Trang

Thứ Tư, 26 tháng 7, 2017

Hôn nhân khác đạo

Hôn nhân khác đạo



Con là người đạo Cao Đài, anh ấy là đạo Thiên Chúa. Chúng con tình cờ quen nhau và chúng con rất yêu nhau nhưng ba mẹ con không chấp nhận con yêu người đạo Thiên Chúa. Ba mẹ con không muốn con bỏ đạo của mình nhưng anh ấy thì muốn con nhập đạo bên anh ấy. Con không biết phải làm sao để vừa giữ đạo của con mà vẫn có thể kết hôn với anh ấy mà không cần nhập đạo. Con mong nhận được câu trả lời của người. Con xin cảm ơn người.
My

Đáp:

Não trạng độc tôn tôn giáo và cái nhìn chủ quan, thiên kiến về đạo này, đạo khác là lý do đưa đến những hiểu lầm, thiếu thông cảm, nghi kỵ về tôn giáo. Thông thường ai cũng cho đạo mình là tốt, là đúng, là phải. Nhưng nhất là tâm lý chung, ít ai muốn tìm hiểu, học hỏi thêm để tìm cho mình những hướng đi mới mẻ, tốt đẹp hơn. Bởi thế, tôi không mấy hy vọng ba mẹ của chị chấp nhận cho chị yêu và cưới một người khác tôn giáo. Tuy nhiên, nếu người bạn trai của chị mà cũng duy trì quan niệm hẹp hòi về tôn giáo thì là điều đáng tiếc. Anh ấy cần có một tầm nhìn rộng rãi, một sự hiểu biết sâu rộng hơn về niềm tin và tôn giáo. 

Câu hỏi với anh ta là: “Nhập đạo để làm gì?”  Và “nhập đạo có phải là một điều kiện để hai người tiến tới hôn nhân, xây dựng một gia đình hạnh phúc không?” Nếu câu trả lời “Em phải vô đạo thì anh mới lấy em. Vì ở bên cha mẹ anh, việc em vô đạo là một điều kiện cần thiết và không thể châm chước”. Hoặc “em phải nhập đạo, vì đạo anh không cho phép hai người ly dị, và đạo anh mới có đủ yếu tố xây dựng một hôn nhân hạnh phúc”, thì lời khuyên của tôi đối với chị là “nên chấm dứt cuộc tình này”, hoặc “nếu đã trót yêu rồi thì đừng vội cưới hỏi” . Bởi vì đầu óc và lối suy tư của cha mẹ anh ấy cũng không rộng rãi gì hơn đầu óc và suy tư của ba mẹ chị về tôn giáo. Và cái nhìn của người bạn chị về tôn giáo và hôn nhân còn ấu trĩ và chưa trưởng thành đủ.   

Tóm lại, tình yêu và hôn nhân của chị có thể xẩy ra trong những điều kiện sau:

1.Nếu ba mẹ chị cho phép chị kết hôn với người yêu của chị trong khi vẫn là người Cao Đài. Điều này cùng nghĩa là người yêu của chị không hối thúc chị, cũng như cha mẹ của anh ta không đòi hỏi chị phải theo Công Giáo ngay lúc này. Hôn nhân này người Công Giáo gọi là kết hôn với người khác tôn giáo, và đạo ai nấy giữ. 

Tôi đã từng giúp cho những cuộc trở lại như vậy, người 17 năm, người 40 năm sau khi kết hôn với người Công Giáo và cảm nhận được niềm tin Công Giáo qua người phối ngẫu. Điều này cũng có nghĩa là sự trở lại đạo Công Giáo trong tương lai của người chồng hay người vợ cũng phần lớn dựa vào thái độ sống và thực hành niềm tin của người phối ngẫu, vì nó có một tầm ảnh hưởng rất lớn giữa tương quan vợ chồng.

2.Trong khi chờ đợi sự ưng thuận của cha mẹ, chị phải tìm hiểu và học hỏi sâu hơn về Công Giáo và Cao Đài. Những điểm tương đồng, những dị biệt về niềm tin và về thực hành giữa hai tôn giáo. Sự hiểu biết này sẽ giúp chị biết cách chia sẻ, chinh phục ba mẹ. Nó cũng sẽ giúp cho ba mẹ của chị có cái nhìn thiện cảm, cởi mở hơn và cho phép chị tiến tới hôn nhân với một người Công Giáo. Ngoài ra, nhờ căn bản về Cao Đài, chị cũng có thể giải thích cho chồng chị mỗi khi có thắc mắc hoặc bất hòa về tôn giáo sau này.  

3. Người yêu, người chồng tương lai của chị phải minh chứng cho ba mẹ chị biết đức hạnh và cuộc sống phản ảnh niềm tin tôn giáo của anh ấy như thế nào, bằng cách tôn trọng ba mẹ chị cũng như niềm tin của các ngài. Đặc biệt, phải minh chứng tình yêu chân thành đối với chị, vì cha mẹ nào cũng cảm thấy hài lòng khi nhìn thấy con cái mình được người khác yêu thương và đối xử tử tế. Chính đời sống của anh sẽ giúp hóa giải được thành kiến tôn giáo của ông bà.  

Chúc chị sớm có ngày hạnh phúc bên người chị yêu, cùng với những nụ cười rạng rỡ của họ hàng hai bên.


Tác giả: Trần Mỹ Duyệt
Nguồn: http://www.giadinhnazareth.org/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét