Trang

Thứ Tư, 8 tháng 11, 2017

SUY NIỆM CHÚ GIẢI LỜI CHÚA CHÚA NHẬT XXXI TN A - LM. INHAXIÔ HỒ THÔNG.


CHÚA NHẬT XXXI THƯỜNG NIÊN NĂM A
Phụng Vụ Lời Chúa Chúa Nhật XXXI Thường Niên Năm A trình bày cho chúng ta những bổn phận và trách nhiệm của các tư tế thi hành tác vụ tế tự của mình và của những người có sứ vụ giảng dạy và loan báo Tin Mừng.

Ml 1: 14-2: 2, 8-10

Ngôn sứ Ma-la-khi, vào thế kỷ V tCn, tố cáo những vi phạm nghiêm trọng của các tư tế Giê-ru-sa-lem khi thi hành tác vụ tế tự.

1Tx 2: 7-9, 13

Thánh Phao-lô cho thấy sự tận tâm tận lực của ngài và tính vô vị lợi tuyệt đối của ngài trong sứ vụ tông đồ của mình.

Mt 23: 1-12

Chúa Giê-su quở trách thói hư tật xấu của các kinh sư và những người Pha-ri-sêu, đồng thời Ngài cũng cảnh giác các môn đệ Ngài, sau nầy họ sẽ là những người lãnh trách nhiệm trông coi Hội Thánh của Ngài.

BÀI ĐỌC I (Ml 1: 14-2: 2, 8-10)

Ngôn sứ Ma-la-khi quở trách cách nghiêm khắc các tư tế Giê-ru-sa-lem cũng như cộng đoàn tín hữu, vào thời kỳ người ta thờ ơ lãnh đạm, thậm chí ngờ vực. Thời kỳ nầy được định vị vào tiền bán thế kỷ V tCn, khoảng 40 hay 50 năm sau khi Đền Thờ được tái thiết. Như chúng ta biết, Đền Thờ của vua Sa-lô-môn đã bị đạo quân Ba-by-lon phá hủy khi đánh chiếm kinh thành Giê-ru-sa-lem vào năm 587 tCn và được tái thiết vào giữa những năm 521 và 515 tCn nhờ lòng nhiệt thành của những người lưu đày từ Ba-by-lon trở về. Nhưng vài thập niên sau đó xuất hiện những dấu hiệu của sự thoái hóa vì nhiều nguyên nhân, nhất là việc canh tân tôn giáo được dự kiến bị chậm trễ. Việc tế tự bị lạm dụng và tâm tình tôn giáo trở nên nguội lạnh.

Một ngôn sứ nặc danh (Ma-la-khi không là tên riêng nhưng là biệt danh, có nghĩa “sứ giả của Ta”) phản ứng mãnh liệt. Đây là một trong những nét tiêu biểu của lịch sử Ít-ra-en, mỗi lần dân Chúa đi trệch hướng, một ngôn sứ xuất hiện để cảnh báo họ và lay động tiếng lương tâm của họ. Ma-la-khi là vị ngôn sứ cuối cùng, đánh dấu việc kết thúc truyền thống ngôn sứ. Truyền thống ngôn sứ sẽ tái xuất hiện nhưng dưới hình thức khác, hình thức văn chương khải huyền.

Bản văn Ma-la-khi được trích dẫn hôm nay gồm có hai phần: trong phần thứ nhất, những lời quở trách được gởi đến các tư tế, và trong phần thứ hai, những lời quở trách được gởi đến các tín hữu (giáo dân).

1.Các tư tế:

Đây không là lần đầu tiên mà một ngôn sứ gởi những lời quở trách nghiêm khắc đến các tư tế Giê-ru-sa-lem. Các ngôn sứ như Mikha, Xô-phô-ni-a, Giê-rê-mi-a, Ê-dê-ki-en đã không sợ làm như vậy trong những hoàn cảnh khó khăn hay bi thảm.

Ngôn sứ Ma-la-khi cho rằng, không phải không có lý do, thời kỳ ông sống thật là trầm trọng. Vào giờ dân Thiên Chúa mất nền độc lập của mình (họ sống dưới quyền thống trị của đế quốc Ba-tư), vào giờ họ phải khẳng định hơn bao giờ hết những giá trị đặc thù của mình, thì họ lại coi thường việc tế tự dâng lên Thiên Chúa của mình và sống cuộc sống luân lý không xứng đáng với niềm tin mà họ công bố.

Theo truyền thống ngôn sứ, lời của ngôn sứ cũng chính là lời của Thiên Chúa: “Quả thật, chính Ta là Đức Vua cao cả, - Đức Chúa các đạo binh phán” (Ml 1: 14). Kiểu nói này xuất phát từ các Thánh Vịnh, như Tv 47:

“Vì Đức Chúa là Đấng Tối Cao, Đấng khả úy, là Vua Cả thống trị khắp địa cầu” (Tv 47: 3).

Ngôn sứ Ma-la-khi muốn nhấn mạnh sự tương phản giữa việc tế tự cẩu thả mà các tư tế Giê-ru-sa-lem thực hiện với tế tự của lương dân, ở đó Danh Thiên Chúa được tôn kính. Từ đó, ngôn sứ Ma-la-khi đưa ra ba lời quở trách nghiêm khắc:
-“Nếu các ngươi không nghe và không lưu tâm tôn vinh Danh Ta” (1: 14). Thật ra, câu nầy quy chiếu đến những trách cứ của đoạn văn trước đó, liên quan đến những vi phạm nghiêm trọng trong việc tế tự ở Đền Thờ như dâng những tế vật què hay bệnh tật, vân vân. Lúc đó, như trong luật “Răng đền răng mắt đền mắt”, Thiên Chúa sẽ biến đổi những lời cầu xin những phúc lành của các tư tế cho dân chúng thành những những tai họa.

-“Các ngươi đã đi trệch đường và làm cho nhiều người lảo đảo trên đường Luật dạy” (2: 8a). Lời quở trách thứ hai nầy nhắm đến nhiệm vụ giảng dạy mà các tư tế có bổn phận thực thi. Tư tế là người được ủy thác Lời Chúa; họ sở hữu sự hiểu biết về Lề Luật. Ấy vậy, lời giảng dạy của họ là một sự đồi bại thật sự, đến mức khiến cho nhiều người tín hữu lầm đường lạc lối.

-“Các ngươi đã không tuân giữ đường lối Ta và hay nể vì khi áp dụng Luật” (2: 8b). Lời quở trách này được gởi đến các tư tế trong việc điều hành công lý. Lời quở trách này rất gần với huấn lệnh của sách Đệ Nhị Luật: “Anh em không được làm sai lệch công lý, không được thiên vị ai và không được nhận quà hối lộ, vì quà hối lộ làm cho những kẻ khôn ngoan hóa ra đui mù và làm hỏng việc của những người công chính” (Đnl 17: 19).

Những lời quở trách của ngôn sứ Ma-la-khi gởi đến các tư tế Giê-ru-sa-lem rất gần với những lời quở trách mà Đức Giê-su sẽ gởi đến các kinh sư và những người Pha-ri-sêu. Đó là lý do Giáo Hội chọn bản văn Ma-la-khi này.

2.Các tín hữu (giáo dân)

Tiếp đó, ngôn sứ Ma-la-khi ngỏ lời với “dân Thiên Chúa”, cộng đoàn tín hữu, mà ông là một thành viên. Ngôn sứ mời gọi các tín hữu hiệp nhất với nhau: “Tất cả chúng ta chẳng có một cha sau?” (Ml 2: 10). Ngôn sứ kêu gọi đến tình phụ tử của Thiên Chúa, vừa là Đấng tạo dựng con người: Chẳng phải cùng một Thiên Chúa đã dựng nên chúng ta sao?”, vừa là Đấng đã chọn Ít-ra-en làm con của Ngài:“Thế mà sao chúng ta lại bội phản nhau mà vi phạm giao ước của cha ông chúng ta”.

Bản văn này giới thiệu một đề tài rất đặc thù, nhưng âm vang sứ điệp Tin Mừng hôm nay.

BÀI ĐỌC II (1Tx 2: 7-9, 13)

Chúng ta tiếp tục đọc thư thứ nhất của thánh Phao-lô gởi tín hữu Thê-xa-lô-ni-ca.

Trong đoạn thư trích dẫn này, thánh Phao-lô phác họa một bức tranh nhỏ về sứ vụ tông đồ của ngài bằng những từ ngữ gợi hình đầy cảm xúc. Danh xưng: “chúng tôi” bao gồm các cộng tác viên của thánh nhân. Trong đoạn văn trước, thánh nhân đã giải thích rằng thánh nhân không tìm cách áp đặt trên họ uy quyền mà tước vị tông đồ ban cho ngài. Thánh Phao-lô sánh ví hành động của ngài với bà mẹ hiền: ngài đã sinh ra các tín hữu Thê-xa-lô-ni-ca thân yêu trong đức tin, ngài đã nuôi dưỡng họ bằng Lời Thiên Chúa và ngài sẵn sàng dâng hiến cho họ không những Tin Mừng mà còn cả mạng sống mình như mẹ hiền ấp ủ con thơ trong lòng của mình.

Vai trò mẫu tử của thánh Phao-lô thật thích hợp bên cạnh những người ki-tô hữu mới theo đạo; nhưng xa hơn, thánh Phao-lô hoàn tất bức tranh của mình khi gợi lên vai trò phụ tử của mình (không được trích dẫn hôm nay): “Anh em biết: chúng tôi đã cư xử với mỗi người trong anh em như cha với con; chúng tôi đã khuyên nhũ, khích lệ, van nài anh em…” (2: 11-12). Điều quan trọng là không nên tách rời vai trò mẫu tử và vai trò phụ tử ở nơi thánh Phao-lô, vì chúng diễn tả hai khía cạnh của sứ vụ tông đồ.

Về công việc mà thánh Phao-lô ám chỉ đến “để khỏi thành gánh nặng cho một người nào trong anh em” (2: 9), chúng ta không được biết công việc nào. Khi ở Cô-rin-tô và Ê-phê-xô, thánh Phao-lô đã có thể làm nghề dệt lều trong xưởng dệt của hai ông bà A-qui-la và Pơ-rít-ki-la. Có thể thánh nhân đã có thể gặp một công việc như vậy ở Thê-xa-lô-ni-ca. Dường như thánh nhân đã làm việc thâu đêm để ban ngày dâng hiến cho sứ mạng tông đồ của thánh nhân (2Tx 3: 8). Nhưng chắc hẳn công việc này không đem lại lợi nhuận cao, vì suốt thời gian thi hành sứ loan báo Tin Mừng tại Thê-xa-lô-ni-ca, thánh Phao-lô đã chấp nhận sự trợ giúp vật chất từ phía các tín hữu Phi-líp-phê, một trường hợp ngoại lệ.

Đoạn, dưới hình thức tạ ơn, thánh Phao-lô ca ngợi đức tin của các tín hữu Thê-xa-lô-ni-ca, vì họ đã biết đón nhận Tin Mừng như Lời Thiên Chúa (2: 13).   

TIN MỪNG (Mt 23: 1-12)

Đoạn Tin Mừng được trích dẫn hôm nay gồm hai phần: trong phần thứ nhất, Chúa Giê-su nghiêm khắc phê phán các kinh sư và những người Pha-ri-sêu (23: 1-7), và trong phần thứ hai, Chúa Giê-su cảnh giác các môn đệ Ngài (23: 8-12).

1.Phê phán nghiêm khắc các kinh sư và những người Pha-ri-sêu (23: 1-7)

Giáo huấn này không chỉ dành riêng cho các môn đệ mà cả đám đông dân chúng nữa: “Bấy giờ, Đức Giê-su nói với đám đông dân chúng và các môn đệ”. Trong giáo huấn này, Chúa Giê-su không chỉ vạch trần cho thấy những thói hư tật xấu của các kinh sư và người Pha-ri-sêu mà còn nhắm đến Giáo Hội tương lai của Ngài: tránh tiêm nhiễm “men Biệt Phái”.

A-Thói giả hình (23: 2-3)

Các kinh sư mà Chúa Giê-su nói đến ở đây xuất thân từ nhóm Pha-ri-sêu, vì thế chương 23 này liên kết liên tục giữa “các kinh sư và những người Pha-ri-sêu”.

“Ngồi trên tòa ông Mô-sê mà giảng dạy”: Theo nghĩa đen, “tòa” là chỗ giảng dạy trong hội đường, ở đó vị kinh sư thường ngồi để cắt nghĩa Lề Luật; theo nghĩa bóng “tòa” ám chỉ những người có thẩm quyền giảng dạy Luật Mô-sê. Ông Mô-sê đã chuyển giao cho dân chúng Lề Luật mà ông đã lãnh nhận từ Thiên Chúa, còn các kinh sư thì có phận vụ giảng dạy Luật Mô-sê cho dân chúng.

Khi công bố rằng “Tất cả những gì họ nói, anh em hãy làm, hãy giữ”, Chúa Giê-su công nhận thẩm quyền giảng dạy Lề Luật của các kinh sư, nhưng Ngài cảnh giác dân chúng và các môn đệ Ngài phải phân định Lề Luật mà các kinh sư này công bố và giảng dạy trong các hội đường với cách sống của họ: “Còn những việc họ làm, thì đừng có làm theo, vì họ nói mà không làm”. Vài năm sau đó, thánh Phao-lô, khi đối mặt với các bạn đồng môn Pha-ri-sêu trước đây của mình, cũng đã đưa ra những lời quở trách tương tự: “Vậy, bạn biết dạy người khác, mà lại không dạy chính mình! Bạn giảng: đừng trộm cắp, mà bạn lại trộm cắp! Bạn nói: chớ ngoại tình, mà bạn lại ngoại tình! Bạn gớm ghét ngẫu tượng, mà bạn lại cướp bóc đền miếu! Bạn tự hào vì có Lề Luật, mà bạn lại vi phạm Lề Luật, và như vậy bạn làm nhục Thiên Chúa! Thật đúng như lời chép: Chính vì các ngươi mà danh Thiên Chúa bị phỉ báng giữa chư dân” (Rm 2: 21-24).

Chính thói tự phụ cho rằng mình thông hiểu Lề Luật dẫn các kinh sư và những người Pha-ri-sêu đến thái độ khinh bĩ những kẻ bé mọn, những người không biết Lề Luật. Thánh Gioan nêu ra điều đó trong Tin Mừng của mình: Người Pha-ri-sêu nói với những vệ binh: “Trong hàng thủ lãnh hay trong giới Pha-ri-sêu, đã có một ai tin vào tên ấy đâu? Còn bọn dân đen này, thứ người không biết Lề Luật, đúng là quân bị nguyền rủa” (Ga 7: 47-49). Thái độ khinh miệt của họ như vậy thật là đối lập biết bao với Tin Mừng mà Đức Giê-su gởi đến những người bé mọn và những người khiêm hạ.

B-Chủ nghĩa duy luật (23: 4)

Truyền thống giải thích Lề Luật của các kinh sư, còn được gọi là “truyền thống của các tiền nhân”, đã tạo nên những quy tắc chi ly với muôn vàn những điều cấm và những điều buộc. Chúa Giê-su gọi đó là “cái ách” gông vào cổ, “cái gánh” đè nặng lên vai dân chúng: “Họ bó những gánh nặng mà đặt trên vai người ta”. Ngài đã từng tranh luận với họ về những quy tắc này như khi họ kết án các môn đệ về việc không tuân giữ nghi thức rửa tay trước khi ăn hay về việc bức bông lúa mà ăn vào ngày sa-bát.

Ở đây, Chúa Giê-su không tấn công tính khắc khe của các quy tắc, nhưng tính giả hình của các thầy dạy này, họ ra luật cho người khác giữ, còn họ thì không giữ; họ xác định mức độ dễ dãi cho họ, nhưng đòi buộc mức độ khắc khe cho người khác; họ thích “chỉ tay năm ngón” cho người khác, còn họ thì “không buồn động ngón tay vào”. Chính vì chủ nghĩa duy luật nầy mà Đức Giê-su giải thoát khi công bố giới luật yêu thương của Ngài: “Tất cả những ai đang vất vả mang gánh nặng nề, hãy đến cùng tôi, tôi sẽ cho nghỉ ngơi bồi dưỡng. Anh em hãy mang lấy ách của tôi, và hãy học với tôi, vì tôi có lòng hiền hậu và khiêm nhường. Tâm hồn anh em sẽ được nghỉ ngơi bồi dưỡng. Vì ách tôi êm ái, và gánh tôi nhẹ nhàng” (Mt 11: 28-30).

C-Thói phô trương (23: 5)

Chúa Giê-su vạch trần cho thấy thói phô trương đạo đức bề ngoài của các kinh sư này: “Họ làm mọi việc cốt để cho thiên hạ thấy”. Tất cả những gì họ làm chỉ để mọi người khen ngợi họ là những người đạo đức thánh thiện chứ không cốt để tỏ lòng mến Chúa. Thật đối nghịch biết bao với những lời khuyên mà Đức Giê-su ban cho các môn đệ Ngài: “Khi làm những việc lành phúc đức, anh em phải coi chừng chớ có phô trương cho thiên hạ thấy. Bằng không, anh em sẽ chẳng được Cha của anh em, Đấng ngự trên trời, ban thưởng. Vậy khi bố thí, đừng có khua chiêng đánh trống, như bọn đạo đức giả thường biểu diễn trong hội đường và ngoài phố xá, cốt để người ta khen. Thầy bảo thật anh em, chúng đã được phần thưởng rồi. Còn anh, khi bố thí, đừng để cho tay trái biết việc tay phải làm, để việc bố thí được kín đáo. Và Cha của anh, Đấng thấu suốt những gì kín đáo, sẽ trả lại cho anh” (Mt 6: 1-4).

Để minh họa thói phô trương này, Chúa Giê-su dẫn chứng hai tập tục là “đeo hộp kinh” và “mang những tua áo”.

-“Hộp kinh” là cái hộp nhỏ bằng da đựng lời tuyên xưng đức tin cốt yếu nhất của Ít-ra-en được trích dẫn từ sách Đệ Nhị Luật: “Nghe đây, hỡi Ít-ra-en! Đức Chúa, Thiên Chúa chúng ta, là Đức Chúa duy nhất. Hãy yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, hết lòng hết dạ, hết sức ngươi” (Đnl 6: 4-5). Tập tục đeo hộp kinh trên trán rất được tôn kính vì nói lên lý tưởng là mỗi người Do thái phải thường xuyên ghi nhớ Luật của Thiên Chúa và cam kết thi hành. Khi lên 12 tuổi, người nam Ít-ra-en đeo hộp nhỏ ở trên trán vào giờ cầu nguyện ban sáng và đọc lời chúc tụng như sau: “Chúc tụng Ngài, lạy Đức Chúa là Thiên Chúa, vì Ngài đã thánh hóa chúng con bằng các giới răn của Ngài và đã truyền cho chúng con đeo các hộp kinh”.

-“Những tua áo” là những dây vải ghi những câu Kinh Thánh được đính vào cánh tay áo hay vạt áo. Tập tục nầy bắt nguồn từ lời dạy của sách Dân Số: “Đức Chúa phán với ông Mô-sê: Ngươi hãy nói với con cái Ít-ra-en và bảo chúng phải làm tua khâu vào tà áo của chúng, qua mọi thế hệ, và cột lên tua áo đó một sợi dây đỏ tía. Vậy các ngươi sẽ mang tua áo, và khi nhìn thấy nó, các ngươi sẽ nhớ đến mọi mệnh lệnh của Đức Chúa mà thi hành, chứ không theo con tim và đôi mắt các ngươi mà đi làm điếm”(Ds 15: 37-39). Đức Giê-su không phê phán tập tục này nhưng trách cứ nặng lời thói phô trương đạo đức của các kinh sư và những người Pha-ri-sêu: “Họ đeo những hộp kinh thật lớn” và “mang những tua áo thật dài” cốt để cho thiên hạ thấy.

D-Thói háo danh (23: 6-7)

Chúa Giê-su phê phán thói háo danh của họ: ưa thích những chỗ ngồi danh dự trong các hội đường và trong bàn tiệc, được mọi người kính trọng trong công cộng.

2.Cảnh giác các môn đệ (23: 8-12)

A-Cộng đoàn huynh đệ (23: 8-10)

Những cảnh giác này được gởi đến cho những người có trách nhiệm trông coi các cộng đoàn ki-tô hữu: “Phần anh em”. Theo truyền thống thời xưa, mối quan hệ giữa “thầy” và “trò” khắng khít đến độ họ có thể gọi nhau là “cha” và “con” (x. 2V 2: 12; 1Cr 4: 14-17; 1Pr 5: 13). Trọng tâm của các câu cảnh giác này chính là “Còn tất cả anh em đều là anh em với nhau” (một lời khẳng định được đặt vào trung tâm của ba lời khuyên ở thể phủ định: “đừng”), nghĩa là mọi người ki-tô hữu, dù ở địa vị chức tước nào, đều là anh chị em với nhau trong một gia đình có Thiên Chúa là Cha trên trời và có một Tôn Sư là Đức Giê-su. Qua những lời này, Chúa Giê-su muốn nhắn gởi những vị hữu trách trong các cộng đồng ki-tô hữu phải luôn luôn ý thức rằng mình có thể được xem là thầy, cha, lãnh đạo, mục tử…trong mức độ người ấy thông dự vào tư cách là Thầy, Cha, Lãnh Đạo, Mục Tử đích thật là Đức Giê-su, như lời dạy của thánh Phao-lô: “Anh em hãy bắt chước tôi, như tôi bắt chước Đức Ki-tô” (1Cr 11: 1), mà mẫu gương của Đức Ki-tô chính là: “Cũng như Con Người đến không phải để được người ta phục vụ, nhưng là để phục vụ và hiến dâng mạng sống làm giá chuộc muôn người” (Mt 20: 28).

B-Đức khiêm hạ (23: 11-12)

Trong khi người Pha-ri-sêu ham muốn được quyền cao chức trọng, thì Chúa Giê-su nhấn mạnh rằng những quyền hành chức tước trong Hội Thánh của Ngài, phải được thực hiện như một hình thức phục vụ mọi người, nhất là những người nghèo hèn bé mọn, chứ không phải để ăn trên ngồi trước, có kẻ hầu người hạ: “Trong anh em, người làm lớn hơn cả, phải là người phục vụ”.

Thái độ tự cao tự đại và thói tham quyền không phù hợp với người môn đệ Chúa Ki-tô: “Ai tôn mình lên, sẽ bị hạ xuống; còn ai hạ mình xuống, sẽ được tôn lên”. Trong câu này, những động từ được dùng ở thể thụ động để chỉ Thiên Chúa là tác nhân: “Ai tôn mình lên, sẽ bị Thiên Chúa hạ xuống, ai hạ mình xuống, sẽ được Thiên Chúa tôn lên”. Đã đành ai cũng khinh ghét kẻ kiêu căng và mến chuộng người khiêm hạ, nhưng quan trọng hơn nữa là chính Thiên Chúa cũng hạ bệ kẻ kiêu căng và nâng cao người khiêm hạ. Đó cũng là lời rao giảng của thánh Gia-cô-bê: “Thiên Chúa chống lại kẻ kiêu ngạo, nhưng ban ơn cho kẻ khiêm nhường” (Gcb 4: 6). Và đó cũng là lời ca ngợi của Đức Trinh Nữ Ma-ri-a trong lời kinh Mangificat:

“Chúa hạ bệ những ai quyền thế, 
Người nâng cao mọi kẻ khiêm nhường” (Lc 1: 52).

3.Kết Luận:

Trong đoạn Tin Mừng hôm nay, thánh Mát-thêu đối chiếu hai hình ảnh Hội Thánh, một Hội Thánh theo kiểu mẫu Pha-ri-sêu: nói mà không làm, huênh hoang tự đắc, chuộng vẻ hào nhoáng bên ngoài, ham danh vọng và quyền hành, dễ dải với chính mình nhưng khắc khe với người dưới quyền. Bên kia là một Hội Thánh theo kiểu mẫu Đức Giê-su, trong đó những người ki-tô hữu cư xử với nhau như anh chị em trong một gia đình có Thiên Chúa là Cha và Đức Giê-su là Tôn Sư. Trong Hội Thánh theo kiểu mẫu Đức Ki-tô, quyền hành chức tước là những ân ban nhằm mục đích phục vụ, chứ không để phân biệt người trên với kẻ dưới, người giàu sang với kẻ nghèo hèn, người có quyền hành địa vị với kẻ cùng đinh. Chính vì mối nguy hiểm này có nguy cơ đánh mất vẻ đẹp của Hội Thánh mà Chúa Giê-su cảnh giác những người lãnh trách nhiệm trông coi các cộng đoàn ki-tô hữu là đừng bắt chước Hội Thánh theo kiểu mẫu Pha-ri-sêu.
 
  LM. INHAXIÔ HỒ THÔNG.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét