Trang

Thứ Hai, 24 tháng 7, 2017

23 Giáo Hội Công Giáo Dưới Cái Nhìn của Một Ký Giả Hoa Kỳ (bài 23)

Giáo Hội Công Giáo Dưới Cái Nhìn của Một Ký Giả Hoa Kỳ (bài 23)

Tác giả: 
 Vũ Văn An

Chương Bẩy: Đức tin và chính trị

Giáo Hội Công Giáo, không phải, và chưa bao giờ, là một đảng chính trị. Giáo Hội tự hiểu mình được thiết lập bởi Chúa Giêsu Kitô để dẫn đưa các linh hồn về với Thiên Chúa, chứ không thắng cử hay thông qua các luật lệ. Như Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô XVI từng nói, “Kitô Giáo không phải là một hệ thống trí thức, một mớ các tín điều hay một tuyển tập các giáo huấn luân lý. Đúng hơn, Kitô Giáo là một cuộc gặp gỡ, một câu truyện tình; nó là một biến cố”.

Giáo Hội Công Giáo không bối thự (endorse) các ứng cử viên chính trị, và giáo huấn xã hội Công Giáo chủ trương rằng Giáo Hội không có vai trò đề xuất các giải pháp chính trị chuyên biệt mà đúng hơn, giảng dạy các giá trị trường cửu. Tại Công Đồng Chung Vatican II, Giáo Hội chính thức ủng hộ sự phân biệt giữa Giáo Hội và nhà nước. Ngày nay, không một người Công Giáo có thế đứng nào lại nghiêm túc mong chờ việc trở lại thời đại Các Quốc Gia Giáo Hoàng, lúc Giáo Hội điều hành cả một chính phủ dân sự. Thực vậy, Đức Giáo Hoàng Phaolô VI có lần nói rằng việc Giáo Hội mất quyền lực thế tục là một hồng ân, vì nó giải thoát để Giáo Hội hành động như tiếng nói của lương tâm.

Tuy nhiên, phi đảng phái không đồng nghĩa với phi chính trị. Ngay từ những ngày đầu, Kitô Giáo đã có những hậu quả chính trị to lớn đối với bất cứ xã hội nào nó đâm rễ vào. Trong một khảo luận nổi tiếng thế kỷ thứ 10 tựa là Decline and Fall of the Roman Empire (Sự Suy Tàn và Sụp Đổ của Đế Quốc Rôma), sử gia người Anh, Edward Gibbon, đổ lỗi cho Kitô Giáo đã làm Rôma sụp đổ; ông cáo buộc rằng nền đạo đức “giơ má bên kia” của Kitô Giáo đã làm cạn kiệt tinh thần võ sĩ của Rôma. Gibbon cũng tin rằng việc hỗ trợ tài chánh cho các đan viện và tu viện đã hút hết các tài nguyên công cộng của Rôma, và các cuộc tranh luận thần học đã làm trầm trọng óc phe phái và làm suy yếu nhà nước từ bên trong. Kể từ đó, các sử gia vốn tranh luận xem việc du nhập Kitô Giáo là tốt hay xấu đối với cổ Rôma, nhưng tất cả đều nhìn nhận rằng việc du nhập này rất quan trọng.

Qua thế kỷ 21, Giáo Hội Công Giáo vẫn còn là định chế gây ảnh hưởng chính trị mạnh mẽ, cả bình diện quốc gia ở nhiều nước trên thế giới lẫn bình diện hoàn cầu. Cách Giáo Hội gây ảnh hưởng chính trị ra sao có lẽ là yếu tố gây tranh cãi hơn hết trong các tác vụ của mình, và chắc chắn là một yếu tố thu hút chú ý nhiều nhất của các phương tiện truyền thông.

Đâu là một số thí dụ về ảnh hưởng của Giáo Hội?

Thời Trung Cổ, các tranh chấp về việc “phong chức” (investiture), nghĩa là ai có quyền ban cho hàng giáo sĩ chức vụ của họ, đã dẫn tới những đụng độ khổng lồ giữa Giáo Hội và nhà nước. Nổi tiếng hơn cả là tình tiết xẩy ra năm 1077, khi Vua Henry III của Thánh Đế Quốc Rôma, một liên bang các lãnh thổ Đức, đứng bên ngoài một lâu đài Ý giữa tuyết giá trong ba ngày, nài nỉ Đức Giáo Hoàng Grêgôriô VII bãi bỏ vạ tuyệt thông của ông, một vạ mà vị giáo hoàng này đã áp đặt do việc nhà vua can thiệp vào việc nội bộ của Giáo Hội. Vua Henry nài nỉ như thế không phải do lòng đạo đức bản thân sâu xa của ông, mà vì nhiều người Công Giáo dưới quyền ông cai trị có thiện cảm với Đức Giáo Hoàng, và nhà vua sợ mất sự vâng phục của họ. Đức Grêgôriô chấp thuận lời yêu cầu của ông, nhưng sau đó, rất ân hận vì đã làm thế. Vì năm 1084, vua Henry hoàn toàn kiểm soát Rôma, buộc Đức Giáo Hoàng Grêgôriô phải trốn chạy và chẳng bao lâu sau, qua đời trong cảnh lưu đầy.

Sinh hoạt chính trị như thế không phải là đồ tạo tác của lịch sử. Suốt trong thế kỷ 20, các nhà nước toàn trị đủ mọi mầu sắc đã khiêu chiến chống lại các Giáo Hội, vì hiểu rằng muốn kiểm soát dân chúng, bạn phải kiểm soát tôn giáo của họ. Trong các giai đoạn đầu, các chế độ toàn trị cố gắng tận diệt các định chế tôn giáo. Khi điều này không thể thực hiện được, họ cố gắng mua chuộc các Giáo Hội. Đức Quốc Xã, chẳng hạn, đã phát huy chính sách Gleichschaltung, nghĩa là “đem vào hàng”, bao gồm việc tưởng thưởng các Giáo Hội và các mục tử ngoan ngoãn và trừng phạt những người dám ngang bướng. Ngày nay, ở Trung Quốc, chính phủ bảo trợ các Giáo Hội Công Giáo và Thệ Phản chính thức. Các giáo sĩ nào sẵn lòng đi theo sẽ được hưởng các đặc ân, trong khi những vị nào không chịu đi theo thường kết cục ở nhà tù hay bị giam tại nhà. Người Công Giáo cũng nổi tiếng trong việc phục hồi, sau các chế độ phát-xít. Nhiều kiến trúc sư của Liên Hiệp Âu Châu sau Thế Chiến II là giáo dân Công Giáo, được linh hứng bởi giáo huấn xã hội của Giáo Hội. Một trong số họ là chính khách Robert Schuman, người Pháp, nay là ứng viên của án phong thánh.

Dĩ nhiên, điển hình đương thời nhất của sức mạnh chính trị Công Giáo là vai trò do Đức Cố Giáo Hoàng Gioan Phaolô II trong việc sụp đổ của chủ nghĩa Cộng Sản. Mà ảnh hưởng chính trị của Giáo Hội cũng không chỉ giới hạn ở Tây Phương mà thôi. Từ phong trào Quyền Lực Nhân Dân (People’s Power) ở Phi Luật Tân nhằm hạ bệ Ferdinand Marcos năm 1989 qua nền độc lập của East Timor năm 2002, tới việc ra đời quốc gia mới nhất của thế giới là Nam Sudan năm 2011, người Công Giáo cũng đã đóng những vai trò lãnh đạo trong việc tham dự đầy kinh ngạc vào các điểm ngoặt chính trị trên khắp thế giới đang phát triển.

Há Giáo Hội Công Giáo chẳng bảo thủ về chính trị đó sao?

Nếu bạn xét đến việc các giá trị Công Giáo đã được áp dụng ra sao vào chính trị, thì gần như Giáo Hội đang rơi vào tình huống mang nhiều nhân cách khác nhau cùng một lúc. John Carr, một cố vấn kỳ cựu của các giám mục Hoa Kỳ, sau trở thành học giả của Harvard, nói rằng bất cứ ai coi trọng toàn bộ giáo huấn xã hội của Công Giáo, thì cuối cùng sẽ rơi vào tình huống “vô gia cư về chính trị”, bị cả phe tả lẫn phe hữu tẩy chay.

Carr có lý phần nào. Thí dụ, mùa xuân năm 2012, các giám mục Hoa Kỳ vừa hoan nghinh các vụ kiện cáo chống chính phủ Obama về chỉ thị bảo hiểm đòi các chủ nhân phải cung cấp bảo hiểm cho việc ngừa thai vừa tham gia với chính phủ này trong các vụ kiện nhằm hủy bỏ các biện pháp hạn chế di dân ở Arizona. Các giám mục cũng có mối liên hệ lẫn lộn tương tự đối với chính phủ Bush, vừa hoan nghinh lập trường của nó về các vấn đề đạo đức sinh học như phá thai, nhưng chia rẽ với chính phủ này về cuộc chiến Iraq và một số chính sách kinh tế. Cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20, có lẽ các giám mục Công Giáo Hoa Kỳ trên thực tế là đồng minh của Đảng Dân Chủ, một đảng có khuynh hướng thiện cảm với giới cổ xanh và di dân vốn chiếm đa số dân số Công Giáo Hoa Kỳ. Gần đây hơn, nhiều giám mục Hoa Kỳ nghiêng về Đảng Cộng Hòa vì lập trường của họ trong các vấn đề sự sống.

Bên ngoài hàng giáo phẩm, bạn có thể thấy người Công Giáo ở mọi điểm khác nhau trên la bàn chính trị. Tại Hoa Kỳ, sau cuộc bầu cử năm 2010, có 25 người Công Giáo ở Thượng Nghị Viện, trong đó, 16 người là Dân Chủ và 9 người là Cộng Hòa. Ở Hạ Viện, có 132 người Công Giáo, trong đó, 69 người là Dân Chủ và 63 người là Cộng Hòa. Rất khó mới tìm được các định chế khác ở Mỹ, nhất là các định chế với các thành viên hoàn toàn tự nguyện, có được một sự phân bổ ngang ngửa như thế dù khác biệt về thống thuộc đảng phái. Sự phân bổ như thế cũng đã phản ảnh nơi quần chúng, vì 67 triệu người Công Giáo Hoa Kỳ quả là đại diện thu nhỏ của xã hội rộng lớn, bao gồm cả những người cấp tiến lẫn những người bảo thủ rất nhiệt thành trong ý thức hệ.

Thành thử, xét về căn bản, thực là vô ích nếu cứ ráng xác định xem Giáo Hội Công Giáo là “cấp tiến” hay “bảo thủ” trong nền chính trị thế tục. Trong các thời điểm lịch sử, Giáo Hội có thể xem ra nghiêng về bên này hoặc nghiêng về bên kia, tùy theo sự sôi sục của văn hóa, nhưng các quan tâm của Giáo Hội luôn vượt lên trên các phân chia này. Điều này, suy cho cùng, không đáng ngạc nhiên bao nhiêu; ý niệm “cánh tả” hay “cánh trái” chỉ phát xuất từ Cách Mạng Pháp, trong khi đến lúc ấy, Giáo Hội Công Giáo đã từng suy tư về đức tin và chính trị cả 1800 năm rồi!

Còn các linh mục và chính trị thì sao?

Bộ giáo luật coi là một tội trạng khi một thành viên của hàng giáo sĩ giữ một chức vụ chính trị, và Giáo Hội khá nghiêm túc đối với khoản luật này. Một trong số ít giám mục Công Giáo trên thế giới bị “hoàn tục” gần đây, nghĩa là chính thức bị đuổi ra khỏi hàng ngũ linh mục, là cựu tổng thống Paraguay, Fernando Lugo, có thời làm giám mục giáo phận San Pedro, người đã bất chấp lệnh của Vatican cấm không được ra ứng cử. Ngày nay, chắc Lugo mong mỏi phải chi lúc đó biết nghe lời; vì tháng Sáu năm 2012, ông bị đàn hặc (impeached) và bị đá khỏi chức vụ!

Ở Hoa Kỳ, 2 linh mục Mỹ được bầu làm thành viên Quốc Hội trong thập niên 1970, vào một thời kỳ một số người nghĩ lệnh cấm này sẽ bị hủy bỏ khi Công Đồng Vatican II phát động nhiều cuộc cải tổ. Linh mục Robert John Cornell là Dân Chủ đại diện cho Wisconsin từ năm 1975 tới năm 1979, trong khi linh mục Robert Drinan, cũng là Dân Chủ và Dòng Tên, được bầu ở Massachusetts và phục vụ từ năm 1970 tới năm 1980. (Drinan là thành viên Quốc Hội đầu tiên đệ trình nghị quyết đòi đàn hặc Tổng Thống Richard Nixon, không phải vì Watergate mà vì đã dội bom Cambodia). Năm 1980, khi Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II minh xác rằng lệnh cấm các linh mục làm chính trị sẽ không thay đổi, cả Cornell lẫn Drinan đều tuyên bố sẽ không ra ứng cử nữa. Drinan qua đời năm 2007 còn Cornell qua đời năm 2009.

Tòa Thánh can dự vào chính trị ra sao?

Tòa Thánh là một tác nhân khá quan yếu trong nền chính trị hoàn cầu, cả chính thức lẫn không chính thức. Trước nhất, Tòa Thánh, một hạn từ để chỉ ngôi vị giáo hoàng như chính phủ trung ương của Giáo Hội Công Giáo, là một quốc gia có chủ quyền theo luật quốc tế, một quốc gia có liên hệ ngoại giao với hầu hết các nước và có tư cách quan sát viên tại mọi tổ chức quốc tế quan trọng, kể cả Liên Hiệp Quốc. Thành thử, các đại diện của Tòa Thánh có quyền có chỗ ngồi tại bàn tranh luận chính sách quốc tế, một cách mà các định chế tôn giáo khác không có. Các đại diện này không rụt rè đối với việc gây ảnh hưởng này, nhất là khi họ tin rằng một quan tâm luân lý nào đó đang gặp nguy cơ.

Thí dụ, Tòa Thánh và một số quốc gia đa số theo Hồi Giáo đã kết hợp sức mạnh tại Hội Nghị Liên Hiệp Quốc tại Cairo năm 1994 và tại Bắc Kinh năm 1995 để chống đối áp lực đòi mở rộng “các quyền sinh sản” của luật quốc tế, nghĩa là các quyền ngừa thai và phá thai, cũng như nhìn nhận hôn nhân đồng tính. Ở Cairo, Tòa Thánh và khối gồm cả các nước Hồi Giáo và Châu Mỹ La Tinh đã vận động thành công trong việc bôi bỏ câu nhắc đến “quyền tính dục” khỏi văn kiện cuối cùng, và tránh được câu nhắc đến “các cuộc kết hợp khác” ngoài hôn nhân. Ở Bắc Kinh, năm 1995, hội nghị về phụ nữ kết thúc với việc công bố rằng phụ nữ được quyền “kiểm soát mọi khía cạnh sức khỏe của họ, nhất là khả năng sinh nở” nhưng một lần nữa đã không thông qua việc thừa nhận hợp pháp mới đối với cả việc phá thai lẫn đồng tính luyến ái. Các cố gắng chung của Tòa Thánh và các quốc gia Hồi Giáo đã bị các người phê bình đặt tên là “liên minh phi thần thánh”, nhưng được các người ái mộ gọi là một cuộc “thánh chiến đại kết”.

Tòa Thánh hay cho rằng tư thế ngoại giao của của mình biến mình thành một môi giới hợp tình hợp lý trong các sự việc hoàn cầu, vì mình không có quyền lợi thương mãi để bảo vệ, không có quyền lực quân sự để bành trướng, và không có ảnh hưởng khu vực để áp đặt. Đôi lúc, Tòa Thánh thực hiện việc này một cách thực tiễn, như khi giúp tránh được cuộc chiến tranh giữa Á Căn Đình và Chí Lợi năm 1979. Hai nước này tranh chấp không những quyền kiểm soát các đảo ở Kênh Beagle, mà còn cả 30,000 dặm vuông quyền khai thác đánh cá và khoáng sản. Các cuộc chuẩn bị chiến tranh đã bắt đầu từ tháng Bẩy năm 1978, một khai triển đầy báo động vì lúc đó cả hai nước đều bị cai trị bởi các nhà độc tài quân phiệt ưa gây chiến. Tướng Augusto Pinochet đã nắm quyền ở Chí Lợi năm 1973, và, năm 1977, một hội đồng quân đội đã nắm quyền kiểm soát tại Á Căn Đình.

Ngày 11 tháng 12 năm 1978, Đức Giáo Hoàng tân cử Gioan Phaolô II đã gửi một thông điệp riêng cho cả hai phía, thúc giục họ tìm giải pháp hòa bình, và đề nghị sẽ gửi các nhà ngoại giao của Tòa Thánh làm trọng tài. Ngày 21 tháng 12, Chí Lợi chấp nhận, và Á Căn Đình cũng làm như thế vào hôm sau. Kết quả rất nhanh và đáng lưu ý. Ngày 9 tháng Giêng năm 1979, Văn Kiện Montevideo được ký kết, cả hai bên thề hứa sẽ theo đuổi một giải pháp hòa bình. Ngày 23 tháng Giêng, năm 1984, Á Căn Đình và Chí Lợi ký “Hiệp ước hòa bình và hữu nghị” trong một buổi lễ tổ chức tại Vatican. Ở Á Căn Đình, hiệp ước này được phê chuẩn ngày 14 tháng 3 năm 1985, còn ở Chí Lợi, nó được phê chuẩn ngày 12 tháng 4 cùng năm, chia sẻ quyền kiểm soát các đảo và quyền đánh cá và khoáng sản, mà không tốn một giọt máu.

Có những lúc, việc Vatican cho rằng mình vô tư xem ra không thuyết phục được ai, và các can thiệp của nó có thể có các hậu quả tiêu cực. Đầu thập niên 1990, lúc Nam Tư đang trên đà tan rã, Tòa Thánh cố gắng kêu gọi hòa bình nhưng, theo con mắt của một số phân tích gia, kết cục đã đổ dầu thêm vào cuộc tranh chấp. Năm 1992, Vatican trở thành một trong các quốc gia đầu tiên trên thế giới thừa nhận nền độc lập của Croatia và Slovenia, các nuúc cộng hòa đông người Công Giáo thuộc liên bang Nam Tư. Nhiều người Serbs coi đó như một hành vi thiên kiến tôn giáo, bắt nguồn từ khuynh hướng chống truyền thống Chính Thống Giáo của phe đa số trong nước. Các lãnh tụ duy quốc gia như Slobodan Milošević đã thành công trong việc khai thác các cảm nghĩ này; ông ta thuyết phục người Serbs tin rằng Tây Phương hùa nhau tấn công họ, khiến họ mau chóng gia tăng cuộc chiến tranh.

Còn tiếp

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét