Trang

Thứ Bảy, 25 tháng 11, 2017

Đức Phanxicô, nhà cải cách

Đức Phanxicô, nhà cải cách

fr.aleteia.org, Philippe de Saint-Germain, 2017-11-02
Ông George Weigel, nhà viết tiểu sử người Mỹ về Đức Gioan-Phaolô II đã nói: “Cho đến bây giờquyển sách Phanxicô, Nhà cải cách là quyển sách tác giả Ivereigh đã viết hay nhất về các sự kiện nền tảng của đời sống và tư tưởng của Jorge Mario Bergoglio”.
Rõ ràng, dù cho một cuộc nghiên cứu kỹ lưỡng về đời sống của con người ít bình thường này, thì cũng khó làm sáng tỏ được bí ẩn cho ơn gọi lạ lùng này. Và tác giả Ivereigh đã làm được! Qua một cuộc nghiên cứu rất tỉ mỉ, ông đã vào được cốt tủy tinh thần cực kỳ tự do của giáo hoàng châu Mỹ đầu tiên này của lịch sử. Nếu giáo hoàng này không thể đoán trước được, là vì lôgic của ngài không phải là lôgic của thế gian. Ngài theo sát từng chữ lời khuyên của Thánh Phanxicô Axixi: “Chúng ta không được quá khôn ngoan, quá thận trọng theo xác thịt; mà đúng hơn chúng ta phải đơn sơ, khiêm tốn và tinh tuyền”. 
Không khôn ngoan, không thận trọng
Tất cả cuộc đời của ngài, các thử thách của bệnh tật, cảnh sát chính trị, áp lực của quyền lực, phản bội đều ở trong con đường này. Chúng ta không thể hiểu ngài mà không đào sâu trong đời sống hàng ngày của một cuộc đời ngoại hạng, mà trước hết là cách của một thanh niên trẻ bình thường, thoải mái trong hoàn cảnh của mình, dè dặt nhưng “rất ân cần tử tế, rất hòa đồng”, chăm chỉ làm việc, thích thế thao, mê đá banh và mê điệu nhảy… tango. Nhưng cũng là cậu bé phi thường, có trí thông minh và ý chí phi thường, được thúc đẩy bởi ý muốn muốn phục vụ cho tất cả. Ngài nói: “Tôi sẽ là tu sĩ Dòng Tên để ở với mọi người”.
Một niềm đam mê Argentina
Để nắm được bí ẩn ơn gọi của ngài, trước hết phải hiểu lịch sử của đất nước Argentina của ngài, một đất nước trẻ, thường bị giằng co giữa thịnh vượng và nghèo khổ, giữa tự do và độc tài. Không ai giỏi hơn tác giả người Anh Austen Ivereigh để làm cho chúng ta hiểu tình trạng bất ổn của Argentina thời hậu chiến. Ký giả, nhà Vatican học, sử gia, tác giả Ivereigh là tùy viên báo chí của hồng y Tổng Giám mục Westminster, Murphy-O’Connor. Luận án về lịch sử của ông là Giáo hội và chính trị ở Argentina. Ông cho chúng ta thấy một đất nước bấp bênh và đau khổ, nhưng có một căn tính đặc biệt mà Jorge, cháu của một người di dân Ý đã dành hết niềm đam mê của mình cho đất nước.
Chúng ta có thể khẳng định một cách không nhầm lẫn, bản sắc Argentina này xuất phát từ năm 1810 khi Argentina được độc lập vào cuối thời kỳ đau đớn khi Dòng Tên bị trừ khử ở cuối thế kỷ 18. Giai đoạn bi thảm lịch sử này đã tác động trên thanh niên trẻ Bergoglio, anh mãnh liệt bác bỏ triết lý thời Ánh sáng và bác bỏ “ý thức hệ của chủ nghĩa tập trung”. 
Tái xây dựng nền móng chính trị
Khi là người đàn ông trẻ, Jorge có một niềm đam mê tự nhiên về chính trị: chủ nghĩa peron của những nguồn gốc, một loại chủ nghĩa dân túy-xã hội-kitô. Nhưng chủ nghĩa peron này, dù có chút suy nghĩ cũng bốc hơi theo mọi hướng, lúc bắt chước bên tả, lúc bắt chước bên hữu, thậm chí bắt chước luôn cả khủng bố… Rất nhanh chóng, Bergoglio xa cách nó. Sự khát khao điều tuyệt đối của ngài đã giải thoát ngài khỏi các ảo tưởng chính trị, nhưng không vì thế mà làm cho ngài không quan tâm đến lợi ích chung, vì mục đích này mà ngài dấn thân qua nhiều phương cách khác nhau.
Đó là điều tác giả Ivereigh quan tâm để chứng minh làm thế nào Giáo hội có thể giúp để “xây dựng một dân tộc” qua sự dấn thân của họ mà không dùng quyền lực của thế gian. Và đây là điều mà Đức Karol Wojtyla đã làm ở Ba Lan, Jorge Bergoglio đã làm trong một bối cảnh khác ở Argentina: phục vụ người nghèo nhất, bảo vệ những người bị ức hiếp, soi sáng lương tâm của người ưu tú, huy động xã hội dân sự, đào tạo giới trẻ, đoàn kết quốc gia trên các giá trị nền tảng. Ngắn gọn, “tái xây dựng nền móng chính trị”. 
Giáo hoàng bất ngờ
Khi được bầu làm giáo hoàng, Bergoglio đã 77 tuổi. Không ai nghĩ ngài sẽ là giáo hoàng. Các nhà Vatican học đã bác bỏ dự đoán này vì ngài đã quá tuổi. Để cải cách giáo triều, cần năng lực của một hồng y trẻ. Tất cả đều biết công dân Argentina này đã có thể được bầu vào năm 2005, nhưng Tổng Giám mục Buenos Aires không mong muốn chức này, ngài không muốn chống với hồng y Ratzinger, người mà ngài kính trọng (một nhà thần học vĩ đại, một bậc thầy của đức tin), lại càng không muốn mình bị dùng để làm hàng rào ngăn cản con đường của Đức Bênêđictô XVI.
Nhưng nhất là, nhiệm vụ của ngài chưa xong, lịch sử sẽ chứng minh. Theo tác giả Ivereigh, sợi chỉ hướng dẫn đời sống của tân giáo hoàng, đó là khả năng cải cách của ngài, và công việc tái cải cách của ngài chưa xong ở… châu Mỹ. 
Từ dòng giống của các nhà cải cách
Linh mục Jorge Bergoglio quả đúng là các nhà cải cách mà Giáo hội nuôi dưỡng để lớn lên trong sự trung tín của mình, tự do và dễ bảo trước sức thổi của Thần Khí, không ngừng thanh luyện mình khỏi tinh thần thế gian, thứ “thời thượng thiêng liêng” mà tu sĩ Dòng Tên này ghét cay ghét đắng. Lịch sử của Giáo hội được đánh dấu bởi các vị thánh lớn đã luôn làm mới Giáo hội một cách đặc biệt, để giúp Giáo hội vẫn luôn trung thực với chính mình, đó là các thánh: Bernard Clairvaux, Catarina Siênna và dĩ nhiên là Thánh Phanxicô Axixi. Các nhân cách ngoại hạng luôn thúc đẩy môi trường của họ, và những người mạnh mẽ này trong thời của họ, luôn bất chấp mọi rủi ro, với một sự tự do tuyệt đối.
Đến lượt mình, giáo hoàng Bergoglio tự cho mình có mục đích “làm cho Giáo hội phù hợp hơn với chính Giáo hội, chứ không biến đổi Giáo hội thành cái không phải là mình”. Trong tinh thần này, tác giả chứng minh, “Đức Phanxicô cho thấy mình là người thừa kế trực tiếp của Đức Bênêđictô XVI, không phải là không làm bực mình cho huyền thoại báo giới, họ ủng hộ cho giả thuyết có sự cắt đứt”. Hậu thế sẽ cho biết công việc của ngài có biến đổi Giáo hội theo tầm mức của các nhà cải cách lớn nhất không, nhưng trọn đời ngài, ngài đã làm chứng cho thấy, ngài không mệt mỏi dấn thân để làm cho đàn chiên của mình hoán cải một cách tận căn với Tin Mừng. 
Cùng với giáo dân
Đối với ngài, tận căn với Tin Mừng là tuân theo Chúa Kitô, là ở với dân của mình: phúc âm hóa và phục vụ người nghèo. Một sự phục vụ khiêm tốn, thực sự (cái mà ngài gọi là ‘tinh thần phúc âm cụ thể’) xa các lý thuyết xã hội trừu tượng vốn có ảo tưởng trong việc biến đổi các ý tưởng hay các cơ cấu. Đức tin tự quy mà không có công việc thì ngài không muốn, vì nó không từ Chúa Kitô. Và công việc, nó phải được thực hiện qua tương quan và với cái nhìn của Chúa Kitô.
Ngài dè chứng với các nhà tư tưởng bị lôi cuốn bởi quyền lực, cải cách hay nghiêm khắc(riformisti, rigoristi) không ngữi được mùi của đàn chiên như Chúa nói. Ngài không làm việc để xây dựng “Nước Chúa ở thế gian này”, đó là điều mà thần học giải phóng đầu tiên mong muốn, nhưng ngài chiến đấu với sự lệch lạc ý thức hệ này – đã tạo cho ngài không ít kẻ thù -, ngài tìm cách lan tỏa tình yêu của Chúa, bằng cách sống với tình yêu này, từ người này qua người kia, không bao giờ bước xuống thập giá: “Ai đón tiếp anh em là đón tiếp Thầy, và ai đón tiếp Thầy là đón tiếp Đấng đã sai Thầy” (Mt, 10, 40). 
Theo đường lối của Thánh I-Nhã
Tài năng cải cách này Jorge Bergoglio đã thực hiện ba lần trước khi làm giáo hoàng.
Jorge bắt chước theo mô hình của Thánh I-Nhã mà ngài đúc khuôn, tác giả Ivereigh nhận xét: “I-Nhã và Phanxicô có hai phẩm chất mà hiếm khi thấy cả hai phẩm chất này nơi một người, một mặt, I-Nhã (cũng như Phanxicô) có ý thức chính trị bẩm sinh – một số người nói đó là một sức mạnh lôi cuốn – qua khả năng đọc được tâm hồn con người, chiếm được lòng tin của họ, truyền khởi hứng cho họ, tổ chức để họ thực hiện được các lý tưởng cao cả của mình; với chừng đó, ngài đã có các phẩm chất cao lớn vô cùng của nhà lãnh đạo, nhà giáo và nhà thương thuyết.
Mặt khác, I-Nhã (cũng như Phanxicô), là một nhà thần nghiệm, sống và quản trị bằng phân định thần loại, chọn tất cả những gì để có thể phục vụ tốt nhất, cho vinh quang cao cả nhất của Chúa, điều mà các tu sĩ Dòng Tên gọi bằng tiếng la-tinh là magis (hơn nữa). Các nhà hướng dẫn thiêng liêng thông thái ít khi làm công việc quản trị và những ai ở vị trí cầm quyền thì gần như không bao giờ là thánh. I-Nhã và Phanxicô nằm trong số rất hiếm người phá vỡ khuôn mẫu này”. 
Ơn gọi bùng phát
Vào Dòng Tên, Jorge nhanh chóng được chú ý. Ngài được chọn làm giám tập trước khi khấn trọn và hai năm sau, ngài được bầu làm bề trên tỉnh dòng. Ngài mới 36 tuổi. Không chậm trễ, ngài lay động trong phạm vi của mình, nhất là lay động các vị trưởng lão bám vào vầng trăng cũ của thần học giải phóng. Ngài đặt Dòng Tên vào thứ trật hành động.
Trong nhiệm kỳ của ngài, các ơn gọi bùng phát, nhưng ngài cũng tạo nhiều kẻ thù. “Chỉ trong vòng vài năm ngắn ngũi, ngài đã tạo được một cơ quan thịnh vượng, bám rễ sâu trong văn hóa Argentina và trong đời sống của người nghèo, bằng cách xây dựng một tầm nhìn triệt để và đầy cảm hứng cho các sứ vụ đầu tiên của Dòng Tên qua phong cách quản trị phấn khởi và mang tính cách đặc sủng”. 
Gần người nghèo
Dưới chế độ độc tài, ngài khéo éo dàn xếp để bảo vệ các tu sĩ Dòng Tên và những người sống chui, dù ngài không chấp nhận lập trường chính trị của họ. Sau sự sụp đổ của chính quyền quân sự, người ta tạo rắc rối cho ngài: nhưng tác giả Ivereigh chứng minh cho thấy, thái độ của ngài không chê trách được, nếu không muốn nói, ngài áp dụng chiến lược thinh lặng, theo cách của Đức Piô XII trong thời Thế Chiến Thứ Hai. Nhà dẫn đường Bergoglio là người cẩn thận.
Sau nhiệm kỳ giám tỉnh, ngài được bổ nhiệm làm khoa trưởng Phân khoa thần học và triết lý Dòng Tên. Tại đây, thêm một lần nữa ngài lại lay động: ngài gởi sinh viên đi đến hầm mỏ than đá, đến gần người nghèo để phục vụ họ và để rao giảng Tin Mừng. Đối với ngài, đức tin không đi kèm với công việc là đức tin chết. Nhưng các phương pháp của ngài không làm vui lòng, lần này là về phía những người bảo thủ, họ không thích làm cho nhà cầm quyền nổi giận. Và chuyện này làm cho ngài bị gạt ra một cách đau đớn. 
Được Đức Gioan-Phaolô II chọn
Chống với ý kiến của giáo triều Dòng Tên, giáo triều và rôma, ngài được Đức Gioan-Phaolô II chọn làm giám mục phụ tá Buenos Aires (1992), rồi giám mục phó với quyền kế vị (1997), rồi giám mục (1998), và cuối cùng là hồng y năm 2001. Mặc cho các đối thủ của ngài chống, ngài được bầu làm chủ tịch Hội đồng giám mục Argentina. Ngài đưa Giáo hội ra khỏi phòng khách và phòng thánh: . “Thà có một Giáo hội bị tổn thương và dơ bẩn hơn là có một Giáo hội tự khép vào chính mình”.
Hồng y làm việc để làm cho hàng giáo sĩ bung ra, để mở ra cho trách nhiệm của giáo dân trong việc rao giảng Tin Mừng. Có một trí nhớ ngoại hạng, ngài đã lãnh đạo một cách hiệu quả cơ chế mà vẫn gần với đàn chiên của mình, ngài “không chời trò Tarzan”, có nghĩa là ngài luôn thấy Chúa Kitô nơi mỗi người mình gặp. 
Văn hóa gặp gỡ
Đối với ngài, “văn hóa gặp gỡ” không phải là khẩu hiệu ít nhiều mang tính tâm lý, nhưng là một định nghĩa của kitô giáo được sống trong sự “gặp gỡ cá nhân với Chúa Kitô”, một thành ngữ trong giáo huấn của Ratzinger và của linh mục Guissani, nhà sáng lập Hiệp thông và Giải phóng; đây cũng là trách nhiệm xã hội của đức tin, được xem như đường lối nhân bản trong việc phục vụ những người được gọi để lớn lên trong đối thoại và tương quan.
Văn hóa gặp gỡ, ngài nắm vững một cách toàn thiện. Vì thế nghệ thuật phân định của Dòng Tên cũng được áp dụng cho cá nhân cũng như cho cộng đoàn, mà ngài biết chẩn đoán các “cám dỗ”. Trong suốt quá trình kinh nghiệm và giảng dạy của mình, vì ngài đi giảng rất nhiều, nhất là qua các cuộc tĩnh tâm, ngài đã trình bày và thực hành nghệ thuật quản trị bằng cách dệt các mối dây liên hệ, với một nghệ thuật hoàn hảo quản trị các mâu thuẫn từ trên cao. 
Can đảm của sự thật
Được cảm hứng từ nhà thần học Guardini, vị thầy mà ngài cùng có với… Joseph Ratzinger, ngài suy nghĩ về các “động năng bất bình trong Giáo hội”, ngài muốn phá vỡ bế tắc của chủ nghĩa mát-xít và hê-gen. Ngài thích sự thẳng thắn và khuyến khích sự can đảm của sự thật (parrhèsia). Với ngài, mọi thứ đều có thể, nhưng không được đụng đến giáo điều (Chúng ta tất cả là con của Giáo hội): các quan điểm đối lập là phong phú và sáng tạo khi nó hướng đến hiệp nhất tất cả.
Điều này không ngăn ngài giải quyết, dùng chiến thuật được phát triển, theo cách “tiếp cận gián tiếp” của Lidell Hart mà ngài đã đọc khi còn là một linh mục trẻ: tránh đối đầu, làm suy yếu sức kháng cự của kẻ thù khi dùng các phương tiện khôn ngoan, quyết định. Dù vậy, theo cách làm không muốn tỏ ra khéo léo của mình: ngài biết làm thế nào để phân biệt mưu mẹo và thận trọng, vì ngài không nhắm vào quyền lực, nhưng nhắm vào hiệp nhất, hòa bình, phát triển đạo đức và tâm linh trong tự do.
Được chú ý ở Rôma
Là một tu sĩ Dòng Tên trọn vẹn, một giám mục trọn vẹn. Đức Bergoglio được Giáo hội hoàn vũ chú ý đến hai lần. Trong lần thượng hội đồng năm 2001, ngài là phó chủ tịch hội đồng giám mục, phụ tá cho báo cáo viên là hồng y Egan, New-York, và sau đó ngài thay thế hồng y. Chủ đề tế nhị dành riêng cho chức vụ giám mục, với vấn đề lặp đi lặp lại về tính đồng đội.
Ở Rôma, “hồng y Bergoglio được đánh giá cao về cách ngài phản ánh mối quan tâm của các giám mục mà không dấy lên bốc đồng”. Giáo sư người Uruguay Guzmán Carriquirry, người tín cẩn của các giáo hoàng ở giáo triều để theo dõi các vấn đề ở Châu Mỹ La Tinh nhớ lại: “Mọi người ngưỡng mộ ngài về khả năng cứu thoát được tốt nhất các cuộc thảo luận ở thượng hội đồng, dù phải gặp các hạn chế do cơ cấu áp đặt”.
Linh cảm của Đức Bênêđictô XVI
Sự kiện thứ nhì là vào năm 2007 trong hội nghị lần thứ năm của hội đồng giám mục Châu Mỹ La Tinh CELAM, tổ chức nhân kỷ niệm năm mươi năm thành lập hội đồng tại đền thánh Ba Tây Aparecida. Chống lại tất cả ý kiến, Đức Bênêđictô XVI khai mạc các công việc của hội đồng, một hội đồng nổi tiếng khó bảo, ngài ủng hộ tham vọng của hội đồng giám mục Mỹ. Ngài tuyên bố: “Tôi tin chắc, tương lai của Giáo hội công giáo, ít nhất là một phần, nhưng là phần cơ bản – sẽ được quyết định tại đây. Đối với tôi, điều này luôn rõ ràng”.
Ngay từ đầu, Đức Bergoglio đã in dấu của mình. Châu lục có một nửa số giáo dân công giáo trên thế giới phải trở thành “Giáo hội-nguồn” để truyền cảm hứng cho Giáo hội hoàn vũ, như Giáo hội Âu châu đã từng làm. Và đó là xác quyết của Đức Bênêđictô XVI. Đó là mở ra một sức thổi rao giảng Tin Mừng mới, loại bỏ các ý thức hệ lỗi thời đã làm ô nhiễm thế giới và Giáo hội, “phiên bản đế quốc của toàn cầu hóa và khuynh hướng tiến bộ vị thành niên”. Ưu tiên: Chúa Kitô, “để các dân tộc chúng ta có đời sống trong Chúa Kitô”.
Nhìn thế giới với con mắt của đức tin
Ngài nổi bật với khả năng ngoại hạng của mình, xác định các diễn biến trong một ngôn ngữ mới và sắc bén. Đại đa số các đại diện chỉ định ngài vào chức vụ soạn thảo văn kiện cuối cùng. Một cách kín đáo, ngài đã đi đến được sự đồng ý chung quanh việc quay trở lại với lòng mộ đạo bình dân, trong khoa chú giải của “dân thánh trung thành của Chúa”, thoát khỏi các phương pháp truyền thống gắn liền với việc phân tích theo xã hội học.
Ngài kêu gọi nhìn thực tế không theo tính cách chuyên gia, nhưng là “đồ đệ truyền giáo với con mắt của đức tin”. Sau đó ngài giải thích vì sao chúng ta không còn phải “tìm kiếm một khoa chú giải phúc âm của thế giới ở bên ngoài Phúc Âm và ở bên ngoài Giáo hội”. 
Một mùa xuân mới
Việc an táng một cách trọng thể thần học giải phóng này là một thành công lớn của hội nghị Aparecida. Nhờ sự cam kết tận tình của Giáo hoàng Bênêđictô XVI bên cạnh Đức Bergoglio, hội nghị này được xem là hội nghị đầu tiên trong thứ trật giáo huấn giám mục khi nào và dưới Thánh Phêrô (cum et sub Petro). Mùa xuân của tư tưởng công giáo sẽ là nguồn của một chương trình đích thực để canh tân cho toàn Giáo hội.
Người thợ gầy dựng chính của Đức Bênêđictô XVI, hồng y Bergoglio rời hội trường dưới tràng pháo tay vang dội, như một nhà lãnh đạo không còn nghi ngờ gì nữa của Giáo hội tiểu-châu lục.
Ngài đã đoán trước được? Đức Bênêđictô XVI đã tìm được người kế vị mình.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét