Trang

Thứ Tư, 26 tháng 7, 2017

Học Thuyết Xã Hội Của Giáo Hội

Học Thuyết Xã Hội Của Giáo Hội

Khác với một số tôn giáo khác chỉ gồm những giáo huấn luân lý cá nhân, Kitô giáo còn chú trọng đến luân lý của các cộng đồng xã hội nữa; hay nói cách khác, chú trọng đến vai trò của con người xét trong tương quan với xã hội: gia đình, nghề nghiệp, thương mại, kinh tế, chính trị; với những vấn đề nóng bỏng của thời đại: nhân quyền, lao động, lương bổng, quyền tư hữu, chiến tranh, hòa bình,… những vần đề gồm tóm dưới danh từ “Học Thuyết Xã Hội”.

A.   HỌC THUYẾT XÃ HỘI LÀ GÌ?
B.     
Ngay từ Cựu ước, người tín hữu đã được dạy dỗ về những nghĩa vụ không những đối với Thiên Chúa mà cả đối với tha nhân nữa. Các Ngôn sứ không ngừng nhắc nhở về sự công bằng xã hội, đặc biệt là nghĩa vụ của những người giàu phải giúp đỡ người nghèo. Thêm vào đó, tuy các Ngôn sứ vẫn nhìn nhận rằng quyền bính bắt nguồn từ Thiên Chúa, nhưng họ không ngần ngại chỉ trích những người cầm quyền khi họ lỗi bổn phận. Suốt lịch sử Kitô giáo, các giao phụ, các nhà thần học từ thời Trung cổ đã phát triển những yêu sách của luân lý xã hội khi bàn về nhân đức công bằng hoặc khi khai triển 7 điều răn cuối cùng của Thập giới. Tuy nhiên từ những thế kỷ gần đây, chính các Đức Giáo Hoàng đã thấy nhiệm vụ phải lên tiếng để phát biểu quan điểm của Giáo hội về những vấn đề xã hội được đặt ra, do những biến chuyển mau lẹ của thời đại tiếp theo những cuộc cách mạng văn hóa, chính trị, kinh tế. Một thời điểm có thể lấy làm mốc là Thông điệp “Rerum Novarum” của Đức Giáo Hoàng Lêô XIII vào năm 1891. Dưới khía cạnh này, ta có thể nói “Học thuyết xã hội là đạo lý mà các Giáo Hoàng và cộng đồng đã trình bày về các vấn đề công bằng xã hội”. Tuy nhiên, vấn đề học hỏi nghiên cứu đạo lý ấy không thể giới hạn vào một hợp tuyển các Thông điệp, văn kiện; nhưng cần được trình bày có hệ thống, cần được phân tích dựa trên những bối cảnh lịch sử của nó, cũng như cần khám phá những dụng ý của nó. Việc học hỏi “Học thuyết xã hội” cần để ý đến những đường hướng sau đây, đã được Bộ Giáo dục Công giáo trlnh bày trong văn kiện mang tự đề: “Hướng dẫn về việc nghiên cứu và giảng dạy học thuyết xã hội của Giáo hội trong các chủng viện” (30/12/1988). Chúng tôi xin tóm lại thành 4 điểm: danh xưng, phương pháp, tính cách lịch sử và liên tục, các chủ đề.

1. Danh từ

Trong 100 năm qua, đã có sự thay đổi về danh từ:

- Đức Giáo Hoàng Lêô XIII gọi là “Đạo Lý Xã Hội Của Phúc Âm” hoặc “Triết Học Kitô Giáo”;

- Đức Giáo Hoàng Piô XI: “Triết Học Xã Hội”, “Đạo Lý Về Vấn Đề Xã Hội Và Kinh Tế”;

- Đức Giáo Hoàng Piô XII: “Đạo Lý Xã Hội Của Giáo Hội”, “Đạo Lý Xã Hội Công Giáo”;

- Công Đồng Vatican II và Đức Giáo Hoàng Phaolô VI thì nói tới những “Giáo Huấn Xã Hội Của Giáo Hội”.

Tóm lại, hai từ ngữ được dùng nhiêu hơn cả là “đạo lý, học thuyết” (doctrina), nhấn mạnh đến khía cạnh lý thuyết; còn “giáo huấn” (magisterium) muốn nêu bật tính cách lịch sử và thực hành.

2. Phương pháp

Thực ra, sự phân biệt giữa đạo lý và giáo huấn không phải chỉ là chuyện danh từ. Nhiều người muốn tránh chữ “đạo lý” vì tiếng này thường ám chỉ những học thuyết bất biến, trừu tượng không ăn nhập gì với thực tại cả. Trên thực tế, khi mới ra đời, một số văn kiện Tòa thánh đã nại đến triết lý vĩnh cửu, đến luật tự nhiên, rồi từ đó rút ra những kết luận theo phương pháp diễn dịch.

Với Đức Giáo Hoàng Gioan XXIII và Công Đồng Vatican II[1], phương pháp đã thay đổi: đường lối suy diễn được thay bằng đường lối quy nạp; Khởi điểm là thực tại, được phân tích qua các khoa học nhân văn; Kế đó là suy xét, đánh giá thực tại ấy dưới ánh sáng của Tin mừng. Từ nay, “Học thuyết xã hội” không còn thuộc về triết học nữa, nhưng là một ngành của thần học luân lý. Tiêu chuẩn cuối cùng để phán đoán nhận định không phải là triết lý tự nhiên, nhưng là đức tin; mặc dầu trước đó, “Học thuyết xã hội” cần nhờ đến các khoa học nhân văn để phân tích sự kiện, cũng như triết lý để thiết lập những chân lý về giá trị có tính cách khách quan.

Sự thay đổi phương pháp không những muốn đem “Học thuyết xã hội” tới gần thực tại hơn, nhưng nhất là vì muốn trung thành hơn với mục tiêu của nó: Giáo hội không trình bày một mớ lý thuyết, một ý thức hệ, nhưng tiên vàn, Giáo hội muốn thực hiện sứ mạng rao giảng Tin mừng, muốn đem Đức Kitô, Nước Thiên Chúa vào những thực tại thế trần, tựa như: tình yêu, hòa bình, công lý. Do đó, sau khi đã phân tích và nhận định về thực tại, “Học thuyết xã hội” tiến qua chặng thứ ba: hành động (xem xét, phán đoán, hành động).

3. Tính cách lịch sử và liên tục của “Học thuyết xã hội”

“Học thuyết xã hội” không phải là một mớ lý thuyết tiền chế, nhưng ra đời trong những hoàn cảnh lịch sử, nhằm đề ra một phương thức để giải quyết một vấn đề do một hoàn cảnh tạo ra. Vì vậy, để hiểu “Học thuyết xã hội”, cần phải lồng nó trong những khung cảnh của nó, nhất là khi gặp những kết luận xem ra có vẻ tương phản. Ta có thể lấy vài ví dụ. Cách đây 100 năm, khi bắt đầu những cuộc cách mạng kỹ nghệ tại Âu châu, dưới ảnh hưởng của chủ nghĩa tư bản tự do (Libéralisme), Giáo hội lên tiếng để bảo vệ quyền lợi của công nhân, cần nhận được đồng lương tương xứng, không những xét theo giá trị kinh tế của sản phẩm, nhưng còn xét theo những nhu cầu của cá nhân và gia đình của công nhân nữa. Chính quyền phải can thiệp sao cho để những quyền lợi xã hội của con người được bảo đảm. Thế nhưng, sau đó, dưới thời xã hội cộng sản quốc hữu hóa tất cả các phương tiện sản xuất, Giáo hội lên tiếng để nhấn mạnh đến quyền tư hữu của con người. Ngày nay, vấn đề cũng không phải chỉ đặt ra giữa các giai cấp trong một quốc gia, giữa chủ và thợ, giữa công dân với nhà nước, mà còn giữa các khối trên thế giới: giữa các nước kỹ nghệ giàu có, với những những nước kém phát triển,… Từ đó nảy ra những yêu sách mới về tính tương trợ quốc tế, nghĩa vụ liên đới.

Ngoài ra, ta cũng biết trong vòng 100 năm qua, các thể chế chính trị cũng thay đổi rất nhiều. Trong các thể chế quân chủ cổ truyền, chủ quyền của quốc gia ở trong tay của nhà vua; tài sản của quốc gia coi như tài sản của hoàng triều. Còn dưới chế độ dân chủ, thì chủ quyển thuộc về toàn dân; Không thể đồng hóa quyền lợi của quốc gia với Nhà nước được nữa: nhà nước chỉ là một bộ máy hành chánh để phục vụ quốc gia, và nếu bộ máy hư thì cần phế thải. Thực ra, sự thay đổi các thể chế chính trị giả thiết sự thay đổi quan trọng về con người trong lịch sử. Con người của thời đại mới có ý thức hơn về vai trò của mình, không thụ động trước những khuôn mẫu cổ truyền, hủ lậu; nhưng muốn góp phần trách nhiệm để tạo ra một môi trường thoải mái, xứng hợp với phẩm giá của mình hơn.

Thiết tưởng cũng phải thêm một sự thay đổi không nhỏ nữa, đó là: “Ý thức về mối tương quan giữa Giáo hội và xã hội”. Trước đây, Giáo hội được quan niệm như là một xã hội siêu nhiên, đối lại với Quốc gia là một xã hội tự nhiên: mối tương quan được đặt ra dưới viễn ảnh thần quyền với thế quyền. Với Công Đồng Vatican II, quan niệm tương quan giữa đạo và đời thay đổi: Giáo hội không còn đồng nghĩa với giáo quyền nữa; nhưng Giáo hội còn bao gồm cả những tín hữu sống giữa đời như men trong bột, đem những giá trị Phúc âm vào các môi trường sinh sống và nghề nghiệp, tuy vẫn tôn trọng những định luật riêng của các cơ chế văn hóa, khoa học, kinh tế, chính trị. Một khi đã nói rằng Giáo hội không thể đồng hóa với giáo quyền, thời tất nhiên không thể coi “Học thuyết xã hội” của Giáo hội như là sản phẩm của các Giáo Hoàng hay các Giám mục. Toàn dân Thiên Chúa cũng góp phần vào đó. Họ mang lại cho Học thuyết xã hội những kinh nghiệm của họ, những suy tư của họ, những đặc sủng mà họ lãnh nhận từ Thánh Linh. Vai trò của giáo quyền là phân định (discenere) những kinh nghiệm đó.

Tuy nhiên, có một vấn nạn: “Học thuyết xã hội” ra đời để đáp ứng lại những vấn đề xã hội của thời đại, tiếp theo những biến chuyển chính trị, kinh tế. Liệu nó sẽ có nguy cơ là sẽ mang tính cách nhất thời, tạm bợ, và rồi cũng sẽ tàn lụi khi mà những thách đố tan biến? Để trả lời, cần phải phân biệt hai chiều kích trong “Học thuyết xã hội”:
- Một chiều kích lịch sử, xét vì nó ra đời trong một khung cảnh lịch sử, nhằm đưa ra một giải pháp cho một hoàn cảnh của lịch sử;

- Tuy nhiên, có một chiều kích liên tục, nhờ đó “Học thuyết xã hội” không những dần dần trở nên chín chắn hơn, nhưng nhất là nó cung cấp một động lực và nói đúng là xương tủy cho toàn bộ “Học thuyết xã hội”. Chiều kích liên tục, hay yếu tố cốt tủy ấy là “phẩm giá của con người dưới ánh sáng đức tin”. Yếu tố này có thể dùng làm thước đo, để phê phán tất cả những chính sách, những đường lối chính trị, kinh tế, những kế hoạch phát triển,.v.v...: những gì hợp hay phản với thiên chức của con người.

Như trên đã nói, “Học thuyết xã hội” nằm trong sứ mạng truyền giáo của Giáo hội, loan báo những chân lý về phẩm giá của con người, và tố giác những gì trái ngược với các chân lý đó; đồng thời Giáo hội cũng dấn thân cải thiện những cơ chế xã hội, ngõ hầu nhân phẩm được thăng tiến. Khi nói đến nhân phẩm, nhân quyền, chúng ta cũng không nên quên rằng chủ thể của nó, tức là con người, không phải chỉ gồm những cá thể, chủ thể của những nhân quyền cũng có thể là gia đình, tầng lớp xã hội, dân tộc.

4. Những chủ đề

Những chủ đề, tức là những lãnh vực của “Học thuyết xã hội”. Trước hết, Học thuyết bao gồm một phần căn bản, tức là quan niệm về con người, về nhân phẩm, những quyền lợi và nghĩa vụ trong tương quan với xã hội. Điều này cũng giả thiết một quan niệm về vai trò, mục đích của xã hội. Tiếp theo, đó là quan niệm về vai trò của những hình thức khác nhau của xã hội con người, gồm những loại sau đây:
- Gia đình.
- Kinh tế, bao gồm tư sản, lao động.
- Chính trị, bao gồm những vấn đề chính phủ, đảng phái.
- Văn hóa, khoa học, kỹ thuật.
- Cộng đồng quốc tế, với những vấn đề chiến tranh hòa bình, cũng như hợp tác, phát triển, lẫn các vấn đề di dân tị nạn.
- Môi sinh.

C.   LỊCH SỬ “HỌC THUYẾT XÃ HỘI” CỦA GIÁO HỘI
D.    
Theo một nghĩa rộng, thì có thể nói rằng “Học thuyết xã hội” của Giáo hội ra đời cùng một lúc với Kitô giáo. Thực vậy, Kitô giáo không phải chỉ gồm những chân lý về mầu nhiệm Thiên Chúa nhưng còn kèm theo rất nhiều đạo lý về mối tương quan của con người với tha nhân, với gia đình và xã hội. Dọc theo dòng lịch sử, đã có bao nhiêu vị chủ chăn và thần học gia đã suy tư, nhắc nhở các tín hữu về những chiều kích của nghĩa vụ công bằng bác ái. Tuy nhiên, theo nghĩa chặt, thì “Học thuyết xã hội” được thành hình từ một thế kỷ nay, và có thể lấy Thông điệp “Rerum Novarum” của Đức Giáo Hoàng Lêô XII (1891) làm khởi điểm. Bối cảnh lịch sử của nó là cuộc cách mạng kỹ nghệ tại Âu châu, lôi kéo theo rất nhiều cuộc thay đổi về công cụ sản xuất, cũng như những mối tương quan xã hội.

Thực ra, xã hội tại Âu châu đã bị lay động từ nhiều thế kỷ trước, do nhiều nhân tố khác nhau. Trước tiên là các cuộc cách mạng chính trị, lật đổ các chế độ chuyên chế, đòi hỏi các quyền tự do bình đẳng cho hết mọi công dân.[2] Tiếp theo cuộc cách mạng chính trị đòi hỏi các quyền tự do cho công dân, là thuyết tự do kinh tế, theo đó trong lãnh vực kinh tế, chính quyền phải để cho sáng kiến tư nhân hoạt động (laissez faire, laissez passer) chứ không được can thiệp vào guồng máy sản xuất, từ việc thiết lập cơ xưởng, cho tới khế ước thuê mướn nhân công, lẫn giá cả.[3] Chủ thuyết tự do cũng đề cao tư sản là cái gì thánh thiêng ngang hàng với tôn giáo và gia đình. Những tiền để của chủ thuyết tự do, khi được áp dụng vào cuộc cách mạng kỹ nghệ, không những đã làm thay đổi các điều kiện làm việc[4], nhưng còn tạo ra những giai cấp mới trong xã hội: một bên là lớp tư bản và một bên là lớp vô sản. Từ khi mà mức sống giữa đôi bên càng lúc càng chênh lệch, thì hai bên càng ngày càng trở nên đối thủ.

Đứng trước tình trạng bất công mà đa số dân nghèo phải chịu đựng, nhiều học giả như: Robert Owen (1771-1858), Saint Simon (1760-1825), Proudhon (1809-1865) và nhất là Karl Marx (1818-1883), cho rằng “nguồn gốc của các bất công xã hội là chủ nghĩa tự do kinh tế”. Vì vậy muốn dẹp đi những bất công, thì chính quyền cần phải nắm giữ các bộ máy sản xuất. Không những Marx đề ra một lý thuyết, nhưng ông còn khơi lên một hiệp hội quốc tế các công nhân, từ năm 1866 mang tên là “Đệ nhất Quốc tế”, nhằm chuẩn bị cho giới lao động nắm chính quyền, dẹp tan chế độ tư sản.

“Học thuyết xã hội” của Giáo hội đã ra đời trong hoàn cảnh đó. Tuy nhiên, cũng cần phải thêm rằng, Giáo hội không chỉ phải đương đầu với những lý thuyết tự do trong lãnh vực kinh tế. Thực vậy, từ thời cách mạng chính trị ở Pháp, giữa Giáo hội với chủ nghĩa tự do, còn có những cuộc đụng độ trên những phạm vi khác nữa, thí dụ như: về nguồn gốc quyền bính trong xã hội (từ trời, hay từ nhân dân?), về tự do lương tâm (ai muốn theo đạo nào thì theo, hay là phải theo đạo chân thật?). Các Đức Giáo Hoàng Grêgôriô XVI[5] và Piô IX[6] đã lên án những tiền đề của chủ thuyết tự do trong lãnh vực chính trị; nhưng thái độ lên án mang tính cách tiêu cực. Đức Lêô XIII (1878- 1903) bắt đầu tạo ra một học thuyết có tính cách tích cực và vững chắc về luân lý xã hội, để đáp lại những học thuyết tự do lẫn học thuyết cộng sản về nguồn gốc quyền bính trong xã hội, về ý nghĩa của tự do, về mối quan hệ giữa Giáo hội và Nhà nước. Cách riêng, với Thông điệp “Rerum Novarum” (15-5-1891), Đức Lêô XIII giải quyết vấn đề mà sự kỹ nghệ hóa đã đặt ra, đó là: một thiểu số người giàu đã áp đặt ách nô lệ lên vai đa số người vô sản. Có thể coi đây như là khởi điểm của “Học thuyết xã hội” của Giáo hội, tuy phải nhìn nhận rằng, các văn kiện chính thức của Giáo hội đã được chuẩn bị trước đó nhờ những nhà thần học hoặc các giáo dân đi tiên phong.

Từ Thông điệp Rerum Novarum trở đi, “Học thuyết xã hội” của Giáo hội được bổ túc dần dần, do những vấn đề được gợi lên tùy thời thế và cũng do những cuộc tìm hiểu và suy tư càng ngày càng chín chắn hơn. Xét về những biến chuyển của thời thế, chúng ta có thể chia thành 6 giai đoạn như sau:

1) Thời phác họa những vấn đề (1891-1931).
2) Thời khủng hoảng của các chế độ kinh tế (1931-1939).
3) Thời thế chiến và chiến tranh lạnh (1939-1958).
4) Thời lạc quan của thập niên 60 (1958-1969).
5) Thời khủng hoảng trong Giáo hội và xã bội (1969-1989).
6) Từ 1989, với sự sụp đổ của bức tường Berlin.
Chúng ta hãy lượt qua những nét chính của mỗi giai đoạn.

I. Thời phác họa vấn đề (1891-1931)

Không phải tất cả mọi giới công giáo đều hoan hỉ đón nhận Thông điệp “Rerum Novarum”. Một nhóm trưởng giả đã trách Đức Lêô XIII là đã vượt quá thẩm quyền của mình, khi can thiệp vào những vấn đề xã hội thay vì chú trọng đến chuyện cứu rỗi các linh hồn. Dù sao, Thông điệp ấy đã thức tỉnh lương tâm của nhiều tín hữu về vai trò của mình trong xã hội. Trong những thập niên đầu tiên của thế kỷ XX, người ta nhận thấy rất nhiều sáng kiến đã được xúc tiến về phía các chủ nhân cũng như các công nhân Kitô giáo, muốn đem ra áp dụng đạo lý của Hội thánh. Chính trong khi thực hành, người ta mới thấy nảy ra những vấn đề mới mà Thông điệp chưa nghĩ tới, nhưng cũng nhờ vậy mà Học thuyết xã hội dần dần được bổ túc và hoàn chỉnh. Vài thí dụ: người công giáo có nên thành lập một đảng chính trị để tranh đấu cho một chính sách hòa hợp với luân lý hay không? Các công nhân công giáo nên lập ra nghiệp đoàn riêng hay là nên gia nhập những nghiệp đoàn khác tuy không đồng tín ngưỡng? Riêng về quyền lợi của các công nhân, các nhà thần học còn tranh luận xem vấn đề phụ cấp dành cho gia đình thuộc về công bằng hay thuộc đức bác ái?

II. Thời khủng hoảng của các chế độ (1931-1939)

Thập niên 30 của thế kỷ XX được đánh dấu bằng nhiều khủng hoảng. Chế độ tư bản tự do gặp phải cơn khủng hoảng, điển bình với sự sụp đổ của thị trường chứng khoán New York (24-10-1929). Chế độ xã hội, sau cuộc cách mạng năm 1917 ở Nga, cũng bị rạn nứt giữa khuynh hướng đệ nhị và đệ tam quốc tế. Đang khi đó tại Đức và Ý nảy ra chủ nghĩa quốc xã và phát xít.

Thông điệp “Quadragresimo Anno” (15-5-1931) của Đức Piô XI, nhân dịp kỷ niệm 40 năm Thông điệp “Rerum Novarum”, đã vạch ra những sai lầm của ba chủ nghĩa nói trên:

1/. Chủ nghĩa tư bản bị lên án là bất công bởi vì hoàn toàn dựa trên định luật cung cầu: mặc dù đề cao tự do nhưng trên thực tế nó áp đặt sự thống trị của thiểu số có tiềm lực.

2/. Chủ nghĩa cộng sản bị kết án vì quan niệm đấu tranh giai cấp gây ra căm thù trong xã hội.

3/. Chủ nghĩa độc tài phát xít bị công kích vì dành cho Nhà nước quá nhiều can thiệp vào đời sống xã hội đến nỗi bóp nghẹt những sáng kiến tư nhân.

Nên biết là Đức Piô XI đã dành 3 Thông điệp cho ba chế độ độc tài:

- “Non Abbiamo Bisogno” (29-6-1931) dành cho phát xít Ý.

- “Mit Brennender Sorge” (14-3-1937) hướng tới quốc xã Đức.

- Bốn ngày sau đó, Thông điệp “Divini Redemptoris” (19-3-1937) ra đời bàn về chế độ cộng sản.

Đức Piô XI đã mạnh dạn tố cáo tất cả những chủ nghĩa nào - dù hữu phái hay tả phái, dù thuộc khuynh hướng tự do hay xã hội - khi chúng đe dọa sự tự do đích thực của con người.

III. Thời chiến tranh thế giới và chiến tranh lạnh (1939-1958)

Triều đại của Đức Piô XII trùng với thời chiến tranh nóng và chiến tranh lạnh của thế giới. Chiến tranh nóng khởi sự với thế chiến thứ hai ngày 1-9-1939. Khi thế chiến vừa kết liễu, thì cuộc chiến tranh lạnh bắt đầu giữa hai khối Liên Xô – Mỹ. Thêm vào đó, ngay tại nước Liên Xô, người ta cũng đã chứng kiến việc hạ bệ Staline năm 1956 đưa tới sự lên án vào năm 1961, dưới thời Kruschov, tuy ông này cũng làm thế giới đứng tim vì cuộc khủng hoảng Cuba năm 1962, sau khi đã xây bức tường Berlin năm 1961.

Đức Piô XII không xuất bản một Thông điệp nào về vấn đề xã hội, nhưng Ngài đã viết hoặc tuyên bố trên đài phát thanh biết bao nhiêu bài diễn văn bàn về hòa bình thế giới. Không những Đức Thánh Cha Piô XII lên án chiến tranh, nhưng còn vạch ra những nguyên nhân của nó, cũng như đề nghị những nguyên tắc xây dựng một trật tự hòa bình trên thế giới. Ngoài ra, Ngài cũng đề cập tới những vấn đề như quyền tư hữu, việc quốc hữu hóa xí nghiệp,…

IV. Thời lạc quan của thập niên 60 (1958-1969)

Thập niên 60 được đánh dấu với những nét lạc quan về chính trị, kinh tế xã hội. Mặc dù chiến tranh lạnh giữa hai khối Liên Xô - Mỹ còn tiếp diễn, nhưng lãnh tụ của hai phe đã có dịp gặp gỡ nhau để thảo luận về chính trị quốc tế. Mức sống của dân chúng tại Âu - Mỹ đã được nâng cao nhờ sự phát triển kinh tế. Các công nhân và nghiệp đoàn đã có tiếng nói trong sinh hoạt chính trị và xã hội. Thập niên 60 cũng còn được đánh dấu với sự dành độc lập của các nước Á - Phi, làm thay đổi mối bang giao giữa các quốc gia, dần dần đưa tới những khối trong cộng đồng chính trị thế giới.

Về phía Giáo hội, giai đoạn này trùng với triều đại của Đức Gioan XXIII. Ngài đã để lại hai Thông điệp xã hội: “Mater et Magistra” (15-5-1961) và “Pacem in Terris” (14-4-1963). Thông điệp thứ nhất kỷ niệm 70 năm Thông điệp “Rerum Novarum”, đặt lại những vấn đề quyền tư hữu, lương bổng, các cơ cấu kinh tế trong viễn tượng mới của thế giới. Thông điệp thứ hai phát biểu quan điểm của Giáo hội trước các vấn đề chính trị quốc gia và quốc tế. Các Thông điệp này được gửi tới “hết tất cả mọi người thiện chí”, chứ không chỉ giới hạn vào các phần tử của Giáo hội. Đức Thánh Cha đề cao các quyền của con người (nhân quyền), cũng như đặt nền móng xây dựng hòa bình dựa trên bốn cột trụ của: Chân Lý, Công Bằng, Yêu Thương và Tự Do.

Như chúng ta đã biết, Đức Gioan XXIII đã triệu tập Công Đồng Vatican II. Công Đồng này đã bàn tới các vấn đề xã hội, đặc biệt là trong Hiến chế “Vui mừng và Hy vọng” (Gaudium et Spes, 7-12-1965), với những chương nói về gia đình, văn hóa, kinh tế, chính trị, hòa bình.

Trong công tác thực thi Công Đồng, Đức Phaolô VI đã để lại một văn kiện quan trọng cho “Học thuyết xã hội”, đó là Thông điệp “Populorum Progressio” (26-3-1966) bàn về sự phát triển các dân tộc. Sự phát triển không thể chỉ giới hạn vào lãnh vực kinh tế, nhưng cần được mở rộng tới sự phát triển toàn diện con người. Mặt khác, sự phát triển cũng đòi hỏi tình liên đới, vì thế vấn đề quyền tư hữu cần được lồng trong bối cảnh nhằm phục vụ lợi ích của toàn thể nhân loại.

V. Thời khủng hoảng trong xã hội và Giáo hội (1969-1989)

Vào năm 1969, con người đã đặt chân lên cung trăng. Nhưng thay vì mở màn cho những hy vọng vô bờ bến của nhân loại, thì nó lại đánh dấu một giai đoạn khủng hoảng. Trước đó một năm, những cuộc biểu tình của sinh viên tại Paris và các thủ đô lớn ở Âu - Mỹ đã cho thấy rằng thế hệ trẻ không hài lòng với những cơ cấu xã hội cổ truyền, và họ muốn phá đổ tất cả. Sự phát triển kinh tế bị đình trệ lại với cuộc khủng hoảng dầu lửa năm 1973. Hòa bình thế giới bị thương tổn không những do những cuộc chiến tranh sôi bỏng tại Việt Nam, nhưng còn có những cuộc chiến tranh du kích tại Nam Mỹ nhằm đòi một trật tự xã hội công bình hơn.

Trong nội bộ Giáo hội, luồng gió mới của Công Đồng Vatican II đôi khi cũng gây ra những bão tố, điển hình là phản ứng tiếp theo Thông điệp “Humanae Vitae” của Đức Phaolô VI (25-7-1968).

Trong giai đoạn này, đừng kể những văn kiện liên quan tới việc canh tân Giáo hội sau Công Đồng Vatican II, chúng ta có thể ghi nhận rất nhiều văn kiện về “Học thuyết xã hội” của Giáo hội.

Đức Phaolô VI, với Tông thư “Octogesima Adveniens” (15-5-1971), nhân dịp kỷ niệm 80 năm Thông điệp “Rerum Novarum”, đã trình bày lập trường của Giáo hội trước những vấn đề mới, đặc biệt là sự tham gia của các tín hữu vào các ý thức hệ. Ngài đã phân tích hai ý thức hệ (tự do và mác xít), khác với ba phong trào lịch sử (chủ nghĩa xã hội, cộng sản, tư bản).


Thượng Hội Đồng Giám Mục Thế Giới năm 1971 đã dành một văn kiện bàn về sự công bằng trên thế giới. Thượng hội đồng khóa 1974, được Đức Phaolô VI đúc kết trong Tông huấn “Rao Truyền Phúc Âm” (“Evangelii Nuntiandi”, 8-12-1975), đã dành nhiều khoản (số 29-39) để nói về mối liên hệ giữa việc rao truyền Phúc âm với sự thăng tiến con người.

Đức Gioan Phaolô II khai trương giáo huấn xã hội của triều đại với Thông điệp “Laborem Exercens” (14-9-1981) bàn về lao động, vào dịp kỷ niệm 90 năm Thông điệp “Rerum Novarum”. Tiếp theo là Thông điệp “Sollicitudo rei Socialis” (30-12-1987) kỷ niệm 20 năm Thông điệp “Populorum Progressio”. Những dịp kỷ niệm như vậy không phải chỉ lặp lại chuyện cũ nhưng là để bàn đến những vấn đề mà thời đại đặt ra. Thí dụ vào thời đại hôm nay, vấn đề lao động lôi kéo theo vấn đề nghiệp đoàn, lãnh công, thất nghiệp, di dân, phụ nữ,... Sự phát triển các dân tộc bị đình trệ vì nợ của các nước nghèo: thế giới không phải chỉ chia thành hai khối tư bản và xã hội, nhưng còn thêm những nước thuộc thế giới thứ ba và thứ bốn.

Bên cạnh giáo huấn của các Đức Giáo Hoàng, còn phải kể thêm hai Huấn thị của Bộ Giáo Lý Đức Tin về “thần học giải phóng”(6-8-1984 và 22-3-1986), một Huấn thị của Bộ Giáo Dục Công Giáo về việc dạy “Học thuyết xã hội trong các Chủng viện” (30-12-1988); đó là chưa kể đến các văn kiện của Hội đồng Tòa thánh về Công Lý Hòa Bình, và của các Hội Đồng Giám Mục.

VI. Từ khi bức tường Berlin sụp đổ (1989)

Với sự sụp đổ của bức tường Berlin ngày 9-11-1989, một trang sử được lật qua với những ảnh hưởng không riêng gì cho chính trị tại Âu châu mà còn cho trật tự của toàn thế giới. Bản đồ của nhiều quốc gia đã được vẽ lại. Người ta không còn lo sợ sự đụng độ giữa hai siêu cường Nga - Mỹ nữa[7]. Tuy nhiên, những cuộc khủng hoảng kinh tế xã hội vẫn còn trờ trờ ở đó: nạn thất nghiệp, nợ quốc tế,…; đó là chưa nói tới cuộc khủng hoảng của các giá trị luân lý tinh thần.

Thông điệp “Centesimus Annus” (1-5-1991) không nhằm kỷ niệm 100 năm Thông điệp“Rerum Novarum” cho bằng phác họa hướng đi cho tương lai. Thông điệp ôn lại thái độ của Giáo hội đối với hai chế độ mác xít và tư bản, cho thấy những khuyết điểm của mỗi chế độ, chung quy ở chỗ quan điểm lệch lạc về phẩm giá của con người. Khuyết điểm chính của chủ thuyết mác xít là cắt đứt con người khỏi chiều kích siêu việt, cũng như chủ trương đấu tranh giai cấp. Khuyết điểm của chủ nghĩa tư bản là đề cao tự do cá nhân mà không đếm xỉa đến tình liên đới xã hội, hoặc đề cao một thứ tự do quá khích tách rời khỏi mọi giá trị luân lý.

Tóm lại, trong vòng 100 năm qua, “Học thuyết xã hội” của Giáo hội đã có sự tiến triển, do những vấn đề được đặt ra tùy theo tình thế mới. Mặt khác, với dòng thời gian, những suy tư càng ngày càng chín mùi hơn, từ những giải pháp lẻ tẻ nhất thời cho tới những nguyên tắc có tính cách bao quát. Để kết thúc mục lịch sử, chúng ta ghi nhận vài nguyên tắc coi như bền vững trải qua những biến chuyển của thời gian. Những nguyên tắc căn bản có thể tóm lại như sau:

1/. Tôn trọng phẩm giá của con người

Con người là chủ thể và trung tâm của mọi cơ cấu và hoạt động xã hội. Nói khác đi, tất cả sinh hoạt chính trị, kinh tế, xã hội nhằm giúp con người phát triển phẩm giá của mình, chứ không phải để khuynh đảo, bóc lột con người. Việc tôn trọng phẩm giá của con người được thể hiện qua việc tôn trọng nhân quyền. Sách Giáo lý Hội thánh Công giáo nói tới phẩm giá con người tại các số 355-379 và 1700-1709.

2/. Con người cần có xã hội để phát triển

Hậu nhiên, những cơ cấu xã hội thực là cần thiết cho con người. Tuy nhiên, những cơ cấu cần được luôn luôn cải tiến để khỏi rơi vào nguy cơ là đè bẹp, chèn ép những sáng kiến cá nhân. Chúng ta có thể xem sách Giáo lý Công giáo các số 1878-1889.

3/. Trật tự xã hội chính trị cần đặt trên nền tảng là công ích

Công ích bao gồm toàn thể những điều kiện xã hội nhằm giúp đỡ sự phát triển toàn diện của con người và của hết mọi người. Khái niệm công ích được sách Giáo lý nói ở số 1905-1912.

4/. Đời sống xã hội cần được điều khiển bởi sự liên đới và hỗ trợ

Ý nghĩa của liên đới và hỗ trợ được sách Giáo lý giải thích ở số 1883-1884; 1939-1942; 2437-2440.

5/. Con người tham gia vào mọi khía cạnh xã hội

Xã hội là một khái niệm hữu cơ, gồm có nhiều cấp độ: Gia đình, làng mạc, hiệp hội, quốc gia, cơ quan quốc tế. Con người có quyền được thiết lập, bảo vệ, cũng như bổn phận phải tham gia vào sinh hoạt của các cấp độ ấy. Sự tham gia vào sinh hoạt xã hội được sách Giáo lý nói đến ở các số 1913-1917.

6/. Cần phải nhìn nhận cho con người được quyền tư hữu

Lao động là một nguồn gốc của quyền tư hữu không chỉ giới hạn vào đất đai hay tài sản vật chất, nhưng còn bao hàm kiến thức, kỹ thuật. Mặt khác, quyền tư hữu không phải là quyền lợi cá nhân tuyệt đối, nhưng phải lệ thuộc một nguyên tắc cao cấp hơn, đó là: nhằm tới ích lợi của toàn thể nhân loại. Vì thế, đôi khi ích chung có thể đòi hỏi sự truất hữu hay cải cách quyền tư hữu, ngõ hầu hết mọi người có thể hưởng dụng những phương tiện tối cần để sinh sống.

Hơn nữa, một điểm mới của Sách Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo[8] là đã dành ra những mục riêng cho “Học thuyết xã hội” của Giáo hội, đặc biệt ở các số 2419-2425, đó là chưa kể những bổn phận xã hội trong phần Luân lý Tổng quát (thí dụ 1878-1888) hay Chuyên biệt (thí dụ 2443-2449).

C. BẢN CHẤT CỦA “HỌC THUYẾT XÃ HỘI” CỦA GIÁO HỘI

Sau khi đã rảo qua bối cảnh lịch sử của “Học thuyết xã hội” của Giáo hội, khởi điểm từ Thông điệp “Rerum Novarum” năm 1891. Chúng ta nhận thấy sự tiến triển của “Học thuyết xã hội” do những vấn đề mà hoàn cảnh chính trị xã hội đặt ra trong thế kỷ XX. Ngoài lý do hoàn cảnh bên ngoài, ta cũng có thể nói tới sự tiến triển của “Học thuyết xã hội” do những động lực bên trong, về phương pháp suy tư và trình bày cũng như về chính bản chất của mình. Trong vòng 100 năm qua, “Học thuyết xã hội” của Giáo hội đã nhiều lần thay đổi danh xưng lẫn phương pháp. Về danh xưng, nó đã mang nhiều tên khác nhau: “Học thuyết hay Đạo lý xã hội” (Doctrine sociale), “Triết học xã hội” (Philosophie sociale), “Giáo huấn xã hội” (Enseignement social).

Về phương pháp, lúc đầu đi theo đường lối diễn dịch của triết học, áp dụng những nguyên tắc của luật tự nhiên vào những hoàn cảnh cụ thể; nhưng gần đây đi theo hướng kết hợp giữa phương pháp quy nạp và diễn dịch dựa trên phương thức: xem xét - phán đoán - hành động.
Phần này, xin trình bày về bản chất của “Học thuyết xã hội” của Giáo hội theo quan điểm hiện đại, dựa theo văn kiện của bộ Giáo dục Công giáo xuất bản năm 1988 về việc nghiên cứu và giảng dạy “Học thuyết xã hội” trong các chủng viện[9]. Chúng ta có thể tóm lại trong 6 điểm sau đây:

1/. “Học thuyết xã hội” là một ngành của thần học luân lý

Tiên vàn, “Học thuyết xã hội” của Giáo hội không phải là một ý thức hệ cũng không phải là một triết học, nhưng là một ngành của thần học luân lý. Những nguyên lý nền tảng của nó lấy từ mạc khải Kitô giáo về phẩm giá con người cũng như về những mối tương quan giữa con người với xã hội. Xét về điểm này, ta thấy có sự tiến triển lớn trong quan điểm về bản chất của “Học thuyết xã hội”: nó không phải là một ngành của triết học, hoàn toàn dựa trên luật tự nhiên; nhưng là một ngành của thần học dựa trên quan điểm Kitô giáo về phẩm giá và ơn gọi siêu việt của con người. Có thể nói được là sự chuyển hướng về quan điểm đã bắt đầu với Hiến chế “Vui Mừng Và Hy Vọng” của Công Đồng Vatican II.

2/. “Học thuyết xã hội” không nằm ngoài sứ vụ của Giáo hội

“Học thuyết xã hội” nằm trong sứ mạng của Giáo hội phải rao giảng Tin mừng cho muôn dân. Giáo hội có nhiệm vụ phải công bố sự thực về Đức Kitô cũng như sự thực về con người. Giáo hội cần phải loan truyền Tin mừng về phẩm giá của con người mà Đức Kitô mặc khải. Giáo hội cũng phải theo gương Đức Kitô, Đấng tuy giàu có nhưng đã trở thành khó nghèo vì chúng ta, để đi sát với người nghèo, tố cáo những cơ chế bất công chèn ép con người. Mặt khác, Giáo hội không phải chỉ giới hạn vai trò của mình vào việc tố cáo những tội lỗi, những bất công; Giáo hội còn muốn đóng góp phần của mình vào việc kiến tạo một xã hội công bằng nhân đạo hơn. Thực vậy, “Học thuyết xã hội” của Giáo hội chứa đựng những đạo lý về việc tổ chức xã hội sao cho hợp theo lẽ công bằng và bác ái.[10]

3/. “Học thuyết xã hội”: điểm giao thoa giữa Phúc Âm và xã hội

“Học thuyết xã hội” của Giáo hội là điểm gặp gỡ giữa Phúc âm với đời sống xã hội. Nói cách khác, “Học thuyết xã hội” của dựa trên ánh sáng Phúc âm, đàng khác cũng dựa trên những nguyên tắc lành mạnh của lý trí, triết học, các khoa học nhân văn. Giáo hội sử dụng tất cả những nguồn tri thức vừa kể để có một nhận thức khách quan về thực tại xã hội. Khi trình bày “Học thuyết xã hội”, Giáo hội không đề ra những giải pháp kỹ thuật cụ thể về kinh tế chính trị, nhưng chỉ muốn vạch ra những tiêu chuẩn phán đoán cái gì thích hợp hay trái nghịch với nhân phẩm, với công bằng xã hội. Vì thế, vai trò của “Học thuyết xã hội” thường mang tính cách phê bình, nghĩa là nhận định xem những khuôn mẫu mà các chuyên gia về kinh tế chính trị xã hội đề ra có thực sự giúp cho con người phát triển hay không.

4/. “Học thuyết xã hội” mang ba chiều kích: Lý thuyết - Lịch sử - Thực tiễn

- a). Lý thuyết, bởi vì đề ra những nguyên tắc luân lý về thực trạng của con người và đời sống xã hội.

- b). Lịch sử, bởi vì nó gồm những phán đoán về những thực tại và hoàn cảnh biến thiên của lịch sử. Xét vì những hoàn cảnh này biến đổi liên tục tùy nơi và tùy thời, nên những phán đoán về chúng cũng cần được xét đi xét lại để xem những gì là phù hợp hay tương phản với nhân phẩm.

- c). Thực tiễn, bởi vì Giáo hội không phải chỉ đứng ngoài cuộc để phê phán, nhưng qua những phần tử của mình, Giáo hội muốn góp tay vào việc xây dựng một xã hội công bằng nhân đạo hơn khi mang ra áp dụng “Học thuyết xã hội”.

5/. Phương pháp

Để có thể nắm vững các vấn đề và nhận thức những nguyên nhân của chúng, “Học thuyết xã hội” áp dụng phương pháp vừa quy nạp vừa diễn dịch, tóm lại trong công thức: nhìn, xét và làm.

- a). Nhìn, có nghĩa là học hỏi thực tại, nhờ những khoa học khác nhau: từ những khoa học nhân văn cho tới các khoa triết lý, và dĩ nhiên là không thể bỏ qua mặc khải Kitô học về con người.

- b). Xét, có nghĩa là cắt nghĩa thực trạng xã hội dưới ánh sáng của đức tin và của thực tại khách quan.
- c). Làm, có nghĩa là lựa chọn đường lối hành động, không những là qua việc thay đổi cơ cấu bên ngoài mà cả qua việc thay đổi tâm thức não trạng (tức là cải hoán theo tinh thần Phúc âm).

6/. Giá trị

Từ Thông điệp “Mater et Magistra”, các Đức Giáo Hoàng dần dần phân biệt trong “Học thuyết xã hội” những cấp độ giá trị khác nhau trong giáo huấn về xã hội, được Sách Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo lặp lại ở số 2423. Có ba cấp độ chính:

- a). Nguyên tắc suy luận (principes de réflexion);

- b). Tiêu chuẩn phán đoán (critères de jugement);

- c). Chiều hướng hành động (orientations pour l’action).

Thực ra không dễ gì phân biệt ba cấp độ đó. Đại khái, với hai cấp độ đầu tiên thì có thể nói như sau: những nguyên tắc thì có tính cách bền vững, còn những phán đoán thì tùy thuộc vào những hoàn cảnh nhất thời. Sự phân biệt này đã được Công Đồng Vatican II nói tới ở đầu Hiến chế “Vui Mừng và Hy Vọng”. Văn kiện này được chia làm hai phần: phần đầu gồm có những nguyên tắc đạo lý về con người, về thế giới; phần thứ hai thì phát biểu thái độ trước một vài vấn đề khẩn trương của thời đại. Do đó, việc giải thích phần thứ hai cần được đối chiếu với những thực trạng của thời buổi đương thời, chứ không mang tính chất bất biến. Dĩ nhiên, sự phân biệt này cũng được áp dụng trong toàn thể “Học thuyết xã hội”của Giáo hội. Những nguyên tắc về phẩm giá con người, về trách nhiệm của con người đối với xã hội thì có tính cách bền vững. Còn những phán đoán về những vấn đề cụ thể thì thay đổi tùy theo hoàn cảnh xã hội. Thí dụ trong quá khứ, nhiều Giáo Hoàng đã bênh vực quyền tư hữu chống lại những chủ nghĩa cộng sản; nhưng dần dần, trước những bất công của chế độ tư bản, Giáo hội cũng cho thấy những khuyết điểm của quyền tư hữu khi nó không đếm xỉa gì tới tình liên đới, dẫn tới sự bóc lột tha nhân. Từ đó, học thuyết về quyền tư hữu lần lần được bổ túc bởi học thuyết về việc các tài sản được dành cho toàn thể nhân loại hưởng dụng.

Đến cấp độ thứ ba (những chiều hướng hành động) thì lại càng lỏng lẻo hơn nữa, theo nghĩa là có nhiều đường hướng khác nhau để thực thi những nguyên tắc đạo lý. Do đó, các tín hữu Công giáo không bắt buộc phải theo một đường hướng nhất định (thí dụ không buộc phải gia nhập một nghiệp đoàn, một đảng phái nào đó) khi tìm cách diễn đạt những nguyên tắc xã hội Kitô giáo vào lãnh vực cụ thể của một chính sách kinh tế, chính trị. Vì thế, một tín hữu Công giáo tại Hoa Kỳ có thể bỏ phiếu hay gia nhập Đảng Cộng hòa hoặc đảng Dân chủ, tùy theo họ thấy đảng nào có đường lối gần với “Học thuyết xã hội” của Giáo hội, hoặc là dễ có phương thế để cải cách xã hội cho phù hợp với những nguyên tắc của “Học thuyết xã hội”.


Để kết thúc, thiết tưởng nên thêm một câu hỏi: “Học thuyết xã hội” của Giáo hội dành cho ai? Dĩ nhiên, tiên vàn “Học thuyết xã hội” dành cho các tín hữu Công giáo. Nhưng từ năm 1963, khi viết Thông điệp “Pacem in Terris”, Đức Gioan XXIII đã muốn ngỏ lời với “hết mọi người thiện chí”. Việc Giáo hội Công giáo muốn đối thoại với hết mọi người không phải chỉ vì lý do thực tiễn, tức là Giáo hội cũng sống trong một xã hội với cộng đoàn nhân loại và muốn xây dựng cộng đồng này chứ không phải cộng đồng trên cung trăng; nhưng còn vì một lý do khác nữa, đó là Giáo hội không muốn áp đặt một ý thức hệ hay một chủ thuyết nào trên cộng đồng nhân loại, nhưng chỉ muốn cộng tác với mọi người khám phá ra cái gì phù hợp với lý lẽ chân chính, với khát vọng tự nhiên của con người. Giáo hội thâm tín rằng, con người, dù theo tín ngưỡng hay ý thức hệ nào đi nữa, cũng đều khát vọng tới những giá trị căn bản tựa như: chân lý, tự do, công bằng, liên đới, hòa bình, yêu thương. Giáo hội muốn đồng hành với nhân loại để nhắm đạt tới những mục tiêu ấy.

Phan Anh, OP.
catechesis.net
-------------------------------------------
[1] Hiến chế “Vui Mừng và Hy Vọng”
[2]Điển hình là cuộc cách mạng năm 1789 tại Pháp
[3]Vài học giả tiêu biểu: Adam Smith 1723-1790; David Ricardo 1772-1823
[4] Từ nông nghiệp sang kỹ nghệ, từ đồng quê lên thành thị
[5] Thông điệp “Mirari vos” 15-8-1832, “Singulari nos” 25-7-1834
[6] “Syllabus, danh mục những sai lầm của thời đại”, 8-12-1864
[7] Điển hình là cuộc chiến tranh vùng vịnh Ba Tư
[8] Đức Gioan Phaolo II chính thức công bố năm 1992.
[9] Sách Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo cũng đề cập tới vấn đề này ở các số 2419-2423
[10] Xc. Sollicitudo rei Socialis, số 41


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét