Trang

Thứ Sáu, 10 tháng 1, 2020

8 Cuộc chiến đấu hiện nay với linh đạo Kitô giáo 4-5

Cuộc chiến đấu hiện nay với linh đạo Kitô giáo 4-5


Trích sách: Khát Khao Nên Thánh, Đi tìm một Linh đạo Kitô, Ronald Rolheiser
Vấn Đề Nguy Kịch với sự Thăng Bằng, Dẫn Đến Một Loạt Cuộc Ly Dị.
Như chúng ta thấy, có một đời sống thiêng liêng tốt là vấn đề khơi kênh cho đúng tình dục của chúng ta. Trong số những điều mà thế hệ chúng ta chiến đấu ở đây là vấn đề thăng bằng. Có lẽ đây là nơi mà con tàu lịch sử đưa chúng ta cập bến hoặc đây là căn bệnh không chữa lành được, căn bệnh phân tích quá mức mọi thứ; dù vì lý do gì, sự cân bằng lành mạnh, trong bất cứ điều gì, vẫn không là điểm mạnh của thời đại chúng ta. Lúc nào cũng vậy, chúng ta chẻ mọi việc ra và đọ các yếu tố với nhau. Điều này đặc biệt đúng về mặt thiêng liêng.
Một trong những vấn đề nguy kịch của thời đại chúng ta là chúng ta đã tạo ra một loạt các cuộc ly dị bên trong linh đạo, buộc chính mình và người khác phải có những lựa chọn không lành mạnh. Chúng ta luôn tạo ra những lưỡng phân trái phép, những cuộc ly dị không tốt rồi buộc phải chọn giữa hai điều, trong khi thực sự cả hai đều cần thiết để chúng ta khơi kênh một cách lành mạnh cho các năng lực thiêng liêng của mình.
Những cuộc ly dị không tốt này là gì? Như những con quỷ trong Thánh Kinh, chúng là một đạo binh, nhưng có năm binh đoàn đặc biệt có tác dụng hủy hoại linh đạo ngày nay và cần được gọi tên và quan sát ngắn gọn:
  1. Cuộc ly dị giữa tôn giáo và dục tính
Trong số tất cả các chọn lựa sai lầm mà chúng ta đối mặt hôm nay, không chọn lựa nào có hại về mặt thiêng liêng, dù chúng ta ở trong hay ngoài Giáo Hội, hơn là lựa chọn mà chúng ta thường thực hiện, dù vô thức, giữa tôn giáo và dục tình. Sự lưỡng phân sai lầm này là gì? Chúng ta có thể giải thích nó cách rõ ràng nhất bằng cách dùng ví dụ.
Cách đây vài năm, tôi tư vấn cho một nữ tu trẻ đang gặp khó khăn khi đi tìm ý nghĩa cho đời sống tu trì. Cuộc chiến đấu của chị không dễ dàng chút nào. Một mặt, chị có một đức tin chân thành. Chị tin vào Chúa và hơn nữa, chị tin Chúa đã gọi chị đi tu, dù các lời khấn khó nghèo, khiết tịnh, vâng lời không trụ vững với tính khí tự nhiên của chị. Mặt khác, tâm hồn chị bị bồn chồn, chị có những dao động dục tình trước cuộc sống làm cho việc sống trong tu viện thành khó khăn.
Cuối cùng chị quyết định. Chị không cố gắng để trở thành nữ tu và đây là cách chị lý luận quyết định đó. Lời nói của chị, mà tôi trích ở đây, là lời nói của nền văn hóa chúng ta, được nói lên cách vô thức hay ý thức bởi hàng triệu thiện nam tín nữ khi họ cố gắng chọn lựa đời sống thiêng liêng cho mình: “Tôi đã quyết định, tôi tràn đầy sức sống nên không thể là tu sĩ thực thụ. Tôi quá yêu cuộc sống, và quá ham muốn tình dục, quá nghiêng về thể lý, quá cường tráng, quá bám sâu trần tục và những gì nó trao tặng nên tôi không bao giờ có thể theo con đường thiêng liêng đích thực được. Tôi không thể phục vụ Chúa và Giáo Hội, tôi có quá nhiều năng lực tình dục và sáng tạo!”
Những gì chị lý luận ở đây là cuộc ly dị trong nền văn hóa phương Tây giữa tôn giáo và tình dục. Như tất cả những cuộc ly dị khác, nó gây đau khổ, và như trong mọi ly dị, tài sản bị phân chia: Tôn giáo đi đến chỗ giữ lại Thiên Chúa và trần tục đi đến chỗ giữ lại tình dục. Trần tục nhận đam mê và Thiên Chúa nhận khiết tịnh. Chúng ta, con cái của cuộc ly dị đó, như mọi đứa trẻ trong gia đình tan vỡ, thấy mình bị xâu xé giữa hai bên, ước muốn một cách vô thức cha mẹ sống chung lại với nhau.
Nhưng bây giờ, chúng ta sống trong một tình huống tan vỡ. Tôn giáo, đặc biệt trong các giáo hội, được xem là chống ái tình, chống dục tình, chống sáng tạo, chống hưởng thụ, và chống-thế-gian-này. Thiên Chúa, Đấng chở che Giáo Hội, bị xem là khắc kỷ, độc thân, nhạt nhẽo, lạnh lùng, thuộc thế giới khác, và bị tình dục và tính sáng tạo của con người đe doạ. Thế giới trần tục được xem là nhà vô địch tình ái, dục tình, sáng tạo và hưởng thụ, xem như chống Thiên Chúa và Giáo Hội. Và chúng ta bị xâu xé; làm sao chúng ta có thể chọn giữa hai?
2. Cuộc ly dị giữa linh đạo và Giáo hội học
Một điều lạ đang xảy ra trong thế giới Tây phương ngày nay. Khi con số người đi nhà thờ giảm nhiều thì số người quan tâm đến đời sống thiêng liêng lại tăng. Chúng ta đang chứng kiến sự suy giảm thê thảm trong Giáo Hội ngay trọng tâm của sự tái sinh đời sống thiêng liêng. Cái gì đang xảy ra?
Một cuộc ly dị đang xảy ra giữa đời sống thiêng liêng và giáo hội học, giữa những người hiểu mình đang đi tìm kiếm thiêng liêng và những người ở trong Giáo Hội. Một lần nữa, cách giản đơn nhất để giải thích điều này là đưa ra một ví dụ.
Cách đây vài năm, Sam Keen, một tác giả người Mỹ xuất bản quyển sách có tựa đề Tụng Ca dâng lên một Thiên Chúa ẩn danh, Hymns to an Unknown God. Keen không xa lạ gì với một nền tôn giáo có tổ chức vì ông có bằng cử nhân và tiến sĩ thần học. Điều mà ông viết trong cuốn sách này là đưa ra một sự phân biệt giữa đời sống thiêng liêng (cuộc tìm kiếm thiêng liêng) và tôn giáo (đời sống Giáo Hội) để khen cái trước, chê cái sau. Ông tự cho mình là “người theo thuyết bất khả tri đáng tin cậy”, “một Linh Mục Phục Hồi” và mang trên cổ một dấu hỏi thay vì thập giá. Ông tự cho mình là người đi tìm một đời sống thiêng liêng. Nhưng con đường thiêng liêng theo quan điểm của ông không phải là con đường của  một tôn giáo có tổ chức. Mọi tôn giáo đều bắt đầu bằng câu trả lời, ông khẳng định, cuộc tìm kiếm thiêng liêng bắt đầu bằng điều ngược lại. Nó bắt đầu bằng các câu hỏi. Đối với Sam Keen, không giống như tôn giáo, trong đời sống thiêng liêng, bạn không chỉ đầu hàng. Bạn không chỉ vâng phục.
Ngoài ra, theo quan điểm này, trong cuộc tìm kiếm thiêng liêng ở đời sống này, bạn không bao giờ thực sự đến. Theo ông, một khi giữ đạo thì người đó không thể còn cho mình đang đi tìm một đời sống thiêng liêng. Đời sống thiêng liêng đã bị chuyển thành tôn giáo.
Khi nói điều này, Keen nói thay cho thời đại của chúng ta, lý luận một điều mà hàng triệu thiện nam tín nữ thật sự cảm nhận và tin. Người điển hình hôm nay là người muốn đức tin nhưng không muốn giáo hội, muốn đặt câu hỏi nhưng không muốn nghe câu trả lời, tôn giáo chứ không giáo hội, chân lý chứ không phải vâng phục. Càng điển hình hơn là mẫu người xem mình như một “kitô hữu phục hồi”, người mà cuộc đi tìm Chúa hiện nay đã làm họ cay đắng với nhà thờ mà ngày xưa họ từng là thành viên.
Nhưng sự phân ly này không phải chỉ một chiều. Buồn thay chiều kia cũng đúng. Chúng ta có đủ tín hữu muốn nhà thờ nhưng không muốn đức tin, muốn câu trả lời nhưng không muốn câu hỏi, muốn giáo hội nhưng không muốn tôn giáo, muốn vâng phục nhưng không muốn sự thật. “Người theo chủ nghĩa thế tục phục hồi” thì giống hệt người bà con xa của mình, “kitô hữu phục hồi”. Tác động của cuộc ly dị này rõ ràng cắt cả hai con đường.
3. Cuộc ly dị giữa luân lý cá nhân và công bằng xã hội
Ernst Kaseman, học giả Thánh Kinh danh tiếng, có lần phê bình rằng vấn đề trong thế giới và trong Giáo Hội là ở chỗ người đạo đức thì không phóng khoáng, người phóng khoáng thì không đạo đức. Ông đúng về điều đó, và nêu rõ một cuộc ly dị bi thảm xảy ra bên trong linh đạo và bên trong nền văn hóa Tây phương nói chung – rất hiếm khi tìm được một người vừa có luân lý cá nhân vừa có luân lý xã hội.
Cũng rất hiếm thấy nơi một người, một ý thức, một nhóm, hay một Giáo Hội, có một đam mê cho công bằng xã hội và luân lý cá nhân, vừa hành động vừa chiêm ngiệm, vừa có tài lãnh đạo (chính trị), vừa có tâm hồn nghệ nhân (thần nghiệm). Điều này có nghĩa người lãnh đạo nhóm chống đối thì không lãnh đạo nhóm cầu nguyện, người quan tâm đến giá trị gia đình thì không quan tâm đến hoàn cảnh nghèo đói ở thành phố, người kích động xã hội, chính trị nói chung thiếu chiều sâu nội tâm, vị tha, bình thản của nhà thần nghiệm. Điều ngược lại cũng đúng.
Linh đạo, như chúng ta sẽ thấy, thì như nhau về cả hai mặt – tự do và lòng đạo, hành động và chiêm nghiệm, luân lý cá nhân và công bằng xã hội, quan tâm đến phong trào nữ quyền và Hòa Bình Xanh và Mười điều răn. Buồn thay cho ngày nay, và đây là một trong những khối sụp đỗ ngăn chặn việc sống một đời sống thiêng liêng lành mạnh, chúng luôn luôn tách biệt nhau.
4. Cuộc ly dị giữa đứa bé tài năng và người lớn trao ban.
Tối hậu, đời sống thiêng liêng là nói về sự vượt trên chính mình, lòng vị tha và quảng đại. Tôn giáo luôn biến điều này thành trọng tâm của nó. Trưởng thành về mặt tôn giáo là trở thành người cho đi đời sống của mình một cách bất vụ lợi như Đức Giêsu bảo “Không có tình yêu nào lớn hơn tình yêu của người hy sinh tính mạng mình cho bằng hữu.”
Dù nó hiển nhiên đúng, nhưng đôi khi cách thức rao giảng lại có vấn đề. Điều tưởng là lòng quảng đại thì lại bị cho là ích kỷ và tính toán, điều tưởng như món quà thì lại phải có điều kiện. Không dễ dàng định nghĩa được lòng quảng đại đích thực. Tất cả chúng ta đều quen thuộc với tình cảnh một người hy sinh vì bạn nhưng cuối cùng lại chuốc cay đắng và cảm thấy mình bị lợi dụng. Người ta có thể vác thập giá giùm người khác nhưng sau đó lại gởi biên lai cho họ.
Trên con đường tìm kiếm để vượt lên chính mình, thường thường chúng ta không thể vạch ra được khác biệt giữa người tự-cho-mình và kẻ bị cho là nạn nhân. Khi nào là vị tha và khi nào chỉ là tấm thảm chùi chân? Khi nào quảng đại là đức hạnh và khi nào nó là dấu hiệu của yếu đuối hay nhút nhát?
Cách đây gần hai mươi năm, Alice Miller, tâm lý gia người Thụy Sĩ viết một khảo luận ngắn đã tạo nên một ảnh hưởng lớn, “Bi kịch của em bé tài năng – The Drama of the Gifted Child.” Theo bà, đứa bé có tài năng không phải là đứa bé có chỉ số thông minh cao, đứa bé Einstein. Đúng hơn, nó là một người, mà từ trong bụng mẹ, nó đã rất nhạy cảm, người đón nhận, hướng nội, sống theo mong đợi của người khác. Đứa bé tài năng là đứa bé làm vui lòng người khác, người không muốn làm người khác thất vọng.
Nhưng như bà Miller tiếp tục cho thấy, những người hy sinh cho người khác vì họ sợ làm người khác thất vọng thì rốt cuộc, đến nửa đời, họ cảm thấy cay đắng, cảm thấy mình là nạn nhân, tức tối vì luôn phải hy sinh nhu cầu cá nhân mình cho mong muốn của người khác. Đứa bé tài năng cuối cùng thành người lớn cay đắng. Lòng quảng đại có thể dễ dàng đưa đến tức giận cũng như niềm vui.
Đời sống thiêng liêng là hy sinh đời sống mình cho bằng hữu. Bi thảm thay ngày nay, có một cuộc ly dị giữa những người rao giảng điều này, nhưng họ lại không nhạy cảm trước thảm kịch của đứa bé tài năng, và những người quá nhạy cảm với nỗi đau của nạn nhân, họ không thể thấy điều cao quý nhất mà con người có thể làm là chết cho một điều gì vượt quá lên mình. Về mặt thiêng liêng, đứa trẻ tài năng có nghĩa là nó sẽ trở thành người lớn tài năng, người mà như Đức Giêsu có thể nói “Mạng sống của tôi không ai lấy được, nhưng chính tôi tự hy sinh mạng sống mình.” Tiếc thay, trong môi trường văn hóa và tôn giáo hôm nay, quá ít người có thể giữ được tính chất của cả hai mẫu này, đứa bé tài năng và người lớn tài năng. Nói chung xã hội quá nhấn mạnh đến người trước và giáo hội quá đề cao người sau.
5. Cuộc ly dị bởi nền văn hóa đương thời với chế độ gia trưởng và di sản ki-tô
Cụm từ khá gây tò mò này có nghĩa là gì? Đối với tôi nó như một dụ ngôn. Có một câu chuyện thần thoại có tên là Dịu Ngọt Cuộc Đời – The Sweetness of Life. Nó là một câu chuyện dài, phức tạp nhưng có một phần soi dọi vào câu hỏi của chúng ta:
Ngày xửa ngày xưa có một người thợ săn, một người thợ săn kinh nghiệm, biết mọi sự phải biết về rừng. Ông biết loại quả nào độc, loại nào ăn được, loại cây nào tốt, loại nào xấu. Ông biết loài chim nào săn được và  chúng nấp ở đâu. Ông biết tất cả điều này vì ông được thân phụ dạy, thân phụ ông được ông nội dạy, ông nội được ông cố dạy… vân vân và vân vân qua nhiều thế hệ. Người thợ săn kinh nghiệm xuất thân từ một dòng dõi những người đi săn cao cả và khôn ngoan.
Ngày kia, vợ của ông có thai và, theo trực giác, ông biết ông sẽ có đứa con trai đầu lòng. Vì thế, mỗi đêm, khi vợ ngủ, nhờ một ma thuật ông tự tạo, ông đẩy linh hồn đứa con trai ra khỏi lòng mẹ, dẫn nó vào rừng để dạy tất cả bí mật của rừng: loại trái cây nào độc, loài cỏ nào ăn được, nơi chim chóc sống, và săn chúng thế nào. Rồi trước khi sáng, nhờ vào ma thuật của mình, ông đặt con ông vào lòng mẹ lại. Còn bà mẹ, bà ngủ và không biết đêm đêm con bà rời bà để đi học săn với cha.
Cuối cùng, ngày con bà chào đời cũng đến. Các phụ nữ trong làng tập họp lại để hát các bài hát ca ngợi đứa con đầu lòng và đứa trẻ được sinh ra. Đứa trẻ mới lớn làm sao! Và sớm phát triển làm sao! Nó chỉ bú mẹ một ngày. Hôm sau nó không chịu bú sữa và đòi ăn thịt. Ngày thứ ba nó bắt đầu đi. Ngày thứ tư nó chạy và các ngày sau đó nó đã đủ trưởng thành để đi theo cha vào rừng săn.
Cha con lên đường và ngay lập tức họ băng qua khu đất phá hoang vào rừng, họ thấy ong mật. Biết các bí mật của rừng, họ theo ong mật, biết nó sẽ dẫn họ đến chỗ lấy mật. Khi đến cây mà nơi đó các con ong đã xây một kho trữ mật lớn, người cha trèo lên cây và dặn con: “Cha sẽ đưa tảng ong xuống cho con. Con đặt chúng vào ống điếu, nhưng đừng ăn tí mật nào. Cũng đừng liếm tay con vì mật rất đắng, nó chưa ăn được!”
Nhưng người con, biết tất cả những gì cha đã dạy mình, và cũng biết thật ra mật rất ngọt nên thay vì đặt vào ống điếu như cha bảo, thì cậu đã ăn sạch đến giọt cuối cùng, ăn xong, cậu liếm tay sạch. Khi người cha trèo xuống và thấy điều đã xảy ra, ông rất giận. Ông tức tối nhìn con chằm chằm và nghi ngờ người con trai đang đứng thách thức trước mặt ông.
Trong nhiều điều, đây là hình ảnh của mối tương quan nội bộ giữa truyền thống Do Thái – Kitô giáo và nền văn hóa của thế giới phương Tây ngày nay.
Nền văn hóa là người con trai. Nó đứng trước tổ tiên, truyền thống Do Thái-Kitô giáo, hơi lầm đường lạc lối một chút. Dùng chính những bí mật mà nó học được từ cha, nó thưa với ông: “Cha trao cho con cay đắng trong khi lẽ ra cha nên trao cho con ngọt ngào. Cha dối con! Cha đầy cả những cấm đoán sai lạc, những cấm kỵ nghiêm khắc, những nỗi sợ không cần thiết. Đáng lý cha phải cho vị ngọt cuộc đời, nhưng những mệnh lệnh và cấm kỵ của cha mang lại sự chết và tội lỗi thay vì sự sống và ngọt ngào.”
Truyền thống Do Thái-Kitô giáo là người cha, tổ phụ, phẩm trật, đứng ở gốc cây có mật ong, cảm thấy bị người con mà chính mình ra sức dạy các bí mật đánh lừa, quả thực, như René Girard nói, không phải vì chúng ta phát minh khoa học mà chúng ta không còn phóng hỏa các phù thủy nhưng đúng hơn nhờ Do Thái-Kitô giáo, chúng ta ngưng phóng hỏa phù thủy nên chúng ta phát minh được khoa học.
Và vì thế chúng ta bị dính vào một cuộc ly dị khác. Một mặt, chúng ta có truyền thống Do thái-Kitô vốn dạy chúng ta các bí mật của rừng và bây giờ truyền thống này cảm thấy mình bị lừa, các giới răn căn bản của mình bị chọc thủng và cảm thấy mình bị chính con ruột xét xử gay gắt. Mặt khác, là nền văn hóa của chúng ta, như chàng thiếu niên đầy thách thức, nỗi lên kết án truyền thống, tổ tiên về cách ứng xử không mang sự sống mà dẫn đến cái chết. Như bất cứ đứa trẻ nào bị lâm vào cảnh ly dị đau thương, chúng ta đứng giữa hai bên, cảm nhận sự không tương hợp của họ, không biết nên theo bên nào.
Nguyễn Kim Long dịch

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét