Trang

Chủ Nhật, 6 tháng 4, 2025

Giải nghĩa thánh vịnh 21 – Chúa Nhật Lễ Lá – Năm C

 

Giải nghĩa thánh vịnh 21 – Chúa Nhật Lễ Lá – Năm C

Bối Cảnh

Câu đầu tiên của Thánh vịnh 21, như một lời giới thiệu, cho ta thấy Đa-vít chính là tác giả. Thánh vịnh này gợi nhớ chúng ta tới hình ảnh ‘Người Tôi Trung’ trong I-sai-a (Is 52,14; 53,2-3), và hình ảnh người công chính bị áp bức của sách Khôn ngoan (x. Kn 2,12-20). Một người tôi tớ vô tội bị lùng bắt và bao vây, bị nhạo cười châm biếm và khinh bỉ, bị đàn áp có vẻ mất hết căn tính con người. Ông bị những địch thù căm nghét đến độ muốn ông phải chết. Chính trong cảnh khốn cùng ấy, ông đã kêu cầu cùng Chúa bằng một lời than van đau đớn. Tuy nhiên, lời ai ca không phải là lời cuối cùng của người tôi tớ đau khổ. Sau những lời than thở lại bừng lên một tia sáng của đức tin và hy vọng. Ánh sáng đức tin ấy, ánh sáng hy vọng ấy đã giúp cho người tôi tớ đau khổ vượt trên mọi nghi ngờ, mọi tăm tối và hoang tàn. Quả thực, bóng tối này nhường chỗ cho ánh sáng huy hoàng. Đau khổ nay nhường chỗ cho hạnh phúc và vui mừng. Tiếng ai ca trở thành vũ điệu tạ ơn. 

Bố Cục

Xuất phát từ bối cảnh ấy, Thánh vịnh 21 với 32 câu được chia thành 2 phần rõ rệt:

– Phần I (2-22): lời van xin thảm thiết

– Phần II (23-32): lời tạ ơn

Ý Nghĩa

Thánh vịnh 21, với bố cục được chia thành hai phần rõ rệt, phác hoạ bức tranh cuộc đời của người tôi tớ đau khổ. Bức kiệt tác này được tô điểm bởi hai gam màu tương phản: tối và sáng. Trước hết, với gam màu tối, thánh vịnh khởi đi với những lời kêu cứu, than van, ai oán của người tôi tớ lâm nạn: “Lạy Chúa con thờ, muôn lạy Chúa, Ngài nỡ lòng ruồng bỏ con sao? Dù con thảm thiết kêu gào, nhưng ơn cứu độ nơi nao xa vời! Ngày kêu Chúa, không lời đáp ứng, đêm van Ngài mà cũng chẳng yên” (Tv 22,2-3). Những lời than thở diễn tả một sự thinh lặng của Thiên Chúa đến đáng sợ. Sự thinh lặng khiến tâm hồn người tôi tớ tan nát và tuyệt vọng; ngày và đêm đến rồi đi thế mà vẫn không một tiếng đáp trả. Có lẽ người tôi tớ đang thầm nghĩ “Những tai họa này xảy ra cho tôi, phải chăng là vì Thiên Chúa không còn ở giữa tôi? (Đnl 31,17). Quả thật, đối với người tôi tớ, Thiên Chúa dường như ẩn mắt hay Người đang ở rất xa. Tuy nhiên, người tôi tớ không để mình tan biến trong tuyệt vọng. Ông vẫn hy vọng ngay cả khỉ chẳng còn gì để hy vọng. Ông vẫn kiên trì cầu xin và tìm kiếm lời đáp trả của Thiên Chúa. Với một sự phó thác và tin tưởng phi thường, ông khẳng định rằng Thiên Chúa của ông không bao giờ bỏ rơi ông vì Chúa vẫn là “Thiên Chúa của tôi”.

Thế nên, gam màu tối giờ đây được choáng ngợp bởi gam màu sáng. Bóng tối giờ đây lui bước để nhường chỗ cho ánh sáng. Lời than thở giờ đây nhường chỗ cho lời tạ ơn. Đây chính là nội dùng Phần II của thánh vịnh này. Người tôi tớ đau khổ dâng lời tạ ơn vì Chúa đã không ẩn mặt luôn luôn và mãi mãi. Người đã ra tay giải cứu kẻ khốn cùng. Thế nên người tôi tớ hứa cùng Chúa rằng: “Con nguyện sẽ loan truyền danh Chúa cho anh em tất cả được hay, và trong đại hội dân Ngài, con xin dâng tiến một bài tán dương” (Tv 21,23). Lời tạ ơn của người tôi tớ trở thành bài ca tạ ơn tuyệt vời cho toàn thể cộng đoàn phụng vụ, cho mọi thế hệ tương lai (Tv 21,24-32). Như vậy, hai phần của Thánh vịnh tuy tương phản nhau nhưng cùng hoà quện để diễn tả một cuộc đời, một con người. Cái chết và sự sống đã gặp nhau trong một mầu nhiệm không thể phân ly, và sự sống đã chiến thắng (x. Đức Giáo hoàng Biển Đức XVI, Cầu Nguyện, tr.118).

Truyền Thống Cầu Nguyện và Phụng Vụ

Lời kêu van ban đầu của Thánh vịnh mở đường cho chúng ta thẳng tiến đến đồi Golgotha, tới tận chân Thập giá. Trên cây Thập giá ấy, Đức Giêsu đã cầu nguyện với Thánh vịnh 21 như giờ kinh chết của Người. Trong giờ chết Đức Giêsu kêu lới tiếng: “Ê-lô-i, Ê-lô-i, la-ma xa-bác-tha-ni!” Nghĩa là: “Lạy Thiên Chúa, Lạy Thiên Chúa của con, sao Ngài bỏ rơi con?” (Mc 15,34). Trên Thập giá, Đức Giêsu đã nếm đến tận cùng chén đau khổ của nhân loại tội lỗi, nhưng vẫn một lòng tin tưởng vào Chúa Cha. Đau khổ của Người mang lại hiệu quả ơn cứu chuộc muôn người. Người được Chúa Cha tôn vinh. Quả thật, trên đồi Golgotha, Thiên Chúa, qua Đức Giêsu, Ngôi Lời hoá thân thành nhục thể, đã mặc khải Người là Đấng ôm trọn toàn thể nhân loại nhờ sức mạnh cứu độ của Thập giá và sự Phục sinh. Người vẫn tiếp tục giải phóng con người chúng ta khỏi tội lỗi và cái chết. Ngài vẫn tiếp tục đón nhận con người vào trong vòng tay tình yêu của Người.

Vì thế, Giáo Hội tiếp tục cầu nguyện với Thánh vịnh 21, nhất là trong mùa Thương khó và Phục sinh, để suy niệm và sống mầu nhiệm Khổ nạn của Đức Giêsu và những ơn ích do màu nhiệm vĩ đại này mang lại. Trong truyền thống phụng vụ, Phần đầu của Thánh vịnh này được hoà tấu trong Chúa Nhật Lễ Lá, ngày mà tất cả chúng ta cùng với Vua Kitô tiến vào Thành thánh Giêrusalem chịu khổ nạn. Phần cuối của Thánh vịnh được sử dụng trong Chúa Nhật V Phục Sinh, như một lời thúc giục chúng ta cùng với muôn dân tiến vào dự tiệc chiến thắng khải hoàn của Vua Kitô trong vinh quang Thiên Quốc.

Để có thể ca vang bài ca chiến thắng, chúng ta phải trải qua cuộc khổ nạn với Đức Kitô. Với tâm tình ấy, hôm nay, chúng ta hãy can đảm bước theo Đức Kitô tiến vào Giêrusalem để thực sự sống cuộc vượt qua của Người, và để rồi chúng ta có thể chia sẻ hoa trái Phục sinh của Người.

Lm. Antôn Trần Văn Phú

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét