“Bakhita”, quyển sách về “sức mạnh của phụ nữ hôm qua và hôm nay” của Véronique Olmi
Văn sĩ Véronique Olmi lần lại các dấu vết đời sống của xơ Thánh Joséphine Bakhita sinh vào thế kỷ 19, lúc 7 tuổi (vào khoảng năm 1875) xơ bị bắt cóc ở Darfour, Xuđăng để bán làm nô lệ. Được lãnh sự quán Ý chuộc, xơ rời Xuđăng về Âu châu và sau đó đến ở Vénétie. Xơ trở lại đạo công giáo và cống hiến đời mình cho các em bé nghèo và phụ nữ. Xơ được Đức Gioan-Phaolô II phong thánh ngày 1 tháng 10 – 2000, xơ là phụ nữ Phi châu đầu tiên được phong thánh. Một câu chuyện ngạc nhiên đến sững sờ.
Làm sao bà “gặp” Bakhita trên đường đời của bà?
Véronique Olmi. Một cách rất lạ lùng. Tôi có căn nhà ở gần Langeais, vùng Touraine. Một ngày nọ tôi vào một nhà thờ mà xơ Bakhita là thánh bổn mạng của nhà thờ. Có một bức chân dung của xơ với vài ngày chính yếu trong đời của xơ. Tôi bị xơ hớp hồn. Khi đó tôi đang viết một quyển tiểu thuyết khác, tôi bắt đầu tìm hiểu về xơ qua Internet. Gần như không có gì hết, nhưng từ đó tôi chỉ nghĩ về xơ. Mới đầu, tôi bị lầm rất nhiều: với tôi, tất cả phải có một giải thích, Bakhita đi tu vì Chúa thay thế cho cha của xơ. Rất hợp lý, tôi lập luận theo người Pháp. Rồi tôi đọc một quyển sách chính thức về xơ, xuất bản thời đó ở Ý. Tôi đến gặp các xơ thuộc Dòng của xơ, các tu viện mà xơ đã từng ở đó, các nơi xơ đã từng đi ở đợ ở Vénétie.
Nhưng bà có hiểu vì sao bà bị xơ Bakhita hớp hồn không?
Điều làm tôi được đánh động là xơ đã quên tên mình. Làm sao một người lại có thể quên các kỷ niệm, quên chứng cớ, quên hình ảnh, quên hình vẽ, quên nơi chốn, quên cả tên mình? Làm sao người ta có thể làm lại cuộc đời, đâu là sức mạnh tâm hồn này? Sự việc xơ bị bắt cóc từ khi còn nhỏ để làm nô lệ trước khi đi tu. Đây phải là một bằng chứng cho một lực bền va lớn lao để cứu mình về mặt tâm hệ. Xơ có một loại hào quang, một ánh sáng tác động lên những ai đến gần xơ. Làm sao lòng tốt lại có thể nảy sinh từ những đau khổ lớn như thế? Làm sao lại giữ được lòng nhân khi sống trong sự vô nhân đạo này? Tất cả những nghịch lý này làm tôi mê mẫn. Sự cự lại nội tâm này là một bí ẩn. Bakhita vẫn là một bí ẩn. Xơ còn cao cả hơn rất nhiều những gì tôi có thể tiếp cận được. Tôi muốn tìm hiểu các bí ẩn này.
Bị bắt cóc lúc 7 tuổi, chân bị nung sắt, bị đánh đập, làm sao bà giải thích được sức mạnh tâm hồn của xơ Bakhita?
Tôi không biết, chúng ta tất cả đều không bình đẳng trước sự sống. Có một phần bẩm sinh trong xung năng sống còn của xơ nhưng tôi nghĩ Bakhita đã hẳn phải được gia đình, thị tộc thương yêu vô cùng trước khi bị bắt cóc. Xơ đã biết làm một chọn lựa, xơ rất thông minh, biết rõ tâm hồn con người và biết nhìn cái đẹp. Tôi nghĩ xơ có sự thông minh của một đời sống cao hơn. Xơ luôn tìm một hy vọng để sống còn cho ngày hôm nay: “Tôi sẽ đi tìm em tôi” (cũng bị bắt cóc), “tôi có thể phải đi qua làng tôi”… Xơ có một lực bất phục tùng nội tâm phi thường. Đây không phải là người được may mắn đụng đến; xơ thường xuyên sống trong nhục nhã, không nói ra những gì mình phải chịu đựng. Xơ rất khó khăn để làm cho người khác hiểu mình và cảm thấy mình không xứng đáng để được yêu thương. Xơ luôn là chiến trường của những cuộc chiến nội tâm, một cuộc chiến không ngơi nghỉ. Xơ luôn có mặc cảm tội lỗi mình là người sống sót. Sau khi được lãnh sự Ý chuộc lại, xơ đến Ý năm 1885, xơ đã thấy sự khốn cùng của các nông dân, xơ thấy họ chết đói trước mặt. Xơ qua đời năm 1947 ở Schio, nước Ý. Các bà lớn tuổi bây giờ – khi xơ qua đời các bà còn nhỏ – vẫn còn nhớ đến xơ.
Làm sao bà tiếp cận được với xơ?
Viết về xơ là đắm mình vào nội tâm. Tôi không thể đi đến Darfour, nhưng nguồn gốc Phi châu của tôi được ghép vào nguồn gốc của xơ. Tôi muốn viết một quyển tiểu thuyết, chứ không muốn viết một loại tiểu sử, vì thế tôi làm việc nhiều hơn về ngôn ngữ, hơn là tìm các văn kiện trong thư khố, tôi cố gắng tiếp cận xơ nhiều nhất có thể. Với một sức mạnh vô tận, Bakhita đã chịu đau khổ với tất cả hãi hùng mà một đứa bé có thể chịu được. Những nỗi sợ này, xơ đã sống và không bao giờ được an ủi. Công việc của một tiểu thuyết gia là làm những gì bộ môn kịch nghệ dạy: làm phóng lên đam mê, vạch một con đường nhân đạo cho chuyện vô nhân đạo. Đó là vấn đề của viết lách, của văn chương.
Tôi cảm thấy mình được xơ Bakhita che chở
Tương quan của bà với tôn giáo như thế nào?
Tôi xuất thân từ một gia đình trưởng giả và giữ đạo công giáo sốt sắng. Hình ảnh Chúa Kitô là nền tảng đối với tôi. Bây giờ, tôi không biết Chúa Giêsu chỉ là một tiên tri bình thường hay Con Thiên Chúa, với tôi, tôi không còn đặt câu hỏi. “Hãy thương yêu nhau”, đó là câu nói chủ chốt. Nhưng tôi không thuộc về một Giáo hội nào. Điều đã làm tôi thay đổi khi viết quyển sách về xơ Bakhita là xơ không rời tôi nữa, tôi cảm thấy tôi được xơ che chở. Nhưng tất cả vẫn rất mong manh và tôi vẫn phải cẩn thận. Tôi không thuộc về vô thức và đời sống của Thần Khí.
Trong quyển sách của bà, với nạn nô lệ, chúng ta bắt gặp sự xấu xa của nhân loại. Bà vẫn giữ được lạc quan?
Vẫn còn, bởi vì tôi được phòng giữ. Bakhita đã làm cho tôi có một ý thức sắc bén về nạn nô lệ hiện đại, ở trong tất cả mọi môi trường. Tôi tìm cách làm sao để hành động với ý thức này. Ở Paris cũng như ở các nơi khác, có rất nhiều Bakhita nho nhỏ. Tôi viết quyển sách này khi có các vụ tấn công ở thành phố Nice, ở nhà hát Bataclan, tôi biết các câu nói ngày nay qua các việc hôm qua. Vẫn còn các tiếng vang.
Cái gì vẫn còn thay đổi bà sau quyển tiểu thuyết này?
Tôi học được lòng biết ơn. Dù tất cả, đời sống này là một món quà. Quyển sách này đã làm tôi ngưng các việc khác trong hai năm. Tôi say sưa với Bakhita, nhiều đêm, tôi thức dậy để viết. Nhưng tôi không muốn lại bắt đầu quá trình này. Tôi mong quyển sách của tôi sẽ dẫn đến các suy nghĩ về nạn kỳ thị và dửng dưng. Mình thinh lặng nhiều hơn và ít phê phán hơn.
Làm sao bà giải thích sự thành công của quyển sách có đề tài gay go này?
Tôi vẫn nói, nếu ngày nay quyển sách này được đón nhận như thế là vì bây giờ người ta vẫn còn cần các anh hùng này trong cuộc sống hàng ngày. Những hình ảnh sáng chói như hình ảnh của Thánh Bakhita hướng dẫn và làm cho chúng ta sững sốt.
Văn sĩ Véronique Olmi phát hành quyển sách “Bakhita”, nxb. Albin Michel. “Bakhita”, quyển sách được giải thưởng tiểu thuyết của Nhà sách Fnac năm 2017
Marta An Nguyễn dịch
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét