Nhân 400 năm DT truyền giáo VN
TỪ LINH ĐẠO I NHÃ đến PHONG CÁCH TRUYỀN GIÁO DÒNG TÊN
Hoành sơn
Ngày 18/1/2014, tại Vương cung thánh đường Saigon, Đức cha Chủ tịch Hội đồng Giám mục Việt Nam đã long trọng cử hành nghi lễ khai mạc Năm thánh (18/1/2014-18/1/2015) kỷ niệm 400 năm Dòng Tên truyền giáo ở Việt Nam.
Trước 1615, ở đây đã có mấy thừa sai đến thử vận may và thu được một số kết quả đáng ghi nhớ. Nhưng sự liên tục và có nền tảng vững chắc ở cả Đàng trong và Đàng ngoài thì phải chờ đến công cuộc truyền giáo khởi sự từ 1615 do con cái thánh I Nhã. Khoảng 150 năm sau, tuy Dòng Chúa Giêsu vắng bóng vì bị giải thể năm 1773, nhưng khi ấy, vì nền móng đã chắc, và có nhiều dòng hội khác sang tiếp tay rồi, nên Hội thánh Việt nam vẫn đứng vững dù trải qua những cuộc bách hại tàn khốc.
Về việc truyền giáo của Dòng Tên, tại đây cũng như ở các vùng trời khác, các nhà viết giáo sử ghi nhận hai đặc điểm sau : sự hăng say như lửa của thánh Phan sinh Xavier, sự mềm dẻo để ứng phó vời hoàn cảnh và thời thế, nhất là ở Ấn Độ và Nam Mỹ, ở Trung Quốc và Việt Nam.
Riêng về nét đặc trưng thứ hai, nhiều sử gia thường quy cho trình độ học vấn, giúp những chiến sỹ ấy có được tầm nhìn xa thấy rộng. Bằng chứng là có những thừa sai biết đúc súng, sửa lịch, cai quản đài thiên văn, v.v.
Theo tôi, lý do trí thức không thể bỏ qua, nhưng lý do căn bản và chinh yếu phải tìm ở linh đạo I nhã, linh đạo mà linh hồn của nó nằm ở tập Linh thao, còn thể xác nằm ở bộ Hiến pháp Dòng, cả hai đều do thánh tổ trước tác trong trao đổi thân mật với Chúa.
Linh đạo I-nhã
Sau khi quay về với Chúa, suốt một năm chiêm niệm ở Manresa mà không ai hướng dẫn ngoài Chúa, I nhã đạt tới những huyền thị liên miên và cao siêu : huyền thị tuệ trí về Ba ngôi, về nhân tính Đức Kytô. I nhã quen ghi lại mọi kinh nghiệm thiêng liêng của mình, và từ những ghi chép Manresa, ngài soạn dần tập Linh thao nổi tiếng. Với tập Linh thao ấy, thánh nhân đã đào tạo sáu bạn sinh viên thành những bạn đường đầu tiên, trong đó có hai thánh : Phan sinh Xavier và Phêrô Favre. Thế rồi, cũng với tập Linh thao, Dòng sẽ tiếp tục đào tạo các thế hệ Giêsu-hữu (Jesuit) khác và dẫn dắt biết bao tu sỹ và giáo hữu đi vào con đường hoàn thiện. Chính do đó mà thánh I nhã được Giáo hội tôn phong làm Bổn mạng các cuộc tĩnh tâm.
Còn Hiến pháp Dòng?
Đây là kết quả của 16 năm cầu nguyện. Để có một ý tưởng về giá trị thiêng liêng của từng khoản luật trong đó, hãy lấy đoạn Nhật ký thiêng liêng 40 ngày của thánh nhân làm thí dụ. Đây thuộc hai tập vở cứu được từ lửa mà ngài không biết. Số là, biết mình sắp về cùng Chúa, thánh nhân bỏ hết đống nhật ký đồ sộ của mình vào lò sưởi, và may thay, một người bất chợt vô phòng đã cứu được mấy chục trang.
Trong 40 ngày nói trên, thánh nhân hỏi ý Chúa về một khoản luật duy nhất : các nhà thờ của Dòng có thể sống nhờ lợi tức hay không? Để phân định ý Chúa, mỗi ngày ngài dâng thánh lễ. Thánh lễ kéo dài trên một giờ, lại còn thêm hằng giờ cầu nguyện chuẩn bị trước và hằng giờ tạ ân sau. Trong suốt buổi sáng như thế, ngài được nhiều ơn “sa lệ”, kèm theo rất nhiều huyền thị về Thiên tính, về Ba Ngôi,v.v. Dẫu được vượng cảm đến thế khi muốn Dòng sống phó thác trong thanh bần tột độ, thánh nhân vẫn chưa dám chắc, và tiếp tục dâng lễ xin Chúa cho biết rõ hơn ý Ngài. Và phải chờ đến hết ngày 40, thật chắc chắn rồi, thánh nhân mới quyết định ngưng không hỏi Chúa thêm nữa.
Xem như thế, Hiến pháp Dòng Tên được soạn ra một cách cẩn thận đúng theo tinh thần Linh thao : chọn sống nghèo (và chịu sỉ nhục) với Chúa Giêsu nghèo hèn! (Linh thao : khiêm nhường bậc ba).
Vậy là thế nào linh đạo thoát thai từ Linh thao I nhã và Hiến pháp Dòng Tên?
Linh đạo I nhã : một linh đạo hành động
Linh đạo ấy tập trung vào Hành động tông đồ : Tất cả cho “Vinh danh Thiên Chúa hơn nữa”! (Ad Majorem Dei Gloriam, AMDG)
Vì Tất cả cho Hành động, và phải sao cho hành động đạt kết quả cao nhất, nên không thể từng lúc lại bỏ công việc mà quay về trú sở lấy sách thần tụng đọc chung với nhau. Cho nên Hiến pháp bãi bỏ Thần tụng đọc chung, và đây là điều làm “sởn tóc gáy” những người sống vào thế kỷ XVI. Đức Phaolô III, vì quý Dòng và tin vào I nhã, nên chấp thuận luôn. Chứ Đức Phao lô IV kế vị Ngài, vừa đăng quang đã buộc Dòng đưa khoản thần tụng đọc chung vô luật.
Phải chăng I nhã không mặn mà cho lắm với cầu nguyện? Ngược lại là khác. Cứ đọc Nhật ký thiêng liêng và Câu truyện Người hành hương đủ thấy I nhã chiêm niệm nhiều đến thế nào. Chẳng vậy mà ở Manresa, chỉ trong vòng một năm ngài có thể đạt tới những huyền thị cao sâu nhất. Như thánh Tiên sa Avila cho biết, trong huyền nghiệm, hành giả nhận được những vượng cảm (consolation) kỳ diệu, đến nỗi hạnh phúc quá, người ấy cảm thấy chỉ cần “một ý nghĩ hay lời nói nhắc cho biết chưa thể chết ngay (để về hưởng Chúa trọn vẹn), là cảm thấy, không hiểu do đâu, như một nhát (búa), một mũi tên lửa….Và vết thương đau ghê gớm…ở chỗ sâu, mật nhất của hồn, ở đó tia lửa dù chỉ thoáng qua, cũng biến thành tro bụi tất cả những gì nó gặp ở bản tính phàm trần của chúng ta” (Lâu đài, 6.11).
Dù chiêm niệm (thiên phú) mê ly đến thế, I nhã đã không bỏ đi tu ẩn hay vào đan viện để đêm ngày sống bên Chúa, mà vì muốn “giúp đỡ các linh hồn”, ngài sẵn sáng rời bỏ chiếc giường nệm êm của chiêm hưởng để lao mình vào công việc tông đồ. Thế rồi, vì vốn liếng giáo lý hạn chế, lại sống vào thời nhiễu nhương về đức tin, nên ngài bị cấm không được giảng đạo. Chính do đó mà I nhã tìm đến các đại học để lo trau dồi về thần học. Và tại đại học đường Paris, vừa học I Nhã vừa chinh phục cho Chúa những bạn đường đầu tiên, trong đó có thánh Phan sinh Xavier và thánh Phêrô Favre.
Vì Giêsu-hữu (Jesuit) sống để chuyên lo mở Nước Chúa, nên Hiến pháp không cho họ làm phương hại đến sức khỏe dù trong khổ chế. Còn để duy trì sức khỏe thiêng liêng, Hiến pháp buộc họ suy chiêm một giờ mỗi ngày, và mỗi ngày hai lần tự kiểm (xét mình). Ngoài ra hằng năm họ phải trải qua 8 ngày linh thao, với mỗi ngày 4-5 giờ suy niệm. Lại để được đào tạo thành những chiến binh kiên vững, họ phải trải qua ba năm tập, chứ không phải hai. Ba năm tập ấy diễn ra trong hai kỳ tập : hai năm cho kỳ tập thứ nhất khi bước chân vô dòng; một năm, gọi là Năm Ba, diễn ra sau khi học hành xong, và sau mấy năm làm việc để có kinh nghiệm đã. Trong mỗi kỳ tập như thế, mỗi người phải làm một tháng linh thao và trải qua mấy tập nghiệm (expériment) cam go, trong đó có một tháng hành hương (vừa đi bộ vừa ăn mày mà sống, còn ngủ thì gặp đâu ngủ đấy), và một tháng phục vụ bệnh nhân trong các trại tế bần (hospices) hay nhà thương sau này.
Vâng, không phải là I nhã không yêu chiêm niệm, nhưng vì muốn tận lực cho việc cứu giúp tha nhân, nên I nhã chọn một thứ chiêm niệm khác, cái mà khi giải thích linh đạo I nhã, Nadal gọi là “Chiêm trong hành động” (Contemplatio in actione), làm sao để trong khi bù đầu với công việc, người ta vẫn cảm nhận sự có mặt thân thương của Chúa, phần nào giống như trong trạng thái mà thánh Tiên sa Avila gọi là “Hôn nhân thiêng liêng” (Mariage spirituel) (Lâu đài, 7.1-4).
*
Sau khi đi Giêrusalem (để sống với kỷ niệm về Thầy chí thánh và để truyền giáo cho lính Thổ) không thành, nhóm bạn đường trờ về Rôma, đặt mình dưới sự sai phái của Đức Thánh Cha. Lập tức Ngài cử bảy vị MA (Master of Arts) ấy đến phục vụ ở nhiều chỗ. Riêng Phan sinh Xavier thì đi truyền giáo Châu Á. Tại đây, thấy hằng hà sa số dân chúng đang cần biết Đức Kytô, mà thiếu người giảng dạy, Xavier đã gửi về Bồ đào nha và La mã những bức thư nảy lửa, kêu gọi mọi người, nhất là giáo sư và sinh viên đại học Pari đến tiếp tay. Những bức thư ấy được sao chép và gửi đi khắp nơi, khiến nổi lên bên Âu châu một cao trào truyền giáo. Vâng, biết bao người trẻ trí thức đã bỏ tất cả xin vô dòng để được gửi đến những chân trời xa xăm nhất, nguy hiểm nhất, như Viễn dông và châu Mỹ. Tại đó, do sự nhạy bén với hoàn cảnh địa phương, họ đã có những hành động táo bạo mà lịch sử phải ghi nhận, như những khu Tập hợp (réduction) ở Paraguay, như tu theo kiểu Ấn giáo của Di Nobili ở Madurai, như cho phép thờ ông bà của nhóm Ricci bên Trung Quốc.
Phong cách truyền giáo của Dòng Tên
Giáo sử nói nhiều đến việc giảng đạo của Dòng mang tên Giêsu qua lửa truyền giáo của thánh Phan sinh Xavier, nhất là qua phương pháp hội nhập, thích nghi, ở Việt Nam cũng như Trung quốc, ở Ấn độ cũng như Châu Mỹ la tinh.
Năm 1492, Christophe Colomb khám phá Mỹ châu, và lập tức các đoàn tầu Tây ban nha, Bồ đào nha theo sang chiếm đất và khai thác. Để có nhân công trồng trọt, họ vác súng đi săn lùng thổ dân, biến họ thành những nông nô khốn khổ. Để bảo vệ người da đỏ và giảng đạo cho họ, đồng thời dạy họ kỹ thuật canh tác, dạy họ biết dành dụm để sống đến mùa sau, mấy tu sỹ Dòng Tên bèn tập hợp họ lại trong những khu có rào vây gợi là “Khu Thu hẹp (Réduction)”. Sau này, tại đất nước sẽ thành Brasil ngày nay, Dòng cũng tổ chức những làng xã, giúp người da đỏ tập hợp lại với nhau, đồng thời huấn luyện những thầy giảng để nhân thừa số người dạy giáo lý.
*
Khi Roberto Di Nobili tới Ấn độ, tại đây chỉ có số ít người theo đạo, và đó là những người thuộc ngoại tập cấp (outcaste), gọi là pariah. dalit, untouchable. Những người ấy theo đạo chỉ vì lấy lính Bồ, hay để được quân Bồ bảo vệ chống cướp biển Hồi giáo.
Để có thể truyền giáo cho giời trí thức vốn ở tập cấp (caste) cao, từ đó ảnh hưởng sâu đến dân chúng phía dưới, cha Di Nobili đã rời bỏ tất cả để đi vào lối tu khắc khổ kiểu Ấn, đồng thời học kỹ ngôn ngữ Sanskrit và Tamil văn học để đi vào kho tàng kinh thư và văn chương nước Ấn. Nhờ vậy cha đã lôi kéo được tập cấp bà la môn đến nghe cha giảng về Chúa Kytô, và một số theo đạo sau khi đã tranh luận nhiều lần với cha. Hậu quả là, dù Di Nobili bị vùi dập và bị cấm làm phép rửa mười năm, khi cha qua đời đã có 40.000 người tòng đạo. Sau cha, tuy sóng gió từng lúc vẫn nổi lên, nhưng con đường cha mở vẫn có nhiều thừa sai khác dấn thân vào, với những tên tuổi lớn, như Monchanin, Dom Le Saux,v.v.
*
Đang khi truyền giáo ở Nhật, hiểu ra rằng muốn Nhật và những nước Đông Á ùn ùn theo đạo, thì phải chinh phục đất nước có ảnh hưởng văn hóa nhất trong vùng là Trung quốc. Phan sinh Xavier bèn bỏ đến nằm chờ ở cửa ngõ nước này là Thượng Xuyên, và qua đời tại đó. Phải 30 năm sau, nhóm Matteo Ricci mới vô được Quảng Châu, rồi Bắc Kinh. Hiểu rằng, để quốc gia có một nền văn minh cao và lâu đời như thế chấp nhận theo đạo, thì phải trình bày Tin mừng từ những khái niệm căn bản của Nho giáo, nên nhóm đã bỏ ra nhiều năm để học tiếng quan thoại và Hán văn đỉnh cao, nhờ đó đi sâu vào Tứ thư ngũ kinh. Đồng thời bằng hán tự viết về thiên văn và toán học để được nho sỹ coi trọng như những học giả.
Mau chóng các nho sỹ nói trên đã tìm đến với họ, rồi nhà vua cũng tìm cách liên lạc với họ luôn. Đọc tập giáo lý Thiên chủ thực nghĩa do Ricci sáng tác, vua rất ưng ý và đã cho phép giảng đạo tự do trong cả nước. Giả như không có sự kiện cáo của các đoàn truyền giáo khác đến sau (kiện cáo vì đã không hiểu văn hóa Trung Quốc) khiến xảy ra vụ án Lễ phép Nước Ngô, thì biết đâu Trung Hoa và mấy nước như Nhật, Triều Tiên, Việt Nam,v.v. đã toàn tòng lâu rồi.
*
Cùng một cái nhìn chiên lược và khoáng đạt ấy khiến nhóm thừa sai Dòng Tên đến đất Việt vào năm 1615 đã lao mình vào học ngôn ngữ và tìm cách ghi âm bằng mẫu tự la tinh, nhờ đó sáng tạo nên chữ quốc ngữ tuyệt vời. Chữ quốc ngữ này, chỉ cần mấy tháng học là đọc và viết được. Chứ chữ Hán thì phải nhiều năm mới đọc nổi. Nói chi chữ Nôm, nó là hai chữ Hán kết hợp với nhau, một chữ chỉ nghĩa, một chữ gián tiếp chỉ âm tiếng Việt.
Nhờ quốc ngữ, cha Đắc Lộ soạn Từ điển Việt-Bồ-La giúp các thừa sai học tiếng cho mau, và sách giáo lý Phép giảng tám ngày để các thày giảng dùng dạy tân tòng.
Cha Đắc Lộ chỉ là người hoàn chỉnh chữ quốc ngữ mà mấy anh em đến trước đã làm nên. Công riêng của cha là thiết lập hàng thầy giảng, vừa để nhân thừa người dạy đạo, vừa để có người chăm sóc giáo hữu khi thừa sai vắng mặt hoặc bị trục xuất.
Tổ chức thầy giảng vì rất hữu ích, nên sau này khi Dòng Tên vắng mặt rồi, nhiều giáo phận vẫn duy trì để họ phụ tá linh mục trong xứ đạo và dạy đạo trong các điểm truyền giáo mới. Giáo phận Bùi chu thời Đức cha Hồ Ngọc Cẩn còn thiết lập Trường thầy giảng để đào tạo tốt hơn. Đức cha cũng muốn biến họ thành một tu hội, nhưng không thành vì có nhiều giám mục không tán đồng[1].
Các thầy giảng rồi sẽ thành cơ sở từ đó những giáo phận như Thái bình và Bùi chu xây dựng Nhà Đức Chúa Trời, một tổ chức tốt đẹp có một không hai trên thế giới. Tại mỗi nhà xứ trong những giáo phận ấy, cha xứ, cha phó sống chung với mấy thầy giảng, gồm một thầy xứ (quản lý nhà xứ về kỷ luật và vật chất), một thầy quản (coi sóc nhà thờ và các đoàn hội). Cùng sống chung còn có một hai ông bõ, họ là những người già xin vào “tu” và giúp việc trong nhà xứ. Ngoài mấy thành phần nói trên, trong nhà xứ có thêm nghĩa tử của các cha : những Cậu hay thiếu niên được cha xứ hay cha phó nuôi cho ăn học và giúp lễ, rồi gửi về Trường Tập (Trường Thử), những Chú khi cậu ấy được chuyển sang Trường la tinh (hay Tiểu chủng viện), những Thầy khi họ học lên Đại chủng viện (có nơi gọi là Trường Lý đoán).
Việc sống chung ấy không thu hẹp ở nhà xứ và Nhà chung (tòa giám mục), mà còn phổ cập đến toàn giáo phận, khiến các cha, thầy, chú, cậu đi đến các nhà xứ khác đều có thể ăn ngủ ở đó như ở nhà xứ của mình vậy. Nói cách khác, toàn giáo phận sống giống như trong một dòng tu!
Cho đến cuối thế kỷ XX, Nhà Đức Chúa Trời còn tồn tại ở vài ba nơi, và một hai thầy giảng cuối cùng đã qua đời tại giáo xứ Dốc Mơ thuộc giáo phận Long Khánh.
Tìm về căn cội của phong cách truyền giáo Dòng Tên
Khi tới Nhật, thánh Phan sinh Xavier đã bắt đầu ăn vận như một nhà sư. Nhóm Ricci bên Tầu cũng làm thế, nhưng đến khi hiểu rằng thống trị ở đây là Nho giáo, chứ không phải Phật giào, nhóm bèn cải sang mặc áo dài nho sỹ. Ai cũng nghĩ, thích nghi trong ăn mặc là chuyện chẳng có chi lạ đối với Dòng Tên, vì Dòng không có tu phục riêng. Thế nhưng phải hỏi do đâu mà I Nhã lại muốn con cái mình không có tu phục riêng, mà ăn mặc như các tu sỹ khác ở mỗi vùng, để dễ hòa đồng với họ.
Dẫu sao, đấy chỉ là thích nghi bề mặt. Hội nhập theo chiều sâu mới tỏ rõ phong cách Dòng Tên. Tại đâu Dòng có được sự nhạy bén để nắm bắt tình hình địa phương, từ đó có những quyết định và hành động táo bạo hợp thời hợp cảnh, với các Khu tự quản ở Paraguay, với cách truyền giáo cách mạng của Di Nobili bên Ấn, với sự cho phép Thờ ông bà của Ricci bên Trung Hoa, với chữ quốc ngữ và hàng thầy giảng của Đắc Lộ bên nước Việt?
Tầm nhìn xa thấy rộng ấy, nhiều sử gia đã quy cho trình độ trí thức của mấy thừa sai đó. Thế nhưng tại sao thánh I Nhã lại muốn cho con cái mình học cho cao về thần học, nhất là tại sao sau này một số Giêsu-hữu còn chuyên sâu về các ngành khoa học khác, nhờ đó mới có người đủ khả năng sửa lịch và coi Khâm thiên giám (đài thiên văn) cho Trung hoa như cha Adam Shall, mới có người phát hiện hóa thạch Hán nhân như Teilhard de Chardin bên Tầu?
Quả là lý do sâu xa và chính yếu phải tìm ở chỗ khác. Theo tôi, đó là Linh đạo I Nhã, cũng là tinh thần của sách Linh thao.
Vâng, để nhập đề cho Cuộc chiến đấu thiêng liêng, ngay đầu sách Linh thao đó, thánh tổ đã đặt vững Nguyên tắc căn bản ( Principe de fondement) sau đây:
-“Con người được tạo nên để ca ngợi, kính tôn và phụng sự Thiên Chúa, nhờ đó cứu linh hồn mình…”
PHỤNG SỰ THIÊN CHÚA-CỨU LINH HỒN MÌNH ư? Đó là điều sách bổn (giáo lý) đã nêu rõ rồi, chẳng có chi đặc biệt ở đây cả. Đặc biệt là ở quan điểm I Nhã về phương tiện cơ. Hãy nghe Nguyên tắc căn bản nói tiếp :
-“Còn tất cả những gì (khác) được tạo nên trên mặt đất là vì con người, giúp hắn theo đuổi mục đích ấy, mà vì mục đích ấy hắn được tạo nên.”
Vâng, tất cả. Tất cả đều là phương tiện, và chỉ là phương tiện thôi! Từ đó kết luận : “Phải dùng chúng bao nhiêu chúng giúp đạt cứu cánh, và bỏ không dùng bao nhiêu chúng cản trở đạt cứu cánh nói trên”. Vì thế phải bất thiên (indifférent, không nghiêng bên nào), không muốn khỏe hơn bệnh, giầu hơn nghèo, sống lâu hơn chết yểu, mà chỉ muốn đạt tới đích duy nhất ấy thôi.
Đích duy nhất của I Nhã, vừa là cứu linh hồn mình, vừa là cứu linh hồn người khác : con đường Phụng sự (Thiên Chúa) hai mặt của Dòng Tên! Để cứu linh hồn anh em, phải bỏ hết, dù là tu phục riêng hay thần tụng đọc chung ; phải làm hết, dù đảo lộn thế giới này. Vâng, I Nhã muốn Dòng sử dụng mọi phương tiện có thể, dù là phương thế tự nhiên, cả những phương thế người khác khó chấp nhận.
Về cách làm MỌI PHƯƠNG TIỆN CÓ THỂ như thế, hãy đọc trong một bức thư thánh nhân viết mấy tháng trước lúc ly trần:
-“Nhìn nhận có Thiên Chúa trong tất cả…, và cho là sai lầm nếu đặt hết niềm tin và hi vọng…vào phương thế và tính toán loài người; cùng lúc cũng không cho là đi đúng nếu phó mặc hoàn toàn cho Chúa mà không dùng những gì Chúa ban cho tôi, – bởi lẽ xem ra trong Chúa tôi phải dùng mọi phương thế –, vì lý do đó, mong mỏi trong tất cả Chúa được vinh danh hơn nữa, tôi quyết định rằng…”
Chính con đường vừa TIN, vừa dùng MỌi PHƯƠNG THẾ ấy, một nhân vật đã diễn giải nó thành phương châm hành động sau đây:
-“Hãy Tin vào Thiên Chúa, như thể thành công tùy thuộc hết vào anh, chứ không vào Chúa. Thế nhưng hãy triển khai mọi phương thế, như thể chẳng việc gì đến anh, mà tất cả là việc Chúa thôi!”[2]
Nói cách khác, coi tất cả thành công trong tông vụ vừa là do Chúa, vừa là do các phương thế sử dụng! Do đó, nếu người khác chỉ dùng một số phương thế tự nhiên rồi phó mặc cho Chúa, thì Dòng Tên dùng mọi phương thế tự nhiên có thể trong lúc vẫn tin tưởng hoàn toàn vào Chúa. Khác nhau là ở chỗ đó vậy.
Chính vì thế mà Giêsu-hữu phải học cho cao để chinh phục dễ nhất, học cả những khoa học đời để hỗ trợ thêm cho việc tông đồ của mình. Và cũng để đạo đi vào chiều sâu tâm hồn của một dân tộc, Giêsu-hữu sẵn sàng rời bỏ cách suy nghĩ quen thuộc của quê hương riêng, mà bỏ ra nhiều thời gian để học ngôn ngữ đỉnh cao và thấm lấy văn hóa của vùng trời họ được sai đến truyền giáo.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét