MỘT CÂU CHUYỆN VỀ EINSTEIN
Nguyễn Nhân Trí
Cách đây vài hôm tôi có nhận được một email mang câu chuyện dưới đây.
Nếu bạn là một người theo Đạo Thiên Chúa Giáo, câu chuyện dưới đây rất đáng để bạn nên đọc, tin tôi đi
Giáo sư : Con trai là một người theo đạo Thiên Chúa Giáo
đúng không?
Sinh viên : Dạ đúng thưa giáo sư
Giáo sư : Vậy con có tin vào Chúa không?
Sinh viên : Tất nhiên rồi thưa giáo sư
Giáo sư : Chúa tốt lành chứ?
Sinh viên : Chắc chắn là như vậy
Giáo sư : Chúa có tất cả quyền lực không?
Sinh viên : Dạ có
Giáo sư : Anh trai tôi chết vì ung thư mặc dù anh ấy đã cầu nguyện với Chúa chữa lành cho anh ấy rất nhiều. Hầu hết trong chúng ta ai cũng đã cố gắng giúp đỡ người khác khi họ đau ốm. Nhưng Chúa thì không. Vậy cậu nói xem Chúa tốt lành như thế nào?
(Sinh viên im lặng)
Giáo sư : Cậu không thể trả lời phải không? Vậy chúng ta lại bắt đầu lại với câu hỏi : Chúa tốt lành không?
Sinh viên : Dạ có
Giáo sư : Quỷ Satan có tốt lành không?
Sinh viên : Không.
Giáo sư : Vậy quỷ Satan là đến từ đâu?
Sinh viên : Dạ, từ …Chúa mà ra…
Giáo sư : Đúng rồi. Con trai hãy nói cho ta biết, tội ác có tồn tại trên thế giới này không?
Sinh viên : Dạ có
Giáo sư : Tội ác ở khắp mọi nơi phải không? Và Chúa tạo nên tất cả mọi thứ, đúng không?
Sinh viên : Đúng!
Giáo sư : Vậy ai tạo ra tội ác?
(Sinh viên không trả lời)
Giáo sư : Vậy còn bệnh tật? sự đồi bại? lòng thù hận ? sự
xấu xa? Tất cả những thứ kinh khủng đó vẫn tồn tại trên thế giới chứ?
Sinh viên : Dạ đúng , thưa Giáo sư
Giáo sư : Vậy, ai tạo nên chúng?
(Sinh viên không trả lời)
Giáo sư : Khoa học nói rằng chúng ta có 5 Giác quan để nhận định và quan sát thế giới xung quanh ta. Hãy nói cho ta biết, con đã từng thấy Chúa chưa?
Sinh viên : Dạ chưa.
Giáo sư : Nói cho ta biết cậu đã từng nghe Chúa nói chưa?
Sinh viên : Chưa, thưa Giáo sư
Giáo sư : Cậu đã từng cảm nhận thấy CHÚA, nếm được mùi vị của CHÚA, ngửi được CHÚA chưa? Cậu đã từng bao giờ nhận thức được bằng bất cứ giác quan nào về Chúa chưa?
Sinh viên : Chưa thưa Giáo sư. Con e là chưa cảm nhận được giác quan nào cả
Giáo sư : Vậy cậu còn tin vào Chúa không?
Sinh viên : Dạ có
Giáo sư : Theo kinh nghiệm, những thử nghiệm, những phương pháp chứng minh khác, Khoa học nói rằng CHÚA không hề tồn tại. Con nói về điều này thế nào, con trai?
Sinh viên : Không là gì cả. Tôi chỉ có niềm tin.
Giáo sư : Đúng rồi, đức tin. Và đó là vấn đề mà Khoa học gặp phải
Sinh viên : Thưa Giáo sư, có tồn tại một thứ gọi là “nóng” không?
Giáo sư : Có!
Sinh viên : Và có tồn tại thứ gọi là “lạnh” không?
Giáo sư : Có!
Sinh viên : Không có, thưa Giáo sư. Nó không hề có.
(Giảng đường bỗng trở nên im lặng với câu trả lời bất ngờ của cậu sinh viên)
Sinh viên : Thưa Giáo sư, giáo sư có thể có rất nhiều thứ gọi là nóng, và còn có thể nóng hơn, siêu nóng, cực kì nóng, nhiệt độ nóng trắng. Nhưng chúng ta không có bất cứ gì gọi là lạnh. Chúng ta có thể đạt đến nhiệt độ dưới 0 đến -458 độ, nhưng chúng ta không thể đạt đến mức thấp hơn con số đó. Không có bất cứ thứ gì gọi là lạnh , lạnh là một từ ngữ chúng ta dùng để mô tả sự vắng mặt của nóng . Chúng ta không thể đo lường được lạnh, lạnh đến đâu. Nóng là một loại năng lượng , và lạnh không phải là mặt trái của nóng, thưa giáo sư, chỉ là sự vắng mặt của nóng mà thôi.
(Giảng đường thinh lặng với những giải thích của cậu sinh viên)
Sinh viên : Còn về bóng tối thì sao thưa Giáo sư ? Có thứ gì để gọi là “bóng tối” không?
Giáo sư : Có. Đêm tối là gì, nếu nó không phải là bóng tối ?
Sinh viên : Giáo sư lại sai nữa rồi. Bóng tối là sự thiếu vắng của một thứ khác. Giáo sư có thể có được ánh sáng yếu, ánh sáng trung bình, ánh sáng mạnh, ánh sáng chớp. Nhưng nếu không có ánh sáng một cách thường xuyên, Giáo sư sẽ chẳng có cái gì để gọi là “bóng tối” .Trong thực thế, không có bóng tối , nếu có , Giáo sư có thể làm cho bóng tối trở nên tối hơn không thưa Giáo sư?
Giáo sư : Vậy vấn đề mà con đang muốn đề cập ở đây là gì , chàng thanh niên trẻ tuổi?
Sinh viên : Thưa giáo sư, điều mà tôi muốn nói ở đây là tiền đề triết học của Giáo sư có chỗ thiếu sót.
Giáo sư : Thiếu sót? Cậu có thể giải thích rõ hơn không?
Sinh viên : Thưa giáo sư, giáo sư đang giải thích trên tiền đề của sự đối ngẫu 2 mặt. Giáo sư chỉ rõ rằng có sự sống và có cái chết, có Chúa tốt và Chúa xấu. Giáo sư đang nhìn vào khái niệm về Chúa chỉ như một tập hữu hạn,chỉ bằng một cái gì đó có thể đo lường được. Thưa Giáo sư, Khoa học thậm chí không thể giải thích về một cách thức con người suy nghĩ như thế nào. Có thể là dùng những tín hiệu về xung điện và từ ngữ gì đó, nhưng chúng ta không bao giờ thấy được, nhưng bằng cách nào đấy chúng ta vẫn cũng có thể hiểu được người khác. Nếu chúng ta xem xét về cái chết là đối lập với sự sống, nghĩa là đang phớt lờ đi sự thật rằng cái chết không thể tồn tại như một thứ gì đó mà tồn tại hữu hình.
Sự chết không phải là đối lập với sự sống, chỉ là sự vắng mặt của sự sống. Điều này giải thích rằng : bệnh tật, tội ác, tất cả những thứ kinh khủng trên thế giới này đều không tồn tại, mà là vì chúng ta đang thiếu vắng đi 1 thứ, đó là tình yêu của 1 đấng tối cao nào đó.
Bây giờ Giáo sư hãy nói cho tôi biết, Giáo sư có dạy cho sinh viên của mình rằng họ tiến hóa như bây giờ từ loài khỉ không?
Giáo sư : Nếu như cậu đang đề cập về quá trình tiến hóa tự nhiên thì dĩ nhiên là có.
Sinh viên : Đã bao giờ giáo sư quan sát được quá trình tiến hóa bằng mắt thường chưa Giáo sư?
(Giáo sư lắc đầu và cười, bắt đầu nhận ra rằng vấn đề của cuộc tranh luận đang đi về đâu)
Sinh viên : Bởi vì không ai có thể quan sát được quá trình tiến hóa trong công việc và càng không thể chứng minh rằng quá trình này là một quá trình đang diễn ra. Vì thế thưa Giáo sư, có phải giáo sư không dạy bằng quan điểm cá nhân của giáo sư đúng không? Giáo sư là một nhà khoa học hay chỉ là một người thuyết giáo suông dạy đời?
(Lớp học bỗng trở nên ồn ào)
Sinh viên : Có ai trong lớp học này đã từng nhìn thấy được bộ não của Giáo sư chưa?
(Lớp học ồ lên những tiếng cười lớn)
Sinh viên : Có ai đó đã từng nghe về bộ não của Giáo sư, cảm nhận được bộ não đó, chạm được nó, hoặc ngửi được nó chưa? Không ai có mặt ở đây đã làm điều đó cả. Vì thế, theo như quy luật được thiết lập bởi kinh nghiệm, sự thử nghiệm, các phương pháp chứng minh, Khoa học nói rằng Giáo sư không có bộ não . Vậy chỉ bằng lòng kính trọng, thì làm sao chúng tôi có thể tin những gì Giáo sư dạy được, thưa Giáo sư?
(Căn phòng im lặng. Giáo sư nhìn chằm vào cậu sinh viên, không đoán được cậu ấy đang nghĩ gì )
Giáo sư : Tôi nghĩ là cậu hãy cứ để những thứ đó cho niềm tin, cậu con trai ạ.
Sinh viên : Đúng là thế đấy, thưa Giáo sư….Chính xác! Sự kết nối giữa con người và Chúa đó là NIỀM TIN. Tất cả những điều đó giữ cho mọi thứ vẫn tiếp tục sống, tiếp tục còn đó và phát triển.
P/S:
Mình tin là tất cả các bạn đã cảm nhận được cuộc đối thoại trên đây theo một cách thú vị. Và nếu đúng như vậy, chắc chắn bạn cũng muốn bạn bè và đồng nghiệp của mình sẽ đọc được mẩu chuyện này đúng không?
Hãy gửi thông điệp này đến họ bằng cách nhấn “share” để giúp họ trở nên hiểu biết hơn…hoặc…ĐỨC TIN..
—Nhân tiện, cậu sinh viên trong câu chuyện trên đây chính là EINSTEIN – Nhà khoa học vĩ đại nhất mọi thời đại—
***
Đây là một câu chuyện, theo tôi, khá lý thú mặc dù nó là một dạng “thư chuỗi” (chain mail) gởi chuyền lan tràn một cách tùy tiện từ người nầy đến người khác. Khá lý thú về mặt phép luận lý (logic) vì nó mang nhiều ngụy biện rõ rệt nhưng không mấy ai có vẻ nhận thấy. “Ngụy biện” (fallacies) là những phương cách lý luận “bất hợp pháp”, do đó vô giá trị, về phương diện luận lý. Nếu họ nhận thấy thì chắc là họ đã không tiếp tục gởi chuyển như thế để dần dần đến tay tôi.
Đây là một câu chuyện có nội dung về sự hiện hữu của Thượng Đế (trong trường hợp nầy, Thiên Chúa). Tuy nhiên tôi chỉ xin thảo luận về mặt giá trị luận lý của nó. Vấn đề “sự hiện hữu của Thượng Đế” không phải là mục đích của bài nầy.
Trước hết tôi xin nói về câu kết luận của vị giáo sư trong chuyện “Theo kinh nghiệm, những thử nghiệm, những phương pháp chứng minh khác, Khoa học nói rằng CHÚA không hề tồn tại. Con nói về điều này thế nào, con trai?”
Đây là một ngụy biện. Vị giáo sư nầy đang muốn chứng minh sự KHÔNG hiện hữu của một sự vật (“Chúa không hề tồn tại”). Ông ấy đáng lẽ phải biết rằng muốn chứng minh sự hiện hữu của một sự vật thì không khó lắm (nếu có thể đem sự vật ấy ra trước mặt làm bằng chứng), tuy nhiên không ai có thể chứng minh sự KHÔNG hiện hữu của một sự vật cả. Đó là vì không ai có thể săn lùng, tìm kiếm, kiểm chứng, ở mọi thời gian, mọi không gian, mọi hoàn cảnh một cách tuyệt đối để kết luận rằng sự vật đó không hề tồn tại.
Vì vậy, ngay như khi tất cả các kinh nghiệm, những thử nghiệm, những phương pháp chứng minh của khoa học đều không tìm ra được Chúa thì vẫn không thể kết luận rằng “Chúa không hề hiện hữu”. Nếu muốn, một khoa học gia chỉ có thể tuyên bố rằng “cho đến nay chưa có một bằng chứng khoa học thực tế nào cho thấy sự hiện hữu của Chúa cả.”
Vị giáo sư khi phát biểu một kết luận tuyệt đối dựa trên những dữ kiện không tuyệt đối đã đưa ra một lỗ hổng trong cách lý luận và làm giảm giá trị câu kết luận của ông ấy một cách trầm trọng.
Kế đó tôi xin nói về các nhận xét của cậu sinh viên trong chuyện rằng “lạnh chỉ là sự vắng mặt của nóng”, “bóng tối chỉ là sự vắng mặt của ánh sáng”. Những điều nầy hoàn toàn đúng. Đây là những khái niệm và những hiện tượng vật lý xảy ra luôn luôn và đồng nhất ở mọi thời điểm, nơi chốn, hoàn cảnh trong thế giới chung quanh chúng ta.
Tuy nhiên, dùng những khái niệm và hiện tượng vật lý trên để dẫn đến lý luận “bệnh tật, tội ác, tất cả những thứ kinh khủng trên thế giới này đều không tồn tại, mà là vì chúng ta đang thiếu vắng đi 1 thứ, đó là tình yêu của 1 đấng tối cao nào đó” là một ngụy biện.
Hai sự kiện nầy tuy mới nhìn thoáng qua có vẻ giống nhau nhưng mang các tính chất trọng yếu rất khác nhau, như cam với táo. Gán ghép hai sự kiện tương tự nhưng khác biệt nhau để đưa đến kết luận như ý muốn là một ngụy biện được vô tình lẫn cố ý dùng thường xuyên.
Thứ nhất, việc lạnh nóng tối sáng trên có các mối tương quan chặt chẽ và tùy thuộc lẫn nhau. Lạnh là vì không nóng. Tối là vì không sáng. Như lời cậu sinh viên nói. Không có thể có vì lý do gì khác được. Trong khi đó, “bệnh tật và tội ác” không có mối tương quan chặt chẽ và tùy thuộc lẫn nhau với “tình yêu của một đấng tối cao nào đó”. “Bệnh tật và tội ác” có thể, và thường, là vì rất nhiều lý do khác chẳng hạn như không có khả năng y tế, không có pháp luật hữu hiệu, không có lực lượng cảnh sát lương thiện, không có kiến thức và trình độ giáo dục, không có điều kiện kinh tế, không có tài nguyên thích hợp, không có đạo đức, bẩm sinh, hoàn cảnh xã hội, v.v. và v.v. “Thiếu vắng tình yêu của một đấng tối cao” chỉ là MỘT lý do khả dĩ trong vô số lý do khác.
Thứ hai, sự kiện lạnh nóng tối sáng, như nói ở trên, luôn luôn đúng ở mọi thời điểm, nơi chốn và hoàn cảnh đối với mọi người. Trong khi đó, lý luận “bệnh tật và tội ác là vì thiếu vắng tình yêu của một đấng tối cao nào đó” chỉ có giá trị đối với một số người và hoàn cảnh giới hạn mà thôi.
Và hơn nữa, ngay cả nếu lý luận trên của cậu sinh viên chứng minh được rằng “bệnh tật và tội ác cùng tất cả những thứ kinh khủng trên thế giới nầy” thật sự là vì “sự thiếu vắng tình yêu của một đấng tối cao nào đó”, thì quả như vậy: lý luận trên chỉ có thể cho thấy sự hiện hữu khả dĩ của một đấng tối cao NÀO ĐÓ mà thôi. Lý luận trên không cho thấy đấng tối cao đó là Thiên Chúa. Theo cách lý luận của cậu học trò, đấng tối cao đó cũng có thể là Phật Tổ, Phật A Di Đà, Alah, Ngọc Hoàng Thượng Đế, Thần Rắn, Thần Mặt Trời, Thần Đầu Voi hay bất cứ một dạng thần linh hay thượng đế khác của bất cứ tôn giáo lớn nhỏ xưa nay nào đó. Có nghĩa là lý luận trên vẫn không đưa cậu sinh viên đó đến mục đích mà tác giả của câu chuyện trên có vẻ như muốn dẫn độc giả đến: sự hiện hữu của Thượng Đế của Thiên Chúa Giáo.
Kế đó tôi xin nói đến việc cậu sinh viên đem ra vấn đề “quá trình tiến hóa của loài người từ loài khỉ” để hỏi vị giáo sư “đã bao giờ giáo sư quan sát được quá trình tiến hóa bằng mắt thường chưa?” rồi tuyên bố “Bởi vì không ai có thể quan sát được quá trình tiến hóa trong công việc và càng không thể chứng minh rằng quá trình này là một quá trình đang diễn ra.”
Ý cậu sinh viên trong chuyện ở đây muốn cho thấy thuyết Tiến Hóa (của Darwin) là sai lầm vì không ai có thể quan sát được quá trình tiến hóa đang diễn ra. Và như thế thì phải có một đấng Sáng Tạo nào đó (mà cậu gọi là “đấng tối cao”).
Đây một lần nữa là dạng ngụy biện “vì không thấy được một sự việc xảy ra nên nó không hiện hữu” mà vị giáo sư đã phạm phải ở trên khi tuyên bố “không thí nghiệm khoa học nào thấy có Thiên Chúa nên Thiên Chúa không thể hiện hữu”. Ngay cả nếu như không có ai quan sát được quá trình tiến hóa thì điều nầy vẫn không chứng minh là quá trình đó thật sự không đang diễn ra.
Tuy nhiên, lối lý luận trên của cậu sinh viên chẳng những sai lầm về phương diện luận lý mà còn thiếu sót trên phương diện dữ kiện nữa. Đó là vì thuyết Tiến Hóa được thành hình chính là từ sự quan sát các hiện tượng thực tế xảy ra trong thiên nhiên. Người ta quan sát thấy những hiện tượng trên xảy ra một cách đồng nhất và thường xuyên đủ để họ đưa ra một lý thuyết để giải thích về nó. Charles Darwin không phải là người đầu tiên duy nhất quan sát thấy điều nầy. Darwin chỉ là người đầu tiên ấn hành một quyển sách về lý thuyết nầy. Điều cần biết là cho đến nay vẫn chưa có lý thuyết nào có thể giải thích các hiện tượng nầy một cách hợp lý hơn.
Diễn giảng rõ ràng về thuyết Tiến Hóa cần một số lượng kiến thức chi tiết rộng lớn hơn phạm vi cho phép trong bài nầy cho nên tôi sẽ không đi sâu thêm vào vấn đề đó ở đây. Độc giả nếu muốn có thể tìm hiểu thêm ở http://nguyennhantri.wix.com/t ieuluan#!ngun-gc-ca-chng-loi-/ cvqq
Tôi bây giờ xin nói đến đoạn cậu sinh viên cho thấy tuy không ai “thấy được, ngữi được” bộ óc của vị giáo sư, kể cả chính ông ấy, nhưng ai cũng tin rằng ông ấy có một bộ óc. Sau đó cậu dùng sự kiện nầy để lý luận rằng do đó mặc dù thí nghiệm khoa học không chứng minh được có Chúa nhưng người ta vẫn có thể dùng niềm tin của họ để khẳng định sự hiện hữu của Chúa.
Đây cũng là một ngụy biện. Ở đây cậu sinh viên trộn lẫn hai từ ngữ tuy bề ngoài giống nhau nhưng có ý nghĩa rất khác nhau để biện chứng cho lý lẽ của cậu. Hai chữ đó là “tin” và “niềm tin” (mà nhiều người cũng gọi là “đức tin”).
Trong trường hợp đầu, người ta “tin” vị giáo sư có một bộ óc nằm bên trong đầu ông ấy mặc dù họ chưa bao giờ từng thấy nó là vì họ dùng phương pháp suy luận quy nạp dựa trên kinh nghiệm thực tế. Theo kinh nghiệm thực tế, tất cả mỗi lần có cơ hội mổ xẻ đầu của một người ra thì người ta luôn luôn thấy có một bộ óc trong đó. Thật ra, tất cả mỗi lần mổ xẻ đầu của một động vật ra thì luôn luôn thấy có một bộ óc. Từ đó người ta suy luận rằng tất cả mọi động vật, và mọi con người, đều có một bộ óc trong đầu. Và ngoại trừ một vài trường hợp cực kỳ ngoại lệ, suy luận trên chưa bao giờ sai xưa nay. Do đó mặc dù chưa ai nhìn thấy bộ óc của vị giáo sư nhưng họ đều “tin” rằng ông ấy có một bộ óc. Chữ “tin” ở đây nói về “quan điểm dựa trên lý luận quy nạp từ kinh nghiệm thực tế luôn luôn đúng.”
Trong trường hợp sau, chữ “đức tin” diễn tả các quan điểm không dựa trên kinh nghiệm thực tế, và KHÔNG luôn luôn thể hiện tất cả mỗi lần trong thực tế. “Đức tin” dựa trên lời kể lại của người khác và dựa trên lòng mong muốn để đức tin đó có thật. Thật ra, theo định nghĩa của chính tín đồ, đức tin nằm trong một lãnh vực bên ngoài kinh nghiệm thực tế và lý luận cũng như kiến thức khoa học.
Chữ “đức tin” thường được nói tắt bằng chữ “tin” (như “Con tin có Chúa ở trên cao”), và do đó dễ lẫn lộn với nhau. Sự lẫn lộn nầy làm cho lý luận trên của cậu sinh viên mới nghe thoáng qua có vẻ hữu lý nhưng thật sự chỉ là một ngụy biện.
Nhận xét cuối cùng của tôi về câu chuyện trên là cho đến nay không hề có bằng chứng gì cho thấy đây là một câu chuyện có thật. Einstein chết năm 1995. Trước thời điểm này, không có tài liệu gì nói về câu chuyện trên. Sau thời điểm nầy vẫn không có tài liệu nào với nguồn gốc chính thức đáng tin cậy về câu chuyện trên. Câu chuyện trên hầu như chỉ được phổ biến ở một số trang mạng cá nhân và lưu truyền dưới dạng “thư chuỗi” như tôi đã nhận được.
Đây cũng là một dạng ngụy biện nữa. Phương cách gán ghép tên tuổi của những nhân vật nổi tiếng vào một tranh luận để cố ý làm tăng giá trị của lý lẽ của mình là một ngụy biện thường thấy. Ở đây, ngay cả nếu như Einstein đã thật sự là cậu sinh viên trong chuyện thì chúng ta cũng không nên dùng điều nầy để tuyên bố rằng “Vì Einstein tin Thượng Đế hiện hữu nên chúng ta cũng nên tin Thượng Đế hiện hữu”. Đó là vì Einstein chỉ là một thiên tài về toán và vật lý học. Mặc dù vĩ đại và lỗi lạc cách mấy trong phạm trù đó, Einstein không phải là một chuyên gia về tâm linh. Thật ra, chúng ta cũng cần nhận thấy rằng Einstein không khác gì mấy so với tôi hay bạn (hay bất cứ người nào khác trên thế gian nầy) khi đứng trước câu hỏi “Thượng Đế có hiện hữu hay không?”
Vì danh tiếng lẫy lừng của ông, Einstein là một trong những người thường xuyên bị gán ghép cho làm chủ các câu “danh ngôn” mà ông không hề có liên quan gì đến. Trong trường hợp nầy, đây là một câu chuyện liên quan đến phép luận lý. Và luận lý học có thể nói là một phần nền tảng chính của toán học. Vì vậy có lẽ Einstein nằm dưới mồ sẽ đặc biệt không hài lòng mấy khi biết mình bị diễn tả như một cậu bé vi phạm nhiều lỗi lầm về luận lý học như vậy!
-----o0o-----
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét