Trang

Thứ Sáu, 4 tháng 4, 2025

CÁCH CHÚA KITÔ XOA DỊU NHỮNG ĐAU KHỔ CỦA CHÚNG TA

 

CÁCH CHÚA KITÔ XOA DỊU NHỮNG ĐAU KHỔ CỦA CHÚNG TA

avatarLm. Romano Guardini
 
WHĐ (04/4/2025) - Bài viết này trích từ một chương của Linh mục Romano Guardini trong sách “Những suy niệm về Chúa Kitô, mẫu mực của sự thánh thiện”.

Chúa Kitô chữa lành người bệnh. Ngay những trang đầu tiên của Tin mừng, Ngài xuất hiện với tư cách là Đấng chữa lành. Ngài vừa mới bắt đầu giảng dạy thì những người bệnh bắt đầu kéo đến. Họ được đưa đến với Ngài từ mọi nơi. Như thể đám đông những người đau khổ luôn mở lòng ra và đến gần Ngài. Họ tự mình đến, được dẫn đến, hoặc được khiêng đến, và Ngài đã đi qua đám đông đang đau khổ, và “có một quyền năng từ Thiên Chúa hiện diện và chữa lành”.

Ngay từ đầu, Ngài đã đến nhà Phêrô. Mẹ vợ của Phêrô bị sốt nặng. Ngài đến gần chiếc giường và “cầm lấy tay bà mà đỡ dậy; cơn sốt dứt ngay và bà phục vụ các ngài” (Mc 1: 29-31).

Đôi khi, người ta được thôi thúc nhìn lại phía sau những sự kiện bên ngoài để xem tác động bên trong của quyền năng thánh thiêng này.

Một người mù đến với Ngài. Chúa Giêsu đặt tay lên đôi mắt người mù, Ngài cầm lấy tay anh mù, đưa ra khỏi làng, và hỏi: “Anh có thấy gì không?” Quá phấn khích, người mù trả lời: “Tôi thấy người ta, trông họ như cây cối, họ đi đi lại lại”. Sức mạnh chữa lành đã chạm đến các dây thần kinh. Chúng đã được hồi sinh, nhưng chúng vẫn chưa hoạt động bình thường. Vì vậy, “Ngài lại đặt tay trên mắt anh, anh trông rõ và khỏi hẳn; anh thấy tỏ tường mọi sự” (Mc 8:23-25). Chẳng phải câu chuyện này mang lại cho người ta cảm nghiệm về mầu nhiệm, đúng thật như mầu nhiệm, phía sau cảnh tượng sao?

Lần khác, có một đám người rất đông vây quanh Ngài. Một người đàn bà bị bệnh băng huyết nhiều năm, đã tìm cách chữa trị khắp nơi nhưng không khỏi bệnh và đã tốn hết tiền bạc để tìm thuốc, đã tự nhủ: “Tôi mà sờ được vào áo Ngài thôi, là sẽ được cứu”. Bà đến gần Ngài từ phía sau, chạm vào áo Ngài và nhận thấy sự đau đớn, sầu não bấy lâu nay trong cơ thể của bà đã chấm dứt. Nhưng Ngài quay lại: “Ai đã sờ vào áo tôi?” Các Tông Đồ sửng sốt: “Thầy coi, đám đông chen lấn Thầy như thế mà Thầy còn hỏi: Ai đã sờ vào tôi?” Nhưng Ngài biết chính xác những gì Ngài đang nói; ngay lập tức Ngài “thấy có một năng lực tự nơi mình phát ra”. Người phụ nữ run rẩy đến gần Ngài, sấp mình dưới chân Ngài và thú nhận những gì đã xảy ra. Nhưng Ngài đã tha thứ cho bà một cách độ lượng và đầy yêu thương (Mc 5:25-34).

Thật là một tác động tỏa lan ra chung quanh! Dường như Ngài được ban quyền năng chữa lành, như thể Ngài không cần có ý định gì cả. Nếu ai đó đến gần Ngài với tâm trí cởi mở và thỉnh cầu, thì quyền năng ấy sẽ phát ra từ nơi Ngài để thực hiện công năng của mình.

Hành động chữa lành có ý nghĩa gì đối với Chúa Kitô? Người ta nói rằng Ngài là người bạn vĩ đại của nhân loại. Đặc điểm của thời đại chúng ta là ý thức trách nhiệm xã hội hết sức cao độ và khả năng đáp ứng các công việc xót thương. Vì vậy, người ta có một mong ước tương tự được thấy Ngài như là Đấng trợ giúp cao cả của con người, Đấng đã nhìn thấy nỗi đau khổ của con người và mau chóng xoa dịu nỗi đau đó vì lòng thương xót lớn lao của Ngài.

Nhưng đây là một sai lầm. Chúa Giêsu không phải là hiện thân của tính nhân ái độ lượng với một ý thức xã hội to lớn và một năng lực tự nhiên giúp đỡ người khác, kiếm tìm nỗi đau khổ của con người, cảm nhận sự đau đớn của họ bằng sự cảm thông, thấu hiểu và khuất phục nó. Nhân viên xã hội và nhân viên cứu trợ đang cố gắng giảm bớt đau khổ, và nếu có thể, loại bỏ hoàn toàn đau khổ. Một người như vậy hy vọng giúp con người hạnh phúc, khỏe mạnh, cân bằng về thể xác và tâm hồn, sống trên trần thế này. Cần phải nhận ra điều này để hiểu rằng Chúa Giêsu không hề có ý định như vậy. Điều đó không trái với ý muốn của Ngài, nhưng chính Ngài không đặt mối bận tâm nơi đó. Ngài nhìn thấu nỗi đau khổ. Vì ý nghĩa của đau khổ, cùng với tội lỗi và sự xa cách Thiên Chúa, nằm ở tận gốc rễ của hiện hữu. Nói cho cùng, đau khổ đối với Ngài là biểu hiện của con đường rộng mở, con đường trở về với Thiên Chúa - ít nhất đó là phương tiện có thể dùng để đến gần Thiên Chúa. Đau khổ là hậu quả của tội lỗi, điều đó đúng, nhưng đồng thời cũng là phương tiện thanh luyện và trở về.

Chúng ta sẽ tiến gần đến sự thật hơn nhiều nếu nói rằng Chúa Kitô đã gánh lấy những đau khổ của nhân loại. Ngài không lùi bước trước những đau khổ, như con người thì ngược lại, họ luôn lùi bước trước những đau khổ. Ngài không bỏ qua đau khổ. Ngài đã không bảo vệ chính mình tránh khỏi đau khổ. Ngài để đau khổ đến với Ngài, Ngài đem đau khổ vào lòng Ngài. Khi chịu đau khổ, Ngài đón nhận mọi người đúng như con người của họ, trong thân phận thực sự của họ. Ngài lao mình vào giữa mọi đau khổ của nhân loại, Ngài gặp họ với những tội lỗi, thiếu thốn và khốn khổ của họ.

Đây là một điều phi thường, một tình yêu hết sức chân thành, không bị bùa mê hay ảo tưởng - và vì vậy, đây là một tình yêu có sức mạnh không gì cản trở được bởi vì đó là “hành động của chân lý trong tình yêu”, có khả năng tháo cởi, làm rung chuyển tận gốc rễ mọi sự.

Một lần nữa chúng ta phải thấy sự khác biệt: Ngài đã làm điều này, không phải như một người gánh trên vai mình bi kịch đen tối của thân phận con người, mà là một người hiểu thấu tất cả, bằng cái nhìn của Thiên Chúa. Trong đó có sự khác biệt rất riêng.

Sự chữa lành của Chúa Kitô bắt nguồn từ Thiên Chúa. Sự chữa lành đó mặc khải Thiên Chúa và dẫn đến Thiên Chúa.

Với Chúa Kitô, sự chữa lành luôn xuất hiện trong mối liên quan nào đó với đức tin. Ngài không thể thực hiện phép lạ nào ở Nadarét vì ở đó không có ai tin. Các môn đệ của Ngài không thể chữa khỏi bệnh cho bé trai vì đức tin của họ còn quá kém: “Ôi thế hệ cứng lòng, không chịu tin! Tôi phải ở cùng các người cho đến bao giờ, còn phải chịu đựng các người cho đến bao giờ nữa?” (Mc 9:14-29). Khi người đàn ông bị bại liệt vì bệnh viêm khớp được khiêng đến với Ngài, lúc đầu Chúa Giêsu dường như không nhìn thấy nỗi đau đớn của người đàn ông đó. Sau đó, Ngài nhìn thấy đức tin của ông và ban cho ông ơn tha thứ: “Thấy họ có lòng tin như vậy, Chúa Giêsu bảo người bại liệt: Này con, con đã được tha tội rồi” (Lc 5:20). Người mù thành Giêricô nghe Ngài nói: “Anh hãy đi, lòng tin của anh đã cứu anh!” (Mc 10: 52). Viên đội trưởng nghe thấy lời khen ngợi nồng nhiệt: “Tôi bảo thật các ông: tôi không thấy một người Israel nào có lòng tin như thế” (Mt 8 : 10).

Việc chữa lành thuộc về đức tin, giống như cuộc Truyền tin thuộc về đức tin. Bằng việc chữa lành, Chúa Giêsu đã mạc khải chính Ngài qua hành động. Như thế Ngài diễn tả cách cụ thể thực tại của Thiên Chúa Hằng Sống.

Chính để dẫn đưa con người đi vào thực tại của Thiên Chúa Hằng Sống — đó là lý do Đức Kitô thực hiện các việc chữa lành.

Phêrô Phạm Văn Trung

Chuyển ngữ từ: catholicexchange.com



https://hdgmvietnam.com/chi-tiet/cach-chua-kito-xoa-diu-nhung-dau-kho-cua-chung-ta

HỌC HỎI SỨ ĐIỆP NGÀY THẾ GIỚI TRUYỀN THÔNG XÃ HỘI LẦN THỨ 59

 

HỌC HỎI SỨ ĐIỆP NGÀY THẾ GIỚI TRUYỀN THÔNG XÃ HỘI LẦN THỨ 59

avatarỦy ban Truyền thông Xã hội
 
WHĐ (04/4/2025) – Sau đây là một số câu hỏi và trả lời giúp tìm hiểu sứ điệp ngày Thế giới Truyền thông Xã hội lần thứ 59.

1. Chủ đề của sứ điệp cho ngày Thế giới Truyền thông Xã hội lần thứ 59 là gì?

Chủ đề của sứ điệp cho ngày Thế giới Truyền thông Xã hội lần thứ 59 là “Hãy chia sẻ niềm hy vọng trong tâm hồn anh chị em cách hiền hòa”.

2. Sứ điệp này được Đức Giáo hoàng gửi đi trong bối cảnh nào của thế giới hôm nay?

Sứ điệp này được Đức Giáo hoàng gửi đi trong bối cảnh của thời đại chúng ta, một thời đại được định hình bởi rất nhiều những thông tin sai lệch và phân cực, khi một số trung tâm quyền lực kiểm soát khối lượng dữ liệu và thông tin khổng lồ chưa từng có.

Sứ điệp này cũng được gửi đi trong bối cảnh của Năm thánh 2025, nên Đức Giáo hoàng muốn mời gọi mọi người trở thành những “nhà truyền thông của hy vọng”. Ngài đặc biệt ngỏ lời với các nhà báo và các nhà truyền thông, là những người đang can đảm nỗ lực thể hiện trách nhiệm cá nhân và tập thể của mình vào trọng tâm truyền thông.

3. Tại sao Đức Giáo hoàng nhắc nhở phải giải trừ vũ khí trong truyền thông?

Đức Giáo hoàng mời gọi mọi người lưu tâm giải trừ vũ khí trong truyền thông vì ngày nay, truyền thông rất thường tạo ra không phải là niềm hy vọng, mà là nỗi sợ hãi và tuyệt vọng, định kiến và oán giận, cuồng tín và thậm chí là hận thù.

Nó rất thường xuyên đơn giản hóa thực tế để kích động những phản ứng theo bản năng; nó sử dụng từ ngữ như lưỡi dao; nó thậm chí sử dụng thông tin giả hoặc bị bóp méo cách khéo léo để gửi những thông điệp nhằm kích động, khiêu khích hoặc gây tổn thương.

Các chương trình trò chuyện trên truyền hình, cũng như các cuộc tấn công bằng lời nói trên mạng xã hội, đang có nguy cơ tạo ra sự thắng thế của mô hình cạnh tranh, đối lập, thống trị, sở hữu, và thao túng dư luận.

Cần phải thanh lọc truyền thông khỏi thói hung hăng và giản lược thực tế thành những khẩu hiệu chống đối nhau như thế.

4. Đức Giáo hoàng nói gì về những người lập trình để “phân-tán-sự-chú-ý”?

Đức Giáo hoàng lưu ý về một hiện tượng rất đáng lo ngại, đó là có những người sử dụng các hệ thống kỹ thuật số mà lập trình để “phân-tán-sự-chú-ý” của người dùng, với mục đích “định hình mọi người theo logic của thị trường, làm thay đổi nhận thức về thực tại” dẫn đến sự phân rẽ các mối quan tâm, làm xói mòn nền tảng đời sống cộng đồng, mất khả năng cùng hướng tới lợi ích chung, không còn lắng nghe nhau để thấu hiểu quan điểm của nhau nữa, dẫn đến việc loại trừ nhau; rồi để khẳng định bản thân, người ta còn tìm cách xác định một “kẻ thù” để tấn công.

Nhưng khi biến người khác thành “kẻ thù”, phớt lờ tha nhân và phẩm giá của họ để chế giễu và nhạo báng họ, người ta cũng đánh mất khả năng gieo niềm hy vọng.

Như vậy, mọi xung đột “bắt đầu khi khuôn mặt của từng cá nhân mờ nhạt và biến mất”. Đức Giáo hoàng kêu gọi mọi người không được đầu hàng não trạng này.

5. Tại sao Đức Giáo hoàng nói: Hy vọng không phải là điều dễ dàng?

Hy vọng không phải là điều dễ dàng vì người ta chỉ có khả năng hy vọng khi có đủ can đảm không cậy dựa vào những ảo tưởng dối trá mà họ từng xem là nơi an toàn vì nhầm lẫn đó là hy vọng.

Hy vọng là mạo hiểm trên mọi sự mạo hiểm, là một nhân đức kín ẩn, đòi sự bền bỉ và kiên nhẫn.

Cho dù phải mạo hiểm như thế, các Kitô hữu cũng luôn cần phải nhớ rằng: hy vọng không phải là một tuỳ chọn, mà là một điều kiện cần thiết phải có, vì niềm hy vọng này giúp họ có khả năng thay đổi cuộc sống. Hy vọng không phải là sự lạc quan thụ động, mà ngược lại, đây là một nhân đức “năng động”: “Người có hy vọng thì sẽ sống khác, sẽ được ban tặng món quà quý giá là một cuộc sống mới”.

6. Thư thứ nhất của Thánh Phêrô nói gì về niềm hy vọng?

Thư thứ nhất của Thánh Phêrô (3,15-16) nói: “Hãy tôn Người làm Chúa ngự trị trong lòng anh em. Hãy luôn sẵn sàng trả lời cho bất cứ ai chất vấn về niềm hy vọng của anh em. Nhưng phải trả lời cách hiền hoà và với lòng kính trọng.”

7. Ba thông điệp mà chúng ta có thể rút ra từ những lời dạy của Thánh Phêrô về niềm hy vọng là gì?

Thứ nhất, niềm hy vọng của các Kitô hữu có khuôn mặt của Đức Giêsu Phục Sinh, Đấng luôn hiện diện với chúng ta qua ân sủng Thánh Thần, giúp ta luôn hy vọng ngay cả khi không còn gì để hy vọng, giúp ta nhận ra sự thiện hảo vẫn âm thầm hiện diện ngay cả khi xem ra đã mất hết mọi sự khác.

Thứ hai, chúng ta luôn sẵn sàng giải thích niềm hy vọng trong lòng mình “cho bất cứ ai” đòi hỏi điều này - giải thích không chỉ bằng những lời “nói về” Thiên Chúa, mà còn phản chiếu vẻ đẹp tình yêu của Ngài trong cách sống của mình và trải nghiệm mọi sự theo cách thức mới.

Thứ ba, chúng ta phải trả lời về niềm hy vọng “với thái độ hiền hòa và lòng kính trọng”, thấm đẫm nét hiền lành và gần gũi, như một cuộc trò chuyện giữa những người bạn đồng hành trên đường đi.

8. Đức Giáo hoàng đã mơ ước gì về một nền truyền thông gắn liền với hy vọng?

Đức Giáo hoàng mơ ước về một nền truyền thông có thể làm cho mọi người trở thành “những người hành hương của hy vọng”:

- biết  đi bên nhau và khích lệ nhau hy vọng trong những thời điểm khó khăn;

- biết nói với trái tim, để khơi lên thái độ cởi mở và thân thiện chứ không phải là phòng vệ và giận dữ;

- biết hướng đến vẻ đẹp và hy vọng, ngay cả giữa những tình huống xem ra tuyệt vọng nhất, để tạo ra sự dấn thân, đồng cảm và quan tâm đến tha nhân;

- biết nhận ra phẩm giá của mỗi con người, và làm việc cùng nhau để chăm sóc ngôi nhà chung của nhân loại;

- biết mang đến lý do để hy vọng, làm cho người khác vui lên, chứ không gieo rắc ảo tưởng hay sợ hãi, không tự đề cao và quy ngã, không lớn tiếng với người khác để họ phải nghe mình nói;

- biết giúp cho người khác được tham gia, được đến gần, được chạm đến phần tốt đẹp nhất của chính họ.

9. Năm thánh 2025 khơi dậy niềm hy vọng mang tính xã hội như thế nào?

Năm thánh 2025 bao hàm nhiều ý nghĩa xã hội khi thúc đẩy chúng ta:

- diễn tả lòng thương xót và niềm hy vọng dành cho những ai đang sống trong cảnh tù đày;

- gần gũi và dịu dàng với những người đau khổ và bị gạt ra bên lề xã hội;

- kiến tạo hòa bình, hướng đến những con đường đối thoại;

- khám phá và chia sẻ nhiều câu chuyện về lòng tốt ẩn giấu trong các bản tin,

10. Trước những thành tựu kỳ diệu của công nghệ, Đức Giáo hoàng mời gọi mọi người chăm sóc trái tim của mình như thế nào?

Trước những thành tựu kỳ diệu của công nghệ, Đức Giáo hoàng mời gọi mọi người chăm sóc trái tim của mình bằng cách:

- Sống hiền hòa và không quên khuôn mặt của người khác;

- Tìm cách nói với trái tim của những người mình phục vụ khi làm việc;

- Không để những phản ứng bản năng dẫn dắt hoạt động truyền thông của mình;

- Luôn gieo hy vọng, ngay cả khi khó khăn, ngay cả khi phải trả giá, ngay cả khi dường như không mang lại kết quả;

- Nỗ lực thúc đẩy một nền truyền thông có thể chữa lành những vết thương nhân loại;

- Dọn chỗ cho niềm tin chân thành, kiên cường, không khuất phục trước sự tàn phá của cuộc đời, nhưng bừng nở và phát triển ở những nơi không ngờ nhất;

- Thực hiện một nền truyền thông không gây hấn;

- Lan tỏa văn hóa chăm sóc, xây những nhịp cầu và phá bỏ những rào cản hữu hình lẫn vô hình của thời đại;

- Kể những câu chuyện thấm đẫm niềm hy vọng;

- Quan tâm đến vận mệnh chung của nhân loại, và nỗ lực cùng nhau viết nên lịch sử cho tương lai.


https://hdgmvietnam.com/chi-tiet/hoc-hoi-su-diep-ngay-the-gioi-truyen-thong-xa-hoi-lan-thu-59