Trang

Chủ Nhật, 6 tháng 4, 2025

CHÚA GIÊSU VÀO THÀNH GIÊRUSALEM - HvGH Pi-ô X Đà Lạt

 CHÚA GIÊSU VÀO THÀNH GIÊRUSALEM

CHÚA NHẬT LỄ LÁ C

 (Lc 19,28-40)


Cả bốn phúc âm đều ghi lại việc Chúa Giêsu vào thành Giêrusalem, nhưng có rất nhiều khác biệt. Có những khác biệt có thể nhận ra ngay từ đầu, có những khác biệt tinh vi, đòi hỏi nhiều chú ý hơn. Mỗi một dị biệt này chỉ có ý nghĩa trong mỗi phúc âm. Để quán triệt ý nghĩa mỗi trang phúc âm, điều quan trọng là phải làm quen với những phản ứng của tác giả tiềm tàng trong bản văn và làm cho bản văn được phong phú nhờ những tiềm năng của chúng. Cần tham chiếu văn mạch để xác nhận một yếu tố với toàn thể của nó.

Dựa vào những nguyên tắc trên, chúng tôi bắt đầu nghiên cứu bằng cách phân tích ngôn ngữ được dùng trong bốn trình thuật phúc âm.

I. CÁC NGUỒN CỦA NGÔN NGỮ

Các trình thuật khác nhau về việc vào Giêrusalem có dùng một ngôn ngữ chung, gồm nhiều điểm biểu tượng và văn hóa, mà chúng ta phải phân tích trước hết. Kết quả của cuộc phân tích này, cho dù nhỏ bé đến đâu cũng giúp chúng ta hiểu rõ hơn các “hệ thống” phúc âm và sức hoạt động nội tại của chúng.

1. Núi cây dầu và Đấng Messia

Dựa trên các quan niệm Do thái đương thời, việc Chúa Giêsu đến tạm trú trên núi cây dầu có thể mang một tính cách thiên sai. Bản văn sau đây của Zacaria đệ nhị có thể là khởi điểm của một truyền thuyết, hoặc là chứng tá của một niềm tin liên hệ với Đấng Messia: “Ngày ấy, chân Ngài đứng trên núi cây dầu, đối diện với Giêrusalem về phía đông. Núi cây dầu sẽ bị rẽ ra chính giữa từ đông sang tây, làm thành một thung lũng thật lớn…” (14,4).

Những lời đó mô tả việc Giavê can thiệp trong trận chiến cánh chung mà Giêrusalem sẽ là chiến trường (x. Ez 11,23). F. Josèphe, sử gia Do thái nổi tiếng, đương thời với các tác giả phúc âm đã nói đến trào lưu tư tưởng này trong cuốn “Antiquites juives”: “Lúc bấy giờ một người Ai cập tự xưng là tiên tri đến tại Giêrusalem và khuyên bảo dân chúng cùng với ông tiến về núi cây dầu đối diện với thành phố cách xa năm dặm. Thật vậy, ông đã nói cho dân chúng rằng: theo lệnh truyền của ông, các bức thành Gierusalem sẽ sụp đổ và từ đó ông hứa sẽ khai thông cho họ một lối đi”.

Như thế, vào thời Chúa Giêsu và các tác giả phúc âm, có lẽ sấm ngôn của Zac 14,4 đã được liên kết với cách trình bày quen thuộc về biến cố thiên sai. Trong sách chú giải (midrash haggadique) “Sepher Eliyahu”, ta nhắc lại tầm quan trọng của chương 14 Zac trên các bản văn thiên sai khác của Cựu ước mà núi Cây Dầu (c.4) là trung tâm điểm. Từ đó, ta nhận ra ý nghĩa thiên sai trong trình thuật của Mc nói về hoạt động của Chúa Giêsu tại Giêrusalem và việc Ngài cùng với các môn đệ lưu lại trên núi Cây dầu (Mc 11,11tt).

2. Bêthania và Bethphagé

Cũng như vị trí của chúng trên bản đồ, nguyên ngữ của 2 địa danh thật có lợi cho việc tìm hiểu bản văn. Bêtania (tiếng Do thái: Bet – ani) có nghĩa là “nhà của người nghèo”, “của người khiêm nhu” hay “của người đau khổ”: trong mạch văn của Mc nói về việc tiến vào Giêrusalem (nghĩa là toàn thể trình thuật khổ nạn), các ý nghĩa của địa danh này rất quan trọng. Dù được dân chúng tung hô, Chúa Giêsu không dừng lại ở Giêrusalem; ngay buổi tối sau khi vào thành cách trọng thể (Mc 11,11), Ngài lui về Bêtania.

Bethphagé (theo tiếng aramêô: Bet-pagge) có thể hiểu là “nhà của trái vả”, đây là một dữ kiện khác cần chú ý, nếu ta biết rằng trong Mc, những đoạn nói về việc vào thành Giêrusalem và việc trú ngụ ban đêm ở Bêthania được tiếp nối bằng đoạn nói về cây vả không có trái (11,12-14).

3. Con lừa

Thời cổ xưa ở Trung Đông, con lừa được gắn liền với thần thoại và tế tự thần linh, chẳng hạn thần thoại Ai Cập của Typhon (hay Set) thần sự dữ, đối thủ của Osiris, thần sự lành. Trong thần thoại này con vật linh thánh của Typhon là con lừa. Lừa vẫn là con thú thần Dionysios cưỡi …

Trong Cựu ước, con lừa có mặt trong nhiều trình thuật của truyền thuyết các tổ phụ; nó cũng là con vật để vua cưỡi và từ đó là con vật để đấng Messia cưỡi. Cần phải trích dẫn hai bản văn được truyền thống Do thái giải thích theo hướng thiên sai: sấm ngôn của Giuda trong St 49,11: “người cột lừa con vào gốc nho…” và Zac 9,9: “Này đây vua ngươi đến với ngươi, Ngài công minh, chiến thắng, khiêm tốn cưỡi trên lừa mẹ”.

Văn chương chú giải (midras) liên kết hai bản văn này trong các bài giảng giải về Đấng Messia và việc Ngài đến. Ta có thể đọc thấy trong Bereshit Rabbah 98 như sau: “người cột lừa con vào gốc nho…” (St 49,11). Câu này được các thầy giải nghĩa là: Thiên Chúa phán: “Ta cột vào vườn nho (nghĩa là Israel) và vào trái nho của thành nó (tức là Giêrusalem) một con lừa con, để khi Đấng (được Zac 9,9 gọi là Đấng khiêm tốn và cưỡi lừa) sẽ đến…”

Chắc hẳn giáo huấn này được viết ra nhiều năm sau khi phúc âm đã được biên soạn. Nhưng các phản ứng thần học đã ảnh hưởng đến việc hình thành và truyền đạt các phúc âm cũng có thể giúp chúng ta đang nghiên cứu.

4. Con vật linh thánh, chưa bao giờ được dùng

Chi tiết này chỉ được Mc và Lc minh nhiên ghi nhận. Dưới ánh sáng lịch sử các tôn giáo, người ta thấy được ý nghĩa linh thánh của con vật chưa bao giờ được sử dụng. Con vật được dùng cho việc hiến tế hay cho việc thánh, phải là thanh khiết, chưa bị xử dụng cách trần tục. Văn chương ngoại giáo làm chứng điều đó, như đoạn “Metamorphoses” của Ovide sau đây: “Phoebus nói cùng con là Agénor rằng: con sẽ gặp trong các cánh đồng trơ trụi một con bò cái tơ chưa bao giờ mang ách và kéo cày. Con hãy theo đường nó đi và trong các đồng cỏ xanh tươi nơi nó nghỉ ngơi, con hãy đào móng xây thành lũy và đặt tên là Béotien”

Mệnh lệnh Chúa Giêsu ban cho các môn đệ có thể xuất phát từ một văn mạch như thế, nhưng nhất là được trực tiếp cảm nhận từ khoản luật trong kinh thánh mà Ds 19,2 ghi lại: “Một con bò cái…không tì ố, và chưa bao giờ mang ách…” (X.Đnl 15,19; 21,3; 1S 6,7).

5. Dư âm lễ đăng quang trong Kinh thánh

Trình tuật về việc vào thành Giêrusalem nhắc lại nhiều bản văn Cựu ước, như 2V 9,13: “Lập tức, họ lấy áo trải ra, đồng thời thổi tù và và hô lớn: Jehu là Vua”, nhưng nhất là 1V 1,13: khi Đavit ban các lệnh liên quan đến việc tấn phong Salomon: “Hãy đem đội thị vệ, hãy đưa Salomon con ta lên ngồi trên lưng con la riêng của ta và rước về Gihôn”.

Động từ “épibibazô” (đưa lên) chỉ tìm thấy trong Tân ước nơi Lc và Công vụ (Lc 10,34; 19,35; Cv 23,24). Động từ này còn có trong trình thuật của Lc nói về việc vào thành Giêrusalem (19,35): “Họ đưa Chúa Giêsu lên” (epibizah). Còn ba tác giả phúc âm kia viết: “Ngài ngồi” (ékathisen: Mt 21,7; Mc 11,7; Ga 12,14).

6. Việc “giá lâm” của các hoàng đế Hy lạp

Không thể tách rời Mc 11,1-10 và các bản song song khỏi bối cảnh các cuộc tiếp đón hoàng đế trong các đô thị Hy lạp. Bản văn sau đây trích từ cuốn “Guerre des Juifs” của F.Josèph là một ví dụ sống động: “Khi biết Titus gần đến, dân Antiokia vui mừng, không chịu ở lại trong thành; tất cả đổ xô ra đón hoàng tử. Họ đi gần ba mươi dặm, và không chỉ đàn ông thôi, nhưng cả đàn bà và con nít nữa. Khi thấy Titus tiến đến, họ đứng hai bên đường, đưa tay phía hoàng tử và hoan hô, rồi theo hoàng tử vào thành, vừa đi vừa chúc tụng. Thành ngữ “ra đón” được thấy lại hầu như nguyên văn trong trình thuật của Gioan nói về việc vào thành Giêrusalem (Ga 12,13; x. Mt 8,34 và 25,1)

Trong thế giới Hy la, cuộc tiến vào đó là một phần trong nghi lễ “giá lâm” (Parousia); “Giá lâm” là việc nhà vua chính thức thăm viếng một tỉnh hay một thành phố. Vào thời tôn thờ hoàng đế, từ ngữ này mang một ý nghĩa vừa chính trị vừa tôn giáo. Trong chiếu chỉ của một thành thuộc vương quốc Pergame, có đoạn viết: “Các tư tế nam nữ phải tiến ra đón hoàng đế”. Vì thế, L.Kerfaux đã có thể viết: “Việc Chúa Giêsu tiến vào thành Giêrusalem có cùng một đặc điểm như việc Messia viếng thăm kinh đô của Ngài”

7. Hosanna

Các câu 25 và 26 của thánh vịnh 118 đều được cả bốn tác giả phúc âm trích dẫn và được sửa chữa theo quan niệm riêng của mỗi vị (Mt 21,9; Lc 19,38; Ga 12,13). Thánh vịnh 118 là thánh vịnh cuối cùng của “Hallel” là chữ mà một hội đường xa xưa gán cho một nhóm thánh vịnh (113-118). Những thánh vịnh này được dùng để ca tụng Thiên Chúa trong một vài đại lễ hay hành hương (dịp lễ Vượt qua, ngũ tuần, trong tám ngày Lễ Lều và Cung hiến), vào lúc hiến tế ban sáng. Điệu hát của “Halleluia” đặc biệt nhấn mạnh nghi lễ vượt qua, nhất là nghi thức bữa tiệc (x. Mt 26,30; Mc 14,26)

Trong dip lễ lều, điệu hát này mang một vẻ rất long trọng. Sau một vài câu, cả hội đường lắc “lulab” là bó hoa gồm nhiều lá dừa và lá liễu, theo như Lv 23,40 (những nhánh của “lulab” đôi lúc gọi là “hosanna”). J.T.Nelis viết: “Vào thời Tân ước, cuốn biên khảo Sukkat (3,9) đã ghi lại một vài tập tục đặc biệt. Trước hết người ta lắc “lulab”. Nghi thức này xuất hiện lúc hiến tế ban sáng, khi các thày Lêvi xướng Halleluia, bắt đầu thánh vịnh 118 và khi họ hát đến câu 25 và 28 của thánh vịnh đó (x. 2M0,7)

“Hosanna” là phiên âm Hy lạp của tiếng arameô “hosha-na” dịch từ tiếng Hy bá “hoshi”a-(n)na” có nghĩa “hãy cứu”. Tiếng này nói lên lời van nài liên lỉ hay lời tung hô có tính cách phụng vụ. Trong Lễ Lều, đó là lời xin trời đổ mưa; nhưng trong các phúc âm, đó là tiếng ngợi khen: “Cũng như chữ Halleluia, Hosanna là từ ngữ trong phụng vụ Kitô giáo thời biên soạn phúc âm”, P.Bonnard đã viết như thế.

8. Đấng đang đến

Cũng như trong Mt 11,2 và Lc 7,19 (việc Gioan sai các môn đệ mình đến cùng Chúa Giêsu), phân từ: ho erchomenos, đấng đang đến, chắc chắn nhắm đến Đấng Messia. Tuy nhiên cách ám chỉ Messia như “Đấng đang đến” không phải là thường xuyên. Sau khi được dùng làm tước hiệu của Đấng Messia, phân từ này chắc chắn đã góp phần vào việc móc nối St 49,10-11 (vương trượng không rời xa Giuda…cho tới khi Ngài đến…Ngài cột lừa vào gốc nho …) với Zac 9,9 “Này đây vua ngươi tiến đến cùng ngươi”.

9. Lá vạn tuế

Chỉ Gioan nói đến lá vạn tuế. Như đã nói, theo Lv 23,40 và những dư âm sau này trong Do thái giáo. Những cành lá vạn tuế làm thành “lulab” được dùng đến trong lễ lều (so sánh với Neh 8,15). Liên hệ giữa lá vạn tuế với Lễ Lều Tạm được thấy trong việc trang hoàng nhà hội Do thái cổ xưa.

Việc dùng lá vạn tuế có một lịch sử lâu dài, có liên hệ với tiền tệ, và ý nghĩa tượng trưng của nó thay đổi tùy không gian và thời gian. Người ta thấy hình lá vạn tuế trên đồng tiền của Vespasien và Nerva, để kỷ niệm cuộc chiến thắng các người Do thái nổi loạn lần thứ hai, đồng tiền của họ có hình lá vạn tuế, ám chỉ một hoài bão hy vọng dân tộc sẽ chiến thắng. Theo các nguồn văn chương sau này, cây vạn tuế là biểu tượng của Israel, trước cuộc nổi loạn lần thứ nhất (dưới thời vua Hêrođe Antipas) biểu tượng của cây này không có tính cách chính trị.

Việc dùng lá vạn tuế trong phụng vụ đưa chúng ta trở lại thời hưng thịnh của chủ nghĩa quốc gia của Macabeô. Tiếng Baion (“cành vạn tuế”) chỉ tìm thấy trong thánh kinh nơi 1M,51 khi nói về Simon vào thành Giêrusalem cách khải hoàn: “Dân Do thái vào (thành thánh) ngày 28 tháng thứ hai năm 171 với những tiếng hoan hô và cành lá vạn tuế… vì một đối phương vĩ đại đã bị đuổi xa khỏi Israel.

Còn tiếng phoinix (cây vạn tuế, lá vạn tuế), nếu được dùng nhiều lần trong Cựu ước, thì trong Tân ước chỉ có ở Ga 12,13 và Kh 7,9. Sách Macabê thứ hai nhắc đến nó trong nghi thức Cung hiến, nghi thức được thiết lập để kỷ niệm việc tinh luyện và cung hiến đền thánh sau chiến thắng của Macabeô (x. 1M 4,54tt). Nghi lễ đã dựa vào nghi thức của lễ lều tạm: “Họ hân hoan dâng lễ trong suốt 8 ngày theo cách lễ lều tạm…cầm những cành cây và lá vạn tuế (phoinikas), họ dâng lên lời ca lên Đấng đã thanh luyện thánh điện của Ngài” (1M 10,6-7).

Thành ngữ “cành lá vạn tuế” (baia phonikon) của Gioan được giữ lại nguyên văn trong ngụy thư (“Testament de Nephtali” 5,4-5). Đoạn ngụy thư này kể lại việc trao lá vạn tuế cho Lêvi như là biểu tượng uy quyền của ông trên toàn Israel. Vậy chắc chắn lá vạn tuế nói lên cuộc chiến thắng, cuộc khải hoàn vương đế và đồng thời biểu hiện cho quyền uy của Israel. Nhưng nhờ việc rung hoa (lulab) lá vạn tuế cũng có tương quan với việc cử hành lễ nghi phụng vụ.

Việc nghiên cứu trên đây giúp chúng ta hiểu thêm các tài liệu mà 4 trình thuật của 4 phúc âm đã dùng để ghi lại việc Chúa Giêsu tiến vào thành Giêrusalem. Mỗi một trình thuật nói lên một mầu sắc sống động về Đấng thiên sai: việc nhìn núi Cây dầu với tất cả ý nghĩa Do thái của nó, hình ảnh con lừa với những truyền thuyết về nó, kể cả tước hiệu “Đấng đang đến”. Mỗi tác giả phúc âm làm nổi bật màu sắc đó tùy cảm thức và ý hướng riêng tư của mình. Như vậy, Lc phản ảnh các trình thuật cổ xưa về việc đăng quang hay phong vương trong kinh thánh, còn Gioan cảm hứng từ những nghi lễ “Giá lâm” của các hoàng đế Hy la.

Là một biến cố thiên sai, cảnh này cũng mặc lấy, trong bốn phúc âm, một đặc tính phụng vụ không thể chối cãi. Việc trích dẫn thánh vịnh 118 làm liên tưởng đến các đại lễ lớn của Israel và điệu hát “Halleluia”. Việc nhắc đến lá vạn tuế, chỉ có nơi Gioan, hình như muốn xác định đó là một cử hành có tính cách quốc gia và do đó có tính cách chính trị hơn.

Dù giống hay khác nhau, tất cả những dữ kiện này chỉ là cái đà giúp giải thích các bản văn đứng đắn hơn.

(người dịch đã bỏ 3 trình thuật kia vì không có trong năm C. Xin xem chú giải phúc âm Chúa nhật năm A,B)

II. TRÌNH THUẬT LUCA 19, 28-40

1. Không tiến vào thành Giêrusalem

Trong phần đầu của trình thuật (c.28-35), Lc theo khá sát bản văn Mc, nhưng có sửa đổi đôi chút. Các câu 37-40 thì thuộc một nguồn cảm hứng khác và tạo cho toàn thể diễn từ Lc nét độc đáo và sống động riêng biệt.

Trước hết, cần để ý rằng Lc không nói đến cuộc “tiến vào thành Giêrusalem”. Ông chỉ nói (c.28 và 41) Chúa Giêsu tiến về hướng hay tới gần thành ấy. Chính “trong đền thờ” (c.45, eis to hieron) mà tác giả phúc âm mới đưa Chúa vào. Nhận xét này thật quan trọng đối với toàn bộ tác phẩm Lc; thật vậy, phúc âm thứ ba bắt đầu và kết thúc trong đền thờ (chương 1 và chương 24,53).

Một nét khác đáng chú ý trong câu đầu của trình thuật là việc dùng tiếng Hy lạp “Hierosolyma” để chỉ thành thánh. Lc ít dùng chữ đó hơn các tác giả phúc âm khác. Tiếng ông quen dùng là tiếng “Hierousalêm”, là chữ chỉ gặp được một lần nơi ba tác giả phúc âm khác, trong Mt 23,27 (ngược lại: 26 lần trong Lc và 39 lần trong Cv). Hình như Lc dùng chữ “Hierousalem” khi muốn nói đến ý nghĩa thần học của Thành, nghĩa là khi muốn nói nó đóng một vai trò rõ ràng trong lịch sử cứu rỗi mà Chúa Giêsu là trung tâm.

Luật trừ này còn củng cố luật chung không? Và phải chăng Lc muốn lưu tâm đến đền thờ hơn Giêrusalem? Nếu có, thì tại sao? Những phân tích sau đây sẽ trả lời. Một hiện tượng tương tự đã xảy ra trong trình thuật dâng Chúa Giêsu vào đền thờ (2,22tt). Trình thuật này là đoạn duy nhất (trong 6 đoạn của các chương 1-2) dùng chữ Hy lạp “Hierosolyma”. Không phải chính trong đền thờ mà Simeon “đã được Thánh Thần thúc đẩy” (2,27) đi đến gặp Chúa Giêsu đang được cha mẹ bồng đến…để làm theo điều lệ Luật dạy” và loan báo “ơn cứu độ” (2,30) đã đến cho muôn dân sao ?

Đàng khác, Lc 19,28-40 là dư âm của Lc 13,35: “Nhưng Ta bảo các ngươi, các ngươi sẽ chẳng thấy Ta cho đến khi các ngươi nói: “Chúc tụng Đấng nhân danh Chúa mà đến”. Câu này thật đáng lưu ý vì là câu kết luận lời than trách Giêrusalem (“Giêrusalem, Giêrusalem…”). Mt đặt lời than trách này (được kết thúc như nơi Lc bằng Thánh vịnh 118,26), ngay trước bài diễn từ cánh chung, nghĩa là sau việc tiến vào thành Giêrusalem (23,37-39). Bây giờ, cần phải rút tỉa mối tương quan giữa Lc 13,35 và Lc 19,28-40.

Câu 37 là một câu có nhiều chi tiết đặc biệt của riêng Lc. Trước hết, là việc nói đến núi Cây Dầu mà ông đã tiên báo trong c.29 (x. Mt và Mc song song): việc ghi lại địa danh này cho thấy một biến cố mới sắp bắt đầu. Cũng thế, động từ “đến gần” (“khi Ngài đã đến gần”, eggizontos de autou) cũng chỉ là lặp lại của c.29 (“khi Ngài đã tới gần” hôs êggisen)

Thành ngữ “tất cả đoàn lũ” (hapan to plêthos) cũng đặc biệt thuộc về Lc. Từ ngữ “đoàn thể các môn đồ” (to plêthos tôn mathetôn) trong Cv 6,2 được dùng để chỉ cộng đoàn Kitô hữu. Liên quan giữa phác âm thứ ba và Cv rất hữu ích để hiểu rõ Lc 19,37. Thật vậy, trong toàn bộ tác phẩm Lc, Kitô học và giáo hội học xem lẫn nhau ở mỗi một trang, đến nỗi cần phải đọc Lc và Cv một lượt mới có thể hiểu rõ hệ thống các ý nghĩa tạo nên tác phẩm của ông. Như thế, người ta tự hỏi phải chăng trong Lc 19,37, “đoàn lũ môn đệ” đã không ám chỉ cộng đoàn tín hữu của dân Thiên Chúa mới, được Chúa Giêsu thành lập sao?

Động từ “ca ngợi” cũng là của riêng Lc. Mối liên lạc giữa động từ “ca ngợi” và “thấy” thật đáng lưu tâm; người ta còn thấy liên lạc này nơi khác, chẳng hạn trong Lc 2,20; 18,43 và Cv 3,9. Bảng sau đây nêu lên tương quan mật thiết giữa bốn bản văn:

Lc 2,20

Lc 18,43

Lc 19,37

Cv 3,9

Các mục đồng (1)

Toàn dân (1)

Đoàn lũ môn đồ (1)

Toàn dân (1)

tôn vinh và

thấy vậy (4)

bắt đầu…

thấy nó đi (4)

ca ngợi (2)

ngợi khen (2)

ca ngợi (2)

và ngợi khen (2)

Thiên Chúa  (3)

Thiên Chúa (3)

Thiên Chúa (3)

Thiên Chúa (3)

vì mọi điều

 

vì mọi phép lạ

 

đã được nghe

 

họ đã được thấy (4)

 

và thấy

   

Mỗi đoạn đều được kết cấu bởi bốn yếu tố giống nhau: chủ từ (1) thay đổi nhưng có một chủ từ được lặp lại (Lc 18 và Cv) mỗi khi nói đến việc chữa bệnh: “toàn dân”; một đối tượng không thay đổi: “Thiên Chúa” (3); một hoạt động (2): “Ngợi khen” (Thiên Chúa); và một động lực (4) diễn tả qua động từ “thấy” (những công việc của Thiên Chúa). Thiên Chúa là đối tượng của lời ngợi khen, và vì các sự nghiệp vĩ đại Ngài thực hiện, Ngài cũng là nguồn mạch và nguyên nhân của việc ngợi khen đó.

Như thế, theo nhãn giói của Lc, Chúa Giêsu và các tín hữu liên đới với số phận Ngài đã không muốn vào Giêrusalem như một ông vua vì những hoài bão trần tục. Vì vậy, người ta hiểu được lý do tại sao Lc đã bỏ việc tiến vào thành Giêrusalem và qua đó ông đã làm nổi bật việc tiến vào đền thờ, nơi cư ngụ của Thiên Chúa; và hiểu được tại sao Tv 118,26 (“chúc tụng Đấng…”) được trích ra ở đây lần thứ hai và lần cuối cùng khác hẳn với Mt. Tiếng “cho đến khi” của Lc 13,35 đã đạt đến mục đích và cao điểm của nó ở đây rồi.

2. Những nhân vật của một phụng vụ thiên quốc

Câu 38 với công thức “Ngài là Vua” (ho Basileus), chắc chắn là chìa khóa để hiểu đoạn này. Ý nghĩa và tầm quan trọng của tước hiệu này – khác hẳn nơi Mt, Mc và Ga – được hiểu nhờ câu 37 (đã được phân tích) và câu 38b: “Bình an trên trời và vinh quang trên chốn cao vời”. Tính cách song song đối với Lc 1-2 ở đây còn rõ ràng hơn nữa:

Lc 2,13-14

Lc 19,37-38

Đoàn lũ (plêthos) cơ binh

Đoàn lũ (plêthos)

trên trời…

môn đồ…

Vinh quang Thiên Chúa

Bình an trên trời

trên trời cao thẳm

 

và bình an dưới đất

và vinh quang trên

cho kẻ người thương

chốn cao vời

Đầu đời cũng như cuối đời Chúa Giêsu, khung cảnh đều như nhau. Chắc chắn có tương quan giữa “đoàn lũ (plêthos) cơ binh trên trời” và “đoàn lũ (plêthos) môn đồ”; trong cả hai trường hợp, người ta đang đứng trước các nhân vật của một phụng vụ thiên quốc. Ngoài ra, Lc là tác giả phúc âm duy nhất đã loại bỏ chữ “Hosanna” trong trình thuật tiến lên Giêrusalem (19,38) như để tránh những gì có thể gợi lại những cuộc hành hương trần tục và những âm hưởng chính trị. Nhưng qua những dấu chỉ cho thấy mối liên hệ giữa hai bản văn này (“vinh quang… trên các tầng trời”) cần phải để ý những gì tạo nên sự khác biệt giữa hai bản văn. Một bên, “bình an dưới đất” (2,14), một bên, “bình an trên trời” (19,38). Trong động lực duy nhất mạc khải vinh quang Thiên Chúa, người ta thấy hai chuyển động tự hạ và nâng lên. Cũng thế, “Thiên Chúa” (2,14) nhường chỗ của ngài cho “Vua” (trong 19,38): đây là một thay đổi tất có ý nghĩa. Cũng vậy, những lời chúc tụng và vinh quang đi từ miệng các thiên thần (2,14) sang miệng “các môn đệ” (19,38); qua sự kiện này, các môn đệ vừa thay thế mục đồng, vừa thay thế các thiên thần. Xa nhau khi Chúa Giêsu tự hạ sinh ra ở Belem, hai loại người này giờ đây, lúc Ngài được nâng lên, nối kết thành một, thành “đoàn lũ môn đệ”, nghĩ là, như trong Cv 6,2, các tín hữu của Chúa Giêsu Kitô. Bảng sau đây nêu rõ các yếu tố này:

Lc 2,14.20

Lc 19,37-38

Cơ binh trên trời (c.14)

Đoàn lũ môn đệ (c.37)

  * vinh quang trên trời cao thẳm

  * thấy hết các phép lạ

        / Thiên Chúa

 

  * bình an dưới đất cho người

  * ngợi khen Thiên Chúa

Các mục đồng (c.20)

Đoàn lũ môn đệ (c.38)

  * thấy mọi điều

  * vinh quang trên chốn cao vời

 

         / Vua

  * ngợi khen Thiên Chúa

Bình an trên trời

Văn mạch của đoạn Lc 19,28-40 có liên hệ đến bản văn diễn tả lại cách độc đáo việc tiến vào thành Giêrusalem đó. Câu 28 (“Nói thế rồi…”) liên kết trình thuật này với dụ ngôn các Yến bạc (19,11-27) là dụ ngôn riêng của phúc âm thứ ba. Lời nhập đề của dụ ngôn này cho thấy dụ ngôn muốn diễn tả một cách ẩn dụ (allégoriquement) việc Chúa Giêsu Kitô được nâng lên (c.12), biến cố mà trình thuật Lc về việc tiến vào (hay đúng hơn: việc – không – tiến – vào) Giêrusalem không còn là lời ẩn dụ (allégorie) mà là trình thuật tiên báo, tiên báo việc nâng lên đích thật của ngày phục sinh.

Bản Pháp ngữ của André Paul

Assemblées du Seigneur số 19.

Học viện Giáo Hoàng Pi-ô X Đà Lạt

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét