Khuynh hướng TRẦN TỤC HÓA và cái chết của THƯỢNG ĐẾ.
Trải qua nhiều thề kỷ, Kitô-giáo từng bước, từng bước trở thành thứ tôn giáo chính thức. Nó sải dài cánh tay kiểm soát của mình lên trên tất cả mọi lĩnh vực đời sống, chính trị, xã hội và văn hoá. Và thế là xuất hiện tại chỗ một trật tự mới trong bậc thang các sự vật: quyền bính thiêng liêng lèo lái xã hội, đặt ra luật lệ, tuyên bố chân lý, áp đặt sự khống chế của mình. Kitô-giáo trở thành kẻ xâm lược, đồng hoá, loại ra khỏi vòng chiến những kẻ lầm đường, lạc lối, những kẻ vô thần.
Người ta đã gọi đó là tôn giáo “công ước” (convention- nelle), bởi vì ở đấy ít có chỗ đứng cho sáng kiến cá nhân, hoặc là Kitô-giáo của Hoàng đế Constantin, bởi vì chính sự thông đồng giữa Hoàng đế và Giáo hội xẩy ra trong thế kỷ IV đã là mầm mống của cái thứ tôn giáo đó. Đã hẳn, bao giờ cũng vẫn có một khoảng so le nào đó giữa “cái được viết ra và cái được sống” (DELUMEAU), nhưng một cách chính thức trật tự Kitô-giáo đã và đang ở trong tư thế thống trị.
Một thế giới bị trần tục hoá.
Khắp nơi, hiện nay, cái thứ Kitô-giáo của hoàng đế CONSTANTIN đó đang dần dần giảm đi tốc độ phát triển của nó. Trong vòng 4 thế kỷ qua, nó đã lâm vào một tình trạng bị xói mòn dữ dội. Người ta đã từ chối cái dù bảo vệ của nó và đòi được độc lập trong tất cả mọi lãnh vực. Đó là những tình trạng:
- Sự trần tục hoá của khoa học (thế kỷ XVI): GALLILÉE vẫn còn là biểu tượng. Một cách lạm dụng, can thiệp vào một lãnh vực mà mình không chuyên môn, Giáo hội đã bị đánh giá thấp và khoa học dần dần rời xa nó, nghi ngờ nó là có thái độ mù quáng. Phải chờ đến VATICAN II, “tính chất độc lập hợp pháp của văn hoá và đặc biệt của các ngành khoa học” mới được công nhận một cách đầy đủ.
- Sự trần tục hoá quyền hành (thế kỷ XVIII). Mặc cho những quan hệ đầy sóng gió, Giáo hội vẫn có cách khống chế được quyền lực trần thế. Quan điểm chính trị của chủ thuyết của Thánh AUGUSTIN, hợp thức hoá tình trạng thực tại trần thế ở dưới thực tại thiêng liêng, dưới chiêu bài vì chỉ có cái thiêng liêng mới biết được mục đích tối hậu của con người, đã biện minh cho Giáo hội về mặt ý thức hệ. Dưới sức ép của những ý tưởng và những sự kiện, lý thuyết nầy đã một thời nở rộ. Những cuộc cách mạng sau đó đã tách rời Giáo hội ra khỏi quyền lực và thường lại thay thế vào cái khuynh hướng độc tài thiêng liêng nầy bằng một thứ độc tài trần thế.
- Sự trần tục hoá đạo đức, điều nầy ngày nay không chỉ liên hệ những phong tục tập quán thôi (văn hoá môi trường), mà còn ảnh hưởng đến lương tâm con người nữa. Kitô-giáo thôi không còn thủ giữ độc quyền về ý nghĩa mà chỉ còn chẳng qua cũng chỉ là một trong muôn vàn cơ sở tham chiếu khác mà thôi trong vấn đề chọn lựa có tính đạo đức (vấn đề dục tính, phá thai, ly dị, vv... ). Mỗi người có quyền sống theo hoạch định riêng tư của mình.
Những phản ứng trước hiện trạng trần tục hoá.
Người Kitô-hữu đã gặp phải những trận đòn đả kích kịch liệt từ phía phong trào trần tục hoá. Phong trào nầy đã đưa ra những đòi hỏi cần phải chọn lựa dứt khoát mà đối với nhiều người xem ra không thể nào vượt qua nổi: niềm tin hoặc là khoa học, truyền thống hoặc là tiến bộ, tinh thần phản kháng hoặc tinh thần được rọi sáng, tùng phục hoặc tự do tìm kiếm, thánh thiêng hoặc phàm tục. Kitô-giáo bị đánh giá như là một thứ giáo điều, đóng băng lại trong quá khứ, có nhiều tiên kiến. Phải có thái độ như thế nào đây?
- Khước từ: Bằng bất cứ giá nào cũng phải chống lại trào lưu tục hoá nầy! Đó là phản ứng của tất cả những người có đầu óc cực kỳ bảo thủ, sẵn sàng lôi ra lại danh sách kết án kê khai tất cả những sai lầm của Tân thuyết của Đức PIÔ IX (1864) làm chỗ dựa. Khuynh hướng cực kỳ bảo thủ luôn mang trong mình thái độ hoài cổ. Nó luôn đề cao một thái độ gập mình lại và theo kiểu ghettô (xóm Do Thái biệt lập, ctnd). Cách thức phản ứng duy nhất là đóng kín mình lại trong khung thành đang bị bao vây.
- Tán dương: Phải đón nhận khuynh hướng trần tục hoá như là một cơ may cho niềm tin. Thay vì coi như là một sự khiêu khích, Harvey COX thấy ở đấy có một khoảng không gian mới cho Tin mừng, tạo điều kiện rộng rãi cho tự do và như thế có nghĩa là tạo điều kiện cho một hành động tin đích thực. Giáo hội phải tự đặt mình vào tư thế phục vụ đô thành trần thế.
- Như là một sự điều chỉnh thần học: Cần phải thanh lọc tôn giáo và thích nghi những ý niệm cùng cách thức thực hành của chúng ta. Ở đây người ta gặp thấy đủ thứ thử nghiệm, từ những thứ chướng kỳ nhất cho đến những thứ vừa phải nhất. John A. T. ROBINSON, qua tác phẩm Dieu sans Dieu (Thượng đế không còn là Thượng đế) (Honest to God: Tôn vinh Thượng đế, 1963), tỏ ra là con người triệt để nhất: cần phải, cùng với TILLICH, tống khứ đi cái thứ chủ nghĩa duy siêu nhiên, cùng với BULTMANN, quét sạch huyền thoại, cùng với BONHOE- FFER dẹp bỏ tôn giáo, và thực hành một thứ Kitô-giáo hoành thế (“co-humanité”, “tương thân”). Một số khác đi vào con đường nầy với một giọng điệu ít khiêu khích hơn, như Van BUREN không quá quắt như một “thứ thần học-không có Thượng đế” (une théologie-sans-Dieu), còn nại đến Đức YÊSU KITÔ như là cơ sở để kích thích một lối sống thực sự nhân loại.
Những thứ thần học về cái chết của Thượng đế.
Chính trong bối cảnh đó mà những thứ thần học về cái chết của Thượng đế có điều kiện trăm hoa đua nở. Năm 1961, với Gabriel VAHANIAN, xuất hiện La mort de Dieu (La culture de notre ère postchrétienne), một cuốn sách đã tạo ra cú “sốc” (Nxb. Buchet-Chastel, 1962). Giữa những năm 1965 và 1968, vấn đề cái chết của Thương Đế là một vấn đề thời sự thần học. Đồng thời xuất hiện những cái tên: William HAMILTON, Thomas ALTIZER, Paul Van BUREN. Ở Đức, Dorothée SOLLE đạt được phần nào thành công.
Đây là đề tài phức tạp. Nó đã xuất hiện từ buổi rạng đông của thời hiện đại, để chỉ rõ một hiện tượng văn minh: sự sụp đổ của nền văn minh Kitô-giáo. NIETZCHE (1844 - 1900, ctnd) đã biết đem lại cho nó cả một kỹ thuật phân tấu như người ta mong muốn. Trước tiên, NIETZCHE định bệnh: Thượng Đế đã hết thời, không còn dùng để làm gì được nữa. Nhưng NIETZCHE thấy rõ nhất trong việc thủ tiêu Thượng Đế nầy có một nhu cầu nhân bản: Thượng Đế cần phải chết đi để con người được sống. “Chúng tôi phủ nhận Thượng Đế... đó là con đường duy nhất để chúng tôi cứu vãn thế giới.”. Thật vậy, không thể nào sống được dưới cái nhìn áp chế của Thượng Đế. Cái chết của Thượng Đế có nghĩa là con người trở thành “cha và là kẻ sáng tạo của chính mình”.
Lời phê bình đó đã gây được một tiếng vang nơi những người Kitô-giáo. ALTIZER chia sẻ “nỗi oán hận” của NIET- ZCHE chống lại nền văn minh Kitô-giáo. ALTIZER loan báo “tin mừng về cái chết của Thượng đế”. Nhưng, ở bên kia từ “Thượng đế” đó, còn lại cái gì? Còn lại niềm tin vào một sự hoà giải sẽ được thực hiện cuối giòng lịch sử. Khi đó, “Thượng đế sẽ là tất cả nơi tất cả mọi người” như Thánh PHAOLÔ đã nói. Nhưng, liệu Thượng đế có phải là một cái gì khác hơn là một dung mạo của thực tại trở thành không? Đó là một vấn đề hết sức nan giải. Thân phận của Thượng đế ở trong nhân loại trở thành bấp bênh.
Nếu, đối với một số người, cái chết của Thượng đế đơn giản chỉ có nghĩa Thượng đế của văn minh Kitô-giáo – Thượng đế của siêu hình học, bất biến, trơ trơ như đá, ở bên ngoài thế giới, đấng bảo đảm trật tự – bị tước hết quyền hạn của mình, thì đối với những người khác, có nghĩa là Thượng đế tự huỷ chính mình (kénose), làm cho mình mất đi thần tính để tự đồng hoá với Đấng chịu đóng đinh trên thập giá. Trong khi, đối với số người nầy, nó diễn tả tình trạng bất lực không thể nào nói Thượng đế trong những phạm trù lệ thuộc thời gian của chúng ta, thì một số người khác cho rằng đó là do ý muốn của Thượng đế: Thượng đế tự rút lui ra khỏi thế giới để cho phép con người được là chính mình.
Thượng đế xa lạ, Thượng đế không thể tả được, Thượng đế bí mật không thể ai hay, Thượng đế kín đáo, Thượng đế chết trong Đức YÊSU KITÔ! Dù chọn lựa cách giải quyết nào, thì vấn đề vẫn phải là tư tưởng lại “điều kiện Thượng đế”, vì quyền lợi của con người trần thế. Phần đông các nhà thần học về cái chết của Thượng đế đều trổ đường tuốn về Kitô-học và nhằm tái phô bày tính chất căn cơ của Kitô-giáo. Đức YÊSU, “đó chính là Thượng đế tự rút ra khỏi mình tất cả mọi thứ huênh hoang quyền lực, uy quyền, quyền lực tối htượng... Chúng tôi đã chọn lối sống thà ở giữa những nguy hiểm của tình trạng mất uy quyền và yếu đuối của Thượng đế còn hơn là giữa những nguy hiểm của quyền lực của Ngài” (W. HAMILTON).
Thần học nầy liệu đã đạt được mục đích chưa? Nó là một lời đáp trả vọng lại âm vang trần tục hoá mà người ta không được đánh giá thấp những công lao của nó. Nhưng, khuynh hướng thần học nầy không phải bao giờ cũng đạt tới được một diễn từ mạch lạc về Thiên Chúa, vì ngoài ra nó còn quên rằng “điều kiện Thiên Chúa” khiến cho diễn từ đó phải lệ thuộc vào lời và văn hoá nhân loại. Khoa chú giải của những năm 70 sẽ nhạy bén hơn về khía cạnh nầy. Hơn nữa, vì muốn trao lại toàn quyền cho nỗ lực trần tục hoá, người ta đã quên mất chiều kích “linh thánh” như là yếu tố chủ yếu nơi con người. Ngày nay, Harvey COX đang đạt được một ít thành công khi trả lại giá trị cho chiều kích nầy (trong La fête des fous, Seuil, 1971).
Cùng với tình trạng xâm thực của khuynh hướng trần tục hoá, Thượng đế lại trở nên vị Thiên Chúa ẩn giấu không ai có thể chiếm đoạt được như một miếng mồi. Tất cả mọi thứ ngôn từ của loài người nói về Thiên Chúa đều mỏng dòn dễ vỡ và có nguy cơ tạo ra những ngẫu tượng. Những khuynh hướng thần học về cái chết của Thượng đế trước tiên là một phản ứng chống lại những ngẫu tượng nầy. Nhưng, liệu có nên đẩy chúng đến những thái độ quá khích cho rằng nói về Thiên Chúa chỉ còn có việc bập bẹ mà thôi không? Người ta có thể thích một thứ ngôn ngữ khác hơn cái thứ ngôn ngữ mà những khuynh hướng thần học trần tục hoá đang giới thiệu với chúng ta. Với những loại thần học nầy, chẳng qua người ta cũng chỉ phát hiện ra được điều nầy là Thiên Chúa từ nay thôi không còn xuất hiện ra cách hiển nhiên như một tháp chuông làng quê.
Marcel NEUSCH
X X
X
Thiên Chúa và con người trần tục.
Giáo huấn của thánh Kinh về vị Thiên Chúa ẩn giấu là trung tâm của chính giáo huấn về Thiên Chúa. Giáo huấn nầy tiềm ẩn một cách sâu sa nội tại đến nỗi PASCAL vang vọng lại khi nói: “tất cả mọi tôn giáo không khẳng định rằng Thiên Chúa tự ẩn giấu mình đều không phải là tôn giáo thật”. Điều đó có nghĩa Thiên Chúa tự mạc khải mình ra nơi nào Ngài muốn, theo cách nào Ngài ưa thích, chứ không phải theo sở thích của con người. Và bao giờ cũng thế, Ngài tự mạc khải mình ra như Đấng vừa khác với con người, vừa một cách vô điều kiện đối với con người và những kiểu cưỡng bức và sắp đặt do con người hoàn toàn không thể nào rớ tới được. Cái làm cho Thiên Chúa khác với những vị thần linh của các bộ tộc mà con người ve vãn và xông hương, và khác hẳn với thứ thần linh của siêu hình học mà con người thâu tóm lại trong một hệ thống tư tưởng khá ngăn nắp là sự kiện Ngài là Đấng hoàn toàn giấu ẩn. Sử dụng Thiên Chúa như cái cốt lõi của một hệ thống hữu thể học cũng chẳng hơn gì việc phỉnh nịnh Ngài với hy vọng Ngài sẽ sai mưa xuống tưới ruộng lúa của tôi. Thiên Chúa ẩn giấu của Kinh Thánh không nên được sử dụng như vậy, cả hai cách, cách nào cũng thế thôi.
Nhưng, đâu là vai trò của Đức YÊSU NAZARETH trong thực tại vô hình của thiên Chúa? Nếu như Đức YÊSU là một sự thần hiện, một sự “hiển hiện của Thiên Chúa” theo cái nghĩa tôn giáo thông thường, thì sự kiện Thiên Chúa giấu ẩn sẽ bị bác bỏ nơi ngã vị của Đức YÊSU. Nhưng, thực tế không phải như vậy. Thiên Chúa không “xuất hiện” nơi Đức YÊSU; Ngài tự giấu ẩn mình đi trong cái chuồng súc vật là lịch sử nhân loại. Ngài tự ẩn giấu mình đi theo cái nghĩa mà chúng tôi vừa nói, khi chứng tỏ rằng Ngài không có gì chung đụng với cái mà các thứ tôn giáo vẫn chờ đợi từ các thần thánh của mình. Trong ngã vị của Đức YÊSU, Thiên Chúa vẫn không thôi ẩn giấu, không, nhưng Ngài là một Đấng “hoàn toàn khác” khi gặp gỡ con người. Ngài “không để lộ mình ra”, nhưng Ngài vẫn chứng tỏ rằng Ngài vẫn đang hành động, tuy giấu ẩn, trong lịch sử loài người.
Chẳng có gì đáng ngạc nhiên khi niềm thao thức tôn giáo, dù dưới hình thức huyền thoại hay siêu hình học, không cảm thấy thoải mái trước con người Đức YÊSU. Nơi Đức YÊSU, Thiên Chúa tự từ chối không nhậm lời những lời cầu mong đợi của các bộ tộc ngày xưa, hoặc trả lời cho những bế tắc triết học. Như BONHOEFFER nói cách chí lý, nơi Đức YÊSU, Thiên Chúa dạy con người biết tự vượt qua Ngài, đạt đến tình trạng trưởng thành của Ngài, giải phóng mình khỏi tình trạng lệ thuộc ấu trĩ vào Ngài, trở nên con người đích thực. Chính vì thế, hành động của Thiên Chúa nơi Đức YÊSU cung cấp không mấy tư liệu cho những ai hy vọng tìm thấy ở đấy cái để xây dựng một hệ thống hoàn hảo và chung cuộc. Thiên Chúa không muốn loài người ta sử dụng Ngài như vậy. Ngài không muốn dành sẵn ngay cho con người một tình trạng trưởng thành vĩnh cửu, điều Ngài muốn là tuyệt đối trao lại thế giới cho con người và để cho con người trách nhiệm.
(Harvey COX, La cité séculière, Paris, Casterman, 2e éd., 1968, p. 276).
Tài liệu tham khảo:
Không có mấy cuốn sách về thần học đề cập vấn đề trần tục hoá và cái chết của Thượng đế. Chúng tôi giới thiệu bạn một vài tác phẩm có ý nghĩa hoặc đề cập vấn đề cách đại để:
· Collectif, Les deux visages de la théologie de la séculari- sation, Tournai-Paris, Casterman, 1970.
· Collectif, Herméneutique de la sécularisation, Colloque Castelli, organisé à Rome, 3 - 8 janvier 1976, Paris Aubier-Montaigne, 1976.
· Lumière et vie, n0 89, 1968.
· Peter L. BERGER, La religion dans la conscience moderne, Paris, Centurion, 1971.
· Harvey COX, La cité séculière, Tournai-Paris, Casterman, 1968, 2e éd.
· // , La fête des fous, Paris, Seuil, 1971.
· Georges CRESPY, Essais sur la situation actuelle de la foi, Paris, Cerf, 1970.
· Christian DUQUOC, Ambiguité des théologies de la sécu- larisation, Essai critique, Gembloux, Duculot, 1972.
· Alain DURAND, Sécularisation et présence de Dieu, Paris, Cerf, 1971.
· F. GOGARTEN, Destin et espoir du monde moderne, Tournai-Paris, Casterman, 1970.
· L. NEWBIGIN, Une religion pour un monde séculier, Tournai-Paris, Casterman, 1969.
· W.H. Van de POL, La fin du christianisme conventionnel, Paris, Centurion, 1969.
· J. Sperna WEILAND, La nouvelle théologie, Paris, Desclée de Brouwer, 1969.
Tác giả: Bruno CHENU - Lm Phêrô Nguyễn Thiên Cung chuyển ngữ
Nguồn: giaolyductin.org
Nguồn: giaolyductin.org
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét