Trang

Thứ Bảy, 25 tháng 11, 2017

LỄ ĐỨC GIÊSU KITÔ VUA VŨ TRỤ - LM. INHAXIÔ HỒ THÔNG.

 SUY NIỆM CHÚ GIẢI LỜI CHÚA CHÚA NHẬT 34 TN A: LỄ ĐỨC GIÊSU KITÔ VUA VŨ TRỤ - LM. INHAXIÔ HỒ THÔNG.
ĐỨC GIÊ-SU VUA VŨ TRỤ

Lễ Chúa Kitô Vua đã được Đức Pi-ô XI thiết định vào năm 1925 để khẳng định niềm tin của Giáo Hội vào quyền tối thượng của Đức Giê-su trên mọi người, mọi gia đình và mọi xã hội nhân loại. Trong Thông Điệp của mình “Quas primas” vào ngày 11 tháng 12 năm 1925, Đức Pi-ô XI đặc biệt tố cáo chủ nghĩa thế tục làm phương hại tận căn vương quyền của Đức Ki-tô. 

Trước đây, Lễ Chúa Ki-tô Vua được ấn định vào Chúa Nhật cuối cùng của tháng mười. Từ cuộc canh tân phụng vụ, Ngày Lễ nầy đóng lại năm phụng vụ, vì nó được trình bày như đỉnh cao của tất cả mầu nhiệm Đức Ki-tô.

Lễ Đức Ki-tô Vua long trọng nhắc nhở rằng Đức Ki-tô không chỉ là anh chị em của chúng ta, người bạn đồng hành của chúng ta, nhưng cũng là Chúa của chúng ta.

Ed 34: 11-12, 15-17
Bài Đọc I, trích từ sách Ê-dê-ki-en, là dụ ngôn người mục tử nhân lành. Ngôn sứ Ê-dê-ki-en loan báo rằng Đấng Mê-si-a (Đức Ki-tô) mà muôn dân mong đợi sẽ còn hơn một vị vua: người mục tử nhân lành của dân Ngài, Ngài biết chọn lựa giữa chiên và dê, giữa người tốt và kẻ xấu.

1Cr 15: 20-26, 28
Trong thư thứ nhất gởi tín hữu Cô-rin-tô, thánh Phao-lô gợi lên vương quyền của Đức Ki-tô. Thiên Chúa đã quy phục mọi sự cho Ngài, và vào ngày cùng tận, Chúa Con sẽ hoàn lại cho Cha Ngài thế giới mà Ngài đã vĩnh viễn tiêu diệt quyền lực Sự Ác và Tử Thần.

Mt 25: 31-46
Tin Mừng trình bày ngày chung thẩm ở đó Đức Vua vinh hiển mở cửa Nước Trời cho tất cả những ai đã yêu mến Ngài qua việc yêu thương anh chị em bất hạnh của họ, những người mà Đức Vua tình yêu tự đồng hoá mình với họ. 

BÀI ĐỌC I (Ed 34: 11-12; 15-17)

Ngôn sứ Ê-dê-ki-en sống vào thời kỳ bi thảm nhất của lịch sử Ít-ra-en: thời kỳ những cuộc xâm lăng của đế quốc Ba-by-lon vào đầu thế kỷ thứ tư trước Công Nguyên. Sau khi vua Ba-tư là Na-bu-cô-đô-no-so đánh chiếm kinh thành Giê-ru-sa-lem lần thứ nhất vào năm 598 tCN, ngôn sứ Ê-dê-ki-en là một trong đoàn người ưu tú đầu tiên bị dẫn đi lưu đày.

Ngôn sứ Ê-dê-ki-en tiên báo một tai họa còn lớn lao hơn. Tai họa nầy bất ngờ xảy đến mười một năm sau đó. Quân Ba-by-lon triệt hạ kinh thành Giê-ru-sa-lem lần thứ hai và phá hủy Đền Thờ (588-587 tCN). Cuộc xuất chinh thứ nhất của quân Ba-by-lon là trừng phạt trong khi cuộc xuất chinh thứ hai là chấm dứt vương quốc Giu-đa.

Trong những hoàn cảnh bi thương, ngôn sứ Ê-dê-ki-en cực lực tố cáo các nhà lãnh đạo Ít-ra-en là bất tài, vị kỷ, bất công: họ là những mục tử gian ác đã dẫn dân của mình đến chỗ phải ly tán khắp nơi. Danh xưng “mục tử” được dùng để gọi vua rất phổ biến ở Đông Phương, thuộc ngôn ngữ triều đình.

1.Dụ ngôn người mục tử nhân hậu.

Khi tai họa bất ngờ giáng xuống trên dân tộc mình, ngôn sứ Ê-dê-ki-en, trước đây đã loan báo tai họa, nay loan báo niềm hy vọng: sẽ đến ngày Đức Chúa đích thân cầm lấy vận mệnh của dân Ngài, Ngài sẽ là vị Mục Tử đích thật.

Như ngôn sứ Ê-dê-ki-en, ngôn sứ Giê-rê-mi-a cũng sống cùng một hoàn cảnh lịch sử nhưng không bị lưu đày và vẫn còn lưu lại ở kinh thành Giê-ru-sa-lem, đã sử dụng cùng một hình ảnh để loan báo một tương lai tươi sáng hơn: “Khốn thay những mục tử làm cho đoàn chiên Ta chăn dắt phải thất lạc và tan tác…Các ngươi đã xua đuổi và chẳng lưu tâm gì đến chúng. Nầy Ta sẽ để ý đến hành vi gian ác của các ngươi mà trừng phạt các ngươi. Chính ta sẽ quy tụ đoàn chiên Ta còn sót lại từ khắp mọi miền Ta đã xua chúng đến. Ta sẽ đưa chúng về đồng cỏ của chúng…Ta sẽ cho xuất hiện các mục tử để lãnh đạo chúng; họ sẽ chăn dắt chúng” (Gr 23: 1-4).

Chắc chắn, sấm ngôn nầy của ngôn sứ Giê-rê-mi-a đã khơi nguồn cảm hứng cho ngôn sứ Ê-dê-ki-en về dụ ngôn “người mục tử nhân lành” mà ông đã khai triển dài ở chương 34 được trích dẫn trong Bài Đọc I nầy.

2.Sứ điệp hy vọng.

Trước hết, sấm ngôn loan báo tai họa của ngôn sứ Ê-dê-ki-en được ứng nghiệm ngay tức thời. Kinh Thành Giê-ru-sa-lem bị triệt hạ, Đền Thờ bị tàn phá, đám đông dân cư bị đi lưu đày. Đó là một thời kỳ thử thách, một thời kỳ “mây mù tăm tối” (hình ảnh truyền thống để gợi lên sự trừng phạt của Thiên Chúa). Mỗi lần kinh thành Giê-ru-sa-lem bị đánh chiếm, mỗi lần một đoàn dân cư bị lưu đày ở Ba-by-lon. Sau khi Giê-ru-sa-lem bị đánh chiếm lần thứ hai, thành thánh bị san thành bình địa, một số lượng dân cư Giê-ru-sa-lem và Giu-đê trốn chạy sang Ai-cập: đàn chiên bị tản mác khắp nơi.
Trong hoàn cảnh bi thương giáng xuống trên đất nước, ngôn sứ loan báo một sứ điệp chan chứa niềm hy vọng khi hứa rằng Thiên Chúa sẽ can thiệp. Chính Ngài sẽ đích thân chăn dắt đoàn chiên của mình: “Chúng có tản mác đến tận đâu vào một ngày mây mù tăm tối, thì Ta cũng sẽ cứu chúng ra”. Đó là lời hứa cuộc hồi hương trở về Giê-ru-sa-lem và cuộc đoàn tụ lại ở quê cha đất tổ. Đức Chúa sẽ đích thân băng bó tất cả những ai bị thương tổn, bồi bổ những ai bệnh hoạn trong cơn thử thách, Ngài “sẽ dựa vào công lý mà săn sóc”. Đây cũng là dụ ngôn về những mục tử gian ác, những kẻ có quyền cậy thế mà chà đạp những người nghèo hèn thấp cổ bé miệng.
Sứ điệp chứa chan niềm hy vọng này được gởi đến những người sống kiếp lưu đày và những nạn nhân xấu số trong những cuộc xâm lăng, nhưng cũng tiên báo một sự thay đổi sẽ xảy đến trong lịch sử Ít-ra-en: sau cuộc hồi hương trở về, vương quyền sẽ không còn được khôi phục lại nữa. Chỉ một mình Đức Chúa sẽ là lãnh đạo dân Ngài.

3.Tôn giáo tình yêu. 

Qua dụ ngôn người mục tử nhân lành, sứ điệp mà vị ngôn sứ gởi đến cho dân Ngài còn quan trọng hơn. Những mối liên hệ giữa Thiên Chúa và dân Ngài được trình bày như những mối quan hệ đầm ấm thân tình; những hình ảnh chất chứa biết bao âu yếm, sôi nổi, sống động như một điệp khúc: “Con nào mất, Ta sẽ lo tìm kiếm; con nào lạc, Ta sẽ đưa về; con nào bị thương, Ta sẽ băng bó; con nào bệnh hoạn, Ta sẽ bồi bổ; con nào béo khỏe, Ta sẽ giữ gìn”. Ở nơi dụ ngôn người mục tử nhân lành ẩn chứa một tôn giáo tình yêu. Đức Giê-su, khi lấy lại dụ ngôn nầy, sẽ định vị mình vào trong truyền thống của ngôn sứ Ê-dê-ki-en (Ga 10: 1-16; Mt 18: 12-14; Lc 15: 4-7).

Đức Chúa, Đấng trừng phạt dân Ngài, nhưng không quên họ và vẫn một lòng yêu thương họ, là một Thiên Chúa chí công vô tư: Ngài biết “phân xử giữa chiên và chiên, giữa dê và cừu”. Đây là hình ảnh mà thánh Mát-thêu lấy lại trong Tin Mừng về Ngày Chung Thẩm: chính dựa trên những tiêu chuẩn tình yêu nầy mà vị Vua-Mục Tử sẽ tuyên án.

BÀI ĐỌC II (1Cr 15: 20-26, 28)

Cộng đoàn tín hữu Cô-rin-tô, mà thánh Phao-lô đã loan báo Tin Mừng, đa số là người gốc Hy-lạp, ngay cả những người không phải gốc Hy lạp cũng chịu ảnh hưởng văn hóa Hy-lạp. Niềm tin vào kẻ chết sống lại đặt ra cho họ một vấn nạn. Tại sao thân xác, vốn là ngục tù giam hãm linh hồn trong thế giới vật chất, lại được thăng hoa viên mãn, lại được phục sinh? Đối với tư tưởng Do thái, quan niệm con người như toàn thể, việc kẻ chết sống lại gồm cả xác lẫn hồn được cắm rể trong một niềm tin truyền thống từ nhiều thế kỷ.

Thánh nhân dành đoạn kết của bức thư để trả lời cho những biện bác mà cộng đoàn Cô-rin-tô nêu lên.

1.Mối dây liên đới giữa cuộc Phục Sinh của Đức Giê-su và cuộc phục sinh của chúng ta.

“Đức Giê-su đã chỗi dậy từ cõi chết, mở đường cho những ai đã an giấc ngàn thu”. Chúng ta đều phải chết vì thân phận tội lỗi của chúng ta trong mối liên đới với sự chết và tội lỗi ở nơi A-đam, nhưng được sống lại nhờ liên đới với Đức Giê-su Ki-tô. Đức Giê-su là Đầu của toàn thể nhân loại được tái sinh, là Trưởng Tử của đoàn người đông đúc được sống lại. Theo Ngài và nơi Ngài toàn thể con người của chúng ta, cả xác lẫn hồn, được cứu độ.

2.Vương quyền của Đức Giê-su.

Lúc đó, thánh nhân triển khai tư tưởng của mình trong một thị kiến vĩ đại về Ngày Chung Cuộc. Sau khi đã tiêu diệt vĩnh viễn mọi thế lực Ác Thần và cuối cùng là Tử Thần, Chúa Con sẽ trao lại cho Chúa Cha vương quyền mà Chúa Cha đã trao ban cho Ngài. Như vậy mọi sự đều hoàn tất. Sứ mạng của Chúa Con được chu toàn. Lúc đó, Thiên Chúa có toàn quyền trên muôn loài.

TIN MỪNG (Mt 25: 31-46)

Năm Phụng Vụ hoàn tất trên thị kiến vĩ đại mà truyền thống Ki-tô giáo gọi là “Ngày Chung Thẩm”. Thị kiến nầy đóng lại bài diễn từ cánh chung, trong đó Đức Giê-su gợi lên những viễn cảnh nối tiếp nhau về ngày cùng tận của thế giới và ơn cứu độ của mỗi người.

1.Con Người.

Bức tranh được gợi hứng từ thị kiến của ngôn sứ Đa-ni-en: Con Người ngự giá mây trời mà đến và Thiên Chúa trao cho Người “quyền thống trị, vinh quang và vương vị; muôn người thuộc mọi dân tộc, quốc gia và ngôn ngữ đều phải phụng sự Người” (Đn 7: 13-14).

Ngai vinh hiển và sự hiện diện của các thiên thần vào Ngày Chung Thẩm là những nét đặc trưng của truyền thống ngôn sứ và các tác giả khải huyền. Nhưng hoạt cảnh được soi sáng chủ yếu bởi danh xưng “Con Người” được đặt ở đầu. Danh xưng “Con Người” được dịch sát từ có nghĩa “con của loài người”. Đây là diễn ngữ Kinh Thánh được gặp thấy trong sách Ê-dê-ki-en, đồng nghĩa với “một con người”, tức là một phàm nhân mỏng dòn yếu đuối đối lập với Thiên Chúa cao vời khôn ví như trong câu: “Hỡi con người, hãy đứng cho vững, Ta sắp nói với ngươi đây” (Ed 2: 1). Trong thị kiến của ngôn sứ Đa-ni-en, “Con Người” là nhân vật thuộc thiên giới từ mây trời mà đến, nghĩa là từ Thiên Chúa mà đến, nhưng cũng không kém con người.

Như vậy, qua danh xưng “Con Người” trong thị kiến Đa-ni-en, Đức Giê-su mặc khải rằng Đức Vua giáng trần để xét xử trần thế này thuộc về thiên giới nhưng cũng chia sẻ trọn vẹn nhân tính của chúng ta. Nét đặc trưng độc đáo nầy ngự trị toàn bộ hoạt cảnh: Vua-Thẩm Phán muốn liên đới với anh em đồng loại của mình, đặc biệt những kẻ nghèo hèn thua thiệt và bênh vực cho họ đến độ Ngài tự đồng hoá mình với họ.

Cựu Ước thường hằng cho thấy Thiên Chúa đứng về phía những kẻ thấp cổ bé miệng bị áp bức thua thiệt trong cuộc đời này. Chính Ngài đích thân đảm nhận việc báo oán cho họ. Trong sách Xuất Hành, Thiên Chúa một cách nào đó tự đồng hoá mình với những người khốn khổ, bị áp bức: “Giờ đây, tiếng rên siết của con cái Ít-ra-en đã thấu tới Ta; Ta cũng đã thấy cảnh áp bức chúng phải chịu vì người Ai-cập” (Xh 3: 9). Sách Gióp mô tả những nguyên do Thiên Chúa trừng phạt nhân danh công lý theo cùng những từ ngữ trong đoạn Tin Mừng hôm nay: “Anh đòi anh em nộp của cầm mà chẳng có lý do, lại còn lột cả áo che thân của họ. Kẻ mệt nhoài, anh chẳng cho nước uống, người đói lả, anh từ chối bánh ăn. Anh trao đất đai cho kẻ có quyền hành, và cho người thần thế được định cư. Các quả phụ, anh đuổi về tay trắng, các cô nhi, anh bắt phải bó tay.Vì thế, cạm bẫy bủa vây anh tứ phía làm cho anh bất chợt phải sợ hãi kinh hoàng” (G 22: 6-11).

2.Mến Chúa và yêu người.

Nét tiêu biểu của Ki-tô giáo đó là “Mến Chúa và yêu người là một”. Nhưng ai có thể công bố “mến Chúa và yêu người là một”, nếu không là Đấng hiệp nhất Thiên Chúa và nhân loại chúng ta ở nơi Ngài? Hoạt cảnh Ngày Chung Thẩm, trong đó việc chọn lựa giữa những người công chính và quân vô đạo được thực hiện dựa trên tiêu chuẩn tình yêu, minh họa hùng hồn nhất nét tiêu biểu Ki-tô giáo: “Mỗi lần các ngươi không làm như thế cho một trong những kẻ bé nhỏ nhất đây, là các ngươi đã không làm cho chính Ta vậy”.

3.Bối cảnh lịch sử.

Được đặt vào trong bối cảnh lịch sử của nó, đoạn Tin Mừng nầy đã có một âm vang ngay tức thời. Đức Giê-su đã từng gọi các môn đệ Ngài là những “kẻ bé nhỏ” (Mt 10: 42) hay “anh em Thầy” (Ga 20: 17). Vào lúc thánh ký ghi lại đoạn văn nầy, những người Ki-tô hữu đang phải sống trong cảnh bách hại, chịu những gian truân tứ bề, bị tù đày giết chết. Đức Giê-su dự phần vào những nỗi truân chuyên của họ. Không phải trên đường Đa-mát Ngài đã nói với Phao-lô: “Tại sao ngươi bách bớ Ta” (Cv 9: 4) đó sao? Chắc chắn đoạn Tin Mừng hôm nay đã đem đến một niềm an ủi lớn lao biết là ngần nào cho những người Ki-tô hữu đang sống trong cảnh bách hại và cho những ai giúp đỡ họ hay gia đình của họ. Tuy nhiên, bản văn có một tầm mức hoàn vũ hơn.

4. Tầm mức hoàn vũ.

“Các dân thiên hạ sẽ tụ họp trước mặt Người”. Vị Vua-Thẩm Phán ngỏ lời với hết mọi người. Đức Giê-su đã lật đổ những viễn cảnh của sách Lê-vi, theo đó, yêu người thân cận chỉ giới hạn ở nơi đồng bào của mình, để công bố chiều kích “tứ hải giai huynh đệ” của Luật Đức Ái. Tác giả thư gởi các tín hữu Do thái khẳng định rằng Đức Giê-su đã trở nên anh em của tất cả mọi người: “Đức Giê-su đã phải nếm sự chết, là để cho mọi người được cứu độ, nhờ ơn Thiên Chúa…Thật vậy, Đấng thánh hóa là Đức Giê-su, và những ai được thánh hóa đều do một nguồn gốc. Vì thế, Người đã không hổ thẹn gọi họ là anh em, khi nói: Con nguyện sẽ loan truyền danh Chúa cho anh em…” (Dt 2: 9-17). Vả lại, chính Đức Giê-su đã công bố: “Phàm ai thi hành ý muốn của Cha tôi, Đấng ngự trên trời, người ấy là anh chị em tôi, là mẹ tôi” (Mt 12: 50).

Đức Giê-su nối kết diễn từ Chung Thẩm với diễn từ “Các Mối Phúc Thật”, đồng thời đem đến một khía cạnh mới mẽ. Ngài mở rộng sự tuyển chọn của Thiên Chúa ở bên kia Ki-tô giáo nói riêng. Tất cả những ai thực hành Đức Ái huynh đệ sẽ được định vị trong tinh thần của Đức Kitô, dù thuộc bất kỳ dân tộc nào và bất kỳ tôn giáo nào: họ sẽ nhận được gia sản và dự phần vào những lời chúc phúc của Chúa Cha.

Đây là ân ban trực tiếp của mầu nhiệm Nhập Thể. Ngôi lời Nhập thể không là một giai đoạn tạm thời: Thiên Chúa tháp nhập vĩnh viễn vào nhân loại, và qua nhân loại Ngài cho chúng ta được tháp nhập vào Ngài.

 
Lm. Inhaxiô Hồ Thông.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét