngữ tiếng Anh như từ linh đạo, spirituality (linh đạo, đời sống thiêng liêng, tu đức học, trường phái tu đức). Trước hết, đây là một từ tương đối mới trong tiếng Anh, ít nhất là về mặt ngữ nghĩa hiện nay. Từ này trong tiếng Pháp thì không như vậy, vì trong tiếng Pháp, từ linh đạo có một lịch sử lâu dài và phong phú hơn. Tuy nhiên, trong tiếng Anh, chỉ trong vòng ba mươi năm qua, từ này đã trở thành một từ phổ biến. Vì vậy, ví dụ có ai đến thư viện tiếng Anh xem các đề mục sách, họ sẽ thấy, trừ vài trường hợp ngoại lệ, từ linh đạo chỉ xuất hiện ở những sách mới xuất bản trong vòng ba thập kỷ trở lại đây. Đó cũng là những năm khái niệm linh đạo, đời sống thiêng liêng trở nên phổ biến, cả về mặt đạo và đời. Bây giờ ở các tiệm sách đạo và đời, đều có đầy sách nói về linh hướng, linh đạo, đời sống tinh thần, đời sống thiêng liêng.
Cách đây một thế hệ, ngoại trừ vài trường hợp ngoại lệ rất nổi bật, chuyện này chưa xảy ra. Hồi đó, thế giới thế tục gần như không quan tâm đến lãnh vực này. Điều này cũng đúng đối với hầu hết các Giáo hội. Những gì chúng ta bây giờ gọi là linh đạo thì hồi đó cũng đã tồn tại, nhưng có một diện mạo rất khác. Trong các nhà thờ Công giáo, nó tồn tại chủ yếu trong các nhóm cầu nguyện có sức thu hút nhất định, các tư tưởng thần học của giáo phái Hiện Xuống (Pentecost), hoạt động xã hội của giáo phái Tin Lành, và đời sống tận hiến trong Giáo hội Công Giáo La Mã. Trong các nhà sách thế tục, rất ít sách nói về hướng đi thiêng liêng, linh đạo, đời sống thiêng liêng ngoài một phần trong Thánh Kinh, và một số sách viết về đời suy nghĩ tích cực. Vì đây được xem như một lãnh vực khác biệt hẳn so với thần học kinh viện khắt khe, nên ở các nhà sách đạo cũng có rất ít sách này, còn ở các nhà sách Công giáo La Mã, thì có sách về tận hiến và một số sách được xếp vào loại thần học khổ tu.
Bây giờ đâu cũng có các sách nói về linh hướng, hướng đi thiêng liêng, linh đạo, đời sống thiêng liêng. Tuy nhiên, dù có sự nở rộ trong lãnh vực này ở phương Tây, đặc biệt trong lãnh vực sách đời, vẫn còn một vài hiểu lầm lớn về khái niệm này, rằng đời sống thiêng liêng là cái gì đó kỳ lạ, huyền bí, không phải cái gì đó từ cuộc sống cơm gạo đời thường. Vì vậy, với nhiều người, phạm trù thiêng liêng, linh hướng gợi lên hình ảnh của cái gì đó huyền bí, mầu nhiệm, thánh thiêng, mộ đạo, đạo đức, thế giới khác, Thời Đại Mới, một cái gì đó phi thường và tùy người chọn lựa. Rất hiếm khi đời sống thiêng liêng được hiểu như một điều gì đó cốt yếu và không thể đánh đổi được ở cốt lõi đời sống chúng ta.
Đây là một hiểu lầm trầm trọng. Đời sống thiêng liêng không phải là một cái gì phi thường, một lựa chọn của những người có khuynh hướng đặc biệt. Không ai trong chúng ta có chọn lựa nào khác. Ai cũng phải có đời sống tinh thần, và thật sự ai cũng có, hoặc một đời sống cho đi, hoặc một đời sống hủy hoại. Không ai có được cái xa xỉ chọn lựa ở đây, bởi vì tất cả chúng ta đều bị bắn vào đời một sức lực điên cuồng nào đó đến từ các vị thần và chúng ta phải làm cái gì đó với nó. Chúng ta không tỉnh dậy thanh bình, tĩnh lặng nhìn thế giới này, được hưởng xa xỉ lựa chọn làm cái này, không làm cái kia. Chúng ta tỉnh dậy trong tiếng khóc, hừng hực đốt cháy vì ước muốn, vì điên cuồng. Những gì chúng ta làm với cơn điên cuồng này, đó chính là đời sống tinh thần của chúng ta.
Do đó, đời sống tinh thần không phải là chuyện ung dung chọn hay nghĩ kỹ để làm vài sinh hoạt thiêng liêng nào đó như đi nhà thờ, cầu nguyện, suy niệm, đọc sách thiêng liêng, hay khởi sự một cuộc đi tìm thiêng liêng rõ ràng nào đó. Đời sống tinh thần còn căn bản hơn thế rất nhiều. Rất lâu trước khi chúng ta làm bất cứ cái gì có tính tôn giáo rõ ràng, chúng ta phải làm một cái gì đó với ngọn lửa đang hừng hực cháy trong lòng chúng ta. Những gì chúng ta làm với ngọn lửa này, chuyển hóa nó như thế nào, đó là hướng đi thiêng liêng, là đời sống tinh thần của chúng ta. Vì thế, tất cả chúng ta đều có một đời sống tinh thần, một lối sống thiêng liêng dù muốn dù không, dù có đạo hay không. Đời sống thiêng liêng đúng hơn là chuyện mỗi tối mình có thể ngủ được hay không, hơn là chuyện mình có đi nhà thờ hay không. Đó là chuyện đang tụ lại hay đang tán ra, ở trong cộng đồng hay cô quạnh, hài hòa với Đất Mẹ hay xa rời Đất Mẹ. Bất kể chúng ta có để bản thân mình ý thức để theo bất kỳ một tôn giáo nào, chúng ta đều hành động theo những cách khiến chúng ta lành mạnh hay bệnh tật, yêu thương hay cay đắng. Những gì định hình hành động của chúng ta là đời sống tinh thần, là hướng đi thiêng liêng của chúng ta.
Và những gì định hình hành động chúng ta cơ bản là những gì hình thành ham muốn của chúng ta. Ham muốn làm chúng ta hành động, và qua hành động, nó sẽ làm chúng ta tụ nhiều hơn hoặc tán nhiều hơn, từ trong cá tính, tâm trí, thân thể, và nó củng cố hoặc phá hoại mối quan hệ của chúng ta với Thiên Chúa, với tha nhân, và với vũ trụ. Các thói quen và kỷ luật chúng ta dùng để gọt giũa ham muốn tạo nên nền tảng cho đời sống tinh thần, bất kể thói quen và kỷ luật này có một chiều kích tôn giáo rõ ràng hay không, thậm chí bất kể chúng có được biểu hiện ra một cách có ý thức hay không.
Đời sống tinh thần liên quan đến những gì chúng ta làm đối với lòng ham muốn. Nó có gốc rễ ở lửa yêu (eros) trong lòng chúng ta, và là tất thảy những gì về cách chúng ta rèn giũa và ghép kỷ luật đối với lửa yêu này. Thánh Gioan Thánh Giá, nhà đại thần bí Tây Ban Nha, bắt đầu thiên khảo luận nổi tiếng của ngài về hành trình của linh hồn với những lời sau: “Một đêm tối kia, bị đốt cháy bằng những khát khao cấp bách của tình yêu.” Đối với ngài, đó là khao khát cấp bách, lửa yêu mãnh liệt, đó là điểm khởi đầu của đời sống tinh thần, và trong quan điểm của ngài, đời sống tinh thần, hướng đi thiêng liêng cơ bản được định nghĩa là cách chúng ta đối xử với lửa yêu này.
Như vậy, để đưa ra một ví dụ nổi bật về thế nào là hướng đi thiêng liêng, cách người đó xử lý với lửa yêu, chúng ta so sánh cuộc sống của ba phụ nữ nổi tiếng: Mẹ Têrêxa, ca sĩ Janis Joplin, và công nương Diana.
Bắt đầu với Mẹ Têrêxa. Tôi nghĩ rằng ít có ai trong chúng ta xem Mẹ Têrêxa là một phụ nữ đầy tình ái. Chúng ta nghĩ về Mẹ như một phụ nữ có đời sống thiêng liêng. Vậy mà Mẹ là một phụ nữ tràn đầy tình ái, dù không nhất thiết hiểu từ đó theo nghĩa hẹp mang sắc thái lý luận của Freud. Mẹ là phụ nữ tràn đầy tình ái vì mẹ là nguồn phát năng lượng mãnh liệt. Nhìn mẹ tưởng mẹ yếu đuối, hiền lành, nhưng thử hỏi bất kỳ ai từng chặn bước đường đi của mẹ thì xem họ sẽ thấy đúng hay sai. Mẹ là xe ủi đất, một phụ nữ thôi thúc bởi tình ái tràn đầy. Tuy nhiên, Mẹ là một phụ nữ rất kỷ luật, một lòng một dạ tận tụy với Thiên Chúa và người nghèo. Ai cũng cho Mẹ là thánh. Tại sao vậy?
Một vị thánh là người có thể, nói một cách chính xác là, chuyển hóa lửa yêu mãnh liệt một cách sáng tạo, theo cách dâng hiến cuộc đời mình cho tha nhân. Triết gia Soren Kierkegaard đã có lần định nghĩa thánh là người có khả năng chỉ quyết chí một chuyện. Không ai phủ nhận, Mẹ Têrêxa chỉ quyết chí duy nhất một chuyện – Thiên Chúa và người nghèo. Mẹ có năng lượng rất mạnh, một năng lực được ghép vào kỷ luật. Tình yêu cháy bỏng của Mẹ dồn hết cho Thiên Chúa và người nghèo. Tận hiến trọn vẹn cho Chúa và người nghèo – là dấu ấn của mẹ, là hướng đi thiêng liêng, linh đạo, đời sống tinh thần của Mẹ. Điều đó làm nên con người của Mẹ.
Bây giờ chúng ta xem đến trường hợp cô ca sĩ Janis Joplin, ngôi sao nhạc rock chết ở tuổi hai mươi bảy vì uống thuốc quá liều, ít người cho rằng cô là người có hướng đi thiêng liêng. Vậy mà cô có. Có người nghĩ cô là hình ảnh đối ngược với Mẹ Têrêxa, tràn đầy tình ái, không có đời sống tinh thần. Tuy nhiên, Janis Joplin không quá khác Mẹ Têrêxa, ít nhất là về cá tính và khi cô không trang điểm. Cô cũng là một phụ nữ đặc biệt, người có lửa yêu rực cháy, một người yêu tuyệt vời, người với nguồn năng lực hiếm có. Nhưng ngược với Mẹ Têrêxa, cô không quyết chí làm một chuyện duy nhất. Cô ước mong và quyết chí làm nhiều chuyện. Năng lượng dồi dào của cô tràn tứ phía, cuối cùng thành quá độ, mệt mỏi quá sức, cô chết yểu. Nhưng những hoạt động đó – một hiến dâng hết thảy cho sáng tạo, biểu diễn, rượu mạnh, tình dục, cộng với việc bỏ bê không nghỉ ngơi bình thường – đó là lối sống tinh thần của cô. Đó là dấu ấn của cô. Đó là cách cô hướng lửa yêu của cô. Trường hợp của cô, cũng là trường hợp của các nghệ sĩ có tài năng, kết cục, ít nhất ở trần gian này, không phải là một sự kết tụ lành mạnh mà là tiêu tán. Đến một lúc, đơn giản cô đã đánh mất những thứ mà thông thường gắn kết một con người bằng da bằng thịt lại với nhau, cô bị vỡ tung dưới quá nhiều áp lực.
Nhìn vào đời sống của Joplin, và cuộc sống riêng của mỗi người chúng ta, có một suy ngẫm thú vị về định nghĩa thánh của Kierkegaard, thánh là người chỉ quyết chí một chuyện. Hầu hết chúng ta đều khá giống Mẹ Têrêxa ở điểm chúng ta đều quyết chí với Thiên Chúa và với người nghèo. Chúng ta quyết chí vì Thiên Chúa và người nghèo. Vấn đề là ở chỗ là chúng ta còn quyết chí các thứ khác nữa. Vậy là, chúng ta vừa muốn là thánh, vừa muốn trải nghiệm mọi cảm giác của người tội lỗi; vừa muốn ngây thơ trinh khiết, vừa muốn nếm tất cả hương vị cuộc sống; vừa muốn phục vụ người nghèo và sống giản dị, vừa muốn có tất cả tiện nghi của người giàu, vừa muốn có chiều sâu nội tâm trong cô tịch, vừa không muốn từ bỏ chuyện gì; vừa muốn cầu nguyện, vừa muốn xem truyền hình, đọc sách báo, nói chuyện với bạn bè, ra ngoài chơi. Vì thế, chẳng ngạc nhiên khi cuộc sống bình thường trở thành một cuộc gắng gỗ trường kỳ và chúng ta thường mệt mỏi, bị kéo căng quá độ một cách bệnh hoạn.
Có câu châm ngôn triết học thời Trung cổ: Mỗi lựa chọn là một từ bỏ. Đúng vậy. Mỗi lựa chọn là một ngàn từ bỏ. Chọn một chuyện là quay lưng với nhiều chuyện khác. Kết hôn với một người là không kết hôn với tất cả các người khác, có con là bỏ nhiều chuyện khác, cầu nguyện là bỏ xem truyền hình, bỏ đi chơi với bạn bè. Điều này khiến việc lựa chọn thành khó khăn. Chẳng ngạc nhiên gì khi chúng ta phải gắng gỗ rất nhiều để giữ vững các cam kết. Không phải chúng ta không muốn những điều đó, nhưng chỉ vì chúng ta biết rằng, nếu chọn chúng thì buộc phải bỏ quá nhiều những thứ khác. Không phải dễ dàng mà thành thánh, có kỷ luật như Mẹ Têrêxa, chỉ ước mong và quyết chí một chuyện. Nguy hiểm là ở chỗ rốt cục, chúng ta giống tình cảnh Janis Joplin, có tâm tốt, đầy năng lượng, bị thôi thúc để thụ hưởng mọi thứ trên đời, nhưng có nguy cơ sụm và chết vì thiếu nghỉ ngơi.
Janis Joplin có lẽ là một ví dụ hơi quá. Đa số chúng ta không chết ở tuổi 27 vì thiếu nghỉ ngơi. Tôi cho rằng, hầu hết chúng ta có phần nào giống công nương Diana – một nửa của Mẹ Têresa, một nửa của Janis Joplin.
Công nương Diana đáng được suy ngẫm ở đây, không phải chỉ vì cái chết của cô làm cho cả thế giới đột nhiên ngưng lại, mà cho tới nay rất ít người nào được như vậy, mà vì điều thú vị là khi quan sát cô, không giống trường hợp Mẹ Têrêxa hay Janis Joplin, người ta thấy ngay cô có hai yếu tố lửa yêu và lối sống thiêng liêng. Công nương Diana được xem như người có cả hai: đầy tình ái và có đời sống tinh thần. Đó là điều hiếm có, xét theo cách hiểu phổ biến về đời sống thiêng liêng. Thường thường chúng ta thấy người này có khía cạnh này, người khác có khía cạnh kia, nhưng ít thấy ai có cả hai khía cạnh đó. Hơn nữa, cô xứng đáng danh hiệu này vì cô thật sự cho thấy khá rõ cả hai chiều kích này.
Yếu tố tràn đầy tình ái nơi cô là rõ ràng, dù không phải lúc nào cũng theo cách thoạt đầu khi nghĩ đến danh từ này. Nhìn bề ngoài thì rất dễ: Cô là phụ nữ được chụp hình nhiều nhất thế giới, được ngưỡng mộ vì ngoại hình, sắm áo quần hàng triệu đô-la và rõ ràng không phải là một nữ tu độc thân. Cô yêu đương, nghỉ hè với các tay chơi trên du thuyền sang trọng ở Địa Trung Hải, ăn uống ở những tiệm ăn đắt nhất ở Luân-đôn, Paris và Nữu Ước, có lối sống khó mà giống lối sống các thánh ngày xưa. Nhưng đó là bề ngoài, không nhất thiết phải là người có lửa yêu mãnh liệt mới làm như vậy. Rất nhiều người làm những chuyện này nhưng họ tầm thường. Quan trọng chính là năng lượng của cô. Ở đây cô là một Mẹ Têrêxa và Janis Joplin, rõ ràng cô có ngọn lửa lớn, có sự điên cuồng mà người Hy Lạp nói tới. Một phần điều này không nắm bắt được, nhưng một phần là cái có thể thấy được trong mỗi cử động, mỗi quyết định, mỗi đường nét trên khuôn mặt cô. Không phải ngẫu nhiên, cũng không đơn thuần vì sắc đẹp hay các việc thiện của cô, mà cô có sức thu hút mạnh mẽ như vậy. Năng lượng của cô còn hơn cả sắc đẹp hay các việc thiện của cô, đó mới làm cho cô ngoại hạng.
Phần đời sống tinh thần của cô cũng rõ ràng, rất lâu trước khi cô là bạn của Mẹ Têrêxa và nghiêm túc làm việc thiện, đời sống thiêng liêng của cô cũng khá rõ ràng. Chính người anh trai của cô đã nói về khía cạnh này khi ca ngợi cô, các việc thiện của cô, đúng vậy, nhưng quan trọng hơn, đó là cái gì khác ở nội tâm cô, là chiều sâu, là khát vọng đạo đức không bao giờ cho phép cô bằng lòng mình là người chu du khắp thế giới, một người có thói quen nép mình, khao khát làm vui lòng người khác, một người sống theo kỷ luật, dù thường là bị bắt buộc, một người mà, nhưng như Kierkegaard nói, ước mong và quyết chí về Chúa và người nghèo, dù không hoàn toàn, dù cô vẫn khát khao những chuyện khác nữa.
Linh hướng là về cách chúng ta hướng đường đi cho lửa yêu. Trong những gắng gỏi của công nương Diana để hướng lửa yêu, chúng ta thấy đôi điều mà đa số chúng ta đều có, một phức tạp khủng khiếp, một đấu tranh đau đớn để lựa chọn và cam kết, một kết hợp đầy tính người giữa tội lỗi và đức hạnh. Đời sống thiêng liêng là những gì chúng ta làm trong tinh thần đó. Vì vậy, với công nương Diana, lối sống thiêng liêng của cô vừa là cam kết cho người nghèo vừa là các kỳ nghỉ hè ở Địa Trung Hải … cùng với tất cả đau khổ và vấn đề ở giữa hai điều đó. Như chúng ta thấy, linh đạo của cô là con đường pha trộn. Cô không đi trọn con đường của Mẹ Têrêxa, cũng không đi trọn con đường của Janis Joplin. Cô chọn một vài chuyện để kết tụ cho tâm hồn và thể xác nhưng cô cũng chọn những chuyện làm tan rã tâm hồn và thể xác. Và đó là lối sống tinh thần. Đó là về tụ và tán, về việc chọn lựa mà công nương Diana phải làm và sống với những gì mà quyết định đó đưa đến.
Như thế chúng ta có thể định nghĩa đời sống thiêng liêng theo cách này: Đời sống thiêng liêng là những gì chúng ta ứng xử với ngọn lửa trong lòng chúng ta, về cách thức chúng ta hướng đường đi cho nó. Và cách chúng ta hướng nó, các kỷ luật và thói quen chúng ta chọn để sống theo, hoặc sẽ đưa đến kết tụ nhiều hơn, hoặc phân tán hơn trong cơ thể, tâm trí, linh hồn, đưa đến tụ nhiều hơn hay tán hơn trong tương quan của chúng ta với Thiên Chúa, với tha nhân, với vũ trụ. Chúng ta thấy điều này thể hiện qua cách sống của Mẹ Têrêxa, một cách khác nơi Janis Joplin, và một cách khác nữa nơi công nương Diana.
Từ tất cả những chuyện này, chúng ta có thể thấy đời sống thiêng liêng là những gì chúng ta làm với tinh thần, với linh hồn chúng ta. Từ tất cả những chuyện này, chúng ta cũng thấy một tinh thần lành mạnh, một linh hồn lành mạnh phải làm công việc kép: thứ nhất, phải cho chúng ta năng lượng và ngọn lửa, để chúng ta không mất sức sống, và tất cả ý nghĩa của cái đẹp và niềm vui sống. Như thế, ngược lại với người có đời sống thiêng liêng không phải là người không tin Chúa và sống như người ngoại đạo. Đối nghịch của đời sống thiêng liêng là lối sống không có năng lượng, mất tất cả niềm say mê cuộc sống, nằm ườn trên ghế, xem đá banh, xem phim hài trên tivi, nốc bia như tiêm dịch truyền! Chức năng khác của đời sống thiêng liêng – việc thứ hai – và một chức năng rất cốt yếu – gắn bản thân mình lại với nhau, là tụ lại, là không tán ra và chết. Theo khía cạnh này, ngược lại với người có đời sống thiêng liêng là người đánh mất bản sắc, đánh mất mình, nghĩa là, người mà vào một thời điểm nào đó không còn biết họ là ai. Một linh hồn lành mạnh giúp chúng ta vừa có năng lượng vừa gắn kết với nhau.
Tuy nhiên, để hiểu điều này sâu sắc hơn, chúng ta cần phải nhìn kỹ linh hồn hơn, vừa ở khía cạnh ngọn lửa, vừa ở khía cạnh chất keo gắn kết bản thân ta lại.
Nguyễn Kim Long dịch

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét