Trang

Thứ Tư, 26 tháng 7, 2017

24 Giáo Hội Công Giáo Dưới Cái Nhìn của Một Ký Giả Hoa Kỳ (bài 24)

Giáo Hội Công Giáo Dưới Cái Nhìn của Một Ký Giả Hoa Kỳ (bài 24)

Tác giả: 
 Vũ Văn An

Các vị giáo hoàng đã sử dụng quyền lực chính trị ra sao? 

Ngoài bộ máy ngoại giao chính thức của Tòa Thánh ra, ngôi vị giáo hoàng còn là bục giảng xuất sắc độc đáo, và tư thế cao của các vị giáo hoàng giúp các ngài tạo được nhiều “quyền lực mềm” trong nền chính trị hoàn cầu.

Cuối thập niên 1950, chẳng hạn, Đức Giáo Hoàng Gioan XXIII lo sợ việc phân cực thế giới thành các phe có vũ trang, nhất là trong thời đại nguyên tử, là điều nguy hiểm. Một cách cẩn trọng nhưng cương quyết, ngài đã tái điều hướng chính sách ngoại giao của Tòa Thánh, bằng cách gửi dấu hiệu cho các chính phủ Cộng Sản hay: ngài muốn cải thiện các mối liên hệ. Sự đổi chiều này được gọi là chính sách bình thường hóa (ostpolitik) của Vaticn hay “Chính Sách Đông Âu”.

Chính sách trên thành công trong cuộc khủng hoảng hỏa tiễn ở Cuba hồi tháng 10 năm 1962, lúc, trong một chương ít được biết đến của nền ngoại giao giáo hoàng, Đức Gioan đã giúp làm dịu căng thẳng giữa Kennedy và Krushchev. Đức Giáo Hoàng không trực tiếp can dự vào các trao đổi giữa các siêu cường, nhưng ngài gửi cho họ các thông điệp, vừa công khai vừa tư riêng, thúc giục một giải pháp và sẵn sàng hỗ trợ cả hai bên. Krushchev dùng các thông điệp của Đức Giáo Hoàng để thuyết phục Bộ Chính Trị đầy cứng rắn rằng không phải nhà lãnh đạo nào của Tây Phương cũng thù địch đối với quyền lợi Liên Bang Xô Viết. Krushchev nói: “Điều Đức Giáo Hoàng làm cho hòa bình sẽ đi vào lịch sử. Sứ điệp của Đức Giáo Hoàng là tia hy vọng độc nhất”. Kennedy đáp ứng với cùng một tâm tình, bằng cách trao tặng Đức Giáo Hoàng, sau khi ngài đã qua đời, Huy Chương Tự Do của Tổng Thống vì vai trò của ngài trong việc tháo ngòi cuộc tranh chấp.

Dĩ nhiên, các vị giáo hoàng không phải vạn năng, và các cố gắng chính trị của các ngài không luôn thành công. Giữa thập niên 1960, Đức Giáo Hoàng Phaolô VI cố gắng thuyết phục Hoa Kỳ chấm dứt chiến tranh ở Việt Nam, thậm chí còn đích thân gặp Tổng Thống Lyndon Johnson để trình bầy chính nghĩa của mình, nhưng không thành công. Suốt thập niên 1990, Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II nhiều lần kêu gọi các cường quốc Tây Phương chấm dứt việc cấm vận Iraq; ngài nhấn mạnh rằng điều đó chỉ gây thiệt hại cho thường dân vô tội hơn là chế độ của Saddam Hussein. Tuy nhiên, việc cấm vận vẫn tiếp tục có hiệu lực. Đức Gioan Phaolô cũng nhiều lần kêu gọi chính phủ Bush đừng xâm lăng Iraq năm 2003, thậm chí đã phái một đặc phái viên tới Bạch Ốc để kêu gọi tự chế, nhưng, một lần nữa, ngài cũng không thành công. (Tuy nhiên, một số phân tích gia cho rằng đức Gioan Phaolô thành công ở một nghĩa khác. Trước cuộc xâm lăng năm 2003, người ta sợ rằng nó sẽ châm ngòi một cuộc “chạm trán văn hóa” hoàn cầu có tính rộng rãi hơn giữa người Kitô hữu và người Hồi Giáo. Phần lớn, điều ấy đã không xẩy ra. Một số người cho rằng sự chống đối chiến tranh của Đức Gioan Phaolô hai đã giúp “người Hồi Giáo đường phố” phân biệt được sự khác nhau giữa chính sách ngoại giao của Hoa Kỳ và Kitô Giáo). Cũng thế, Đức Bênêdíctô XVI nhiều lần kêu gọi ngưng chiến giữa lúc có các bất ổn dân sự ở Syria năm 2011; ngài lên án việc sử dụng võ lực chống lại dân số dân sự, nhưng xem ra không ai lưu ý cả. Thế nhưng, dù thất bại, tinh thần đấu tranh của các vị giáo hoàng gần đây đã cho thấy rõ tính liên hệ về chính trị của Vatican và Giáo Hội Công Giáo.

Bất cứ ở đâu trên thế giới, một cuộc khủng hoảng chính trị nổ ra, các nhà báo, các nhà ngoại giao, các nhà làm chính sách, và người thường dân cũng đều đặc biệt lưu ý tới chiều hướng Vatican sẽ xoay về đâu. Họa hiếm họ mới dành cùng một lưu ý như thế cho bất cứ lập trường nào khác của các định chế như Liên Minh Luthêrô Thế Giới, hay Cộng Đồng Quốc Tế Bahá’ί. Sở dĩ như thế là vì lịch sử nhiều lần cho thấy thắng, thua, hay huề, Vatican đều đóng một vai trò nào đó.

Các giám mục có những khí cụ chính trị nào?

Trên bình diện quốc gia, cả các giám mục cá thể lẫn các hội đồng giám mục quốc gia thường gây ảnh hưởng lớn lao về chính trị, nhất là tại các quốc gia, trong đó, Giáo Hội Công Giáo có số giáo dân đông đảo. Thập niên 1980, chẳng hạn, các giám mục Công Giáo của Hoa Kỳ ban hành hai “thư mục vụ’ quan trọng; đây là các văn kiện trong đó, các vị giám mục bầy bỏ sự quan tâm của mình đối với một chủ đề nào đó trong tư cách mục tử. Các thư này bàn tới kinh tế, chiến tranh và hòa bình. Lúc đó, cả hai lá thư đều được coi là đi ngược phần nào với các chính sách của chính phủ Reagan, và cả hai lá thư cùng tạo ra một phản ứng sâu rộng trong các giới truyền thông và chính trị.

Một điển hình gần đây xuất phát từ Ý năm 2005 nơi các giám mục, do Đức Hồng Y Camillo Rui, lúc ấy là chủ tịch Hội Đồng Giám Mục Ý lãnh đạo, đã cố gắng hết sức để đanh bại cuộc trưng cầu toàn quốc nhằm hủy bỏ luật lệ quốc gia về sinh sản nhân tạo. (Đạo Công Giáo chống đối việc thụ thai trong ống nghiệm [IVF] và các phương pháp sinh sản nhân tạo khác, một phần vì chúng liên hệ đến việc tạo ra “phôi thai thặng dư” để sau đó giết đi, vi phạm giáo huấn Công Giáo, một giáo huấn dạy rằng sự sống bắt đầu lúc thụ thai). Trước đó, có lúc Ý nổi danh là “Miền Tây Hoang Dã” của phương pháp thụ thai trong ống nghiệm; năm 1994, Severino Antionori, một bác sĩ người Ý giúp một phụ nữ 62 tuổi, đã là bà nội, mang thai. Năm 2004, Ý quay theo hướng ngược lại, đã chấp nhận đạo luật ngăn ngừa các phương pháp này, được sự ủng hộ của Giáo Hội, đạo luật này chính là đạo luật mà cuộc trưng cầu năm 2005 tìm cách thu hồi.

Người ta dám nghĩ rằng câu kết luận hết sức chắc chắn hẳn là các vị giám mục sẽ thắng thế trong một nước Ý cực hữu Công Giáo, nhưng thực ra khó mà đúng như thế. Giáo Hội Công Giáo thua các cuộc trưng cầu năm 1974 gây nhiều tranh cãi về ly dị, và năm 1981 về phá thai, chứng tỏ nước Ý hiện đại khó còn là các Quốc Gia Giáo Hoàng như ngày xưa. Đức Hồng Y Ruini cương quyết không chịu thua lần này. Thay vì kêu gọi người Ý bỏ phiếu “không”, ngài đề nghị họ không bỏ phiếu, vì luật nước Ý đòi phải có ít nhất 50% cử tri có quyền bỏ phiếu đi bỏ phiếu thì cuộc trưng cầu mới có giá trị. Cuối cùng, chỉ có 26% cử tri có quyền bỏ phiếu đi bỏ phiếu mà thôi, nên cuộc trưng cầu đã không thành công. Đức Hồng Y Ruini gọi đây là một chiến thắng lớn lao, dù một số nhà bình luận cho rằng bốn cuộc trưng cầu toàn quốc trước đó, cũng đã không thành vì ít người đi bỏ phiếu; họ nói rằng việc tạo ra sự khác biệt này là do sự lãnh cảm của dân chúng chứ không phải do tài lãnh đạo của các giám mục.

Một điển hình ít người biết đến hơn phát xuất từ một nước nhỏ ở Châu Phi, đó là Malawi. Đầu thập niên 1990, Malawi vẫn còn dưới ách thống trị kỳ quặc của nhà độc tài mãn đời, một người hùng được giáo dực ở Mỹ tên Hastings Kamuzu Banda, từng cai trị xứ sở từ ngày nó giành được độc lập từ Vương Quốc Thống Nhất năm 1964. Dù hiện nay, ông ta bị quên lãng phần lớn, nhưng Banda là nhà độc tài Châu Phi hàng đầu thời ông ta. Ông ta khệnh khạng khắp nơi trong một bộ complê 3 mảnh sang trọng kiểu Anh, với những chiếc khăn tay phù hợp và chiếc mũ nỉ “homburg”, cùng với chiếc chổi đuổi ruồi (fly-whisk) tượng trưng cho thẩm quyền của ông ta đối với sự sống sự chết. Khẩu hiệu không chính thức của ông ta là “lời tôi là luật lệ”.

Tháng 3 năm 1992, 7 giám mục của Malawi, do Đức Tổng Giám Mục James Chiona của Blantyre lãnh đạo, đã ban hành một thư mục vụ rất cảm kích tựa là “Sống Đức Tin của Chúng Ta”; các ngài chỉ thị đọc nó tại 130 giáo xứ trong nước. Trong lá thư này, các giám mục tố cáo sự cách biệt lớn lao giữa người giầu và người nghèo, cũng như các lạm dụng nhân quyền của cả đảng chính trị của Banda, là chính đảng duy nhất được luật pháp quốc gia cho phép, lẫn chính phủ. Các ngài kêu gọi chấm dứt bất công, tham nhũng, và gia đình trị, và đòi nhìn nhận tự do phát biểu và đối lập chính trị. Các ngài cũng phê phán nền giáo dục và hệ thống y tế kém tiêu chuẩn. Dù không đòi hỏi nào trong số này mới mẻ, nhưng đây là lần đầu tiên, những người Malawi nổi danh đã lên tiếng và ký tên vào đó.

Lá thư bắt đầu “Mọi con người nhân bản, vì là con cái Thiên Chúa, phải được tự do và kính trọng. Chúng ta không thể quay mặt trước các trải nghiệm bất hợp tình hợp lý và bất công của người dân. Họ là anh chị em của chúng ta đang bị cầm tù mà không biết mình bị tố cáo vì tội gì, và khi nào vụ án của họ được xét xử”. Trong một thách thức trực tiếp đối với việc Banda cho rằng lời của ông ta là luật lệ, các giám mục viết rằng “Không một con người nào có thể cho mình có độc quyền đối với sự thật hay khôn ngoan”.

Các giám mục đã thành công trong việc cho in và phân phối 16,000 bản lá thư trên mà không bị các sở tình báo của Banda phát hiện và thu hồi. Hôm Chúa Nhật, lá thư trên được đọc lên, số người tham dự Thánh Lễ tăng vọt. Nhiều tường trình thuật lại: người dự lễ bật khóc, dâng lời cảm tạ và nhẩy múa ở khoảng giữa các hàng ghế. Được mạnh dạn hơn nhờ lá thư mục vụ, sự chống đối của quần chúng tìm được tiếng nói của mình. Ở Blantyre, thành phố lớn nhất trong nước, các người nghèo chiếm đất tại các khu ổ chuột bất hợp pháp, nơi dịch tả tràn lan, và chất thải tràn ra cả đường phố, đứng lên chống lại các lực lượng an ninh tới đuổi họ đi. Các cuộc biểu tình của sinh viên nổ bùng tại khuôn viên các đại học. Các nhân vật đối lập bắt đầu trở lại. Khi tin tức nổi dậy được loan truyền ra quốc tế, áp lực mỗi lúc mỗi gia tăng đòi các cường quốc Tây Phương tỏ lập trường. Năm 1994, các người quyên tặng đóng băng mọi khỏan viện trợ ngoại quốc cho Malawi, buộc Banda phỉ tổ chức bầu cử tự do. Hậu quả, chế độ của ông ta kết liễu.

Còn việc đấu tranh bên ngoài hàng giáo phẩm thì sao?

Song song với các cơ cấu chính thức của Giáo Hội, đôi khi phối hợp, đôi khi công khai đi ngược lại hàng giáo phẩm, là khá nhiều các tổ chức và phong trào Công Giáo; họ đóng những vai trò chính trị quan trọng ở cấp địa phương, quốc gia, và cả quốc tế nữa. Điều này áp dụng vào cả các nhóm Công Giáo lập ra để tranh đấu các vấn đề chính trị như các người Công Giáo Dân Chủ ở Hoa Kỳ, lẫn các nhóm không nhất thiết lấy chính trị làm thành phần chính thức cho cương lĩnh của mình. Thí dụ, Hội Hiệp Sĩ Columbus đóng một vai trò chính trị quan trọng, nhất là dưới thời Hiệp Sĩ Tối Cao hiện nay là Carl Anderson, một cựu viên chức trong chính phủ Reagan.

Các thời đại trước, người Công Giáo hiểu vai trò người giáo dân trong chính trị chủ yếu chỉ như việc thực hành các điều do hàng giáo phẩm yêu cầu. Tuy nhiên, Vatican II dạy rằng chính người giáo dân chứ không phải giáo sĩ là những người phải chuyển dịch các xác tín luân lý của Giáo Hội thành các thực hành chính trị cụ thể. Việc nhấn mạnh này đã bật khởi nhiều đợt năng lực mạnh mẽ suốt 50 năm qua, đem lại tiếng nói mới mẻ và mạnh mẽ cho các quan tâm Công Giáo, nhưng đôi khi cũng đem lại những sức mạnh khiến người ta đau lòng.

Về trường hợp các tổ chức Công Giáo đi ngược chiều với các giám mục, ta có Hiệp Hội Y Tế Công Giáo. Đây là cơ quan lãnh đạo hàng đầu của hơn 1,200 bệnh viện, hệ thống chăm sóc sức khỏe, các nhà bảo trợ (chủ yếu là các dòng tu) Công Giáo, và các nhóm liên hệ. Trong các năm qua, hiệp hội đóng vai trò hàng đầu trong việc nói lên lập trường Công Giáo về các vấn đề chăm sóc sức khỏe, và do đó, ở vị thế lý tưởng để tham gia các cố gắng của chính phủ Obama trong việc cải tổ toàn bộ hệ thống chăm sóc sức khỏe của Hoa Kỳ, đúc kết trong Đạo Luật Bảo Vệ Bệnh Nhân và Chăm Sóc Vừa Túi Tiền được Quốc Hội thông qua năm 2010.

Các giám mục Hoa Kỳ luôn luôn lên tiếng ủng hộ việc mở rộng bảo hiểm y tế, phản ảnh giáo huấn của Giáo Hội về công bằng xã hội. Ở buổi đầu cuộc tranh luận, Hiệp Hội Y Tế Công Giáo và các giám mục, về căn bản, đi cùng một hướng, tức ủng hộ cuộc cải tổ, bao lâu các nguyên tắc luân lý cốt lõi không bị vi phạm. Nhưng khi diễn trình chính trị càng diễn biến thì các giám mục và hiệp hội càng tách rời nhau trong việc giải thích khác nhau về việc có phải kế hoạch của Obama kết cục sẽ mở rộng việc chính phủ liên bang tài trợ cho các vụ phá thai hay không. Các giám mục tin là có, một điều bị các ngài cho là vô luân theo hai nghĩa chủ yếu: thứ nhất, vì các ngài chống chính việc phá thai, coi nó như sát hại mạng sống vô tội, và thứ hai, các ngài coi nó như vi phạm quyền lương tâm, vì nó buộc người ta phải trả tiền cho một thủ tục bị họ coi là trái phép một cách nặng nề. Ở phía kia, Hiệp Hội Y Tế Công Giáo kết luận rằng kế hoạch của Obama không thay đổi hiện trạng của việc chính phủ liên bang tài trợ việc phá thai, và đàng khác, nó đại biểu cho một bước quan trọng hướng tới việc hàng triệu người hiện không có bảo hiểm hay có bảo hiểm không đủ được chăm sóc y tế nhiều hơn.

Cuối cùng, hiệp hội ủng hộ đạo luật trong khi các giám mục chống lại. Gần tới ngày bỏ phiếu, một số người Công Giáo trong Quốc Hội trưng dẫn lập trường của Hiệp Hội để bào chữa việc họ ủng hộ dự luật bất chấp sự phản đối của các giám mục. Khỏi cần nói, cũng thấy các giám mục không hài lòng; các ngài kêu gọi đối thoại với Hiệp Hội về mối tương quan của họ với hàng giáo phẩm, một lời kêu gọi, chưa được giải quyết khi cuốn sách này được viết ra.

Ở Phi Luật Tân, phong trào đặc sủng El Shaddai có thế lực cho ta một thí dụ khác về việc đôi khi một nhóm giáo dân đi ngược chiều với hàng giáo phẩm. Nó được thành lập năm 1978 bởi một giáo dân Công Giáo, tên Mike Velarde, một nhà chuyên nghiệp về địa ốc. Ông này khởi sự bằng việc giảng đạo trên truyền thanh sau biến cố được ông coi là khỏi bệnh tim một cách lạ lùng. Ngày nay, phong trào này có số người theo ước chừng 8 triệu, dựa vào nhiều đặc điểm tiêu biểu của linh đạo Ngũ Tuần. Thí dụ, El Shaddai tuyên xưng một niềm tin sống động vào “tin mừng thịnh vượng”, tức tin rằng Thiên Chúa tưởng thưởng các môn đệ trung thành của Người bằng các thành công tài chánh và bản thân. Trong các buổi lễ ở các vận động trường, các tín hữu tham dự Thánh Lễ của El Shaddai giơ cao sổ thông hành của mình lên để được làm phép, tin rằng việc này sẽ giúp họ lấy được hộ chiếu cần thiết để đi làm ở ngoại quốc, và lật ngược chiếc dù để nhận lãnh các phúc lành vật chất mà họ tin Thiên Chúa sẽ trút xuống trên họ. Năm 2009, El Shaddai mở một nhà cầu nguyện khổng lồ tốn phí 21 triệu dollars, chưa kể khu đất xây nhà này, với chỗ ngồi đủ cho 16,000 người và chỗ đứng cho thêm 25,000 người khác.

Vì số lượng quần chúng đông đảo theo mình như thế, El Shaddai đã tạo được một ảnh hưởng chính trị lớn lao. Nhiều nhà phân tích tin rằng Fidel Ramos thắng cử tổng thống năm 1992 là nhờ các lá phiếu của El Shaddai, sau khi Velarde ủng hộ ông ta. Ramos là tổng thống đầu tiên và cho tới nay là tổng thống duy nhất không Công Giáo của Phi Luật Tân, nhưng Velarde chấp nhận các chủ trương về thị trường tự do của Ramos, trong đó có việc bãi bỏ quy định đối với các kỹ nghệ chính và tư hữu hóa nhiều tài sản vốn liếng của chính phủ. Năm 1998, cựu tài tử màn bạc Joseph Estrada được bầu thay thế Ramos, trong căn bản, cũng theo đuổi các chính sách kinh tế tương tự song song với điều ông ta gọi là “chiến tranh toàn diện” với các chiến binh Hồi Giáo đặt căn cứ ở miền Nam Phi Luật Tân. Tuy nhiên, Estrada cũng bị kẹt cứng bởi nhiều lời tố cáo tham nhũng, và bị các nhà phê bình coi như một tên độc tài. Các giám mục Công Giáo, dưới sự lãnh đạo của Đức Hồng Y Jaime Sin nhiều uy thế, đã yểm trợ một phong trào đối kháng dưới danh hiệu Quyền Lực Nhân Dân II. Velarde nhất định không chịu ủng hộ việc nổi dậy chống Estrada, và việc anh ta ngầm ủng hộ có lẽ đã giúp Estrada đang bị vây khốn không những tiếp tục cầm quyền thêm một năm nữa, mà còn được tái cử năm 2010. Nhiều chuyên gia Phi Luật Tân cuối thập niên 1990 cho rằng Velarde nặng ký về chính trị hơn Đức Hồng Y Sin, người rõ ràng là nhà lãnh đạo của cộng đồng Công Giáo của xứ sở.

Còn tiếp

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét