Trang

Chủ Nhật, 26 tháng 11, 2017

Các nguy hiểm thiêng liêng đe dọa xã hội và thế giới hiện nay

Linh mục Gabriele Amorth: Các nguy hiểm thiêng liêng đe dọa xã hội và thế giới hiện nay

167
Trích sách Tôi gặp Satan, Linh mục Gabriele Amorth, Nxb. EdB
Chương 3: Các nguy hiểm thiêng liêng đe dọa xã hội và thế giới hiện nay
Bây giờ chúng tôi xin cha đề cập đến xã hội hiện đại. Cha đã cho thấy nhiều trào lưu của thế giới hiện đại: chủ nghĩa thiên cảm, vô thần, phóng khoáng và các loại khác. Có nhiều đe dọa thiêng liêng cho thời buổi hiện nay, theo cha, đe dọa thiêng liêng nào là đe dọa trầm trọng nhất?
Tôi luôn lặp đi lặp lại một chuyện; đe dọa trầm trọng nhất trong các đe dọa là phủ nhận sự hiện diện của Chúa. Đó là điểm khởi đầu. Sự phủ nhận Chúa khởi đi từ tất cả các triết lý, chống Chúa, chống tôn giáo, và đã cổ động cho tính không đạo đức.
Một vài người kể lại đời sống của họ cho tôi nghe, thật là thảm hại, điều làm tôi đau buồn nhất là họ bị tổn thương từ khi còn nhỏ. Khi tuổi thơ bị hư hại từ lúc còn rất nhỏ, thì vết thương sâu đậm đó vẫn còn; một chữa lành hoàn toàn là điều không thể làm được. Những người này có thể quay về với Chúa và là kitô hữu tốt, nhưng họ không bao giờ hoàn toàn lành.
Qua một chương trình của Radio Maria, tôi nghe một thăm dò ở Mỹ, trong số các trẻ em của các cha mẹ sống xa nhau, tất cả là những em bé bị tổn thương của cuộc sống. Đơn giản chỉ vì các em chỉ sống với một trong hai cha mẹ. Không một ngoại lệ. Và ở Mỹ thì các con số thống kê này rất ngiêm túc; họ nghiên cứu trên nhiều năm. Và nếu mọi người suy nghĩ khi đọc kết quả!
Tôi có xem một phim khủng khiếp, làm cho tổng thống Mỹ cũng phải rúng động, cuốn phim nói về chuyện phá thai có tên “Tiếng hét im lặng”, do bác sĩ phụ khoa Mỹ Bernard Nathanson thực hiện, phim phát hành vào năm 1984. Khán giả thấy một em bé trong tử cung người mẹ tìm cách chống cự với dao kéo, em bé cố tránh nhưng bào thai bị dao kéo cắt từng mảnh! Làm sao người ta có thể chấp nhận một chuyện như vậy? Tôi luôn ngạc nhiên khi thấy các bác sĩ, một mặt săn sóc người bệnh, một mặt lại hạ mình ‘giết các em bé’ như vậy. Họ lấy can đảm ở đâu mà làm như vậy? Trong các quyển sách của tôi, tôi gọi họ là các tên sát nhân! Và người bảo trợ họ là vua Hêrôđê, ông vua đã giết các hài nhi. Làm sao họ có thể làm được những chuyện này?
Ở Ý – và cũng có thể ở các nước khác -, có trường hợp vì trái lương tâm mà bác sĩ từ chối không phá thai. Bác sĩ khi nào cũng có thể đưa lý do lương tâm để từ chối không làm một số việc. Hôm qua tôi nhận thư của một linh mục gởi cho tôi, cha ở trong một bệnh viện mà trung bình các bác sĩ phá thai khoảng bảy mươi vụ mỗi tháng. Tôi không biết ông có theo dõi việc ở Mễ Du, khi một hội đồng gồm một bác sĩ Pháp, một bác sĩ Ý, họ làm điện não đồ trên các người có lòng tin. Một trong hai bác sĩ là bạn rất thân của linh mục, ông là người công giáo sốt sắng, ông can đảm tố cáo bệnh viện của ông vì đã thực hiện các vụ phá thai đã quá chín mươi ngày, như thế là trái luật. Và ông bị mất tín nhiệm. Bây giờ ai bảo vệ luật đều bị mất tín nhiệm và bị xem là kẻ thù. Tôi biết có những bác sĩ chống phá thai, họ bị mất việc, bệnh viện không thuê họ.
Ngay cả ở Ba Lan, có tiệm thuốc từ chối bán thuộc ngừa thai, tiệm phải đóng cửa. Vẫn còn các hình thức bức bách này.
Và ông có biết, một tiệm thuốc không xa Nhà Mẹ chúng tôi, họ viết trước cửa: “Nếu chúng tôi từ chối bán thuốc ngừa thai, người ta sẽ đập kiếng, sẽ bị trộm kiếng; chúng tôi sẽ gặp đủ vấn đề; chúng tôi buộc phải bán!”
Và chuyện tệ, đây không phải là chuyện ép buộc của khách hàng, nhưng là của Quốc gia và của luật.
Đúng vậy: luật bảo vệ họ. 
Đức Gioan-Phaolô II đã mô tả thế giới ngày nay chìm trong một nền văn minh của sự chết; còn ngài, ngài cổ động cho một nền văn minh của tình yêu. Ngài lo nền văn minh của sự chết sẽ thắng nền văn minh của tình yêu. Nền văn minh của tình yêu phải biến mất sao? Nỗi lo sợ này của Đức Gioan-Phaolô II có còn đứng vững ngày hôm nay không?
Những gì tôi biết, là trong các nước gọi là tiện nghi của chúng ta, có rất nhiều vụ tự tử, nhiều cảnh khốn cùng. So sánh với các nước Ấn Độ, Phi châu và nhiều nước thuộc Thế giới Thứ ba, họ không có vấn đề tự tử. Ở Ý, chúng ta có nhiều vụ tự tử vì chính quyền Monti: các người trẻ và ngay cả các người lớn tuổi!
Tôi gặp nhiều người lớn tuổi, họ có nhà, nhưng hàng tháng họ nhận tiền hưu thật kỳ cục, quá ít, không đủ trả hóa đơn điện, nước, sưởi. Tôi biết nhiều người chỉ nhận được 400 euro mỗi tháng, họ chỉ có chừng đó cho mọi chi phí. Làm sao họ trả các hóa đơn điện, nước, thuế…? Và nếu họ không trả được, họ sẽ bị cúp điện, nước. Thật dễ hiểu nếu có người tuyệt vọng, họ tự tử.
Xã hội chúng ta không trong sạch. Các hôn nhân cùng phái bây giờ được hợp pháp và càng ngày càng có thêm nhiều chuyện khác.
Chúng ta phải biết luật của Chúa là luật tốt lành, luật chủ trương điều lành. Luật chính là: “Anh em hãy thương yêu nhau như Thầy đã yêu thương anh em” (Ga 13, 34).
Chúng ta hiểu ngay lập tức, nếu luật này được mọi người thực hành, chúng ta tất cả yêu thương nhau, người giàu người nghèo, người khỏe mạnh người bệnh tật thì trần gian này đã nếm được hương vị trước của thiên đàng.
Cũng vậy, tất cả các điều răn của Chúa (chớ trộm cắp, chớ giết người…) đều là những điều răn hướng thiện.
Bây giờ người ta tìm cách để loại bỏ điều răn thứ sáu: “Chớ làm sự dâm dục”. Người ta hủy hoại gia đình, hủy hoại mục đích mà Chúa ban cho chúng ta về tình dục, người ta bôi bác, người ta làm nhơ nhuốc một cách tinh vi nhất. Chính vì vậy mà ngày nay một số người trẻ không nghĩ đến việc lập gia đình dân sự; họ sống với nhau một thời gian, rồi đổi qua người khác, họ thay liên tục; và thế là họ diệt luôn gia đình.
Trong khi theo chương trình hoạch định của Chúa, gia đình là: “Như vậy, họ không còn là hai, nhưng chỉ là một xương một thịt. Vậy, sự gì Thiên Chúa đã phối hợp, loài người không được phân ly” (Mt 19, 6). Gia đình như Chúa muốn, đó là tình yêu. Chúng ta thường thấy những gia đình sốt sắng, nhất là nơi những gia đình đông con, họ tin sâu đậm vào Chúa, tuân theo luật của Ngài, anh chị em chân thành yêu thương nhau, thảo kính cha mẹ.
Tôi vui khi gặp các gia đình này, chia sẻ bữa cơm hay dâng thánh lễ với họ. Họ hạnh phúc! Chúng ta có thể thấy niềm vui trên con mắt của họ. Và đây là điều răn thứ sáu: tình yêu tất cả, tình yêu trọn vẹn, tình yêu hàng đầu: Chúa trước hết mọi sự; và nếu Chúa ở hàng đầu, thì tình yêu có ở đó; nếu không có Chúa, gia đình tan vỡ. Và từ đó có thể đi đến chỗ tự tử.
Ở Ý, từ khi có luật cho phá thai, người ta ước chừng có hơn năm triệu rưỡi em bé bị giết. Đó là chỉ nói ở Ý và trong một thời gian ngắn. Còn trên toàn cầu. Thiên Chúa của chúng ta là Chúa của sự sống, chỉ có Satan mới muốn sự chết.
Thánh Gioan cho chúng ta biết, sự chết đến trong thế gian này vì lỗi của quỷ (sách Kn 2, 24). Quỷ tìm cách làm cho chúng ta không vâng lời Chúa. vì nó biết, nếu chúng ta không vâng lời Ngài, thì không có gì đứng vững, con người không, gia đình không, xã hội không, quốc gia không, không có gì đứng vững.
Và các phát minh Chúa cho con người làm, đó là công trình của Chúa, và con người khám phá, chẳng hạn năng lượng của điện đã có từ thời ông Adong bà Evà, tất cả các phát minh này là hoa trái của sự quan phòng của Chúa, dù đôi khi con người không dùng cho thích ứng. Năng lượng nguyên tử được ứng dụng tốt, nhưng chúng ta thấy, khi vừa khám phá, nó đã làm chết người hàng loạt. Nhưng Chúa tạo dựng điều tốt, Ngài ban cho chúng ta bao nhiêu điều tốt đẹp và hữu ích.
Tôi còn nhớ tôi nói chuyện với Cha Thánh Piô khi truyền hình mới du nhập vào nước Ý, ngài rất giận. Chúng tôi nói với ngài: “Thưa cha, đó là một phát minh tuyệt vời. Nó làm nhiều điều tuyệt diệu!”, ngài trả lời: “Đúng, nhưng các anh sẽ thấy, người ta sẽ dùng nó cho việc xấu”.
Thiên Chúa cho chúng ta những điều tốt lành, Ngài cho chúng ta khám phá những chuyện tốt đẹp; nhưng khi con người dùng vào mục đích xấu thì những chuyện tốt đẹp này trở thành có hại.
Một chuyện cuối cùng tôi muốn kết thúc với quỷ, đứa chuyên đi cám dỗ, nó phủ nhận sự hiện hữu của Chúa, những gì Chúa đã sáng tạo, những gì Chúa đã làm. Nó nói: “Không đúng vậy”. “Nếu chúng ta ăn, chúng ta sẽ chết”; “Không, sai, các ngươi không chết, ngược lại, các ngươi sẽ như các vị thần” (St 3). Đó là luật về phá thai, luật giết người. Trong tất cả các nước, từ nước này đến nước kia, ngay cả những nước có truyền thông công giáo: Pháp, Ý, Áo, Tây Ban Nha, Ba Lan, phá thai được xem như dấu hiệu tiến bộ của nhân loại, dấu hiệu của văn minh.
Cha nói chúng ta sống trong thời buổi mà Chúa bị lãng quên. Cha cũng nói: “Nơi Chúa vắng mặt thì luật của quỷ dẫn đầu”.
Chính xác. Không có một con đường trung gian: “Ai không đi với Ta là chống lại Ta” (Mt 12, 30).
Rất nhiều người có ảo tưởng khi nghĩ có một con đường trung gian. Họ nói: tôi kính trọng Chúa, tôi không nói xấu Ngài, tôi làm những gì mà tôi thấy tốt, tôi chỉ làm theo cái đầu của tôi.
Không thể được. Ai không theo lề luật của Chúa thì theo lề luật của Satan. Họ ở dưới sự thống trị của các luật Satan, các lề luật này tóm gọn vào ba lề luật mà tất cả những người theo satan đều tuân theo. Đây là ba luật mà những người này và chính satan tuân theo:
Luật thứ nhất: Làm tất cả những gì bạn muốn. Không giới hạn. Không cấm đoán. Bạn muốn giết người? Vậy thì giết! Cứ làm những gì bạn muốn.
Luật thứ nhì: Không ai có quyền ra chỉ thị cho bạn phải làm gì. bạn không cần vâng lời ai vì không ai có quyền ra lệnh cho bạn.
Luật thứ ba là luật của những người theo satan: Bạn chính là Chúa của bạn.
Chính xác đó là cách Lu-xi-phe thành quỷ. Nó muốn được như Chúa. Nó ý thức nó đẹp, cực kỳ thông minh, có quyền lực, có khả năng: và nó nghĩ nó làm chủ mọi sự. Và chính vì vậy nó phủ nhận nó chỉ là một tạo vật của Chúa, tùy thuộc mọi sự vào Ngài. Chính Chúa tạo dựng ra nó, cho nó tất cả mọi sự. Nó chẳng có công trạng gì để được nhận tất cả những gì nó nhận. Không. Nó nhận tất cả từ Chúa. Điều duy nhất nó phải làm, là dùng những gì Chúa ban với trí thông minh Chúa cho.
Bây giờ là con người. Con người có một hiểu biết tự nhiên về những chuyện nhạy cảm, về những gì con người có thể thấy, có thể sờ. Con người tiến bộ nhờ ánh sáng của sự hiểu biết tự nhiên của mình; chính vì vậy con người đi từ thời đồ đá đến thời hiện đại này. Con người không có gì tự tạo bởi chính mình. Nó khám phá. Năng lượng điện đã có từ thời ông Adong bà Evà, con người chỉ khám phá về sau. Con người không tạo dựng, con người khám phá, phát triển, và dù vậy, vẫn còn nhiều chuyện lớn lao con người chưa biết. Đúng vậy, với chỉ duy nhất lý lẽ tự nhiên, với hiểu biết con người, con người không thể đạt đến để biết các sự thật nền tảng. Có ba sự thật nền tảng: trước hết, con người không biết nguồn gốc của mình. Tôi từ đâu đến? Tôi có tự tạo mình ra? Tôi có quyết định được ngày và nơi tôi sinh ra, ai sẽ là cha mẹ tôi, mức độ thông minh của tôi sẽ như thế nào? Tôi không quyết định được gì; tất cả là tôi nhận được. Từ ai? Từ Chúa.
Có những câu trong Cựu Ước, trong Tân Ước, trong Phúc Âm Thánh Gioan, trong thư Thánh Phaolô gởi tín hữu Cô-lô-xê, tín hữu Ê-phê-sô nói rõ ràng cho chúng ta biết: tất cả được tạo ra bởi Chúa Giêsu và trong Chúa Giêsu. Các câu này cho chúng ta luật nền tảng về nguồn gốc chúng ta. Tôi đến từ đây? Đâu là nguồn gốc của tôi? Tôi đến từ Chúa, Chúa là người tạo dựng ra tôi.
Luật nền tảng thứ nhì: Tôi sẽ đi về đâu? Tôi có ý thức tôi sẽ chết không? Và sau đó. Con người nếu chỉ được trợ giúp bởi lý lẽ tự nhiên thì không thể tự cho mình câu trả lời. Nó không biết cái gì có sau cuộc sống trần gian này, dù vậy đây là điều chính yếu phải biết. Tôi được tạo ra bởi Chúa, trong Chúa Giêsu Kitô: mục đích của đời sống chúng ta là Chúa Giêsu Kitô. Chúng ta được sinh ra cho Ngài, sống cho Ngài và chính Ngài hoàn tựu đời sống chúng ta.
Và chính đây là nơi đi vào luật nền tảng thứ ba. Giữa luật đầu tiên là chúng ta không biết chúng ta từ đâu đến, trừ được ơn Chúa mạc khải, và luật thứ nhì là luật chúng ta không biết chúng ta đi về đâu, vì thế có nhiều người chọn con đường tự tử: “Nếu tôi tự tử thì mọi sự ngừng ở đây”. Sai! Khi chúng ta chết là chính khi đời sống vĩnh cửu bắt đầu. Nhưng điều này, với chỉ lý lẽ tự nhiên chúng ta sẽ không biết được.
Luật nền tảng thứ ba: Đâu là ý nghĩa cho cuộc đời của tôi? Chúng ta sinh ra, chúng ta sống, chúng ta chết trên quả đất này và chúng ta đi vào vĩnh cửu, tất cả chỉ trong một thời gian ngắn. Đó là cuộc sống con người. Vậy cuộc sống con người để làm gì?
Tôi thường gặp những người, dù đã lớn tuổi, họ nói với tôi: “Tôi không làm gì quan trọng trong đời; tôi cũng không biết đời tôi dùng để làm gì?”
Con của ta, lý lẽ là Chúa Kitô đã cho con: con được sinh ra, con đã sống cuộc đời Chúa ban, con nhận đời sống vĩnh cửu sau khi chết, con sống đời sống trên quả đất để có được Thiên đàng, để đến được đời sống vĩnh cửu. Nên dù suốt cuộc đời, mình có cảm tưởng mọi sự bị hỏng, nhưng nếu tâm hồn mình được cứu, thì chính đời sống của mình là sự chiến thắng.
Nếu người nào thành công tất cả trên trần thế, nếu họ là một nhân vật lớn, một nguyên thủ Quốc gia, một tỷ phú, có lâu đài sang trọng nhưng họ đánh mất tâm hồn, thì đó là một thất bại nặng nề. Thiên Chúa cho chúng ta biết nguồn gốc của chúng ta: chúng ta đến từ Ngài, chúng ta được tạo dựng bởi Chúa Giêsu Kitô. Ngài cho chúng ta biết mục đích của chúng ta: chúng ta được tạo dựng trong Chúa Giêsu Kitô.
Ngài mạc khải cho chúng ta biết ý nghĩa cuộc sống chúng ta: Chúa Giêsu Kitô. Chúa không thể nào cho chúng ta ý nghĩa nào lớn hơn là sống với Ngài, cho Ngài, chia sẻ cùng hạnh phúc với Chúa Giêsu Kitô. Như thế lề luật nền tảng thứ ba cho cuộc sống chúng ta, được quyết định qua chọn lựa của chúng ta hướng về điều thiện hay điều ác. Chúng ta chọn lựa cho đời sống tương lai của mình.
Chúa muốn mọi người đều lên Thiên đàng. Ngài cho mọi người biết phương tiện để cứu mình. Với những người phạm tội, Ngài ban ơn hoán cải, ơn chuộc tội. Nhưng nếu chúng ta từ chối ơn Chúa, nếu chúng ta muốn đi ngược với Chúa, nếu chúng ta chọn theo luật satan như chúng tôi đã nói ở trên (làm những gì mình muốn, không vâng lời ai, tự mình là chúa của mình), thì cuối cùng chúng ta đi theo Satan và đời sống vĩnh cửu là án phạt.
Và đâu là các phương tiện mà cha khuyên để chiến đấu và để phòng vệ cho yếu đuối của chúng ta?
Thuốc chữa căn bản chỉ có một: tin ở Chúa và tuân theo luật của Ngài. Làm sao để yêu Chúa? Chúa Giêsu nói với chúng ta: “Ai yêu mến Thầy thì sẽ giữ lời Thầy” (Ga 14, 23) Thánh Gioan cũng nói: “Nếu anh em nói mình là kitô hữu thì hãy cư xử theo cách của Chúa Giêsu”. Phải cư xử theo luật của Chúa, luật của Chúa được tóm gọn trong Mười Điều răn và được lặp lại và đào sâu qua giáo huấn của Chúa Kitô như: “Thầy ban cho anh em một điều răn mới: là anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em” (Ga 13, 34). Đó là điều răn mới vì điều răn cũ chưa đủ: “Người phải yêu người thân cận như chính mình” (Mc 12, 31), nhưng là “Anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em” (Ga 15, 12).
Và Thánh Gioan giải thích: Chúa Giêsu đã thương yêu chúng ta và hy sinh mạng sống của Người cho chúng ta thì chúng ta cũng phải sẵn sàng hy sinh mạng sống mình cho người anh em (1Ga 3, 16). Cho tất cả anh em chúng ta, vì chúng ta tất cả là con của Chúa. Chúng ta hiểu rõ điều này, điều này không muốn nói, tất cả các tôn giáo đều giá trị như nhau, nhưng tất cả chúng ta là con của Chúa, Chúa cho chúng ta khả thể được cứu. Chúa cho chúng ta ơn cần thiết để được cứu chuộc.
Dĩ nhiên ai ở trong kitô giáo đều thấy mình được lợi thế, nghe được lời Chúa Giêsu, nghe lời Phúc Âm, Sách Thánh, Cựu Ước. Họ biết lời Chúa Giêsu, họ noi gương Chúa Giêsu, noi cách sống của Ngài, để biết đối xử với người nghèo, người bệnh, với phụ nữ, với người có tội. Họ biết Chúa Giêsu đã sống như thế nào, họ còn được lợi thế hơn khi là kitô hữu, được rửa tội, được lãnh nhận các bí tích.
Vì thế, dù các tôn giáo không ngang nhau, nhưng chúng ta tất cả bình đẳng là con của Chúa. Chúng ta đến được với ơn cứu chuộc. Chúa Giêsu xin chúng ta đi rao giảng Phúc Âm và rửa tội nhân danh Ngài: “Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi loài thọ tạo” (Mc 16, 15) vì người kitô hữu nhận được ơn mà những người khác không có. Chỉ cần nghĩ đến bí tích Thánh Thể, bí tích hòa giải. Và đó là hai điều răn đủ để cho thấy người kitô hữu được lợi thể để noi gương Chúa Giêsu, hành động như Chúa Giêsu hơn nhiều người ở các tôn giáo khác không biết đến Chúa Giêsu Kitô.
Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét