Trang

Thứ Hai, 24 tháng 7, 2017

Édouard SCHILLEBEECKX và Hans KUNG. Đức YÊSU KITÔ, tác nhân trong Giáo hội.

Édouard SCHILLEBEECKX và Hans KUNG. Đức YÊSU KITÔ, tác nhân trong Giáo hội.



Để minh hoạ thần học công giáo phương Tây thời kỳ sau Công đồng Vatican II, chúng tôi đã chọn hai khuôn mặt: Édouard SCHILLEBEECKX và Hans KUNG. Hai con người nầy phản ánh khá trung thực những vấn nạn và những nghi vấn vẫn thường quấy nhiễu lương tâm người công giáo thời kỳ sau Công đồng. Nếu đã là những người đã đóng góp viên đá của mình vào công trình của Công đồng, tiếp sau đó, họ vẫn tiếp tục nỗ lực cập nhất hoá đã được bắt đầu đó. Việc làm chung của họ cho tập san Concilium chứng minh cho nhận xét trên. Hai nhân vật đại học nầy không bao giờ lùi bước trước những yêu cầu thúc bách của chân lý. Chúng ta sẽ có thể dễ dàng biện biệt ra được trong tiến trình suy tư của họ bước quá độ đi từ một nỗ lực suy tư về Giáo hội qua một nỗ lực suy tư khá căn bản về Đức KITÔ.

Ân sủng trong thực tại hữu hình.

Édouard SCHILLEBEECKX là một linh mục dòng Đaminh người Bỉ gốc flamand. Chính vì thế, SCHILLEBEECKX vẫn đấu tranh với một thái độ đáng khen trước sau như một nhằm biến ngôn ngữ flamand thành một thứ ngôn ngữ thần học, đặc biệt qua tập san của ngài, tập san Tijdschrift voor Theologie! Được đào tạo tại Louvain, trong những năm 1945 - 1946, SCHILLE- BEECKX đã có dịp trải qua một năm ở Pháp, điều nầy cho phép SCHILLEBEECKX khám phá ra tầm quan trọng của nỗ lực suy tư về lịch sử trong thần học ở trường của các cha CHENU và CONGAR, và tiếp xúc với triết học hiện sinh, với chủ nghĩa Marx và chủ thuyết nhân vị lúc bấy giờ đang gây chấn động thế giới trí thức ở Paris. Từ năm 1946 đến 1957, SCHILLEBEECKX giảng dạy ở Louvain nơi mà SCHILLEBEECKX hoàn thành luận án tiến sĩ nổi tiếng của mình: L’économie sacramentelle du salut. Structure objective et participation subjective (1951) (Nhiệm cục có tính bí tích của ơn cứu độ. Cấu trúc khách quan và sự tham dự chủ quan). Năm 1957, SCHILLEBEECKX được bổ nhiệm đến Viện Đại học công giáo Nimègue (Hoà Lan, ctnd) để ngồi vào ghế giáo sư tín lý và lịch sử thần học. Kể từ đây, SCHILLEBEECKX kể như “gia nhập quốc tịch” Hoà Lan và “nhập khẩu” vào giữa lòng Giáo hội Hoà Lan, với tư cách cố vấn thần học thứ nhất. SCHILLEBEECKX sẽ hoà mình vào trong những cuộc tranh luận về cuốn Giáo lý Hoà Lan (1966) mặc dù ngài không tham gia gì trong công tác soạn thảo. SCHILLEBEECKX sẽ là một trong những người then chốt đứng về phía giai cấp thợ thuyền trong Hội đồng mục vụ Hoà Lan (1968 - 1970). Luôn luôn làm việc “giữa lòng Giáo hội”, trong những năm vừa qua, SCHILLEBEECKX đã cống hiến đời mình cho nỗ lực hoàn thành một công trình Kitô-học đồ sộ.
Chú tâm thần học của SCHILLEBEECKX trước tiên tập trung vào đặc tính bí tích (sacramentalité). Chính do những nỗ lực suy tư về các bí tích mà SCHILLEBEECKX mới được công luận rộng rãi biết tới. Tựa đề nầy của SCHILLEBEECKX đã gặt hái được thành công lớn: Le Christ, sacrement de la rencontre de Dieu (1957) (Đức KITÔ, bí tích của sự gặp gỡ Thiên Chúa). Trên nền tảng của Thánh THOMAS D’AQUIN, SCHILLEBEECKX hoạch định chương trình cho một nỗ lực suy tư về bí tích trong những phạm trù của chủ thuyết nhân vị. Tất cả mọi bí tích đều là một sự gặp gỡ giữa ngã vị với ngã vị, giữa Thiên Chúa và con người trong Đức KITÔ. Ngày nay vẫn còn, quy trình của công trình vẫn mang rất nhiều ý nghĩa:
1/   Đức KITÔ, bí tích của thiên Chúa, biểu lộ ân sủng thần linh dưới vóc dáng nhân loại.
2/  Giáo hội, bí tích của Đức KITÔ hưởng thiên (du Christ céleste).
3/    Bảy bí tích là bảy cách thế để cho ân sủng đạt đến chúng ta cách hữu hình, ở bên trong Giáo hội.
4/   Chính đời sống Kitô-hữu như là “bí tích của sự gặp gỡ Thiên Chúa”: vì, nói cho cùng, “tất cả là ân sủng trong thực tại hữu hình”.
Trong những năm 60, chúng ta đã sống qua sự lên ngôi của khuynh hướng trần tục hoá một cách dữ dội hơn cả. SCHILLEBEECKX cho rằng nếu sự tục hoá thế giới là một thử thách thì đấy là một thử thách có chiều hướng tích cực. Niềm tin Kitô-giáo sẽ vượt ra khỏi và được tinh luyện. Từ lúc đó, nhà thần học thấy mình được mời gọi tham gia một nỗ lực suy tư về kinh nghiệm con người mà từng bước sẽ giải minh được nội dung sau cùng của nó là: Thiên Chúa. “Để cho chứng cớ về Thiên Chúa có thể chấp nhận được, chứng cớ đó phải là sự giải minh (explicitation) một kinh nghiệm mà trong đó cái đã được thể nghiệm cách mặc nhiên lúc đầu được lôi ra ánh sáng sau quá trình suy tư”. Cùng lúc, SCHILLEBEECKX đào sâu những tương quan giữa Giáo hội và thế giới. Bài viết “L’Église et l’humanité” (Giáo hội và nhân loại) của ngài trong số 1 tập san Concilium đã đánh dấu một bước đường quan trọng trong nỗ lực suy tư của người công giáo với một vận động kép: thế giới chính là nơi chốn của ơn cứu độ và tuy nhiên, Giáo hội vẫn giữ một khoảng cách nào đó trong tương quan với nhân loại do sứ mạng tuyên xưng Đức KITÔ của mình.
Từ nay, sự tuyên xưng Đức KITÔ nầy là mối bận tâm lớn lao hơn cả của nhà thần học gốc flamand nầy. Làm thế nào tìm ra được một câu trả lời có tính sáng tạo và hiện đại cho câu hỏi thúc bách nầy: “Nhưng còn người, ngươi bảo Ta là ai?”? SCHILLEBEECKX đã cho xuất bản hai trong bộ ba mà ngài dự định: năm 1974, Jésus, le récit d’un Vivant (Đức YÊSU, câu chuyện kể về một Đấng hằng sống), và năm 1977, Justice et amour. Jésus, le récit d’une nouvelle pratique (Công bình và tình yêu. Đức YÊSU, câu chuyện kể một lối thực hành mới). Tập thứ nhất tập trung trên Đức YÊSU như là Ngài đã sống trên trái đất chúng ta: ngã vị, sứ điệp, cách thực hành cuộc sống và cái chết của Ngài. Tập thứ hai đề cập về Đức KITÔ như là kinh nghiệm có tính dứt điểm về sự cứu độ trong biến cố chết-phục sinh của Ngài. Tập thứ ba sẽ rút ra thần học về Thần Khí và thần học về Giáo hội hiểu ngầm dưới đó và, đàng khác sẽ phân tích về ý thức tôn giáo mà dị bản Kitô-giáo chỉ là một hiện tượng tương đối mới xẩy ra trong lịch sử mà thôi. Trong công việc bao la nầy, tác giả mạnh mẽ chứng tỏ rằng nơi Đức YÊSU trùng hợp cách hoàn hảo hai khẳng định nầy:
-   “Sự cứu độ con người ở nơi Thiên Chúa”;
 “Chính vinh dự của Thiên Chúa nằm trong hạnh phúc, sự giải phóng và sự cứu độ của con người.”

Chuẩn mực rút ra từ cội nguồn.
Giương cao ngọn cờ hiệu là Đức YÊSU KITÔ, Hans KUNG với tất cả dáng dấp của một kỵ sĩ có thừa dũng cảm “đang chiến đấu với một ngọn giáo dài và mũ chiến trên đầu gương lên” (A. DUMAS). Người Đức gốc Thuỵ Sĩ, giảng dạy tại Đại học Tubingen từ năm 1960, chúng ta vẫn gặp thấy KUNG có mặt ngay giữa vòng những cuộc tranh luận mới đây ở bên trong Giáo hội mà dưới con mắt ngài nguyên nhân là vì chân lý của Tin mừng: vấn đề đại kết, các tác vụ, giải thích Sách thánh và các Công đồng, đặc tính vô ngộ, Kitô-học. Với một thái độ hoàn toàn chân thành, KUNG đã đi là sẽ đi đến mút cùng đường suy tư của mình, không mấy lo toan về những trở ngại dựng đứng trên đường đi, kể cả dù đấy là Rôma.
KUNG đã định nghĩa cách hoàn hảo phương pháp suy tư thần học của mình, khi viết: “ngày nay hơn bao giờ hết, hai cực của nỗ lực suy tư thần học của chúng ta sẽ là một bên đó là sứ điệp Kitô-giáo nguyên thuỷ như là nó đã được quy định ở trong Sách Thánh, và bên kia là thách đối với những nét riêng tư của hiện tại của chúng ta và của tương lai của chúng ta. Cái nằm giữa hai cực nầy luôn luôn sẽ vẫn còn là quan trọng vì ở đấy chúng ta thấy lại được quá khứ của mình trong tình trạng như là nó vẫn đang điều kiện hoá hiện tại của chúng ta, và vì nó vẫn còn có thể giúp đỡ chúng ta khi nhắc chúng ta cần phải khôn ngoan dè dặt và kích thích động viên chúng ta, để chúng ta tìm ra con đường riêng của mình. Tuy nhiên, cái quá khứ này chỉ nằm ở hàng thứ yếu khi so với những nỗi khốn khổ và những hy vọng của riêng chính chúng ta chứ không phải của tổ tiên chúng ta, và khi đối chiếu với chương trình kế hoạch nguyên thuỷ trong hình thái chuẩn mẫu mà trên cơ sở đó Giáo hội đã ra đời. “Người ta luôn luôn vẫn có thể trách KUNG là có một thái độ không mấy coi trọng lịch sử Giáo hội: Đối với KUNG, hoàn toàn không có vấn đề đặt ngang hàng Sách Thánh và Truyền thống. Chỉ một mình Đức KITÔ là có thẩm quyền ở bên trong Giáo hội. Đức KITÔ là “chuẩn mẫu và là đích định chuẩn mà một nền thần học Kitô-giáo và Giáo hội phải ngắm vào đó thường xuyên”.
Từ thuở mới vào nghề, Hans KUNG đã đặc biệt nhạy cảm với cái xì-căng-đan gây gương mù gương xấu là tình trạng chia rẽ giữa những người Kitô-hữu. KUNG đã cống hiến luận án của mình cho vấn đề Công chính hoá (Justification) ở nơi              K. BARTH, và chứng tỏ rằng giữa nhà thần học thành Balê nầy và giáo thuyết công giáo chẳng có bất đồng nào nằm trong bản thể. Trong thời điểm Vatican II, KUNG đã chỉ cho thấy những con đường hoà giải mà hiện đang là một yêu cầu bức thiết. Thần học của KUNG luôn luôn vẫn muốn mình là chiếc cầu nối bắc ngang giữa những người công giáo và những người tin lành thệ phản, đồng thời vẫn không quên những đòi hỏi thuộc về yếu tính của phương Đông. Lời đề tặng lớn lao nhất mà người ta đã có thể viết cho tác phẩm L’Église (Giáo hội) của KUNG có lẽ là của Visser’t HOOFT: Hans KUNG đã suy nghĩ cho toàn thể đại gia đình Kitô-giáo.”
Nhân danh chân lý trên bình diện trí thức và với một thái độ đại kết lành mạnh, KUNG đã dứt khoát lật qua cái trang về Giáo hội học Chống-cải cách của Rôma. Không bao giờ KUNG che đậy giấu giếm những yếu đuối và những sai lầm của giáo hội, cái mà KUNG gọi là “mặt tiêu cực của yếu tính của Giáo hội” (mal-essence). Không bao giờ KUNG đồng hoá Giáo hội hiện thực đấy với Vương quốc đang đến. Không bao giờ KUNG đề cao các tác vụ tổn hại cho cộng đoàn. Chính vì thế, KUNG nói về tông đồ tính của Giáo hội trước khi nói đến tông đồ tính của các giám mục, KUNG đặt thành nghi vấn khi có một sự điều hành nào của hàng giáo phẩm chà đạp lên các đặc sủng.
Những mối bận tâm thuộc về lĩnh vực Giáo hội học đó đã đổ dồn về những vấn đề căn cơ hơn: làm sao loan báo Tin mừng cho những người đã bị tước mất nhân phẩm của mình trong thời đại ngày nay. Trong tác phẩm Être chrétien (1974, Seuil, 1978) (là Kitô-hữu) của mình, KUNG đã hoàn thành một nỗ lực phi thường nhằm hệ thống hoá và phổ thông hoá giòng tư tưởng của mình. Cuối cùng, tại sao là Kitô-hữu? Câu trả lời đáng được nghiền ngẫm:
        “Trong cuộc hành trình tiến bước theo chân Đức YÊSU KITÔ,
          con người có thể, trong thế giới ngày nay,
sống, hành động, khổ đau và chết với một cách thức thực  sự nhân loại:
          trong hạnh phúc và bất hạnh,
          trong suốt cuộc đời của mình và trong giờ chết của mình,
          được Thiên Chúa nâng đỡ và sẵn sàng phục vụ con người.”
Năm 1978, KUNG đã cho xuất bản một “tổng luận” mới quan trọng: Dieu existe-t-il? Réponse à la question de Dieu dans les temps modernes (Thiên Chúa có hiện hữu không? Trả lời cho vấn nạn về Thiên Chúa trong thời hiện đại). KUNG đã diễn tả thực tại đang trở thành của Thiên Chúa trong suốt bốn thế kỷ vừa qua – từ  DESCARTES đến NIETZSCHE đi qua từ  HEGEL, FEUERBACH, MARX, FREUD... – và phác hoạ nghi vấn về một khẳng định về Thiên Chúa mà dứt khoát phải được đặt ra trong hậu kỳ vô thần. Trong khi lại một lần nữa giải thích tước hiệu “Đức YÊSU, Con Thiên Chúa”, KUNG cố gắng trả lời cho nhiều phê bình chỉ trích đến từ bốn phía. Cuộc chiến đấu nầy hiện vẫn còn đang tiếp tục...
Bruno CHENU

X       X
X


Ơn cứu độ làm việc trong suốt cả đời người.
Sự kiện ngay từ trong những quan hệ đời sống cụ thể đã thể hiện thái độ chấp nhận hay là không chấp nhận huyền nhiệm cứu độ dẫn đưa chúng ta đến khẳng định rút ra từ đó rằng những người sống bên ngoài Giáo hội, cả họ nữa, trong tương quan của mình với tha thể, đã biểu lộ sự chọn lựa tích cực hay tiêu cực đối với sự cứu độ. Trong nghĩa nầy, sự tiếp xúc với Giáo hội không phải là nhân tố có tính quyết định hàng đầu. Điều đó giúp chúng ta tránh được sai lầm phân chia thế giới ra thành hai nhóm người: những người thuộc về Giáo hội, những người Kitô-hữu, và những người không thuộc về Giáo hội, những người không phải là Kitô-hữu. Có những Kitô-hữu đích thực bên ngoài những Giáo hội Kitô-giáo và, trong Giáo hội của Đức KITÔ, cũng có không ít những Kitô-hữu thuần tuý chỉ là trên danh nghĩa. Phán đoán nầy là chẳng có gì làm giảm đi giá trị độc nhất của Giáo hội, nhưng nó tương đối hoá một vài ý tưởng có tính chất tuyệt đối ngày xưa vẫn thường ngự trị. Tư tưởng của chúng ta về Giáo hội không ngừng cần phải được dẫn dắt trở về lại với những kích thước đúng đắn của nó và điều đó hoàn toàn không có gì gọi là dìm đi giá trị và nội dung ý nghĩa của Giáo hội. Nếu Giáo hội không phải là “thế gian”, nó lại càng không phải là “phi-thế gian” (“non-monde”). Điều mà Giáo hội loan báo cách minh nhiên thì một cách mặc nhiên nó vẫn đã làm việc nơi toàn bộ đời sống con người, đặc biệt là huyền nhiệm cứu độ. Giáo hội bày tỏ, công bố và cử hành, trong niềm vui tri ân, chiều kích sâu thẳm của chính cái mà nhờ ân sủng của Thiên Chúa đang được hoàn tất trong thế giới. Đặc tính phải quy chiếu vào thế giới để khám phá ra chính mình từ đấy vốn cố hữu ở nơi chính yếu tính của thực tại Kitô-giáo minh nhiên, tức là của Giáo hội. Giáo hội, chính là thế giới, (nghĩa là) ở đâu mà thế giới trở nên hoàn toàn đúng là chính mình, trong thái độ thừa nhận cách hài lòng huyền nhiệm thâm sâu là chính đời sống của mình, đấy chính là huyền nhiệm cứu độ được Đức KITÔ tác thành (thì ở đấy là Giáo hội).
(Édouard SCHILLEBEECKX, dans le collectif L’Église dans le monde de ce tempscommentaires du schéma XIII, Paris, Mame, 1967, pp. 144 - 145.)


Tại sao vẫn ở lại trong Giáo hội?
Bởi vì, trong cộng đoàn niềm tin nầy, dẫu sao, vẫn còn có thể, bằng cách thức vừa phê phán vừa với tình liên đới, dự đính vào một lịch sử diệu kỳ mà người ta cùng tham gia với nhiều người khác. Bởi vì, là thành viên của cộng đoàn niềm tin nầy, người ta, chính mình, là Giáo hội; bởi vì không được lẫn lộn Giáo hội với guồng máy và những người điều hành guồng máy đó, và bởi vì người ta không được để cho những người điều hành nầy muốn biến cộng đoàn ra như thế nào tuỳ ý. Bởi vì, mặc dù phải đưa ra những bác luận nghiêm trọng, người ta đã gặp thấy trong cộng đoàn nầy như là một xứ sở có những giá trị tâm linh có thể cống hiến một câu trả lời cho những vấn nạn lớn về nguồn gốc và về cùng đích, về nguyên nhân hiện hữu và về cùng đích của con người và thế giới, và bởi vì người ta không nghĩ rằng quay lưng lại với nó thì tốt hơn là quay lưng lại với thể chế dân chủ ở trong chính trị mà thực ra trong lãnh vực nầy tình trạng lý tưởng dân chủ cũng bị phản bội và bị bóp méo chẳng kém gì Giáo hội... Bởi vì, trong niềm tin, người ta có thể múc kín lên được giòng nước là niềm hy vọng rằng kế hoạch hoạch định, rằng tác nhân là chính Đức YÊSU KITÔ, như thực tế cho đến ngày nay vẫn chứng tỏ điều đó, vẫn sẽ mạnh mẽ hơn tất cả mọi sai lầm đã phạm phải trong và bởi Giáo hội. Chính vì lý do đó mà sự dấn thân dứt khoát ở trong Giáo hội và ngay cả sự dấn thân vào trong công tác phục vụ biệt loại của Giáo hội, dẫu sao, vẫn đáng cho người ta lao tâm khổ tứ hy sinh cả cuộc đời. Nếu tôi vẫn còn ở lại bên trong Giáo hội, không phải mặc dù (bien que) tôi vẫn là Kitô-hữu: tôi không tự cho mình là Kitô-hữu hơn Giáo hội. Nếu tôi vẫn ở lại bên trong Giáo hội, chính là bởi vì (parce que) tôi là Kitô-hữu.
(Hans KUNGÊtre chrétienParis, Seuil, 1978, pp. 609 et 612)


Tài liệu tham khảo:

*  Édouard SCHILLEBEECKX:
Chúng tôi dẫn chứng ra đây những tác phẩm đáng chú ý:
·           Le Christ, sacrement de la rencontre de Dieu, Paris, Cerf, 1960.
·           Approches théologiques, 4 vol., Bruxelles, Éd du Cep, 1965 – 1969.
·            Le mariage, t. I, Paris, Cerf, 1966.
·           La présence du Christ dans L’Eucharistie, Paris, Cerf, 1970.
Hai tập đầu của bộ La Christologie (Kitô-học) chưa được dịch ra tiếng Pháp, nhưng người ta có thể tìm thấy một bản tóm khá tốt trong bài viết “Jésus de Nazareth”, Lumière et vie, Lyon, n0134 (1977), pp. 5 - 45.
Về SCHILLEBEECKX, xem trình bày của Paul BOURGY trong Bilan de la théologie du XXesiècle, t. 2, Tournai-Paris, Casterman, pp. 875 - 890.


*  Hans KUNG:
Bộ phận chủ yếu của công trình tư tưởng của KUNG đều bằng tiếng Pháp. Cần lưu ý đặc biệt:
·           Concile et retour à l’unité, Paris, Cerf, 1961.
·           Structures de l’Église, Paris, DDB, 1963.
·           La justification, Paris, DDB, 1965.
·           L’Église, 2 vol., Paris, DDB, 1968 (résumé dans Qu’est-ce que l’Église?, Paris, DDB, 1972).
·           Être vrai, Paris, DDB, 1968.
·           Infaillible? Une interpellation, Paris, DDB, 1971.
·           Prêtre, pour quoi faire?, Paris, Cerf, 1971.
·           Incarnation de Dieu, Paris, DDB, 1973.
·           Conversion à l’avenir, Paris, Seuil, 1975.
·           Être chrétien, Paris, Seuil, 1978.
Một bài viết của KUNG có thể giúp nhập môn tốt tìm hiểu tư tưởng của ngài là: “L’Église selon l’Évangile. Réponse à Yves CONGAR”, trong Revue des Sciences philosophiques et théologiques, Paris, avril 1971, pp. 193 - 230.
Tác giả: Bruno CHENU - Lm Phêrô Nguyễn Thiên Cung chuyển ngữ
Nguồn: giaolyductin.org

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét