Trang

Thứ Sáu, 7 tháng 7, 2017

SUY NIỆM CHÚ GIẢI LỜI CHÚA CHÚA NHẬT XIV THƯỜNG NIÊN A - LM. INHAXIO HỒ THÔNG

SUY NIỆM CHÚ GIẢI LỜI CHÚA CHÚA NHẬT XIV THƯỜNG NIÊN A - LM. INHAXIO HỒ THÔNG
CHÚA NHẬT XIV THƯỜNG NIÊN A
Phụng Vụ Lời Chúa Chúa Nhật này trổi lên khúc nhạc hân hoan. Bài Đọc I và Tin Mừng ca ngợi giá trị cao cả của đức khiêm tốn. Bài Đọc II ca mừng cuộc chiến thắng của Thần Khí trên xác thịt, tức là sự sống trên sự chết.

Dcr 9: 9-10

Bài Đọc I, được trích từ sách Da-ca-ri-a, là một lời mời gọi hãy vui lên, được gởi đến dân thành Giê-ru-sa-lem, vì Vua của họ sẽ lại viếng thăm họ, Ngài là vị Vua Thiên Sai khiêm tốn và hòa bình, cỡi trên một con lừa con.

Rm 8: 9; 11-13

Trong thư gởi tín hữu Rô-ma, thánh Phao-lô công bố rằng người Ki-tô hữu sống theo Thần Khí thì chiến thắng tính xác thịt và tội lỗi, vì Thần Khí là sự sống và là sự sống lại.

Mt 11: 25-30

Đoạn Tin Mừng Mát-thêu là bài “thánh thi ngợi ca”. Đức Giê-su vui mừng vì Cha Ngài mặc khải những bí nhiệm Nước Trời cho những người bé mọn.

BÀI ĐỌC I (Dcr 9: 9-10)

Bản văn này được trích dẫn từ phần thứ hai của sách Da-ca-ri-a mà tác giả không phải là chính vị ngôn sứ. Ngôn sứ Da-ca-ri-a thật sự sống vào thế kỷ thứ sáu trước Công Nguyên vào thời kỳ Đền Thờ Giê-ru-sa-lem được tái thiết (521-515 trước Công Nguyên) sau thời lưu đày Ba-by-lon.

Phần thứ hai của sách (ch. 9-14) hiện nay mang lấy tên của vị ngôn sứ này nhưng thật ra được biên soạn cách khoảng hai thế kỷ sau đó. Phần thứ hai này là một phần hỗn hợp nhiều mảnh văn khác nhau, không có tên tác giả và không có niên biểu. Phần này thuộc vào thời kỳ được định vị vào thời điểm biến mất truyền thống ngôn sứ và khai sinh các sách khải huyền. Vào lúc đó, người ta đọc lại những tác giả thời quá khứ, giải thích họ và làm mới lại sứ điệp của họ. Bản văn mà chúng ta đọc thì đầy những hồi ức của I-sai-a, Xô-phô-ni-a, Mi-kha, hai sách Các Vua, vân vân. Phần thứ hai này được gán cho một tác giả, hay đúng hơn nhiều tác giả, dưới biệt danh  “Da-ca-ri-a đệ nhị”.

Một mối giây liên kết những yếu tố rời rạc giữa chúng là chủ đề thiên sai. Đấng Thiên Sai được tuyên sấm qua ba dung mạo, cả ba dung mạo này đều có âm vang lớn lao mà các tác giả Tin Mừng thường quy chiếu đến: dung mạo thứ nhất là vị Vua khiêm hạ và hòa bình; dung mạo thứ hai là vị Mục Tử nhân lành bị các thủ lãnh của dân Ngài loại bỏ; và dung mạo sau cùng là một Đấng Bị Đâm Thâu mầu nhiệm.

Bản văn được trích hôm nay nêu bật dung mạo về vị Vua khiêm hạ và hòa bình.

1.Vua Mê-si-a tiến vào thành thánh Giê-ru-sa-lem:

Bài hoan ca, loan báo việc Vua Thiên Sai ngự đến, được gợi hứng từ những tiếng hoan hô phụng vụ tán dương vương quyền của Đức Chúa:

“Nào thiếu nữ Xi-on, hãy vui mừng hoan hỷ! 
Hỡi thiếu nữ Giê-ru-sa-lem, hãy vui sướng rao hò! 
Vì kìa Đức Vua đến với ngươi”.

Hai đặc ngữ Do thái: “Thiếu nữ Xi-on” và “thiếu nữ Giê-ru-sa-lem” được dùng để chỉ dân cư của thành thánh Giê-ru-sa-lem và đồi Xi-on. Các Thánh Vịnh cung cấp nhiều ví dụ, chẳng hạn như:

“Vỗ tay đi nào, muôn dân hỡi! 
Mừng Thiên Chúa, hãy cất tiếng hò reo! 
Vì Đức Chúa là Đấng Tối Cao, Đấng khả úy, 
là Vua Cả thống trị địa cầu” (Tv 47: 2-3);

hay:

“Hãy đến đây ta reo hò mừng Chúa, 
tung hô Người là Núi Đá độ trì ta
…….
Bởi Đức Chúa là Chúa Trời cao cả, 
là đại vương trổi vượt chư thần” (Tv 95: 1, 3).

Ngôn sứ Xô-phô-ni-a đã khai triển các thánh thi phụng vụ này rồi theo cùng một cách tương tự:

“Reo vui lên, hỡi thiếu nữ Xi-on, 
hò vang dậy đi nào, nhà Ít-ra-en hỡi! 
Hỡi thiếu nữ Giê-ru-sa-lem, hãy nức lòng phấn khởi.
…….
Đức Vua của Ít-ra-en đang ngự giữa ngươi, 
Người là Vị cứu tinh, là Đấng anh hùng.” (Xp 3: 14, 17).

Đấng Thiên Sai tiến vào Giê-ru-sa-lem trong dáng điệu rất mực khiêm tốn.

2.Vị vua khiêm tốn:

Vị vua tương lai này sẽ là “Đấng Chính Trực”“Đấng Toàn Năng”. Tác giả lấy lại những phẩm chất quen thuộc trong trào lưu chính thống về vị Vua Thiên Sai (x. Is 9: 6; 11: 4; 16: 5; Gr 23: 5; vân vân). Tuy nhiên, danh xưng “Đấng Chính Trực” gợi lên sự thánh thiện của Ngài hơn là phẩm chất của Đấng Thiên Sai Thẩm Phán; còn về danh xưng được dịch “Đấng Toàn Năng”, theo nguyên ngữ có nghĩa “Đấng được giải thoát khỏi những thù địch”. Tác giả ghi nhận Đấng Toàn Năng ở đây, vì ông muốn nhấn mạnh một phẩm chất cốt yếu khác của vị Vua Thiên Sai: đức khiêm tốn.

Ngài “Khiêm tốn ngồi trên lưng lừa, một con lừa hãy còn theo mẹ”. Con lừa là con vật các vị lãnh tụ đầu tiên của dân Ít-ra-en cỡi vào thời xưa; tiếp đó, con la đã thay thế con lừa; sau cùng, chiến mã cần thiết cho một vị vua lẫm liệt oai phong, nhất là trong cuộc khải hoàn trở về thành đô của mình. Thường dân vẫn cỡi lừa.

Bản văn của Da-ca-ri-a đệ nhị này là bản văn Cựu Ước duy nhất – nếu như không kể đến những gợi ý về Người Tôi Trung – trình bày Đấng Thiên Sai ngự đến dưới những đường nét của một nhân vật rất mực khiêm tốn. Sấm ngôn của ông sẽ được Đức Giê-su thực hiện, khi Ngài tiến vào Giê-ru-sa-lem cỡi trên một con lừa con và trong tiếng reo hò của đám đông.

3.Vị Vua bình an:

 Qua bức tranh mô tả:

“Người sẽ quét sạch chiến xa khỏi Ép-ra-im, 
và chiến mã khỏi Giê-ru-sa-lem, 
cung nỏ chiến tranh sẽ bị bẻ gãy”,

tác giả muốn nói rằng kỷ nguyên thời Thiên Sai sẽ là kỷ nguyên của sự thống nhất hai vương quốc, vương quốc miền Bắc: Ép-ra-im, và vương quốc miền Nam: Giê-ru-sa-lem, trong cảnh thái bình thịnh trị.

Trong cảnh thái bình thịnh trị này, tất cả mọi công cụ chiến tranh đều sẽ bị hủy bỏ. Nhiều ngôn từ được dùng ở đây nhắc nhớ nhiều bản văn Kinh Thánh, chẳng hạn như ngôn sứ Hô-sê đã loan báo:

“Ta sẽ không dùng cung nỏ, 
gươm đao và chinh chiến mà cứu chúng, 
cũng chẳng dùng chiến mã và kỵ binh” (Hs 1: 7; 2: 20).
Chúng ta cũng đọc thấy tại Mi-kha:
“Ta sẽ cho ngựa của ngươi biến khỏi xứ, 
sẽ hủy diệt xe trận của ngươi” (Mk 5: 9).

Hòa bình phải là điều thiện hảo tuyệt mức của thời Mê-si-a. Vua Thiên Sai “sẽ công bố hòa bình cho muôn dân”. Ngữ điệu này hoàn toàn mang tính kinh điển như Is 57: 19: “Bình an! Bình an cho khắp xa gần!” (x. Tv 46 và 72). Đó cũng là vai trò của Người Tôi Trung là trở nên ánh sáng muôn dân và đem ơn cứu độ đến tận cùng cõi đất. Bất chấp dáng vẻ khiêm hạ bên ngoài, Đấng Mê-si-a hòa bình sẽ mở rộng vương quyền của mình trên một lãnh địa rộng khắp “từ biển này qua biển nọ, và từ Sông Cả đến tận cùng cõi đất”.

Được hiểu sát từ, những lời tiên báo này đem lại niềm hy vọng chắc chắn cho dân Thiên Chúa vào việc khôi phục nền quân chủ khi vị Vua Thiên Sai ngự đến. Đây là niềm ước mơ bền bỉ mà Chúa Giê-su sẽ còn đụng phải khi các môn đệ hỏi Ngài sau biến cố Phục Sinh: “Thưa Thầy, có phải bây giờ là lúc Thầy khôi phục vương quốc Ít-ra-en không?” (Cv 1: 6). Nhưng đó không là viễn tượng của vị ngôn sứ này, ông đã để cho hiểu rằng “sự thống trị” của vị vua hòa bình sẽ không thuộc lãnh vực trần thế.

BÀI ĐỌC II (Rm 8: 9, 11-13)

Chúng ta đã đọc và suy gẫm đoạn trích thư này rồi vào Chúa Nhật V Mùa Chay. Với một lập luận vững chắc, thánh Phao-lô đã cho thấy rằng Thần Khí, nguồn mạch của sự sống, đã hoạt động ở nơi cuộc Phục Sinh của Đức Ki-tô như thế nào, thì Ngài đảm bảo cùng một sự phục sinh cho con người phải chết của chúng ta cũng như vậy, khi Ngài thiết lập chỗ ở của Ngài ở nơi chúng ta.

Sau khi đã gợi lên cuộc sống nghèo nàn về phương diện luân lý của nhân loại dưới quyền lực thống trị của tội lỗi, khởi đi từ chương 8, thánh Phao-lô phác họa bức tranh về đời sống mới của người Ki-tô hữu: được Chúa Ki-tô công chính hóa, từ nay họ sống dưới quyền lực của Chúa Thánh Thần.
Trong một phản đề mạnh mẽ, thánh Phao-lô đối lập bản tính yếu đuối và tội lỗi của con người mà thánh nhân gọi “tính xác thịt” với bản tính được ân sủng đổi mới, tức là sống theo tác động của Thần Khí. Ở đây chúng ta nên lưu ý rằng thánh Phao-lô liên tục nói về Thần Khí của Thiên Chúa và Thần Khí của Đức Ki-tô trong một phương trình hoàn hảo.

Dưới sức mạnh của Thần Khí này, từ nay chúng ta có thể chiến thắng những quyền lực của sự dữ, “diệt trừ những hành vi của con người ích kỷ nơi chúng ta”. Thần Khí hiện diện ở nơi thân xác phải chết của chúng ta, chính Ngài thanh tẩy, thánh hóa và giúp chúng ta sống cuộc sống con cái Thiên Chúa giữa thế sự thăng trầm trong coi đời hư nát này; chính Ngài đảm bảo sự phục sinh của chúng ta.

TIN MỪNG (Mt 11: 25-30)

Lời cầu nguyện tạ ơn này Chúa Giê-su ngỏ lời với Chúa Cha đều được thánh Mát-thêu và thánh Lu-ca thuật lại. Thánh Lu-ca đặt lời cầu nguyện này vào trong bối cảnh bảy mươi hai môn đệ hoan hỷ trở về từ sứ mạng của mình. Chúa Giê-su cùng vui với họ và cám ơn Cha Ngài về sứ mạng thành công. Lời cầu nguyện này xem ra được đặt vào trong bối cảnh này (Lc 10: 21-22).

Khi trình bày lời cầu nguyện này trong bối cảnh khác, thánh Mát-thêu cho nó một chiều kích thần học có lẽ sâu xa hơn. Đức Giê-su vừa chịu những thất bại; sự chống đối của những người Pha-ri-sêu càng tăng lên, nhất là trong ba thành phố miền Ga-li-lê: Ca-phác-na-um, Bết-sai-đa và Khơ-ra-din và Ngài đã tiên báo án đối với các thành này: chúng sẽ bị triệt hạ.

1.Thánh thi ngợi ca:

Ấy vậy, thay vì cảm thấy đắng lòng, Chúa Giê-su lại chúc tụng Cha Ngài. Lời cầu nguyện của Ngài theo thể văn xuôi Hy-lạp có vần có điệu, cũng được gọi là “thánh thi chuc tụng”. Chúng ta cũng có thể nghĩ rằng lời cầu nguyện này được thốt lên bằng tiếng A-ram, được kết cấu theo lối nói thông thường của người Do thái, và có vần có điệu để giúp cho việc ghi nhớ được dể dàng.

2.Tán dương “những người bé mọn”:

Chúa Giê-su ngợi khen Cha Ngài vì đã soi lòng mở trí cho “những người bé mọn” hiểu, nhưng lại giấu không cho bậc khôn ngoan thông thái hiểu những bí nhiệm Nước Trời. Chúa Giê-su nhắm chính yếu đến những giới kinh sư và nhóm Pha-ri-sêu, những người tự phụ về sự hiểu biết của mình mà giam hãm mình vào trong sự khôn ngoan nhân loại. Các ngôn sứ đã loan báo điều này rồi, chẳng hạn như ngôn sứ I-sai-a công bố:

“Vì thế, Ta sẽ tiếp tục làm cho dân này phải sững sờ kinh ngạc vì bao nhiêu dấu lạ điềm thiêng. 
Bấy giờ sự khôn ngoan của kẻ khôn ngoan sẽ chuốc lấy thất bại, 
và trí thông minh của người thông minh sẽ tan thành mây khói” (Is 29: 14).

Ngôn sứ Giê-rê-mi-a đã ngỏ lời với các kinh sư Giê-ru-sa-lem theo cùng một cách như vậy:

“Những hạng khôn ngoan ấy 
sẽ thẹn thùng, run sợ, và sa vào cạm bẫy. 
Này, lời Đức Chúa thì chúng khinh miệt, 
chúng khôn ngoan nỗi gì?” (Gr 8: 9).

Theo văn mạch của thánh Mát-thêu, kiểu nói “Những người bé mọn” trước tiên chỉ ra các môn đệ của Chúa Giê-su - sau này Ngài sẽ gọi họ như vậy nhiều lần - nhưng cũng chỉ ra những người khiêm hạ trong đám đông lắng nghe lời Ngài, những người đơn sơ hiền lành và chất phát luôn luôn trong tư thế mở rộng lòng mình để đón nhận lời của Ngài. Quả thật, Chúa Giê-su sẽ ca ngợi tinh thần trẻ thơ trong nhiều dịp khác. Chính xác là thánh Mát-thêu thuật lại một sự cố có ý nghĩa. Trong khi lũ trẻ reo hò trong Đền Thờ: “Hoan hô con vua Đa-vít”, thì các thượng tế và kinh sư tức tối. Đức Giê-su trích dẫn Tv 8: 2 nói với họ: “Lời này các ông chưa bao giờ đọc sao: Ta sẽ cho miệng con thơ trẻ nhỏ cất tiếng ngợi khen?” (Mt 21: 14-16).

3.Mối tương quan độc nhất vô nhị giữa Chúa Cha và Chúa Con:

Qua những lời mặc khải này: “Không ai biết Chúa Con, trừ Chúa Cha: cũng như không ai biết Chúa Cha, trừ Chúa Con, và người mà Chúa Con muốn mặc khải cho”, Chúa Giê-su không còn cách nào có thể khẳng định địa vị Con Thiên Chúa của Ngài rõ ràng hơn nữa. Cung giọng của đoạn văn này rất gần với cung giọng của Tin Mừng thứ tư, trong đó, thánh Gioan nhắc đi nhắc lại nhiều lần về những mối liên hệ duy nhất của Chúa Cha với Chúa Con trong hiểu biết và tình yêu.

Qua lời công bố “Cha tôi đã giao phó mọi sự cho tôi”, Chúa Giê-su xem ra báo trước lời khẳng định mà Ngài sẽ công bố sau khi Ngài sống lại: “Thầy đã được trao toàn quyền trên trời dưới đất” (Mt 28: 18). Trong bối cảnh mà những lời này được định vị, chắc hẳn Chúa Giê-su gợi lên công trình cứu độ mà Ngài có sứ mạng thực hiện và mặc khải cho các môn đệ biết về công trình này. Chúa Giê-su là Đấng Trung Gian duy nhất giữa Thiên Chúa và nhân loại trong công trình cứu độ này. Về vấn đề này, Tin Mừng thứ tư cung cấp một lời giải thích tốt nhất, như “Thật vậy, Chúa Cha đã ban cho Người quyền trên mọi phàm nhân là để Người ban sự sống đời đời cho tất cả những ai Cha đã ban cho Người” (Ga 17: 2).

4. “Tất cả những ai đang vất vả mang gánh nặng nề, hãy đến cùng tôi”:

Trong Tin Mừng Mát-thêu chứ không Tin Mừng Lu-ca, lời cầu nguyện của Chúa Giê-su được kèm theo với một bản văn được liệt vào số những hạt ngọc Tin Mừng: “Tất cả những ai đang vất vả mang gánh nặng nề, hãy đến cùng tôi, tôi sẽ cho nghỉ ngơi bồi dưỡng”.

“Gánh” và “ách” là hai hình ảnh rất nổi tiếng của Do Thái giáo để chỉ Lề Luật. Thánh Vịnh 19 nói rằng Lề Luật không chỉ được yêu mến, nhưng “quả thật là hoàn hảo, bổ sức cho tâm hồn” và “hoàn toàn ngay thẳng, làm hoan hỷ cõi lòng” (Tv 18: 8-9). Nhưng vì phó mặc cho các nố giải nghi quá chi ly, Lề Luật đã bị chất quá tải về những tuân giữ nặng nề. Luật mới mang sức mạnh giải thoát, bởi vì khi người ta yêu mến ai, người ta ra sức làm hài lòng người ấy bằng cách tuân giữ những lời dặn dò của người ấy, như lời của thánh Gioan trong thư thứ nhất của mình: “Quả thật, yêu mến Thiên Chúa là tuân giữ các điều răn của Người. Mà các điều răn của Người có nặng nề gì đâu” (1Ga 5: 3).

Qua lời kêu gọi được gởi tới các môn đệ: “Anh em hãy mang lấy ách của tôi, và hãy học gương tôi, vì tôi có lòng hiền hậu và khiêm nhường. Tâm hồn anh em sẽ được nghỉ ngơi bồi dưỡng. Vì ách tôi êm ái, và gánh tôi nhẹ nhàng”, Chúa Giê-su mượn cách nói của ngôn sứ Giê-rê-mi-a:

“Hãy dừng lại trên các nẻo đường mà coi, 
hãy tìm hiểu những đường xưa lối cũ 
cho biết đâu là đường ngay nẻo chính, rồi cứ đó mà đi: 
tâm hồn các ngươi sẽ bình an thư thái” (Gr 6: 16).

Như vậy, Chúa Giê-su kêu gọi chúng ta không chỉ trở nên môn đệ Ngài, nhưng cũng còn phải “có lòng hiền hậu và khiêm nhường”, bởi vì chính Ngài cũng là Đấng hiền hậu và khiêm nhường. Thánh Mát-thêu là thánh ký duy nhất ghi nhận tấm lòng hiền hậu và khiêm nhường này của Đức Giê-su, khi chỉ một mình thánh ký trích dẫn bức chân dung của Người Tôi Trung của I-sai-a và áp dụng vào Đức Ki-tô: “Người không lên tiếng giữa phố phường, không đành bẻ gảy cây lau bị giập, chẳng nở tắt đi tim đèn leo lét” (Mt 12: 18).

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét