ERNST KASEMANN và WOLFHART PANNENBERG Mạc khải trong lịch sử.
KASEMANN và PANNENBERG chắc hẳn là không mấy hài lòng khi được gán cùng đứng chung với nhau như thế nầy. Người thứ nhất vẫn kịch liệt phê bình người thứ hai và đổ cho ông ta hoàn toàn là “nhà thần học-phi hành gia vũ trụ” (théolo- gien-astronaute) dám hoạch định một cao vọng đọc toàn thể lịch sử. Tuy vậy, giữa hai con người nầy cũng có hơn một điểm chung. Ngoài việc cả hai đều là những người Đức theo giáo phái Tin lành, họ còn cùng đứng chung với nhau trên một lập trường quyết vượt qua BULTMANN, thoát ra khỏi nơi tù túng là thực tại hiện sinh chỉ có chiều kích cá thể của BULTMANN. Tiến trình suy tư thần học của cả hai đều cắm sâu trong thái độ nghiêm túc suy tư về lịch sử và cùng dìm mình trong một nỗ lực làm sao để thực tại tương lai chung cục (cánh chung học) sinh hoạt lại. Đã hẳn, giữa hai người, mỗi người theo một phương pháp khác nhau. Nhưng họ cùng đi đến chỗ gặp nhau ở một điểm nầy là lịch sử, chứ không phải Lời như nơi BARTH và BULTMANN, là con đường của Mạc khải. Thiên Chúa ở trong lịch sử, và điều đó không có cách gì vãn hồi lại được..
Dưới dấu chỉ của thực tế đa dạng và khác biệt.
Ernst KASEMANN trong một khoảng thời gian dài đã là mục sư coi sóc xứ đạo trước khi được giao phó cho một chỗ dạy học. Mãi đến tuổi 40, năm 1946, KASEMANN mới trở thành giáo sư chú giải Tân Ước tại Mayence, rồi ở Gottingen và Tubingen. Chính lúc bấy giờ KASEMANN, mới có dịp kết hợp những tài năng vừa là nhà chú giải vừa là sử gia của mình, nhưng luôn luôn vẫn đứng trên nền tảng thần học. KASEMANN đã có một ảnh hưởng đáng kể trên những con người như Jurgen MOLTMANN (mà KASEMANN gọi đấy là “đồ đệ của tôi”) và Hans KUNG. Toàn bộ công trình của KASEMANN, vẫn chưa được dịch ra tiếng Pháp hết, đã được biết đến khá hơn kể từ khi Pierre GISEL đã cống hiến cho nó cả một luận án đồ sộ: Vérité et histoire(Beauchesne, 1977).
Theo Pierre GISEL, dự án suy tư thần học của KASE- MANN nổi bật lên 4 trục chính: vấn nạn về Đức YÊSU lịch sử, vấn đề giáo quy (canon) những tác phẩm Tân Ước, nỗ lực tái phục hồi giá trị chiều kích khải huyền và tư tưởng của Thánh PHAOLÔ. Những luận đề có nguồn gốc chú giải nầy tất cả chung quy đều quy về cuộc tranh luận về vấn đề Thiên Chúa với lịch sử.
- Đức YÊSU lịch sử: Trong thần học về Tân Ước của mình, BULTMANN đã đề cao giá trị của nội dung truyền thống rao giảng (kérygme) của Giáo hội sơ khai theo cách thức đến độ lãng quên Đức YÊSU trần thế. Chỉ có biến cố Phục sinh là đáng kể đối với quyết định của niềm tin. KASEMANN, trái lại, muốn lưu ý đến sự kiện nầy là những người Kitô-hữu đầu tiên đã kinh qua cảm nghiệm nhu cầu cần thiết phải kể về cuộc đời của Đức YÊSU. Điều đó không phải do tình cờ. Đối với niềm tin Kitô-giáo, lịch sử vẫn mang giá trị đích xác, lịch sử của Đức YÊSU cũng như lịch sử của Giáo hội. Lịch sử và chân lý, hai cái nầy không thể tách rời nhau, ngay như cả khi trong tư thế có vẻ như đang xung đột với nhau. Đến nỗi Đức YÊSU chỉ giao nộp chính mình cho chúng ta dưới những loại hình thuộc thực tại không tất yếu của lịch sử và có thể có nhiều cách thức giải thích. Không thể thoát khỏi thực tế không tất yếu và đa dạng nầy. Mã số chân lý về con người và về thế giới được giải mã ngay trong lòng của một thực tại hiện sinh là chính Đức YÊSU NAZARETH.
- Vấn đề Giáo quy (Canon). Vấn đề giáo quy các sách Tân ước, đó là vấn đề quy phạm (norme) mà niềm tin và thần học đều phải phục tùng. Cũng như trên đây, ở đây, KASEMANN ghi nhận đặc tính đa dạng, không liên tục của lời rao giảng Kitô-giáo. Và KASEMANN vẫn không muốn dứt điểm về vấn đề nầy một điều gì cả. Nhưng, giáo quy, do việc rào kín của nó, đã khoanh vùng một khoảng không gian nhất định. Giáo quy giữ lại một khoảng cách cách biệt với độc giả hiện tại, khoảng cách được coi như coi như là điều kiện để Thiên Chúa vẫn còn là Đấng Hoàn toàn khác. Vậy thì, đối với toàn bộ những sách đã được giáo quy, đâu là nguyên lý để đọc ra được chúng, nếu như thực tế tạp đa không phải là tiếng nói cuối cùng của nhà thần học? Đó sẽ là nguyên nhân công chính hoá nhờ đức tin, một thứ “giáo quy trong giáo quy” (canon dans le canon): nguyên lý nầy chỉ ra một cách hoàn hảo chiến thắng của Thiên Chúa trên thế gian, sự kiện Thiên Chúa luôn luôn đến cách bất ngờ và mang mầu sắc phản kháng.
- Chiều kích khải huyền. Giữa kho tàng phong phú của thế hệ Kitô-hữu đầu tiên mà thường vẫn bị lãng quên, KASEMANN lưu ý yếu tố chiều kích khải huyền. Bởi vì, theo KASEMANN “khải huyền là mẹ đẻ ra tất cả mọi thứ thần học Kitô-giáo”. Qua từ “khải huyền”, phải hiểu đó vừa là nỗi say mê chờ đợi một tương lai có khả năng làm đảo lộn vừa là chiều kích vũ trụ của niềm chờ đợi nầy. Thiên Chúa sẽ thiết lập được quyền lãnh đạo của Ngài trên toàn bộ thế giới và lịch sử. Không nên thu hẹp kế đồ của Thiên Chúa vào trong những ranh giới chật hẹp của ý thức cá nhân hoặc phe nhóm tuyên xưng. Sự công chính của Thiên Chúa có chiều kích vũ trụ hoặc nó không là gì cả.
- Thánh PHAOLÔ. Trên thực tế, nền thần học có những chiều kích thế giới nầy mắc nợ nhiều ở PHAOLÔ. KASEMANN là một nhà chú giải bình luận không hề biết mệt mỏi về PHAOLÔ. KASEMANN tìm thấy ở nơi vị tông đồ dân ngoại một kiểu trình bày về sự cứu độ như là một nỗ lực tái cấu trúc thế giới khiến ông thoả mãn hài lòng. Hơn nữa, PHAOLÔ lại cắm cây gây xì-căng-đan là Thập giá ngay chính giữa lòng nhận thức của chúng ta về Thiên Chúa. Yêu sách về Thiên Chúa của Đức YÊSU KITÔ khi còn ở thế gian sẽ được chứng thực trong một cuộc sống của người Kitô-hữu được đan dệt bởi phục vụ và vâng lời. “Chúng ta cần thiết phải phục vụ, đó là yêu cầu tồn tại trong thân thể chúng ta, trong thực tại hiện sinh là tất cả mọi ngày đời ta, và chính như thế đấy mới biểu lộ uy quyền chúa tể của Thiên Chúa, ngay trong lòng thực tại trần thế”.
Mục tiêu trước sau như một của KASEMANN vì thế là cùng đặt Thiên Chúa và lịch sử vào trong một nỗ lực suy tư chung, không tầm thường hoá Thiên Chúa, cũng chẳng thần tượng hoá lịch sử. Từ đó, toát ra một thứ niềm tin và một nền thần học không ngừng chơi trên dãy phím gồm những phím đàn là tính chất không tất yếu, là sự giang xa, tình trạng đoạn tuyệt, sự khác biệt, tình trạng đa dạng, giới hạn. Nhưng, ở nơi hẹn hò gặp gỡ là vị Thiên Chúa bị đóng đinh đó, lịch sử được cấu trúc và tự khai mở mình ra về phía chân trời của một sự sai đi và một lời hứa. Thần học đích thực trở thành một phong trào tự đảm trách lấy công trình sáng tạo. Tuyên cáo và thực tiễn, nền thần học nầy “sống được là nhờ biết điều chỉnh lại cung đàn và biết hát ca, luôn luôn lại với một phong cách mới, bài ca về một bình minh khả dĩ có thể sẽ đến”.
Dưới dấu chỉ của tình trạng mạch lạc và thực tế tiền định.
Kể từ năm 1959, Wolfhart PANNENBERG đã xác định được cho mình một nội dung chương trình làm việc mà cho đến nay ông vẫn bền chí trung thành với nó: “lịch sử là nhãn giới bao la rộng rãi nhất của thần học Kitô-giáo. Tất cả mọi vấn nạn và trả lời của thần học đều chỉ có được ý nghĩa của chúng khi ở bên trong cái khung là lịch sử mà Thiên Chúa vẫn đang thực hiện cùng với nhân loại và thông qua nhân loại cùng với toàn thể công trình sáng tạo, nhằm đạt đến một tương lai dù vẫn còn giấu ẩn đối với thế giới, nhưng đã được mạc khải ra ở nơi Đức YÊSU KITÔ”. Lập trường nầy đã được lý giải bênh vực qua một công trình tập thể năm 1961, mà đã là đối tượng cho một cuộc tranh luận dữ dội ở mạn bên kia sông Rhin: La révélation comme histoire (Mạc khải như là lịch sử).
Để có thể dễ dàng hơn trong việc định vị trí của PANNENBERG, không phải vô ích khi chỉ ra đây bản ghi những mối tương quan tử hệ của PANNENBERG. Có năm con người, một cách đặc biệt, đã ghi đậm dấu ấn lên PANNENBERG: Hans von CAMPENHAUSEN với lịch sử những thế kỷ đầu, Gerhard von RAD với giải thích Cứu Ước như là “nỗ lực lưu truyền những truyền thống”, Gunther BORNKAMM với phê bình BULTMANN, Edmund SCHLINK với thái độ đại kết, sau cùng và nhất là Georg Wilhelm Friedrich HEGEL với triết học về lịch sử. Sau khi giảng dạy ở Heidelberg, Wuppertal, Mainz, từ năm 1968 trở đi, PANNENBERG là giáo sư thần học hệ thống ở Munich và là giám đốc Học viện đại kết của thành phố nầy.
Bây giờ chúng ta thử đề cập tới nhận thức về lịch sử mà nhà thần học nầy đã đề nghị với chúng ta. Nhận thức nầy có thể được tóm gọn trong một định thức ngắn gọn nầy: khẳng định về Thiên Chúa là chìa khoá mở cửa nhận thức về lịch sử. Không có Thiên Chúa, thì chẳng có tình trạng hiệp nhất, cũng chẳng có tình trạng liên tục ở trong lịch sử. Đối với PANNENBERG, một nỗ lực suy tư trung thực trên lịch sử cuối cùng tất yếu sẽ phải hướng về kết thúc với niềm xác tín hay “chân lý hiển nhiên” nầy: lịch sử chỉ có được lý do tồn tại của nó ở nơi Thiên Chúa. Một sử gia vô thần sẽ chẳng gặp phải một khó khăn nào trong việc chứng tỏ rằng Thiên Chúa đã tự mạc khải mình ra nơi Đức YÊSU NAZARETH, nếu như ông ta thực sự lắng nghe lời của các sự kiện.
Ngôn ngữ trên có thể có vẻ hơi huyênh hoang, nếu không muốn nói nặng màu sắc minh giáo. Nó xuất phát từ một niềm tín thác, chắc chắn là thái quá, ở nơi phương pháp lịch sử. Nhưng, đồng thời nó cũng biểu lộ một nỗi ưu tư đáng trân trọng về tính khách quan và lý tính. Thật vậy, đây quả là vấn đề hệ trọng, là cần phải quan tâm để ý những biến cố lịch sử nhào nặn ra hình thù nhân loại chúng ta. Thế mà, những sự kiện đặc thù riêng biệt, tuy vẫn mang trong mình ý nghĩa của chúng, vẫn chỉ có thể giải thích được cách đúng đắn khi được đặt vào bên trong toàn thể lịch sử nói chung. Duy chỉ thực tại toàn thể của lịch sử mới cho phép chúng ta xâm nhập được vào trong ý nghĩa của một biến cố nhất định. Vì thế, chúng ta cần phải chờ đợi lúc tận cùng của những thời gian, lúc đó chúng ta mới nắm bắt được ý nghĩa tối hậu của quá khứ. Bao lâu thực tại sau cùng vẫn chưa có đấy, bấy lâu chúng ta vẫn chỉ có trước mặt mình những ý nghĩa từng phần và tạm thời. Thế mà, kết thúc lịch sử là công việc của Thiên Chúa. Vì thế, chính toàn bộ lịch sử tìm thấy ý nghĩa mạch lạc của mình ở nơi Thiên Chúa. Nơi từng giây phút nhất định nào đó của lịch sử, chúng ta chỉ sống một thứ mạc khải gián tiếp và mảnh vụn về Thiên Chúa, qua tấm gương là hành động lịch sử của Ngài.
Sự tuyên xưng niềm tin vào vị Thiên Chúa của lịch sử, vào lịch sử có khả năng mạc khải, chỉ có thể minh xác được vào lúc tận cùng của các thời gian. Trừ trường hợp nếu như thực tại chung cục đó một cách nào đó đã được tiền dự (anticipation)! Và đúng như vậy, điều đó diễn ra nơi Đức YÊSU NAZARETH. “Theo chứng từ của Tân Ước, thực tại chung cục không phải đơn giản chỉ được cảm nhận thoáng qua trong đời sống của Đức YÊSU KITÔ, mà là đã được trở thành hiện thực trước. Nơi Đức YÊSU KITÔ, do biến cố Ngài được Phục sinh từ trong kẻ chết, đã xẩy ra điều mà đối với những người khác vẫn còn chưa đến.” Đức YÊSU, vì thế, là “thực tại chung cục đã được đạt tới trước thời gian”, là sự được tiền dự biến cố sau cùng. Đức YÊSU là mạc khải, ngang tầm với thực tại hiện sinh trần thế của Ngài, về Thiên Chúa, điều đó đã được xác nhận cho chúng ta qua biến cố Phục sinh. Trong biến cố (có tính lịch sử, PANNENBERG nói) Phục sinh của Đức YÊSU mà đã được ghi dấu trong mạch văn khải huyền của người Do Thái, chúng ta lại càng phát hiện ra tốt hơn thực tại đồng nhất của vị Chúa tể của lịch sử, sự hiệp nhất giữa Đức YÊSU và Thiên Chúa, và sự chiếu sáng nầy trào tuôn trở lại cả trên toàn bộ cuộc đời của Đức YÊSU. Nhờ vào sự vén màn có tính lịch sử nầy của mạc khải, chúng ta cảm thấy tin cậy đối với phần còn lại của cuộc hành trình mạo hiểm của nhân loại mà vẫn còn chưa xác định trước được: nếu như cái thường ngày cho dù vẫn còn mang dáng dấp hàm hồ và mờ mịt, tuy nhiên nó sẽ được Thiên Chúa nắm lấy và dẫn đưa tới tình trạng hoàn tất của nó. Thiên Chúa vẫn luôn luôn trở lại từ hướng tương lai để đảm nhận lấy trách nhiệm phần mình đối với thế giới.
Bruno CHENU
X X
X
Một Giáo hội được hướng đưa về nước của Đức KITÔ.
Sự hiệp nhất của Giáo hội tự bản tính đã là và vẫn còn là một thực tại thuộc về cánh chung, mà người ta không thể nào sở đắc được cách nào khác hơn là cứ để cho nó tự hiến trao mình cho. Sự hiệp nhất của Giáo hội chỉ nắm bắt được bởi niềm tin nghe được tiếng của duy chỉ một vị Chủ chăn đích thật và tự để mình được cấu thành bởi tiếng đó thành một đoàn chiên mà đấy chính là đoàn chiên duy nhất của Ngài. Chỉ có một Giáo hội phía đàng sau lưng chúng ta khi, trong suốt cuộc xuất hành của Dân Thiên Chúa đang tiến bước, chúng ta bỏ lại đàng sau những lều trại cũ để nhìn về phía trước đối diện với nước của Đức KITÔ (regnum Christi). Vì Giáo hội là nước của Đức KITÔ trên trái đất và nước nầy vẫn luôn ở phía đàng xa, rất xa phía trước, khác xa với những tổ chức trần thế, những nền thần học và những thực hành đạo đức của chúng ta. Chúng ta chẳng bao giờ có thể tóm bắt được gì từ nước đó. Chính nó tóm lấy chúng ta và sai chúng ta đi kiếm tìm nó, sống với nó và làm chứng về nó bằng một cách thức mới mẻ. Đó chính là con đường mà chúng ta không thể đứng lại giẫm chân một chỗ hoặc quay lui lại được. Nhưng, đồng thời đó cũng là con đường phải đi và trên con đường đó mãi mãi chúng ta vẫn không thôi tự đặt ra cho mình vấn nạn thần học nầy là đâu là những dấu chỉ xác thực của nước Đức KITÔ.
(Ernst KASEMANN, “Unité et diversité dans l’ecclésiologie du Nouveau Testament”, Études théo- logiques et religieuses, t. 41, 1966, n0 4, p. 257)
Xuất phát từ điểm cuối cùng là tương lai.
Chỉ tương lai mới chứng tỏ được cái gì là trường cửu. Cũng chỉ tương lai mới xác định được đâu là yếu tính thường tồn của các sự vật. Thiên Chúa của Kinh Thánh là như vậy đấy, Ngài thiết lập tình trạng liên tục, sự thống nhất của toàn bộ tiến trình diễn ra của lịch sử, khi Ngài trở lại từ hướng tương lai, quay về cái ngày xưa đã đến và, theo cách của Ngài, trụ trì bám chắc ở đấy. Qua những hoàn cảnh có vẻ như hoàn toàn bất ngờ, vẫn luôn luôn trở lại, ngay như cả với cách khiến người ta sửng sốt ngạc nhiên, với ý muốn ban đầu, với những lời hứa mà Ngài đã hé lộ cho Israel được biết, Thiên Chúa của Israel sẽ cho cái giòng những biến cố như không có ai kiểm soát đó đặc tính thống nhất của một lịch sử. Đúng là chỉ khi nhìn từ vị trí cuối cùng của toàn bộ những sự kiện đã xẩy ra đó người ta mới có thể thấy được sợi chỉ liên kết thống nhất xuyên qua suốt toàn bộ những sự kiện đó. Chỉ khởi từ đích điểm mới xác định được cách dứt khoát đâu là sợi chỉ đỏ lèo lái để hướng về cùng đích nầy. Và nhận định nầy, có thể sẽ được rọi sáng một khi người ta lĩnh hội lại toàn bộ những sự kiện lịch sử đã xẩy ra, có thể trở nên một nhận định với nội dung bao quát hơn nữa. Chính vì cùng đích sau cùng của nó mà thế giới đã được Thiên Chúa tạo dựng, vì chỉ từ cùng đích nầy mới xác định được đâu là ý nghĩa đích thực của các sự vật và của các thực thể mà ngày nay chúng ta đang quan hệ với. Tất cả mọi cái ngẫu nhiên tình cờ đều đến góp phần vào trong mỗi một trong những cái hiện tại, vì chúng đều khởi phát từ tương lai cuối cùng của chúng, mà có thể nói đấy là “nơi” của công trình sáng tạo của Thiên Chúa. Bởi thế, cũng như vậy, khởi từ cùng tận mới khám phá ra được thế giới, ý muốn của Thiên Chúa trên thế giới, và cả chính Thiên Chúa nữa. Quả là hết sức độc đáo, như để hỗ trợ cho những nhận định trên, Thiên Chúa của Đức YÊSU KITÔ lại là vị Thiên Chúa mà quyền năng và nước của Ngài là “vẫn còn đang đến”, mà vì thế chính Ngài là tương lai, là tương lai tối hậu, có tính dứt điểm và cánh chung của thế giới. Chỉ dưới ánh sáng của cái tương lai tối hậu nầy, khi loé ra lời loan báo về việc Thiên Chúa đến nắm lấy quyền lãnh đạo trong nước của Ngài, lúc bấy giờ mới lộ ra chân lý, yếu tính của tất cả mọi tạo thành, như Đức YÊSU đã bày tỏ trong những dụ ngôn của Ngài.
(Wolfhart PANNENBERG, la foi des apôtres, Paris, Cerf, 1974, pp. 48 - 49)
Tài liệu tham khảo:
* Ernst KASEMANN:
Chúng ta hiện chỉ có một tuyển tập các bài viết được dịch ra tiếng Pháp mà thôi, đó là: Essais exégétiques, Neuchâtel, Delachaux, 1972.
Một số bài viết khác, tản mác đó đây, cần lưu ý:
· “Unité et diversité dans l’ecclésiologie du Nouveau Testament”, dans Études théologiques et religieuses, Montpellier, 1966, pp. 253 - 258.
· “Les commencements d’une théologie chrétienne”, dans Études théologiques et religieuses, Montpellier, 1969, pp. 265 - 287.
· “A propos du débat en cours sur l’interprétation”, dans Bulletin du Centre protestant d’Études et de Documen- tation, Paris, mars 1970, pp. 98 - 114.
· “Une apologie de l’eschatologie chrétienne primitive”, dans Bulletin du Centre protestant d’Études, Genève, avril 1975, pp. 19 - 45.
· “Jésus, l’accès aux origines”, dans Lumière et Vie, Lyon, n0 134, (1977), pp. 47 - 64.
Người ta sẽ tìm thấy một trình bày đầy đủ tư tưởng của KASEMANN trong luận án của Pierre GISEL, Vérité et histoire. La théologie dans la modernité, Ernst Kasemann, Paris, Beauchesne, 1977.
Pierre GISEL đã cẩn thận đích thân tóm gọn công trình nghiên cứu của mình trong hai bài bài tương đối dễ đọc:
· “E. KASEMANN, oeuvre et projet théologique”, dans Bulletin du Centre protestant d’Études, Genève, avril 1975, pp. 5 - 17.
· “Ernst KASEMANN ou la solidarité conflictuelle de l’histoire et de la vérité”, dans Études théologiques et religieuses, Montpellier, 1976, pp. 21 - 37.
* Wolfhart PANNENBERG:
Hai trong số những cuốn sách của PANNENBERG đã được dịch ra Pháp ngữ là:
· Esquisse d’une christologie, Paris, Cerf, 1971.
· La foi des apôtres, Paris, Cerf, 1974.
Chúng ta lưu ý vài bài viết cho phép nắm bắt khá tốt nhãn quan thần học của PANNENBERG:
· “Le fondement christologique de l’anthropologie chré- tienne”, dans Concilium, Tours, n0 86 (1973), pp. 87 - 103.
· “La signification de l’eschatologie pour la compréhension de l’apostolocité et de la catholocité de l’Église”, dans Istina, Paris, 1969, pp. 154 - 170.
· “Résurrection de Jésus et avenir de l’homme”, dans Lumière et Vie, Lyon, n0 134 (1977), pp. 65 - 83.
Giúp nhập môn tư tưởng của PANNENBERG tốt hơn cả là:
Pháp ngữ:
· Ignace BERTEN, Histoire, révélation et foi, Dialogue avec Wolfhart PANNENBERG, Bruxelles-Paris, Éditions du Cerf, 1969.
Anh ngữ:
· E. Frank TUPPER, The theology of Wolfhart Pannen- berg, New York, Westminter Press, 1973.
Tác giả: Bruno CHENU - Lm Phêrô Nguyễn Thiên Cung chuyển ngữ
Nguồn: giaolyductin.org
Nguồn: giaolyductin.org
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét