Trang

Thứ Hai, 24 tháng 7, 2017

THẦN HỌC CHÍNH THỐNG GIÁO NGÀY NAY.

THẦN HỌC CHÍNH THỐNG GIÁO NGÀY NAY.



Giáo hội chính thống giáo thường vẫn là người đứng ngoài cuộc, vắng mặt trong những cuộc tranh luận về vấn đề đại kết. Giữa Công giáo và Thệ phản chẳng phải là người ta vẫn dễ dàng gặp gỡ nhau trên cùng một làn sóng dài đấy sao? Tuy nhiên, phương Đông vẫn tạo cho mình một nét hấp dẫn đáng kể đối với một số đông Kitô-hữu phương Tây, đặc biệt là đời sống đan viện. Khuôn mặt thần học có từ hàng ngàn năm đó hiện nay vẫn còn là một cái gì đó lôi cuốn hấp dẫn chúng ta.
Đây, chắc chắn thế, chính là nét độc đáo cơ bản, Giáo hội chính thống giáo tự định nghĩa mình như là Giáo hội của Truyền thống. Nhưng, chúng ta chớ nên hấp tấp vội coi truyền thống như là đồng nghĩa với khuynh hướng bảo thủ. Khái niệm truyền thống có ý nói lên một thứ nguyên động lực chạy dọc suốt quá trình lưu truyền sứ điệp, mà vẫn liên tục được tiếp sức bởi mỗi tín hữu và với toàn thể mọi tín hữu, mà chính như thế mới biểu lộ tình trạng hiệp nhất của Giáo hội trong thời gian. Trong suốt giòng lịch sử của mình,  nhờ sức đòn bẩy là Sách Thánh và phụng vụ, Giáo hội được dấn sâu trong tri thức về Thiên Chúa và trong tình trạng thông hiệp với Ngài. Thần học lúc bấy giờ là một đại lộ chiêm ngắm, một thứ kinh nghiệm  thần bí về Thần Khí. Trong khi hoàn toàn vẫn tuyên xưng Huyền nhiệm không thể nào diễn ra được là chính Thiên Chúa, Giáo hội nầy vẫn dám khẳng định về nỗ lực thần linh hoá người tín hữu.

Thí dụ về những Kitô-hữu ở Liên Xô:
(... ) (Ở đây, người dịch mạn phép tự ý bỏ một đoạn ngắn, một đàng, vì nhận thấy không cần thiết lắm trong việc có thể hiểu được toàn bộ nội dung của vấn đề liên hệ, đàng khác, vì nó có thể gây ra những hiểu lầm ngộ nhận hoàn toàn không cần thiết.)
(Thần học chính thống giáo ngày nay ở Liên Xô) chủ yếu đặc biệt chú tâm vào một nỗ lực suy tư căn bản về niềm tin trong bối cảnh vô thần. Cần đọc Les Sermons (Những bài giảng) của linh mục gốc người Maxcơva là Dimitri DOUDKO, xuất bản tại Paris năm 1976 (Seuil). Nền thần học được thích nghi nầy hoàn toàn tập trung trên huyền nhiệm của biến cố Phục sinh, một biến cố mang nhiều ý nghĩa liên quan đến căn cước tính của người Kitô-hữu. “Ở nước Nga, cần phải đến với niềm tin qua con đường sẵn sàng chấp nhận cùng theo Đức KITÔ khi người ta đóng đinh Ngài trên Thập tự giá.” Nỗ lực đồng hoá với Đức KITÔ đó không có nghĩa đơn giản là một sự thoát ly ra khỏi xã hội cụ thể: đúng hơn, nó lại càng bắt buộc người Kitô-hữu phải là những người tái tạo xây dựng một xã hội công bằng dưới ánh sáng của Tin mừng. Không có sự tìm kiếm chân lý mà tựu trung là sự tìm kiếm Thiên Chúa, nỗ lực tìm kiếm tình trạng công bằng cho con người vẫn không đạt được mấy kết quả ngoài việc chuyển dịch vị trí của tình trạng bất công.

Những suy gẫm về Giáo hội.
Từ sau 7 Công đồng đại kết khi Giáo hội chưa bị chia cắt mà đã đưa ra được những định nghĩa về những tín điều chủ yếu, giáo hội học đã trở thành nòng cốt của tư tưởng thần học. Thời Trung cổ, thường thường đấy chỉ là những cuộc bút chiến chống lại Giáo hội Latinh. Nhưng, đến thế kỷ XIX, sử dụng lại một khẳng định rút ra từ thông điệp của các Thượng phụ phương Đông (1848), một giáo dân người Nga, KHOMIAKOV, đã làm cho giá trị của cộng đoàn tính (sobornost) nổi bật lên. Giáo hội được cấu thành bởi tình yêu và tự do nhờ sự hiệp thông giữa tất cả mọi người, chứ không phải trên cơ sở nguyên tắc pháp cứ (juridique) của người Rôma.
Cha Nicolas AFANASSIEFF, giáo sư tại Học viện Thần học chính thống giáo ở Paris (qua đời năm 1966), đã nhấn mạnh nhiều trên bản tính bí tích của Giáo hội. Từ tình hình đó, ưu tiên trong định nghĩa về Giáo hội nhảy từ ý tưởng trừu tượng là Giáo hội phổ quát sang thực tại cụ thể là Giáo hội địa phương, nơi mà vẫn được cử hành bí tích Thánh Thể, dưới sự chủ trì của vị giám mục kế thừa từ các Tông đồ, ngay trong lòng một dân đang thực sự được quy tụ. Giáo hội địa phương thể hiện cách hoàn chỉnh công giáo tính của Giáo hội. Còn Giáo hội phổ quát thì được hiểu như là sự hiệp thông giữa các Giáo hội địa phương theo những cấu trúc của cộng đoàn tính.
Đàng sau những nỗ lực suy tư nầy là niềm xác tín rằng thần học là một nỗ lực phục vụ Giáo hội. Thần học tìm thấy suối nguồn của mình trong bản chất sâu sa của Giáo hội, một đàng, trong phụng tự và các bí tích, đàng khác, trong truyền thống của các sư phụ trong lĩnh vực tâm đạo. Từ đó có một nền thần học phụng vụ và một nền thần học thần bí. Vladimir LOSSKY là một nhân chứng tốt về cách thức mà người ta có thể vượt được lên trên vết cắt vẫn có giữa thần học và tâm đạo (spiritualité) trong tác phẩm của ông là “Essai sur la théologie mystique de l’Église d’Orient” (Aubier, 1944) (Tiểu luận về nền thần học thần bí của Giáo hội phương Đông).

Đi tìm một giáo thuyết mang nội dung đại kết.
Mặc dù trong biến cố ra đời của Phong trào đại kết, Toà Thượng Phụ Constantinople đã thủ giữ vai trò tiên phong (Những Thông điệp năm 1902 và năm 1920), tuy nhiên, thần học chính thống giáo vẫn ở trong tư thế bình chân như vại chẳng dính dáng gì tới cuộc tranh luận của thời hiện đại nầy. Đã hẳn, người ta không được đánh giá thấp nỗ lực tham gia bền bỉ của Giáo hội chính thống giáo trong cơ cấu của Phong trào đại kết: tuy vắng mặt lâu dài không tiếp xúc gì với Giáo hội công giáo Rôma, Giáo hội chính thống giáo, với sự trợ lực của Giáo hội Anh giáo, vẫn đảm nhận vai trò một sự hiện diện “có tính chất công giáo” theo đúng nội dung ý nghĩa thần học của từ nầy. Tuy nhiên, người ta không thể nói về một nỗ lực cáng đáng suy tư về vấn đề đại kết từ phía thần học chính thống giáo. Có những yếu tố tồn tại theo nghĩa nầy, nhưng chúng đã không được triển khai gì thêm.
Những chỉ trích phê bình từ phía Hội đồng thế giới các Giáo hội, dù có được đưa ra với cách thức đầy tinh thần trách nhiệm, đầy đủ tình tiết và có lý có tình, vẫn không thể nào miễn chước khỏi nỗ lực cần phải tìm kiếm một giáo thuyết mang nội dung đại kết riêng biệt của Giáo hội chính thống giáo trong một tổng hợp giáo hội học mà chắc chắn là sẽ phải bớt phần khắt khe hơn đối với những Kitô-hữu khác, nhưng đồng thời vẫn không một lúc nào có thể cho vào trong ngoặc kép vấn đề Truyền thống muôn thuở.
Qua những biểu thức diễn đạt khác biệt của mình, thần học chính thống giáo hiện đang đi tìm một định thức lý tưởng: một thái độ trung thành có tính sáng tạo đối với Truyền thống. Một vài nhà thần học nhấn mạnh trên thái độ trung thành nghiêm ngặt nhất đối với di sản để lại. Có những nhà thần học khác thì nhạy cảm hơn trước những biến thái của các nền văn hoá và trước những nhu cầu mới. Mẫu mực vẫn là tổng hợp mà các Giáo phụ đã làm. Các Giáo phụ, chẳng có cái chuyện Hy Lạp hoá Tin mừng của Đức KITÔ, đúng hơn các ngài Kitô-giáo hoá tư tưởng Hy Lạp với cái giá phải có là một sự trở lại từ căn cơ.
Ở đàng sau nền thần học được in ấn và xuất bản vốn rất hiếm kia, vẫn còn có cả một nền thần học đang được sống, đó là nền thần học của dân Thiên Chúa đang chảy tràn lan trong Truyền thống của Giáo hội. Đối với Giáo hội chính thống giáo, ơn cứu độ luôn luôn là đến từ đấy.
 Bruno CHENU (Khởi từ một bản văn của cha Élie MELIA).

X      X
X

Giáo hội vẫn là Giáo hội của các Giáo phụ.
Giáo hội quả thực là có tính tông truyền, nhưng Giáo hội đồng thời cũng mang tính chất của các Giáo phụ. Hai đặc tính nầy không bao giờ có thể tách rời nhau. Chỉ chính vì Giáo hội có tính chất của các Giáo phụ mà Giáo hội tiếp tục có tính tông truyền (... ). Quả thực, giáo huấn của các Giáo phụ cũng chính là lời rao giảng đơn sơ được lưu truyền và được tồn giữ bởi các Tông đồ một lần cho tất cả. Nhưng, có một đòi hỏi thúc bách cho Giáo hội là Giáo hội phải tự biểu lộ mình ra cách trọn vẹn và phải được phát triển ra trong một thân thể độc nhất có sự phân nhiệm đã được chứng thực khá rõ ràng, được phát triển thêm dựa trên cơ sở trí tri (logos), tuy nhiên vẫn là nhờ sức mạnh của cũng chính một Thần Khí đó. Lời rao giảng của các Tông đồ vẫn sống ở trong Giáo hội. Trong nhãn giới nầy, Giáo hội của các Giáo phụ cấu tạo thành một thuộc tính ổn cố của thực tại hiện sinh của người Kitô-hữu, thành một thứ thước đo và một thứ tiêu chuẩn ổn định và có giá trị dứt điểm để đánh giá đâu là chân lý của niềm tin. Việc chúng ta trở về với các Giáo phụ vì thế là một cái gì đó còn vượt xa hơn là một sự trở về với quá khứ hay với thời đại xa xưa. Các Giáo phụ không chỉ là những chứng nhân của niềm tin trong thời xa xưa, testes antiquitatis, nhưng các ngài cũng còn là những chứng nhân của chân lý niềm tin, testes veritatis. Hạn từ “tinh thần (hay tư tưởng) của các Giáo phụ” diễn dịch một cấu trúc nội tại nằm ngay trong thần học chính thống giáo; nó không kém phần quan trọng so với lời của Sách Thánh và cũng không bao giờ nó tự tách mình ra khỏi Sách Thánh. Như một nhà văn có uy tín cách đây không bao lâu đã phát biểu: “Giáo hội công giáo trong tất cả mọi thế kỷ không phải đơn giản chỉ là đứa con của Giáo hội của các Giáo phụ, mà nó là và vẫn còn là Giáo hội của các Giáo phụ”.
Nét đặc sắc quan trọng nhất của nền thần học của các Giáo phụ là đặc tính hiện sinh của nó, nếu như chúng ta được phép dùng cái từ của thời hiện đại nầy. Như Thánh GRÉGOIRE cũng là nhà thần học đã nói, các Giáo phụ đã suy tư thần học theo cách thức của các Tông đồ chứ không phải theo cách thức Aristote, “theo cách thức của những người đánh cá chứ không phải cách thức của ARISTOTE”. Giáo huấn của các Giáo phụ vẫn là một lời rao giảng. Thần học của các ngài là một thứ thần học dùng để giảng rao (une théologie kérygmatique), ngay cả như khi nó được đan dệt và được nâng đỡ về mặt lý luận dựa trên những chứng cớ đưa ra dưới hình thức tam đoạn luận. Thần học của các ngài đặt cơ sở trên niềm tin và kinh nghiệm của một cuộc sống tâm linh, và coi đó như vừa là phương tiện vừa là mục đích của thần học. Tách rời ra khỏi đời sống Kitô-hữu, thần học thôi không còn mang trong mình sức mạnh có khả năng thuyết phục, và tách rời khỏi đời sống niềm tin, thần học rã ra trở thành một biện chứng luận rỗng tuếch, thành một thứ ba hoa vô bổ, thiếu những hậu kết phục vụ cho thực tại hiện sinh và đời sống tâm linh. Thần học của các Giáo Phụ vẫn được cắm rễ sâu trong nỗ lực công khai tuyên xưng niềm tin. Nền thần học đó không chủ trương chỉ cần xây dựng cho được một hệ thống hiển nhiên tự nó có thể thuyết phục được người khác với những chứng cớ như kiểu của ARISTOTE, chứ trước đó,  chẳng cần gì chuẩn bị cho có được một đời sống tâm linh. Nền thần học nầy chỉ có thể “được rao giảng hay được loan báo”, được rao giảng từ toà giảng, đồng thời cũng được loan báo bởi lời cầu nguyện và trong những thánh vụ, được bày tỏ cách đích thực trong tổng hợp toàn thể là chính cả cuộc sống của người Kitô-hữu. Thần học được quan niệm theo cách thức đó không bao giờ tự tách rời mình ra khỏi đời sống cầu nguyện và hành động đạo đức (... ).
Đàng khác, thần học nầy luôn luôn mang bản chất ở trong tư thế chuẩn bị, bởi vì mục đích chính của thần học là nhằm đưa con người tới chỗ khẳng định và thừa nhận huyền nhiệm Thiên Chúa hằng sống và làm chứng cho Ngài một cách thực sự nơi lời nói và hành động của mình. Thần học không mang trong mình mục đích tự tại, thần học luôn luôn là một con đường. Thần học cũng như các tín điều chẳng biểu lộ gì ngoài là một chứng từ cho chân lý đó. Những hạn từ Kitô-học chỉ có được một ý nghĩa đầy đủ cho những ai đã gặp gỡ được Đức KITÔ hằng sống, cho những ai đã tiếp đón và đã thừa nhận Ngài là Thiên Chúa và là Đấng cứu độ, và vẫn ở lại với Ngài trong niềm tin, ở lại trong thân thể của Ngài, trong Giáo hội. Theo nghĩa nầy, thần học không bao giờ là một thứ hệ thống hiển nhiên, nhưng thần học luôn luôn đòi hỏi phải lấy niềm tin mà chiêm ngắm. “Điều mà chúng tôi đã thấy, điều mà chúng tôi đã nghe, chúng tôi loan báo nó cho anh chị em”. Thuật ngữ thần học mà cách ly ra khỏi lời rao giảng là thứ thuật ngữ trống rỗng và chẳng mang nội dung ý nghĩa gì. Chính vì lý do đó, những hạn từ nầy không bao giờ có thể được hiểu theo một cách thức trừu tượng, nghĩa là tách rời ra khỏi giáo huấn thuần tuý vẫn được dung trữ và đã được tinh luyện vẫn tồn tại ở trong những hạn từ đó. Sự phân ly những biểu thức đã được các Giáo phụ xác định ra khỏi tổng hợp toàn thể mà trong đó những biểu thức nầy được định vị và sự trừu tượng hoá dựa trên cơ sở đó đều sẽ dẫn đến sai lầm.
(Georges FLOROVSKY, “Grégoire PALAMAS et la patri- stique” dans IstineParis, 1961 - 1962, I, pp. 116 - 117.)

Tài liệu tham khảo:

·            Nicolas AFANASSIEFF, l’Église du saint-Esprit, Paris,       Cerf, 1975.
·           Olivier CLÉMENT, L’Église orthodoxe, Paris, PUF, coll. “Que sais-je?”, n0 949.
·                         //       , Questions sur l’homme, Paris, Stock, 1972.
·           Paul EVDOKIMOV, L’Orthodoxie, Neuchâtel-Paris, Dela- chaux et Niestlé, 1959.
·           Vladimir LOSSKY, Essai sur la théologie mystique de l’Église d’Orient, Paris, Aubier, 1944.
·           Jean MEYENDORFF, Initiation à la théologie byzantine, Paris, Cerf, 1975.

Nguồn: giaolyductin.org

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét